Chung quanh vụ nổi dậy ở Yên Báy năm 1930 (Kết)

Nguyễn Văn Lục

Đó là giọng bà mẹ của Nhít nuốn nói rằng: “Oh! Hélas! Mon petit enfant!” (Ối con ơi là con ơi!)

Chân dung ông Nguyễn Thái Học (1902-1930) khi bị giam tại Hỏa Lò, 1930. Nguồn: Bảo Ngậu

Nguyễn Thái Học bị bắt

Theo ông chủ đồn điền Klieber, khi được tin có vụ nổi dậy ở Yên Báy, ông đã tổ chức một toán tuần tiễu để kiểm soát và canh gác khu đồn điền của mình.

Theo ông, vào ngày thứ năm 20 tháng 2 vào lúc 7 giờ 30, ông nghe thấy hai tiếng bom nổ chỉ cách chỗ ông ở chừng 800 mét. Ông vội lấy khẩu súng săn chạy ra nơi tiếng nổ. Ra đến nơi, ông nhận thấy 5 tá điền của ông đang đối đầu với 6 người lạ đang ném tạc đạn. Ông khuyến khích đám người của ông tìm cách bắt nhóm 6 tên cướp trên. Một trong 6 người trên bị thương ở chân và bụng nên sau đó đã bị bắt. Những kẻ khác còn lại đã bỏ chạy trốn. Nhưng một trong người chạy trốn đã bị người tá điền của ông tên Chu Việt Lương đâm một nhát bị thương. Còn lại bốn người đã chạy thoát.

Ông Klieber đã đưa hai người bị thương đến dồn Chí-Ngãi cùng với ba quả tạc đạn thu được tại chỗ và một khẩu súng lục chưa dùng vì không có băng đạn.

Sau đó, người ta được biết, người bị Chu Việt Lương đâm chính là Nguyễn Thái Học. Việc bắt Nguyễn Thái Học như vậy không do chính quyền mà do tá điền của một đồn điền bắt được.

Tuần báo  L’Éveil économique de l’Indochine (Sài Gòn) số Chủ nhật 16 tháng 3, 1930 tóm lược tin Nguyễn Thái học bị bắt theo tuần báo L’Avenir du Tonkin (Hà Nội), không ghi số phát hành. L’Avenir du Tonkin phát hành mỗi thứ Bẩy.

[DCVOnline: Theo tin ngày 22 tháng Hai, 1930 của 3 tờ báo “Les Annales coloniales”,  “L’Écho annamite” và “L’Œuvre” thì đêm 20 sang ngày 21 tháng Hai Nguyễn Thái Học và 3 đồng chí trên đường qua làng Cổ Vịt giữa Chí Ngãi và Đông Triều tỉnh Hải Dương bị dân quân phát giác, tình nghi và nổ súng bắn. Hai người chạy thoát; hai người bị thương, bị bắt đưa về Hải Dương. Chính quyền và cảnh sát tại đây nhận ra Nguyễn Thái Học, người bị thương nặng ở bụng. Khi bị bắt Nguyễn Thái học có súng lục và hai quả bom; sau đó ông được đưa về Hà Nội.


Nguồn: “Les Annales coloniales” ngày 22 tháng Hai, 1930

Báo Phụ Nữ Tân Văn số 42, ngày 6 tháng 3,1930, kể rõ trường hợp Nguyễn Thái Học bị bắt như sau:

“Đêm hôm 20 rạng 21 Février (tháng 2 – LN), bọn tuần đinh ở làng Cổ Việt (tỉnh Hải Dương), vào khoảng Chí Ngãi và Tân Triều, đang đi tuần phòng, thình lình thấy trên đường cái có 4 người đang đi, về ngả ra Quảng Yên. Chúng hỏi thì có hai người ù té chạy, còn 2 người nữa chắc hẳn cũng tính chạy, nhưng chúng cầm mác phóng theo và bắn súng theo, bị thương, té gục xuống đường, cho nên bị bắt và bị giải lên tỉnh lỵ Hải Dương. Lính mật thám nhận diện ra, thì là:”Chính nó”. Chính ông Nguyễn Thái Học. Khi bị bắt, trong mình có giắt hai trái bôm (sic) và một khẩu súng sáu. Lính đã giải ông lên Hà Nội liền, nhưng ông bị thương ở sườn nặng lắm, nhà nước phải cho vào nằm nhà thương điều trị ….Hồi nọ chánh phủ treo giải thưởng, nếu ai bắt được Nguyễn Thái Học thì thưởng cho 5.000$. Việc này chánh phủ giữ lời hứa rất nghiêm. Bữa trước đây, phủ Thống sứ Bắc kỳ đã gửi số tiền ấy về Hải Dương để thưởng cho mấy anh tuần đinh đã có công trạng lớn! Mấy chú này khi không mà phát tài to.”]

