Tòa Bạch Ốc leo thang chiến tranh thương mại
William Mauldin, Michael C. Bender và Josh Zumbrun (WSJ) | DCVOnline
Thuế nhập cảng hàng Trung Quốc do giới nhập cảng trả cho chính phủ Hoa Kỳ, và tốn phí phần lớn được chuyển lại cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng với giá cao hơn.
WASHINGTON — Triển vọng nanh chóng chấm dứt cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc đã mờ đi hôm thứ Hai sau khi công chức chính phủ Hoa Kỳ cáo buộc Bắc Kinh không giữ lời hứa và tuyên bố Mỹ sẽ thực hiện lời đe dọa của Tổng thống Trump tăng thuế hàng nhập cảng của Trung Quốc.
Đại diện thương mại Hoa Kỳ nói Hoa Kỳ sẽ tăng thuế nhập cảng lên 25% trên 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc
“Theo sự dánh giá của chúng tôi, trong suốt tuần qua, chúng tôi đã chứng kiến sự mất dần những cam kết của Trung Quốc, có thể nói họ đã rút khỏi những cam kết đã hứa.”
Ông Robert Lighthizer, đại diện thương mại Hoa Kỳ tuyên bố thuế nhập cảng trên 200 tỷ đô la hàng hóa của Trung Quốc sẽ tăng lên 25% kể từ thứ Sáu.
Ông Lighthizer đã nhận định như trên bên cạnh Bộ trưởng tài chính Steven sau tweet của Tổng thống Trump hôm Chủ nhật, cáo buộc Trung Quốc muốn “đàm phán lại” và đe dọa sẽ đánh thuế nhập cảng gần như trên mọi loại hàng của Trung Quốc đem vào Hoa Kỳ.
Lời đe dọa của ông Trump đã làm náo loạn thị trường tài chính trên toàn thế giới, nhưng cũng có lời đồn đoán rằng đó có thể chỉ là một chiến thuật đàm phán nhằm lấy được thỏa thuận tốt nhất với khỏi Bắc Kinh.
Trong khi sàn chứng khoán Mỹ hồi phục nhanh ngay sáng thứ Hai, nhưng đã sụt trở lại vào buổi chiều, với chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 0,3% vào cuối ngày. Các sàn giao dịch chứng khoán Trung Quốc đại lục tại Thượng Hải và Thâm Quyến đã công bố mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ năm 2016.
Cuộc họp ngắn của hai ông Lighthizer và Mnuchin, diễn ra sau khi thị trường Mỹ đóng cửa hôm thứ Hai, cho thấy rõ có những lo ngại sâu sắc về hướng đàm phán có thể vượt ra ngoài phong cách đàm phán.
Đây là sự thống nhất hành động giữa một chính quyền thường có sự chia rẽ giữa những viên chức muốn có thương mại và nhóm diều hâu đối với Trung Quốc, ngoài hai ông Lighthizer và Mnuchin, tham gia vào cuộc họp báo Thứ Hai còn có cố vấn kinh tế Larry Kudlow và cố vấn thương mại và sản xuất Peter Navarro.
Eswar Prasad, giáo sư chính sách thương mại tại Đại học Cornell cho biết,
“Chiến thuật của cả hai bên và sự rõ ràng không tin tưởng lẫn nhau của họ đã khiến cho viễn cảnh đình chiến tạm thời trở nên tăm tối hơn rất nhiều so với vài ngày trước. Có thể sẽ cần một giai đoạn hạ nhiệt để đưa cuộc đàm phán trở lại đúng hướng, nhưng việc Mỹ tăng thuế nhập cảng vào cuối tuần này có thể khiến cuộc đàm phán bị trật đường rầy trong thời gian sắp tới.”
Dù có những bình luận tiêu cực, ông Lighthizer cũng cho biết các cuộc đàm phán cao cấp với chuyên viên đàm phán Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục vào thứ Năm và thứ Sáu tại Washington. Có kế hoạch trở lại đàm phán vào thứ Tư, nhưng vì lời đe dọa của ông Trump tăng thuế nhập cảng hôm Chủ nhật đã khiến Bắc Kinh khựng lại cân nhắc việc hủy bỏ cuộc đàm phán.
