Những người bị quên lãng ở nhà tù Guiana thuộc Pháp (p2)

Trần Giao Thủy

Và nếu như hai người con Trinidad nửa Việt, nửa Anh không tìm được mộ của cha mình ở quê hương của ông thì linh hồn của người cách mạng Đông Du không những không bớt được nỗi quạnh hiu mà còn, mãi mãi lảng vảng ám ảnh tàn tích của nhà tù thuộc địa Côn Lôn (Poulo Condore) trên Đảo Côn Sơn.

(Tiếp theo p1)

Lý Liễu và Nguyễn Quang Diêu

Tuy nhiên, người Việt Nam bị đầy sang nhà tù khổ sai ở Guiana không phải chỉ bắt đầu sau thất bại của cuộc khởi nghĩa ở Yên bái năm 1930 mà đã có từ trước đó như Nguyễn Văn Hầu thuật lại câu chuyện của Nguyễn Quang Diêu, Lý Liễu, Đinh Hữu Thuật và Trần Ngọ đều bị đưa đi đầy ở Guiana từ năm 1914. Tuy nhiên thư khố thuộc địa của Pháp chỉ còn lưu giữ một hồ sơ phạm nhân rất sơ sài như của Đinh Hữu Thuật khi bị đầy đi tù khổ sai (“deportation”).

Nguồn: Lorraine M. Paterson, “Empire’s Exile: The Story of Lý Liễu”

Thiếu tài liệu thư khố thuộc địa về những tù nhân bị đầy cùng lượt với Đinh Hữu Thuật. Tuy nhiên, cả bốn người đều bị kết án theo luật “relégation” nghĩa là dù bị án 5 năm khổ sai như Lý Liễu hay 10 năm khổ sai như Nguyễn Quang Diêu và Đinh Hữu Thuật hay 8 năm như Trần Ngọ[1], sau khi mãn hạn tù khổ sai tất cả đều phải ở lại Guiana thuộc Pháp cho đến mãn đời[2].

Pháp cho rằng nhà tù ở Guiana đặc biệt thích hợp cho phạm nhân vùng Đông Dương vì đã có sức chịu đựng bệnh sốt rét giúp họ thêm sức chống lại bệnh sốt vàng da, một căn bệnh hiểm nghèo ở vùng Nam Mỹ. Nhà tù ở Guiana từ khi mới thành lập, có gần 40% tù nhân đã thiệt mạng vì bệnh sốt vàng da và sốt rét từ 1852 đến 1866. Đến 1887, Pháp ngừng không đưa tù nhân công dân Pháp sang Guiana nữa và chỉ đưa tù nhân người Ả Rập và người châu Phi đến đây, cùng lý do họ đã đưa tù nhân Đông Dương đến nơi này. Tính đến năm 1952, có tất cả khoảng 70.000 người tù đã bị đầy sang Guiana[3].

Thuyền đưa tù nhân thành viên của KDHH không trực tiếp đến Guiana mà đã ghé lại Marseille. Trong thời gian tạm giam hai tuần ở Marseille Nguyễn Quang Diêu nhận thấy đây là một thành phố đẹp, cách tổ chức, đời sống văn minh, nhưng không hiểu sao luật của đế quốc Pháp đối với dân thuộc địa lại rất tệ, ông đã làm thơ ghi lại những cảm nghĩ[4]:

“Chẳng biết rằng mình có tội chi
Tội chi dù có có nao gì!
Phép thần công-lý đành không hiệu
Luật nước văn minh gẫm cũng kỳ…”

Nguyễn Quang Diêu , 1914

 

Con tầu nhà tù La Martinière. Trên thuyền, tù nhân bị giam vào cũi; mỗi cũi nhốt khoảng sáu mươi đến tám mươi người, và cuộc hải hành dài từ mười lăm đến hai mươi ngày, tùy theo tầu Martinière có ghé lại Algeria hay không. Nguồn: http://francois.delboca.free.fr

Đoàn tù nhân sau đó đã được đưa đến Saint-Martin-de-Ré, đợi tầu Martinière, chỉ có hai chuyến mỗi năm, băng Bắc Đại Tây Dương sang Guiana. Trên thuyền, tù nhân bị giam vào cũi nhốt khoảng sáu mươi đến tám mươi người, và cuộc hải hành kéo dài từ mười lăm đến hai mươi ngày, tùy theo tầu Martinière có ghé lại Algeria hay không[5]. Trong một hồi ký viết tay của Lương Duyên Hồi, một đảng viên cộng sản bị đầy sang Guiana sau này, có đoạn mô tả chuyến hải hành từ Pháp đến Guiana,

