Cộng sản và tôi (p1)

Nguyễn Văn Lục

Tôi như thể không thuộc về thế giới cuộc chiến nhố nhăng ấy. Nếu cho chọn thì tôi sẽ đứng về phía những người lính Tây.

Cộng sản và tôi qua hành trang “Tình Nghĩa Quốc Văn Giáo Khoa Thư”

Nếu nói về tuổi đời thì tôi với đảng cộng sản tròm trèm tuổi nhau. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930. Tôi sinh năm 1938.

Vừa có trí khôn là tôi đã biết họ là giống gì. Nhớ lại, tôi vừa mới biết đọc biết viết, biết cộng trừ mà chưa biết nhân chia thì được gia đình gửi lên Hà Nội học. Đúng ra là do quyết định của ông anh lớn. Anh muốn tôi theo con đường mà anh đã đi. Anh lớn của tôi là người lo cho gia đình, cho anh em họ hàng và cả làng xóm nữa.

Anh là một thanh niên theo Hướng đạo.

91 – Anh em phải hòa thuận”. Quốc Văn Giáo Khoa Thư (QVGKT), lớp Dự bị. Bài học 91, trang 93 vietlist.us)

Ngoài sách QVGKT, thanh thiếu niên được đào luyện thêm trong môi trường hướng đạo thì tuyệt vời.

Ngay từ nhỏ, anh tôi đã huấn luyện và hướng dẫn chúng tôi nhiều điều theo tinh thần và sinh hoạt của hướng đạo sinh, như tổ chức đi cắm trại, tập bơi lội, chơi thể thao, đi du khảo, …

Ngoài anh tôi thì người thầy thứ hai sau này là sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Một cách nào đó, dù cuộc đời tôi có những lỗi lầm, nhiều vấp váp, nhưng cái tinh thần của luân lý giáo khoa thư nó vẫn bàng bạc trong cuộc sống, trong những hoàn cảnh khác nhau. Nó giúp tôi phân biệt điều xấu, điều tốt, điều gì nên làm và điều gì nên tránh. Những bài học rất ấn tượng và in vào đầu tôi mãi đến sau này là chuyện: Học trò biết ơn Thầy,  truyện ông Carnot.

Cái thứ ba, rất tiếc, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc đời tôi sau này và gây trăm điều phiền nhiễu chẳng những cho tôi mà cả đồng bào tôi là đảng Cộng sản Việt Nam. Nó chỉ có mặt trước tôi khoảng chục năm, nhưng nó đã gây biết bao nỗi khốn khổ trăm bề cho anh cả tôi (23 năm tù cộng sản ở ngoài Bắc, lúc được thả ra thì thân tàn ma dại). Nó đánh mất hết tuổi thanh xuân tôi, lỡ cỡ việc học hành, coi như mồ côi cha mẹ. Rồi cả gia đình lũ lượt di cư vào Nam. Tưởng đã yên thân. 20 năm sau, nó đã chiếm miền Nam xô đảy tôi một lần nữa trốn chạy ra hải ngoại tưởng đã bỏ mình ở biển cả.

Nó đi đến đâu gieo đau thương, chết chóc, tang thương cho dân lành đến đó.

Vậy mà nó vẫn tưởng nó ngon. Không ai muốn bỏ xứ, cực chẳng đã và liều chết mà đi. Cả triệu người bỏ nước ra đi thì nó phải có đủ lý do để người ta liều chết mà làm như vậy. Thế giới xúc động mở rộng vòng tay đón nhận. Chỉ có người cộng sản là không.

Như thế, có nên coi họ có còn là giống người không?

Phần các chị tôi lo chuẩn bị sắm sửa quần áo cho tôi đi học. Chị sát tôi xem ra ảnh hưởng trực tiếp việc này hơn cả. Chị nhìn tôi vừa thương như sợ mất mát, vừa hờn trách em: ‘Lớn rồi, trông phởn phơ lắm rồi.’ Từ một đứa trẻ nhà quê lên Hà Nội học là một ước mơ không dám nghĩ tới. Cả một tương lai mở ra trước mặt. Cha mẹ, người lớn, anh chị và họ hàng đều trông chờ vào tương lai đứa trẻ. Sự hãnh diện đến xốn xang như bay lượn trong không khí gia đình nhộn nhịp cho ngày từ giã quê nhà. Tôi được nâng chiều một cách quá đáng, không ai nỡ trách mắng.

Ai cũng mong cũng đợi nhưng lại không muốn điều ấy xảy ra

Cơm nước xong rồi, thầy mẹ tôi, anh em, chị em tôi tôi: cả đến người ăn người ở trong nhà, đều tiễn tôi ra tận bờ sông, chỗ thuyền đậu.

Vừa ra khỏi nhà, thì trong lòng tôi tự nhiên sinh ra buồn rầu vô cùng. Từ thuở bé đến giờ, chỉ quen vui thú ở nhà, nay tôi mới biết cái cảnh biệt ly là một.”

