Chính trị và sức mạnh của lịch sử (p1)

Trần Giao Thủy

Với Martin, ủng hộ đồng minh ít hơn 100% đồng nghĩa với phản bội.

Cuối năm 2008 – Ở một vùng trời bình yên. Gian phòng rộng không đến mười mét vuông, cả bốn bề là kính với những chậu cây miền nhiệt đới vây quanh cái bàn đá hình tròn. Bên ngoài những con dốc tuyết như ngừng hẳn lại ở những gốc cột đèn đường sáng trắng. Ánh đèn xe ngày nghỉ vẫn bay qua lại vun vút trên mặt xa lộ. Tiếng nói cười, chuyện trò ngày tết, tiếng xe bên ngoài, tiếng hai con chó nhỏ, … Tất cả dường như không đủ decibel để chen lấn với những suy nghĩ không có thứ tự quanh đây.

– Này, lâu ngày không gặp, giữa chúng mình tôi nói thật, thôi đừng “làm” chính trị nữa. Không được gì đâu.

Người bạn đã lâu chưa có dịp trò chuyện, kéo tôi về thực tại của bữa tiệc với bạn bè trong những ngày nghỉ cuối năm.

– Trời ạ! Có bao giờ mình “làm” chính trị đâu.

– Ừ, một cách nói thôi; đừng bàn, đừng viết gì đến chính trị nữa.

Anh nói chỉ để nói. Một khoảnh khắc sau người bạn đã quay sang chuyện thắng cử của Obama; một mạch, anh đi từ thời trước cả Martin Luther King Jr. đến những cuộc tranh đấu ròng rã cho dân quyền của khối người Mỹ gốc Phi châu – từ cuộc biểu tình khổng lồ ngày 28 tháng 8 ở Washington, D.C. đến những vụ bạo động của “long hot summer” năm 1964 đánh thức tập thể người Mỹ.

Từ “Tôi có một giấc mơ” tháng Tám 1963 của Martin Luther King Jr. ở Washington đến những cuộc bạo động tháng Bảy 1964 ở Harlem, New York. Sau đó là Los Angeles, tháng Tám năm 1965, rồi Cleveland, tháng Bảy 1966, tháng Bẩy 1967 ở Newark và Detroit. Sau khi Mục sư King bị ám sát ở Memphis, Thủ đô Hoa Thịnh Đốn lại ngập tràn bạo động vào tháng Tư 1968.


Dr. Martin Luther King Jr.: I have a dream (August 28, 1963)

Tranh đấu ôn hoà cho xã hội công bằng chưa đủ, đấu tranh bạo động cũng không gặt được kết quả, khối trí thức người Mỹ gốc châu Phi đổi chiến lược, mở cuộc vận động ở hạ tầng cộng đồng, giáo dục quần chúng cử tri về sức mạnh của lá phiếu. Hơn 40 năm sau lần đầu tiên lịch sử Hoa Kỳ có Tổng thống da đen.

Anh nói tiếp,

“Phải lắng nghe họ, những người da đen, mới hiểu được những nhọc nhằn lịch sử và niềm hạnh phúc vô biên ngày họ chọn Obama làm tổng thống Hoa Kỳ.”

“Ở Mỹ chỉ có hai màu, trắng hay đen. Là người từ châu Á, không phải là người da đen, nghiễm nhiên anh là người Mỹ (gốc châu Á) da trắng.” [sic]

Lần nào gặp anh cũng thế. Say sưa nói chuyện cách mạng xã hội nhưng anh vẫn (mâu thuẫn) nhắc tôi – một người không làm chính trị, chưa bao giờ có đảng tịch – “thôi đừng ‘làm’ chính trị nữa.”

Lại nữa, anh là hậu duệ của gia tộc thực sự hoạt động “chính trị” đuổi thực dân, chống độc tài. Thời còn trẻ anh đã ủng hộ MTDTGPMN, đã ủng hộ chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong những buổi trò chuyện sau tháng Tư 1975, tuy không khi nào phủ nhận rằng mình đã bị lừa nhưng anh vẫn trăn trở,

“Cả cái cộng đồng người Việt ngoài này, hay ít nhất những trí thức ở vai trò ‘lãnh đạo’, chưa ai can đảm viết và nhận thực lý do miền Nam thua trận! Phần lớn chỉ là những trang hồi ký đổ lỗi cho đồng minh bội ước.”(1)

Có thể anh đã dễ dãi hay lẫn lộn đánh đồng quan điểm chính trị của đối tượng với cụm từ “làm chính trị”. Anh và đối tượng thực chất không khác nhau. Cùng là người Sài Gòn, anh chống độc tài và đối tượng của anh trước sau vẫn giữ quan điểm chống độc đảng, độc tài, cổ suý dân chủ, nhưng không chọn đứng cùng với anh ủng hộ cộng sản Bắc Việt và thuộc hạ trong MTGPMN.

