Giáo Hoàng Francis chấm dứt việc Giáo hội che giấu dịch lạm dụng tình dục
Emma Green (The Atlantic) | DCVOnline
Vị lãnh đạo của Giáo hội Thiên Chúa giáo đã ban hành những quy luật xác định trách nhiệm phải báo cáo về những cáo buộc lạm dụng (tình dục) trên toàn thế giới. Nhưng Giáo hoàng vẫn phải đối phó với sự hoài nghi sâu đậm của cộng đồng giáo dân.
Trước tuần này, Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã không có chính sách toàn cầu đòi hỏi linh mục, và giám mục phải báo cáo và điều tra những cáo buộc về sự lạm dụng tình dục [trong cộng đồng giáo hội]. Cũng không từng có biện pháp chính thức nào buộc các giám mục phải chịu trách nhiệm cho những hành động sai trái và bao che, mặc dù có một số trường hợp mang tiếng và khủng khiếp về những sai phạm của những nhân vật lãnh đạo ở thượng tầng của Giáo hội. Với biết bao nhiêu chuyện lạm dụng tình dục liên tiếp xẩy xa, người Thiên Chúa giáo đã trở nên ngờ vực về mức độ sẵn sàng của Vatican để đối phó với căn bệnh lạm dụng tình dục xẩy ra trên toàn thế giới, và nhiều người đã dứt khoát từ bỏ Giáo hội.
Motu Proprio của Giáo hoàng [sắc lệnh do đích thân Giáo hoàng ban hành cho Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã] sẽ có hiệu lực vào tháng 6, một thí nghiệm trong ba năm, là một bước tiến rõ ràng và cụ thể của Giáo hội, chứng tỏ rằng Giáo hoàng Francis đang nghiêm túc giải quyết vấn đề lạm dụng tình dục. Tuy nhiên luật của Giáo hoàng vừa ban hành không phải là liều thuốc chữa bách bệnh: Nó không đưa ra nhưng án phạt cụ thể đối với những vị lãnh đạo Giáo hội vi phạm điều luật này. Sau nhiều năm im lặng về vấn đề này, Giáo hội đương nhiên phải chịu trách nhiệm về sự khủng hoảng niềm tin của tín hữu, cùng với những người tin rằng Giáo hội Thiên Chúa giáo không có khả năng tự kiểm soát sự lạm dụng tình dục.
Điều luật mới của Tòa thánh đưa ra một tiến trình chi tiết để báo cáo về những cáo buộc các giám mục lạm dụng tình dục, và đưa ra những biện pháp bảo vệ những người đứng ra tố cáo. Định nghĩa của Giáo hoàng về lạm dụng tình dục gồm những loại lạm dụng tình dục trẻ em, chủng sinh, nữ tu và phụ nữ trong các dòng tu, và cả những người khuyết tật tâm thần — tất cả những người này đã là nạn nhân củn giai cấp lãnh đạo Giáo hội. (Điều luật này cũng lên án việc lưu giữ hoặc sản xuất tài liệu có nội dung dùng trẻ em khiêu dâm.) Có lẽ điểm quan trọng nhất là điều luật này bắt buộc Giáo hội phải cung cấp các dịch vụ hỗ trợ từ trị liệu đến tư vấn tâm linh và hứa sẽ bảo vệ bí mật cho nạn nhân bị xâm phạm tình dục.
Những biện pháp đặt trách nhiệm cho giám mục nói trên quan trọng một phần vì chính một số vị lãnh đạo này đã giữ vai trò đầy tai tiếng che dấu những vụ lạm dụng tình dục, và các vụ bê bối trên toàn thế giới, đặc biệt là chuyển những giáo sĩ bị tố cáo đi công tác ở vị trí khác.
Trong vài tháng qua Giáo hoàng Francis đã làm việc để công bố Motu Proprio. Vào tháng Hai, Giáo hoàng đã họp hội đồng giám mục thế giới tại Vatican trong một hội nghị thượng đỉnh chưa từng có về việc Giáo hội không giải quyết vấn đề lạm dụng tình dục. Giáo hoàng yêu cầu hội nghị phải có “những biện pháp cụ thể và hiệu quả.” Vào tháng 3, Giáo hoàng ban hành đạo luật bắt buộc chức sắc và nhân viên ngoại giao đoàn của của Vatican nhanh chóng báo cáo và giải quyết mọi cáo buộc lạm dụng tình dục nếu không có thể sẽ phải ngồi tù. Motu proprio này gọi là “Your Estis Lux Mundi” — tiếng Latin nghĩa là “Bạn là ánh sáng của thế giới” — là đỉnh điểm của nhiều năm vận động từ trong và ngoài Giáo hội.
