Thực chất của chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam.
Nguyễn Văn Lục
Ngoài nước Pháp, chuyện buôn nô lệ da đen còn có ở nước Anh và Bồ Đào Nha (Portugal). Cả ba nước đều cũng trục lợi từ việc buôn nô lệ.
Vấn đề buôn nô lệ da vàng
Trong một bài phóng sự của Radio-Canada mới chiếu, nhan đề, “Les traces discrètes de l’esclavage en France” (Những dấu vết bí mật về việc buôn nô lệ ở bên Pháp) cho biết, cách đây 400 năm đã có các buôn nô lệ người Phi Châu xuyên Đại Tây Dương đầu tiên sang đảo Martinique thuộc địa của Pháp ở vùng Caribean. Hiện nay, người ta có thể tìm thấy di tích về lịch sử những người da đen này tại thành phố Nantes và tại Đài tưởng niệm xóa bỏ chế độ nô lệ do Krzysztof Wodiczko và kiến trúc sư Julian Bonder thành lập. Những bức tượng người da đen chạm trổ bằng đá với khuôn mặt người da đen, đeo trang sức ở lỗ tai và đặc biệt tóc của họ thì quăn. Ngoài ra còn có những chiếc thuyền được vẽ lại với các tầng khác nhau chở người da đen bị xếp nằm san sát nhau như một tầu chở thú vật.
Ngoài nước Pháp, chuyện buôn nô lệ da đen còn có ở nước Anh và Bồ Đào Nha (Portugal). Cả ba nước đều cũng trục lợi từ việc buôn nô lệ. Ngày nay, Dieudonné Boutrin, con cháu của người nô lệ trước đây muốn đóng một chiếc tầu lớn nhu chiếc tầu đã chở người nô lệ ngày xưa để giáo dục và chia xẻ về lịch sử của thời đại nô lệ với mọi người.
Câu hỏi đặt ra ở đây là việc buôn nô lệ của Pháp cách đây 400 năm có thể vẫn là một “truyền thống kéo dài”, một sự thật của một cuộc khai thác và buôn người da vàng một cách trắng trợn thay chỗ cho da đen khi xâm chiếm Việt Nam. Dầu tính chất việc buôn người ấy trong từng thời điểm có thể không như nhau?
Chế độ thực dân Pháp buôn người da đen như thế là một câu chuyện dài lịch sử. Nhiều người nay đã muốn đưa thành một đề tài: đòi món nợ của của Pháp đối với các nước thuộc địa. Có lẽ Việt Nam cũng nên nghĩ đến chuyện ấy. Đó là món nợ máu của hàng triệu cu-ly Việt Nam. Một hồ sơ về bản án chế độ thực dân!
Thật vậy, vào thế chiến thứ nhất, theo tác giả Vincent Viet,
“Nước Pháp đã động viên hàng loạt những thành phần trừ bị chiến đấu thuộc dân thuộc địa — phần lớn là dân Bắc Phi như Algérie- xung vào lính thợ hoặc kỵ binh cộng chung là: 2.8 triệu người. Tuy nhiên, chỉ ngay những tuần lễ đầu của cuộc chiến đã có những thiệt hại nặng nề nên phải bổ xung quân số. Lính trừ bị đã cạn hết. Phải tuyên truyền, chiếu phim ảnh, truyền đơn kêu gọi và hứa hẹn. Cũng không đủ phải đi đến cưỡng ép. Phải xử dụng bọn mách mối để cung cấp cho đủ người tình nguyện. Vì thế, chính quyền Pháp ở Tunisie, Algérie ra Nghị định ngày 7-9-1917, phải tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc, không được thay thế hay được miễn dịch. Cuối cùng thì đã động viên được thêm 269.000 người ở các xứ Bắc Phi trong đó riêng Algérie là 172.000 người. Đông Dương là 43.000 người và Madagascar, 34.000 người.”
Vincent Viet, “Histoire des Français venus d’ailleurs de 1850 à nos jours”. Tempus, 2004, trang 83
Sau đó, tại mặt trận, 70.000 người trong số nêu trên đã hy sinh, trong đó có Việt Nam. Nhưng phần lớn là lính Bắc Phi vì họ được đẩy ra những mặt trận lớn. Chỉ riêng trận ở Chemin Des Dames, thiệt hại nặng nhất, có 7000 lính người Senegal hy sinh.
Vincent Viet, Ibid., trang 84
Người An Nam (quân đội thuộc địa từ Đông Dương thuộc Pháp) lên đường tại Trại St. Raphael. Trong suốt cuộc chiến, gần 100.000 người Đông Dương đã được đưa ra mặt trận ở châu Âu, hầu hết là những người lao động, nhưng cũng có người phục vụ trong các tiểu đoàn chiến đấu. Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp
Về phía người Việt Nam, khi nói về chế độ thực dân Pháp — người ta dùng chữ thuộc địa- chiếm đất, như mất ba tỉnh miền Nam, rồi Nam kỳ Lục tỉnh (Basse-Cochinchine hay Lower Cochinchina). Và người ta chỉ lo làm sao lấy lại được đất đã mất!
Người ta thường chú tâm nhiều đến việc khai thác tài nguyên thiên nhiên như đào mỏ, trồng các cây kỹ nghệ như trà, cà phê và nhất là cây cao su. Hoặc người ta nghĩ đến các công trình xây cất đường xá, quốc lộ, làm đường xe lửa, đào các kênh đào, khai thác điền địa, v.v.. Nhưng người ta ít chú tâm đến mặt khác của các công việc ấy. Chữ thuộc địa chưa nói rõ hết nghĩa chính sách của thực dân Pháp. Bởi vì điều chính yếu không chỉ là chiếm đất, mà cho dù chiếm đất thì cũng vẫn là khai thác con người, khai thác nô lệ da vàng là chính yếu như sẽ trình bày sau đây.