Hình vẽ 13 người tham gia cuộc khởi nghĩa Yên Báy đặng trên báo Phụ Nữ Tân Văn số 44 ngày 20/3/1930:
1- Nguyễn Quang Triệu; 2-Nguyễn Văn Liên; 3- Mai Duy Xứng; 4- Nguyễn Ca Tâm; 5- Phó Đức Chính; 6- Nguyễn Khắc Nhu; 7- Đoàn Trần Nghiệp (Ký Con); 8-Nguyễn Mạnh Luân; 9-Nguyễn Thái Học; 10- Lương Ngọc Tốn; 11- Thanh Giản; 12- Nguyễn Văn Nho (em ruột Nguyễn Thái Học); 13- Trần Đức Thinh

Lời thú tội của Nguyễn Thái Học (sự thật là Thanh Giang) (Le Petit Parisien, ngày 25 tháng năm 1930)

Hà Nội

Một trong những người tổ chức cuộc nổi loạn và cũng là người chủ chốt trong cuộc thảm sát ở Yên Báy chỉ là một nông dân nhút nhát. Hiện nay ông ta bị kết án tử hình và đã giải bầy với phóng viên của chúng tôi ông chỉ là công cụ mù quáng của Quốc Dân Đảng và là một kẻ bị lừa.

Bản tường trình đặc biệt từ đặc phái viên của chúng tôi.

Bước vào văn phòng của viên mật thám Pujol, tôi thấy ở góc một gương mặt thanh niên việt Nam trẻ và hiền lành. Anh ta đang ngồi bó gối nhưng đứng dậy để chào tôi. Trông anh như một người giúp việc. Anh khoanh tay trước ngực và trên áo sơ mi có hàng số màu đen: 163.

Người thanh niên bé nhỏ này là một tù nhân quan trọng. Anh ta là Nguyễn Thái Học. Tôi chào lại anh ta và biết rằng anh sắp chết.

Nhân vật chính trong vụ thảm sát ở Yên Báy, anh bị Hội Đồng Đề Hình kết án tử hình. Vì là nhân vật chính trong vụ nổi dậy nên anh không có hy vọng gì được khoan hồng. Mỗi ngày, người ta đang đợi quyết định khoan hồng của Ủy ban Ân xá. Có thể là ngày mai sẽ có quyết định.

Anh ta chuẩn bị trả lời những câu hỏi của tôi. Tôi chưa biết nói gì với anh ấy. Người ta cũng cho tôi biết người thanh niên nhút nhát đã lãnh đạo cuộc nổi loạn trong cái đêm kinh hoàng ấy. Từ buổi chiều tối đến sáng ngày hôm sau, anh ta làm chủ tình hình ở trên đồn, ở doanh trại và thành phố Yên Báy. Tôi hỏi:

— Có bao nhiêu người dân tham gia vào cuộc nổi loạn này với anh?
— 4 người.
— Và có bao nhiêu người lính?
— 4 hạ sĩ.
— Nghề nghiệp của anh là gì?
— Tôi là làm nông ở An-My.
— Anh thuộc đảng nào?
— Quốc Dân Đảng?
— Chức vụ của anh trong đảng?
— Cán bộ giao liên trong đảng.
— Ai ra lệnh cho anh?
— Một đại diện của Tổng bộ.
— Lệnh ấy là gì?
— Chiếm giữ trại lính bản địa ở Yên Báy. Hạ sát các sĩ quan và hạ sĩ quan Pháp, chiếm những căn cứ quân sự trong thành phố, không giết hại đàn bà và các linh mục, tôn trọng tài sản tư nhân và các nhà thờ thiên chúa giáo.
— Và sau đó?
— Sau đó tôi không nhận được lệnh gì thêm.
— Giả dụ nếu thành công, anh sẽ làm gì?
— Tôi không biết, nhưng có thể tôi được gửi sang Tàu.
— Nhưng Yên Báy không phải là tất cả nước Annam. Cho dù có chiếm được một tỉnh nhỏ thì không có nghĩa là Quốc Dân Đảng làm chủ cả xứ này?
— Tôi chỉ có trách nhiệm ở Yên Báy. Những người khác sẽ hành động như tôi ở những vùng khác trong cùng một ngày.
— Như vậy ngày 11 tháng 2 năm 1930, tất cả các thành phố ở xứ Annam phải rơi vào tay cách mạng?
— Tôi đã nghĩ như vậy.

Trong thảm kịch này, dường như có một chút gì đó trẻ con. Tôi nghĩ tới những cuộc nổi loạn của học trò, đồng lòng đứng lên rồi tất cả cùng bỏ cuộc. Chỉ vài ba người giữ lời cam kết và gánh chịu cho những người khác. Mặt khác, tôi biết Nguyễn Thái Học đã chia sẻ lòng tin của ông ấy với tất cả binh lính. Người ta kể lại cho tôi là buổi sáng 11 tháng Hai đó nhóm nghĩa quân dưới đất thấy máy bay trinh sát bay qua Yên Báy quan sát tình hình và để báo tin cho chính phủ và toàn quyền ở Hà Nội, đã vỗ tay hoan hô.

— Máy bay của chúng ta… Máy bay của chúng ta…

Họ tưởng quân khởi nghĩa đã đứng dậy khắp nơi vì tưởng rằng những phi công này cũng là người theo đảng. Tôi hỏi tiếp:

— Làm thế nào anh nghĩ rằng chỉ có bốn người dân và bốn hạ sĩ quan có thể thanh toán được tất cả binh lính của thành phố?
— Những người của chúng tôi đã liên lạc trong mấy ngày trước với một hạ sĩ của đảng chúng tôi trong mỗi đại đội. Hai chúng tôi đến đồn và hai người khác đến trại lính. Những hạ sĩ của chúng tôi ở đó mở cửa cho chúng tôi vào. Họ đã tập hợp binh lính lại và thông báo cho biết cuộc cách mạng đêm nay sẽ bùng nổ khắp nơi. Một trong những người ấy đã thổi kèn gọi viên trung sĩ giữ kho súng. Viên trung sĩ đã xuống mở kho súng.

