‘Trung Hoa đã có thể là một quốc gia rất khác’
Te-Ping Chen | Trà Mi
“Tôi nghĩ rằng những bất hạnh đó đã xảy ra sau khi Cộng sản nắm chính quyền.” – Te-Ping Chen
Vào một ngày hè, trời trong xanh một cách bất thường ở Bắc Kinh, tôi đi tìm một ngôi mộ.
Tìm về nguồn cội và thấy thời gian đã mất
Nhân viên ở lối vào nghĩa trang ngăn tôi lại và hỏi, “Cô có phải là nhà báo không?”
Đó là một câu hỏi lạ lùng. Nghĩa trang gần như vắng hoe, không có ai để phỏng vấn ngoài người chết. Nhưng quá khứ là một điều nhạy cảm ở Trung Hoa. Tôi nói, “Tôi đến thăm người thân trong gia đình” và bỏ đi.
Trong nhiều tuần, tôi đi qua nhiều nghĩa trang nhưng không tìm được ngôi mộ của ông cố của tôi, một người mà gần đây tôi mới biết đến.
Trong nghĩa trang, tôi đi qua những dãy mộ mạng nhện giăng đầy, một số vẫn còn những lễ vật bị nước mưa làm bẩn, và đọc tên trên bia mộ. Sau cùng, một nhân viên của nghĩa trang đã đồng ý giúp tôi tìm kiếm trong hồ sơ cũ. Chúng tôi tìm thấy một mục có vẻ đúng: một mảnh đất đã bán cho người thân trong gia đình vào năm 1963, năm ông cố của tôi qua đời.
Tại mộ, không có bia ghi tên ông cố của tôi; đó chỉ là một tấm bê tông không đánh dấu. Ngôi mộ đã bị đạp phá trong cuộc Cách mạng Văn hóa, bia mộ đã bị phá hủy. Một nhân viên gác nghĩa trang vừa nói vùa lắc đầu,
“Họ trừng phạt bất cứ ai có liên lạc ở nước ngoài, những người không ưa Đảng Cộng sản.”
Tôi nói, “Ông cố tôi cũng là một nhà báo.”
Ông ấy trả lời, “Như thế thì đập phá là dĩ nhiên rồi.”
Lớn lên ở Hoa Kỳ, tôi không biết gì nhiều về gia đình mẹ tôi. Tôi biết, chúng tôi có người thân ở Bắc Kinh, nơi tôi đã làm việc từ năm 2014, nhưng tôi chỉ biết có thế. Sau đó, một sự tình cờ khiến tôi tìm thấy những lá thư đã bị bỏ quên và tôi đã vào cuộc, đi tìm hiểu những gì đã xảy ra cho gia đình của tôi.
Trong những năm đầy biến động của đầu thế kỷ 20, sau khi triều đạicuối cùng của Trung Hoa (nhà Thanh) bị lật đổ, nhiều người Trung Hoa đã hy vọng xây dựng một kỷ nguyên dân chủ mới. Ông cố của tôi – một nhà thơ trực ngôn, và cũng là người điều hành một tờ báo, nhiệt tình cổ xúy cho quyền tự do ngôn luận và một nền báo chí tự do – cũng nằm trong số những người đầy hy vọng về một tương lai dân chủ đó.
Đảng Cộng sản đã thay đổi tất cả sau khi nắm chính quyền vào năm 1949, chia cách gia đình và bịt miệng những người không đồng ý với chính sách của họ. Tôi đã tìm thấy một hồ sơ dài về cuộc đời và các hoạt động công khai của ông cố của tôi trong dai đoạn trước 1949. Sau đó, ông cố tôi đột nhiên biến mất.
Chúng tôi đánh mất lịch sử. Chúng tôi đã mất lịch sử vì thời gian, và vì lịch sử không được viết lại, hoặc những gì đã viết đã thất lạc vì gia đình chúng tôi phải bỏ chạy trốn, đi kháng chiến hoặc đơn giản là đã để lịch sử rơi vào quên lãng. Ở Trung Hoa, như trường hợp của gia đình tôi và những người khác, chúng tôi cũng mất lịch sử vì Đảng Cộng sản Trung Hoa.