Tổng Giám mục Charles Scicluna, một chức sắc lâu năm của Vatican và là thành viên của toán đặc nhiệm nhỏ dẫn đầu hội nghị tháng Hai về lạm dụng tình dục, trong một cuộc phỏng vẫn, đã nói với báo giới,
“Luật này rất quan trọng vì nó đưa ra tuyên bố rõ ràng về một nhiệm vụ. Đó là một thông điệp rất mạnh, phải-lên-tiếng-chứ-không-im- lặng là trách nhiệm hiện nay.”
Tổng Giám mục Charles Scicluna
Luật mới của Giáo hoàng là một sự khác biệt lớn so với hành động trong quá khứ của Vatican — chính xác hơn là sự khuất tất và không có hành động — về nạn lạm dụng tình dục. Trong nhiều năm, giới chức Vatican có thẩm quyền đã bác bỏ cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, cho rằng đó là một vấn đề đáng xấu hổ của nước Mỹ. Benedict XVI, Giáo hoàng tại vị tám năm trước nhiệm kỳ của GH Francis, là giáo hoàng đầu tiên đã gặp những nạn nhân bị lạm dụng tình dục, và trong nhiệm kỳ của mình, Benedict XVI đã xin lỗi vì sự lạm dụng tình dục trong Giáo hội. Nhưng GH Benedict cũng mang cả ba lô trách nhiệm: Trước khi trở thành giáo hoàng, ông có một nhiệm kỳ bực bội trong vai trò là chức sắc của Vatican đứng đầu văn phòng giải quyết vấn đề lạm dụng tình dục, góp phần vào việc mà tờ New York Times gọi là
“văn hóa vô trách nhiệm, chối bỏ, cản trở, trì trệ pháp lý và hoàn toàn che dấu.”
New York Times
Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Giáo hoàng Benedict đã thất bại trong việc thực hiện những đổi mới cơ cấu toàn diện để có thể hỗ trợ trong việc báo cáo và đặt trách nhiệm trên toàn Giáo hội Thiên Chúa giáo. Gần đây, Giáo hoàng Benedict đã công bố một bức thư gây tranh cãi, đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục cho cuộc cách mạng tình dục và những đổi mới của Giáo hội trong những năm 1960.
Giáo hoàng Francis cũng vậy, ông đã phải suy nghĩ rất nhiều để hiểu hết mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng. Khi mới bắt đầu nhiệm kỳ, ông đã triệu tập một ủy ban đặc biệt của Vatican về việc lạm dụng trẻ vị thành niên, nhưng thất bại vì đã không thực hiện bất kỳ một cải cách có ý nghĩa nào; hai nạn nhân bị lạm dụng tình dục có mặt trong ủy ban sau cùng đã chán nản rút lui. Chưa đầy 18 tháng trước đây, Giáo hoàng Francis đã bị dính vào một vụ bê bối do chính ông gây ra, sau khi ông đả kích những nạn nhân đứng lên tố cáo vụ che dấu cho một giám mục người Chí Lợi.
Theo Seán O’Malley, hồng y Boston, người ủng hộ đổi mới rõ ràng nhất trong Giáo hội về vấn đề này, phản ứng dữ dội đó đã đánh dấu một khoảnh khắc chuyển đổi trong suy nghĩ của GH Francis. Sau khi xin lỗi về những lời bình luận của mình, giáo hoàng đã đi gặp những nạn nhân bị lạm dụng tình dục ở Chile để nghe câu chuyện của họ. Hồng y O’Malley nói với tôi hồi đầu năm nay,
“Cuộc gặp gỡ của GH với các nạn nhân đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của ông và giáo triều hiện tại.”
Hồng y O’Malley
Sau một loạt những vụ bê bối làm rúng động Giáo hội Hoa Kỳ trong mùa hè, GH Francis đã gởi một “bức thư cho dân Chúa” công nhận những đau khổ do nạn lạm dụng tình dục gây ra. Kể từ đó, biết bao những câu chuyện rùng rợn về lạm dụng tình dục trong Giáo hội tiếp tục được đưa ra ánh sáng, kể cả vụ một giám mục Ấn Độ bị cáo buộc đã liên tục cưỡng hiếp một nữ tu suốt hai năm và một hồng y hàng đầu của Úc, George Pell, bị kết án vì đã lạm dục tình dục hai thiếu niên trong ca đoàn hàng chục năm về trước.
