Trung Cộng muốn quên đi cuộc chiến biên giới với Việt Nam
Cary Huang | DCVOnline
Chiến tranh biên giới Việt-Trung đã kết thúc. Chỉ cần nhìn Trump sẽ thấy Mỹ thắng.
Kỷ niệm 40 năm cuộc chiến biên giói Trung-Việt đang trôi qua và hầu như không được chú ý ở Trung Quốc vì chính quyền ở đây đã cấm mọi sinh hoạt động kỷ niệm chiến tranh.
Nhưng Việt Nam cay đắng nhớ lại cuộc xung đột chia rẽ hai đồng minh ý thức hệ, và đưa Hà Nội vào vòng tay của Mỹ
Kỷ niệm 40 năm Chiến tranh Trung-Việt không được chú ý ở Trung Quốc, vì không có hoạt động kỷ niệm nào được phép tổ chức ở trong nước – thậm chí không có bất kỳ bài nào nói đến đến Việt Nam trên mạng truyền thông xã hội.
Nhưng ở Việt Nam lại khác hẳn. Phương tiện truyền thông và báo chí nhà nước cho đăng những bài bình luận phê bình nhắc lại cuộc chiến khốc liệt từ ngày 17 tháng 2 đến ngày 16 tháng 3 năm 1979. Một bài xã luận của Đài tiếng nói Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản tại đây, gọi cuộc chiến tranh là một “cuộc đấu tranh chính nghĩa để bảo vệ tổ quốc” và lên án “cuộc xâm lăng tàn bạo và phi lý” của Trung Quốc.
Trung Quốc không nên quên trang lịch sử này. Lễ kỷ niệm chiến tranh biên giới là cơ hội tốt để suy ngẫm, vì nhiều thanh niên Trung Quốc đã bỏ mình trong cuộc chiến – Họ cũng nhân danh bảo vệ tổ quốc.
Trước đó, Bắc Kinh không giấu diếm mục đích cuộc chiến là để dậy cho một đồng minh cũ vô ơn một bài học, sau khi Hà Nội rõ ràng đã đi vào quỹ đạo của Liên Xô khi ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác với đối thủ chính của Trung Quốc lúc đó vào tháng 11 năm 1978.
Chiến tranh Trung-Việt cũng được coi là một nỗ lực nhằm ngăn chặn Hà Nội tấn công lật đổ chế độ Khmer Đỏ do Trung Quốc hậu thuẫn ở Campuchia; tuy nhiên Việt Nam đã xâm lược Phnom Penh.
Nếu vậy, kết quả cuộc vận động của Trung Quốc nằm ở đâu đó giữa vô nghĩa và thất bại hoàn toàn, vì nó không đạt được cả hai mục tiêu. Quân đội Việt Nam ở lại Campuchia cho đến cuối những năm 1980, trong khi Pol Pot do Bắc Kinh hậu thuẫn bị lật đổ và phiến quân buộc phải rút lui về vùng xa xôi hẻo lánh của Campuchia. Hà Nội tiếp tục là một đồng minh thân cận hơn với Moscow vì cuộc xâm lược Trung Quốc ở biên giới phía Bắc. Tuy nhiên, cuộc chiến biên giới đã có tác động lâu dài không chỉ đối với mối quan hệ giữa hai quốc gia, mà còn đối với mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ở khu vực. Nó đã định hình lại địa chính trị trong khu vực và di sản của cuộc chiến biên giới vẫn còn cho đến ngày nay.
Cuộc xung đột quân sự ngắn ngủi nhưng đẫm máu đã gây tổn thất nặng nề về thương vong cũng như thiệt hại kinh tế cho cả hai nước. Trong khi Bắc Kinh và Hà Nội đã không tiết lộ đầy đủ thông tin chi tiết, các ước tính của phương Tây cho hay có 28.000 binh sĩ Trung Quốc tử trận và hơn 43.000 người bị thương, trong khi thương vong của Việt Nam ở mức 20.000 đến 35.000 người – trong số đó có nhiều thường dân vì cuộc chiến chỉ diễn ra trên đất Việt Nam.
Chương sử đau đớn đó đã thiêu hủy tòan bộ tình hữu nghị truyền thống, được những người sáng lập hai đảng cộng sản Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh nuôi dưỡng và từng được Mao Trạch Đông mô tả là “gần gũi như môi với răng”.
Tình bạn đó được xây dựng trên một ý thức hệ chung và được củng cố bằng những viện trợ của Trung Quốc tại Việt Nam trong suốt nhiều chục năm chiến tranh, đầu tiên là với Pháp và sau đó là với Hoa Kỳ. Bắc Kinh đã viện trợ hàng tỷ đô la và gửi khoảng 320.000 binh sĩ đến giúp đỡ đồng minh cộng sản Việt Nam.