Câu chuyện về ông cố của tôi là một bằng chứng sâu sắc về những con đường đã bỏ lỡ cho thấy một cái nhìn thoáng qua về một khoảnh khắc mà Trung Hoa có thể đã trở thành một quốc gia rất khác với ngày nay.
Khi vị thế trên toàn cầu của Trung Hoa tăng lên, quyền lực trong tay Đảng Cộng sản dường như có thể là điều bất khả xâm phạm, thông điệp của đảng cộng sản Trung Hoa luôn nhuốm màu cảm giác không thể tránh khỏi. Năm ngoái, trong những tháng ngày công tác sau cùng của tôi ở Bắc Kinh, một loạt các biển quảng cáo tuyên truyền đã mọc lên khắp thành phố làm sống lại một khẩu hiệu thời đại cách mạng: Không có Đảng Cộng sản, sẽ không có Trung Quốc mới.
Tuy vậy, nó đã có thể không phải như vậy.
Câu chuyện bắt đầu với một rương quần áo bị bỏ quên cả 30 năm trong nhà để xe của bố mẹ tôi ở Oakland, California.
Hồi tháng 2 năm ngoái, tôi từ Bắc Kinh về nhà giúp bố mẹ dọn dẹp nhà để xe để bán nhà. Cái rương cũ của bà ngoại của tôi vẫn khóa kín; tôi phải dùng tuốc nơ vít để cậy rương. Bên trong là những cuộn giấy, những bộ xường xám cũ và một chồng thư cũ viết trên giấy hoa văn có địa chỉ người gởi ở Bắc Kinh, viết theo kiểu cũ, Peking.
Mẹ tôi không nói với tôi nhiều về lịch sử gia đình của mẹ. Cha mẹ của bà tức ông bà ngoại của tôi, đã di cư từ Trung Hoa sang Hoa Kỳ, và họ không muốn nói về quá khứ.
“Mẹ ghen tị với con có người thân, hết gia đình đến gia đình khác ghé thăm mỗi tuần.” – Lo Woon Kyau viết cho con gái ở Mỹ, ngày 21 tháng 12 năm 1949
Chúng tôi trải những lá thư ra bàn ăn và đọc to thành tiếng. Tác giả của những lá thư – bà cố của tôi, đã viết thư cho con gái của bà trong những năm 1940 và 1950. Bà cố của tôi viết về giá bắp cải và giá vải, đi trượt băng trên mặt hồ ở thành phố, sự yêu thích làm thơ của ông cố. Cuối những lá thư, bà cố tôi chấm dứt đơn giản bằng một chữ, “mẹ”. Và tất cả những lá thư đó đều gởi đi từ cùng một địa chỉ: 57 ngõ Shih-Chia.
Khi tôi coi lại bản đồ, thật ngạc nhiên, địa chỉ đó vẫn còn. Phần lớn các con đường hẻm cổ xưa của Bắc Kinh (hồ đồng) đã bị san bằng, nhưng địa chỉ nhà cũ của ông bà cố của tôi vẫn còn, chỉ cách nơi tôi sống hơn một dặm, trên một con đường tôi thường đi qua.
Vào một ngày cuối tuần ở Bắc Kinh, chồng tôi và tôi đạp xe qua ngõ cũ. Ngôi nhà vẫn còn đó, mặt tiền của nó đã sơn lại, tường gạch vẫn màu xám. Người phụ nữ mở cửa nói rằng đây là căn nhà của một một đạo diễn phim từ nhiều năm qua. Cô ấy không biết những người chủ trước đó. Một người dàn ông mặc áo thun, đi dép nói,
“Cô tìm đến muộn quá. Đáng lý cô nên đến từ nhiều năm trước.” Những người khác lắc đầu. Người phu quét đường, tò mò, đến góp chuyện,
“Nếu họ sống ở đây, có lẽ họ là người nổi tiếng. Hãy thử đến viện bảo tàng xem sao.”
Ngõ Shih-Chia đã từng là xóm của nhiều danh nhân của thành phố, từ chính khách cho đến nhà văn, và nghệ sĩ. Con phố hiện nay có một bảo tàng lịch sử nhỏ.