Cũng có thể anh chỉ muốn nhắc đừng “làm” chính trị Việt Nam nữa.

Quan điểm và thái độ chính trị với một số người tri thức là điều tự nhiên như việc hít thở hàng ngày. Nếu khối người Mỹ gốc châu Phi không bày tỏ thái độ và quan điểm chính trị suốt lịch sử tranh đấu cho dân quyền liệu xã hội Hoa Kỳ 2009 sẽ có Tổng thống Barack Obama? Hẳn là không, dù có khá nhiều người Mỹ gốc châu Phi là chính khách Mỹ. Cuộc cách mạng xã hội nào cũng thế, nó không phải món quà giáng sinh hay phong bì mừng tuổi. Đó không thể là cuộc xin cho giữa đại đa số quần chúng bị trị và thiểu số người nắm giữ quyền lực. Đó là kết quả những tranh đấu giành lại quyền làm người và phải bắt đầu bằng thái độ và tiếng nói chính trị của người dân tri thức.

Một ông nhà văn nào đó đã viết ở đây, trên tờ báo điện tử này, “Trí thức phải là người biết ngượng.” Một số người tri thức Việt Nam hôm nay nếu không có quan điểm hay không bày tỏ thái độ chính trị có thể sẽ không chết ngượng nhưng chắc cũng chết, và chết chắc, chết ngộp – chết vì không có dưỡng khí tinh thần.

Đầu tháng 4, 1975 – Việt Nam. Ít nhất 18 sư đoàn chính quy cộng sản Bắc Việt đã ở miền Nam và 5 sư đoàn khác đã sẵn sàng ở bắc vĩ tuyến 17. Ở chiến trường K còn 3 sư đoàn sẽ nhập cuộc, khi cần, sau khi đã cùng cộng sản Khmer thanh toán xong Kampuchea.

Sau khi cao nguyên thất thủ và mất Huế, Đà Nẵng, Tổng thống Thiệu vẽ lại chiến tuyến phòng thủ, kéo một gạch ngang từ Tây Ninh ở biên giới phía Tây sang Phan Rang, quê ông, thành phố biển dưới vịnh Cam Ranh. Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi trấn thủ ở đây với hai lữ đoàn nhảy dù, 1 lữ đoàn biệt động quân và 1 trung đoàn tái phối trí từ Sư đoàn II bộ binh. Theo Alan Dawson, trưởng phòng thông tấn của UPI, trong cuốn 55 Days: The Fall of South Vietnam, Englewood Cliffs (N.J.): Prentice-Hall, 1977, thì trước khi tuân lệnh rút lui khỏi Phan Rang, đoàn quân trấn thủ ở đây đã ủi xập mộ chí tổ tiên của Tổng thống Thiệu.

Phía đông bắc Sài Gòn, Tổng thống Thiệu giao trách nhiệm cho Tướng Lê Minh Đảo với vài đơn vị biệt động quân, 1 lữ đoàn thiết giáp cùng yểm trợ Sư đoàn 18 giữ Xuân Lộc.

Cùng lúc Tổng thống Thiệu xắp xếp lại các Sư đoàn đã giải tán ở Vùng I chiến thuật và yêu cầu Mỹ tiếp viện thêm trọng pháo, xe tăng và xe bọc sắt.

Hoa Thịnh Đốn gởi tướng Frederick Weyand, vị chỉ huy sau cùng của MACV trước khi rút lui, đến Sài Gòn thẩm định tình hình với Eric Von Marbord Phó Trợ lý ở Bộ Quốc phòng và George Carver của CIA. Ngày 3 tháng 4, 1975, Tổng thống Thiệu yêu cầu nhóm của Tướng Weyand đưa pháo đài bay B-52 vào mặt trận để bảo vệ Sài Gòn. Von Matbord trả lời không thể được nhưng đưa “giải an ủi” (cho TT Thiệu) là một loại vũ khí bí mật – bom bi (Cluster Bomb Unit, CBU) – có khả năng tạo áp suất cỡ 300 psi tiêu huỷ tất cả trên một mặt bằng giới hạn.