“Kẻ ở người đi”, QCVKT Sơ đẳng, trang 46
“Kẻ ở người đi”, QCVKT Sơ đẳng, trang 46

Phần tôi không có ý niệm gì rõ rệt về tương lai cả. Hà Nội dưới mắt tôi vỏn vẹn chỉ là miếng bánh tây (không phải bánh mì).  Nghĩ tới Hà Nội tự nhiên nước bọt nhiễu ra. Đã có lần, anh lớn tôi từ Hà Nội về làm quà cho mấy đứa em cái bánh tây, được cắt ra từng lát. Cái bánh tây thời đó sao nó thơm ngậy, nghĩ tới đã thèm rỏ rãi. Hạnh phúc dưới mắt một đứa trẻ thật đơn giản, thực tiễn và nhỏ nhoi. Nó có thể đánh đổi ngay cả cuộc đời.

Đó là thứ hạnh phúc theo kiểu “Thằng Bờm có cái quạt mo”.

Nhưng tôi chưa kịp học được một chữ nào lúc lên Hà Nội thì ít lâu sau xảy ra chiến tranh Đông Dương lần thứ I.

Thế là tiếp theo cả một thời nhố nhăng, loạn lạc, ly tán bắt đầu.

Những suy nghĩ sau đây của tôi là thuần khiết của một đứa trẻ vừa bước vào ngưỡng cửa cuộc đời. Đừng bắt một đứa trẻ phải nghĩ khác được. Chiến tranh dưới  mắt một đứa trẻ là điều không hiểu được. Tôi đành mượn Văn Tế Cần Giuộc của cụ Nguyễn Đình Chiểu trong sách QVGKT diễn lại. Cảnh có thể khác, nhưng người thì vẫn chỉ là một để gián tiếp nói đến cảnh chia lìa thời chiến tranh:

Đau đớn bấy, mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lắt trong lều; não nùng thay, vợ yếu chạy tìm chồng, con bóng xế dật dờ trước ngõ.”

Nguyễn Đình Chiểu

Tình cảnh ấy làm cho tôi càng ghét cộng sản từ khi ấy. Ra nông nỗi này là vì ai?

Tôi hiểu mù mờ, rồi dần hiểu rõ là do Việt Minh gây ra cả. Tôi càng ghét cay, ghét đắng Việt Minh[1] từ đấy.

Từ cái ghét ấy đâm ra ghét lây nhiều thứ lắm. Ghét lối ăn mặc lôi thôi, lếch thếch, ghét cái hình dáng thô kệch đeo những khẩu súng gỗ dài quá khổ, ghét những khẩu hiệu hô vang, ghét sự quê mùa mà không  giải thích được. Tôi còn ghi nhớ lại  một đám thanh niên, ăn mặc lôi thôi lếch thếch, chân đi đất, đeo súng gỗ đi ắc ê trên đường phố Hà Nội như khiêu khích lính Tây, nhưng họ đóng cửa trại Hành Chánh, tài chánh, lính gác lui vào bên trong từ trên một lô cốt chĩa súng ra, im lìm không có phản ứng gì.

Tôi ghét sự lố bịch. Ghét lây lan sang gương mặt ông Hồ trông không có cảm tình chút nào. Một ông già nhà quê, mặt mũi hốc hác, râu ria tua tủa lại là “lãnh tụ” với những từ xưng tụng lạ lẫm như “ Bác” , “cụ Hồ”. Ghét cay ghét đăng cái cảnh ông ôm chặt một bé gái.  Về sau thì rõ cái đểu cáng của một tên già mắc dịch. Võ Nguyên Giáp người thì lùn lủn củn đi bên cạnh duyệt binh với sĩ quan Tây cao lớn. Trông lố bịch quá.

Tôi chỉ có thể ghét cái bề ngoài ấy mà chưa đủ tầm trí để hiểu sâu xa về lý thuyết của họ. Tôi cũng còn nhớ khi ấy còn sót lại một vài lính Nhật. Tôi thấy nể sợ mà không cảm thấy ghét.

Hình ảnh tự vệ thành hồi 1945 và khi họ vào giải phóng miền Nam 1975 vẫn là một. 30 năm hai lần cướp nước vẫn là một hình ảnh.

Cái ghét như cái con ghẻ bám vào da thịt làm ngứa ngáy, gãi loét đến mưng mủ. Thà là nhìn một anh lính Tây da đen, gạch mặt đi nữa trông nó vẫn người hơn.

Có lẽ tôi phải để cho một nhà văn miền Nam với lối nói thẳng, nói it hiểu nhiều, nghe  đã hơn:

Có lần, chị Nguyễn Thị Vinh lặn lội từ Saigon lên thăm cụ thân sinh của tôi, tôi có bảo chị,

“Em chẳng hiểu “cách mạng”, chẳng hiểu xã hội chủ nghĩa gì ráo. Nhưng coi bộ họ “đía” thì giỏi, nhưng nhúng tay vào việc làm thì dở ẹt.”

Hồ Trường An. Giai thoại hồng. Thế thời phải thế.

Bố của Hồ Trường An theo cộng sản.

