Đọc “Trong bóng tối lịch sử” (I)
Nguyễn Văn Lục
Cách đây vài năm, tôi không nhớ rõ, trong một bữa tiệc cưới, tôi có gặp tác giả Lê Nguyên Phu.
Biết ông là một cựu đại tá nha quân pháp có thể đã có vai trò trong các vụ án chính trị của tòa án Mặt trận hay tòa án Quân sự như các vụ án xử Vương Văn Đông, vụ án xử các người có liên can đến vụ binh biến ngày 11/11/1960 và nhất là vụ án xử Ngô Đình Cẩn, tôi có dè đặt yêu cầu ông viết lại để cho hậu thế biết rõ sự thật như thế nào. Ông đã nhẹ nhàng từ chối viện lý do tuổi già, hoặc không trực tiếp là thành phần xử án ông Ngô Đình Cẩn và nay quá khứ ấy không còn nên không muốn nhắc nhở tới nữa.
Tôi hơi thất vọng về ông sau một vài lời đề nghị không thành.
Không ngờ và không khỏi ngạc nhiên, ông viết cuốn sách “Trong Bóng Tối Lịch Sử” như một trăn trối lại đời sau những gì ông biết được, những gì ông trực tiếp là nhân chứng với một giọng văn rực lửa, đôi khi không tránh khỏi sự bực dọc quá đà ở một người đã trên 80 tuổi.
Ông vốn xuất thân là thẩm phán, dạy học và do thời thể đẩy đưa bị trưng dụng ở Tòa án quân sự, phòng Công tố 2. Cũng do phụ trách phòng Công tố 2 nên ông nắm giữ hồ sơ vụ phản loạn Bình Xuyên, ngồi ghế công tố đối đầu với các luật sự biện hộ cho các bị can như các luật sư Vũ Văn Hiền, Trịnh Đình Thảo, Trương Đình Du, Vũ Văn Huyền.
Sau đó, ông được ông Diệm chú ý đến và cử giữ chức Giám Đốc Nha Hiến Binh toàn quốc. Với chức vụ đó, ông thường vào họp Hội đồng an ninh quốc gia với TT Ngô Đình Diệm vào các sáng thứ ba và sáng thứ sáu cùng với một số tướng lãnh khác như Nguyễn Văn Là, Phạm Xuân Chiểu.v.v..
Để chứng tỏ việc ông viết lại là khách quan, ông tự nhận và xếp mình vào loại người có sự độc lập tư tưởng, không lệ thuộc vào ai, ngay cả ông Diệm, không theo bất cứ đảng phái nào và cũng không lệ thuộc vảo bất cứ tôn giáo nào.
Ông chỉ tuân theo lẽ phải và công bằng mà viết.
Mặc dầu ông nói vậy, nhưng cơ duyên đã đưa đẩy đến chỗ sau này ông coi ông Diệm như người lãnh đạo đáng tôn kính nhất, một người đạo đức và là một người quốc gia chân chính. Đúng hơn là một lãnh tụ lo cho dân, cho nước. Ông không che dấu và bày tỏ một cách lộ liễu tất cả lòng ngưỡng phục mà ông đã dành cho ông Diệm trong thời gian thời kỳ Đệ nhất Cộng hòavà cho mãi đến bây giờ, sau gần nửa thế kỷ.
Đọc ông, tôi có cảm tưởng, ông không ngại ngùng bày tỏ cái niềm kính trọng gần như vô biên đối với cá nhân ông Diệm. Và cũng vì thế, ông khá nặng lời đến không cần thiết khi nói đến đám tướng lãnh hay đám công chức cao cấp như nói về Nguyễn Ngọc Huy trong vụ Ba Lòng mà ông gọi là đám “đối lập cuội” (trang 81), Nguyễn Chánh Thi trong vụ biến động 1960, “mặt nạ lưu manh” của y. Huỳnh Văn Lang với những láo khoét gian dối (trang 175), văn chương ngớ ngẩn, nên tìm đọc hồi ký của y tập 3, từ trang 106 (10 trang tất cả) mà mỗi dòng là là một sự láo khoét, trắng trợn, bỉ ổi (trang 177).
Ông không ngại nặng lời với những người ông không ưa. Giá ông bớt cho những dòng vừa trích dẫn trên thì hay biết mấy và khả năng thuyết phục hẳn là cao hơn nhiều.
Ông tin tưởng một cách không lay chuyển được vào những điều ông viết như có sức nặng của sự thật lẽ phải nên ông cho rằng,
“Cái sức mạnh của tôi để chống với những áp lực vừa kể là tấm lòng không tham luyến danh vọng và bất vụ lợi của tôi, chỉ muốn bước ra khỏi hoạn trường và trở về với nghề dạy học hoặc làm luậr sư mà tôi cho là những nghề cao quý có thể tạo đức cho đời.”