Binh sĩ Sư đoàn 18 trên xe tăng bị bắn cháy của quân CSVN (Xuân Lộc. Long Khánh 11/04/1975). Nguồn: wikipedia.org

Ngày 9 tháng 4, 1975 – Xuân Lộc. Cộng sản Bắc Việt, với 40.000 quân và trọng pháo yểm trợ mở cuộc tấn công vào Xuân Lộc. Trong hai ngày đầu của mặt trận tại đây, thị trấn này đã hứng trận mưa pháo của cộng sản – hàng nhiều ngàn “tên lửa” và trọng pháo trút xuống vùng đất này của tỉnh Long Khánh. Tướng Lê Minh Đảo chỉ huy 25.000 binh sĩ VNCH đã đẩy lui cộng quân khỏi vòng đai thị trấn trong đêm thứ hai tại trận chiến sau cùng của chiến tranh Việt Nam. Ngày 21 tháng 4, quân đội VNCH rút khỏi Xuân Lộc. Tướng Lê Minh Đảo từ chối lời mời di tản của Mỹ, ông ở lại Biên Hoà với 600 binh sĩ còn lại.

Không như báo chí phương tây đưa tin và những nhóm phản chiến rêu rao là quân đội VNCH không muốn chiến đấu, ở đây, tại mặt trận Xuân Lộc, một lần nữa – lần cuối – quân đội VNCH đã anh dũng chiến đấu bảo vệ quê hương, bảo vệ những ngày tháng tự do sau cùng của người dân miền Nam Việt Nam.

Đầu tháng 4, 1975 – Washington, D.C. (USA). Tòa Bạch Ốc đang chuẩn bị diễn văn cho Tổng thống Ford yêu cầu Quốc hôi viện trợ cho VNCH, dựa trên phúc trình sắp có của Tướng Fred Weyand. Chiều ngày 2 tháng 4, Henry Kissinger trao đổi ngắn với Donald Rumsfeld Chief of Staff của Nhà Trắng, nói chuyện với Bruce Van Voorst, phóng viên Ngoại giao của Newsweek, và Thiếu tướng Brent Scowcroft, Phụ tá Trợ lý Anh Ninh Quốc gia cho Tổng thống Ford.

Bruce Van Voorst (BVV): Về Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng (James R. Schlesinger) nói và Phó Tổng thống (Nelson A Rockefeller) cũng nói tương tự, Sài Gòn sẽ thất thủ.

Henry Kissinger (HK): Phó Tổng thống nói ổng không có nói vậy.

BVV: … theo thẩm định hành quân của ông thì cả hai chính phủ (Kampuchea và VNCH) sẽ sụp đổ nay mai?

HK: Không trả lời ngay được – Tôi phải nói chuyện với Weyand trước đã.
….

BVV: Tôi biết thế, nhưng chuyện Việt Nam, đấy không là liên luỵ cá nhân của chính ông sao?

HK: Thôi đi, liên luỵ cá nhân của tôi là gì?

BVV: Hiệp định Paris đấy thôi.

HK: …sau khi Hoa Kỳ bị tước đoạt phương tiện thi hành (hoà ước). Ông nói tôi nghe coi, có hoà ước nào được đứng vững khi không phe nào sẵn sàng thi hành nó hay không?

HK: Có phải Schlesinger đã tuyên bố Thiệu tiêu rồi không?

Tướng Brent Scowcroft (BS): Chuyện đó, tôi không biết.

HK: Newsweek mới hỏi tôi về chuyện đó đó.

BS: Tôi mới nhận báo cáo của ông ấy (Schlesinger). Ông muốn tôi xem qua rồi sẽ gọi lại chứ?

HK: Ừ.

BS: Vài trang lận.

HK: Hắn có nói thế không? Thiệt là nhục nhã.

BS: Phó Tổng thống có thể nói tương tự. Bản báo cáo ghi “Ông nghĩ Tổng thống Thiệu sẽ còn cầm quyền bao lâu nữa?” và PTT nói, “Điều đó người Việt Nam phải tự quyết định lấy.” Thế cũng được. Tôi không thấy đoạn nào khác nói về Thiệu cả.

HK: Chắc Schlesinger đã nói chuyện gì đưa đến sự sụp đổ này.

BS: Có thể, ông ta có thể đã nói. Nhưng để tôi tìm, tám trang giấy hàng đơn mà tìm 1 chuyện (không dễ).

HK: Thôi được rồi. Cảm ơn nha.