Vì thế, chúng ta cần tháo gỡ những thói quen suy nghĩ lâu đời đã thành quán tính như vậy! Khi nói: Pháp xâm chiếm nước ta, nó được hiểu ngầm là chiếm đất nước ta làm “thuộc địa”. Mất đất thì còn có cơ may đòi lại. Mà quả thực chúng ta đã đòi lại được. Nhưng trong 90 năm, người Pháp đã biến hàng triệu người Việt Nam thành một thứ nô lệ da vàng đòi lại cái gì và lây gì để đòi lại?
Nghĩa là, người ta chỉ thấy cái bề ngoài. Người ta cảm kích khi thấy quốc lộ trải dài từ Nam chí Bắc, trải nhựa thay vì những con đường đất lồi lõm gồ ghề bùn lầy lội hay trên những bờ đê, bờ ruộng. Người ta cũng ghi sâu vào trí nhớ những đoàn xe lửa chạy phun khói thay cho xe ngựa, xe bò ì ạch, xe trâu chậm chạp. Nhìn những dinh thự xinh đẹp thay cho những mái nhà nhà tranh vách đất lụp sụp. Hay những công sở uy nghi đồ sộ thay cho những đền đài, lăng tẩm âm u của vua chúa. Những mái nhà thờ với tháp chuông cao chót vót, sừng sững chế ngự cả một vùng!
Ai trông thấy như thế mà chả mừng đất nước bước ra khỏi cảnh lầm than nghèo túng. Ai mà không hãnh diện cho những công trình mà nước Pháp mở mang khai phá tại Việt Nam?
Đấy là một tình trạng mà Pierre Brocheux và Daniel Hemery trong cuốn sách của họ: “Indochina. An ambiguous colonization in 1858-1954”, 2009 gọi là tình trạng lưỡng tính của chủ nghĩa thực dân hóa. Nó vừa có mặt tốt, mặt mở, mặt phô diễn. Nhưng vừa có mặt xấu, phản diện. Rất tiếc, mặt xấu lại là mặt chìm. Để có được như vậy, không ai hỏi xem chúng ta đã phải trả giá bao nhiêu, nếu tính bằng sức người, tính bằng sinh mạng, tính bằng những thế hệ con người?
Người ta cũng phải nhìn nhận với hai tác giả trên là trước khi người Pháp sang cai trị nước ta đời sống dân chúng thật là nghèo cùng cực với nạn thiếu dinh dưỡng thường trực, thực tế là đói thường trực không có lấy một bữa no. Tại phía Bắc Việt Nam, khẩu phần với 128 Kg gạo/một năm hay 350 gram/ngày. Chưa kể khi có nạn đói lại khác. Bữa ăn chính ngoài cơm với các gia vị như nước tương, hay nước cáy(small crabs). Bởi vì 91% dân quê miền Bắc mỗi gia đình chỉ có 0,36 mẫu đất.
(Pierre Brocheux, Daniel Hémery. “Indochina- An ambiguous Colonization -1984-1954”, trang 266)
Người ta chỉ nhớ và tưởng rằng chỉ có trận đói năm Ất Dậu (1944-1945), có nhiều vùng như Thanh, Nghệ, Tĩnh chết đói thường trực. Quanh năm, lúc nào cũng có người chết đói.
Nhưng đã không mấy ai tự hỏi xem đường xe lửa xây dựng ấy để ai đi? Có phải cho người dân quê không? Và ai là là kẻ trực tiếp thừa hưởng những lợi nhuận từ những đồn điền cao su, đồn điền trà, đồn điền cao su, từ các mỏ than, mỏ thiếc, mỏ đồng? Có chiếm được đất mà không có sức người thì đất để làm gì? Người Tây Phương sang chiếm các vùng đất rộng mênh mông của Ba Tây (Brazil), nhưng không có người khai thác nên phần lớn vùng rừng Amazon còn nguyên vẹn. Rồi trường học được mở ra để truyền bá kiến thức. Đồng ý, nhưng con cái nhà ai được vào học các trường ấy? Hay là chỉ để đào luyện một lớp tay sai ở thuộc địa? Lớn lên thì thành phần này hãnh diện về nước mẹ nuôi, Tây hơn cả Tây. Nước Pháp là nhất. Nước Pháp đâu chỉ có Voltaire, J.P. Sartre mà còn có Pierre Loti (Louis Marie-Julien Viaud [vjo]; 14 January 1850 – 10 June 1923).
Nhận xét thứ hai còn quan trọng hơn cả là để khai thác đồn điền, để làm đường xe lửa, để xây dựng các dinh thự, ai là người đổ mồ hôi sức lực để đổi lấy đồng lương chết đói? Chỉ có trên dưới vài chục ngàn người Pháp ở Việt Nam, nhưng đã có hằng vài trăm ngàn người Việt Nam phục vụ cho họ. Một người Pháp sang Việt Nam, chỉ việc nội trợ thôi, ít lắm cũng có 5 người hầu. Người tài xế, người làm vườn, người nấu bếp, “người ở” lo dọn dẹp và ít nhất cũng có một người “phục vụ”. Ai trả những chi phí đó? Bao nhiêu người phá rừng làm đường đã chết vì bệnh, vì đói khát trên những con đường ấy? Ai là nạn nhân? Đó là những người “nô lệ da vàng” bị bóc lột làm mà không được hưởng.