“Sóng biển Đại Tây Dương thật là hùng vĩ, không sóng biển đại dương nào bì kịp. Qua Đại Tây Dương có rất nhiều anh em bị say sóng.”[6]

Lương Duyên Hồi, 1931

Khi Nguyễn Quang Diêu đến Guiana, ông cảm tác làm bài thơ,

Cảm tác khi đi đầy đến Cai-Danh

Bấy chầy mong mỏi xứ Cai-Danh,
Phong cảnh xem qua bắt động tình.
Bề rộng mênh mông dòng nước biếc,
Nội bằng mờ mịt mạn rừng xanh.
Dã man thảm hại cho người đó,
Tân khổ nài bao cái lũ mình?
Tuyệt chủng rõ ràng gương dưới mắt,
Trông người, ta lại ngẫm mà kinh!”

Nguyễn Quang Diêu (khi tầu cặp bến Cayenne French Guiana[7], mùa Xuân 1914)

Trên thực tế, tầu Martinère thả tù nhân xuống đất liền bên sông Maroni gần Guiana thuộc Hòa Lan (Surinam ngày nay) cách Cayenne khoảng hơn 200 cây số chứ không phải cập bến ở Cayenne như ông Nguyễn Quang Diêu mô tả. Các trại tù lớn nhất ở Guiana thuộc Pháp lúc đó là trại tù St Laurent và St Jean, nằm gần sông Maroni[8]. Nhà tù St Laurent cũng chỉ là chỗ tạm giam trước khi đưa tù nhân sang các nhà tù trên đảo ngoài khơi ở quần đảo Îles du Salut hay quần đảo Cứu rỗi (Salvation’s Islands) gồm ba đảo nhỏ là Île du Diable (Đảo Quỷ), Île Royale (Đảo Hoàng gia) và Île Saint-Joseph (Đảo Thánh Joseph). Khu vực này thuộc thủ đô Cayenne.

740 tù nhân rời St Martin de Re lên con tàu nhà tù “La Martiniere” đến Đảo Quỷ để thụ án khổ sai biệt xứ (11/25/1938 12:00 AM). Nguồn: AP

Một tù nhân ở Guiana (1933-1944), bị giam từ nhà tù Saint Laurent de Maroni đến biệt giam trên Đảo Quỷ, đã vượt ngục và trở nên nổi tiếng sau khi viết lại thành sách quãng đời tù với những cuộc vượt ngục, sau đó được viết thành một cuộn phim nổi tiếng. Đó là Henri Charrière (1906 – 1973), tác giả cuốn “Papillon” (1970) cùng tên với cuộn phim do Steve McQueen thủ vai Henri Charrière ra mắt năm 1973.

Tàn tích bu lông khóa cửa những xà lim tại nhà tù Saint Laurent de Maroni. Nguồn: Coen Wubbels.
(Trái) Henri Charrière (có hình con bướm xâm trên ngực); (phải) Steeve McQueen trong phim Papillon. Nguồn: https://allthatsinteresting.com

Bốn tù nhân Việt Nam trong KDHH được đưa đến một trại trên đất liền giam với nhóm tù nhân cắt gỗ trên rừng.

Bản đồ Guiana thuộc Pháp trong Thư khố ở Aix en Provence. Khu vực trong viền màu xanh lá cây là nơi Lý Liễu và các bạn tù của ông đã làm việc trong nhóm tù cắt gỗ. Nguồn: Lorraine M. Paterson, “Empire’s Exile: The Story of Lý Liễu”.

Dù là người trẻ tuổi nhất nhưng có lẽ vì với những năm du học ở Hong Kong ông đã thông thạo cả ba ngoại ngữ Anh, Pháp và tiếng Quảng Đông, Lý Liễu được giao trách nhiệm “cai tù” trông chừng 3 bạn tù còn lại. Theo Peter Zinoman, trong cuốn “The Colonial Bastille: A Social History of Imprisonment in Colonial Viet Nam 1862-1940.” Berkeley: University of California Press, 2001, lấy người tù Việt Nam coi người tù Việt Nam là một đặc điểm của nhà tù của Pháp ở Đông Dương.

