Chúng ta có gì?
Trương Hữu Danh
Hôm nay thông xe cầu Vàm Cống, chấm dứt 100 năm hoạt động của phà Vàm Cống. Cụm phà này, là của người Pháp để lại, và bây giờ thay thế bằng cây cầu của người Đại Hàn, với vốn tài trợ gần 300 triệu đô la.
Thông xe cầu Vàm Cống (1), người dân miền Tây bao đời lam lũ sẽ có thêm một cây cầu để đi mà không phải tốn tiền. Trước đó là cầu Cần Thơ, do người Nhật tài trợ, miễn phí cho dân. Rồi cầu Mỹ Thuận, do Úc tài trợ, miễn phí cho dân. Rồi cầu Cao Lãnh, do Úc tài trợ, cũng miễn phí cho dân. Dự án nào cũng nhiều ngàn tỷ đồng, được xây nên bởi mồ hôi, nước mắt của bọn đế quốc sài lang, của bọn tư bản giãy chết (mà ta được học).
Thông xe cầu Vàm Cống, người dân An Giang và dân vùng khác đi ngang đây sẽ không tốn xu nào để hưởng lợi, vì họ xứng đáng được nhân dân quốc tế yêu thương, hỗ trợ.
Nhưng thưa các bạn, trạm BOT T2 đã dựng sẵn bên dưới cầu, bạn vừa qua cầu sẽ phải đóng phí cho T2 – dù nó không liên quan gì đến dự án.
Công ty cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ – An Giang là nhà đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp đoạn Quốc lộ 91 từ km 00 – km 50 (từ TP. Cần Thơ về tỉnh An Giang trên 50 km) theo hình thức BOT, hoạt động vào đầu tháng 1/2017.
Theo đó, Trạm thu phí số 2 trên Quốc lộ 91 (Ngã ba Lộ Tẻ về hướng phà Vàm Cống) thu phí các phương tiện xe qua trạm này. Cho dù trạm không liên quan gì đến chúng ta, chúng ta không sử dụng, vẫn phải trả tiền.
Nhìn lại những cây cầu vĩ đại – thực sự vĩ đại, chúng ta đã làm gì?
Trạm thu phí cầu Mỹ Thuận đưa vào hoạt động cùng thời điểm khánh thành năm 2000. Phía Úc đã phản đối quyết liệt việc thu phí do cầu được xây từ vốn viện trợ không hoàn lại của họ, và họ buộc phải miễn phí vì nhân dân.
Rồi cầu Cần Thơ, do Nhật tài trợ, đã phải ngừng thu phí vì nước Nhật phản đối quyết liệt.
Hay Trạm thu phí hầm Thủ Thiêm vốn ODA Nhật Bản được ta lắp 12 cabin hoành tráng để thu phí vào tháng 9/2012. Thu được vài ngày, phía Nhật phát hiện gởi công hàm phản đối kịch liệt. Kết quả: ngày 22/11/2012, UBND TP HCM quyết định dừng thu phí hầm Thủ Thiêm “để chia sẻ khó khăn với người dân”. …
Chúng ta làm được gì, ngoài việc ngồi chờ nước ngoài đổ mồ hôi xương máu ra làm sẵn và chúng ta lập trạm thu?
Rút kinh nghiệm những trạm thu khác bị nước ngoài phản đối, cái trạm T2 này phía Hàn không thể phản đối được, vì nó nằm… kế bên.
Chúng ta khôn như thế này, bảo sao tất cả các đế quốc sang đây đều phải chào thua!
Chúng mày khôn lắm, nhưng nhân dân biết hết chúng mày ạ.
Hôm nay thông xe cầu Vàm Cống, xin chúc mừng nhân dân được đi qua miễn phí.
Và xin chia buồn ngay lập tức vì T2 đang giăng barie chờ sẵn dưới dốc cầu!
Định mệnh BOT T2 bốn lần
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Danh Trương, “Chúng ta có gì”, Facebook 19/5/2019. DCVOnline biên tập và minh họa và phụ chú.
(1) “Việc triển khai thi công và xây dựng cầu Vàm Cống nằm trong dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Đại Hàn và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Dự án thành phần 3 gồm Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu và đường dẫn 2 đầu cầu được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 990/QĐ-BGTVT ngày 15/4/2013 với TMĐT là 7.341 tỷ đồng trong đó vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc là 260 triệu USD (thông qua Nhà tài trợ là Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Đại Hàn – EDCF) và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước cấp. Cơ quan chủ quản dự án là Bộ GTVT, Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long là đơn vị trực tiếp quản lý dự án. Đơn vị Tư vấn thiết kế & giám sát là liên danh Dasan – Kunhwa – Pyunghwa (Hàn Quốc), Nhà thầu chính thi công là liên danh GS E&C và Hanshin (Đại Hàn).”
Mỹ Lệ, “Cận cảnh cầu Vàm Cống trước giờ hợp long”, Tạp chí GTVT, 29/09/2017.