Đó thực sự là câu truyện đáng đề cập tới. Cũng hai tác giả trên đưa ra vào năm 1929
“Các cơ sở kỹ nghệ của Pháp như kỹ nghệ mỏ thu dụng 53.240 phu. 81.188 phu đồn điền và 86.624 trong các nhà máy và hiệu buôn với tổng số 221.052. Con số ấy tăng lên thành 307.958 vào năm 1940-1941.”
Pierre Brocheux, Daniel Hémery. Ibid., trang 207
Vấn đề là hai tác giả trên chỉ đưa ra những con số mà không tiết lộ về thực trạng đời sống như việc tuyển mộ phu như thế nào, họ bị đối xử ra sao? Con số ở đây quả là trừu tượng không biết nói.
Nhưng cũng đừng lấy làm ngạc nhiên, nếu đi ngược dòng lịch sử con người từ thuở hồng hoang lịch sử đến xã hội bộ lạc chỉ xảy ra một cách miên tục và thường trực trong tiến trình “người bóc lột người”. Rồi từ các chế độ tộc trưởng tiếp nối sang nông nô, nô lệ, và ở mỏm cuối đến thời đại “nô lệ da vàng”.
Đó là một tiến trình lịch sử loài người dài nhiều thế kỷ đã cho thấy một hiện trạng “người là chó sói của người” trong tuyển chọn tự nhiên mạnh được yếu thua xét từ các loài thực vật, sinh vật kể cả loài người…
Vì thế, trở lại lịch sử chế độ “thuộc địa” Pháp ở Việt Nam, tôi rất khao khát tìm hiểu những mặt trái về các cuộc buôn người trong thế chiến I và thế chiến II. Qua các câu chuyện mộ phu đi Tân Thế giới, mộ phu đồn điền và mộ lính thợ gần 100.000 người trong thế chiến I và hàng 10.000 người trong thế chiến II. Đã có số luận án tiến sĩ sử học tại Pháp của sinh viên Việt Nam là những nghiên cứu về vấn đề này và người viết hy vọng có dịp đề cập tới sau này.
Nói cho cùng thì mộ phu, mộ lính chỉ là một kiểu buôn “nô lệ da vàng” bổ túc thêm cho việc “buôn nô lệ da đen” đáp ứng cho nhu cầu chiến tranh và kỹ nghệ chiến tranh của nước Pháp trong hai cuộc thế chiến. Ở đây, tôi chỉ xin làm công việc trích dẫn, lược dịch tóm tắt một vài tác giả.
Cũng cần nói thêm là, trước 1975, ông Nguyễn Văn Trung có cho xuất bản cuốn “Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam – Thực chất và Huyền thoại, Nam Sơn xuất bản, tháng 5-1963. Nó đóng góp nhiều vào phần lý luận và tác dụng tố cáo, lật tẩy cái mặt trái mà ông dùng môt từ vựng mang tính triết lý gọi là ‘huyền thoại’. Và để phá đổ ‘huyền thoại’, ông Trung cũng có công giới thiệu một số tác phẩm trong khoảng thời gian 1925-1935.
Những tài liệu này thât hữu ích. Chúng tôi cũng sẽ làm công việc giới thiệu và tóm lược một số cuốn sách mà người Pháp đã viết dưới dạng Hồi Ký, phóng sự tại chỗ hay dưới dạng tiểu thuyết. Chẳng hạn cuốn “Sur la route mandarine”, 1925 của Roland Dorgelès. Nhất là cuốn “Les Jauniers” của Paul Monet, Paris 1930 Và cuối cùng cuốn phóng sự của bà Andrée Viollis. “Indochine S.O.S” 1935.
Mỗi cuốn có giá trị riêng của nó và tôi chỉ giới thiệu cái phần xét ra quan trọng nhất liên quan đến chủ đề “buôn người”.
Trong niềm tâm tư riêng, người viết mong đợi một số dịch giả trong nước để công dịch lại những cuốn sách này cũng như còn nhiều sách sử như họ đã từng làm như dịch cuốn “Sapiens. Lược sử loài người” của Yuval Noah Harari do Nguyễn Thủy Chung dịch và Võ Minh Tuấn hiệu đính. Việc dịch những sách sử ấy sẽ thay thế cho những cuốn sách sử mang tính tuyên truyền của đảng cộng sản được in tràn lan hiện nay.
Một điều hầu như ngoài ý muốn là khi trình bày các việc buôn người trong chính sách thuộc địa Pháp, người đọc có thể nhận ra chính sách ấy cũng được nhà cầm quyền cộng sản hiện nay đang áp dụng.
Chúng ta cứ lo mất đất, mất đảo mà ít quan tâm tới mất chủ quyền. Qua trung gian những “bọn lái buôn người” đã đưa lao động Việt Nam sang làm thuê tại các nước Ả Rập, Đài Loan, Đại Hàn, Trung Hoa, và Nhật. Nói thẳng thừng ra cũng là đi làm thuê, làm mướn, làm đầy tớ cho người bóc lột sức lao động.
Nó có khác bao nhiêu với thời thực dân Pháp?
