Thời Phục hưng của sản xuất nhiên liệu hóa thạch của Hoa Kỳ
Timothy Taylor | Trà Mi
M. King Hubbert là một nhà địa chất tên tuổi; ông đã làm việc một thời gian dài cho hãng dầu Shell.
Trở lại những năm 1970, khi OPEC dạy cho Hoa Kỳ bài học là giá dầu do thị trường toàn cầu quyết định, các cuộc thảo luận về sản xuất năng lượng của Mỹ thường bắt đầu bằng “đường biểu diễn Hubbert”, dựa trên một bài báo năm 1956, trong đó Hubbert dự đoán với độ chính xác đáng kể là mức sản xuất dầu của Hoa Kỳ sẽ lên cao nhất vào khoảng năm 1970. Báo cáo kinh tế năm 2019 của Tổng thống đã dành hẳn một chương nói về chính sách năng lượng và có lời nhắc nhớ những gì đã xảy ra với đường biểu diễn của Hubbert.
Đường màu đỏ cho thấy đường biểu diễn mức sản xuất dầu dự đoán của Hubbert từ năm 1956. Đường màu xanh cho thấy sản lượng dầu thực tế của Hoa Kỳ ở 48 tiểu bang phía nam. Lúc Hubbert qua đời vào năm 1989, dự báo của ông vẫn chính xác. Ngay cả đến khoảng năm 2010, ước đoán của ông trông vẫn còn khá tốt. Nhưng đối với những người trong chúng ta có thói quen từ những năm 1970 khi nhìn vào mức sản xuất dầu của Hoa Kỳ so với đường biểu diễn dự đoán của Hubbert, thì mười năm vừa qua là một cú sốc lớn.
Thật vậy, sản xuất dầu trong nước của Mỹ hiện vượt xa các nhà lãnh đạo thế giới trước đây: Ả Rập Saudi và Liên bang Nga.
Sự gia tăng sản lượng nhiên liệu hóa thạch của Mỹ do hai nguồn sản xuất, khí đốt tự nhiên cũng như dầu mỏ. Đây là một con số kết hợp sản lượng của tất cả mức sản xuất nhiên liệu hóa thạch của Mỹ, được đo bằng tiềm năng năng lượng của nó. Người ta có thể thấy rằng nó (rất) gần như không đổi từ những năm 1980 cho đến khoảng năm 2010, và sau đó mọi thứ thay đổi.
Nhiều người Mỹ đang không dứt khoát về mức sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Chúng ta thể hiện sự yêu chuộng dầu mỏ bằng cách lái xe ô tô, đi máy bay và tiêu thụ các sản phẩm được vận chuyển qua mạng lưới giao thông Hoa Kỳ và được sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch (đối với nhiều người trong chúng ta, gồm luôn cả điện năng). Những người sống ở các vùng đang có hoạt động sản xuất nhiên liệu hóa thạch thường thỏa mãn với công việc làm và những tác động tích cực đến nền kinh tế địa phương. Mặt khác, nhiều người trong chúng ta lo lắng cả về cái giá chúng ta phải trả để bảo vệ môi trường trong khi sản xuất và sử dụng năng lượng, và làm thế nào để giảm chúng.
Trên tổng thể, nền kinh tế Mỹ ngày càng sử dụng ít năng lượng hơn để sản xuất mỗi 1 đô la GDP, cũng như các nền kinh tế có thu nhập cao khác như các nước Tây Âu.
Tôi đoán là mức tiêu thụ năng lượng cao hơn cho một đơn vị sản lượng trong nền kinh tế Mỹ một phần là do Mỹ là một quốc gia rộng lớn, do đó chi phí vận chuyển đương nhiên phải cao hơn, nhưng cũng có nhiều quốc gia châu Âu đanh thuế sử dụng năng lượng cao hơn nhiều so với Mỹ , trong khi có khuynh hướng giữ cho mức tiêu thụ không tăng.
Hoa Kỳ chắc chắn có thể làm gương tốt hơn cho các quốc gia khác trong nỗ lực giảm lượng khí thải carbon. Nhưng nói như thế, cũng cần chú ý rằng lượng khí thải carbon dioxide của Hoa Kỳ về cơ bản đã bất biến trong một phần tư thế kỷ vừa qua. Nhìn rộng hơn, Bắc Mỹ chịu trách nhiệm với 18% lượng khí thải carbon toàn cầu, Châu Âu là 12% và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là 48%. Nỗ lực giải quyết lượng khí thải carbon toàn cầu mà không tập trung nhiều vào khu vực Châu Á Thái Bình Dương là không nhìn thấy phần lớn của vấn đề.
Nhìn chung, dường như đối với tôi, sự tăng trưởng đột ngột của ngành năng lượng Hoa Kỳ là một lực tích cực. Không, điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ được miễn trừ khỏi biến động giá toàn cầu về giá năng lượng. Khi nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu tăng cường xuất khẩu năng lượng, nó sẽ tiếp tục xác định rõ ràng rằng giá năng lượng vân được thị trường toàn cầu quyết định. Nhưng giảm mạnh về mặt nhập cảng năng lượng đã giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ thấp hơn so với trước đây. Ngành năng lượng đang phát triển là nguồn cung cấp việc làm và sản lượng của Mỹ. Sự thay đổi từ than đá sang khí đốt tự nhiên như một nguồn năng lượng đã giúp kìm hãm lượng khí thải carbon dioxide của Mỹ. Hơn nữa, năng lượng sản xuất trong nước của Hoa Kỳ đang diễn ra ở một quốc gia, theo tiêu chuẩn thế giới, có những quy tắc môi trường tương đối chặt chẽ đối với các hoạt động đó.
© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: The Remarkable Renaissance in US Fossil Fuel Production | Timothy Taylor | conversableeconomist | Mar 21, 2019.