(“Trong Bóng Tối Lịch Sử”, Mai Thạch Lê Nguyên Phu, trang 222)
Và khi hoàn thành xong cuốn sách, ông viết:
“Tôi nghĩ sau khi đã làm xong trách vụ này, tôi sẽ tìm lại được sự an ủi giữa lòng đời, sự bình thản trong lòng tôi và nhất là sẽ giúp gây lại lòng tin tưởng ở nhân phẩm và đạo đức của một dân tộc xưa nay vẫn thuờng tự hào là có lương tri, nghĩa khí, biết tôn trọng lẽ phải và không bao giờ chối bỏ sự thật.”
(Ibid., trang 11)
Mong vậy thay.
Giới thiệu cuốn sách
Cuốn sách gồm 507 trang, nhưng tác giả đã dành gần 400 trang nói về giai đoạn Đệ nhất Cộng hòa, còn lại hơn 100 trang nói về Đệ nhị Cộng hòa. Điều đó cũng hiểu được, vì ông là một thứ nhân chứng tích cực ở giai đoạn thời ông Diệm. Thời Đệ nhị Cộng hòa có thể ông đã quay về dạy học hay làm luật sư.
Cuốn sách “Trong Bóng Tối Lịch Sử” còn có một phụ đề là Khảo luận về Ngô Đình Diệm, tác giả Mai Thạch Lê Nguyên Phu, sách đã được đang ký và nộp bản ở Thư Viện Trung Ương, thành phố Montréal, tháng 11, 2008 [ISBN: 978-2-9810906, Thư viện và thư khố Quốc gia Quebec – Bibliothèque et Archives nationales du Québec – DCVOnline]. Cuốn sách tôi có trong tay là một ấn bản đặc biệt, in giới hạn, không đề giá bán.
Có thể sau này, tác giả phổ biến rộng rãi hơn chăng?
Đọc ông như đọc một cuốn biên niên sử thời đại với không biết bao nhiêu nhân sự xấu tốt có cả. Nhưng xấu nhiều hơn tốt. Xấu hay tốt đối với ông tùy thuộc vào thái độ chính trị đối với thể chế và đồng thời có được một nhân cách không thể chê trách.
Cứ từ nguyên tắc đó ông phân biệt kẻ chính người tà.
Kể cũng khá khắt khe và độc đoán mặc dầu thực tế họ đều có thể là như thế: thiếu tài, thiếu đức lại ưa xu nịnh hoặc hống hách.
Ông dị ứng với các nhân vật chính trị mà phần đông xuất phát từ các đảng phái. Điều đó cũng hiểu được.
Hầu hết các đảng phái Quốc Gia đều có nguồn gốc từ thời Pháp thuộc như Việt Nam Quốc Dân đảng, Đại Việt Quốc Dân đảng, Đại Việt Duy Dân, v.v.. đặt trên tình tự yêu nước mà mục tiêu là chống thực dân. Thực tại đất nước đã thay đổi, nhưng thực trạng đảng phái vẫn vậy. Tổ chức đảng thường lỏng lẻo nên phân nhánh đảng thành những nhóm, bè phái, phong trào, mặt trận, v.v.. Chẳng hạn Mặt trận cứu nguy dân tộc, Mặt trận quốc gia dân chủ xã hội.. Hoặc thành những Phong trào như Phong trào Phật giáo Xã hội, Hay như Lực lượng Quốc Gia Tiến bộ. Tính chất phân nhánh, cục bộ, lỏng lẻo tổ chức biến các đảng mang tiếng là “xôi thịt”, “bất lực”. “chia rẽ” nhau và chia rẽ người quốc gia. Chỉ nhằm nắm chính quyền, lo đưa người vào nắm Quốc Hội hay Thượng Viện. Nắm không được thì bất mãn, tìm cách chia rẽ.
Những hình ảnh tốt đẹp về đảng phái như cuộc Khởi nghĩa Yên Báy 1930, cuộc Khởi nghĩa Lạng Sơn chỉ còn là dư âm của một thời.