Thanh tra mật thám Pujol ngắt lời,

— Có phải chính ông đã giết trung sĩ đó?

Người tù cúi đầu nói,

— Vâng, tôi đã giết ông ấy.
— Không một người lính nào cản ông sao? Ông không gặp bất cứ sự chống đối nào của những người khác?
— Họ tin rằng chúng tôi là người lãnh đạo và họ chỉ còn biết tuân phục.

Ông Pujol hỏi thêm một lần nữa,

— Bây giờ ông có hối tiếc về những điều ông đã làm không?
— Vâng tôi rất hối hận.
— Ông có điều gì cần nói thêm với ông chánh mật thám không?
— Tôi chỉ xin tha thứ cho tôi. Tôi đúng là tên xuẩn ngốc.

Thái Học chắp tay và lạy tôi (“lais”).

[…]

[Không trích dịch nhận định của Louis Roubaud về sự thất bại của cuộc khởi nghĩa vì Roubaud đã dựa trên cuộc phỏng vấn với Thanh Giang nhưng lầm tưởng đó là Nguyễn Thái Học, người lãnh đạo tối cao trong cuộc khởi nghĩa, nên đã đánh giá sai lầm, ví dụ, Roubaud viết, “Điểm yếu: những người lãnh đạo kém xa tham vọng của họ.”–  NVL]

Đính chính sai lầm quan trọng trong bài báo tựa đề

“C’est À Yen-Bay L’expiation Pour Treize Chefs  Nationalistes | Les deux hommes  de premier plan sont Nguyen Thaï Hoc, l’organisateur du mouvement révolutionnaire, et son lieutenant Pho Duc Chinh”. (Le Petit Parisien, 17 juin 1930)

Louis Roubaud đã lên tiếng xin lỗi độc giả trên tờ Le Parisien ngày 17-6-1930 vì một sai lầm rất quan trọng bài phỏng vấn đã đăng trên Le Peit Parisien 25 tháng năm 1930 mà ông cho đó là cuộc phỏng vấn Nguyễn Thái Học trong văn phòng Thanh tra mật thám Pujold.

Người trả lời phỏng vấn với Louis Roubaud là Thanh Giang chứ không phải là Nguyễn Thái Học.

Roubeau cho biết thêm, Thanh Giang đã nhận tội cũng và tố cáo đồng chí, giúp cho hiến binh bắt được nhiều đồng lõa cũng như giúp phát giác ra những kho vũ khí. Vì thế, Roubaud viết, “Không thể nhầm lẫn Thanh Giang với Nguyễn Thái Học chủ tịch và người sáng lập ra Quốc Dân Đảng.”

Phụ Nữ Tân Văn, Số 58, 16 tháng 6, 1930, trang 7

Lá thư  Nguyễn Thái Học gửi các vị dân biểu quốc hội Pháp

Lá thư viết với nhiều lỗi văn phạm đồng thời cũng dài nên Roubaud chỉ trích một vài đọan, đồng thời có sửa chữa lời văn, nhưng cũng vẫn giữ đúng nội dung của lá thư. Lá thư gửi đi nhưng không đến tay người nhận.

“Thưa quý ông.

Tôi đã nhìn thấy gì? Từ hơn 60 năm nay, đất nước tôi bị áp đặt dưới chế độ nô lệ của Pháp, những người Pháp. Đồng bào tôi đau khổ dưới sự thống trị của quý ông, sự tồn vong của giống nòi chúng tôi bị đe dọa. Tôi có quyền và có bổn phận phải bảo vệ đất nước tôi và đồng bào tôi.

Ban đầu tôi nghĩ rằng có thể đạt những mục tiêu đó bằng cách cộng tác với quý ông. Nhiều lần thất bại đã khiến tôi hiểu rằng người Pháp không hề muốn hợp tác với người Việt Nam, và tôi sẽ không thể phục vụ đồng bào tôi, khi quý ông còn thống trị nước tôi. Bởi vậy năm 1927, tôi đã thanh lập  Việt Nam Quốc Dân Dảng. Mục đích (1) là đánh đuổi người Pháp ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và (2) là lập nên một chính phủ Cộng Hòa thật sự dân chủ.

Cá nhân tôi là người duy nhất chịu trách nhiệm về tất cả những biến cố chính trị xảy ra trên đất nước tôi kể từ đó và do tôi tổ chức. Tôi là thục sự là thủ phạm duy nhất và vì vậy  cái chết của tôi như vậy là đủ. Tôi xin cho những người khác được khoan hồng.

Đã vậy, tôi tuyên bố với quý vị rằng, nếu người Pháp muốn chiếm giữ nước tôi trong an bình, không bị bất cứ phong trào cách mạng nào quấy nhiễu thì họ phải: (1) Từ bỏ mọi biện pháp bạo tàn và vô nhân đạo. (2) Cư xử với người dân Việt Nam như bạn bè, không phải như những ông chủ bạo ngược. (3) Phải cố gắng làm giảm những nỗi đau tinh thần và vật chất bằng cách xác lập cho người dân Việt Nam có những quyền tối thiểu của mỗi cá nhân như quyền được đi lại, quyền được học hỏi, quyền được lập hội, quyền tự do báo chí. (4) Đùng dung dưỡng bao che và không để giới công chức lạm quyền cũng như những thói tục hủ lậu của họ. (5) Hướng dẫn để người dân phát triển thương mại và kỹ nghệ  bản xứ.