Trong một văn phòng nhỏ ở nhà bảo tàng chồng tôi tìm thấy một cuốn sách. Cuốn sách viết về khu vực này nói về một người phụ nữ đã đi học ở Honolulu và chồng của bà, một người đã từng là một nhà thơ và nhà báo. Cuốn sách cũng cho biết hai vợ chồng đó đã sống ở căn nhà số 57 Shih-Chia Hutong. Đó là lần đầu tiên tôi từng thấy tên của ông bà cố ngoại của tôi: Lo Woon Kyau và Liang Chiu-shui.
Ông cố của tôi chuyển đến Bắc Kinh vào năm 1915 để làm nhà báo, ngay sau khi triều đại nhà Thanh sụp đổ – lịch sử xoay vòng, gần 100 năm trước khi tôi đến thành phố này cũng để làm việc của một nhà báo.
Tôi tìm thấy ngày tháng trong hồ sơ của một đồn cảnh sát địa phương, nằm sâu trong một sổ ghi danh dày, giấy ố vàng ghi lại chi tiết của dân cư trong quá khứ. Có tên của ông cố của tôi, chữ viết tay nghuệch ngoạc: Liang Chiu-shui, nhà báo, người gốc ở miền nam Trung Quốc, tuổi mùi.
Sinh ra ở Quảng Tây, ông đã sống ở Nhật Bản trước khi chuyển đến Hawaii để làm việc cho một tờ báo Trung Hoa ở nước ngoài chủ trương đổi mới chính trị của triều đại nhà Thanh. Ở đó, ông gặp và kết hôn với con gái của một thương nhân Khách Gia địa phương, và năm 1911 họ có một đứa con. Đó là bà ngoại tôi, con đầu lòng trong bảy người con.
Năm 1912 khi nhà Thanh sụp đổ, ông và cả nhà trở về Trung Hoa sau mười năm sống ở nước ngoài. Lần đầu tiên sau 2.000 năm dưới chế độ quân chủ, Trung Hoa đang đi tìm một hình thức chính phủ mới. Sinh viên tuần hành trên đường phố và tuyên bố sự cần thiết của khoa học và dân chủ, trong khi ở đại học đang có một sự tự do học thuật mới, một thời đại mà một số sử gia gọi là thời đại Khai sáng của Trung Hoa.
Các trang báo Lãnh đạo Bắc Kinh (Peking Leader), tờ báo ở Bắc Kinh mà ông cố của tôi là chủ biên, ghi chép lại những trang sử về một thế giới đã mất. Trong một bài xã luận năm 1919, tờ báo đã tuyên bố rằng tự do ngôn luận và tự do báo chí là rất quan trọng đối với một quốc gia như “không khí đối với cơ thể”. Những bài xã luận khác – xen kẽ với những mục quảng cáo rượu whiskey Kentucky và từ điển Webster – bình luận về sự cấp thiết của một nền dân chủ Trung Hoa.
Trong những năm sau đó, ông cố của tôi đã trở thành một nhân vật nổi bật của công chúng cống hiến hết mình cho thi ca và chính trị. Vào những năm 1930, giữa thời kỳ chủ nghĩa sứ quân và xung đột chính trị, ông đồng sáng lập một chính đảng nhỏ cổ xúy cho dân chủ và nhân quyền.
Khi cuộc nội chiến Trung Hoa bùng nổ giữa đảng Cộng sản và Quốc dân đảng năm 1946, ông đã chấp bút và viết những bài bình luận phản đối kịch liệt nhân vật lãnh đạo của cả hai bên, Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch.
Năm 1948, khi chiến tranh đe dọa xâm chiếm Bắc Kinh., bà cố của tôi đã viết,
‘ông đặc biệt lo ngại về sự sụp đổ của văn hóa truyền thống Trung Hoa mà anh vô cùng yêu quý, với tất cả các hiện vật của nó. Ông cố gắng hết sức để cứu thành phố cổ và những tòa nhà cũ xinh xắn khỏi bị phá hủy.’