Gần như tất cả những khuôn mặt nổi bật nhất từ các người tham chính, các người làm chính trị, các tướng lãnh, các đảng phái đều được ông nhận diện gần như không thiếu người nào như các ông: Nguyễn Ngọc Thơ, Trần Văn Hữu, Nguyễn Cao Thăng, Nguyễn Văn Ngân, Nguyễn Văn Ngãi, Bảy Viễn, Ba Cụt, Trịnh Minh Thê, Nghiêm Xuân Thiện, Phạm Hữu Chương, Nguyễn Lưu Viên, Trần Văn Đỗ, Phan Văn Giáo, Trương Tử Anh, Nhất Linh, Vũ Văn Mẫu, Trần Văn Chương, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát, Phan Quang Đán, Hoàng Xuân Tửu, Nguyễn Xuân Chữ, Nguyễn Tôn Hoàn, Hoàng Cơ Thuỵ, Đinh Xuân Quảng, Phan Bá Cầm, Vương Văn Đông, Thân Trọng Thuận, Huỳnh Văn Lang, Nguyễn Lương, Nguyễn Đình Thuần, Võ Văn Hải, Nguyễn Trân, Nguyễn Văn Lực, Nguyễn Văn Mầu, Nguyễn Mộng Bích, Nguyễn Văn Lượng, Trần Trung Dung, Nguyễn Phương Thiệp, Trần Quốc Bửu, Đoàn Thêm, Phan Khắc Sửu, Vương Hồng Sển.
Cạnh đó là các tướng lãnh như Lê Văn Tỵ, Trần Thiện Khiêm, Mai Hữu Xuân, Tôn Thất Đính, Đỗ Mậu, Dương Văn Minh, Trần Tử Oai, Phạm Xuân Chiểu, Nguyễn Văn Là, Nguyễn Khánh, Lê Văn Kim, Nguyễn Văn Vỹ, Nguyễn Cao Kỳ, Trần Văn Minh, Dương Văn Đức, Nguyễn Ngọc Lễ, v.v..
Phần đông những nhận định phê phán các nhân vật nêu trên đều căn cứ vào những hành động, những điều họ đã làm và phần chính xác là có.
Tôi tin như vậỵ. Chỉ có điều khác biệt, mỗi nhân vật trên tùy theo ngôn ngữ ông xử dụng mà trở thành kẻ thậm tệ xấu, xấu vừa hay tốt. Chẳng hạn khi ông gọi tướng Trần Tử Oai là “đồ vô lại” thì cũng không xa sự thật là mấy chăng? Khi nhận xét về Vương Hồng Sển thì tôi thấy quả đúng như vậy. Đọc “Nửa Đời Hư” của Vương Hồng Sển, tôi nhìn ra nhiều điều bất cập không phải như người đời thường tâng bốc ông.
Có nhiều nhân vật như Trần Văn Hương nay đọc ông thì tôi thấy rõ hơn.
Kết thúc cuốn sách, ông Lê Nguyên Phu cho biết “cháy nhà ra mặt chuột” và ông đã tìm ra được 15 con chuột, trong đó gồm 11 quân sự và 4 dân sự trong đám người vừa kể trên.
Trong phần giới thiệu cuốôn sách này, tôi sẽ không đề cập lại những phần bài viết ông nói về cá nhân ông Ngô Đình Diệm trải dài suốt cuốn sách mà có thể nhiều tác giả khác đã nói tới nhiều. Hoặc là ông viết theo trí nhớ mà nhiều tài liệu mở ngày nay phong phú, chính xác và đầy đủ hơn nhiều. Chẳng hạn như về cuộc di cư 1954-1955, biến cố Phật giáo 1963, về cái chết của hai ông Diệm và Nhu, về vụ án ông Ngô Đình Cẩn mà ông không đề cập tới.
Hiện nay, trong gìới tòa án mới chỉ có bài viết của luật sư Vương Văn Quan, người đã trách nhiệm đứng ra biện hộ cho ông Ngô Đình Cẩn. Rất mong rằng sau này sẽ có một vị luật sư, chánh án tòa án quân sự hay công tố viện như ông Công tố viên Đức theo gương luật sư Vương Văn Quan hay ông cựu đại tá Lê Nguyên Phu dám viết lại như một chứng nhân những dữ kiện pháp lý trong các tòa án quân sự ở Việt Nam.
Lịch sử cần được viết lại và viết trung thực.
Ở đây, tôi chỉ đặc biệt xin giới thiệu những trường hợp liên quan đến tòa án mà chính ông là người trong cuộc. Sự tiết lộ của ông ở đây rất là quý giá vì giúp nhiều sự kiện lịch sử đã bị che mờ, hiểu sai, ngay cả xuyên tạc được nhìn lại một cách công bằng.
Và tôi nghĩ, đây là những đóng góp không nhỏ của cuốn sách đối với lịch sử miền Nam trong 21 năm qua.