Xin cám ơn quý vị và xin nhận sự kính trọng của tôi. Kẻ thù của các ông. Nhà cách mạng.

Thái Học”

Phó Đức Chính (droit et vertu – đức là đạo đức, chính là luật pháp)

Đó là một thanh niên trẻ mới 23 tuổi; nhà tù đã làm anh gầy đi nhiều. Nét già dặn của Chính làm người ta lầm tưởng anh là một người Trung Hoa nếu anh ấy không có ngoại hình thấp bé của người Việt Nam. Khuôn mặt anh không có cái nét ranh mãnh, trầm lặng và bí hiểm làm chúng ta khó chịu như phần đông đàn ông xứ này. Cái nhìn của Chính thẳng thắn, thông minh và có đôi chút trẻ thơ.

Phó Đức Chính không phải một anh nhà quê. Anh đã theo học trường trung học và đã làm việc cho chính phủ Pháp như một nhân viên kỹ thuật trong sở công chánh. Nhưng anh nghĩ mình có tâm hồn của một người lãnh đạo. Khi Việt Nam Quốc Dân Đảng mất đi một vài người lãnh đạo cốt cán trong cuộc lùng bắt vào tháng 2-1929. Anh xung phong làm việc với Nguyễn Thái Học và được đảng trưởng xem như cánh tay mặt của mình.

Tuổi trẻ không kiên nhẫn nên Phó Đức Chính không thể nhìn thấy  một phong trào cách mạng xa xôi. Phó Đức Chính muốn hành động ngay và phải đạt được kết quả tức thì. Chính thật sự mơ cái đêm đẫm máu  9 và 10 tháng Hai 1930 sẽ kết thúc với ánh  bình minh độc lập cho Việt Nam.

Chính Phó Đức Chính là người đặt ra kế hoạch hành động.

Chính sống những tuần lễ đầy náo nức, với cọ trên tay, Anh đã phác thảo chi tiết trên giấy điều động  tấc cả những binh đoàn Việt Nam tấn công người Pháp. Sự táo bạo của Chính đã không cho phép nghĩ đến một sự thất bại nào. Một tướng lãnh kinh nghiệm chiến trường cũng phải nghĩ đến cuộc rút lui. Một chiến lược gia tay non như Chính đã bầy cuộc tấn công mà chỉ cần thua một cuộc đụng độ cũng đủ đi đến thất bại toàn diện.

Vì thế, Chính đã tự giao trách nhiệm cho chính mình ở mặt trận quan trọng nhất ở Sơn Tây. Anh phải chỉ huy cuộc tấn công tại đây. Binh đoàn do Chính chỉ huy đánh chiếm Sơn Tây gồm bốn đại đội lính khố xanh ở Yên Báy cộng với các dân quân ở Hưng Hóa. Vị chỉ huy đã ngồi đợi quân của mình suốt đêm đến sang. Lính khố xanh bỏ về doanh trại khi trời vừa hừng sáng, toán dân quân thì không thấy đâu cả.

Cảnh tượng ấy giống như một mình Phó Đức Chính đứng trước kinh thành của vua Minh Mạng cách đây 43 năm với một ít binh lính, đối diện với một tướng lãnh dầy kinh nghiệm: Đô Đốc Courbet.

[Thực ra là 47 năm trước, khi Đô Đốc Courbet bắn thần công vào Huế và chiếm được kinh thành vào ngày 20 tháng 8, 1883. – DCVOnline.net]

Trước Hội đồng Đề Hình, Phó Đức Chính đã tỏ ra có một thái độ xứng đáng, không ngạo mạn. Ông chỉ nhận ông là người trách nhiệm. Ông là người duy nhất bị kết án tử hinh đã không ký vào đơn chống án lên Hội đồng Bảo hộ.

Những người khác sẽ chết vào sáng ngày mai.

[DCVOnline | Một số người được giảm khinh như Nguyễn Đức Bằng, 21 tuổi, cầm quân đánh vào phủ Lâm Thao, nông dân Lê Xuân Huy, 31 tuổi, nông dân Bùi Xuân Mai phụ trách làm tạc đạn, nông dân Nguyễn Văn Toại 33 tuổi, thầu khoán Nguyễn Nhất Thần người cầm binh cùng Xứ Nhu đánh Hưng Hóa, v.v. (Phụ Nữ Tân Văn, Số 58, 16 tháng 6, 1930, trang 7-9).]

Phụ Nữ Tân Văn, Số 58, 16 tháng 6, 1930, trang 8

Thành phố nhỏ Yên Báy thật nhộn nhịp. Người ta nói với tôi nó vẫn giữ cái như thế mỗi ngày. Các cửa tiệm vẫn mở cửa với những quầy hàng dơ dáy, người qua lại buôn bán vẫn tấp nập.

Vài người lính đi tuần trên đường phố. Những người lính khố xanh quấn xà cạp mầu xanh ở ống chân, nhưng lại đi chân đất nên không nghe một tiếng động.

