Nếp sống đạo một thời (2)
Nguyễn Văn Lục
Việc tranh chấp giữa Cố Tế và cô Mến đã qua đi như nước chảy qua cầu và hầu như chỉ còn là câu chuyện của mấy người luống tuổi trong làng từng chứng kiến hay nghe kể lại. Nói đi thì cũng phải nói lại, cả cái làng này đều là tá điền đi làm công cho giới nhà giầu.
Chương hai | Nếp sống đẹp của xứ đạo
Tiền đâu mà dân làng đóng góp để xây nhà thờ? Chẳng qua cũng là tiền của giới giầu có bỏ ra hiến cho nhà xứ cả. Tiền đất đã đành, tiền mua vật liệu ai bỏ ra? Còn ai vào đây nữa! Rồi nếu quan tâm thêm một chút nữa, đã có bao nhiêu xứ đạo? Mà có xứ nào đã thiết lập được cả một dòng nữ tu? Chỉ riêng làng Yên Phú có cả dòng Mến Thánh Giá (MTG) với gần một trăm cô mụ. Số là, Bà Nhất, Bà Nhì của nhà dòng vốn là hai chị em ruột, con cái các nhà giàu có. Họ đã không lập gia đình, tự nguyện đời sống độc thân hiến dâng mình cho Chúa. Khi được bố mẹ chia của, họ đã hiến cả mảnh đất phần hương hỏa để xây cất nhà dòng MTG hiện nay, và họ trở thành hai mẹ bề Trên. Người ta thường gọi hai bà là Bà Nhất, Bà Nhì. Tiền bạc đất đai là của họ cả. Dân làng cùng lắm góp công sức! Có người coi đó chỉ có thể là việc Chúa làm, người thường sao hiểu được.
Vì công đức họ bỏ ra nên trong nhà thờ, nhà xứ dành ra có những ghế một người ngồi, có đệm hẳn hoi. Ghế thường đặt riêng ra ở đầu hàng, trên bệ ghế quỳ, có gắn bảng đồng để tên các ông bà ấy dành riêng cho họ không ai được phép ngồi.
Đây là cách ghi ân của nhà xứ đối với họ, cũng là công bằng thôi. Tổ chức nhà xứ nào cũng theo một quy trình nhất định: xây nhà thờ, rồi xây trường học và sau đó mới xây nhà xứ và dành một khu đất để xây một nghĩa địa.
Sống và chết dưới bóng Thánh Giá
Người không có tài sản, không có đạo không được như vậy nên nhiều khi chết phải chôn nhờ trên các mảnh ruộng trong làng.
Người giàu có, khi chết được chôn cất trong khu đất của gia tộc của họ. Nhà xứ có hơn 20 mẫu ruộng, phần lớn là do sự dâng cúng của những người giầu có hay do số tiền dâng cúng của những người mua chức Hậu. Vì thế mới có chuyện trong làng có nhiều ông Hậu, bà Hậu đành phải gọi là Hậu nhất, Hậu nhì hay hay Hậu Ba.
Vì thế, việc của Mến xét cho cùng, công của giới giầu có thì nhiều, tội thì không đáng kể.
Và nếu nói cho rốt ráo, trận đói năm Ất Dậu, mặc dầu xứ Kẻ Tâng không phải là vùng tâm bão của trận đói. Nhưng ruộng của giới giầu có đâu chỉ nằm trong phạm vi làng Yên Phú mà rải rác trong các làng lân cận như Bói, Kẻ Non, Lác Triều, Kỷ Cầu, làng Căn, làng Chè, v.v..
Ruộng phần lớn là thuộc ruộng xâm canh, nghĩa là trồng trọt trên đất không thuộc địa phận của mình, nên họ phải thuê người trông coi. Nhưng nhiều tá điền thích cấy rẽ, nghĩa là thuê ruộng để làm và nộp một phần hoa lợi cho chủ ruộng, vì có lợi hơn cho họ. Nhưng họ phải tự lo liệu từ lúc cầy bừa, gieo mạ đến lúc gặt lúa gánh về. Lỗ lã phải chịu nếu gặp năm mất mùa. Giới giầu có cũng như nhà xứ nhờ thế cũng rảnh rang không phải trông nom gì. Cả hai bên đều có lợi, nhất cử lưỡng tiện.
Tuy nhiên, việc cấy rẽ tùy thuộc vào Chân Ruộng. Ruộng chân Nhất đẳng, tức ruộng tốt nhất phải nộp cho nhà xứ mười vuông thóc. Một vuông tính ra hai thúng, một thúng chùng 10 Kg. Nghĩa là, một mẫu ruộng sau khi gặt hái xong phải nộp cho nhà xứ hai tạ. Trung bình một mẫu có thể gặt được từ hai mươi lăm đến ba mươi vuông thóc.
Nhà xứ lấy một phần ba, tá điền hai phần ba, Kẻ có công, người có của.
Ruộng chân hai, tức ruộng xấu hơn, nhà xứ lấy tám vuông một mẫu. Ruộng chân ba chỉ còn lấy 6 vuông.
Tuy nhiên, cày cấy tùy vào vận trời. Nếu có gió may thổi về từ trên mạn ngược thổi về, lúa sẽ mẩy. Thu hoạch từ 25 vuông đến 30 vuông là chắc rồi. nhờ đó có đồng ra đồng vào chờ màu lúa năm tới.
Nhưng gặp năm mất mùa, nghĩa là úng lụt, mưa làm rơi rụng phấn nhị thêm gió tây nóng thổi về làm khô phấn nhị, lúa sẽ lép, ít hạt. Đang từ 30 vuông xuống còn 15 vuông. Khi nộp cho chủ điền hay nhà xứ vẫn phải nộp lúa trắng. Trước khi nộp, phải cho vào quạt gió để thổi lúa lép ra ngoài.
Trong trường hợp đó chỉ có nước xin chủ điền giảm tô. Nhà xứ thường nới tay, cánh chủ điền cũng vậy, gia giảm tùy người. Phần thầy mẹ tôi còn có phần rộng rãi hơn.
Nói dài dòng như trên để thấy rằng xứ Kẻ Tâng có quyền hãnh diện là giới giầu có, nhà xứ cũng như gia đình thầy mẹ tôi đã giúp đỡ tất cả những tá điền nghèo để họ có thể sống qua cơn khốn cực. Chẳng hạn không thu lợi nhuận mùa gặt như thường lệ. Mẹ tôi còn đong thóc cho các anh con nhà bác sống qua ngày. Mỗi buổi sáng, mẹ tôi cho nấu nồi 30 cháo múc ra từng bát cho những kẻ đang chết đói ở các làng khác vất vưởng trước cổng nhà. Nhưng phần đông, họ chết đói, vì bụng đã ỏng ra vì suy dinh dưỡng, thiếu hẳn chất đạm (Kwashiorkor). Đói đến bụng ỏng ra đi đứng như phụ nữ có mang.
Nhưng xét cho cùng, tấm lòng thương người của giới giầu có cũng không tự nhiên mà có được. Hẳn là xuất phát từ tinh thần của tôn giáo buộc họ phải làm như vậy theo lời huấn giáo của Chúa:
“Vì ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta;”
[Ma-thi-ơ 25:35].
Các làng khác cũng thiếu gì người giàu, tại sao dân làng bị bỏ đói và đi tha phương cầu thực? Họ thiếu một cái gì đó mà nơi các xứ đạo có được. Phải qua thử thách mới biết được. Sau này, làng tôi dưới thời Việt Minh không có cha cố nữa. Nhà thờ biến thành nhà kho. Vậy mà con chiên bổn đạo vẫn tập trung lại đọc kinh cầu nguyện, cố gắng giữ một nếp sống đạo tối thiểu. Các sổ sách, giấy tờ hộ tịch sau bao nhiêu biến cố chính trị cộng với chiến tranh tàn phá nay nhà xứ vẫn giữ được nguyên vẹn.
Cũng cần nói cho rõ, lúa của nhà xứ thu hoạch được, một phần ba số đó, nhà xứ phải làm sổ sách gửi về nhà Chung Kẻ Sở để nuôi các chủng sinh trường Hoàng Nguyên và trường Lý Đoán. Còn dư ra Nhà Chung Kẻ Sở lại lấy số thóc dư ra phân phối cho các xứ nghèo. Tất cả công việc này đều do tay một mình thầy Cai Trại trông coi.
