Vụ nổ ở Sri Lanka: Một bài học về vấn đề cực đoan hóa cho những nước láng giềng
Zachary Abuza | Trà Mi
Sáng ngày Chủ nhật Phục sinh, bảy kẻ ôm bom tự sát đã mở cuộc tấn công khủng bố nguy hiểm nhất ở Nam Á. Họ đã dùng chất nổ hạng nặng tại ba nhà thờ ở ba thành phố Sri Lanka và tại ba khách sạn sang trọng ở thủ đô Colombo, giết chết ít nhất 320 người và làm bị thương hàng trăm người khác.
Mặc dù hầu hết các bằng chứng cho đến nay đều chỉ vào một nhóm Hồi giáo cực đoan địa phương, National Thowfeek Jamaath (NTJ), nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), qua nội dung Telegram của cơ quan thông tấn chính thức của nó, Amaq, hôm thứ ba đã công nhận chính IS đã chủ mưu vụ tấn công. IS cho biết đó là sự trả thù cho vụ xả súng giết người hàng loạt khiến 50 người thiệt mạng tại hai nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand vào ngày 15/3/2019.
Chỉ có một số bằng chứng giới hạn và chưa thể hỗ trợ hay khẳng định độ trung thực trong lời tuyên bố của IS. Hôm thứ ba, truyền thông IS đã liên kết cá nhân các sát thủ ôm bom với các cuộc tấn công ở Sri Lanka. Ngày hôm đó, tấm ảnh những tên khủng bố ôm bom đứng chụp ảnh chung trước lá cờ đen của nhóm và một đoạn video ngắn họ đọc tuyên thệ bai’at (lời thề trung thành) với thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi được phát tán trên mạng.
Nhưng có vẻ như rất khó có khả năng một âm mưu khủng bố lớn và rất phức tạp liên quan đến rất nhiều người, có thể tổ chức được trong vòng một tháng. Vụ khủng bố này đã được chuẩn bị trong nhiều tháng, và vụ xả súng giết người ở Christchurch chỉ đơn giản là một yếu tố thúc đẩy nhóm khủng bố.
Sự trỗi dậy và sự cực đoan hóa của NTJ ở Sri Lanka có mối quan hệ với Nam và Đông Nam Á, và như là một bài học quan trọng về vấn đề cực đoan hóa. Chúng ta cần hiểu điều đó khi Nhà nước Hồi giáo áp dụng mô hình nổi dậy toàn cầu mới, khi họ đã mất caliphate ở Iraq và Syria.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong tiến trình cực đoan hóa các tổ chức khủng bố Hồi giáo là niềm tin của họ vào Fard Ayn, nghĩa vụ tôn giáo của họ là bảo vệ tôn giáo và các tín đồ của tôn giáo của họ. Nhà nước Hồi giáo sẽ tiếp tục cài kết vào các nhóm với các chương trình nghị sự giới hạn ở địa phương, chỉ đạo những nhóm đó mở rộng mục tiêu của họ.
Nguồn gốc nhóm NTJ
NTJ nổi lên nhu một phản ứng trước sự bùng nổ của những kẻ chống đối Hồi giáo trên khắp đảo quốc Tích Lan vào năm 2014.
Sri Lanka đã sẵn có những phần tử cực đoan trong khối những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Sinhalese cùng với những người Phật giáo cực đoan. Thật vậy, chủ nghĩa sô vanh của đa số tín đồ Sinhala-Phật giáo và các chính sách phân biệt đối xử là nguyên nhân của cuộc nổi dậy của tổ chức Hổ Tamil.
Các nhóm này đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chính phủ trong cuộc chiến kéo dài 26 năm chống lại Tổ chức Liberation Tigers of Tamil Eelam (LTTE), kết thúc vào tháng 5 năm 2009. Những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và cực đoan Phật giáo thường yêu cầu trả thù các cuộc tấn công của LTTE. Hành động này thường dẫn đến sự vi phạm nhân quyền đối với cộng đồng người dân tộc Tamil ở miền bắc và miền đông của Tích Lan.