Trong vị trí vừa là tù nhân vừa là cai tù, Lý Liễu có thể ra khỏi trại và hằng đêm có thể đi đến Cayenne, thủ đô của Guiana thuộc Pháp, cách trại tù hàng chục cây số để sinh hoạt với cộng đồng người Trung Hoa, Nhật Bản đang sinh cư ở đây. Ở Cayenne, Lý Liễu có thể mua được thuốc men, quần áo thường dân, đồng thời bí mật gửi và nhận thư[9].

Phạm nhân ở Guiana đều phải mặc quần áo màu xám khiến việc vượt ngục trở nên khó khăn hơn nhiều; thuốc men hẳn nhiên là nhu yếu phẩm cho những người sống nơi rừng thiêng nước độc, tật bệnh tràn lan.

Giấc mơ vượt ngục

Những giai thoại về tù nhân ở Guiana thuộc Pháp đều nhắc đến hai động lực đã giúp họ chịu đựng cuộc đời của người tù khổ sai biệt xứ. Đó là rượu rum tự cất và giấc mơ thoát khỏi địa ngục trần gian. Tuy nhiên, vượt ngục thoát khỏi Guiana là việc đầy khó khăn và nguy hiểm. Ngay cả khi hệ thống nhà tù không đủ người canh giữ, ở đó vẫn có hai lính gác thường trực đứng canh. Đó là rừng già và biển rộng. Ngay cả khi đã chuẩn bị được đủ vật dụng để có thể vượt ngục thì lòng tin đối với bạn cùng vượt ngục và thuyền trưởng (nếu có) là điều tối quan trọng. Nhà nhân chủng học Peter Redfield ước tính những người vượt ngục không trở lại khoảng 2-3% số tù nhân; nhưng thực sự không ai biết rõ bao nhiêu người đã vượt ngục thành công. Sử gia Stephen Toth nói, “Vượt ngục thực sự là một kỳ công đáng chú ý.” Hay chính xác hơn, “Vượt ngục thành công là một kỳ công thực sự đáng chú ý.” Nhiều giai thoại về nhà tù thuộc địa đã kể vì thiếu kiến ​​thức địa lý, nhiều tù nhân phải đựa vào thông tin truyền miệng trong tù để hiểu về địa hình xung quanh. “Những con đường tẩu thoát được biết đên nhiều nhất là đi về hướng tây bắc, về vùng Guiana thuộc Hòa Lan, băng qua rừng nhiệt đới hoặc thả bè trôi trên biển lớn.” Tuy nhiên, chính quyền thuộc địa đã treo giải thưởng cả trăm franc để bắt người vượt ngục là động cơ khiến thổ dân Nam Mỹ thường chạy theo săn đuổi để bắt lại người tù. Vượt ngục về  phía Nam, xuống Brazil hay đi lên mạn tây bắc đến Guiana thuộc Anh hoặc Venezuela hoặc Colombia hoặc đến đảo Trinidad còn khó khăn gấp bội. Những cuộc vượt ngục đến Trinidad, cách Cayenne cả ngàn cây số đường chim bay trên biển, thường kết thúc bằng cái chết – vượt ngục bằng đường biển là việc rất khó thực hiện nếu không có tay nghề giỏi về hàng hải, và ngay cả khi đã đến được Trinidad, tù nhân vẫn có thể  bị chính quyền Anh dẫn độ trả về lại Guiana thuộc Pháp[10].

Papillon, tù nhân người Pháp đã nhiều lần vượt ngục trong 11 năm tù khổ sai biệt xứ ở Guiana đã chọn đường bộ trong rừng già trong lần bỏ trốn đầu tiên ngày 28 tháng Mười một năm 1933. Henri Charrière đã băng rừng, cả 2000 cây số đường chim bay, đi qua Guiana thuộc Hòa Lan, qua Guiana thuộc Anh, xuyên nước Venezuela đến làng Riohacha ở vùng biển phía bắc xứ Colombia; nhưng Papillon và hai bạn cùng vượt ngục đã bị bắt giam lại sau 37 ngày chạy trốn. Papillon lại vượt ngục đến mũi La Guajira, cũng ở Colombia. Ông được một bộ lạc thổ dân che chở và sống vài tháng với họ; Papillon lại quyết định đi tiếp. Đó là một quyết định sai lầm khiến ông ta bị bắt lại ngay sau đó và giải về biệt giam 2 năm trên đảo Quỷ ở Guiana thuộc Pháp[11]. Trong bẩy năm tù sau thời gian bị biệt giam, Charrière lại tiếp tục vượt ngục thêm vài lần nữa. Lần vượt ngục thành công năm 1944, Papillon đã ôm bao vỏ dừa, trôi trên biển hàng ngàn cây số, để cuối cùng dạt vào đất liền ở Venezuela. Sau một năm ngồi tù ở đây Papillon được trả tự do và trở thành công dân của xứ Nam Mỹ này[12].