Ông Mnuchin cho biết đã lo ngại từ tuần trước khi ông và ông Lighthizer đang ở Trung Quốc để đàm phán. Ông nói, “Có một số dấu hiệu không tốt khi chúng tôi ở Bắc Kinh, Chúng tôi đã được cam đoan rằng mọi thứ đang tiến triển tốt đẹp.”.
Sau đó, vào cuối tuần qua, thông tin liên lạc với quan chức Trung Quốc cho thấy các cuộc đàm phán “về cơ bản đang lùi lại” từ góc nhìn của Hoa Kỳ.
Ông Mnuchin nói rằng, “Chúng tôi không muốn quay trở lại với những văn kiện đã đàm phán xong.”
Hai ông Lighthizer và Mnuchin từ chối cho biết những lãnh vực mà họ cho rằng phía Trung Quốc đang tháo lui. Lighthizer nói “đã có những lo ngại về hình thức của thỏa thuận và việc viết lại bản thỏa thuận.” Như vậy là rút lại những cam kết quan trọng.
Hôm thứ Hai, một phát ngôn viên của tòa Đại sứ Trung Quốc tại Washington đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về cuộc hội đàm.
Giới quan sát ở Washington tin rằng Trung Quốc trở nên ít nhượng bộ hơn với Mỹ sau hội nghị Một Vành đai Một Con đường gần đây ở Bắc Kinh, với sự tham dự của khoảng 40 nguyên thủ và chính phủ quốc gia.
Hội nghị Một Vành đai Một Con đường đã trợ lực cho nhóm người trong chính phủ và đảng Cộng sản Trung Quốc, những người cho rằng Bắc Kinh đang nhượng bộ quá nhiều với Hoa Kỳ, trong khi phần lớn sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào Trung Quốc.
Theo các giới chức Tòa Bạch Ốc, tranh chấp đang xoay quanh một phần về cách sẽ trình bày thế nào với công chúng về thỏa thuận cuối cùng. Một trong những nhân viên Tòa Bạch Ốc cho biết, Hoa Kỳ muốn công bố đầy đủ chi tiết của hiệp ước, trong khi Trung Quốc chỉ muốn công bố bản tóm tắt các điều khoản,
Theo một người khác sau các cuộc đàm phán, hiệp định thương mại hoàn tất như đã định Trung Quốc sẽ phải thay đổi luật pháp của họ để thực thi nó; đó là một điều mà Bắc Kinh không muốn làm.
Cùng với sự minh bạch và giá trị pháp lý của thỏa thuận, một điểm nhức nhối khác tiếp tục là mục tiêu của Trung Quốc là muốn Hoa Kỳ dỡ bỏ tuế nhập cảng như một trong những nhân viên Tòa Bạch Ốc cho hay.
Người này nói rằng “Phía chúng ta thực sự muốn tiếp tục đánh thuế hàng nhập cảng. Đây là một điểm chưa giải quyết được.”
Ông Trump thấy chính quyền của mình đang đàm phán từ một vị trí mạnh, dựa trên nền kinh tế vững chắc của Hoa Kỳ. Tổng sản phẩm trong nước trong quý đầu tiên tăng trở lại từ cuối năm 2018, với tốc độ tăng trưởng theo tỷ lệ hàng năm được điều chỉnh theo mùa là 3,2%, tăng từ 2,2% của quý trước.
Báo cáo việc làm cho tháng 4, công bố vào thứ Sáu, cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đã tạo thêm 263.000 việc làm trong tháng và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,6%, thấp nhất trong gần 50 năm.
Với những kết quả đó, ngay giới phê bình nghiêm khắc nhất của ông Trump, kể cả Thuợng nghị sĩ lãnh đạo đảng Dân chủ ở Thượng viện, Chuck Schumer của New York, cũng phải ủng hộ đường lối cứng rắn của tổng thống đối với Trung Quốc.
Cho đến nay, thuế nhập cảng hầu như không ảnh hưởng đến nền kinh tế Hoa Kỳ. Nhưng việc đáng 25% thuế đối với gần như tất cả hàng nhập cảng của Trung Quốc, như ông Trump đe dọa có thể làm giảm mức tăng trưởng của Mỹ xuống 0,3 phần trăm, đủ để làm chậm tăng trưởng của Mỹ xuống dưới 2% vào cuối năm 2019 theo chuyên gia kinh tế Gregory Daco của Oxford econom, một công ty nghiên cứu toàn cầu.