Vào năm 2013, những người Phật giáo theo chủ nghĩa dân tộc không còn những con hổ Tamil làm ông kẹ của họ nữa, đã chuyển hướng sang người Hồi giáo. Sự việc này xảy ra khi Nhà nước Hồi giáo đang lan rộng, dường như không thể ngăn chặn được, khắp vùng Syria và Iraq. Vì vậy, người Hồi giáo nổi lên là một mối đe dọa lớn hơn theo luận cứ của những người Phật giáo cực đoan.
Các nhóm cực đoan như Bodu Bala Sena (Lực lượng Phật giáo) bắt đầu nhắm vào quấy nhiễu các cộng đồng Hồi giáo. Ba người đã thiệt mạng và 78 người bị thương trong cuộc tàn sát vào tháng 6 năm 2014.
Điều này đã thúc đẩy người Hồi giáo mở cuộc phản công, đặc biệt là khi cảnh sát Sri Lanka, không thể bảo vệ họ, và tệ hơn là họ đã nhắm mắt làm ngơ trước các cuộc tấn công người Hồi giáo. Những năm từ 2014 đén 2018 đã liên tục xẩy ra những cuộc tàn sát và chống lại tàn sát. Dù là những vụ bạo động nhỏ, nhưng tất cả những vụ bạo động đó đã có người bị giết hoặc bị thương, và tài sản bị phá hủy.
Cũng cần phải hiểu rằng Bodu Bala Sana (Lực lượng Phật giáo) và những người cực đoan Sinhalese khác đã tự mô phỏng theo Phong trào 969 ở Myanmar, nơi mà nhà sư Phật giáo cực đoan Ashin Wirathu khuyến khích một chiến dịch diệt chủng chống lại người thiểu số Rohingya ở tỉnh Rakhine, cũng như những người trong những cộng đồng Hồi giáo khác trên khắp nước. Cùng nói tiếng Pali và cùng theo Phật giáo Nguyên thủy là những nhân tố thắt chặt mối quan hệ về giáo dục và tu viện giữa hai nước Myanmar và Sri Lanka.
Các cuộc tấn công của phong trào 969, tất nhiên, đã dẫn đến sự trỗi dậy của Quân đội Cứu quốc Arakan Rohingya. Nó được thành lập để bảo vệ cộng đồng Rohingya, dẫn đến chiến dịch diệt chủng của chính phủ Myanmar và quân đội. Ngày nay, khoảng một triệu người Rohingya đang tạm trú trong các trại tị nạn tồi tệ ở Bangladesh và chiến dịch diệt chủng do người Myanmarchủ động dường như không bị ai lên án hay trừng phạt.
Tại Sri Lanka, nhóm NTJ được thành lập vào năm 2015 hoặc 2016 như một cuộc ly khai khỏi một nhóm Hồi giáo địa phương có tên tương tự để bảo vệ cộng đồng Hồi giáo không là nạn nhân của các cuộc tấn công khác. Đó có nghĩa là NTJ đang mở cuộc thánh chiến phòng thủ.
Tiến trình cực đoan hóa của NTJ
Điều này đặt ra một câu hỏi khác: Làm thế nào mà một nhóm được thành lập với bề ngoài là để bảo vệ cộng đồng của họ khỏi các cuộc tấn công giáo phái từ các nhóm Phật giáo cực đoan, lại đi tấn công vào các nhà thờ và các mục tiêu mềm khác bằng những hoạt động giống như của các nhóm thánh chiến xuyên quốc gia như al-Qaeda và IS? Chúng ta phải giải thích thế nào về sự tiến hóa nhanh chóng nhắm mục tiêu các đối tượng không phải là Phật giáo?
Đầu tiên, người ta phải hiểu về cộng đồng. Người Hồi giáo chiếm khoảng 10% dân số Sri Lanka. Hầu hết đã chung sống hòa bình với nhà nước và các tôn giáo khác, đặc biệt là sau năm 1990 khi Tổ chức Hổ Tamil trục xuất hơn 100.000 người khỏi lãnh thổ mà họ kiểm soát. Và không giống như cộng đồng người Tamil, những người có xu hướng không thấy mình trong chính trị và xã hội do người Sinhal thống trị, phần lớn người Hồi giáo là thành viên tích cực của xã hội đa tôn giáo và đa sắc tộc ở Sri Lanka.