Chiến tranh Trung-Việt làm lu mờ hình ảnh Trung Quốc như một quốc gia yêu chuộng hòa bình và làm dấy lên sự nghi ngờ về chính sách ngoại giao không bá quyền mà từ lâu họ từng tuyên bố.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã kinh hoàng khi chứng kiến 600.000 lính Trung Quốc vượt qua đường biên giới 600km vào sáu tỉnh cực bắc Việt Nam, chỉ để dậy một bài học cho một đồng minh cũ không biết ơn.
Cuộc giao tranh đã gieo hạt giống hận thù và gieo rắc sự ngờ vực giữa hai dân tộc. Người Việt Nam coi cuộc chiến của họ chống lại người Trung Quốc tương đương với trận chiến của họ sau cuộc xâm lược của Pháp và Mỹ, vì họ chiến đấu để bảo vệ nền độc lập quốc gia của họ.
Nó cũng dẫn đến những cuộc đụng độ liên tục xẩy ra dọc theo biên giới vũ trang trong suốt những năm 1980. Ngoài ra còn có xung đột và tranh chấp lãnh thổ, gồm trận hải chiến năm 1988 ở Gạc Ma những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, trước khi hai bên chính thức chấm dứt căng thẳng và khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao vào năm 1991.
Các cựu chiến binh của Quân đội Giải phóng Nhân dân trong hình trên là một nhóm cựu quân nhân đã tập trung vào cuối tuần cuối thang Hai để kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới Trung Quốc-Việt Nam, một cuộc xung đột vẫn còn nhạy cảm về chính trị cho tới ngày nay.
Họ gặp nhau một cách riêng tư vì trong khi Việt Nam công khai kỷ niệm cuộc chiến, chính quyền ở Trung Quốc vẫn im lặng trước những căng thẳng đang diễn ra với các nước láng giềng về những tranh chấp chủ quyền. Một cựu chiến bin nói,
“Cho đến nay, chính quyền vẫn miễn cưỡng không tổ chức bất kỳ sự kiện kỷ niệm nào , nhưng các cựu chiến binh trên toàn quốc vẫn tiếp tục tổ chức các cuộc họp mặt vào Chủ nhật vì chúng tôi vẫn tin rằng tham gia trận chiến này vẫn là một huy chương danh dự.
Tại Thanh Đảo, hơn 300 cựu chiến binh đã tham gia vào một cuộc họp mặt để kỷ niệm cuộc chiến biên giới và thương tiếc đồng chí của chúng tôi đã thiệt mạng trong cuộc xung đột.”
Sự va chạm này cũng gợi lại những ký ức về một mối hận thù lịch sử từ ngàn năm giữa hai nước. Trung Quốc lăng Việt Nam đã xẩy ra cả ngàn năm trước. Trong nhiều thế kỷ, nhiều nước láng giềng nhỏ của Trung Quốc đã là chư hầu bị đế quốc Trung Hoa cai trị.
Di sản của cuộc chiến Việt-Trung mà Trung Quốc không muốn nhất là nó đã giúp định hình lại địa chính trị trong khu vực ngày nay, đẩy một đồng minh cũ của Trung Quốc vào vòng tay của Mỹ, một đối thủ từng là kẻ thù chung của hai nước.
Nếu không có cuộc chiến đẫm máu đó, Việt Nam và Trung Quốc sẽ là những đồng minh ngoại giao thân cận và là những người bạn đồng sàn gắn bó về ý thức hệ vì đó là hai nước lớn trong số năm quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản còn tồn tại và còn tự trị, gồm cả Bắc Hàn, Lào và Cuba.
Quan hệ ngoại giao giữa Hà Nội với Washington được cho là chưa bao giờ tốt hơn hiện nay.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, chọn Hà Nội làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với lãnh tụ của Bắc Hàn Kim Jong-un – chuyến thăm thứ hai của ông Trump đến Việt Nam kể từ khi nhậm chức hai năm trước – nói lên nhiều điều.
Mặt khác, quan hệ ngày càng thân thiết giữa chính quyền Hun Sen ở Cambodia hiện nay – từng là đồng minh của cộng sản Việt Nam – với chính quyền Tập Cận Bình ở Trung Quốc có thể không cho phép Việt Nam hay Mỹ tự coi là toàn thắng. – DCVOnline. ■
Tác giả Cary Huang, một người viết chuyên mục và bình luận cho tờ South China Morning Post từ đầu những năm 1990
© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể.lệ.trích.đăng.lại.bài.từ.DCVOnline.net
Nguồn: China tries to forget, but its war with Vietnam ended with a US victory. Just look at Trump | Cary Huang | scmp | March 3, 2019.