(Henry Kissinger, Crisis, trang 433-438)

3 tháng 4 – Kissinger bàn với Tổng thống Ford (TTF, từ California) về lệnh rút lui khỏi toà Đại sứ Mỹ ở Phnom Penh và diễn văn của Ford trước Quốc hội.

Từ Trái: TT Brent Scowcroft, Phụ tá Trợ lý Anh Ninh Quốc gia, Đs. Graham Martin, Tướng Frederick Weyand, Henry A. Kissinger và Tt. Gerald Ford (Phòng Bầu dục, 25/03/1975). Nguồn: history1900s.about.com

TTF: Henry, tôi có khuynh hướng chỉ trình bày dữ kiện. Dữ kiện hôm nay mà khác thì tình hình hôm nay cũng sẽ khác.

HK: Thế cũng được. Tổng thống không cần đổ lỗi cho ai hết. Nhưng tôi nghĩ – trước nhất, tôi nghĩ Tổng thống phải táng thiệt mạnh bọn Bắc Việt.

TTF: Vi phạm hoà ước.

HK: Đúng, vi phạm hoà ước. Bọn họ hoàn toàn huỷ bỏ hoà ước mà họ đã nghiêm chỉnh ký kết và được 11 quốc gia khác chứng thực nay họ đã biến nó (hiệp định Paris) thành đống giấy lộn…

TTF: Đúng vậy.

HK: Thứ hai, tôi sẽ nói – Tôi sẽ nhấn mạnh điểm này – Có hai mặt của vấn đề, một là khả năng của chúng ta để thi hành (hoà ước) và số viện trợ của chúng ta cho Việt Nam. Cả hai đều giảm từ hồi ký kết đến nay. (Viện trợ 1973: 2,5 tỉ; 1974: 1,4 tỉ và 1975: 700 triệu đô-la).

TTF: Đúng.

HK: Và đó là sự kiện. Lại nữa, tất cả những điểm này đã góp phần tạo thành tình trạng hỗn loạn như chúng ta đang thấy hiện nay. Rồi Tổng thống, nếu muốn, có thể nói chúng ta sẽ phải đối diện với tương lai…

TTF: Nếu có câu hỏi về tình hình hiện nay ra sao, chúng ta đang ở vị trí nào, tôi thiết nghĩ tôi sẽ không công khai thẩm định tình hình chiến sự tại Đông Dương.

HK: Chỉ đến khi Tổng thống đã nói chuyện xong với Weyand.

TTF: Đúng thế. Tôi không muốn nói bất kỳ điều gì có thể giúp Cộng sản và phá hoại đồng minh Nam Việt Nam của chúng ta.

HK: Đúng tuyệt đối.

TTF: Trong chiều hướng đó tôi nghĩ tôi sẽ dùng 3 điểm sau đây. Thứ nhất, tôi buồn vì những gì đang thấy và đang đọc được.

HK: Tôi thành thật nói chúng ta, là một quốc gia, phải nhận lãnh trách nhiệm nhất định vì –

TTF: Đúng vậy. Và tôi sẽ nói thêm, Tôi thất vọng về việc chúng ta không viện trợ (Nam Việt Nam) đủ về mặt binh bị và tôi thất vọng về việc chúng ta bị trói tay không thể làm được gì – về mặt quân sự.

HK: Tuyệt.

TTF: Thứ ba, tôi hoàn toàn quyết tâm không để sự thất bại hôm nay làm ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo thế giới của chúng ta.

HK: Vì hoà bình thế giới tuỳ thuộc vào sự lãnh đạo thế giới của chúng ta và đó là đóng góp của
Hoa Kỳ.

(Trích Crisis, Henry Kissinger, trang 436-440)

Về Graham Matrin những ngày tháng Tư 1975

Cuộc tháo lui của Mỹ tại Phnom Penh đã buộc Hoa Kỳ phải bắt đầu chuẩn bị tháo chạy khỏi Việt Nam. Dự án này dã phải đương đầu với cá tính đáng nể của Đại sứ Graham Martin tại Sài Gòn. Bộ Quốc Phòng Mỹ, đứng đầu là Bộ trưởng Schlesinger, luôn thúc đẩy chính phủ Mỹ phải rút nhanh và rút sớm để bảo vệ sinh mạng và giảm thiểu thiệt hai cho người Mỹ còn ở Việt Nam lúc đó.