Kinh nghiệm đời sống đạo tốt đẹp ngay trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, tuyệt vọng nhất vẫn là những nét đẹp tôn giáo cần phải “gìn vàng giữ ngọc”. Khi có tờ Sống Đạo, năm 1972, tôi được các anh lớn cử đi làm “phóng viên” tại một họ đạo có cái tên khá lạ lùng: Họ đạo Xóm Lách, quận 4, thuộc khu Khánh Hội. Ở đây, toàn dân lao động và dân buôn thúng bán mẹt, tụ lại đây từ các vùng quê có chiến tranh chạy về. Vậy mà không có dân anh chị giang hồ, đâm chém hoặc trộm cướp. Phải đi qua rất nhiều ngõ ngách, cầu khỉ mới tới được. Vậy mà họ cũng tự dựng được một ngôi nhà nguyện khoảng ba gian, mái là những mái tôn sắt rỉ của những khu nhà cháy gom lại. Tối tối, bổn đạo vẫn tụ lại đây đọc kinh rổn rang.
Đó phải chăng là nếp sống đạo của xứ đạo làng tôi cách nay hơn nửa thế kỷ?
Những biến động chính trị chưa từng thấy trong giáo hội
Mặc dầu cá nhân cô Mến có thể không phải với Cố Tế. Thế nhưng, điều đó một cách ngoài ý muốn của mọi người, nó như báo hiệu một sự cáo chung vai trò của các thừa sai người Pháp tại Việt Nam. Kể từ 1933-1945, Vatican đã bổ nhiệm bốn giám mục Việt Nam tiên khởi, nhằm bản địa hóa giáo hội địa phương và làm nhẹ gánh sự có mặt của các thừa sai ngoại quốc tại Việt Nam.
Cho đến năm 1951 phần lớn các thừa sai đều rút lui khỏi vai trò lãnh đạo giáo hội Việt Nam.
Họ rút lui một cách thầm lặng, tuân phục, đáng kính và nhường chỗ lại cho các linh mục bản xứ. Tôi được biết như Giám Mục Jean Cassaigne Sanh về Di Linh chăm sóc người cùi. Tôi đặc biệt nhắc đến Cố Victor Caillon, tên tiếng Việt là cố Năng, vì tôi từng ở trong nhà thờ Cửa Bắc đến 4, 5 năm, ra vào gặp cố. Cố là cha chính xứ nhà thờ Cửa Bắc rồi trở thành cha Tổng Quyền đại diện, vậy mà rút lui về ở ẩn coi một giáo xứ ở tỉnh Phan Thiết. Khi LM Trịnh Như Khuê lên làm Giám mục theo lời kể của cha Trọng thì tiếng Pháp của GM Khuê còn yếu, cố Năng mỗi ngày, đúng 11 giờ, lái xe Vespa từ nhà thờ Cửa Bắc đến tòa Giám Mục để dạy tiếng Pháp cho G.M Khuê.
Cũng không ngờ thể nào được khi Nhật đảo chính Pháp, cố là một trong những tù binh Pháp bị Nhật bắt giam. Người Nhật bắt sĩ quan Tây cởi trần, quỳ trước của trại Hành Chánh tài chánh, nằm đối diện với nhà thờ Cửa Bắc. Sau đó, cố đã về Tây, chán cảnh nước Pháp, lại sang tình nguyện ở Việt Nam, rồi chết trên mảnh đất quê hương thứ hai của ngài. GM Paul Seitz của hội Thừa sai Hải ngoại Paris tức Cha Kim về chăm sóc trẻ em mồ côi ở Quần Ngựa, sau này lại được cất nhắc lên làm giám mục Kon Tum. Sau 1975, ngài cho xuất bản cuốn Le Temps des Chiens muets (Thời của những con chó không sủa). Giám mục Chaise Thịnh, giám mục của Hà Nội cả đời sống thanh bạch, khiêm nhường, đi đâu Cha Thịnh chỉ dùng một chiếc xe đạp đầm để đi thăm các họ đạo. Khi cha Thịnh chết, mặc dù mua một cỗ quan tài rộng quá khổ cũng không đặt ngài vào được. Cuối cùng, ông Chí Thành, anh bà con bên bác của Giám Mục Trọng phải đứng lên người cha để dặn xuống cho xác lọt vào quan tài.
Đó là nếp sống đạo đẹp đẽ, từ các nhà truyền giáo như một tấm gương sáng của các thừa sai người Pháp để lại. Ai chê trách họ là tùy người ấy. Tôi đã từng kể kinh nghiệm đời sống của tôi bên cạnh các cha dòng Chúa Cứu Thế, người Gia Nã Đại tại Dinh Hoàng Cao Khải các năm 1951-1953.
Cha Dubé, dáng người hiền lành, ít nói, chỉ cười nhoẻn. Trong thời gian tôi bị bệnh phù chân đến liệt chân. Mỗi ngày cha cõng tôi trên vai từ nhà học đến nhà ngủ, cách xa nhau khoảng nửa cây số, đi về như thế cũng cả tháng, vừa đi vừa hát một mình. Ôi còn có sự san xẻ nào hơn nếu không có niềm tin vào Chúa của Ngài! Tệ hơn nữa, có lần một anh đánh rơi cái bút máy vào hố cầu tiêu đứng khóc. Ngài lẳng lặng cởi áo chùng, áo cánh rồi quần dài, chỉ còn độc nhất chiếc quần đùi. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy một ông Tây mình mẩy lông lá như thế. Cha nằm rạp xuống sàn cầu tiêu, nghiêng mặt một bên, thò tay vào lỗ cầu tiêu khoắng, dòi bọ bò lên tứ tung. Rồi cha cũng kiếm được chiếc bút máy. Nhoẻn miệng cười, lau chùi đưa cho cậu bé. Còn có nụ cười nào dẹp hơn trên đời này?
Nhà thờ xứ Yên Phú sau này do linh mục Việt Nam cai quản. Tiếp nối công trình xây dựng của cố Tế, nay đã có nhà xứ khang trang rộng rãi, uy nghiêm mà nếu đứng ở trên đê sẽ thấy tháp chuông nhà thờ bao quát cả một vùng rộng lớn. Trong số linh mục Việt Nam, có cha Vũ Xuân Kỷ sau này nhận anh tôi cũng như giám mục Phao Lồ Lê Đức Trọng làm dưỡng tử. (ông là Cha bố). Chúng ta còn nhiều dịp khác để nhắc đến vai trò Lm Vũ Xuân Kỷ về mặt đạo cũng như mặt đời, nhất là từ sau 1955.
Làng Yên Phú quê tôi, một xứ đạo nhỏ bé, nghèo nàn mà cho đến ngày hôm nay cũng rất nghèo so với các vùng khác. Nhưng nơi đã có những người con như Lm Vũ Xuân Kỷ, Lm Nguyễn Minh Thông.
Trong thời gian anh tôi, Lm Nguyễn Minh Thông, bị đi tù cộng sản Hà Nội, Lm Vũ Xuân Kỷ đã âm thầm cho người bà con bí mật thăm nuôi anh tôi ở nhà giam Hỏa Lò. Người đó là ông Vũ Đình Liệu (1919-2005), đi theo Việt Minh từ những ngày đầu kháng chiến; trong thời gian từ 1945 đến 30/04/1975, ông lần lượt đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại Vùng Tây Nam ở miền Nam như: Chủ nhiệm Việt Minh huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh; Bí thư Huyện ủy Châu Thành; Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh; Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau; Khu ủy viên sau đó là Bí thư Khu ủy khu 9 kiêm Chính ủy Quân khu 9. Sau 30/04/1975, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá IV và V. Ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Phó Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương; Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (01/1977-03/1979); Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang (dưới tên Nguyễn Thanh Bình). Khi ông qua đời vào năm 2005, mấy tháng sau tôi có ghé thăm bà quả phụ Vũ Đình Liệu, lúc bấy giờ được chính quyền cộng sản cho một căn biệt thự rộng rãi ở đường Tú Xương, biệt thự chắc là do người Pháp để lại. Bà ngăn ra và cho trường dậy Anh ngữ Quốc Tế xây một căn nhà ba tầng, cho thuê rồi hết hạn thì căn nhà này trở thành tài sản của bà Liệu. Cho nên cuộc sống bà quá dư dả và thoải mái, tiêu gì cho hết vài ngàn đô la một tháng. Một con trai và một con gái của ông bà cũng có chức vụ lớn trong chính quyền như Giám đốc một Đài phát thanh. Đúng chính hiệu tư bản đỏ.
Bà Liệu vẫn còn giữ bản chất quê mùa, chất phác và thật thà như đếm của phụ nữ miền quê đất Bắc. Bà cho biết, khi ông vào miền Nam thì năm thì mười họa mới có dịp gặp nhau trong đôi ngày rồi lại đi biền biệt. Bà không biết tất cả những việc ông làm và chỉ nghe nói về vụ cha Thông mà không hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao. Ơn đền nghĩa trả, tôi đến đây để thắp một nén hương trước vong linh ông để thầm tỏ lòng biết ơn một người đã lo cho anh tôi lúc tù đầy ở Hỏa Lò. Cạnh bàn thờ, tôi thấy có treo ba vòng hoa. Và chỉ ba vòng thôi.