Đường Christophe-Colombe, Cayenne, đầu thế kỷ 20. Nguồn: https://world.nailizakon.com

Trở lại với Cayenne những năm đầu thế kỷ 20. Những cộng đồng thương nhân người Trung Hoa, đa số nói tiếng Quảng Đông, từ lâu đã trở thành người dân gắn bó với vùng đất tù đầy thuộc địa này cũng như ở những vùng đất, đảo lân cận. Thật vậy, thuật ngữ “Le Chinois” không phải là “người Trung Hoa” nữa mà nó có nghĩa là “Chợ góc phố” trong tiếng Pháp của người sinh sống ở Guiana. Đối với thương nhân Trung Hoa ở Cayenne, gặp và quen biết một học sinh của Trung Anh Học đường (St Joseph College) nổi tiếng ở Hong Kong cũng là một ngạc nhiên lý thú. Chính nhờ sự quen biết với cộng đồng này và sự giúp đỡ của họ mà Lý Liễu và những đồng chí của ông đã chuẩn bị vượt ngục từ giữa năm 1916 nhưng đến 1917 mới, cải trang thành người Trung Hoa, bắt đầu cuộc vượt ngục[13].

Trinidad, chốn tạm dừng chân

Đích đến của bốn sĩ phu, tù nhân trong KDHH là Trinidad, một hòn đảo nằm về phía đông bắc nước Venezuela, trên thềm lục địa Nam Mỹ. Cũng như hay hơn cả ở Cayenne, Trinidad có một cộng đồng lớn của người di dân gốc Trung Hoa.

Trinidad là đảo thuộc địa của Tây Ban Nha (Spain) từ 1498 đến năm 1787 nhưng đa số dân định cư là thực dân người Pháp từ vùng Caribbean nói tiếng Pháp, đặc biệt từ đảo Matinique. Đến năm 1797, Trinidad trở thành thuộc địa của đế quốc Anh[14]. Cộng đồng người Trinidad gốc Trung Hoa đã định cư ở đây từ đầu thế kỷ thứ XIX. Đến giữa thế kỷ đã có gần ba ngàn công nhân người Trung Hoa đến làm việc tại những đồn điền trồng cacao và mía làm đường. Làn sóng di dân Trung Hoa đến Trinidad lên cao vào nửa đầu thế kỷ XX, nhiều nhất là khoảng hơn 8.000 người năm 1960, nhưng đã ngưng lại sau cuộc cách mạng1949 ở Hoa lục; từ đó  số người gốc Trung Hoa ở Trinidad giảm dần còn gần 4000 người vào năm 2000.

Nhóm KDHH không gặp trở ngại trong việc cải dạng làm người Trung Hoa vì họ đều là người Việt Nam biết nói tiếng Quảng Đông nhờ đã có thời đi lại hay sinh sống ở Hong Kong trước đó. Đây là một lợi điểm để Nguyễn Quang Diêu và đồng chí chuẩn bị vượt ngục. Hơn nữa, họ lại được cộng đồng người Trung Hoa tận tình giúp đỡ sau hơn hai năm quen biết và giúp Lý Liễu gởi thư về và nhận thư từ Việt Nam cũng như những việc khác. Vả lại, đối với người trong chính quyền Anh ở Trinidad, hay nói chung người phương Tây – ít giao tiếp với dân xứ khác – thì gần như họ không thể phân biệt được những sắc dân ở châu Á; người nào trông cũng như người nào.

Mối quan hệ với cộng đồng người Trung Hoa ở Cayenne đã giúp cho nhóm Nguyễn Quang Diêu không phải băng rừng vượt ngục hay ôm bao vỏ dừa khô thả trôi trên biển như Papillon mười mấy năm sau đó.

Người Trung Hoa ở Cayenne đã chuẩn bị phương tiện cho người của KDHH giả làm thương nhân Trung Hoa thoát khỏi Cayenne bằng một chiếc thuyền đánh cá, và cũng đã liên lạc trước với một thương hội Trung Hoa ở Trinidad, gởi gắm, nhờ giúp đỡ. Năm 1917, Nguyễn Quang Diêu và Đinh Hữu Thuật trốn thoát khỏi Cayenne đến Trinidad trước Lý Liễu vài tháng[15].