Tệ hơn một bậc, Việt Nam còn “buôn gái”, buôn cái thân xác hằng trăm ngàn thiếu nữ trẻ sang Trung Hoa, Đài Loan vì nạn trai thừa gái thiếu mà Trung Hoa đang “khát”! Cái đó có thể gọi trắng ra là “ buôn người”, “ buôn sex” được không? Và có thể coi là kỹ nghệ “không khói” được không? Một cái nhục quốc thể không?
Đọc và tóm lược cuốn “ Sur la route mandarine” (Con đường cái quan) của Roland Dorgelès, Paris, 1925
Phần giới thiệu
Đây là 11 bài phóng sự của tác giả ghi lại chuyến đi từ Mỏ Than Hòn Gay đến Khu phố Tàu ở Chợ Lớn, rồi thăm Trại Cùi của các bà sơ và cuối cùng thăm dân “Moi” ở Cao Nguyên, v.v.. Dorgelès muốn ghi lại những điều mắt thấy tai nghe, khám phá cái lạ “bị lật ngược” với một giọng văn khá châm biếm và mỉa mai. Cũng có thêm mắm, thêm muối cho câu chuyện thêm đậm đà. Sau đó các bài phóng sự được in thành sách. Ở đây, trích dịch và tóm lược phần đầu, phần Mỏ than Hòn Gay có liên quan đến đề tài.
Les mines de Hòn Gay (Mỏ than Hòn Gay)
Chúng tôi đang đứng trước Mỏ than Hòn Gay. Xưa gọi là đảo Cát Bà của Á Đông. Nay là Hòn Gay là văn minh: các bạn lựa chọn đi. Theo tôi thì đây là mỏ than duy nhất trên thế giới này vì lộ thiên (người ta lấy than ngoài trời). Người ta không thể tưởng tượng được sự đồ sộ của các bậc thang đen cao ngất trời ấy. Nó được cắt ra từng khúc như thể một cái bánh ngọt khổng lồ. Trên những bậc thang đen ấy là bậc thang người, lố nhố rất nhiều người, vừa xếp từng bậc thang, cứ thế lên cao ngất trời, vừa trải rộng ra. Người ta nhìn thấy những người phu mỏ bản xứ đang quốc trên những sườn của các bậc thang ấy.. trông họ nhỏ li ti như đám bụi người (poussière humaine).
Ai là chủ tất cả những mảnh đất này? Có người nói của Hầu tước De Carabas đấy. Hay là của công ty mỏ than Hòn Gay cũng vậy. Công ty là sở hữu chủ tất cả: những cánh đồng, những cánh rừng, những căn nhà, những con đường và ngay cả những gì nằm sâu dưới lòng đất. Của công ty cả đấy.
Lại còn con đường xe lửa. Cũng của họ. Còn hải cảng này cũng của họ. Còn cái nhà thờ với mái chuông nhọn cũng của họ luôn. Cái vòm chợ có mái che cũng của họ.
Nhưng tìm ra đủ số cu-ly và giữ hàng ngàn người họ ở lại mỏ thật là câu chuyện không dễ, vì họ bỏ trốn. Người ta tìm đã đủ cách, nhưng không có kết quả gì. Bọn cu-ly chỉ cần có vài đồng bỏ túi là họ tìm cách quay trở về làng của họ. Vào dịp tết hay ngày mùa, ai cũng muốn bỏ về làng và lúc đó có hàng ngàn người bỏ trốn. Cả cái đám giám thị cũng bất lực không làm gì được. Chỉ trong vài ngày, tất cả mỏ than chỉ còn là bãi sa mạc.
Làm gì bây giờ? Tư bản thực dân nghĩ ra nhiều cách, nhiều thủ đoạn. Vì thế họ chỉ trả lương tháng trước vào trung tuần tháng sau mà họ nợ. Phu mỏ bắt buộc phải ở lại vì sợ mất lương. Tuy nhiên để cho đám thợ mỏ khỏi chết vì đói và để tỏ ra có lòng từ tâm, họ sẽ cho thêm 1 đồng mỗi mười ngày nếu làm việc tốt. Họ gọi là “trả trước” (faire une avance). Và để giữ chân thợ, họ cho mở một vòm chợ, một phòng coi chiếu bóng. Thế tại sao không xây một nhà thương?
Một nhân viên quản trị hành chánh còn nghĩ ra được một diệu kế: tôn giáo. Nhà truyền giáo đến đây thì ít ra cũng cầm chân được đám tín đồ. Và họ đã mời được một linh mục Annam thuộc tu hội truyền giáo Tây Ban Nha. Và họ đã xây một nhà thờ nhỏ và nhờ đó xứ đạo này đã cầm chân được 700 tín hữu. Có Chúa ở đâu thì giáo đân ở đó. Hay thật.
Công ty mỏ than rất giầu. Giầu lắm. 29 triệu tiền lời ròng năm vừa qua, nghĩa là tiền lời vượt cả tiền vốn lúc ban đầu. Vâng họ giàu kinh khủng. 74.000 cổ phần trị giá 16 triệu đồng lúc phát hành cổ phiếu bây giờ nó trị giá nửa tỉ đồng. Và bạn có biết rằng số tiền lời ấy của công ty Mỏ than Hòn Gay đem lại bao nhiêu cho xứ Đông Dương này và cả nước Pháp?
Không một xu.
Khi tôi nói không một xu thì phải hiểu ngầm rằng nó đã đóng thuế gần như một số tiền không đáng kể cho nước Pháp hay một vài xu của thuế mỏ như phần đông các đại công ty khác ở đây. Có những kẻ quyền lực vô danh hưởng những lợi nhuận ấy bằng cách bóc lột đến tận xương tủy dân thợ mỏ của xứ sở này. Và xứ thuộc địa không được hưởng gì, cả nước Pháp cũng vậy. Trong khi nước Pháp đã trả giá cho mảnh đất này bằng chính xương máu của nó.