Một số lĩnh vực đã bị ảnh hưởng tiêu cực. Căng thẳng thương mại đã đặc biệt làm nền kinh tế nông nghiệp suy giảm mạnh, với việc Trung Quốc đánh thuế nhập cảng cao trên các sản phẩm nông nghiệp và tạm dừng mua hàng xuất khẩu chính của Hoa Kỳ như đậu nành.
Thu nhập từ của nhà nông trong quý đầu tiên sút giảm mạnh nhất trong gần ba năm và đã lơ lửng gần mức chưa từng thấy kể từ cuộc suy thoái cách đây một thập kỷ.
Sản xuất tại Hoa Kỳ là khu vực phần lớn để chế tạo hàng xuất cảng, cũng đã yếu đi trong những tháng gần đây, gần như không có tăng trưởng việc làm trong hai tháng qua. Thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã giảm 25 tỷ đô la từ tháng 2 năm 2018 đến tháng 2 năm nay, với mức xuất cảng của Hoa Kỳ giảm 21% và nhập khẩu của Hoa Kỳ giảm 12% trong giai đoạn đó.
Thuế nhập cảng hàng Trung Quốc do giới nhập cảng trả cho chính phủ Hoa Kỳ, và tốn phí đó phần lớn được chuyển lại cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng với giá cao hơn.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ đã bày tỏ hy vọng rằng một phái đoàn rộng lớn từ Trung Quốc dự kiến trong tuần này tại Washington có thể giúp các quan chức đạt được thỏa thuận có thể được chính thức hóa và ký kết trong những tuần tới.
Hôm thứ Hai, ông Mnuchin cho biết “Chúng tôi đang chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình để ký kết một thỏa thuận này. Và đó là một ddiiefu tôt. Nếu Mỹ và Trung Quốc không thể đạt được thỏa thuận thì thực là việc không may.”
Hiện nay cộng đồng doanh nghiệp lo ngại về những tranh chấp có thể đi đến sự hủy bỏ các cuộc đàm phán tiếp theo với quan chức hàng đầu Trung Quốc, đình trệ đó sẽ ngăn hai nước dỡ bỏ thuế nhập cảng đã áp đặt từ năm ngoái trong thời điểm bắt đầu có xung đột thương mại.
Hoa Kỳ đã nỗ lực để đạt được sự nhượng bộ của Trung Quốc về mức độ hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước, những hành động cáo buộc là trộm cắp qua mạng từ các công ty Mỹ, tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ, các quy tắc để ngăn chặn thao túng tiền tệ và giảm thuế nhập cảng . Bất kỳ thỏa thuận nào cũng có thể sẽ dẫn đến việc Trung Quốc cam kết mua các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ và các hàng hóa khác, tất cả để đổi lấy việc dỡ bỏ thuế nhập cảng.
Trong những tuần gần đây, giới quan sát theo dõi các cuộc đàm phán đã trích dẫn tiến trình hoặc hoàn thành sự hiểu biết trong hầu hết các lĩnh vực của các cuộc đàm phán. Họ chú ý vào kế hoạch giảm hoặc xóa bỏ thuế nhập cảng, hình thức pháp lý của thỏa thuận sau cùng và một cơ chế thực thi mà chính quyền Trump hy vọng sẽ bảo đảm được việc Trung Quốc sẽ giữ đúng các cam kết của họ.
Nhân viên Tòa Bạch Ốc mô tả những tweet hôm cuối tuần của ông Trump một phần phản ảnh phong cách đàm phán của ông ấy. Ông Trump, người thường xuyên sử dụng các vụ kiện làm đòn bẩy khi ông còn là một doanh nhân, thích đàm phán dưới cái bóng của việc tăng thuế nhập cảng.
Một trong những nhân viên ở Tòa Bạch Ốc cho biết, khả năng đi đến một thỏa thuận không thay đổi.
© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: White House Ratchets Up Trade Fight | William Mauldin, Michael C. Bender and Josh Zumbrun || The Wall Street Journal | May 6, 2019’
Đã đăng ngày 7 tháng 5 năm 2019, trên báo giấy dưới tựa đề, ‘Trung Quốc bị cáo buộc ‘Nuốt lời hứa thương mại.’”. Bob Davis đã đóng góp cho bài viết này.