Việt Nam sắp khủng hoảng năng lượng và đang đàn áp dân nghèo

Tim Daiss | DCVOnline

Có vẻ như Hoa Kỳ và Nga sắp sửa cạnh tranh để giành lấy một phần thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Việt Nam.


Mỹ giúp Việt Nam nghiên cứu khả thi xây nhà máy khí đốt tự nhiên hóa lỏng Việt Nam . Nguồn: UrduPoint.com

Mỹ đang có vấn đề ở khắp nơi trên thế giới, từ việc cố gắng thuyết phục Bắc Hàn trở lại bàn đàm phán, leo thang căng thẳng với Iran, xoa dịu những khác biệt đã có từ chục năm qua trong liên minh Mỹ-Saudi và tăng thuế nhập cảng tờ 10% lên 25% trên 200 tỷ đô la hàng hóa của Trung Quốc, cũng như đang mâu thuẫn với Nga vì sự liên tục can thiệp vào ukraine của nước này, bị cáo buộc đã can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ và ủng hộ chính phủ al-Assad  trong cuộc nội chiến đang diễn ra ở Syria.

Nay có vẻ như Hoa Kỳ và Nga sắp sửa cạnh tranh để giành lấy một phần thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Việt Nam.

Hôm thứ Tư, công ty sản xuất dâu khí độc lập lớn nhất của Nga Novatek cho biết họ đã ký Bản ghi nhớ (MoU) với Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận để phát triển dự án sản xuất năng lượng tích hợp có LNG tại Việt Nam.

Novatek cho biết thêm, dự án cung cấp LNG sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có cũng như phát triển cơ sở hạ tầng mới, gồm việc xây dựng nhà máy phục hồi LNG thành thể khí và các nhà máy nhiệt điện mới chạy bằng khí đốt ở Việt Nam.

Leonid Mikhelson báo cáo về tiến độ của các dự án LNG của Novatek với Putin. Nguồn: http://en.kremlin.ru

Chủ tịch Novatek Leonid Mikhelson nhận xét,

“tăng trưởng kinh tế mạnh tại Việt Nam đã nâng cao nhu cầu năng lượng, có thể thỏa mãn được bằng một dự án sản xuất khí tích hợp. Việc xây dựng các nhà máy phát điện chạy bằng khí đốt làm tăng cơ hội để chúng tôi cung cấp LNG cho Việt Nam. Dự án này có thể được thực hiện trong một khoảng thời gian tương đối ngắn với sự hỗ trợ của tỉnh Ninh Thuận.”

Novatek’s Leonid Mikhelson

Những điểm đáng chú ý

Có một số điểm đáng chú ý từ những điều  Novatek tiết lộ. Đầu tiên, công ty này đến Ninh Thuận khi Việt Nam đang trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng năng lượng. Vì dân số tăng và kinh tế phát triển, Việt Nam cần tìm các nguồn năng lượng khác để bù thêm vào mức sản xuất khí đốt trong nước. Vấn đề của Việt Nam không phải là không có trữ lượng khí đốt tự nhiên dồi dào ngoài khơi, mà là những túi dầu khí này nằm trong vùng biển mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền — mặc dù nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) của Việt Nam. Trong vài năm qua Bắc Kinh đã hai lần phá vỡ kế hoạch khai thác của Việt Nam ằng những mối đe dọa cả về kinh tế và quân sự.

Việt Nam phải chuyển sang dùng năng lượng mặt trời, gió và LNG để bù cho phần còn thiếu trong hỗn hợp năng lượng của mình. Vào tháng 12, Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) cho biết họ sẽ tài trợ cho một nghiên cứu khả thi giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá lựa chọn địa điểm và các yếu tố quan trọng khác của dự án phát triển LNG, gồm cả xưởng tiếp nhận, hải cảng, khu lưu trữ, nhà máy khí hóa LNG, và cơ sở hạ tầng cần có. Vào tháng 3, Tập đoàn T&T và đối tác Hoa Kỳ Gen X Energy 5 đã gặp giới lãnh đạo tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu để thảo luận về kế hoạch đầu tư vào một dự án LNG với giá tổng cộng gần 6 tỷ đô la. Các nhà sản xuất LNG khác của Mỹ cũng muốn có những thỏa thuận cung cấp LNG lâu dài với Việt Nam.