Ngày xử án. Yên Báy 17 juin (6 heures matin. Các phạm nhân bị xử tử hình ngay tại nơi xảy ra cuộc nổi loạn)

Bản tin đặc biệt của phóng viên của chúng tôi

Trời còn chạng vạng sáng. Bây giờ là 6 giờ sáng.

Mọi chuyện sẽ được diễn ra tại một đồng cỏ, có thể là một sân đá banh mà chung quanh có một dãy nhà một tầng, mới cất, sạch sẽ xinh đẹp theo kiểu nhà tây. Đó là doanh trại của lính bản địa và nhà khách. Tôi đang ở một căn nhà dành cho khách. Đêm đó, tôi thức giấc nhiều lần vì những tiếng động, những tiếng ra lệnh, tiếng búa đập. Cách chỗ tôi ở chừng 50 thước, người ta dựng cỗ máy. Trong bộ  pyjama, mang dép tôi đi ra ngoài. Tôi thấy lính đang xếp những thùng gỗ thành một hàng dài gồm 15 thùng trong doanh trại.

Tôi hỏi:

— Như vậy là có 15 người?
— Không chỉ có 13. Nhưng con số chính thức được giữ bí mật cho đến phút chót. Và chúng tôi phòng hờ thêm để không lúng túng vào phút chót.

Quay trở vào nhà, tôi nằm dài trong mùng trên tấm trải giường còn ẩm. Công việc chuẩn bị giữa đồng cỏ hình như đã xong. Không còn tiếng búa đập, tiếng người cũng tắt lịm. Màn đêm im lặng, ngay cả côn trùng cũng im bặt.

Một đến hai tiếng đồng hồ sau, khoảng 800 bàn chân không của đoàn lính khố xanh dậm chân trên cỏ. Lính của đồn Yên Báy xếp hình vuông vây kín bốn bề sân cỏ.

Tôi mặc quần áo ra đứng chung với đám người Âu Châu trước bức tường của trại linh. Trước mặt chúng tôi, ở phía bên kia là hai nhóm lính  khố xanh và một nhóm lính Pháp. Tôi thấy dân chúng không đông lắm, đứng rải rác và hoàn toàn im lặng.

5 giờ kém 5, người đâu tiên xuất hiện đi trước một đám người đi ra từ phía nhà giam ra sân cỏ. Tôi nói người đâu tiên nhưng đúng ra là bốn người lính bộ binh thực dân cầm súng có cắm lưỡi lê, rồi tiếp theo hai người lính khác không vũ trang, tiếp theo nữa là một ông cụ già, để làm giảm nhẹ cái không khí ảm đạm trong hành trình ngắn ngủi này,  một cụ già đáng kính trong áo thầy tu với bộ râu xám che trước ngực: Đó là linh mục Méchet. Cả cái đám người ấy được viên công sứ Bottini dẫn đầu. Ra đến nơi thì hừng đông đã ló dạng và người ta có thể nhận rõ hơn những bóng người hiện rõ trên nền trời. Họ rảo bước đi nhanh như một đám người tập thể dục. Cái máy chém được đặt sát mặt đất.Và có một tấm ván dài chừng cỡ một thân người đặt trước máy chém..Những người lính bắt đầu đứng giạt ra. Một người tử tội trong áo choàng mầu trắng xuất hiện. Thế rồi, “M. d’Hanoi”, một đao phủ thủ người Việt Nam, đặt tay lên vai tử tội và nói liên tục, khuyến  khích người tử tội đến trước tấm ván cứ chòng chành như một cái cửa sập.

— Que lui a-t-il đit? (Ông ấy đã nói gì với tử tội?)
— Il lui a dit: n’ai pas peur, on ne sent rien…(Ông ấy nói với tử tội là đừng sợ, không cảm giác gì đâu…)

Sau đó, cả đoàn người quay lại nhà tù để đưa người kế tiếp.

Công sứ Bottini, ngắt lời người bên cạnh đang mê mải rít điếu cầy, ký án tử hình đã thực hiện tất cả 13 lần.

Hầu như mọi tử tội đều chấp nhận uống một ly rượu và nhận sự giúp đỡ của hai vị thừa sai, hai linh mục Méchet và Dronet đã đề nghị là họ chuyển những ý nguyện cuối cùng đến gia đình những gười tử tội. Hầu như tất cả đều đã viết một lá thư cuối cùng cho gia đình.

Như tôi đã viết hôm qua, hai người bị xử tử sau cùng là Phó Đức Chính và Nguyễn Thái học.

Để giữ bí mật đến giây phút chót cho cuộc xử tử, mười ba người tử tội đã được đưa từ Hà Nội đến Yên Báy trên một chuyến tầu hỏa về đêm.

Cỗ máy chém cững được bí mật chuyển đi trong đêm tối.

Cả thành phố không ai nghi ngờ gì cả.

Bản tin của đặc phái viên chúng tôi (17 juin 1930)

 

6 giờ sáng nay, tôi vội điện về Paris. Tôi vội và không thể nói hết được.