Đại sứ Martin đã làm bổn phận một cách anh hùng đến giờ phút chót. Đứng trước thảm hoạ, ông tranh đấu cho niềm tin của mình đến giây phút cuối cùng, Martin quyết định “chìm theo tàu” thay vì chọn đường “abandon ship”.

Đs. Mỹ Graham Martin trên tàu USS Blue Ridge (30/04/1975). Nguồn: Getty Images

Xác tín rằng Quốc hội Mỹ đã sai lầm trầm trọng khi quyết định bỏ rơi miền Nam Việt Nam. Bất chấp giới truyền thông, không quan tâm đến những khôn ngoan của quốc hội và từ chối thoả hiệp viển vông, Đại sứ Martin đã viết những điện tín “cổ vũ” một phần để tạo tài liệu lịch sử sẽ được công bố sau này.

Với Martin, ủng hộ đồng minh ít hơn 100% đồng nghĩa với phản bội.

Dù lịch sử sau này có ghi gì chăng nữa thì việc Martin phấn đấu trong những ngày tháng 4, 1975 chính là để giữ lời cam kết đạo nghĩa của Hoa Kỳ với Việt Nam. Đại sứ Martin chần chờ di tản người Mỹ khỏi Việt Nam vì ông tin rằng hành động đó sẽ thúc đẩy sự sụp đổ miền Nam Việt Nam xảy ra sớm hơn nữa. (Henry Kissinger, Crisis, trang 440-1).

Khi miền Nam Việt Nam đang sụp đổ thì tại Washington cũng sóng gió nổi lên. Kissinger cho rằng Hoa Thịnh Đốn đang tìm dê tế thần, tìm bung xung chịu trận. Thượng nghị sĩ Henry Jackson sau khi tuyên bố bỏ phiếu chống viện trợ cho Việt Nam đã mồi lửa đốt rừng, lên án Tổng thống Nixon đã bí mật hứa với Tổng thống Thiệu rằng Hoa Kỳ sẽ giúp thi hành hiệp định Paris.

Kissinger cho rằng những lá thư đó không phải là cam kết có giá trị pháp lý mà chỉ là những bày tỏ ý đinh của một Tổng thống đương nhiệm trước những viễn ảnh nhìn thấy được. Và dĩ nhiên không có Tổng thống nào có thể buộc quốc hội thi hành quyết định đơn phương của mình.

Tuy nhiên, theo Kissinger, những cuộc tranh biện về trách nhiệm của Hoa Kỳ đã lạc tiêu điểm. Cả hai chính quyền Ford và Nixon chưa từng phải viện dẫn một cam kết pháp lý nào để giúp Việt Nam. Người Mỹ có mặt ở Việt Nam vì một lý do sâu xa hơn nhiều – đó là một cam kết đạo lý. Hoa kỳ có bổn phận phải đứng cùng những người đã sống chết với mình, có bổn phận với 58 ngàn tử sĩ Mỹ, và có bổn phận với những cố gắng mà Hoa Kỳ đã trực tiếp dự phần – tóm lại Hoa Kỳ phải có bổn phận với chính Mỹ.

Kissinger cũng cho rằng khi Hoa Kỳ đặt bút ký vào hiệp định thì những phe cùng ký phải hiểu rằng họ không thể vi phạm những điều đã cam kết mà có thể không bị trừng phạt. Không có cơ chế trừng phạt kẻ vi phạm thì hiệp ước ngưng bắn sẽ trở thành luận điệu (lẩn trốn trách nhiệm) để đầu hàng.

Hãy nghe lại một đoạn ngắn cuộc nói chuyện giữa Kissinger và James “Scotty” Reston (JR) của tờ New York Times

8 tháng 4, 1975

JR: Allo, tôi gọi vì ông bạn Jackson của ông.

HK: Oh, Chúa ơi!

JR: OK, tôi sẽ lột da thằng chả.

HK: Nghe đây, cái này không được đăng báo, tôi nói cho ông nghe có một số thư Tổng thống (Presidential letter) để thuyết phục Thiệu chấp nhận ký vào hiệp đinh. Tôi không tìm thấy điều gì trong những lá thư này mà Nixon chưa từng công bố trước công chúng. Không có thoả hiệp bí mật nào hết.

JR: Tôi đã đọc những tài liệu về những điều Nixon tuyên bố ở thời điểm đó và rõ ràng Hoa Kỳ sẽ giữ trách nhiệm đại khái như của cảnh sát giám sát việc tôn trọng Hiệp định.