Nguồn: Nikkei Asian Review

Đây là điểm khiến tình hình trở nên thú vị. Mỹ sắp trở thành quốc gia xuât cảng LNG lớn thứ ba trên thế giới cạnh tranh với cả Australia và Qatar ở vị trí lãnh đạo LNG toàn cầu về khả năng hóa lỏng khí đốt nếu giai đoạn phát triển thứ hai trong chương trình LNG của Mỹ trở thành hiện thực. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và mức thuế nhập cảng 25% đánh vào LNG của Hoa Kỳ cũng như sự e dè của những công ty Trung Quốc, không muốn ký hợp đồng lâu năm với Mỹ có thể sẽ phá hủy chương trình thống trị toàn cầu về LNG của Mỹ. Mặt khác, dù chỉ một phần của những dự án LNG  của Hoa Kỳ được thực hiện thì họ có thể là nước xuất cảng LNG lớn thứ hai trên thế giới suốt 10 năm sắp tới và có thể kéo dài hơn.

Tuy nhiên, tham vọng khí đốt của Nga không chỉ giới hạn trong việc duy trì vị trí độc quyền về khí đốt mang tính địa chính trị kéo dài hàng chục năm ở châu Âu, mà còn muốn cạnh tranh với các nước xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới. Có thể đây sẽ là một cuộc cạnh tranh khó khăn vì khả năng về LNG của Qatar và Úc, nhưng sự phát triển LNG của Nga sẽ tiến bộ và nó sẽ tạo ra sự cạnh tranh lớn hơn giành thị phần ở cả châu Âu và châu Á.

Giao lộ địa chính trị

Trong tương lai gần, cả Nga và Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Việt Nam để phát triển các trạm mới tiếp nhận LNG với điều kiện có cả những hợp đồng lâu năm đi theo những dự án viện trợ này. Làm như vậy, Việt Nam cũng sẽ trở thành tâm điểm của những hoạt động khí đốt của Nga và Mỹ cũng như mộng bá chủ toàn cầu của cả hai nước. Hoa Kỳ và Việt Nam là đồng minh trong nỗ lực cùng nhau kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc tại châu Á và việc xây đắp đảo nhân tạo của Bắc Kinh ở Biển Đông. Về phần mình, Nga có lịch sử cộng tác lâu đời với ngành năng lượng của Việt Nam từ thời chiến tranh lạnh. Vấn đề của Hà Nội là làm thế nào để có thể cùng một lúc tung hứng hai cường quốc cạnh tranh cùng mục đích đồng thời họ phải quản lý vi mô mối quan hệ với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Ảnh hưởng đến dân nghèo trong nước | Bà ngoại  99 tuổi chống lại cơn sốt than của Việt Nam

Trần Thị Minh Hà, với Jenny Vaughan (AFP)

Cụ Phạm Thị Ca, 99 tuổi, đã được chính quyền đề nghị mua lại nhà để lấy đất xây một nhà máy than do Nhật Bản tài trợ tị giá 2,6 tỷ USD (Ảnh AFP)

Cụ Phạm Thị Ca, không có răng và mắt đã mờ nhất định không rời khỏi mảnh đất sau khi xe đã ủi xập ngôi nhà của bà — một hành động phi thường chống lại cơn nghiện than của chính quyền cộng sản Việt Nam.

Cụ bà 99 tuổi này được để nghị bán nhà để chính quyền lấy đât xây nhà máy than do Nhật Bản tài trợ trị giá 2,6 tỷ đô la ở vịnh Văn Phong, nơi bà đã sinh sống từ lúc mới chào đời

Nhưng khi bà không bằng lòng thì khoảng 100 người cuả chính quyền đã đến buộc bà phải đi ra và ủi xập ngôi nhà trước sự chứng kiến của hai bà cháu.

Bất lực không thế ngăn chặn sự phá hủy căn nhà của bà hai năm trước, nhưng cụ Ca, dù yếu đuối và gầy héo, đã chống lại mọi nỗ lực để đuổi bà đi khỏi miếng đất chôn nhau của cụ.

Cụ Ca cho biết, “Người của chính quyền đến khiêng tôi đi, nhưng tôi không đi.”

Bà cụ hiện đang trú ẩn tạm thời dưới “căn nhà” bằng tôn, dầm gỗ và lá dừa bên cạnh đống gạch vụn của căn nhà của cụ. Ngồi trên võng, bà cụ nói với AFP,

“Nhà tôi ở đây, vì vậy tôi sẽ ở đây.”

Cụ Phạm Thị Ca
https://www.facebook.com/RFAVietnam/videos/884640868537605/
Nguồn AFP/RFA

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: — Vietnam Is On The Verge Of An Energy Crisis | Tim Daiss | Oilprice.com | May 23, 2019.
— Grandma Ca: the 99-year-old standing up to Vietnam’s coal rush | Tran Thi Minh Ha, with Jenny Vaughan (AFP) | May 22, 2019.