Vụ án Ba Cụt với Nguyễn Ngọc Thơ
Theo tác giả, ông Nguyễn Ngọc Thơ đang làm đại sứ ở Nhật thì được gọi về giao cho nhiệm vụ đi chiêu hàng Ba Cụt, vì Nguyễn Ngọc Thơ đã từng làm tỉnh trưởng tỉnh Long Xuyên, nơi Ba Cụt trú đóng. Nhưng trong cuốn “Những Biến Cố Lớn Trong 30 Năm Chiến Tranh Tại Việt Nam” 1945-1975 của Nguyễn Đình Tuyến, trang 42 có ghi là “Tướng Dương Văn Minh [thật ra là Trung tá – NVL], Tư lệnh chiến dịch Rừng Sát của chính phủ Diệm, bắt được tướng Hòa Hảo Ba Cụt Trần Quang Vinh [Lê Quang Vinh – DCVOnline]. Ba tháng sau, vào ngày 13/07/1956, Ba Cụt bị xử tử hình.”
Chiến dịch Nguyễn Huệ (mở ngày 1 tháng 1 năm 1956) để tiêu diệt quân Ba Cụt nhưng vẫn không thanh toán được. Sau đó Ngô Đình Diệm chỉ đạo cho Nguyễn Ngọc Thơ âm mưu giả vờ thương thuyết, chấp nhận cho Ba Cụt về hợp tác với chính quyền, phong thiếu tướng, rồi vào phút cuối trở mặt, bắt ông. (Nguyễn Ngọc Thơ quen với ông giáo Hoành – cậu ruột Ba Cụt, người đã dạy Ba Cụt học tiểu học và rất được Ba Cụt kính trọng.) Nguồn: wikipedia.org
Tôi nghĩ rằng giả thuyết Nguyễn Ngọc Thơ tìm bắt đuợc Ba Cụt được nhiều nguời công nhận hơn.
Nguyễn Ngọc Thơ hẹn được với Ba Cụt tại “Chắc Cà Đao” để thương lượng. Ba Cụt đến nơi hẹn với 5 hộ vệ thì bị phục kích và bị bắt tại chỗ ngày 13/04/1956. Nguyễn Ngọc Thơ đưa Ba Cụt ra xét xử và tuyên án tử hình Ba Cụt ngày 11/06/1956. Ba Cụt chống án.Tòa Thượng phẩm Sài Gòn họp phiên đại hình lưu động tại Cần Thơ ngày 28/06/1956 tuyên phán y án toà Sơ thẩm Cần Thơ. Cả hai Toà sơ thẩm Cần Thơ và Thượng Thẩm tại Sài Gòn họp tại Cần Thơ, chỉ xử dụng những vụ phạm pháp thường tội của Ba Cụt, còn những tội trạng liên quan đến an ninh quốc gia thì giao cho tòa Toà án quân sự Sài Gòn thụ lý. Tòa án quân sự Sài Gòn xử lưu động tại Cần Thơ cũng tuyên án tử hình Ba Cụt ngày 04/07/1956. Cả hai bản án tử hình của các tòa án dân sự cũng như quân sự được thi hành ngày 13/07/1956.
Điểm đáng nói trong vụ án Ba Cụt là địa điểm xét xử và người ngồi ghế công tố của Toà án quân sự Sài Gòn trong vụ này. Tòa án quân sự Sài Gòn, lúc bấy giờ là tỏa án quân sự duy nhất có thẩm quyền địa hạt (Compétence territoriale) trên toàn miền Nam, nhưng chỉ xử cố định ở Sài Gòn. Vì thế, tòa án quân sự không thể xử lưu động bằng cách kéo nhau xuống Cần Thơ xử án. Cho nên, ông Nguyễn Ngọc Thơ đã làm một việc phi pháp không có pháp luật nào cho phép ông thiết lập tòa án lưu động ở Cần Thơ để xử án.
Thứ đến, ông Nguyễn Ngọc Thơ đã đề cử đại tá Mai Hữu Xuân, giám đốc Nha an ninh quân đội thởi bấy giờ ngồi ghế công tố. Mai Hữu Xuân không rành pháp luật lại không có tư cách pháp lý để trở thành thẩm phán công tố.
Có thể trước sau gì Ba Cụt cũng khó mà thoát án tử hình. Nhưng thủ tục tố tụng đã sai trái mà cứ bình thường có phản bác thì có thay đổi được gì không? Theo như ông Lê Nguyên Phu viết:
“Nhưng tôi biết rõ vụ xử án Ba Cụt là một hành vi bất hợp pháp do Nguyễn Ngọc Thơ chủ trương.”
Nhưng lúc bấy giờ, Nguyễn Ngọc Thơ mới chỉ là bộ trưởng kinh tế, tư cách gì cho phép ông ta chỉ định ghế Công tố Viện cho Mai Hữu Xuân? Quyền hạn nào cho phép Nguyễn Ngọc Thơ cho phép thiết lập tòa án lưu động ở Cần Thơ để xử án?