Khi tiễn tôi ra về tận cửa, bà chỉ sang căn biệt thự xê xế đối diện nói như đùa mà hóa ra sự thật:
“Nhà của thằng Nguyễn Tấn Dũng đấy. Lúc anh ấy còn sống, anh ấy rất quý Dũng và chắc kỳ này chức Thủ tướng là về tay nó chứ không ai khác.”
Sau này quả đúng như vậy; Nguyến Tấn Dũng trở thành Thủ tướng CHXHCN Việt Nam từ 2006 đến 2016, linh thật!
Thời nay nhìn lại, người ta nhận ra một điều chưa từng xẩy ra bao giờ đối với các tu sinh còn ngồi ghế Chủng Viện hay Đại Chủng Viện mà đã tham gia chính trị, đã bất tuân lệnh Bề trên. Chuyện lớn lắm không phải nhỏ. Như một cuộc cách mạng trong giới nhà tu!
Đây cũng là lần đầu tiên các người tu sĩ trẻ của một Giáo Hội Công giáo còn non nớt về mọi mặt đã dám đứng lên thách thức thẩm quyền tôn giáo thông qua các thừa sai Pháp. Việc làm của họ chỉ bày tỏ một thái độ chính trị hơn là một hành động chính trị cụ thể. Tuy nhiên cũng từ chỗ đứng, chọn lựa ấy mà nhiều tu sinh đã dấn thân, nhập cuộc, ra khỏi dòng tu hoặc vẫn chọn con đường tu hành , nhưng là một linh mục làm chính trị.
Vì thế, đã có một số tu sĩ công giáo cùng thế hệ anh tôi – rõ hơn cùng ở Đại Chủng Viện Xuân Bích Hà Nội – “hăng hái” nghe theo tuyên truyền của Việt Minh chống lại các cha giáo thừa sai và tình nguyện đi theo Việt Minh.
Theo Trần Thị Liên, Tuần báo “Thứ Bảy” có một mục nhan đề “Dưới bóng Thánh Giá” cổ võ cho việc tảy chay các thừa sai ngoại quốc dưới những nhan đề như: “Các thừa sai người Âu Châu, một trở ngại lớn cho Độc lập dân tộc.”
(Trích tóm tắt Tran Thi Lien, Les catholiques Vietnamiens pendant la guerre d’Indépendance (1945-1954) entre la reconquête coloniale et la résistance communiste, 1996, trang 124-125)
Đa số sinh viên đại chủng viện Xuân Bích trong số đó có anh tôi không đi theo Việt Minh và vẫn vâng lời Bề trên và các cha giáo thừa sai Pháp.
Nhưng cũng theo Trần Thị Liên, một số nhỏ linh mục và sinh viên Đại chủng viện Xuân Bích, Hà Nội đã mạnh mẽ kết án các thừa sai và nêu khẩu hiệu “Độc lập bằng bất cứ giá nào” trong đó một số sinh viên đại chủng viện gốc miền Nam ra học tai Hà Nội như các Lm Hồ Thành Biên, Võ Thành Trinh. Sau này họ trở thành các linh mục “Quốc doanh”.
Tuy nhiên, các linh mục này đã không được sự tín nhiệm của đa số người công giáo.
Mặc dầu vậy, trong ngày lễ tuyên dương Độc Lập tại vườn hoa con cóc, gần vườn Bách Thảo thì theo như lời Lm Phạm Hân Quynh — một trong những người hăng hái nhất và cũng là một trong những người sau khi đi du học Pháp, tình nguyện về miền Bắc sớm năm 1954 — có khoảng 130 các thầy Đại chủng sinh gồm ban Triết và Thần học. Đa số các thầy trẻ trong ban Triết đã tham dự cuộc mít tinh này. Trong đó có anh tôi. Còn lại một số nhỏ, thuộc trường Lý Đoán hay ban Thần Học, thì ở lại Đại Chủng Viện, tại Quần Ngựa, một địa điểm cách không xa Vườn hoa con cóc, sát thảo cẩm viên không xa bao nhiêu. Đoàn tu sĩ áo đen ấy đã đi bộ từ Quần Ngựa đến nơi mít tinh và đứng thành một nhóm nổi bật nhất ngay bên cạnh khán đài.
Cha Tông, sau này là cha xứ nhà Thờ Lớn được cử cầm cờ vì vóc dáng to lớn, mạnh khỏe. Trên đường đi, trẻ con tò mò trèo lên cửa sổ nhà bên đường ngó xem bị bộ đội rút súng bắn rớt xuống ngay (Dữ thật!).
Đoàn các tu sĩ tiến ra phố Ngọc Hà, lễ đài được đặt ra ở vườn hoa trước cửa vào vườn Bách Thảo. Đoàn được xếp ngay trước lễ đài chỉ cách mấy thước. Trên lễ đài, bộ đội Việt Minh cầm súng quay mặt ra. Có thể đám đông chừng 3. 4 chục ngàn người. Trên lễ đài có đến vài chục người, nhưng người ta nhận ra người đứng giữa là Hồ Chí Minh, với gương mặt xanh xao, yếu ớt. Bên cạnh ông có các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, ông Hồ bá Cang tức Hoàng Quốc Việt, ông Trần Huy Liệu, trưởng ban tuyên truyền.
Ông Hồ tuyên bố độc lập và thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mà khẩu hiệu là Độc lập, Tự do, Hạnh Phúc.
Có lẽ, không gì hơn để nghe chính một sinh viên Đại chủng viện Xuân Bích, Lm Phao lô Lê Đắc Trọng, sau này là giám mục kể lại đã có mặt trong buổi mít tinh hôm đó. Cha Trọng lúc ấy còn là Trưởng tràng của đại chủng viện Xuân Bích. Theo Lm Trọng, ngày tựu trường của các sinh viên là ngày 1-9 thì đến ngày 2-9 là có buổi lễ tại nhà thờ, sau đó 2 giờ chiều mới có buổi mít tinh. Nhiều người sau này lầm tưởng buổi mit tinh diễn ra vào buổi sáng.
Lm Trọng ghi lại như sau:
“Sáng hôm sau (2-9) chúng tôi có mặt tại nhà thờ Lớn Hà Nội từ 8 giờ sáng. Nhà thờ trang hoàng trọng thể, có cả một lá cờ đỏ sao vàng căng trên cung thánh(chưa mấy ai đặt vấn đề cộng sản), một chiếc ghế tựa lớn bọc nhung quen dùng cho Toàn Quyền hay vị thượng khách nào đó..
Cha Nghiêm chính xứ cùng với mấy người, mặc áo dòng đứng cuối nhà thờ chờ đón phái đoàn. Phái đôàn là mấy người thanh niên. Cha Nghiêm không biết ai là trưởng đoàn nên hỏi: “ Vị nào là trưởng đoàn? Họ chỉ vào một thanh niên 30 tuổi, đó là ông Võ Nguyên Giáp.”
(Phao Lô Lê Đắc Trọng. Chứng từ của một Giám Mục. Những câu chuyện về một thời, Diễn Đàn Giáo Dân, trang 284)
Dù sao ở đây chỉ nói lên khát vọng của tuổi trẻ khát vọng độc lập. Những người tham dự cuộc mít tinh không nhất thiết theo Việt Minh.
Có một số thầy ở chủng viện Xuân Bích đặc biệt như thầy Quảng “hăng hái theo Việt Minh lúc ban đầu”. Thầy Quảng cũng là người dẫn đầu sinh viên đại chủng viện Xuân Bích tham gia ngày tuyên bố Độc Lập của Việt Minh. Nhưng sau này thầy Quảng tiếp tục việc tu trì và còn vào dòng tu Châu Sơn (dòng Khổ tu) và sau làm Bề trên dòng Châu Sơn.
Đến năm 1954, cha Kỷ làm chủ tịch “Ủy Ban Liên Lạc những người công giáo yêu tổ quốc yêu Hòa Bình” – thường gọi tắt là Ủy Ban liên lạc – Nhưng được biết một điều bí ẩn qua lời kể của Lm Trọng sau này
“Khi cha Kỷ gần qua đời, nằm ở bệnh viện Việt Xô, cha Oánh ra làm các phép cho Ngài, còn các cha liên lạc nói ngài không nghe. Một hôm tôi đến, ngài đang nằm quay mặt vào trong, các ông liên lạc đứng ở ngoài hơn chục cha. Tôi đến, các ông liên lạc nói với nhau, ‘Cha Trọng đấy’, ngài nghe thấy và quay ra, bắt tay cười vui vẻ, có lẽ lúc đó ngài đã giã từ liên lạc rồi.”