Trước khi trời sáng, cỗ máy chém được soi sáng bằng vài ngọn đèn diện, mấy người có bổn phận trông coi việc dựng máy chém nói rằng phải đợi giờ được cho phép nên những giây phút chờ đợi ấy thật lâu lắc. Trong đám họ có một vài viên Thanh tra mật thám đã cùng đi chuyến xe lửa đêm từ Hà Nội đến Yên Báy, trong toa xe lửa hạng 4 cùng với 13 tử tội. Họ cũng trao đổi với nhau cảm tưởng của họ về từng tử tội. Bốn giờ đồng hồ trong chuyến xe định mệnh, họ đã nhìn thấy những giờ phút cuối cùng của các tử tù. Tử tù bị trói tay, hai người với nhau, và họ đã trò chuyện thân mật với nhau cũng như nói chuyện với những người cai tù nói được tiếng Việt Nam và với linh mục Dronet, tuyên úy nhà tù Hà nội. Ông nhận giảng giáo lý cho họ.

Chuyến đi cuối cùng

Phó Đức Chính. Nguồn: Bảo Ngậu – Monsieur Phó Đức Chính, Public Domain,

[Ngô Văn] Du than thở và cho mình vô tội. Phó Đức Chính nói,

— Như tôi phải chém 3 ba cái đầu mới vừa tội; tội nghiệp, cái đầu của Du là quá nhiều.

Hai tù nhân khác thì khổ sở gục trong một góc, ngồi xổm kiểu Việt Nam, im lặng, mạt tái nhợt  vì quá  sợ hãi. Nhưng còn 9 người khác thì cố sức để hỗ trợ nhau để thêm can đảm.

Họ nói, chúng ta sẽ được những dồng chí thân yêu của chúng ta, [Ngô Hải] Hoằng, [Nguyễn Thanh] Thuyết, [Đặng Văn] Lương, và [Đặng Văn] Tiếp ra đón ở nhà ga Yên Báy.

Đó là 4 người đã bị hành quyết ngày mồng 8 tháng 5 tại Yên Báy.

Trong khi đó thì Nguyễn Thái Học đang trao đổi với kinh mục Dronet. Nguyễn Thái Học nói,

— “Nous ne sommes pas des criminels, mais des vaincus.” (Chúng tôi không phải là những tội phạm, mà chúng tôi là những người thua trận.
— “Pourquoi voulez-vous que je me repente, je ne regrette rien.” (Tại sao linh mục lại muốn tôi ăn năn hối cải, tôi không hối tiếc điều gì cả.)

Rồi Nguyễn Thái Học đọc mấy câu thơ bằng tiếng Pháp;

“Mourir pour sa patrie. (Chết vì tổ quốc)
C’est le sort le plus beau (Chết vinh quang)
Le plus digne d’envie (Lòng ta sung sướng trí ta nhẹ nhàng…)”

[DCVOnline | Ba câu thơ tiếng Pháp trên đây nổi tiếng trong văn học pháp, đã được khắc trên một mặt đài tưởng niệm những chiến sĩ bỏ mình trong cách mạng Pháp trong 3 ngày 27-29 tháng 7, 1830, đặt tại công trường Aurinque ở Aurillac (Les Révolutions du XIXe siècle, EDHIS, 1831, trang 24) và có thể tìm thấy trong cuốn Le Siége de Lyon, poème dithyrambique couronné par l’Académie de Lyon le 31 août 1825, trang 153.]

Phần tử tội Ngọc Thịnh [Có chỗ ghi là là Nguyễn Đức Thịnh. NVL] đã hỏi thăm một thanh tra về thượng sĩ Bouhier,

— Thượng sĩ Bouhier có chết không?

Viên mật thám nói,

— Dầu bị chém đến 30 nhát, nhưng ông ấy đã bình phục. Đó không phải lỗi của anh.
— Và như vậy thì kể như tôi chết.

Người thuật lại cho tôi nghe câu chuyện trên kết luận.

— Ce sont tous des orgueilleux, ils ont crané toute la nuit. (Tất cả bọn họ đều tự hào. Họ đều tỏ ra hiên ngang suốt cả đêm ấy.)

9 tử tội nhận chịu lễ ban thánh thể (neuf condamnés communient)

Tuy vậy, trước rạng đông, hai linh mục Dronet và Méchet đã thuyết phục được những kẻ cứng đầu. Trong 9 xà lim, hai linh mục đã đổ nước trên trán họ, để chút muối trên lưỡi của 9 tử tù đã chịu lễ, có thể họ muốn kéo dài đời sống của họ thêm vài phút bằng cách chịu phép rửa tội trong lúc “lâm chung” (in extremis).

Mẹ tử tù chào vĩnh biệt con

Le Petit journal illustré, 1930/06/29 (Numéro 2062): “Cuộc xử tử mười ba phiến quân Bắc Kỳ” — Trang Bìa Tờ Báo Pháp, Le Petit Journal Illustré No 2062 phát hành vào ngày 29-06-1930 (12 ngày sau khi chính quyền thục dân Pháp xử tử hình Nguyễn Thái Học và 12 anh hùng Quốc Dân Đảng). Đây là hình ảnh của nghĩa quân Đào Văn Nhít, 20 tuổi, đứng cạnh linh mục Méchet, bên lề đường là mẹ của Nhít, bị lính khố xanh giữ lại, khi bà đang khóc lời vĩnh biệt “Ối con ơi là con ơi!” Cuối con đường là máy chém.