Theo ông Nguyễn Cần, vốn là một cựu thẩm phán, bây giờ là một nhà báo có cho tôi biết, những chứng luận của ông Lê Nguyên Nguyên Phu không vững. Bởi vì những lý lẽ sau đây: Vụ án xử Ba Cụt có đến 3 phiên tòa, 2 phiên tòa dân sự và một phiên tòa quân sự.
1. Tòa Dân sự – Ba Cụt bị truy tố về các tội giết người, hãm hiếp, cướp của, v.v..
- Phiên tòa sơ thẩm đại hình Cần Thơ và đồng bọn, bị tuyên án tử hình. Ba Cụt kháng án.
- Tòa Thượng Thẩm Đại Hình: Lúc đó miền Nam chỉ có hai toà. Nhưng ông Diệm muốn xử ở Cần Thơ cho dân chúng dưới đó coi vào ngày 14/06/1956. Ông Diệm đã ban hành Dụ số 33 thành lập Toà Thượng Thẩm Cần Thơ để tái thẩm. Tòa y án tử hình của Tòa Sơ thẩm.
2. Tòa án quân sự
Ba Cụt bị xét xử và truy tố vì chống đối lại quân đội Quốc Gia. Toà án quân sự không có phạm vi quản hạt như Tòa án dân sự. Và nếu quả thật có trở ngại, ông Diệm đã ban hành một đạo luật thiết lập Tòa án quân sự như tòa Đại Hình rồi. Ông không làm vì không thấy có trở ngại pháp lý gì. Ngày 04/07/1956, Tòa án quân sự đã lên án tử hình Ba Cụt. Như vậy, Ba Cụt bị hai lần án tử hình do hai tòa khác nhau..
Trên đây là ý kiến của ông Nguyễn Cần trình bày như một ý kiến khác để tiện đường dư luận về vụ án Ba Cụt. Mong nhận được những ý kiến xây dựng về vấn đề này.
Vụ hãm hiếp người rồi giết người dấu xác để phi tang
Vụ này xảy ra tại Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Một sĩ quan chỉ huy trưởng Trung tâm đã hãm hiếp một cô đầy tớ gái. Cô này đã kháng cự lại mãnh liệt. Viên Sĩ quan này nổi nóng giết chết cô gái nạn nhân, sau đó tìm cách dấu xác để phi tang. Hiến binh Quang Trung nghe tin có án mạng mở cuộc điều tra. Mai Hữu Xuân muốn che chở cho sĩ quan thân tín của mình muốn ém nhẹm nội vụ, ngăn cản không cho hiến binh đến điều tra. Ông Lê Nguyên Phu ra lệnh cho hiến binh phải tiếp tục điều tra dù cho Mai Hữu Xuân có là tướng cũng không có quyền ngăn chặn cuộc điều tra tư pháp.
Mai Hữu Xuân phạt tiểu đội trưởng điều tra 15 ngày trọng cấm và hồ sơ đươc chuyển về Bộ Tổng Tham Mưu. Thiếu ttướng Chiểu, tham mưu trưởng tăng phạt lên 20 ngày trọng cấm. Hồ sơ được chuyển lên đại tướng Tỵ, Tổng Tham Mưu trưởng, và nay hình phạt tăng lên gấp đôi, 40 ngày trọng cấm.
Trước sự việc như vậy, ông Lê Nguyên Phu phúc trình lên Bộ Quốc Phòng. Ông Trần Trung Dung vốn cũng là một luật gia xem hồ sơ phúc trình, nhìn nhận các tướng lãnh đã lạm quyền khi xen vào địa hạt tư pháp và ra lệnh hủy bỏ lệnh 40 ngày trọng cấm… Mặc dầu vậy, tướng Chiểu lại gọi cho ông Lê Nguyên Phu trách, “Làm mất uy tín của quân đội.” Ông đã trả lời cho tướng Chiểu:
“Uy tín các tướng lãnh là phải xử sự cho đúng khuôn phép chứ không tiếp tay nhau hành hạ một hiến binh vô tội. Cái uy tín Thiếu tướng đặt sai chỗ rồi.”
Chi rất tiếc, ông Lê Nguyên Phu vốn ở trong ngành quân pháp hiểu rõ hơn ai hết thế nào là một tội phạm, khi viết về vụ án khá quan trọng này, Đây là một vụ án hình sự, có thể can tội cố sát, ông đã không cho biết kết quả vụ án giết người bịt miệng sau đó đi đến đâu? Ông sĩ quan đó bị kết án bao nhiêu năm tù? Ông đã nêu ra vụ án oan ức của người con gái xấu số và bênh vực người hiến binh điều tra nội vụ. Nhưng ông đã không cho biết tên cái ông sĩ quan đã ám hại đời cô gái là ai? Gia đình cô gái đã được bồi thường ra sao? Hay là vụ án sau đó bị cho chìm xuồng? Đã minh bạch thì xin minh bạch cho trót.