(Phao lồ Lê ĐắcTrọng, Ibid, trang 502)
Lm Oánh ở đoạn trích dẫn trên cũng là bạn cùng về về miền Bắc với anh tôi.
Những người đã suốt đời theo Việt Minh vì hai chữ lý tưởng rồi lúc cuối cuộc đời cũng biết mình đã lầm đường như Cha Kỷ thật không thiếu.
Cha Trọng có kể một câu chuyện mà tôi muốn nhắc lại như một tấm gương và cũng để kết thúc phần các tu sĩ tham gia chính trị.
Đó là trường hợp cha già Hồng rất năng nổ, đi đâu cũng “tư cách người cách mạng”, đứng thẳng, giơ nắm tay chào, rồi vẫy theo kiểu các nhà cách mệnh lúc đó. Trong các buổi lễ công giáo như lễ các linh hồn, cha già Hồng thường chen vào để mừng luôn thể như mừng ngày lễ Độc Lập tại họ Phúc Lâm. Rồi sau lễ, Ngài ngồi để giáo dân đi qua mặt ngài cũng giơ nắm tay chào. Lúc ấy cha Trọng cũng có mặt trong những buổi lễ đó.
Vậy mà, theo Lm Trọng:
“Hai linh mục Bằng và Hồng kết thúc cuộc đời một cách vất vả. Linh mục Bằng vào đêm 19-12-1946, có thể đã bị trôi sông do Việt Minh, áo thâm dài của ngài nằm đâu đó trước bờ sông Hồng, phía Nam Hà Nội.”
(Phao Lồ Lê Đắc Trọng, Ibid, trang 290-291)
Cha Trọng quá cẩn thận. Còn ai vào đây nữa mà linh mục lại dùng chữ “có thể”.
Những ngày hè tại quê tôi
Nếp sống đạo của người Thiên chúa giáo chan hòa trong mọi sinh hoạt làm ăn, trong lễ nghi cưới hỏi, ma chay, v.v.. Nhưng đối với riêng tôi thì những ngày hè là những ngày vui khó quên. Và không hề biết tới những biến động chính trị sắp xẩy ra trong làng, cho anh tôi và nhiều người khác. Sau này mới nhận ra rằng đây là những kỳ hè cuối cùng mà anh tôi đã về quê nhà trước khi bước vào một định mệnh rời bỏ quê hương đi du học năm 1950.
Kỳ hè này có thể xác định là vào khoảng năm 1944. Đến năm 1946, sau khi cuộc chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ, anh tôi một lần nữa, từ Đại chủng viện Xuân Bích Hà Nội, chạy tản cư về quê. Nhưng kể từ đây không bao giờ có những kỳ hè an bình như trước nữa..
Sau này, bản thân tôi cũng chỉ còn nhớ đến anh tôi là qua kỳ nghỉ hè lúc anh đã lên Đại Chủng Viện Xuân Bích Hà Nội. Mới đầu anh tôi học ở trường Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên, ở Sở Kiện. Nơi đây để đào tạo các chú. Mãn tràng, anh tôi lên Hà Nội, được đặc biệt học trường Trung Học Pascal của Pháp để đi thi tú tài. Lấy xong hai bằng tú tài thì anh chính thức được nhận vào Đại chủng viện Xuân Bích — học để chuẩn bị làm linh mục. Và phải học qua hai năm Triết Học và sau đó 4 năm về thần học.
Lúc này tôi đã có trí khôn và hiểu biết của một đứa trẻ 5, 6 tuổi.
Tôi còn nhớ kỳ hè là tôi và người anh kế nô nức mong anh tôi về, nhưng đồng thời cũng lo sợ vì anh tôi rất nghiêm khắc, cần thì dùng roi vọt thẳng tay, hoặc bắt quỳ đến rụng đầu gối. Vậy mà tôi may mắn chưa một lần bị anh tôi phạt. Bao nhiêu hình phạt nặng nhẹ, người anh kế của tôi lãnh hết. Anh tôi lập ra thời khóa biểu mỗi ngày mà hai anh em chúng tôi phải theo, không cần nhắc nhở. Nhưng các chị tôi thì được miễn!
Từ sáng sớm tinh mơ, khi có chuông hiệu nhà thờ thì anh em chúng tôi như các bổn đạo đã phải dạy để đi lễ từ lúc trời còn tờ mờ sáng, khoảng 5 giờ, sau đó giáo dân còn ra đồng làm việc. Nhà thờ chỉ le lói vài ánh đèn dầu treo lơ lửng không đủ sáng. Trước khi cha ra làm lễ, còn phải học kinh bổn, rồi các kinh trong ngày, sau đó cha mới ra làm lễ.
Trẻ con trai gái được xếp ngồi hai bên, phía gần bao lơn nhất. Đây là thời gian mà trẻ con như chúng tôi dễ ngủ gà, ngủ gật. Cơn buồn ngủ đến không cưỡng lại được, cố gắng lắm mắt cũng cứ díp lại. Nhưng ác thay có một ông quản giáo đi lên đi xuống dọc nhà thờ, chỉ phía trẻ con thôi, tay ông lăm lăm chiếc roi mây và chỉ rình xem đứa trẻ nào ngủ gật là quất một cái vào lưng thật điếng người. Và suốt buổi lễ, ông chỉ chăm chăm cầm chiếc roi mây sẵn sàng ra roi. Trẻ con đang ngủ gà, ngủ gật, bị roi quất, giật bắn mình như thấy sao trên trời!
Nhưng phía sau người lớn ngủ gật thì ông lại không quất mà lờ đi. Kể cũng lạ thật.
Ở đây, xin dài dòng đôi chút về vai trò của Bõ kéo chuông. Ông bõ còn gọi là anh mới vì anh ở làng khác đến có bổn phận kéo chuông ngày 4 lần. Khi kéo chuông hiệu, Bõ kéo ba tiếng rồi ngưng, kéo tiếp ba tiếng khác, lại ngưng, rồi tiếp 3 tiếng nữa, cộng lại là 9 tiếng. Sau đó bõ kéo một hồi dài, quả chuông lắc từ bên này sang bên kia như điên cuồng. Bõ đu người lên, đu dưa từ bên này sang bên kia trông như một con nhái bén. Cái khó là bõ phải đánh vật với cái chuông, kìm để chuông không đánh tiếng thứ tư. Đánh tiếng thứ tư là hỏng. Kìm cái chuông nặng 200 kí lô nghe nói đặt mua từ bên Pháp hẳn không dễ. Phải dùng sức người ghì chuông lại không cho chuông trở ngược lại.
Khoảng 15 phút sau chuông hiệu là lúc cha đã bắt đầu ra làm lễ. Đến khoảng trưa thì Bõ kéo chuông nguyện. Bổn đạo đang làm việc ngoài đồng, nghe tiếng chuông phải ngừng tay lại, quỳ xuồng, chắp hai tay đọc kinh Truyền Tin hoặc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, đọc xong mới tiếp tục làm việc trở lại.Và đến tầm 8 giờ tối lại có hồi chuông tắt lửa và bổn đạo đọc kinh Vực sâu trước khi đi ngủ..
Tiếng chuông nhà thờ như nhắc nhở, như thúc dục, như phấn khích như nếp sống đạo thời xưa! Tôi như nghiện tiếng chuông ấy. Nay sống ở nước ngoài được 4 thập niên, còn mấy ai còn được nghe tiếng chuông nhà thờ trong tâm tình sống đạo như thế nữa?
Trăm lần như một, ông Bõ kéo không lỡ một nhịp, năm này qua năm khác, như một Quasimodo của nhà thờ Đức Bà Paris.
Nhưng cái khó nhất là tiếng chuông cầu hồn khi có bổn đạo qua đời. Áo quan được đưa vào nhà thờ để làm lễ đưa chân. Thoạt đầu Bõ kéo một hồi dài như khi kéo chuông nguyện hay hồi chuông tắt lửa. Tiếp đến là kéo ba tiếng một mà tiếng chuông “bỏ lửng” chỉ va nhẹ vào thành chuông với một tiếng ngân, như rớt vào khoảng không. Ba tiếng chuông bỏ lửng, từng tiếng rót một, nhẹ rung vào thinh không, như báo hiệu sự ra đi của người mới qua đời. Lòng người như chùng lại vì biết ai đó đã ra di vào cõi vĩnh viễn.
Cuộc đời ông Bõ là một cuộc đời tăm tối nhất trong một xứ đạo. Dưới Bõ không còn ai. Trên Bõ là các chú có bổn phận hầu cha xứ, giúp lế, hầu quạt cha lúc ăn cơm. Các chú và Bõ ăn cơm gạo đỏ, rau cỏ làm chuẩn, điểm thêm tý tương cà là quý rồi. Nhưng các chú dù sao cũng có một tương lai trước mặt. Hầu cha xứ, nhưng sau này, rất có thể ngồi vào địa vị cha xứ cho người khác hầu như ngày hôm nay .
