L’Humanité, tiếng nói của Cộng sản Pháp, trước ngưỡng cửa sống còn
Angelique Chrisafis | DCVOnline
Tờ báo cực tả yêu cầu bạn đọc cứu nguy trong khi chờ tòa án ra phán quyết trong vụ phá sản.
Tờ báo cộng sản lâu đời của Pháp, L’Humanité, đang phấn đấu để tránh bị phá sản, ngay đến các chính trị gia cánh hữu đã phải ghi danh mua báo để giúp giữ cho L’Humanité sống sót.
Nhật báo 114 tuổi này đang kêu gọi độc giả ủng hộ trong cuộc chiến vĩ đại của họ để tiếp tục xuất bản trong khi đang đợi phán quyết của tòa án vào tuần tới về việc liệu nó có thể được cứu sống hay không.
Tờ báo do người lãnh đạo xã hội chủ nghĩa Pháp Jean Jaurès thành lập vào năm 1904 và trở thành tiếng nói chính thức của Đảng Cộng sản Pháp sau năm 1920. Đây là một tờ báo quan trọng trong làng báo chí Pháp sau chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng doanh số hàng ngày đã giảm từ hàng trăm ngàn trước đây xuống khoảng 30.000 số mỗi ngày.
Hệ thống trợ cấp trực tiếp và gián tiếp chính phủ Pháp cho tất cả các tờ báo của đã làm lợi cho L’Humanité, và nhiều đời tổng thống Pháp kế tiếp đã tìm cách bảo đảm cho nhật báo này được duy trì cho đến hôm nay. Tờ báo tương đương bằng tiếng Ý của nó, L’Unità, đã đóng cửa từ hai năm trước đây.
Nhưng doanh thu quảng cáo và doanh số bán được hàng ngày của tờ báo sút giảm đã đẩy tờ L’Humanité vào khủng hoảng. Với các thủ tục phá sản đang tiến hành tờ báo đang vật lộn để tìm giải pháp.
Patrick Le Hyaric, chủ biên của L’Humanité, nói với tờ The Guardian rằng tờ báo có vấn đề về tiền mặt quá lớn vì những chi phí sản xuất, trong khi quảng cáo và số người đọc sụt giảm nên không lấp nổi số thất thu.
Ông nói với một phiên tòa vào tuần trước, điều quan trọng là tìm cách để tờ báo tiếp tục xuất bản ngay cả khi người tiếp thu tài sản của tờ báo đã được gọi đến.
Le Hyaric cho rằng L’Humanité là một phần của lịch sử truyền thông của Pháp.
“Nó đại diện cho Phong trào của công nhân, cánh tả, lịch sử của Pháp và nền cộng hòa, của cuộc kháng chiến và cũng là một loại độc lập của Pháp: trong thời gian Pháp chống lại cuộc chiến ở Iraq, tờ báo ủng hộ quan điểm đó. Cho dù bạn ở cánh tả hay cánh hữu, bạn có thể thấy rằng nếu L’Humanité biến mất, một phần của Pháp sẽ biến mất cùng với nó: sự đa nguyên của ý kiến, sự đối lập tư tưởng.
Chuyên viên về sử truyền thông Patrick Eveno cho biết:
“Trong 20 năm qua, tất cả các chính khách đều nói rằng đó sẽ là một thông điệp xấu cho đa nguyên của nền báo chí nếu để cho tờ L’Humanité chết, vì vậy [tổng thống] Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và François Hollande đã chuyển tài trợ của chính phủ để bảo đảm cho nó sống sót đến nay. Chúng tôi không biết Emmanuel Macron sẽ làm gì. Cho đến bây giờ, không một vị tổng thống Pháp nào muốn trở thành người để cho L’Humanité đóng cửa.”
Tờ báo, với 200 nhân viên, đã lên tiếng kêu gọi khẩn cấp để độc giả ủng hộ mua báo trong những tuần gần đây và những người danh tiếng trong làng nghệ thuật và chính trường ủng hộ tờ báo sẽ tập trung tại một cuộc họp mặt ở Paris vào tháng tới.
Julien Dive, một chính khách ở Picardy thuộc một chính đảng cánh hữu Les Républicains, là một trong nhiều nhân vật bên phải đã tổ chức quyên góp và ghi tên mua báo. Ông cho rằng điều quan trọng là phải bảo vệ cho có nhiều quan điểm khác nhau trên các phương tiện truyền thông và cái mà ông gọi là ‘một tượng đài của giới truyền thông Pháp’. Ông ấy nói rằng nội dung của tờ báo luôn luôn ‘vô tư và khác’ và điều quan trọng là mọi người cần đọc những quan điểm mà họ không nhất thiết đồng ý với.
Trong một bài xã luận, nhật báo Le Monde đã cảnh cáo:
“Tờ báo (L’Humanité), cơ quan ngôn luận trước đây của Đảng Cộng sản, đã đeo ống thở để sống trong vài năm qua… Lời kêu gọi mới về sự hào phóng của độc giả sẽ cho phép nó sống thêm vài tháng nữa nhưng thật khó cs thể thấy L’Humanité có thể sinh tồn ở dạng hiện tại.”
Le Monde cho biết mối đe dọa đối với sự sống còn của L’Humanité là tin xấu cho tính đa nguyên của làng truyền thông và cho tự do ngôn luận.
© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc Thể lệ “trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn:L’Humanité, voice of communist France, faces fight for survival | Angelique Chrisafis | theguardian.com| February 4, 2019.