Công nhân giúp việc nhà người Việt Nam ở Saudi phải làm việc quá sức, bị áp bức, và bị bỏ đói.
Yen Duong | Trà Mi dịch
Những người phụ nữ Việt Nam nói rằng họ bị buộc phải làm việc ít nhất 18 giờ một ngày, không được cho ăn, bị hành hạ và không cho trở về Việt Nam.
Hòa Bình, Việt Nam — Phạm Thị Đào sống với cô con gái bảy tuổi tên Hồng Anh trong một căn nhà bỏ hoang ở vùng ngoại ô tỉnh Hòa Bình, phía tây nam Hà Nội.
Bà Đào, 46 tuổi, là một người giúp việc nhà ở Ả Rập Saudi hơn bảy tháng cho đến khi bà trở về Việt Nam vào tháng Tư. Bà Đào thuật lại với Al Jazeera về kinh nghiệm sống ở thành phố cảng Yanbu,
“Tôi làm việc từ 5 giờ sáng đến 1 giờ sáng hôm sau, và được phép ăn một bữa vào lúc 1 giờ chiều. Ngày nào cũng thế — một lát thịt cừu và một đĩa cơm trắng. Sau gần hai tháng sống như thế, tôi như một người điên.”
Theo thống kê của Bộ Lao động CHXHCN Việt Nam, hiện có 20.000 người lao động Việt Nam trong vương quốc Saudi, với gần 7.000 công nhân giúp việc trong nhà (“người ở”) cho các gia đình người Ả rập Saudi.
Năm 2014, hai nước đã ký một hiệp ước lao động 5 năm đã mở đường cho nhiều công dân Việt Nam đi làm việc tại quốc gia vùng Vịnh này.
Saudi Arabia là một trong những nước nhập cảng công nhân giúp việc trong nhà lớn nhất thế giới.
“Chúng tôi đã không đòi hỏi gì nhiều, chỉ muốn không bị bỏ đói, không bị đánh đập, và được ba bữa ăn mỗi ngày. Nếu chúng tôi có điều đó, chúng tôi sẽ không cầu xin được giải thoát.” — Cựu nhân viên giúp việc nhà Phạm Thị Đào
Số công nhân Việt Nam tương đối nhỏ so với người Philippines, Indonesia và Sri Lanka, nhưng cộng đồng người Việt đưa tin họ bị ngược đãi.
Một số người trốn thoát đã kể lại điều kiện sống và làm việc của họ giống như nô lệ. Bà Đào đã lên tiếng trên mạng truyền thông xã hội nói về kinh nghiệm của riêng mình; bà nói
“Tôi hiểu rằng những công nhân [giúp việc nhà] như chúng tôi cần phải quen với những điều kiện làm việc cực nhọc. Chúng tôi đã không đòi hỏi gì nhiều, chỉ muốn không bị bỏ đói, không bị đánh đập, và được ba bữa ăn mỗi ngày. Nếu chúng tôi có điều đó, chúng tôi sẽ không cầu xin được giải thoát.”
Trịnh Thị Linh, một phụ nữ ở phía bắc tỉnh Hà Nam, giúp việc trong nhà cho một gia đình ở Riyadh.
Trước khi làm công việc này, người phụ nữ 30 tuổi chưa bao giờ du lịch ra ngoài Việt Nam và biết rất ít về Ả Rập Saudi. Linh nói với Al Jazeera qua điện thoại,
“Tôi đã được hứa sẽ có mức lương 388 đô la một tháng, và không phải trả bất kỳ phí tổn nào cho tiến trình tuyển dụng. Tôi rất vui mừng. Gia đình chúng tôi khá nghèo, và một tháng lương [của một người giúp việc trong nhà] như thế là nhiều hơn những gì chúng tôi kiếm được sau hai mùa trồng trọt.”
“Tôi thậm chí đã không có được miếng băng vệ sinh và bị buộc phải rửa và bóp chân cho họ. Có lúc bà chủ đã vất thức ăn thùa đi thay vì để cho tôi được ăn.” — Nhân viên giúp việc nhà Trịnh Thị Linh
Linh cho biết cô đã gặp những phụ nữ Việt Nam khác ở Ả Rập Saudi. Người trẻ nhất là 28 tuổi, người lớn tuổi nhất 47. Phần lớn họ là nông dân từ các vùng quê ở Việt Nam, nhiều người thuộc các dân tộc thiểu số.