Trên các chú là các thầy giảng lo phần mục vụ nhà thờ, tập hát, dạy giáo lý cho trẻ con. Giới thầy giảng, trách nhiệm nhiều, quyền lợi lại ít. Trong thành phần các thầy giảng cũng có người đã học hành leo đến chức thầy Bốn, nhưng là thầy “Bốn ung” không được đỗ cụ. Có thể do phạm một lỗi lầm nào đó hoặc có sự nhận xét của Bề Trên thấy rằng ông thầy này không xứng đáng đỗ cụ. Không đường lựa chọn nào khác đành chuyển sang làm thầy Giảng sưốt đời với nỗi ấm ức không nguôi. Hầu như mọi chuyện lớn nhỏ đều nằm trong tay các thầy giảng. Sự so sánh hơn thiệt có chứ không phải không, vì cũng là con người chứ thần thánh gì.
Nên trong dân gian mới có những câu hát bỡn cợt:
Hodie fecit. Hôm nay làm con gà cồ
Totum. Tất cả cổ cánh nhập mâm bô (Mâm ông bõ).
Omnia ossa. Tất cả sương nhai bất đắc
Bô truyền redevere. Vứt trả nhà kho
Cơm thầy giảng có tiêu chuẩn ăn gạo thường. Thịt cá chạy qua loa còn bổng lộng thức ngon vật lạ là chuyện họa hoằn, hiếm hoi, năm thì mười họa. Chế độ thầy giảng là sáng kiến của các thừa sai tại Địa phận Đàng Trong rồi lan ra Đàng Ngoài để giải quyết nhân sự vì thiếu linh mục.
Sau này, miền bắc có đến hơn 2000 thầy giảng để phụ giúp các cha xứ cộng với khoảng 5000 nữ tu hoạt động trong nhiều lãnh vực.
Trên thầy giảng là các cha phó, nếu có. Trên cùng là cha xứ. Cơm nước có khi ngài ăn riêng, không ăn với cha Phó. Có cơm gạo tám thơm, đồ ăn có thịt cá, món ngon vật lạ của giáo dân dâng cúng. Ở nhà riêng trong khu nhà xứ. Trong dịp về thăm Việt Nam, tôi có đến thăm cha bạn của anh tôi, ở một nhà xứ, cách Hà Nội đến 45 cây số. Dù là một nhà xứ lẻ loi, bổn đạo một phần làm đồ gỗ, phần khác làm nghề chài lưới. Vậy mà cha xứ cũng đãi tôi một bữa cơm tươm tất và thịnh soạn với nhũng con tôm càng nướng, một con cá quả nặng khoảng hai kilo nấu cháo.
Số phận Bõ trong nhà xứ so với anh Mõ trong làng thì còn thua một bậc. Anh mõ làng có chức tước hẳn hoi, có được chia một phần ruộng vài sào, quyền hành cũng có, bổng lộc cũng không thiếu. Nhà nào có giỗ chạp thì anh mõ không quên và cũng có một mâm riêng.
Việc trình bày phân biệt đảng cấp ở trên cho thấy, tổ chức giáo hội còn đượm nhiều nét phong kiến lắm. Dần dần phải thay đổi thôi!
Nhưng ông Bõ là người cầm chịch đời sống dân làng từ sáng tới tối. Tiếng chuông như thúc dục, như nhắn gửi, như an ủi và như mối giao cảm Thiên Chúa và con người. Tiếng chuông như tiếng của Chúa, đấng Thần linh tối cao chăm sóc và phù hộ cho con người.
Vai trò của ông Bõ nói cho cùng chỉ sau cha xứ!
Sau hồi chuông hiệu, chúng tôi vội vã ra bể nước mưa lớn ngoài sân để đánh răng rửa mặt. Tôi còn nhớ như in là anh tôi đã mang về từ Hà Nội bàn chải đánh răng và nhất là một thứ “thuốc” đánh răng. Loại “thuốc” này được bỏ trong một hộp nhôm tròn, mầu đỏ và cứng như sà phòng. Phải dùng bàn chải ướt rồi chà sát trên mặt “thuốc”, sau đó mới đánh. “Thuốc” đánh răng có mùi thơm và hơi cay rất dễ chịu.
Bình thường trước đây, chúng tôi chỉ có dùng một miếng cau khô chà sát răng và súc miệng. Đây là lần đâu tiên chúng tôi được dùng loại “thuốc” đánh răng này. Sau đó, chúng tôi vội vã đến nhà thờ.
Đường đến nhà thờ bắt buộc đi qua một cái ao mà tôi rất sợ vì tiếng kêu của ếch nhái, nhất là khi trời mưa. Đi qua khúc đường này, tôi thường lò mò bước rảo từng bước, sau đó ù té chạy cho đến khi thấy sân nhà thờ mới hoàn hồn. Lần nào cũng vậy, thần hồn nát thần tính, cứ chỗ nào có bóng tối là tưởng tượng có ma. Có những khúc củi mục vật vờ trên mặt ao, đang tắm, tôi cũng vội bơi vào bờ, lấy tay té nước đẻ khúc củi mục trôi ra xa.
Sau này, tại cửa Cổng Vọng thời Việt Minh tàn sát người dân lành thì không còn là củi mục nữa, mà là những thây người chương phình; có khi xác người bỏ trong cái giỏ lợn, đen thui trôi vật vờ trước cửa Cống, cùng với đám bèo tây đập ra đập vô như ma trơi đến hãi hùng. Đó là cách giết người của Việt Minh. Giết một người mà làm muôn người khiếp sợ.
Lễ xong ra về thì trời đã tảng sáng. Thường mẹ chúng tôi đã chuẩn bị sẵn, lúc thì xôi đủ loại, lúc thì cơm với mắm tép đỏ. Ăn xong thì trời đã bắt đầu sáng. Người nông dân trong làng đã lũ lượt ra đồng ai vào việc nấy tươm tất như nhịp sống của con người với thiên nhiên.
Cái đẹp nhất của đời sống nông thôn là một nhịp sống hòa cùng thiên nhiên như quyện vào nhau như cùng một bọc. Tứ thời bát tiết, mùa nào thức nấy, mưa thuận gió hòa thì năm đó đủ ăn. Trông trời, Trông đất, Trông non là vì vậy. Cái vẻ đẹp của thiên nhiên cũng chính là vẻ đẹp của con người. Đã bao nhiêu năm rồi, dễ cũng 70 năm có lẻ mà tôi vẫn có thể mường tượng ra anh Thùy, anh con nhà bác. Anh vóc người vạm vỡ, nước da đen, tóc xoăn, mặt mũi đen mun với hàm răng hơi hô. Nhưng nụ cười thì hồn nhiên chất phác, làm lụng cũng vất vả, việc lớn việc nhỏ đều đến tay anh mà lúc nào cũng vâng dạ bảo vâng. Mẹ tôi luôn luôn dành một phần rộng rãi cho gia đình anh.
Ôi hiếm có những người nông dân như anh Thùy. Nay không biết số phận anh ra sao khi đất nước đổi thay. Thế hệ con cái anh như thế nào?
Mỗi ngày chúng tôi phải đọc một chuyện các Thánh theo đúng lịch công giáo. Tôi thường không mấy thích thú với các truyện thánh này như các Thánh tử đạo, Thánh Hiển tu, Thánh Nữ Đồng Trinh. Tôi chẳng học được gì qua những gương sáng của các Thánh ấy. Nhiều buổi sáng đọc được nửa trang là tôi đã ngủ gật. Ngoài ra, anh tôi còn dạy một số bài hát và một số bài thơ phải học thuộc lòng. Tôi còn nhớ bài thơ sau đây mà thuở bé tôi rất ưa thích:
“Tôi đi học để nên người,
Nên người, yêu hết mọi người gần xa.
Trước là yêu mẹ yêu cha,
Cô, dì, chú, bác, ông bà, anh em.
Lân bang hàng xóm bốn bên.
Người làng người nước chẳng quên người nào.
Lòng tôi hằng vẫn ước ao.
Ở sao cho chọn mọi mọi điều yêu đương.
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.”