Chuyến hải hành bằng thuyền từ Guiana đến Trinidad thời đó phải mất khoảng 17 ngày trên biển[16].

Các chí sĩ Đông Du vượt ngục sang Trinidad – thủ đô là Port-of-Spain nằm phía tây bắc hòn đảo – cuối Thế chiến thứ nhất và đúng vào đầu đợt sóng di cư thứ ba của người Trung Hoa ra nước ngoài từ sau cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911). Lần này đa số Hoa kiều mới đến Trinidad là bà con và bạn bè của những người di cư trước đó. Họ không phải là công nhân đồn điền mà là thương nhân, người bán hàng rong, và chủ những của tiệm buôn bán nhỏ[17].

Tòa thị chính Port-of-Spain, Trinidad, B.W.I. . Nguồn: https://www.caribbeanmemoryproject.com/place-and-memory-port-of-spain.html

Đến Trinidad, Nguyễn Quang Diêu được đưa vào phụ trách thư từ giao dịch cho một chi nhánh của thương hội người Trung Hoa ở địa phương, ban đêm học tiếng Anh; Đinh Hữu Thuật, làm cùng chỗ lo việc kiểm soát hàng hóa ra vào. Đời sống ở Trinidad đã ổn định, nhưng các chí sĩ Đông Du miền Nam vẫn không quên những người bạn đồng chí hướng ở nước nhà khiến  Nguyễn Quang Diêu có lần đã liều xin được đi công tác bên Anh, nhưng thực ra để tìm nghe tin tức của anh em trong nước. Thất vọng vì không tìm được đồng chí, không được tin xác thực về những nhân vật lãnh đạo chống thực dân, cách mạng trong nước thoái trào; đến năm 1920 nhóm KDHH ở Trinidad có ý định trở về góp phần hâm nóng lòng yêu nước giành độc lập. Cuối cùng họ quyết định từng người sẽ lần lượt trở lại Hong Kong hay Trung Hoa trước thay vì về thẳng Việt Nam[18].

Sau một thời gian làm việc với thương hội, Lý Liễu lập gia đình với một phụ nữ người Anh ông đã quen biết qua công việc; nhờ tài chính bên vợ, hai người đã mở một của hàng nhỏ, buôn bán, xây dựng gia đình[19].

Tiếp tục con đường cách mạng

Nguyễn Quang Diêu

Nguyễn Quang Diêu. Nguồn: Họa sĩ Hà Khê vẽ theo tường thuật của môn sinh Nguyễn Chính Giáo (Nguyễn Văn Hầu, Ibid.)

Vào giữa năm 1920, Nguyễn Quang Diêu lấy tầu sang Hoa Thịnh Đốn; ở đó một thời gian ngắn ông lại lên đường, cuối năm 1920, tầu cặp bến ở Hong Kong. Không liên lạc được với đồng chí nên Nguyễn Quang Diêu sang Quảng Châu mong gặp Nguyễn Hải Thần, Cường Để, Phan Bội Châu. Một lần nữa, Nguyễn Quang Diêu lại thất vọng vì chỉ gặp được Nguyễn Hải Thần khi ông đang hướng dẫn một số du học sinh; Cường Để đã bỏ đi Nhật sau khi không đợi được những hứa hẹn bất thành của Đoàn Kỳ (Khải) Thụy, chỉ huy trưởng quân đội Bắc Dương lúc đó. Ông bỏ đi Tứ Xuyên nhờ một người bạn Trung Hoa giúp đỡ và đi làm tại một tiệm thuốc lớn ở đây, và đôi khi trở lại Quảng Châu tìm thêm tin tức[20].

Phan Bội Châu đã đi Hàng Châu từ cuối năm 1919, sống bằng nghề viết báo[21].

19, tháng 6, 1924, tiếng bom Sa Điện của Phạm Hồng Thái đã tụ tập chí sĩ Việt Nam trở lại Quảng Châu: Phan Bội Châu (Hàng Châu), Nguyễn Quang Diêu (Tứ Xuyên). Tuy vậy, hoạt động cách mạng tại đây cũng không đem lại kết quả đang kể, dù có những lúc bừng lên như khi Phan Bội Châu được “ân xá”, rồi Phan Chu Trinh qua đời (1926). Thời gian này, để tránh tai mắt của mật thám Pháp, Nguyễn Quang Diêu được bạn bè gởi sang Nữu Ước (New  York) tạm trốn một thời gian ngắn.