Nhưng Hòn Gay ít ra cũng cho xứ Đông Dương này than đá của nó? Không có đâu. Hầu như tất cả số than đá đó đem đi bán cho Nhật vì giá lời cao. Và Sài Gòn cũng có nhu cầu đấy, nhưng vô ích. Những nhà máy ở Sài Gòn phải mua than từ Anh Quốc. Và các xe lửa thì chạy bằng than củi và như thế gián tiếp tàn phá rừng.
Đơn giản là không có tiền thì không có than.
Cuối cùng thì mỏ than Hòn Gay chỉ đem lại cho chúng ta sự oán hận của hàng ngàn cu-ly thợ mỏ!
Một vài chúng từ: Cuốn “Les Jauniers” (Những kẻ buôn người da vàng) Histoire vraie, tác giả Paul Monet
Vài dòng dẫn nhập | Trước tiên, xin có vài dòng dẫn nhập vào đề tài. Thật ra thì cũng có khá nhiều tài liệu, sách báo của người Pháp lên tiếng tố cáo về thực chất chế độ thuộc địa. Rất tiếc trước đây, chúng ta ít có cơ hội đọc được nên nhiều khi đã thực sự thiếu hiểu biết điều gì đã xảy ra trên chính đất nước mình. Chẳng hạn P. Loti với cuốn “Figures et chose qui passaient”, 1898. Những anh chị Tây con thì nên đọc cuốn sách này. Nhà văn Yvonne Schultz đã mô tả những đoạn đường khổ ải của những dân cu-ly (Coolies) Bắc Kỳ được gửi vào phía Nam trong tập truyện “ Đans la griffe des jauniers” vào năm 1931. Hồi ký của André Viallis “Indochine S.O.S”, 1935. Louis Bonnefont. “Trente ans de Tonkin.” Avesne. “En face du soleil levant”.
Xin giới thiệu tác giả Paul Monet. Ông kaf một nhân viên của sở Địa dư Đông Dương. Cuốn sách của ông có nhan đề “ Les Jauniers. Histoire vraie”. Cuốn sách của ông đã trích thuật lại nhiều tờ báo thời bấy giờ như La volonté Indohinoise, l’Argus indochinois, le Merle mandarin, l’Écho Annamite, La Tribune indochinoise, l’Opinion.
Tóm lược dịch từ chương II, từ trang 21 trong cuốn sách
Chương II. Tại các đồn điền
(trg 21) Người ta đều biết rõ là các đồn điền cao su tại Nam Phần cũng như tại Cam Bốt được phát triển rất nhanh đã tạo ra tình trạng thiếu cu-ly một cách trầm trọng. Để bù cho thiếu hụt cu li ấy người ta tìm cách thu dụng cu ly ở Bắc Kỳ mà trên thực tế đã bị vắt kiệt tại các vùng biên giới thưa dân chúng.
(22) Tình trạng ấy đã đưa đến rất nhiều sự lạm dụng. Những đồn điền rộng lớn hàng chục ngàn mẫu tây đã được nhượng lại cho những công ty lớn mà từ người sáng lập đến giám dốc cũng như ban quản trị đều nằm ở Paris. Và mọi công việc đều giao cho những người phụ tá trẻ và đám nhân viên từ Paris sang.
Vì thế đã xảy ra những chuyện đáng xấu hổ về việc trung gian mua bán cu-ly. Họ đưa “đi đầy” hàng loạt các cu-ly Bắc Kỳ, bị lụt lội, đói kém, vào các đồn điền trong Nam.
(23) Chúng tôi đã gửi một bản phúc trình vào tháng 5-1927 cho thống đốc Varennes tố cáo những kẻ có liên quan như một số “lãnh đạo” ở Nam Kỳ, những kẻ “ái quốc giả mạo” [ám chỉ Hầu tước Monpazat. NVL] cũng như những sai lầm trong việc quản lý hành chánh trong đó có sự đồng lõa cấu kết bàng cách im lặng. Bởi vậy, chúng tôi đưa ra các sự việc như sau:
(24) Nó trở thành một một dịch vụ buôn bán, khai thác và bóc lột với nhiều lạm dụng, những cu ly này thường khi bị ốm đau bệnh tật không được chữa trị. Sau đó, những cu ly này đã trốn về Saigon trong những khu dành riêng cho dân bản xứ trong những điều kiện nghèo nàn đến cùng cực. Mình mẩy họ đầy những vết thương lở loét hoặc chân bị bệnh phù thũng vì thiếu ăn. Hiện nay ở Saigon có một số khá đông những cu-ly trốn chạy khỏi các đồn điền và không được giúp đỡ gì vì họ không có giấy tờ hợp lệ. Những thành phần khốn khổ này sau này sẽ là yếu tố đưa đến sự chống đối lại người Pháp.
(26) Những thanh tra lao dộng do ông Alexandre Varennes lập ra thì jhoong đủ, chẳng giải quyết được gì.