Tuy nhiên, Sri Lanka có một cộng đồng Salafi ngày càng phát triển và rất hẹp hòi ngày càng trở nên dễ chấp nhận lời tuyên truyền và tường thuật của cộng đồng thánh chiến, và tự nhận dạng bằng cách tạo ra các nhóm trong và ngoài.
Vào năm 2016, nhà chức trách an ninh của Sri Lanka tuyên bố trước quốc hội rằng có khoảng 32 người đã đi Syria để gia nhập IS. Vào năm 2018, con số được cho là 50. Trên tổng thê, đây là một con số nhỏ, nhưng họ đã đóng một vai trò trong việc cực đoan hóa những chí hữu của họ trong nước qua phương tiện truyền thông xã hội.
Giới an ninh đã thấy rõ ràng rằng những cá nhân này không phải là người nghèo hoặc người bị truất hữu. Họ là những người từ tầng lớp trung lưu và, trong một vài trường hợp, là thành viên của các gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu. Nhiều năm trước, nhà tâm lý học Marc Sageman đã gọi al-Qaeda là một hiện tượng tiểu tư sản.
Thứ hai, cộng đồng người Hồi giáo Sri Lanka thực sự lo ngại rằng, dù đã có tất cả các nỗ, NTJ đã không bảo vệ toàn vẹn lợi ích của họ bằng các chiến thuật hiện tại.
Các tổ chức cực đoan trong bất kỳ nền văn hóa nào là những nhân tố tiên phong, đứng mũi chị sào cho cộng đồng của họ. Họ tham gia vào những gì gọi là lời tự tiên tri, cố gắng kích động những phản ứng mạnh của lực lượng an ninh chính phủ. Đổi lại, điều này dẫn đến sự họ được chấp nhận rộng rãi hơn trong mắt một khối quần chúng ôn hòa hơn.
Có bằng chứng rõ ràng rằng NTJ đã làm việc này.
Một thành viên của nhóm và bị cáo buộc là người ôm bom tự sát Zahran Hashim bắt đầu đăng các bài ủng hộ Nhà nước Hồi giáo trên trang Facebook của mình vào năm 2017 là bằng chứng của một hướng chiến lược mới.
Vào tháng 6 năm 2017, chính phủ Hoa Kỳ đã trục xuất một thành viên IS người Pakistan vì cố gắng tuyển mộ người Sri Lanka.
Đến tháng 12 năm 2018, người sáng lập của nó đã bị bắt ít nhất một lần vì bôi xóa tượng Phật giáo và kích động bạo lực. Những cực đoan Phật giáo Sinhalese đã kêu gọi bắt giữ ông, đe dọa sẽ có bạo lực nhiều hơn nếu chính phủ không làm theo lời yêu cầu của họ.
Đến tháng 1 năm 2019, nhóm NTJ rõ ràng đã đi quá mức. Nhà chức trách Tích Lan đã tịch thu khoảng 100 kg chất nổ và kíp nổ cấp quân sự giấu trong một công viên quốc gia ở phía đông bắc của Sri Lanka. Trong khi một số quan chức hy vọng sẽ đổ lỗi bạo động cho đám tàn dư của tổ chức Hổ Tamil nổi lên từ đống tro tàn, đối với một số quan chức khác thì rõ ràng đây là một mối đe dọa mới.
Thứ ba, chúng ta cần xem xét vai trò của những thánh chiến quân nước ngoài trở về Tích Lan.
Vào thời điểm tác giả viết bài này, chính phủ Sri Lanka đã tuyên bố rằng nhiều người trong số hàng chục người bị bắt sau các cuộc tấn công hôm Chủ nhật Phục sinh là những người trở về từ Syria hoặc có mối liên hệ nào đó với phiến quân IS ở Iraq và Syria. Ngay cả khi điều này được phóng đại, nó cho thấy ảnh hưởng rõ ràng của những thánh chiến quân nước ngoài trong tiến trình tiến hóa của nhóm NTJ.