Đến tháng 1 năm 1949, những người Quốc gia ở Bắc Kinh đã đầu hàng. Chín tháng sau, Mao Trạch Đông đứng trên sân thượng phía trên Quảng trường Thiên An Môn và tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Không bao lâu sau khi nắm quyền, Đảng Cộng sản bắt đầu đóng dấu trí thức là những người cánh hữu. Theo học giả người Đức Jürgen Domes, đến đầu năm 1958, có khoảng 11.000 thành viên của các đảng dân chủ đã bị đưa đến các trại lao động, và hơn 700 trí thức đã bị xử tử.
Trước năm 1949, các tờ báo trong nước và các hồ sơ khác đầy những tài liệu về ông cố của tôi, ghi lại những bài viết, những cuộc họp và các vấn đề của ông cố tôi. Tôi đã không thể tìm thấy bất kỳ một vết tích nào của ông sau khi Cộng sản nắm quyền, ngoại trừ cái chết của ông vào năm 1963 của anh ta được gi trong hồ sơ của đồn cảnh sát địa phương. Tôi vẫn chưa tìm thấy nơi chôn cất bà cố của tôi.
Trong những lá thư của bà gửi tới Mỹ sau năm 1949, được viết cho những người kiểm duyệt, bà cố của tôi nói rằng bà rất cô đơn và mòn mỏi thương nhớ những đứa con của mình, từng người một đã chết hoặc trốn khỏi Hoa lục. Bà nói, ông cố của tôi, đã thôi không còn làm thơ nữa.
Việc tìm thấy những lá thư trong cái rương cũ đến thật đúng lúc. Sau 4 năm rưỡi ở Bắc Kinh, tôi chuẩn bị trở lại Hoa Kỳ. Tôi hy vọng được gặp một số người thân của mình ở Trung Hoa trước khi về Mỹ, nhưng trong nhiều tháng, tôi không tìm được ai ả. Đôi lúc, nghĩ đến ngôi mộ cô đơn mà tôi tìm thấy ở thành phố, bị đập phá trong nhiều chục năm, tôi tự hỏi liệu tôi còn có người thân nào khác hay không.
Tôi truy cứu cặn kẽ những cơ sở dữ liệu và đi hỏi những người hàng xóm cũ, để cố tìm ra manh mối. Sau khi tìm biết được tên của con trai út của ông cố của tôi, Liang Hsien-chang, trong hồ sơ cảnh sát, tôi mới biết rằng ông đã dạy tiếng Anh tại một trường đại học địa phương. Những cuộc gọi đến các giáo sư lớn tuổi cuối cùng đã đưa tôi đến gặp một số học trò cũ của ông, họ đã mời tôi ăn trưa vào một ngày cuối tháng 7 tại một nhà bánh hấp nhộn nhịp ở Bắc Kinh.
Những học trò cũ của ông cậu của tôi nay đã nghỉ hưu, đã học với ông cậu Hsien-chang của tôi vào những năm 1970. Ông cậu của tôi mất năm 2005, thọ 72 tuổi.
Truyền tay những đĩa thức ăn như nấm đen, cá và thịt cừu chiên nhắc lại ông cậu Hsien-chang của tôi và họ cũng phải lắc đầu.
Họ nói trong cuộc Cách mạng Văn hóa cuối những năm 1960 và 1970, ông Hsien-chang được đưa về vùng quê ở Hà Nam để làm việc lao động. Vợ ông thì bị đưa ra Hà Bắc, cách đó hàng trăm dặm. Họ đã phải ly dị, và sau khi trở về vào đầu những năm 1970, ông cậu của tôi đã dồn năng lượng của mình vào học trò của mình. Ông không quan tâm đến chính trị đương thời, học trò của ông nói thế.
Ông mở băng cassette để giúp học trò trau dồi khả năng nghe tiếng Anh, kể cả những băng nhạc country music của Kenny Rogers. Năm 1974, một trong những học trò ông quý mến đã báo cáo với ban giám hiệu trường về những lựa chọn âm nhạc của ông. Trong lớp học sau đó, cô học trò yêu mến của ông cậu tôi và các bạn cùng lớp đã tố cáo ông là tiểu tư sản và phản cách mạng.