Những ngày phiên chợ
Nói tới các ngày phiên chợ thì đó là nguồn vui của chúng tôi vì được ăn quà đủ thứ. Nhưng đúng ra những ngày phiên chợ là nguồn vui nhất của mẹ tôi mới phải. Một tháng có 6 phiên chợ; cứ cách 5 ngày lại có một phiên, rơi vào các ngày mồng một, mồng sáu, mười một, mười sáu, hai mươi mốt và hai mươi sáu. Chợ ở các làng lân cận thì họp vào các ngày mồng hai, mồng bảy, v.v.. Chợ làng Yên Phú chỉ cách nhà tôi khoảng một cây số, tại làng Chàng. Sáng sớm mẹ tôi thuê một người chị người làm gánh hai thúng vải sồ màu nâu hoặc đen, một ít lĩnh đen và vải dệt Nam Định. Mẹ tôi đội một thúng cau khô. Chợ thì ồn ào như ong vỡ tổ. Mẹ tôi được dịp đon đả, mời chào hết người này, người kia. Hầu như bà quen hết mọi người. Và biết rõ từng gia đình, chia xẻ và biết những lo âu, phiền muộn của họ. Việc buôn bán là để thu chút lợi nhuận, nhưng cạnh đó có chút tình làng xóm, buôn bán có thêm bớt gia giảm, nhường nhau mà giá cả không so kè.
Khi bán xong một mớ hàng rồi, bắt đầu thưa khách, mẹn tôi để chị người làm trông hàng và rảo đi một vòng chợ, mua hết thứ này thứ kia. Đồ ăn trong nhà bữa đó hẳn là sẽ có đủ thứ ngon mà đôi khi chỉ ngay phiên chợ mới có. Vì vậy trẻ con nào chả mong mẹ về chợ vì có quà bánh.
Chợ như thế là một ngày hội làng. Nó không nhất thiêt là việc buôn bán mà còn là một ngày họp mặt. Kẻ buôn người bán đều vui mà phần đông họ vừa là người bán, vừa là người mua. Người có vài con gà mang bán rồi lấy tiền đó mua thực phẩm như rau cỏ, gạo thóc.
Đàn ông thì thường tụ họp nhau lại rít vài hơi thuốc lào. Hay dư giả thi mời nhau dăm ba xị rượu, nhâm nhi vài củ lạc rang, nói chuyện đời, chuyện nhà xứ. Hầu như bao nhiêu mệt nhọc đồng áng cứ thế không cánh mà bay đi đâu hết.
Trẻ con thì chực chợ mẹ mua cho vài xu kẹo bột, hay cái bánh đa, khoanh mía. Sang thì được ăn một đĩa bún chấm mắm tôm có thêm vài khoanh đậu rán chiên. Thế là vui rồi. Thế là hạnh phúc.
Mọi người đều vui để rồi khi mặt trời xế bóng với ánh nắng xiên khoai trả lại cho chợ cái khung cảnh tiêu điều xơ sác với những túp lều nghiêng ngả, siêu vẹo. Hình như ở đâu có con người thì ở đó có nguồn vui.
Khi không có những ngày phiên chợ, mẹ tôi cũng bừa bộn với trăm công nghìn việc. Hầu như không có lúc nào bà nghỉ tay. Lúc nuôi tằm, lúc bổ cau khô. Cau mua về lột vỏ bổ làm tư, xếp vào mẹt đem phơi. Cau khô rồi lại xếp vào mẹt đem ra chợ bán. Nhiều miếng cau khô, cái nhân bên trong bung ra khỏi vỏ. Bà phải quậy hồ, quét tý bột vào nhân cau để dính lại với hột..
Cho nên, cho đến bây giờ, tôi vẫn thấm thía khi đọc mấy câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến khi viết về Chợ Đồng. Cũng như sau này, tôi có dịp được sống trọn vẹn những phiên chợ miền cao mà tôi đã mô tả trong truyện Dì Xinh.
Thơ của cụ Nguyễn Khuyến vịnh chợ Đồng.
“Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng
Năm nay chợ họp có đông không?
Dở trời, mưa bụi còn hơi rét,
Nếm rượu, tường đền(1) được mấy ông?
Hàng quán người về nghe xáo xác,
Nợ nần năm hết hỏi lung tung
Dăm ba ngày nữa tin xuân tới
Pháo trúc(2) nhà ai một tiếng đùng.”
(1) Chợ Đồng họp ngay ở bên cạnh một ngôi đền. Xung quanh đền lại đắp tường đất dày bao bọc, gọi là tường đền.
(2) Pháo trúc: trúc đốt trong lửa, có tiếng nổ to như pháo.
Trong nếp sống của xứ đạo, ngoài tiếng chuông nhà thờ để lại ấn tượng lớn trong tôi, còn lại là những phiên chợ. Đối với tôi thì không phải là phiên chợ mà là những ngày hội. Đời sống dân làng, các nguồn vui vốn hiếm hoi nên các phiên chợ trở thành như một thứ hội làng. Đúng như tâm trạng của Nguyễn Khuyến ở trên. Các phiên chợ bù đắp cho cả dân làng những buổi họp mặt mang tính xã thôn, tình nghĩa xóm làng. Mẹ tôi hẳn là một người vui nhất trong các ngày phiên chợ này. Bà đon đả mời chào, miệng cười tươi, chào hỏi hết người này người kia. Và tôi nhận ra, dân làng đều tỏ ra quý mến và đon đả khi gặp bà. Tôi không nhận ra rõ, chắc đôi phần có những người hỏi thăm về cậu con trai lớn trong nhà, mẹ tôi đã nói những gì? Một chút hãnh diện, một chút bộc lộ, phô trương không dấu được phần lộ liễu chăng? Cứ cho là có đi. Những sự lộ liễu ấy, tôi không hề thấy thầy tôi bầy tỏ công khai và rõ ràng bao giờ.
Phần mẹ tôi, một người đàn bà nhà quê, mù chữ cách bộc lộ tình thương dồn vào sự chăm sóc, ăn uống tỉ mỉ cho con trai của bà và ngay cả cho các bạn bè của con trai bà nữa.
Các món ăn mà anh tôi thích mẹ tôi rành lắm. Chẳng hạn như món nhộng rang vừa lấy ra khỏi suốt. Hay món cá rô rang muối ăn với cơm nếp. Hay món cháo cá quả. Nhất là món gỏi cá mè. Món này cầu kỳ nên cần đến các anh con nhà bác, lưới cá ở đầm sau nhà và cần rất nhiều các loại lá ăn kèm tạo ra các vị chua, ngọt, chát, cay của ớt, cay của gừng, cay của giềng. Khi về Việt Nam, tôi cũng tìm lại ăn những món này.
Anh Thông tôi lại có tính hiếu khách, chiều bạn. Mỗi kỳ nghỉ hè, anh thường kéo một số bạn bè về nghỉ, có khi đến mười mấy, hai mươi người. Ở chừng một tuần, hai tuần, có người ở cả tháng. Và anh bày ra nhiều trò lắm: Kéo nhau đi picnic, có khi đi xe đạp thăm viếng cảnh Chùa Hương, coi động Hương Tích, rồi mang theo lều đi cắm trại. Có khi rủ nhau đi Đồ Sơn tắm biển. Có khi rủ nhau đi gặt hái thuê cho một gia đình tá điền nghèo, neo đơn — rất ít người và không có khả năng lao động, nên không biết trông cậy, nương tựa vào ai giúp đỡ người già yếu. Anh tôi và nhóm bạn vừa đi, vừa hát, vừa la lối um sùm. Nhiều người trong bọn họ chưa bao giờ biết cầm một cái liềm nên vụng về. Muốn cắt lúa thì tay phải cầm liềm, tay trái quơ vòng ra phía trước phía trên gốc giạ chừng gang bàn tay. Khi bó lúa nằm gọn trong bàn tay trái rồi, tay phải cắt lúa rồi gom lại thành từng đống.
Chắc chắn là người ta chưa từng thấy một toán thợ gặt nào lạ lùng như vậy.
Có khi họ bơi lội trước cái đầm sau nhà mà một lần đùa nghịch, té nước, rồi dìm nhau loạn cả lên. Lâu sau, bạn bè mới thấy thiếu thầy Nghĩa. Anh tôi biết có biến, lặn ngụp và lôi được anh lên bờ, suýt chết đuối. Sau này, lớn lên, lúc thầy Nghĩa đã làm cha, cha Nghĩa đã kể cho tôi nghe ơn cứu tử của anh tôi.
Sau này ngồi nghĩ lại, tôi thấy hình như trong đời một cách tình cờ định mệnh, ở những hoàn cảnh éo le hiểm nghèo của cuộc sống thường có mặt anh tôi đúng lúc. Cho đến bây giờ, tôi cũng không cắt nghĩa được điều bí nhiệm ấy. Tôi còn nghe các chị tôi kể, anh tôi từng đỡ đẻ cho một phụ nữ ở ngoài cánh đồng ruộng được mẹ tròn con vuông. Có khi họ ngồi tập hát, rồi hát hò. Có khi vào giúp nhà xứ trong việc tổ chức rước kiệu, hát lễ nhà thờ, dạy giáo lý cho thanh thiếu niên. Tất cả những công việc bề ngoài vui chơi giải trí, nhưng cũng là những tập tành chuẩn bị cho vai trò làm linh mục của anh sau này.