HK: Đúng vậy. Và đó cũng là nhừng điều ông ấy nói riêng (với TT Thiệu)

JR: Đã có khi nào ông Ford làm điều gì về những lá thư này cho ông Thiệu chưa?

HK: Không.

JR: Những diều Jackson đang làm chẳng khác gì lên án chúng ta phản bội.

HK: Đây chuyện nhổ ra rồi lại liếm vào. Ông ta (Jackson) nói chúng ta phản bội người miền Nam Việt Nam và chúng ta phản bội VNCH cùng lúc ông ta tuyên bố phản đối làm bất cứ việc gì (cho Nam Việt Nam). Nixon không nói gì riêng tư (với Thiệu) mà không lập lại trước công chúng hết. Lời tuyên bố làm cảnh sát canh chừng việc thi hành hiệp định cũng được trình bày trước Quốc hội và Quốc hội đã cấm chỉ (chính phủ Mỹ) thực hiện vai trò cảnh sát từ tháng Bảy 1973. Từ tháng Bảy 1973 hiển nhiên chúng ta đã bị pháp lý cấm chỉ làm bất cứ việc gì…

JR: Thế Quốc hội đã quyết định thế nào?

HK: Tháng Bảy 1973, Quốc hội cấm chỉ tất cả mọi hành động quân sự ở, trong vùng, và chung quanh Đông Dương.

JR: Hành động quân sự do chúng ta chủ động?

HK: Do chúng ta chủ động. Trong suốt các cuộc tranh luận chúng tôi đã không viện dẫn bất kỳ thoả ước nào và đến khi “Đạo luật Quyền Chiến tranh” (War Powers Act 1973 hay Resolution, Về Quyền Tham chiến của Quốc hội và Tổng thống) mới có một số bất đồng. Sau đó, về chuyện Đông Dương, mọi người hiểu là chúng ta có thể đưa ra một trường hợp hợp lý đưa đến kết quả như thế.

JR: [Trích dẫn lời Nixon] “Chúng ta sẽ khẳng định đòi Bắc Việt phải tuân thủ những cam kết trong Hiệp định.”

HK: Đúng vậy. Trong Báo cáo Chính sách Ngoại giao tháng Năm 1975, ông ấy [Nixon] nói chúng ta đã nói riêng với Hà Nội cũng như nói với thế giới rằng chúng ta sẽ không khoan nhượng bất kỳ một vi phạm Hiệp định nào cũng như một hành động bạo lực nào của Bắc Việt Nam. Đó là tất cả những gì chúng ta đã tuyên bố về việc này.

[…]

Một Hiệp định là một cam kết bằng kế ước; điều này ít nhất phải hiểu là một cam kết, và ông cũng biết nỗi khắc khoải của tất cả mà chúng ta đã trải nghiệm để thoát khỏi cuộc chiến đó. Tất cả mọi người đều muốn chúng ta rút lui. Áp lực của quan điểm quần chúng muốn chúng ta bỏ ngay Việt Nam. Mọi người đều cho rằng chúng ta đã có cơ hội để đạt được hiệp định toàn mỹ.

(Henry Kissinger, Crisis, trang 444-5).

(Còn tiếp phần Kết)

© 2008-2018 DCVOnline

 

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài của tác giả, đăng lần đầu trên DCVOnline.net ngày 31/12/2008. DCVOnline biên tập và minh họa

(1)
Thực ra đã có một số khá nhiều sách của tác giả VNCH viết về chiến tranh Việt Nam cùng sự sụp đổ của VNCH và không phải tất cả đều là những “hồi ký đổ thừa”.
• The Final Collapse, Cao Van Vien, Washington, D. C.: Center of Military History, US Army. 1983
• The palace file by Nguyen Tien Hung and Jerrold L. Schecter, New York : Harper & Row 1986
• Viet-Nam: Pourquoi Les Etats-Unis Ont-Ils Perdu La Guerre? By Nguyen, Phu Duc. Publisher: Godefroy de Bouillon, Paris 1996
• Hope and Vanquished Reality By Nguyen Xuan Phong, Xlibris Corp, NY, 2001
• In the Jaws of History, Bui Diem (with David Chanoff), Indiana University Press, 1999
• The Viet-Nam Peace Negotiations: Saigon’s Side of the Story, Nguyen Phu Duc, Phu Duc Nguyen, Arthur J. Dommen. Dalley Book Service, Inc., 2005
• Khi đồng minh tháo chạy, Nguyễn Tiến Hưng, 2005
• Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Văn Tín, 2005