“Ngay sau khi tôi đến sân bay ở Riyadh, họ (nhân viên của một công ty Saudi cung cấp người giúp việc nhà) đẩy tôi vào một căn phòng với hơn một trăm người khác. Khi chủ nhân đến đón, ông ta lấy sổ thông hành và hợp đồng lao động của tôi. Hầu hết phụ nữ tôi đã nói chuyện ở đây đều có cùng một kinh nghiệm như vậy.”
Giống như Đào, Linh cho biết cô chỉ được cho ăn một bữa ăn một ngày và phải làm việc 18 giờ.
Một người giúp việc nhà, yêu cầu giấu tên, cho Al Jazeera thấy hợp đồng của cô quy định một ngày làm việc chín giờ — một tiêu chuẩn cho các hợp đồng do Bộ Lao động Việt Nam viết.
Khi Linh yêu cầu được chuyển đến làm việc với một gia đình khác — quyền của công nhân theo hợp đồng của họ — nhân viên tại công ty môi giới Việt Nam đã hét vào mặt và cố gắng đe dọa cô.
Linh đã tuyệt thực trong ba ngày cho đến khi chủ nhân đồng ý đưa cô trở về lại công ty Saudi.
“Chủ nhân của tôi nói với tôi rằng ông ấy đã trả rất nhiều tiền để đưa tôi về nhà — khoảng $ 6.100 — vì vậy ông ấy muốn tôi ở lại, nhưng tôi không thể sống ở đó được. Sau một tuần, họ đã trả tôi về cho công ty môi giới [Saudi].”
Nhưng người chủ thứ hai của cô còn tệ hơn nhiều.
Vào ngay ngày đầu tiên, một phụ nữ trong gia đình chủ nhân lục lọi trong va li của Linh không cần được phép; bà ấy đã nhốt cô vào một căn phòng và tịch thu sổ thông hành của Linh.
“Bà ấy bỏ tất cả vali của tôi vào một phòng cất đồ và khóa lại; bà ấy không cho tôi dùng điện thoại và không cho tôi tự nấu thức ăn cho mình. Thậm chí tôi không có cả miếng băng vệ sinh và bị buộc phải rửa và bóp chân cho họ. Có lúc bà chủ đã vất thức ăn thùa đi thay vì để cho tôi được ăn.
“Sau ba tháng, tôi đã sụt từ 74kg xuống 53kg. Tôi đã thất vọng, hoảng sợ, thường xuyên bị mất ngủ, và điều duy nhất tôi có thể làm là khóc.”
Bộ Lao động của Saudi đã không trả lời yêu cầu cho một cuộc phỏng vấn của Al Jazeera; yêu cầu đã được gửi hơn một tháng trước thời điểm ấn hành bản tin. Đại sứ quán Saudi tại Hà Nội cho biết họ không thể bình luận.
Nó trở nên rất khó khăn cho những công nhân muốn chứng minh rằng họ đang bị ngược đãi, làm việc quá sức, bị đánh đập hoặc thậm chí bị tấn công tình dục. Việc thi hành pháp luật trước sau gì cũng thiên vị những công ty tuyển dụng Saudi.
Nguyễn Thị Mai Thủy, Điều hợp viên Chương Trình Tam giác Asean Tại Văn Phòng Lao Động Quốc Tế Việt Nam
Nguyễn Thị Mai Thủy, điều hợp viên dự án quốc gia cho chương trình Tam giác ASEAN tại Văn phòng Lao động Quốc tế Việt Nam (ILO), cho biết môi trường làm việc của người giúp việc trong nhà hạn chế sự giao tiếp bên ngoài của họ.
“Chuyện gì đã xảy ra trong [nhà] họ giữ không cho ai biết. Nó trở nên rất khó khăn để cho các công nhân có thể chứng minh rằng họ đang bị ngược đãi, làm việc quá sức, bị đánh đập hoặc thậm chí bị tấn công tình dục.
“Việc thi hành pháp luật trước sau gì cũng thiên vị những công ty tuyển dụng Saudi – những nhà tài trợ — chứ không phải là những người lao động.”
Công nhân giúp việc nhà nhập cảnh vào Saudi Arabia dưới sự bảo trợ, hoặc kafala, một hệ thống cấm họ đổi công việc hoặc rời khỏi đất nước mà không có sự chấp thuận của người bảo lãnh.
UAE, Oman, Kuwait, Qatar và Lebanon cũng gắn liền giấy phép nhập cảnh của người lao động với chủ nhân của họ, khiến họ dễ bị tổn thương và lệ thuộc vào gia đình chủ nhân.
Ở những nước này, những công nhân tìm cách trốn thoát khỏi một chủ nhân lạm dụng đã bị trừng phạt vì tội “bỏ trốn”, bị phạt tù, phạt tiền và trục xuất.