Như đã nói, tôi đã lấy Quốc Văn Giáo Khoa thư làm kẻ dẫn đường ngay từ khi biết đọc, biết viết. Một cách ngoài ý muốn và vô thức, đấy là thứ võ khí tôi được trang bị để chống lai ý thức hệ cộng sản. Nhưng tôi nghĩ xa hơn. Sở dĩ sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư đánh động tâm tư nhiều đứa trẻ vì những giá trị luân lý ấy đã tiềm ẩn sâu kín sẵn ngay trong lòng các trẻ con.

Nó có sẵn – đã là như thế như một truyền thừa từ bao thế hệ – mà các bài học chỉ là cơ hội mở nó ra. Đây là một triết lý sống của con người Việt Nam từ Nam ra Bắc mà sau này cho dù tôi có cơ hội học nhiều tư tưởng  triết lý Tây Phương cũng như triết lý Nho Giáo, chưa kể tôn giáo. Nó vẫn là kẻ còn lại cuối cùng trong hành trình nhân thế của một đời người. Mọi tư tưởng, cho dù có cao siêu rồi cũng nhạt dần theo thời gian. Nhưng tinh thần sách QVGKT thì cứ phảng phất, bàng bạc quanh ta và quấn lấy ta như thể không rời. Nó là cái gì còn lại sau khi các thứ khác rơi rụng, tàn úa với cuộc đời.

Cho nên cần điều gì chỉ dẫn. Nó có hết, cứ dở sách ra là xong. Mọi sự khôn ngoan và cách ứng xử ở đời đều có sẵn ở trong đó cả.

Sách dạy điều trước tiên không có gì cao siêu cả, là con người ta phải biết ăn ngay ở lành. Bốn chữ ấy gói ghém cả một kho giá trị đạo đức.

Trong khi đó thì Cộng sản chỉ reo những điều ác độc. Mới đây, có cuốn film The death of Stalin. Coi mới thấy hết sự độc ác của trùm mật vụ Beria độc ác đến như thế nào.

Bây giờ nghĩ lại cũng vẫn vậy, cộng sản vẫn là loại người vô cùng ác độc, làm hại dân, hại nước. Tôi vẫn muốn đi tìm những người cộng sản tử tế, nhưng xem ra hiếm quá. Chắc là có chứ không phải không có. Tôi còn nhớ không quên. Chưa nắm quyền, họ đã đến bắt bố tôi đi tù trại Lý Bá Sơ chỉ vì là ông Trùm xứ. Bắt ông Lý Trưởng làng tôi đi biệt tích. Nhiều phần là cho vào rọ rồi bỏ trôi sông. Cửa sông Đáy ở làng tôi thời trước 1945 có xác chết bị giết cho vào rọ trôi dập vào kè cống, trương phình như heo nướng. Ai cũng sợ. Đó là giết người có tính khủng bố!

Tôi hơi khoe khoang với độc giả khi tôi dở cuốn sách Histoire mondiale du communisme, tome 2 : Les victimes hơn 1000 trang của Thierry Wolton. Trong chương VXI, ông viết con người chỉ là một cái vít nhỏ trong một guồng máy. (Les petites vis et la machine.)

Tác giả trích dẫn một câu tuyên truyền của Mao: “Etre une petite vis dans la grande machine du socialisme.” (Con người chỉ là cái đinh vít nhỏ trong guồng máy vĩ đại của chủ nghĩa xã hội.) Thierry Wolton,  Histoire mondiale du communisme, tome 2 : Les victimes. Grasset, 2015, trang  667

Tôi chưa từng thấy họ làm điều gì tốt cho dân. Trước cũng vậy. Bây giờ cũng vẫn vậy. Xem phỏng vấn đài BBC, nhiều thanh niên ở Vinh, vì nghèo đói, gia đình phải đi vay nợ đóng góp hơn 6000 đô la cho bọn trung gian để con trai được sang Đài Loan làm công. Kể như hai năm làm không lương. Nghĩ cái chế độ ấy đẻ ra bao nhiêu điều bất nhân xảy ra hằng ngày trong nước. Đàn bà thì bán ra nước ngoài, làm điếm trá hình. Đàn bà bán trôn nuôi miệng. Đàn ông thì làm cu ly cho người ta để đem tiền về nuôi gia đình. Tiếng là nuôi gia đình, nhưng tiền đó là Kiều hối. Đó là hoạt cảnh hiện nay. Nào phải xa xôi gì? Nghĩ mà buồn cho người dân nước mình và mặt khác cảm thấy mình may mắn quá.

Chiến tranh xảy ra là bao nhiêu nhà cửa nát nhà tan, gia đình chia lìa, ly tán. Già trẻ lớn bé, gồng gánh, cõng nhau được lệnh rời khỏi thành phố trong sự hấp tấp với ánh mắt lo lắng sợ hãi. Đó là những hình ảnh khắc sâu vào trí nhớ một đứa trẻ không bao giờ quên được của chiến tranh. Chiến tranh “làm phiền” mọi người, ngay cả đến những con chó, con mèo. Còn con người thì như cái cây bị bứng ra khỏi gốc rễ. Những lời cầu kinh nguyện râm ran của người giáo dân xem ra đầy nỗi van xin và tuyệt vọng. Tiếng kêu cầu như không được đoái đến. Chúa như khước từ không nghe.