Nếu vụ án sau đó bị cho chìm xuổng và nạn nhân chết oan uổng thì phải nói tới một thứ tòa án ở Việt Nam đã bị các thế lực biến thành một cơ chế tòa án bất công, thối nát. Nếu ông viết cho rõ ràng vụ án này thì lời kết án của ông mới có cơ sở, còn nếu không làm được như vậy thì thật là đáng tiếc, vẫn chỉ là những lời kết án suông.
Sự thiếu sót này làm cho một người đọc bình thường như tôi cảm thấy ông chỉ muốn đổ trách nhiệm cho những sĩ quan cao cấp trong quân đội VNCH muốn che đậy vụ án hơn là bạch hóa một vụ án.Tình trạng đó cũng xảy ra trong nhiều trường hợp khác mà ông đã chỉ nêu sự việc mà không nêu đủ những yếu tố cấu thành một tội phạm như trong trường hợp vụ buôn lậu vé số của bà Đức Âm.
Việc nêu ra mà thiếu cơ sở pháp lý, thiếu một phiên tòa với những lời buộc tội và bản án làm cho vụ việc được nêu ra thiếu thành tố pháp lý, tội phạm biến thành một lời kết án vu vơ chăng?
Đây là một thiếu sót tôi tìm thấy rải rác trong toàn bộ cuốn sách của ông.
Riêng ông bà tướng Chiểu thì tôi có gặp đôi ba lần, không ngờ tướng tá mình lại như thế? Ông Chiểu còn dính dáng đến vụ ông Thiếu tướng Hồ Văn Tố mả tôi muốn viết lại đây cho những người trẻ thế hệ sau này rõ chuyện. Tướng Hồ Văn Tố, chỉ huy trưởng trường Võ bị Thủ Đức có bồ là một cô gốc Tàu, bán hàng tại Câu Lạc bộ tại trường Võ bị. Ông tướng thuê một biệt thự ở Gia Định làm chỗ đi về với tình nhân. Trong cuộc mây mưa, chẳng may tướng Tố chết trên bụng cô gái. Tướng Chiểu muốn ém nhẹm vụ này gọi điện thọai cho giám đốc hiến binh, ông Lê Nguyên Phu, xin bỏ qua. Ông Lê Nguyên Phu từ chối vẫn cho hiến binh điều tra, giảo nghiệm cả những vết tinh trùng trên nệm gối, trên quần áo.
Tướng Chiểu đành chịu, ấm ức không làm gì được, đành để tướng lãnh mất mặt. Vụ tai tiếng này rồi cũng đến tai ông Diệm. Dĩ nhiên, ông Diệm khó tha thứ cho tướng lãnh trong vụ xì căng đan này. Giá ông Diệm còn sống thì tôi xin phép được vào thưa trình với tổng thống là “Họ” còn tổ chức mạt chược lén ở Thủ Đức và kể cho tôi nghe, mỗi vị đều có một em vũ nữ nữ hầu cạnh, chẳng có em nào có mảnh vải che thân cả. Chẳng biết khi nghe kể xong, tổng thống thăng cho tôi làm chức gì?
Vụ án “Thượng Mã Phong”, xét về mặt pháp lý không lấy gì làm quan trọng. Và cũng như trong các cuộc điều tra của Hiến binh dưới quyền tác giả, ông đã không cho biết là vụ việc cuối cùng đi đến đâu? Theo tôi được biết, vụ tai tiếng này đến tai ông Diệm, ông khá tức tối và cấm không cho cử hành các nghi lễ tống táng thông thường dành cho một vị tướng? Dù sao, đó cũng chỉ là những lời đồn tôi nghe được lúc đó không lấy gì làm chắc chắn.
Vụ đầu cơ vé số của bà mẹ vợ ông Huỳnh Văn Lang
Phải thưa là tôi có quen biết với ông Huỳnh Văn Lang trong phạm vi văn học, báo chí. Thỉnh thoảng ông có liên lạc, trao đổi về những vấn đề liên quan đến tờ Bách Khoa, hay cho mượn tài liệu để tôi viết bài.
Sự liên hệ giữa hai người chỉ có vậy thôi. Không thành kiến, không yêu, không ghét. Trước đây tôi có viết hai bài với nhan đề “Từ Huỳnh Văn Lang đến Lê Ngộ Châu” và bài thứ hai “Nhìn lại một số vấn đề của Bách Khoa”. Cả hai bài tiếng là bàn chuyện văn học, nhưng cũng nhằm “hạ nhiệt độ” cuộc tranh cãi khá sôi nổi về Ai là người “chủ” chính thức của tờ Bách Khoa. Và tôi đi đến kết luận: Kẻ có công, người có của. Ông Huỳnh Văn Lang là người có của, Lê Ngộ Châu là người có công xây dựng tờ Bách Khoa trong suốt chừng ấy năm trời.