Tôi có những nguồn tin rất chính xác do người Pháp cung cấp cho hay những cu-ly đào tẩu đã trốn vào rừng, thà để cho dân “mọi” giết còn hơn trở về đồn điền. Các vụ tự tử cũng xảy ra thường xuyên trong các đồn điền, trung bình là 8-10 người trong một tháng. Mới đây, người ta phát giác thấy 7 tử thi không xác định được danh tính trong khu đất thuộc một đồn điền. Một nhóm khoảng 500 cu-ly đã phóng hỏa đốt cai-nha của một viên “cai” và kéo nhau đến chính quyền địa phương để tố cáo. Những viên phụ tá được gửi từ Paris sang thường thuộc loại “con ông cháu cha” chẳng có chút hiểu biết gì về dân bản xứ, rồi họ đâm ra nghiện thuốc phiện, trác táng và nhiều thứ đổ bác khác và giữ im lặng.
Tôi viết bản tường trinh này và không thay đổi những gì tôi đã biết và tôi cũng không đưa ra một lời bình luận nào. Tự nó, những bản bá cáo đủ gây xúc động mà tôi không cần phải thêm thắt điều gì.. Những sự kiện này đã được nhiều phía nhìn nhận, như từ phía người Pháp do những nguồn tin đáng tin cậy nhất và ngay cả từ phía người Annam nữa.
(28) Trước khi rời Bắ Kỳ, người ta hứa hẹn họ sẽ được cấp gạo miễn phí. Nhưng khi ở đồn điền, họ đã được bán gạo bằng cách trừ vào tiền lương. Gạo còn được bán cho cu-ly mua chịu do các vợ những tên cai cu-ly bán lại. Hoặc do các giám thị bán 2 đồng một hộc. Gạo thuộc loại gạo thật xấu.
Thực phẩm cũng phải mua qua trung gian vợ các “cai” với giá cắt cổ hoặc qua giám thị. Nước uống thì phải ra suối hoặc những con lạch. Hoặc nấu nước sôi với lá cây rừng. Đời sống thì bị các “cai” hay giám thị người Pháp hành hạ. Giao kèo chỉ ký 3 năm, nhưng đã bị kéo dài thêm với lý do trừ các ngày nghỉ chủ nhật và các ngày lễ.
Nhưng dù giao kèo hết 4 năm, người phu đồn điền cũng không đủ phương tiện để trở về làng, bởi vì cũng không có tiền cũng như không đủ tiền để mua quần áo. Đành ký thêm 4 năm nữa.
Mỗi tháng tiền lương lại bị trừ di 5 hào để hoàn trả số tiền 6 đồng đã được ứng trước khi vào Nam.
Người ta được hứa rằng đồn điền sẽ đóng thuế thân cho họ mỗi năm trong suốt thời gian làm việc. Họ đã không giữ lời hứa nên gia đình phải đóng khoản thuế đó tại làng thay cho họ.
(30) Một phần bị hành hạ, phần khác bọ đói, phần bị nắng mưa lúc làm việc, nhiều phu đồn điền lâm bệnh và nhiều người đã chết.
(31) Nếu chết thì được đồng đội bó chiếu, rồi chôn. Có khi không có cả manh chiếu và chôn ở trên núi. Nhiều khi không đủ bốn người khiêng thì họ dùng giây thừng, buộc vào cổ kẻ xấu số và kéo lê kẻ chết trên mặt đất, vội vã chôn vùi nông. Đôi khi cái đầu, có khi cả tay chân kẻ xấu số còn lòi ra trên mặt đất. Gia đình không biết tin tức gì về cái chết của người thân vì ban Giám đốc đồn điền cố tình che dấu.
Cu-ly đàn bà còn phải lo dọn dẹp vệ sinh doanh trại của đàn ông. Và nhân thể đảm nhiệm thêm công việc làm điếm. Một người đàn bà phục vụ cho đàn ông để lấy thêm tí tiền chẳng đáng là bao nhiêu.
Dân cu-ly không có bất cứ thứ giải trí gì nên bọn cu ly đàn ông buổi chiều thường cờ bạc. Bọn cai cũng tham dự và thường lợi dụng móc sạch túi bọn cu-ly, hoặc cho vay nợ cắt cổ.
Khi cu-ly có tiền thì bọn Cai tìm cách vay mượn. Mà nếu không cho mượn thì chúng tìm cách hành hạ và trừng phạt.
(32) Mỗi khi cu-ly phạm lỗi gì thì bị bị trừng phạt rất dã man. Họ bị đánh đập bằng gậy hoặc bị đấm đá và còn phải trả tiền phạt..Tiền phạt từ 0 đồng 40 hào/một ngày hoặc 2 đồng 4 cho 6 ngày lương.
Thư từ gửi về cho gia đình phải để mở và bị thư ký đồn điền kiểm duyệt. Thư sẽ bị xé hoặc đốt nếu than thở về đời sống cơ cực ở đồn điền. Chẳng những thế, tác giả những lá thư ấy còn bị bọn Cai hành hạ, trù dập.
(33) Thàng 11-1927, báo chí đưa tin một biến cố tại đồn điền ở Phú Riêng (đồn điền cao su của hãng Michelin), cách Saigon khoảng 100 cây số vào ngày 26 như sau: Vào mỗi sáng thứ hai, như thường lệ, ông giám thị MO (Monteil) tập họp đám cu-ly để phân phối công việc và phát thuốc kí ninh cho mỗi người. Nhưng khi ông vừa quay lưng lại thì bị một nhát dao đâm vào lưng sau đó thì cả trăm công nhân dùng dao cạo mủ xúm vào đâm chém. Ông Monteil chỉ kịp hô hoán lên thì bà vợ ở gần đó nghe tiếng kêu của chồng kịp chạy ra thấy chồng đã nằm trên vũng máu.