Tôi lạ lẫm với chính mình về thái độ thản nhiên, không sợ hãi những gì đang xảy ra chung quanh. Chiến tranh hình như chỉ có thể bắt nạt người lớn và làm họ sợ. Tôi chỉ thấy có sự đổi khác và mất đi những sinh hoạt bình thường của đời sống.

Tôi chỉ có một mình nên không biết chạy đi đâu. Phía trước tôi là chiến tranh. Phía sau tôi là cộng sản. Tôi chạy đằng nào?

Các anh tôi ở chỗ khác nên chắc là theo lớp sóng người vội vã rời thành phố. Cái cảnh lạc đàn sau này mãi tôi mới thấm hiểu. Tý tuổi đầu đã lạc đàn. Có những buổi chiều, tôi ngồi bó gối nhìn đăm đăm ra đường hướng về quê nhà. Nhớ nhà, nhớ khung cảnh xóm làng, nhớ những phiên chợ, nhớ những ngày đình đám của nhà xứ. Ngớ cha nhớ mẹ. Nhớ các chị. Nhớ những món ăn mẹ làm như cá rô rang muối, cháo cá quả và nhất là  hương vị cay đắng ngọt bùi của bữa gỏi cá mè ngày tát ao cá. Nhớ tiếng chuông nhà thờ sáng chiều như thúc dục rộn rã. Nhớ những con đường làng lát gạch bổ cau. Nhớ những bờ đê với tiếng sáo diều, tiếng lục lạc gọi trâu về chuồng lúc mặt trời chiếu xiên khoai. Nhớ mùi rạ ướt, mùi lúa non, mùi phân chuồng, tiếng chày giã gạo. Nhớ tiếng gà gáy sáng, tiếng chó tru gọi đực lúc đêm khuy. Nhớ những cơn mưa phùn rét căm căm, bờ ruộng lầy lội trơn trượt.

Nhớ tất cả như chốn để về về mà nay xa cách. Buồn rười rượi.

Đó là sự ly tán, đó là sự mất mát đầu đời do chiến tranh gây ra. Có thể nói tuổi thơ của tôi lớn lên cùng với chiến tranh, chung đụng với chiến tranh.

Và người ta đã cướp đi cái tuổi thơ của tôi.

Người ta chỉ lo đến chuyện thắng thua mà không ai quan tâm đến tuổi thơ tôi bị mất.

Nay có dịp nghe lại những bài hát ca tụng kháng chiến — hay thì có hay. Nhưng mặt khác, tôi giận ghét những người làm ra nó như Phạm Duy,  giận cả những “nét đẹp” của chiến tranh làm mê mẩn lòng người như Phạm Duy đã làm. Theo Thierry Wolton: Để nuôi dưỡng chiến tranh, người cộng sản biết sản sinh ra các kẻ thù. Ông gọi là xưởng máy tạo ra kẻ thù. (Thierry Wolton,  (La fabrique des ennemis, ibid., trang 55).

Dưới mắt Phạm Duy, nhạc sĩ đã nâng chiến tranh thành một lý tưởng, một bản anh hùng ca

Chiều về trên cánh đồng xanh. Có nàng gánh lúa cho anh đi giết thù.”.

Phạm Duy

Hay

“Một mùa thu năm xưa Cách mạng tiến ra”,  “Một đoàn người đi miên man trên đường gian nan. In hình qua mây núi xanh lơ bát ngát”,  “Một đoàn người trai hiên ngang, đeo trên vai nợ máu xương, vui ra đi không buồn nhớ thương”.

Phạm Duy

Tôi không thấy có một bài nào trong QVGKT ca tụng chiến tranh cả. Chỉ có một bài duy nhất nói về lính thú ngày xưa, và bài Tuần Phu.

Đó là một sự đánh lừa vĩ đại. Chiến tranh chỉ đẹp và quyến rũ, chỉ lừa dối được đối với lớp tuổi thanh niên như Phạm Duy. Đó là những kẻ vẽ mặt bôi hề, nói văn vẻ là những “huyền thoại” về chiến tranh mà Phạm Duy đã chạy theo cái bóng của chính mình. Nhưng tôi chỉ là một đứa trẻ, đứng chưa tới gót chân P.D., một phù thủy âm nhạc. Sau này lớn lên, tôi cũng biết mê nhạc Phạm Duy. Nhưng không thể chấp nhận con người Phạm Duy được.

Tôi không thể đánh đổ một thần tượng như ông. Nhưng ca tụng ông như một số người thì tôi cũng không làm được. Nhưng ngược lại, tôi lại có thể đánh đổ một con người.

Đối với tôi, hễ đã theo cộng sản thì mất tính người.