Cuối năm 1926, Nguyễn Quang Diêu từ giã Nguyễn Hải Thần và  bạn bè, lên tầu về Sài Gòn bằng giấy thông hành Trung Hoa, tên Nam Xương, nên đã không bị để ý. Đầu năm 1927 ông về Sa Đéc gặp lại bằng hữu với vợ và hai con.  Năm 1913 khi rời Việt Nam đi Hong Kong, trong một bài thơ gởi cho vợ, Nguyễn Quang Diêu viết,

“Sông cũng khi khô đá cũng mòn,
Cùng ai tạc một tấm long son […]
Ai ôi! Hãy nếm mùi ly biệt,
Có nếm rồi ra mới biết ngon.”

Nguyễn Quang Diêu , 1913

Mười bốn năm sau, khi lặp lại vợ hiền ở Sa Đéc, ông nói,

“Tôi tưởng bỏ thân đất lạ, nay may mà được về đây, mừng rỡ gặp nhau như vầy cũng là quý lắm. Thôi bà trở về lo-lắng nuôi con, còn phần tôi, bao giờ việc nước chưa xong thì chắc tôi chưa sum vầy với gia-đình được.”

Nguyễn Quang Diêu , 1927

Tại đây Nguyễn Quang Diêu đổi giấy thông hành mới vẫn giữ tên Nam Xương, nhưng lại có them “giấy thuế thân” tên Trần Văn Vẹn.

3 năm tù biệt xứ, 11 năm trôi giạt với phong trần, từ Trinidad, đến Washington, từ Hàng Châu, Tứ Xuyên, đến New York, Nguyễn Quang Diêu vẫn ôm hoài bão đuổi thực dân, phục hưng đất nước.

Tháng 3 năm 1927 Nguyễn Quang Diêu trở về hoạt động bí mật ở Trà Vinh, Bến Tre, Tân An, Sài Gòn, Cần Thơ, v.v. tìm lại đồng chí cũ, nhưng gặp ai cũng chi một tiếng than, “cách mạng đã thoái trào”. Ông nhận thấy sự cai trị tinh vi hơn của thực dân đã dìm được nhiệt tình cách mạng trong long dân chúng nên quay sang làm thơ văn tuyên truyền trong giới bình dân.

Đến tháng 5, 1929 Nguyễn Quang Diêu về Tân An tìm bạn cũ, rồi giả làm thầy thuốc, làm việc và nương náu ở tiệm thuốc Việt Lai Đường và dậy học. Thực dân ở địa phương lại ra lệnh đóng cửa trường dù không biết mặt hay biết ông thầy thuốc là ai.

1930 ông về Cao Lãnh lén lút hoạt động đến năm 1932, Nguyễn Quang Diêu lại làm thầy giáo làng Vĩnh Hòa, đồng thời là thầy thuốc đông y. Ông qua đời ngày 3 tháng 7, 1936 (15 tháng 5, năm Bính Tý) vì bệnh thương hàn (typhoid fever), thọ 56 tuổi. Tuy vậy, chính quyền thực dân ở Châu Đốc, mãi 5 năm sau khi người chí sĩ Đông Du miền Nam qua đời mới biết được tung tích của ông[22].

Lý Liễu

Một buổi chiều ở miền Nam nước Việt, những năm đầu thập niên 1930, một người đàn ông trung niên ngồi tâm sự với bạn:

“Hiện bây giờ, bên kia trời xa vợi, vợ con tôi có dè đâu tôi ở đây. Chắc chúng nó nhớ nhung tôi dữ lắm.”[23]

Lý Liễu

Đó là nỗi lòng của một người chồng, một người cha và cũng là phạm nhân trẻ tuổi nhất trong các chí sĩ Đông Du miền Nam bị đầy sang Guiana khi mới 21 tuổi.

Năm 1923, ở Port-of-Spain, thủ đô của Trinidad, một thuộc địa của Anh ở vùng biển Caribbean, một thiếu phụ trẻ, người Anh, cùng hai con trở về nhà sau chuyến đi thăm gia đình ở ngoại ô, mới biết chồng mình, một Hoa kiều, đã bỏ đi biệt tích – có thể là đã trở về Hong Kong – không một lời giã biệt, chỉ để lại một phong thư. Thiếu phụ đó và hai đứa trẻ hai dòng máu không khi nào gặp lại chồng và cha của họ nữa. Cô bé gái tên Trung Hoa là “Ngoành”, còn tên cậu con trai không có tài liệu nào ghi lại và có lẽ không ai còn nhớ[24]. Đó là hoàn cảnh của vợ con Lý Liễu khi ông quyết định về lại Hong Kong tiếp tục cuộc đời cách mạng, sau 3 năm tù ở Guiana và 6 năm sống với gia đình ở Trinidad. Một niềm ân hận khác của Lý Liễu là vợ con ông không hề biết ông là người Việt Nam, họ vẫn đinh ninh ông là người Trung Hoa suốt 6 năm chung sống.

