Thư gởi bạn

N.N.Đ.

Nhưng tổ quốc lớn quá mà mình không thấy đâu, chỉ có gia đình trước mặt. Và mình phải theo gia đình phải không?

Sài gòn 8.2.1972

H. thân,

Do một tình cờ hết sức ngẫu nhiên, tao và thằng V. (tao quên nói với mày là V. nó được đổi về Sài gòn, hình như làm việc tại tòa đô chính) đã đến quán Cây tre của chị Khánh Ly – chị thằng M. đó.

Tao với nó đi lòng vòng, không biết đến đâu bèn đưa nhau đến Cây Tre.  Thuở giờ tao chưa đến đó lần nào – thằng V. cũng thế.

Khánh Ly, sơn dầu trên giấy 18 x24 in, Đinh Cường

Hôm nay lần đầu được hưởng không khí tiểu tư sản. Tưởng giá tiền cũng như Chiêu, nào ngờ nó đưa cà phê ra là tính tiền ngay: 840$ VN. Đau khổ, may mà có tiền chứ không thì một sự “dàn cảnh vô tình” rồi. Tụi tao ngồi xuýt xoa tưởng đi đoong 840$. Nhưng cũng thật tình cờ, chương trình văn nghệ bắt đầu mà tụi tao không biết, và cũng không ngờ vì là tối thứ ba mà. K.L. hát những bài hát mà tao mầy và M thường nghe: Như cánh vạc bay, Tình sầu, Cỏ xót xa đưa, v.v. và đặc biệt nhất, Ngọc Minh hát bài Khi tôi về. Có lẽ mầy nhớ và thích bài ấy chớ?

“Khi tôi về, mẹ già vừa tóc bạc, đôi mắt nhìn xa xôi Mẹ tôi ngóng tương lai và quên hết ưu phiền. […] Khi tôi về, khi tôi về, cuộc đời xuôi chẩy  […] Khi tôi về… Khi tôi về…”


Nhạc Phạm Duy; thơ Kim Tuấn
https://youtu.be/L_Tw2MQFwMg
Khi tôi về. Nguồn: YouTube

Nó làm tao nhớ đến mày nhiều, nhớ đến những ngày còn đi học chung, nhớ những lúc mày ư ử, “giết người đi… ới người ơi,…” v.v..

A! Tao cũng không biết chuyện mầy với con gái. Lúc trước tao vẫn có ý nghĩ là mầy không để ý đến chuyện đó. Và thật sự mầy cũng lưng lửng lơ lơ nên tao cứ cho là mầy giỡn chứ. Không biết bây giờ mầy đối với chuyện đó ra sao. Nhưng dù sao đi nữa nó cũng đã trở thành kỷ niệm đẹp cho chúng mình. Có những chuyện trước đó mình tưởng không gì thích thú và không nên nhớ. Thế mà bây giờ khoảng đời lúc trước đó mình lại tưng tiu nó, quí giá nó như những gì không tìm được lần thứ nhì. Tụi con H., N. nói chuyện về mầy hết sức tức cười. Tao hỏi còn tức mầy không. Chúng nói không — Và cũng như mình, chúng thấy chuyện đó là đẹp chớ không đến nỗi nào.

“Tên H. phá ghê lắm. Tên H. cãi lộn. Tên H. phát ngôn bừa bãi: ‘đồ trôi sông lạc chợ; anh có nói gì em, v.v..’”

 Chúng bảo bữa nào học cũng cười hoài. Cái hôm con N. Hay H.? (tao lộn tên hai đứa hoài) cãi lộn với mầy vì nó đã sùng ở nhà không xe đến trường phải đi taxi nên nó mới cáu lên. Tụi nó nói “tên H. thông minh lắm, ở dưới cứ đố vui để học mà tên H. biết nhiều lắm.” Và nhất là chúng biết xuất xứ h.đ. của mầy biết mầy chỉ huy tụi sói hay thiếu gì đó rất khá, sói sợ mầy ghê lắm. Chúng than trên đây đánh mất hồn nhiên, là không tìm được bạn bè trừ một vài người quen như tao, K.. Chính tao cũng cảm thấy vậy. Sự thay đổi mội trường nào lại không đem đến cái cảm giác lạc lõng. Nhất là không có một buổi giao thời, chuyển tiếp để tập làm quen. Chắc tao phải mất nhiều tháng để làm quen với không khí đó. Hoặc mình giữ nguyên bản chất cũ để bị cảm thấy cô đơn, hoặc thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh mới. Mình phải thay đổi nhưng không biến đổi hoàn toàn. Cũng như mầy đang tập thay đổi vậy.

Mầy có nhớ là bây giờ đang gần Tết Nguyên Đán rồi không? Sẽ không có những hình ảnh quen thuộc cũ và mầy phải làm quen với tình trạng đó. Không có gì để nhắc nhở mầy, từ mùi hương của chợ hoa; mai hoa gì đó; từ hình ảnh chợ Tết ồn ào với những gian hàng Hynos. Các cô bán đẹp hết sẩy, nhưng gian hàng khô cá thiều quảng cáo ăn chơi đã ngon, ăn nhậu còn ngon hơn. Không gì nhắc mầy như ra phố gặp bán lồng đèn thì biết gần đến Trung Thu. Hoàn toàn không, chỉ có cảnh mới, bạn mới, người mới… và nếp suy nghĩ mới.

Dù sao chuyện thay đổi phải có nhưng tao mong tao vẫn là bạn mầy, gia đình vẫn là gia đình của mầy, và đất nước nầy vẫn là đất nước của mầy. Mãi mãi và mãi mãi.

Khi tôi về. Nhạc Phạm Duy; thơ Kim Tuấn

Thân chúc mầy mạnh khỏe và thành công. Hẹn thư sau.

Thân ái,

Đ.

Dòng viết sau tấm ảnh: “Gởi cho mầy cái ảnh của những ngày mới vào trường Bộ Binh. Tân khoá sinh ĐĐ14, Trđ 14[2] tại sân bắn 8 A&B.”

Nhưng tổ quốc lớn quá mà mình không thấy đâu, chỉ có gia đình trước mặt. Và mình phải theo gia đình phải không?

Tác giả là một sinh viên trường Văn khoa Sài Gòn.và đã đền nợ nước không bao lâu sau khi tốt nghiệp Á khoa trường Bộ binh Thủ Đức.

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Ảnh của tác giả. DCVOnline minh họa.