Mất tình, mất nghĩa, mất anh em, mất gia đình, mất bạn bè, mất tình nghĩa xóm làng. Tôi cảm nghiệm sâu xa như thế từ tấm bé đến nay. Trong cải cách ruộng đất, người bị đấu tố quay lưng lại người đấu tố để họ khỏi phải nhìn mặt nhau. Chúng ta cứ nghiệm mà xem sẽ thấy. Thật vậy, theo cảm nghiệm của riêng tôi, tất cả, dù là linh mục, dù là sư thầy, dù là trí thức, dù là nhà văn, dù là đám bạn bẻ, dù là thầy học tôi, ngay cả anh em ruột thịt mà đã đi theo cộng sản thi họ mất tư cách làm người. Họ có thể: Có học mà không có hạnh. Họ cũng không có thể, Đói cho sạch rách cho thơm.

Nói tóm lại, họ không có cái tối thiểu là cái luân lý giáo khoa thư. Họ có thể chỉ là những kẻ hám danh như câu chuyện Con chó và miếng thịt. Họ không còn tình nghĩa xóm làng, tình nghĩa ban bè, tình nghĩa anh em, tình cha mẹ (Thấy người hoạn nạn thì thương. Chuyện Lưu Bình-Dương Lễ, Quạt nồng ấp lạnh. Trích QVGKT)

Về con người Phạm Duy, ông mất cái tình tự: đói cho sạch rách cho thơm. Có lúc con người ấy mặc áo đen như một cán bộ xây dựng nông thôn được trả tiền, vừa gẩy đàn vừa hát tưng tửng như các bài: Một hai ba chúng ta là lính cả làng. Nông thôn quật khởi, Tay súng, tay cẩy, khoác áo màu đen. Những kẻ xu nịnh ông không hề dám nhắc lại những nhan đề bài hát trên. Nhưng cũng chính con người ấy ông rống lên không ngượng miệng hát: “Tôi sẽ hát to hơn những kẻ khơi ngọn lửa thù. Lời tôi ca, lời tôi ca như suối rừng thu.” Rồi kẻ ấy được mời đi Mỹ có  Steve Addiss giới thiệu. Ông nỉ non hát bài Tâm ca số 5: “Nhưng em thương anh thương anh. Cho súng phải thở dài. Cho lựu đạn im tiếng.”

Người Mỹ nghe ông hát đêm ấy cũng là những người  gián tiếp trả thuế cho những bom đạn cầy nát miền Nam. Chiều tối nay họ đang lấy khăn lau mắt.

Tâm Phẫn Ca 5 Nhân Danh – On Behalf – 1966 – Phạm Duy. Phạm Duy, Bill Crofut, Steve Addiss và Peter Seeger in Rainbow Quest 1966.

“Xin nhân danh Tổ Quốc đẹp ngời
Vì giống nòi, tôi phải giết vạn người.”

Người trí thức thiên tả như Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung gọi đó là một ảo tưởng. Vì không có thể có tiếng hát to nào có thể át được tiếng súng (Tâm ca số 2). Nếu thay vì gọi là một ảo tưởng, người ta đổi giọng gọi đó là một ước mơ thì ai cũng có quyền tùy tiện. Vì ai có thể cấm được người ta mơ?

Chung quanh ông có cả trăm người tán tụng ông từ Kháng chiến ca, Trường ca, Dân ca, Tình ca, Huyền sử ca, Tâm ca, Đạo ca cả đến Tục ca.

Khi ra Hải ngoại, năm 1982, ông có phổ thơ Nguyễn Chí Thiện 10 bài “ngục ca”. Cái đó là điều tôi không hiểu được của một người được gọi là nhân tài mà sáng nắng chiều mưa. Không ai có thể giải thích dùm tôi sự xoay trục giữa Kháng chiến ca và Ngục ca, giữa Tâm ca và Đạo ca và Tục ca, Vỉa hè ca.

Cũng vậy, đã gọi là Dân ca thì đó là gia tài chung không ai là tác giả. Nhưng Phạm Duy đã mượn cả ý cả lời và lấy gia tài chung của dân tộc làm gia tài của riêng minh. Lấy vinh dự dân tộc làm bậc thang danh vọng của chính mình. Cái đó có phải là sự nhập nhằng, vay mượn mà không trả vốn lẫn lời không?

Cũng có người có đủ can đảm bênh Phạm Duy giải thích theo kiểu huề cả làng cho rằng:  đạo ca và tục ca chẳng qua là hai mặt của cuộc sống.  Đó là Đặng Tiến rất có tài hót. Đặng Tiến đã viết một bài: Tục ca trong nhạc trình Phạm Duy. (Báo Văn số 66-67, tháng sáu-bảy 2002, trang 30)

Xin trích nguyên văn vài câu trong một bài của người viết.

“Khỉ đột, Tình hôi, Nhìn Lồn, Em Đ, Cầm cu. Nhìn Lồn. Trẻ con nhìn lồn phụ nữ ngồi đi cầu, nhìn đủ thứ lồn non, lồn lớn con, mập mạp, lồn mềm. Lồn tròn hoặc lồn móm mém.. rồi có đứa nhìn phải đúng lồn mẹ mình.”