Người ta không biết rõ về hoạt động của Lý Liễu ở Hong Kong và Trung Hoa sáu năm sau khi rời Port-of-Spain, Trinidad. Có thể gọi khoảng 1923-1929 là “Những năm chưa biết đến” trong đời cách mạng của ông.

Từ Hoa Kỳ, đi đường biển, giữa năm 1925 Lý Liễu mới tới Hong Kong. Trong thời gian ở Quảng Châu ông cũng gặp Nguyễn Hải Thần và một số thanh niên Việt Nam đang học ở trường Quân sự Hoàng Phố (hay Hoàng Phố Quân hiệu, 1924-1926). Nếu Lý Liễu đã gặp những thanh niên Việt Nam theo học ở trường Hoàng Phố khóa 4 (nửa sau năm 1925) có thể tại đó ông đã gặp Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Lê Quang Đạt, v.v. thành viên của Tâm Tâm Xã hay Tân Việt Thanh niên Đoàn (1923-1925) mà Hồ Tùng Mậu, Phạm Hồng Thái, Lâm Đức Thụ cũng là thành viên Trước khi Tâm Tâm Xã tự giải tán năm 1925.

Đến năm 1929, đã có giấy thông hành Trung Hoa, Lý Liễu quyết định trở về Việt Nam. Về tới Sài Gòn, Lý Liễu liền đi Mỹ Tho tìm người bà con, Ngày hôm sau ông được thân phụ (Lý Chánh) cho người em ruột (Lý Thảo) đến đón về Tam Bình đoàn tụ với gia đình sau hơn hai mươi năm xa cách. Không bao lâu sau, ông lại lên đường đi tìm những người bạn cũ như Bùi Chi Nhuận, Định Hữu Thuật, rồi Nguyễn Quang Diêu, Huỳnh Hưng, Gặp ai ông cũng nghe tán thán, “cách mạng đã thoái trào”, chưa có cơ hội thuận tiện hoặc đang bị mật thám Pháp theo dõi gắt gao không thể hoạt động được. Không nản lòng, Lý Liễu quay sang kêu gọi và kết nạp thanh niên, giảng giải về dân chủ ở nước người. Thực dân dò biết tin, ngỏ lời chiêu dụ ông hợp tác. Không chấp nhận làm việc với Pháp, ông lui về vùng quê, liên tục phải di chuyển, hóa trang để tiếp tục vận động đấu tranh, và chờ cơ hội.

Bốn chí sĩ Đông Du Miền Nam đã đến “Địa ngục trần gian” và đã đi khỏi đó vào năm 1917; máy chém khô ở Guiana cũng không lấy được thủ cấp của họ; thật mỉa mai và bi thảm, một trong bốn người đã bỏ thây ở nhà tù thực dân ở chính trên quê hương mình, tại đảo Côn Lôn.

Mùa hè năm 1933, đang ẩn náu ở Lộ Ông Kế, Vĩnh Long, Lý Liễu bị chính quyền Pháp vây bắt. Tòa án thực dân buộc tội ông làm loạn, phá rối trị an và đã vượt ngục ở Guiana – 16 năm trước đó – rồi kết án 15 năm khổ sai và đầy ông ra Côn Đảo. Không lâu sau đó, Lý Liễu qua đời trong nhà tù lúc mới 40 tuổi. Ngay sau đó cha ông, Lý Chánh, cũng bị bắt và buộc tội “làm quốc sự” và cũng bị đầy ra nơi đó, và cũng đã chết trong tù[25].

Kết thúc bài “Lý Liễu và Phong trào Đại Đông-Du”, tác giả Nguyễn Văn Hầu đặt hai câu hỏi,

“Có ai cắm giùm nơi Lộ Ông Kế, tại mái tranh nghèo che thân của nhà cách mạng nầy một tấm bia kỷ niệm? Có ai tìm được dấu vết nắm xương tàn của hai cha con nhà ái quốc nầy để đặt lên đây vài phiến đá cho người đời nghi nhớ và cho linh hồn liệt vị đỡ bớt phần nào nỗi quạnh hiu?”