Công nhân giúp việc nhà người Việt Nam thường do một công ty môi giới Việt Nam tuyển dụng. Sau đó những công ty đó chuẩn bị cho những phụ nữ này về mặt ngôn ngữ và nghề nghiệp trước khi gởi họ cho những cơ quan tuyển dụng Saudi.
Công ty Việt Nam chịu trách nhiệm về quyền lợi của công nhân họ đã tuyển dụng. Bà Thủy, điều phối viên của ILO nói,
Hệ thống nhiều tầng này có nghĩa là người lao động dễ bị tổn thương bị ngược đãi ở mỗi đoạn đường.
Không có cách nào dễ dàng thoát ra khỏi vòng thử thách.
Bỏ một hợp đồng lao động ngĩa là sẽ bị phạt khoản tiền phạt lớn, cộng với giá vé trở lại Việt Nam, nếu người lao động không thể chứng minh là họ bị chủ nhân của họ lạm dụng và đàn áp.
Chi phí bỏ hợp đồng thường là từ 2,500 đến 3,500 đô-la
Bùi Văn Sang, Người tình Tuyết đang làm việc ở Riyadh.
Ông ấy nói Tuyết đang bị đánh đập và bỏ đói. Ông Sang nói,
Công ty môi giới Việt Nam đã yêu cầu ông ta trả 2,155 đô la để cô Tuyết có thể trở về, nhưng từ chối không viết xuống bất cứ điều vào văn bản.
Cô ấy đã bị lấy điện thoại và Sang chỉ có thể liên lạc với Tuyết mỗi hai đến ba tuần một lần, “khi chủ nhân của Tuyết cảm thấy muốn [cho phép cô ấy].” Ông nói thêm,
Khi ông đã có được 2.155 đô-la, công ty môi giới Việt Nam đòi ông trả gấp đôi.
Ông Sang đã vượt cả 1.500km từ Tây Ninh, quê của ông đến thủ đô Hà Nội để cầu xiin với công ty môi giới, nhưng đã bị từ chối. Sang nói,
“Tôi chỉ muốn tuyết trở về. Chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng nó lại khó khăn đến thế – cô ấy đã phải xa nhà, xa con cái và họ hàng ở đây. Nếu cân nhắc mức lương – được 388 đô la mỗi tháng và phải làm việc 18 đến 20 giờ mỗi ngày, thì nó còn ít hơn nhiều so với mực lương cô ấy được trả ở đây tại Việt Nam như một giúp việc trong nhà.”
Không có tổ chức độc lập nào ở Ả Rập Saudi hay Việt Nam x\có thể bảo đảm sự an toàn của công nhân giúp việc trong nhà.
Trong vài năm qua, các báo cáo về sự ngược đãi đã giục chính quyền Saudi có đề nghị sửa đổi các quy định lao động hiện tại, nhưng các nhóm vận động nhân quyền nói rằng họ chưa làm đủ.
Công nhân và người thân của họ phải dựa hoàn toàn vào các công ty môi giới Việt Nam để được hỗ trợ.
Linh, công nhân giúp việc trong nhà ở Riyadh, cho biết khi cô liên lạc với công ty Việt Nam đưa cô sang đây, họ nói với cô rằng hợp đồng lao động chỉ có hiệu lực ở Việt Nam, chứ không có giá trị ở Ả Rập Saudi. Linh nói qua điện thoại,
“Họ [các công ty Việt Nam] có trách nhiệm phải bảo vệ quyền lợi của chúng tôi, nhưng tất cả những gì họ làm là hét vào mặt chúng tôi. Bây giờ tôi chỉ muốn rời khỏi đất nước này. Nếu tôi đi đến bót cảnh sát, ít nhất họ sẽ đưa tôi đến trung tâm giam giữ, và tôi sẽ bị trục xuất và được phép rời khỏi đây.”
Gần đây, cô đã phát hình lên mạng một video mô tả chi tiết về cách đối xử mà cô và nhiều người Việt Nam giúp việc trong nhà phải chịu đựng trong khi làm việc tại Saudi Arabia.
Đoạn Video đó đã được xem 113.000 lần.
“Nhiều phụ nữ tôi biết ở đây chỉ muốn điều tương tự — họ chỉ muốn ra đi. Nhưng họ sợ, họ bị đe dọa, và thậm chí họ không dám nói ra.”
© 2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Nguồn: Overworked, abused, hungry: Vietnamese domestic workers in Saudi by Yen Duong | Việt Nam, Septemebr 19, 2018. Về tác giả: Yên Dương là một nhiếp ảnh và người viết độc lập ở Việt Nam