Nguyễn Văn Lục. Phạm Duy còn đó hay đã chết. Hai mươi năm miền Nam. Tủ sá ch Tiếng Quê Hương, trang 341-m 339
Nhìn trộm. Nguồn: Pinterest

Tôi lại bèn dở sách QVGKT xem có bài nào dậy trẻ em miền Nam hát mất dậy như thế không? Không. Chỉ có những bài dạy như: Kính trọng người già cả (Kính lão đắc thọ). Bài khác, Khuyên hiếu đễ. Bài khác nữa khuyên,  Lễ phép với người tàn tật.

Học trò trong Nam đã được học sách QVGKT từ năm 1935. Họ đã thấm nhuần trong nếp sống, nếp nghĩ tình nghĩa Giáo Khoa Thư và thể hiện rõ nét với các nhà văn như Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Hồ Trường An. Và ngay cả những nhà văn trẻ sinh sau đẻ muộn dưới mái trường XHCN cũng không mất cái căn tính người miền Nam như Nguyễn Ngọc Tư trong  Cánh đồng bất tận.

Tôi rất trân quý cái tình tự con người – sông nước miền Nam qua câu chuyện Tình nghĩa Giáo Khoa Thư của Sơn Nam trong cuốn Hương rừng Cà Mau. ( Xem chi tiết ở phần sau)

Người miền Nam  nói chung thua cộng sản cũng phải. Còn có tình có nghĩa, còn biết rộng lượng thì làm sao nói đến chuyện thắng thua. Nhưng  người miền Nam có quyền hãnh diện vì ít ra có tình nghĩa kiểu Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Trẻ con nghịch ngợm thì có, nhưng mất dậy như trong bài hát của Phạm Duy thì không thể nào có được. Có chăng, đó là bọn trẻ theo cha mẹ đi kháng chiến ở miền Bắc mà Phạm Duy đã gặp nên chúng mới dở thói mất dậy như thế? Phạm Duy có nhắc đến ông bố ông? Thế nào là ảnh hưởng cha mình?

Theo sự giải thích của Phạm Duy thì Tục ca của ông ảnh hưởng cha mình, ông Phạm Duy Tốn và nhạc sĩ Georges Brassens.

Có lẽ tốt nhất, người viết xin trích dẫn hai doạn nhạc một trong bài Kiếp nào có yêu nhau năm 1958 để độc giả tự xét đoán vậy:

“Hoa xanh đã phai rồi
Môi nhăn đã quen cười
Kiếp nào có yêu nhau
Thì xin hẹn đến mai sau
Hoa xanh khi chưa nở
Tình xanh khi chưa lo sợ.”

Phạm Duy

Hay trong bản nhạc Ngày đó chúng mình, ông viết:

“…Ngày đó có em ra khỏi đời rồi
Và mang theo trăng sao chết cuối trời u tối.
Ngày đó có bơ vơ lạc về trời
Tìm trên mây xa khơi có áo dài khăn cưới
Ngày đó có kêu lên gọi hồn người
Trùng dương ơi có xót xa cũng hoài mà thôi!”

Phạm Duy

Để các bài Tình Ca và Tục ca gần nhau xem ra như chúng chửi cha nhau, chửi cha tác giả!

Thôi thì xin tặng họ câu chuyện năm 1970, khi ông Nguyễn Văn Thiệu đưa ông Nguyễn Bá Cẩn thay ông Nguyễn Bá Lương làm chủ tịch Hạ Viện. Nhà báo Sức Mấy đã tức mình chơi chữ một cách khá thô tục trên báo thời đó. Nó tương xứng với kiểu Phạm Duy, đại khái: “B.L. hay B.C. cũng vậy thôi.”

Người đã thấm nhuần luân lý Giáo Khoa Thư không ăn nói như thế. Kể cũng lạ cho người đời, cái nơi chốn mà chúng ta từ đó ra chào dời đáng lẽ phải được trân quý lại bị một nhạc sĩ tài danh biến thành câu chuyện tục tĩu, khiếm nhã.

Cho nên, cái tục trước hết nó nằm trong đầu của thành phần mất gốc rễ sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư.

Sau này lớn lên thời sinh viên, tôi được may mắn ăn học ở miền Nam có chút vốn liếng triết học ăn đong. Nó giúp tầm nhìn của tôi mở rộng ra và nó chỉ cho tôi thấy rằng tất cả nhứng loại người được gọi là trí thức trên, có ăn học trên, đã  ngả theo cộng sản đều là những kẻ phỉnh phờ, thiếu nền tảng luân lý Giáo Khoa thư. Gọi văn vẻ chẳng qua là những kẻ ngụy tín. Kẻ ngụy tín là loại người trí thức giả tự đánh lừa chính mình bằng những niềm tin, lý tưởng bằng sự phỉnh phờ tự gạt mình và người khác.