Nguyễn Văn Hầu, Ibid.

Và nếu như hai người con Trinidad nửa Việt, nửa Anh không tìm được mộ của cha mình ở quê hương của ông thì linh hồn của người cách mạng Đông Du không những không bớt được nỗi quạnh hiu mà còn, như nhận định của Lorraine M. Paterson, mãi mãi lảng vảng ám ảnh tàn tích của nhà tù thuộc địa Côn Lôn (Poulo Condore) trên Đảo Côn Sơn.

Một đoàn tù nhân ở Côn Lôn, nhà tù lớn nhất Đông Dương, giam thường phạm và chính trị phạm. Nguồn: © Collection Éric Deroo

(Xem tiếp p3, KếtEpilogue)

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: DCVOnline biên tập và minh họa.

[1] Nguyễn Văn Hầu, Ibid., “Oan anh Trần Ngọ quá chừng, / Tám năm tân-khổ không phân lẽ nào.” Trong bài “Hà Thành lâm nạn”, Trang 46, 162.
[2] Lorraine M. Paterson, Ibid., p 93.
[3] Lorraine M. Paterson, Ibid., p 95-6.
[4] Nguyễn Văn Hầu, “Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu, Thi ca và Cuộc đời một lãnh tụ trọng yếu trong phong trào Đông Du miền Nam”. Nhà xuất bản Xây Dựng, 1964, trang 52.
[5] Lorraine M. Paterson, Ibid., p 97.
[6] Lương Duyên Hồi, “Từ Đảng ra đời cho đến khi đi đày Guyane”, Hồi ký viết tay không xuất bản của một đảng viên Cộng sản bị bắt và đi đầy ở Guiana ngày 17 tháng 5, 1931. Hồi ký là tài liệu riêng của gia đình ông lưu giữ.
[7] Nguyễn Văn Hầu, Ibid., trang 52.
[8] Lorraine M. Paterson, Ibid., p 97.
[9] Nguyễn Văn Hầu, Ibid., trang 54.
[10] Lorraine M. Paterson, “Empire’s Exile: The Story of Lý Liễu”, Academic and staff blogs from the University of Leicester, February 11, 2016.
[11] Charrière, Henri (2005). “Papillon”. Translated by O’Brian, Patrick. London: Harper Perennial.
[12] Arantes, Platão (22 September 2006). “A Grande Farsa” [The Great Hoax]. Jornal O Rebate (in Portuguese). Archived from the original on 9 January 2013. Truy cập Wayback Machine  ngày 15 September 2019.
[13] Lorraine M. Paterson, “Empire’s Exile: The Story of Lý Liễu”.
[14] Bridget Brereton, “Trinidad, 1498-1962”, History Department, University of the West Indies (UWI), Trinidad.
[15] Nguyễn Văn Hầu, Ibid., Trang 56-7.
[16] Lorraine M. Paterson, Ibid.
[17] National Library and Information System Authority (NALIS), “Chinese Arrival”, Truy cập nagfy 15 tháng 9, 2019.
[18] Nguyễn Văn Hầu, Ibid., Trang 57-59.
[19] Lorraine M. Paterson, Ibid.
[20] Nguyễn Văn Hầu, Ibid., Trang 59-61.
[21] Nguyễn Đình Chú, “Phan Bội Châu – Nhà văn hoá”, Viet-Studies (2010 viết, “Cũng như xem ‘Lược truyện Liệt Ninh, vĩ nhân của nước Nga đỏ’ do Phan Bội Châu viết in trên Binh sự tạp chí, Hàng Châu, Trung Quốc 1921 sẽ thấy ở thời điểm đó quả chưa có người Việt Nam nào hiểu biết nhiều, viết kỹ về Lê Nin như cụ Phan.”
[22] Nguyễn Văn Hầu, Ibid., tóm tắt trang 62-98.
[23] Nguyễn Văn Hầu, Ibid., chú thích ở trang 59.
[24] Nguyễn Văn Hầu, “Lý Liễu và Phong trào Đại Đông-Du”, Ibid., chú thích trang 46.
[25] Nguyễn Văn Hầu, “Lý Liễu và Phong trào Đại Đông-Du”, tóm tắt trang 47-49 và Lorraine M. Paterson, “Empire’s Exile: The Story of Lý Liễu”.