(34) chứng kiến cảnh đó, bà không sợ hãi trước cả trăm culy, bà đã nổ súng 3 phát về phía bọn cu-ly. Thấy thế, bọn cu-ly sợ hãi chạy về phia nhà giám đốc đồn điền. Ông giám thị dù bị thương nặng còn kịp bảo bà vợ chạy về phía nhà giám đốc báo động vì sợ chúng sẽ giết tất cả. Nhờ thế, giám đốc đồn điền vội vã cầm súng cùng với viên phụ tá nổ súng về phía đám cu-ly chạy trốn về phía rừng Mada.
(35) Tuy thế cũng có ba người xông về phía ông M.B., ông này bắn ba phát súng. Sau đó có còi báo dộng và nhà chức trách Thủ Đầu Một và Biên Hòa điều động lính đi lùng bắt những kẻ chạy trốn tại rừng Mada.. Cuối cùng thì những phu đồn điền gốc gác Nam Kỳ và đám Mọi đã tiếp tay bắt được khoảng 30 người. Phần ông giám thị, vì vết thương quá nặng, ông đã qua đời ngày hôm sau.
(Bài báo này được trích lại từ báo Saigon Républicain, sau được đăng lại trên l’Indochine Républicain số ra ngày 6-10- 1927)
(36) Tờ báo của ông Hầu tước M. (Monpezat) ở Hà Nội đã tường thuật vắn ngọn trong trang hai dưới nhan đề: “Qu’est-ce que cette histoire?” (Chuyện này là thế nào?) Tờ báo tường thuật: “hàng trăm cu-ly, gốc Bắc Kỳ đã ám hại ông giám thị không có lý do gì.” “Những cuộc truy lùng đang tiến hành để tìm bắt bọn cướp đang tản mát trong rừng”
Trong khi đó tờ l’Écho Annamite (chủ nhiệm là ông Dejean de la Batie, nguyên quản lý tờ l’Indochine, tờ báo ra đời năm 1925 do nhà văn André Malraux làm chủ bút) ngày 20-10 lại tường thuật như sau, trích lại lời một cựu y tá của đồn điền này:
“Tôi từng làm việc 5 tháng trong cái hỏa ngục đó, tôi hiểu rõ đời sống khốn khổ của phu đồn điền, những đối xử tàn tệ mà họ phải gánh chịu cũng như nỗi khốn khổ của các thư ký và y tá. Tôi dành cái quyền được nói lên tất cả những bí mật trước công luận bằng mọi phương tiện mà tôi có trong tay.”
(37) Cũng như tại các đồn điền khác, nhữn cu-ly cũng bị đối xử tàn tệ ngay cả trong dịp Tết(tết của người Annam), họ vẫn bị quất bằng roi mây và gân bò trong khi họ tham dự vào các trò chơi cờ bạc giải trí do chủ dồn điền tổ chức.
Bị đi lưu đầy
Hoàn cảnh trở thành bi kịch khi cơ quan thuộc địa bị áp lực từ các đại công ty ở các đảo Thái Bình Dương. Họ đã cho phép gửi các cu-ly ở Đông Dương ra các đảo ấy. Trong khi dân ở các đảo này thường vẫn duy trì đời sống nguyên thủy nên không thích ứng được với đời sống văn minh của Tây Phương.
(44) “Ở Cayenne dân số còn rất ít ỏi. Ở đấy đời sống còn nguyên sơ dù người Tây Phương đã có mặt từ 3 thế kỷ. Chúng ta đã làm gì trong 3 thế kỷ ấy? Đơn giản lắm. Chúng ta đã hủy diệt dân của họ chỉ còn vỏn vẹn 10.000 người mà trước đây con số là 10 lần hơn trước khi chúng ta tới đây.
Chính vì lý do đó mà chúng ta phải gửi đến đây vài ngàn người Annam (Trích báo Volonté indochinoise, 29-12-27)
Thế là cu-ly Annam được tuyển mộ để đến thế chỗ cho dân địa phương đã biến mất.
Kỹ nghệ mộ phu trở nên phồn thịnh. Những viên chức kỳ mục như lý trưởng, xã trưởng và quan huyện được hưởng bổng lộc từ việc mộ phu này.
(45) “Trường hợp một viên thông ngôn được giao trách nhiệm tuyển mộ phu tại Bắc Kỳ đẻ gửi đi Nouméa và Nouvelles-Hébrides. Ông đã thu lợi cả một gia tàil đi đâu, ông cũng đi bằng xe hơi hạng sang. Dưới trướng của ông ta là thuộc hạ bản xứ, tuy lợi nhuận ít hơn, nhưng anh nào cũng kiếm được 400 đồng/một tháng (5000 frc). Những tên mộ phu này nói ngon ngọt lắm. Thật cũng chẳng khó khăn gì để thuyết phục những người nông dân nghèo khổ, hứa hẹn với họ một thiên đàng hạ giới đang chờ đón họ. Nên nhớ rằng tất cả bộ mấy hành chánh đứng đằng sau họ cũng để hỗ trợ và xác nhận lời rao hàng của bọn này.” (Volonté Indochinoise, 10-8-1927).