 

Tôi đã thuật lại, đi từ nhà tù đến chỗ hành quyết, những người tử tội tay bị trói chặt sau lưng, họ phải lên một con dốc. Trên con dốc này, là một bờ đê với hàng rào tre và thấp thoáng vài mái nhà tranh. Dân xóm trong bộ năm căn nhà ở đây tụm lại để nhìn tử tội đi lên. Đào Văn Nhít, một thanh niên 21 tuổi, hai bên có hai lính lê dương vạm vỡ xốc nách, và bỗng dưng người ta nghe thấy một giọng đàn bà.

— Ới cha ơi, em ơi!

Đó là giọng bà mẹ của Nhít nuốn nói rằng: “Oh! Hélas! Mon petit enfant!” (Ối con ơi là con ơi!)

Đất nước của người Việt Nam

Ra đến san vận động, Nguyễn Văn Cứu kêu lên

— Tôi xin nói (Je veux dire quelque chose.)

Nhưng một người lính lê dương đã bịt miệng anh lại. Một lúc sau, Nguyễn Văn [Đức] Thịnh vừa mới mở miệng hô:

–Việt Nam Quốc…

Ông lại bị bịt miệng. Và đến lượt những người khác cũng vậy.

— Việt Nam! Việt Nam! (Đất nước của người Việt Nam! Đất nước của người Việt Nam!

Tôi đã được nghe tiếng kêu ấy nhiều lần và còn vẳng bên tai tôi khi tôi nhìn thấy Nguyễn Thái Học, người tử tội cuối cùng. Khuôn mặt nhễ nhại, với chòm râu cằm của bậc sĩ phu, ông cười. Nụ cười tự nhiên không gượng ép’; ông cúi chào đám đông, và với một giọng hô mạnh mẽ, “Việt Nam Quốc… và cũng bị một người lính lê dương bóp nghẹt tiếng hô của ông.

Tại sao những tử tù phải gánh hậu quả

Đã chứng kiến cuộc hành quyết những tử tội sáng nay, ngay buổi chiều, tôi đã đi đến doanh trại, lên cả đồn cũng như đên biệt thự của các sĩ quan, nơi còn lẩn khuất những cực hình mà họ đã gánh chịu. Một sĩ quan nói với tôi,

— Trong một căn phòng tối này, tôi thấy chiến hữu của tôi, Jourdan, nằm dài, tay anh cầm một đèn xách điện. Tôi gỡ lấy cái đèn xách, và lay anh bạn, anh ấy đã chết.

Trên trước giường này, Bouhier đã bị chém nhiều nhát. Chỗ kia, trung sĩ Darmour nằm duỗi dài ra, cả một mảng da đầu bị lột, bụng bị mổ tung, cánh tay bị chém cụt.

Ngoài hành lang, người thiếu phu 24 tuổi đầy bất hạnh, bà Robert chứng kiến cảnh chồng mình bị chém chết trong phòng ăn. Bà Robert suốt đêm ôm xác chồng mà không muốn rời ra. Tay bà bị vấy não chảy ra từ một vết thương.

Việt Nam! Việt Nam!… Xứ Annam. Một xứ Annam tàn bạo!

Hai nạn nhân thoát chết trong vụ Yên Báy đã về đến Marseille (Le Petit Parisien, 18-6 1930, trang 3)

Marseille, 17 juin.

Trên chiếc tàu thủy Amboise, chạy đường Viễn Đông sáng nay đã tới cảng Marseille. Người ta nhận thấy có hai trung sĩ Bouhier và Renaudet, hai nạn nhân thoát chết trong vụ Yên Báy. Hai hạ sĩ quan này đã bị thương rất nặng cụt tay chân trong cái đêm kinh hoàng. Bouhier bị 27 vết thương, tay phải bị cụt, tay trái bị tê liệt. Còn Renaudet, tay trái bị kiếm chém một nhát. Họ đã xác nhận với chúng tôi từng chi tiết một đã được nhà báo Louis Roubaud tường thuật trong tờ Le Petit Parisien. Nay hai người trở về nhà của họ, người thứ nhất về vùng Deux-Sèves, người thứ hai về vùng Allier.

Giải pháp mật thám không đủ

Hà Nội, 19 tháng sáu

(Le Petit Parisien, 20 juin 1930)

Bài tường thuật của đặc phái viên chúng tôi đưa ra một số ví dụ điển hình cho thấy dù những biện pháp của mật thám, hợp lý thế nào đi nữa, thì vẫn không đủ đi đến gốc rễ của vấn đề.

Dù đã có hằng trăm người đã bị bắt kể từ một năm nay. Và đã có 17 cái đầu đã rơi xuống kể từ khi tôi đến đây. Và chắc trong tương lai, sẽ còn nhiều cái đầu khác rơi theo.

Hôm qua đã có 128 người làm cách mạng đã được đưa xuống tầu đi đày ra đảo Poulo-Condore. Và đối với giới mật thám thì công việc ngập đến cổ.

Và có hàng ngàn điều để nói mà không thể nói hết. Như mới đây, tôi vào trong một nhà thương. Tôi đã thấy một bác sĩ thật giỏi và một y tá trực can đảm làm theo lệnh của

bác sĩ. Người y tá này không có bằng cấp, không có cả văn hóa nhưng lương mỗi tháng là 400 đồng chỉ vì người y tá này nhập tịch Pháp. Trong khi ông bác sỉ mức lương chỉ có 230 đồng vì là người Việt Nam. Và nếu muốn có mức lương cao trong nước của mình thì ông bác sĩ này chỉ có một cách là từ bỏ quốc tịch của mình.