Tuy nhiên, theo tôi hiểu, anh tôi còn thích sinh hoạt hướng đạo. Anh từng xuống Nam Định, chỗ cố Cao ở cả hai tháng dưới đó. Nhiều lúc ở nhà, anh tôi thích mặc một chiếc áo sơ mi cụt tay mầu vàng ngà, bờ vai có hai tua vải như quần áo nhà binh, có đính thêm huy hiệu Hướng đạo. Quần short, màu xanh đậm bằng vải kaki Nam Định nhuộm. Trước ngực đeo tòng teng một cái còi. Thắt lưng luôn luôn có chiếc ca uống nước bằng nhôm. Sau này, khi Việt Minh nổi lên, họ đã giết Cố Cao.
Tai trời ách nước
Đã hai ngày rồi, làng Yên Phú nhận những cơn mưa như liên tục bất tạn. Thêm nước lũ tràn về ngập cánh đồng che kín ngọn lúa chìm dưới nước. Làng Yên Phú cũng như làng Đồng Phú, làng Nguyễn là đồng Trũng nên chỉ cấy được một mùa lúa chiêm (mùa lạnh). Những đồng nửa trũng nửa cạn như các làng Chàng, làng Hang, làng Bạc thì cấy được hai mùa cả lúa Chiêm và lúa Mùa.
Nhìn sang cánh đồng Chàng trước đây là ruộng lúa chín vàng ối nay chỉ còn là một biển nước mênh mông chạy dài xa tắp đén tận chân trời. Thỉnh thoảng nhô lên khỏi mặt nước là các mái nhà tranh như những cù lao nổi. Chỉ trong một đêm nay, biên giới thiên nhiên với những con đường ruộng rạch ròi nay không còn nhận ra được. Tất cả là mênh mông, là trắng xóa. Chỗ nào cũng là nước. Nay việc đi lại giữa vùng này với vùng kia phải di chuyển bằng thuyền. Xa xa, đủ các loại thuyền câu, thuyền nan, thuyền thúng đi lại như những lá tre trôi trên mặt nước.
Trên là trời, dưới là nước chụm mặt nhau ở chân trời. Ngồi trên thuyền có thể nhìn thấy cây lúa chín đang nhô lên khỏi mặt nước nghĩ đến ruộng nhà ai gặt trễ. Đến nông nỗi này thì những tiểu nông hay người cấy rẽ thì chết mất. Cây lúa chín không chịu được sức nước, uốn cong xuống chìm trong biển nước. Có nơi nước ngập đến hai thước là thường.
Từ chủ điền đến tiểu nông, đến người tá điền đi làm thuê chỉ mong trời ngớt mưa, có nắng lên là đổ xô ra đồng gặt gấp. Để nữa là lúa sẽ bị úng nước mọc mầm chỉ còn đến nước đổ đi. Chỉ những lúc như thế này mới hiểu hết những nguồn cơn của người dân làm ruộng trong nỗi bất lực trước thiên nhiên, trời đất.
Đến ngày thứ ba trời đã tạnh, trời đã ửng sáng le lói ánh mặt trời. Hy vọng lên theo. Chim chóc ở đau úa ra kiếm ăn. Phải đợi đến xế trưa, nắng mới thật sự nhú lên cao.
“Người ta đi cấy lấy công,
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.
Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm.
Trông cho chân cứng đá mềm.
Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng.”
Ca dao Việt Nam
Từ trong bờ ruộng, nhiều tốp tá điền, nai nịt kỹ càng ngồi trên thuyền ùa nhau ra cắt lúa. Nước chiều chỗ đến ngang ngực, nhiều chỗ sâu ngập tới cổ. Mỗi làn cắt lúa, họ phải nghiêng đầu qua một bên cho khỏi uống nước, sau đó cắt từng bó lúa để lên thuyền. Bên hông mỗi người thợ gặt phải đeo một ống bằng tre trong đựng mồ hóng trộn với vôi. Mùa ngập nước, đỉa sinh sản từng đàn đưởi theo người để hút máu. Chúng bám vào bắp đùi, miệng đỉa căn sâu vào thịt nếu dùng tay rứt ra không được. Nhưng nếu quét tý vôi trộn mồ hóng dí vào, đỉa nhả ra ngay. Nhiều con hút máu đến bụng căng tròn lẳn như ngón tay rồi tự động rơi xuống nước. Riêng đàn bà con gái phải sắn quần cho thật chặt ở bắp đùi, sau đó dùng lạt tre lát mỏng buộc bên trên chỗ sắn quần cho chặt ở gần bẹn đề ngăn chận đỉa.
Khi thuyền chở đầy lúa thì đẩy vào chân đê quẩy những bó lúa lên để trên mặt đê để đi gặt tiếp.
Bữa trưa hôm đó, gia đình thầy mẹ tôi và anh em chúng tôi đang ăn bữa trưa độ chừng hơn nửa canh giờ thì nghe tiếng kêu ơi ới ngoài đường, phía nhà cô Mến. Không ai bảo ai, cả nhà buông đũa, buông bát chạy về hướng cây Ngọc Lan và căn nhà hai tầng. Bên kia đường cái là cánh đồng ngập nước, đã có vài người đứng chỉ trỏ ra xa thấy vài người đang ngụp lặn. Trời giũa trưa sóng cả, cánh đồng ngập nước làm nhiều người e ngại không dám nhảy xuống cứu.
Anh Thông tôi không nói, không rằng, vội tụt chiếc quần đang mặc, chỉ còn chiếc quần đùi vội phóng xuống nước. Anh tôi cao 1m80. Gần đó, có sẵn chiếc thuyền câu, anh vội dùng sào đẩy ra chỗ mấy người đang gặp nạn. Từng phút, từng phút nhiều người đứng trên bờ mong anh tôi ra cứu ứng kịp. Nhiều người lẩm nhẩm đọc kinh. Lúc này chỉ còn trông vào như một phép lạ Chúa làm mới may ra cứu kịp.
Trong bờ, đã có một tốp thanh niên, theo anh tôi đẩy thuyền ra tiếp cứu. Mấy người đàn bà chết đuối đã chìm lỉm. Ra đến nơi, anh tôi cắm sào cho thuyền khỏi trôi rồi anh tôi nhảy xuống nước lặn mò xác người.
Hồi lâu, anh vớt được một xác người, cố gắng bê lên thuyền. Anh tôi bảo một thanh niên chở người đàn bà đó vào bờ trước. Hai thanh niên còn lại cùng anh tôi mò thêm được hai người nữa. Trong số hai người đàn bà mới vớt được, có một người độ 30 tuổi, có mang chừng 5, 6 tháng.
Từ lúc anh tôi chèo thuyền ra đến lúc vớt được ba xác người đưa vào bờ thời gian chắc cũng được nửa tiếng.
Mọi chuyện xem ra đã quá trễ. Nhiều người đã hô hoán tìm đủ cách, như giốc ngược người chết đuối cho nước chảy ra. Vô ích.
Điều oái ăm là cả ba nạn nhân đều là tá điền của cánh nhà Hậu. Nghĩa tử là nghĩa tận. Họ cũng đã chu đáo cấp ba cỗ áo quan ván mỏn chỉ kịp đóng đinh mà không kịp làm mộng. Nước ngập không có đất chôn nên thầy tôi cho mượn đất vườn, rẻo cao để chôn tạm.
Ngay đêm đó, hai chiếc xe bò chở ba xác chết lăn lọc cọc trên quốc lộ đi thẳng về phía Nam xuống Cống Vọng. Trông như một đám rước chỉ thiếu kèn đám ma. Một nhúm người đi theo, hẳn là bà con với tiếng khóc ỉ ôi lẫn với tiếng kinh cầu của những người hàng xóm xa gần. Chỉ thiếu cánh Nhà Hậu đáng lẽ phải có mặt. Người có đạo trong lúc này chỉ còn biết phó thác mọi chuyện vào trong tay Chúa quan phòng để Chúa lo liệu. Nhưng Chúa lúc này ở đâu nhỉ? Chúa có chứng kiến tất cả cái cảnh thương tâm này của người đàn bà nhà quê khóc đứa con gái mang thai 5 tháng?
Chẳng bao lâu sau, nước tự động rút dần. Vào mỗi buổi chiều, khi mặt trời còn hai ba ngũ. Từ trên bờ đê ánh nắng chiều chỉ còn một dải nắng vạt nhẹ xiên qua những lũy tre roi rớt lại chút nắng cuối cùng. Một người đàn bà nhà quê, áo nâu vá ngồi bó gối hai tay ôm lấy đầu gục xuông ngồi khóc con. Tiếng khóc lúc to lúc nhỏ như oán trách kể lể nỗi oan tình, ‘Ới con ơi.. sao con bỏ mẹ.. mà con đi.’ Tiếng khóc cứ tỉ tê như thế cho đến lúc mặt trời đã lặn lúc nào không hay. Trên đê không còn nhìn rõ bóng người đàn bà nữa. Nhà nhà đã lên đèn.