Cho nên chiến tranh tự nó vẫn bẩn và thô bạo dưới mắt một đứa trẻ 8 tuổi- sống sau PD hơn một thế hệ. Nhưng chiến tranh ấy vẫn tạo ra được những hào quang nhất thời, mỵ dân và mỵ được một số người, trong đó có Phạm Duy.

Sau này, ai đúng ai sai hẳn đã rõ? Đối với tôi, đứa trẻ tâm tư còn thuần chất “thẳng ruột ngựa” lại được trang bị Triết lý sống Luân Lý Giáo Khoa Thư nên trên cơ những kẻ đã bị nhồi sọ, tuyên truyền.

Tôi ở lại thành phố và trở thành đứa trẻ mồ côi ngay trong những giây phút đầu của cuộc chiến trong tiếng súng tắc bọp, tắc bọp. Đối với tôi, thời ấy, Việt Minh là tiếng tắc bọp. Sau này, người ta không còn nghe thấy tiếng súng quen thuộc đó nữa.

Đó là tiếng súng khai chiến tôi nghe được trong một đêm cuối tháng mười hai năm 1946. Tiếng súng của bộ đội Việt Minh bắt đầu không ai khác. Không phải Pháp. Các cuộc chiến tranh sau này thì cũng một thể thức ấy. Việt Minh cộng sản là kẻ khơi mào và kết thúc.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao chỉ nghe được nhiều những tiếng tắc bọp mà ít có những tiếng nổ khác. Chẳng hạn tiếng súng nổ từng chập, nổ ròn rã của đại liên. Một bên là súng đại liên, một bên là tiếng tắc bọp.

Đó là tính chất cuộc chiến lúc ban đầu. Nó có cái gì kịch tính và vô lý.

Nó đẩy những suy nghĩ của tôi đến một thắc mắc: Ai đã xô dẩy những thanh niên này đến chốn này? Chết một cách lãng xẹt. Đó là một cuộc chiến thí quân mà chỉ mãi sau này tôi mới hiểu được trọn nghĩa khi đọc Xuân Vũ trong những tác phẩm của ông như: Đến mà không đến, Đồng Bằng gai góc, Mạng người lá rụng, Xương trắng Trường Sơn. Càng đọc càng thấm thía cái cảm nghiệm đầu đời đúng không sai môt ly.

Đọc những tác phẩm này để bên cạnh nhạc Kháng chiến của Phạm Duy thì nó trở thành một điều mỉa mai đến đểu cáng.

Tôi  cũng nhận thêm một chân lý như đã nói ở trên là những gì tôi cảm nghiệm lúc còn bé thì 10 điều sau này đúng hết chín. Khi ấy, nhận xét một người là tốt, thì rõ ràng người đó sau này vẫn  tốt. Bảo người đó xấu thì là xấu và không là gì khác. Ngay còn tuổi học trò, tôi đã thấy Việt Minh cộng sản là xấu, là ác như ám sát, bỏ rọ trôi sông, tù đầy không bản án, không xét xử, giật mìn trên con đường số 5 Hanoi-Hải Phòng hay đường Hanoi- Phủ Lý thì sau này họ cũng vẫn thế.

Tôi đã có dịp nhìn thấy những xác người dân vô tội, hai đàn bà, một đàn ông, mặt họ xám đen vì bị mìn cộng sản trên đường số 5. Tây không chết mà chỉ thấy người dân là nạn nhân của cộng sản.

Sau này, 4 năm sống chung với cộng sản sau 1975, thay vì là một một thời gian đọa đầy. Nay nhìn lại thấy đó là món quà có giá mà cộng sản tặng những thuyền nhân vượt biển như tôi.

Họ là những quân cướp đúng nghĩa. Căn nhà tôi ở sau này chỉ nhận được cái giấy vỏn vẹn nửa bàn tay, không có dấu triện. Chỉ có một câu lừa bịp: “Căn nhà này được nhà nước quản lý”.

Ở đây cũng cần có một lời cám ơn muộn nhà văn Xuân Vũ đã để lại cho đời những tác phẩm về cuộc chiến mà mạng người rớt như lá rụng. Mười người đi phỏng được mấy người tới? Dọc đường Trường Sơn là bãi tha ma với xác chiến binh cộng sản chết không một nấm mồ. Xương trắng ngập Trường Sơn.

Vinh danh nào cho những người chết vô danh ấy? Hào quang nào cho những kẻ nằm xuống? Hồn tử sĩ vang đâu đây tiếng nhạc Phạm Duy như một lời mỉa mai đáng nguyền rủa “Lời tôi thay cho tiếng đạn bay”, “ Tôi sẽ hát cho với thống khổ, vơi dòng lệ nhòa.” (PD. Tâm Ca số 2). Đãcó bao giờ Phạm Duy cất mình đi thăm một chiến sĩ chết tại bệnh viện Cộng Hòa. Có người sẽ nói ngay chứ. Có, ông ấy có làm bài: Huyền Sử Người Mang Tên Quốc. Hay lắm. Cảm động lắm.