Trong một phiên họp, nhà chức trách đã mở một băng cassette nhạc của Kenny Rogers và làm nhục ông cậu của tôi bằng cách buộc ông dịch cho đám đông nghe nghĩa của lời ca, Một người nói tiếng Anh với giọng nói giống như một phát thanh viên tin tức ở bán thế kỷ trước – sản phẩm của ông tôi – buồn bã nói,
“Đó chỉ là những bài hát tình yêu, những bản nhạc yêu thương.”
Thế là ông cậu của tôi lại bi đuổi đi làm lao động.
Những người học trò của ông nay đã nghỉ hưu biết rằng ông cậu tôi có một người con trai – mà tôi đã cố đi tìm – nhưng họ không biết làm sao tiếp xúc được với ông ấy.
Bữa ăn kết thúc, quay sang chuyện con cái của họ, về chính trị. Tôi hỏi họ nghĩ gì về Chủ tịch Tập Cận Bình. Một vài tháng trước đó, Trung Hoa đã loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch, và cho ông Tập có mức độ quyền lực chưa từng thấy kể từ thời Mao.
Họ im lặng một lúc. Một người nói đùa,
“Cô có muốn biết Cách mạng Văn hóa là như thế nào không? Nếu cô ở đây lâu hơn, có thể sẽ được kinh nghiệm nó.”
Không ai cười, và ai đó đã đổi chủ đề câu chuyện.
Chỉ vài tuần trước khi tôi rời Trung Hoa, vào tháng Tám, tôi cũng đã gặp được con trai của ông cậu Hsien-chang, Liang Quan, sau khi một sĩ quan cảnh sát địa phương đồng ý giúp tôi đi tìm số điện thoại của ông ấy. Chúng tôi gặp nhau tại một quán lẩu, với những chiếc ghế nhung mềm mại đính pha lê.
Giống như nhiều người khác, Liang Quan đương nhiên là trẻ mồ côi trong cuộc Cách mạng Văn hóa, vì cả cha mẹ của ông đã bị đưa đi làm lao động ở nông thôn. Lớn lên, ông sống ở Shih-Chia Hutong cùng với bà ngoại của mình, túc là bà cố của tôi, cho đến khi bà mất vào năm 1972. Ông ấy nói,
“Tôi biết cháu rất vui khi gặp tôi, nhưng tôi không còn cảm giác gì với gia đình nữa.”
Ông đã kết hôn, nhưng vợ ông sống cách ông hàng trăm dặm, và họ không muốn có con.
“Khi tôi chết, hãy ném tro của tôi xuống biển. Không có ai sẽ đến thăm mộ của tôi đâu.”
Cái rương cũ có cả số quân của một trong những ông cậu của tác giả; đó là một quân nhân đã chiến đấu và chết trong Chiến tranh Trung-Nhật. Ảnh: F. Martin Ramin / Tạp chí Phố Wall
Ông nói, ông đã theo học môn chủ nghĩa Mác – Lênin tại đại học nhưng điểm của ông quá thấp để có thể chọn bất cứ việc gì khác. Ông đang làm việc như một công chức trong cục hàng không dân dụng.
Tôi đã cho ông ấy xem những bức ảnh về căn nhà của gia đình tại Shih-Chia Hutong hiện nay đã được những người chủ mới của nó sơn phết và sửa sang, nhưng ông đã không nhận ra nó. Ông chưa bao giờ trở về thăm nhà cũ hơn mười năm rồi. Ông nói, “Đối với tôi, đó là một chốn đau thương.” Khi còn nhỏ, ông bị buộc phải quét dọn đường phố quanh xóm, ông bị trừng phạt vì tội trong quá khứ của gia đình mình.
Chúng tôi ngồi ăn uống với nhau trong vài giờ, nhưng ông ấy không thể nói với tôi nhiều hơn về lịch sử gia tộc. Ông cố của tôi đã chết trước khi Liang Quan ra đời, và khi ông sống với bà cố của tôi, tinh thần của bà dường như đã suy sụp và bà cố của tôi hầu như đã không còn gì để nói.