Thứ tư, rất có thể một mức hỗ trợ ngoại sinh.
Đến nay, một người nước ngoài, một người Syria, đã bị chính quyền Sri Lanka bắt giữ sau các cuộc tấn công hôm Chủ nhật Phục sinh. Dường như một nhóm mà cho đến gần đây chỉ có thể tham gia vào những hành động bạo lực giáo phái cấp thấp không thể chủ mưu một cuộc khủng bố phức tạp như vậy, gồm cả việc dựng 10 quả mìn lớn, mà không cần sự hỗ trợ của nước ngoài.
Thứ năm, chúng ta phải hiểu rằng sự cực đoan hóa nhanh chóng của phong trào này xảy ra khi Nhà nước Hồi giáo đang mất dần caliphate, chuyển chiến lược sang theo đuổi mô hình nổi dậy toàn cầu, tìm mặt trận mới, hơn cả việc chỉ thành lập những căn cứ của Nhà nước Hồi giáo ở Đông Á và các địa phương khác.
Vụ xả súng giết người hàng loạt ở Christchurch có thể đã góp một phần trong lựa chọn mục tiêu cuối cùng, nhưng mưu toan này đã được chuẩn bị từ lâu. Rõ ràng là nhóm khủng bố đã chuyển cuộc tấn công sang “kẻ thù ở miền xa”.
Không giống như al-Qaeda, có khuynh hướng kiểm soát một cách chi li những cuộc tấn công và gần đây đã tấn công vào nhà thờ, Nhà nước Hồi thỏa mãn khi chỉ truyền cảm hứng và sau đó có khuynh hướng vơ vào (nhận đã chủ mưu khủng bố), ngay cả khi họ chỉ có sự liên kêt rất mỏng.
Mô hình Holey Artisan Bakery
Tổ chức National Thowfeek Jamaath thực sự là một trường hợp cực đoan hóa chậm, giống như những gì chúng ta đã thấy trong cuộc khủng bố nguy hiểm nhất tính đến nay ở Bangladesh, cuộc bao vây qua đêm tại quán cà phê Holey Artisan Bakery ở thủ đô Dhaka của Bangladesh vào tháng 7/2016.
Cũng như đã xẩy ra trong cuộc tấn công quán cà phê Bangladesh, có ba điều đã kết hợp ở Sri Lanka: Một nhóm nhỏ ở địa phương đã tham gia vào một cuộc thánh chiến phòng thủ; Tổ chức nàu có đủ khả năng, chuyên môn kỹ thuật và nhân lực – thường là do các thanh hiến quân nước ngoài hồi hương hoặc do hỗ trợ từ bên ngoài; và dường như có một sự thúc đẩy hoặc khuyến khích từ ảnh hưởng của nước ngoài, ví dụ như lời kêu gọi bắt đầu một mặt trận mới trong một cuộc nổi dậy toàn cầu.
Do kết quả của việc mở rộng mục tiêu này, NTJ đã trở thành một phần của một cái gì đó lớn hơn, một cuộc đấu tranh toàn cầu, không còn hạn chế trong phạm vi địa phương, đồng thời kích động phản ứng mạnh từ phía chính phủ, để đẩy mạnh mục đích mở rộng việc chiêu mộ và cực đoan hóa nhóm người theo họ.
Khi IS tiếp tục cố gắng mở rộng chiến trường, với các mặt trận mới, dù ở Sri Lanka, Bangladesh hay ở các nước ở Đông Nam Á, chính phủ các nước phải làm mọi cách có thể để dập tắt những xung đột giáo phái địa phương.
Vấn đề là khi nào, chứ không phải là nếu, các nhóm như IS viện trợ và cài đặt gắn kết vào các phong trào địa phương.
Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington và là tác giả của “Forging Peace in Southeast Asia: Insurgencies, Peace Processes, and Reconciliation.” Quan điểm trong bài là của riêng ông và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Đại học Chiến tranh Quốc gia hoặc BenarNews.
© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Sri Lanka Bombings: A Lesson in Radicalization for Asian Neighbors | Zachary Abuza | BenarNews | April 23, 2019.