Ít ra sau đó thì không còn ai mất công tranh cãi về truyện Bách Khoa nữa.
Nhắc đến việc viết hồi ký, tôi nhận thấy có hai người viết hồi ký khá “nổ” là ông Huỳnh Văn Lang và ông Võ Long Triều. Nhưng mỗi ông mỗi cách. Võ Long Triều viết nổ ra cái vẻ ta đây, Huỳnh Văn Lang viết nổ tàng tàng ra chiều khinh miệt người khác.
Riêng trong sách của ông Lê Nguyên Phu, tôi có cảm tưởng tác giả dành cho ông Huỳnh Văn Lang một chỗ khá đặc biệt, đến hơn 10 trang sách, trong đó nói về truyện ông Huỳnh Văn Lang sạo sạo chứ chẳng có bằng cấp gì.
Đây là một vấn đề, thiển nghĩ, có nên viết vào trong cuốn sách không? Tôi được biết, ông Huỳnh Văn Lang nhờ có quen biết với Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục từ trước 1950. Sau đó, ông được sang Pháp học, rối một hai năm sau sang Canada, thuộc tỉnh Québec vào năm 1952. Ông thuộc lớp sinh viên đầu tiên sang Canada du học. Nhưng tôi chỉ biết vậy. Sau đó ông sang Mỹ học và ở đây có bằng về “Tiến sĩ kinh tế”. Kịp khi ông Diệm về nước thì có cho gọi ông về làm “thống đốc ngân hàng”, rồi ông hoạt động trong nhóm cơ sở của đảng Cần Lao của ông Nhu.
Chuyện bằng cấp theo như lời tác giả Lê Nguyên Phu thì ông Huỳnh Văn Lang, vì không có tú tài nên chẳng học được gì và đỗ đạt gì cả. Vấn đề này không mấy quan trọng và xin bỏ qua và để tự ông Huỳnh Văn Lang nếu thấy cần, đối chất với tác giả Trong Bóng Tối Lịch Sử.
Chúng tôi chỉ xin tóm tắt lại phần bài viết của ông Lê Nguyên Phu nói về vụ vé số chợ đen của bà mẹ vợ ông Huỳnh Văn Lang. Đáng lẽ ra cũng chỉ nên nói về vụ chợ đen vé số do bà Đức Âm chủ mưu và không cần nhắc nhở gì đến ông con rể là Huỳnh Văn Lang mới phải. Ở đây thì bà Đức Âm chỉ được nói tới vài dòng, phần còn lại dành cho con rể bà theo kiểu “mẹ vợ làm, con rể chịu”
Theo ông Lê Nguyên Phu, chính phủ có ban hành sắc lệnh 7/62TTP trừng trị những kẻ đầu cơ vé số chợ đen. Thoạt đầu các vụ điều tra nạn đầu cơ vé số do Công An và Cảnh Sát thụ lý. Nhưng sau TT Ngô Đình Diệm gọi ông Lê Nguyên Phu vào dinh và ra lệnh cho Tổng nha Công an và Cảnh sát phải chuyển giao hồ sơ qua Hiến Binh Quốc Gia. Ông Lê Nguyên Phu ra lệnh cho thiếu tá Nguyễn Văn Minh, đại đội trưởng Hiến binh quân khu thủ đô thi hành các biện pháp pháp lý cần thiết. Thiếu tá Minh tìm ra hai thủ phạm chính là ông Nguyễn Lương, Bộ trưởng Tài chánh, cũng là chủ thầu, và Nguyễn Quang Nhạ, giám đốc Nha ngân khố. Vé số được đấu thầu, ai trả giá cao nhất thì được trúng thầu. Chẳng hạn, người trả giá cao nhất là 8 đồng một vé. Lời 2 đồng. Nhưng 2 đồng kia phải chia cho ông Nguyễn Lương và Nguyễn Quang Nhạ. Không lẽ mua 10 đồng lại huề vốn 10 đồng. Vì thế có nạn bán chợ đen. Đáng lẽ phải đưa đi tù các ông Nguyễn Lương ăn chặn 2 đồng, người ta lại chi bắt giam những kẻ bán chợ đen.
Đó là cái nguyên cớ sâu xa của việc tham nhũng.