Những đứa trẻ được bán với giá 15 đồng

Khi tôi đề cập đến đời sống khốn cùng của  lớp người dân quê mà con cái họ phải đem bán ở chợ như tại các tỉnh như Nam Định hay Thái Bình. Và người ta nghi ngờ lời nói của tôi.

Tôi phải viện dẫn lời chứng của bác sĩ Rougier, vị bác sĩ người Pháp này ở nhà thương Nam Định đã sống ở đất nước này từ 20 năm nay. Ông này cho biết việc bán trẻ con là chuyện thường ngày không ngừng. Nhưng năm nay thì việc bán trẻ con nhiều hơn tại các vùng như Nghĩa Hưng.

Các bà sơ truyền giáo đã mua cả 30 đứa nhỏ mà giá trung bình là 1 đồng rưỡi.

Phải nói thêm rằng tục bán trẻ con thế này còn đỡ độc ác hơn là vứt cho các cơ sở xã hội công cộng.

Nếu đứa nhỏ được các bà sơ mua thì chắc chắn nó sẽ được cho ăn uống đầy đủ, nó sẽ học được một nghề, mẹ nó có thể đến thăm nó lúc nào cũng được. Nếu nó một gia đình người bản xứ mua, nó sẽ không bao giờ bị đối xử tàn tệ. Nó sẽ trở thành con cái của gia đình người mua nó. Những gia đình người Việt Nam không có con trai nối dòng, mua những đứa trẻ trai để nó sau này thành con trưởng. Sau khi cha trong gia đình chết đi, nó sẽ đốt hương và cúng giỗ trước bàn thờ tổ tiên.

Tôi xin lỗi về những điều vừa được trình bày trên. Việc bán trẻ con, nhất là sau nhưng vụ tai ương như mất mùa, lụt lội ở nhà quê là điều mọi người đều biết cũng như tại các phố như Catinat hay Paul-Bert. Vậy chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả.

Sự thật thì không có gì nguy hiểm cả. Người ta chỉ có thể chữa lành căn bệnh sau khi đã chẩn bệnh. Điều nguy hiểm chính là là sự im lặng.

Tôi sẽ chỉ là một phóng viên tồi và một người Pháp xấu xa nếu tôi định bệnh của Đông Dương chỉ có thể chữa trị bằng sự mổ xẻ của mật thám và rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp trên mảnh đất Việt Nam này.

Như kết luận.

Hà Nội 19 tháng 6.

Trong vài tuần lễ, tôi sẽ hoàn tất thu tập những dũ kiện bằng cớ về cuộc điều tra mà tờ Le Petit Parisien đã giao cho tôi đảm trách ở Đông Dương này. Tôi có tổng hợp chúng lại và cố gắng bằng một ít lô gích, một chút thiện chí để có thể làm rõ câu chuyện thêm một chút.

Nhưng tôi cảm thấy thật ngại ngùng để tiếp tục công việc làm khiêm tốn của tôi và tôi có cảm tưởng những bài tường thuật đầu tiên của tôi đã được in ra từng ngày đã không được độc giả đón đọc như những gì tôi đã viết ra. Nghĩa là bạn đọc có những phê phán trước về một kết luận mà chính tôi chưa được biết.

Nhiều người ở thủ đô đã quá đơn giản hóa vấn đề Đông Dương. Người thì đặt vấn đề vì luật pháp quốc gia hay vì nhiệm vụ nhân đạo mà chúng ta cai trị đất nước này. Và một số khác cho rằng để bảo đảm các cho các nghĩa vụ và quyền hạn này, chúng ta chỉ phải đối đầu với một kẻ thù duy nhất: chủ nghĩa cộng sản.

Những loại người thứ nhất đã không hiểu rằng những công việc chúng ta làm ở đây đã và đang tiếp tục có lợi cho những đối tượng khiêm tốn nhất hoặc những người Pháp được bảo vệ. Và họ cũng không hiểu rằng chính sach của chúng ta khi thành lập liên bang Đông dương là cần thiết cho hòa bình trên thế giới.

Loại người thứ hai nhận xét đúng rằng các phong trào chống đối này do sự chỉ đạo của Đệ tam Quốc tế. Thử tưởng tượng rằng chỉ cần truy tầm ra những gían điệp của Moscow và làm tê liệt đầu não, tay chân của chúng sẽ chữa lành căn bệnh cách mạng  ở Việt Nam. Và khi đã tìm ra giải pháp  dùng các lực lượng cảnh sát, họ tin rằng họ đã có giải xong bài toán chính trị ở Việt Nam.

Nhưng giải pháp an ninh bằng cảnh sát là không đủ.

Tôi cũng đã ra thăm Huế. Các vua chúa Việt Nam thực sự sống sau khi họ chết. Họ đều muốn, trong trong cuộc đời ngắn ngủi trong cung điện, thấy sự vĩnh hằng bằng cách xây lăng tẩm cho riêng họ.

“Le coeur de l’Annam bat dans les mausolées.” (Trái tim của người Việt Nam đập trong các lăng tẩm ấy.)

Ở đất nước này người chết luôn theo phù hộ cho người còn sống.

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài của tác giả. DCVOnline biên tập, minh họa và phụ chú.