Sự can thiệp của Hầu tước De Monpezat
Ông này vốn là một tài phiệt giàu có và rất thế lực. Một thứ thực dân chính cống cũng lên tiếng tố cáo “thực dân”. Ông lên tiếng tố cáo chính sách di dân sang các đảo ở Thái Bình Dương và ở Tân Thế giới. Ông vốn cũng là chủ nhân sáng lập và Giám đốc tờ La Volonté Indochinoise cũng như là đại diện của hội đồng của chính phủ thuộc địa. Ông là người đã ở Annam hơn 30 năm và có cổ phần trong nhiều đồn điền cũng như nhiều hầm mỏ. Ông rất năng động và thông minh, có nhiều ưu điểm cũng như khuyết điểm hiểu rõ xứ Đông Dương một cách tường tận. Bấy nhiêu yếu tố đã giúp ông có một vai trò nổi bật quan trọng trong Hội Đồng chính phủ.
(47) Ông vốn là thành phần cực đoan bảo vệ với bàn tay sắt các quyền lợi của xứ thuộc địa. Nhưng việc tuyển phu cho việc xuất cảng cu-ly cho các cơ sở kỹ nghệ ở Thái Bình Dương đe dọa đến một sự cạnh tranh nghiêm trọng, đụng chạm đến quyền lợi của xứ Đông Dương. Và nếu việc mộ phu sang Thái Bình Dương thu hút hết cu-ly thì còn đâu người để làm ở các đồn điền hay hầm mỏ? Paul Monet đã vạch trần những âm mưu thâm độc ấy. Ông De Monpezat vốn chủ trương một chính sách thống trị gay gắt đối với người bản xứ; nhưng ông ta (chỉ De Monpezat) tự nhiên cảm thấy như bị một tiếng gọi tông đồ lôi cuốn khi việc tuyển mộ cu-ly cho những sở ở Thái Bình Dương đe dọa việc mộ phu cho những cơ sở Đông Dương. Ông ta luôn luôn giữ một thái độ im lặng trước những sự tàn bạo ở Nam Kỳ, nhưng lại mở chiến dịch bài bác hết sức, khi những sự việc không kém trầm trọng nổ ra ở Tân Thế Giới hay quần đảo Hébrides, bởi vì ông nhìn thấy sự cạnh tranh nghiêm trọng đối với việc tuyển mộ phu ở Đông Dương; nó trở thành mối đe dọa khủng khiếp đến sự độc quyền của ông.
(48) Ông hầu tước De Monpesat, mà lòng ái quốc không còn gì để nghi ngờ được nữa, đã chứng minh được một cách hợp lý là những cu-ly được gửi đi Nouvelles-Hébriques thì thật ra số cu ly đó trên đường di chuyển, đã một cách nào đó di “lạc hướng” và được gửi đi Nouvelle-Calédonie hay bên Tahiti hay tại các các hòn đảo khác tại Thái Bình Dương.
(49) Ông Hầu tước đã tố cáo bằng những bằng chứng cho thấy người ta đã dùng tiền để mua chuộc các kẻ bảo trợ. Nhờ đó đã cho phép Nhà B. (Ballande) được đại diện ở Sài gòn bởi D. (Denis) Frères có thể kiếm được 3000 fr mỗi đầu người bằng cách bán lại những người đã được nhập cảng. Vì thế mới có chuyện đi lạc hướng.
(50) Nhà Denis Frère và đồng bọn đã được phép xuất cảng một lượt là 800 cu-ly mà mỗi người đem lại 3000 fr cho mỗi con người khố khổ ấy. Số tiền nhỏ ấy định giá là 2 triệu 400.000 fr cho mỗi chuyến tàu chở cu-ly. Và nếu tính cho tròn số là 3 triệu đồng.
Điều quan trọng cho thấy là những viên chức cao cấp ở xứ Đông Dương này tìm mọi cách dễ dãi cho công tác buôn người bỉ ổi nầy. Bởi vì những bọn buôn người này chỉ là những kẻ đi cứu vớt, lợi dụng cái tai biến như những trận lụt để ép buộc những con người khốn khổ này phải rời bỏ xứ sở của họ và chịu đựng cái ách làm nô lệ tạm thời vì cuộc sống của họ bị rút ngắn lại do khí hậu khắc nghiệt và sự đối xử tàn tệ
(51) Người ta có thể tin rằng những kẻ buôn thịt người da vàng sẽ không giàu có đến như thế, nếu những viên chức hành chánh làm đúng bổn phận của họ? (Mặc dầu đã có những lời hứa chính thức rất trang trọng). Sự xuất khẩu cu-ly vẫn tiến hành một cách trơ trẽn..: Hơn 20.000 cu-ly đã xuất khẩu trong đó rất nhiều người đã không bao giờ trở lại, bởi vì họ đã chết. Nhưng hiện nay vẫn còn hơn 9000 người bị lưu đầy.
Tạm kết luận
Tài liệu của Paul Monet còn khá dài và ông còn đưa ra rất nhiều bằng chứng khác như việc lưu đầy những người cu-ly Đông Dương như một thảm kịch bẩn thỉu thật không bút nào tả cho hết được. Mời độc giả tìm đọc vậy.
Qua những gì được ông Paul Monet trình bày trong cuốn Les Jauniers cho thấy đây là những bằng chứng không chối cãi được việc buôn người từ Bắc Kỳ vào Nam và “buôn lậu” gửi đi các quần đảo thuộc địa khác là một cuộc buôn bẩn thỉu và đáng xấu hổ của chế độ thực dân Pháp mà ít ai lưu tâm cho đủ.
Còn tiếp ở những bài viết về những cuốn sách khác, trong đó có Indochine S.O.S của nhà báo Andrée Viollis.
© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: DCVOnline biên tập và minh họa.