Motu proprio mới không xóa được những tội ác này, hoặc nhất thiết có thể ngăn chặn được tội ác trong tương lai. Tuy nhiên, nó đã thiết lập những biện pháp rất cụ thể đặt trách nhiệm cho giám mục phải báo cáo về tội phạm và đặt ra kỳ vọng vào hàng giáo phẩm phải kịp thời và minh bạch giái quyết những vụ tối cáo lạm dụng tình dục, kể cả việc thông tin cho nạn nhân biết về kết quả điều tra. Đây là chuyển hướng vĩ dại nhất trong Giáo Giáo hội: trước đây giới lãnh đạo Thiên Chúa giáo thường tìm cách che dấu nhưng vụ lạm dụng tình dục để bảo vệ Giáo hội, nay Giáo hoàng buộc họ phải làm ngược lại.
Điều mà motu proprio mới không làm là thiết lập các cơ chế báo cáo những cáo buộc lạm dụng tình dục bên ngoài hàng giáo phẩm Thiên Chúa giáo. Điều luật này nhận những đóng góp có thể có của người ngoại đạo trong các cuộc điều tra, nhưng không cần phải có sự tham gia của họ. Luật của Giáo hội cũng xác nhận một số quốc gia có thể yêu cầu cấp lãnh đạo Thiên Chúa giáo báo cáo những cáo buộc xâm phạm tình dục với nhà chức trách dân sự nhưng không nói là điều này không bắt buộc. Mùa đông này, giới lãnh đạo Thiên Chúa giáo ở các quốc gia có chính phủ thù địch với Giáo hội, gồm nhiều nước ở miền Nam bán cầu, lo ngại rằng lạm dụng tình dục sẽ được sử dụng làm vũ khí chống lại họ. Tuy nhiên, nhiều người đối lập với Giáo hội không tin hàng giáo phẩm Thiên Chúa giáo có thể buộc giới lãnh đạo của Thiên Chúa giáo chịu trách nhiệm nếu không có áp lực của những cơ quan thi hành pháp luật của thế quyền. Đối với những nạn nhân bị lạm dụng đã kinh qua các chu kỳ chối bỏ và sự không ngừng đánh lạc hướng của giới lãnh đạo Giáo hội, chưa bao giờ ngừng thi motu proprio của Giáo hoàng lần này có thể rất xoàng.
Hoa Kỳ là nơi có nhiều vụ bê bối lạm dụng tình dục đặc biệt nghiêm trọng; từ lâu giám mục đã cần báo cáo những cáo buộc xâm phạm tình dục và cộng tác với nhà chức trách dân sự. Trong nhiều năm vừa qua, một số giáo phận và dòng tu đã công bố danh sách những kẻ lạm dụng tình dục đã biết. Những ví dụ này chắc chắn đã ảnh hưởng đến giáo hoàng, vì ông đã đặc biệt liên lạc với hai hồng y lãnh đạo ở Mỹ là — O’Malley ở Boston và Blase Cupich ở Chicago — để được hướng dẫn về vấn đề này. Nhưng người Thiên Chúa giáo Mỹ không thể tự giải quyết vấn đề này. Họ cần những hướng dẫn từ cấp cao nhất của Giáo hội để đưa ra những tiêu chuẩn mới về trách nhiệm và ứng xử.
Cuối cùng, đây là thách thức lớn nhất mà GH Francis vẫn phải đối phó: Ông phải nỗ lực để lấy lại niềm tin của tín hữu trên khắp thế giới đã bị sốc và vỡ mộng vì cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục kéo dài hàng nhiều chục năm. Tuy thế, không có đổi mới nào có thể xóa bỏ được những thiệt hại mà nhiều thế hệ giáo dân đã phải gánh chịu vì là nạn nhân trực tiếp hay vì cảm thấy bị phản bội vì nạn xâm phạm tình dục tràn lan trong giáo phận của họ. Thay vì thuốc chữa bách bệnh cho những tội lỗi trong quá khứ, “Vos Estis Lux Mundi” (“Bạn là ánh sáng của thế giới”) là một lời hứa tạm rằng trong tương lai không một chủ chăn nào của Giáo hội có thể trốn chạy trách nhiệm fay che dấu tội ác trong những vụ xâm phạm tình dục nữa.
Đây là lúc Giáo hội thực hiện lời hứa đó.
Emma Green là một nhà báo làm việc với The Atlantic, viết về chính trị, chính trị và tôn giáo.
© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Pope Francis Stops Hiding From the Church’s Sexual-Abuse Epidemic | Emma Green | The Atlantic | 12/05/2019.