Cuối cùng, ông bừng tỉnh. Ông nhớ lại một câu chuyện ở Shih-Chia Hutong. Thuở xưa có một gia đình chồn vàng, được coi là biểu tượng của sự may mắn, đã sống tại khu nhà của gia tộc. Chúng thân thiện lạ thường và hay phơi nắng trong sân, nhưng cha của ông lại xem chúng là một thứ phiền toái. Một ngày nọ, cha của ông bắt cả nhà chồn, bỏ trong một cái túi, và đã đem chúng đến một công viên cách nhà vài dặm, thả đi. Ông nói, từ hôm đó, nỗi bất hạnh của gia đình bắt đầu. Ông cố của tôi bị mù. Bà cố của tôi thì tâm thần chao đảo. Ông kết luận,
“Kể từ đó, gia đình của chúng ta đã gặp phải những điều bất hạnh.”
Tôi nói, có phần giễu cợt,
“Tôi nghĩ rằng những bất hạnh đó đã xảy ra sau khi Cộng sản nắm chính quyền.”
Anh ấy lắc đầu, nói “Không, Bất hạnh đến vì không còn những con chồn màu vàng.”
Khoảng một chục năm trước, tôi đã đến thăm một bảo tàng ở phía đông bắc Trung Hoa dành riêng để trưng bầy tội ác tàn bạo của Nhật Bản trong Thế chiến II. Những gian triển lãm là một tập hợp các bức ảnh đen trắng về sự khốn khổ, dẫn đến một căn phòng cuối cùng với lời khẩu hiệu KHÔNG BAO GIỜ QUÊN NỖI NHỤC QUỐC GIA sơn chữ lớn trên tường.
Chúng tôi chọn để nhớ. Nhiều người có tầm nhìn khác vì Trung Hoa đã lên tiếng, chỉ được viết ra khỏi lịch sử đất nước. Nhiều người khác tiếp tục làm như vậy và phải trả một giá đắt ngày hôm nay. Ghi nhớ có vẻ như là một phản ứng bất lực, nhưng nó có thể là một hành động mạnh, đầy thách thức – đó làt điều mà Đảng Cộng sản, đang sắp xếp lại lịch sử cho phù hợp với nhu cầu của đảng, biết rất rõ.
Giống như bất cứ ai sống ở Trung Quốc, tôi đã bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn kiêng ổn định của báo chí nhà nước: các tiêu đề thổi phồng sự lãnh đạo khôn ngoan của đảng và sự đúng đắn của khóa học Đất nước. Thật dễ dàng để tranh luận khi bạn bè Trung Quốc nói rằng đất nước này đã chuẩn bị để có một báo chí miễn phí hoặc các cuộc bầu cử miễn phí. Tôi đã dừng lại từ lâu.
Tuy nhiên, sau khi dành quá nhiều thời gian để xem lại thời đại của ông cố của tôi, một kỷ nguyên mở cửa hoàn toàn, tôi đã được nhắc nhở rằng lịch sử không phải là không thể tránh được. Như thường được lặp đi lặp lại, Trung Hoa có hàng ngàn năm lịch sử, và Đảng Cộng sản chi là một sự xuất hiện rất gần đây.
Vào tháng 8, vào một trong những buổi chiều cuối cùng của tôi ở Bắc Kinh, chồng tôi và tôi đã đến nghĩa trang nơi ông cố của tôi an nghỉ từ nhiều thập kỷ trước, và để lại một lễ vật với hoa. Chúng tôi đứng đó dưới ánh sáng mặt trời trước mộ của ông, cảm thấy miễn cưỡng rời đi. Bia mộ mới mà tôi đã đặt sẽ được hoàn thành trong một vài tháng, và một ngày nào đó tôi hy vọng sẽ quay lại để thăm.
© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể.lệ.trích.đăng.lại.bài.từ.DCVOnline.net
Nguồn: ‘China Could Have Been a Very Different Country.’ A Search for Family Reveals a Lost Moment | Te-Ping Chen | WSJ | March 7, 2019. Kersten Zhang đã đóng góp cho bài viết này.