Ngoài hai người trên xem ra vô tội, Hiến Binh lại bắt bà Đức Âm và một số bà khác để điều tra… Hiến Binh giữ bà từ sáng đến chiều để điều tra. Ông Huỳnh Văn Lang được báo tin đã vội vã đến văn phòng điều tra tư pháp la lối, đòi họ thả bà mẹ vợ về ngay. Ông Lê Nguyên Phu đã yêu cầu ông Huỳnh Văn Lang đi ra ngay và đừng la lối. Biết không làm gì được, ông Huỳnh Văn Lang đành bỏ ra về.
Cũng theo ông Lê Nguyên Phu, sau này viết hồi ký, ông Huỳnh Văn Lang đã viết khác như sau:
“Huỳnh văn Lang – Từ một chàng thanh niên quê ở tỉnh nhỏ của miền Nam, có cơ hội được Giám Mục Ngô Đình Thục hướng dẫn để đi tu thành linh mục nhưng sau đó bị đuổi khỏi trường. Lên Đà Lạt làm thợ hớt tóc, có dịp làm quen với Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Diệm. Rồi đi du học Pháp, Canada và Mỹ. Khi Ngô Đình Diệm làm thủ tướng, chàng sinh viên Huỳnh Văn Lang đang ở Hoa Kỳ đã được mời về tham gia chính quyền Đệ nhất Cộng hòavới chức vụ giám đốc Viện Hối Đóai và kiêm luôn công việc tổ chức Đảng Cần Lao. Nguồn: Việt báo Online.
(…)
“Một chiều tối gió mưa tầm tã, khoảng 9 giờ tối, tôi đang dạy học ở trường Bách Khoa, Tôn Thọ Tường, vợ tôi vội vã ngồi xe đi rước tôi về ngay; cô ta khóc: Mợ bị hiến binh, hiện bị giam giữ ở khám Nguyễn Du. Anh phải về lập tức. Xe về ngang khám cửa sau cũng trên đường Nguyễn Du, bỏ tôi xuống. Tôi lên từng nhà trên và xin gặp Tư lệnh Hiến binh Lê Quang Phu, Cần Lao của ông Cẩn đưa vào thay thế Nguyễn Quang Sanh, bạn tôi. Tôi sẵn không có cảm tình với đại tá Phu, tuy nhiên anh tiếp rước tôi hết sức chân tình và lễ phép, vì anh cũng biết tôi là ai ở trong hệ thống Cần Lao.”
(Huỳnh Văn Lang, “Nhân chứng một chế độ”, tập 3, trang 96-97)
Đọc câu chót cho thấy ông Huỳnh Văn Lang quả thực cao ngạo quá chăng? Tội của ông chỉ là tội la lối và có phần phách lối với một ông giám đốc điều tra tư pháp. Giá ông nhẹ nhàng và biết điều một chút thì nay vụ án chợ đen vé số đâu có dịp được lôi ra ánh sang và độc giả đâu có phải đọc những dòng này?
Ông Lê Nguyên Phu đưa ra phản biện như sau:
- Các cơ sở chính quyền đều đóng cửa lúc 6 giờ, làm sao có chuyện ông Huỳnh Văn Lang đến lúc 9 giờ tối được đón tiếp lễ phép?
- Đón tiếp ở đâu? Nếu ở văn phòng thì văn phòng ở tầng trệt? Còn nếu đón tiếp ở nhà thì cũng phải ở phòng khách, không thể ở trên lầu vì là phòng ngủ?
- Ông Huỳnh Văn Lang cho biết chẳng những gặp mẹ vợ và còn được gặp những người khác và ông đã ghi notes, trình tổng thống, sau đó tổng thống đã ra lệnh thả hết.
Nhưng theo ông Lê Nguyên Phu, không thể có bất cứ ai có quyền lấy lời khai của can phạm ngoài những người có trách nhiệm điều tra. Nếu Tổng Thống tin Huỳnh Văn Lang thì tại sao sau đó Huỳnh Văn Lang bị cách chức và giải tán kỳ bộ của Huỳnh Văn Lang vào năm 1957?
Nhưng cũng như những “vụ án” khác, tôi không hiểu vụ án này kết quả điều tra ra sao, tòa án xét xử ra sao? Bà Đức Âm bị tù mấy năm hay cậy quyền thế con rể rồi cũng được thả về? Và có liên quan gì đến cá nhân Huỳnh Văn Lang. Đây là những vấn đề mà ông Lê Nguyên Phu cần làm sáng tỏ, nếu không, nó trở thành một vụ vu khống, nếu điều tra vụ vé số bà Đức Âm được trắng án?
Tôi hy vọng là những dòng này được ông Huỳnh Văn Lang đọc và trả lời thích đáng?
(Còn tiếp)
© 2010-2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Nguồn: Bài do DCVOnline biên tập và minh họa đã đăng năm 2010