Bà cứ khóc như thế. Mỗi buổi chiều. Dòng sông có nghe thấy gì không, tiếng khóc cho thân phận dân nghèo mà đời sống như con dun, con dế để cho người ta dẫm đạp, dày xéo. Hay đây chỉ là tiếng thở dài của con người mà thời thế mà vận nước chưa đến nên chưa có cơ may làm người. Sau cùng, chỉ có tiếng con cò bì bụp lặn bắt cá.
Dòng sông có nghe hay không thì không biết. Nhưng tiếng nỉ non ấy hẳn vọng lên lầu hai, nơi ngôi nhà Tây Mến đang ở.
Lời chúc dữ của cố Tế xem ra thiếu linh nghiệm, nhưng xem ra nó còn tệ hại hơn là con gái chửa hoang. Nào ai biết có phải Chúa phạt dân làngYên Phú chăng? Phạt ai không phạt lại nhằm vào những người tá điền bất hạnh này.
Phần tôi, lúc đó chỉ là một cậu bé 5,6 tuổi. Nhưng tôi đã được chứng kiến tất cả cái cảnh này, nay viết lại.
Định mệnh vô tình
Tôi không còn nhớ rõ sau vụ 3 người phụ nữ chết đuối được bao lâu. Nhưng có thể chỉ một vài tuần sau lại xẩy ra một vụ chết người đến không hiểu được. Vụ chết người do xe ô tô cán xẩy ra cách nhà tôi không bao xa, chỉ chừng 100 mét là cùng. Số là thường ngày chỉ có từ một hai chuyến ô tô chạy từ tỉnh về quê qua làng Yên Phú. Xe chạy còn bằng hơi nước nên ngay từ lúc xe chạy đến đầu làng đã nghe tiếng máy nổ inh ỏi rồi. Và cứ mỗi lần, nghe tiếng máy nổ, trẻ con đã úa ra rồi reo hò chạy theo xe một quãng mới thôi. Cảnh đó cứ diễn ra mỗi ngày mà chúng không chán.
Nhưng lần này thì khác. Người ta nhìn thấy một người đàn bà đang quẩy quang gánh đi dọc vệ đường. Khi chiếc xe hàng vừa chạy tới ngang chỗ người đàn bà quẩy gánh thì không biết vì một lý do gì, người đàn bà thay vì né tạt vào lề nhường cho xe đi qua, bà lại nhảy tạt ra phía đường cái và bị bánh xe sau cán chết. Hai thúng đậu nành đổ tung tóe ra đường. Người đàn bà bị bánh xe cán qua người dẹp lép, máu me bê bết chết ngay tức thì. Dân làng túa ra coi đúng bu quanh xác chết không ai nói một lời. Phần đông dân chúng không biết gốc gác về người đàn bà, có thể là người làng bên.
Nhưng cái chết thật tình cờ và gây ngỡ ngàng cho mọi người đến không hiểu được. Nhưng lại như thể có sự sắp xếp để làm thế nào người đàn bà phải đi đúng đến chỗ đó, rồi trong một cử chỉ gần như định mệnh, người đàn bà phải nhảy xô ra đường để chiếc xe hàng chờ tới đúng lúc và cán chết. Định mệnh như một an bài. Mà chỉ một phút trước, không ai nghĩ nó xẩy ra. Và người đàn bà đã chết như một tình cờ. Nhưng đối với người sống thì cái chết đó như một bi kịch.
Người có chút học vấn sẽ nghĩ tới cái mong manh của phận người. Rất có thể anh tôi cũng có cùng một suy nghĩ như vậy. Đời sống con người qua cái chết này mang một thông điệp khá rõ ràng. Kiếp người phù sinh như hoa nở buổi sáng, tối tàn. Nhưng thân phận người như một tạo vật do Chúa dựng nên thì dù một cái tóc trên đầu hoặc một hạt cát ngoài biển, không có nó không được.
Anh tôi hiểu điều đó hơn ai hết. Cuộc sống là mong manh, nhưng lại vô giá. Cho nên chiến tranh, tù đầy, nhà tan cửa nát có cái phi lý cùng cực của nó. Nhưng trên hết vẫn còn lại một điều quan trọng nhất là sự sống vẫn là điều quan trọng nhất bởi vì chết rồi thì còn gì để nói nữa.
Sau những cái chết định mệnh khắt khe này, có thể trong anh tôi có gì đổi khác? Sự đổi khác này không có gì để kiểm chứng được. Chỉ biết rằng thời gian sau này, anh tôi đã có một quyết định khá quan trọng là bỏ nhà, bỏ nhà xứ, bỏ việc học hành ở Hà Nội và tình nguyện vào tu thử tại Đan Viện Châu Sơn, Nho Quan, Ninh Bình để sống tiếp tục đời sống tu trì chiêm nghiệm khắc khổ.
Nhưng việc thử nghiệm này không được bao lâu. Anh tôi đã quay trở lại quê nhà và sau đó lên lại Hà Nội.
Kết luận
Nay tuổi đã vào lúc xế chiều, nhìn lại mình, nhìn lại anh mình cũng như nhìn lại các sinh hoạt xứ đạo miền Bắc, tôi vẫn thấy đó là những năm tháng đẹp và có thể có ý nghĩa nhất cho một đời người. Thật vậy, bây giờ tôi có thể ngồi viết lại, từng chi tiết nhỏ, từng cảm nghĩ, từng sinh hoạt cũng như từng tâm tình của một thời đã qua mà biết rằng nó không bao giờ trở lại như trước nữa. Đã có lần tôi về thăm quê hương, thăm lại Hà Nội. Nhưng tôi có cảm giác như thể tôi là một người khách lạ từ đâu đến. Cái cảm giác lạ lẫm như thể tôi đang sống ở một nơi nào khác chứ không phải nơi chôn rau cắt rốn. Nó mất hẳn sự yên tĩnh của con người và thiên nhiên. Đâu đâu cũng là những tiếng động miên tục trấn áp tất cả. Hiếm hoi mới được nghe tiếng chó sủa, tiếng gà gáy buổi sáng. Đến nếu đất nói được, nếu thiên nhiên biết nói tiếng người, nó sẽ cất lên lời nguyền rủa con người đã để đến nỗi chó phải cụp đuôi, gà tắt tiếng, chim ngưng hót.
Nhìn laị mối quan hệ giữa anh em chúng tôi, tôi thấy thời gian sống chung dưới một mái nhà chẳng được bao lâu, có thể là quá ngắn ngủi so với một đời người. Tôi và anh tôi cùng lắm chỉ gặp nhau vắn vỏi trong vài kỳ nghỉ hè và không hơn một tuần lễ khi anh tôi về ghé qua miền Nam trước khi tình nguyện ra Bắc. Thời gian ấy không đủ để có thể viết về cả một đời anh tôi từ những năm đi du học, rồi biền biệt kẻ ở miền Bắc xa xôi mà không chút hy vọng gì anh em có thể gặp nhau. Vậy mà nay tôi có thể ngồi viết lại được cả một cuộc đời anh tôi. Trong khi có người sống gần gũi trong nhiều năm tháng đến lúc tính sổ đời, thấy chẳng có điều gì để nói.
Anh tôi, trong một ít thư từ trao đổi với gia đình sau 1975, bày tỏ một mặc cảm là anh đã có lỗi khi “không được gần thầy mẹ để chăm sóc và an ủi”.
Tôi linh cảm mẹ tôi thâm cảm rằng ngoài tình mẫu tử do bà bà mang nặng đẻ đau mà những ngày tháng anh tôi sống gần bên gia đình là những ngày hạnh phúc tuyệt vời của bà. Nhưng mặt khác. bà hiểu rằng, cuộc đời của anh tôi đã không thuộc về bà. Phần lớn nhất, bà biết rằng bà sẽ mất con, vì đời con bà đã dành hết cho Chúa rồi. Bà có thể có cảm nghiệm gần gũi với người con mà sau này bà xác tín rằng đời con sẽ còn gặp nhiều lao đao khốn khổ, nhất là khi con bà từ giã gia đình để ra Bắc sau năm 1954.
Sau này, trong những dịp tết nhất trong gia đình, hầu như có đầy đủ mọi người, với bảy người con còn lại quây quần chung quanh mẹ. Nhưng tôi cũng hiểu rằng bảy người con còn lại không thể nào khỏa lấp cho sự trống vắng của anh tôi.
Hình như đây là nỗi đau khốn khổ nhất đời bà mà không có chỗ bù trừ. Mất con, hầu như mất cả cuộc đời còn lại.
© 2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Nguồn: DCVOnline minh họa.