Những suy nghĩ mọc mầm từ lúc tuổi còn xanh như thể chín mùi. Còn cái dã man nào hơn khi họ bố trí từng cặp đôi nam-nữ trên một chiếc thuyền nan chở võ khí, đạn dược hoặc nhu yếu phẩm vào Nam mà mười phần không có một phần sống. Những đôi trẻ này đối mặt với cái chết chỉ còn biết quấn vào nhau thỏa mãn được chút nào hay chút đó. Cặp nào may mắn trong muôn một còn sống sót trở về thì trên thuyền nay có thêm một đứa trẻ nhỏ chưa rời núm vú mẹ

Chiến sĩ vô danh. Phạm Duy. Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi 

Chiến sĩ vô danh mang đầy ý nghĩa mỉa mai. Ở ngay Saigon, đã mấy người biết có cuộc chiến tranh từ 1978-1989. Cuộc chiến lần thứ ba. Cuộc chiến 3939 ngày. Con số là cả 100.000  đã ngã xuống và bị thương.  Con số công bố chính thức bố 60.000 đã hy sinh. (Huỳnh Anh Dũng: Ghi chép về Campuchia 1975-1991. Bản photocopy)

Thêm vào đó là cuộc chiến tranh biên giới với Tàu ở phía Bắc (1979-1989) kéo dài 10 năm mà trọng tâm là ở Vị Xuyên, Hà Giang. Chính sử ghi được vài dòng. Lãnh đạo cộng sản vì “đại cục” tránh né và dấu kín. Các người lính chiến đấu ở đây đã gọi các địa danh như: Lòm vôi thế kỷ, Đồi thịt băm, Suối oan hồn, Cửa tử. 5000 người lính đã bỏ xác tại đây. Nhưng nghĩa địa chỉ có 2000 ngôi mộ. Số còn lại vẫn mất tích (Phạm Viết Đào. Vị Xuyên & Thế sự Việt –Trung.)

Ông Phạm Viết Đào  có người em là Phạm Viết Tạo (Trung đội trưởng thuộc Tiểu đoàn I, Trung đoàn 876, sư đoàn 356, hy sinh trên cao diểm 772, ngày 12 tháng 7 năm 1984.)

Có mấy người đi buôn mà được lời như vậy?  Nói vậy thôi chứ cho dù trở về thì họ đã đánh mất tuổi thanh xuân, tóc trên đầu đã ngả muối tiêu. Da mặt đã sần sùi như da cóc vì những ngày sương gió. Đánh mất tiền bạc còn cái ngày lấy lại được. Đánh mất tuổi xanh là mất tất cả. Bùi Ngọc Tấn đã viết về họ:

“có những thanh niên xung Phong trên đường Trường Son, ngày đêm hứng bom đạn, chết không kịp chôn. Và chuyện những cô gái thanh niên xung phong thường xuyên sống dưới hầm ghào bom dội rung chuyển, và đương dựng tiêu trong mù mịt khói bom, người khét mùi thuốc súng, quần áo tơi tả, mắt quầng vì thiếu ăn thiếu ngủ, bỗng ôm chầm lấy những anh lái xe công khai bày tỏ niềm khao khát được ôm ấp vuốt ve, được hiến dâng tất cả và tận hưởng tất cả trong vòng tay nam giới.”

Bùi Ngọc Tấn. Viết về bè bạn, trg 431.

Còn có một vô lý nào hơn về một cuộc chiến tranh mà nó khởi đi như một trò đùa của trẻ con? Những khẩu súng gỗ này là những hình ảnh đọng lại trong đầu tôi vương vấn mãi như một ký ức không rời. Có bao nhiêu người chết và bị thương trong đám Thanh Niên Xung Phong?  Sau này, người ta kháo nhau đến con số 20 ngàn người. Một ngàn hay 10 ngàn trong trường hợp này cũng không khác gì nhau. Sự hy sinh tuổi trẻ của họ là một phí phạm vô ích trong khi các lực lượng chính quy đã được lệnh rút ra khỏi thành phố ngay hôm sau?

Hình như cũng có một hai tiếng nổ lớn vào khoảng 9 giờ tối.  Người ta nói nhà máy đèn bị nổ. Cả thành phố tối om. Tôi chui xuống gầm bàn phòng khách nhà xứ  Cửa Bắc. Hình như cũng có nhiều người khác trốn chạy vào đây và tôi ngủ lúc nào không hay.. Chừng hai tiếng đồng hồ sau rồi im bặt, điện tắt. Về sau được biết là nhà máy điện bị phá nổ.

Thành tích duy nhất là làm phát nổ nhà máy điện tạo ra cảnh màn đêm tối kinh hoàng. Cuộc chiến hầu như chỉ có thế! Sáng hôm sau thì có thêm nhiều gia đình chung quanh khu nhà xứ như phố Cửa Bắc, phố Hàng Hàng Than, phố con đường đôi (Hoàng Diệu) chạy vào tỵ nạn. Tôi đặt biệt thấy ông bà chủ nhân xe đòn đám ma Đức Bảo. Tôi nhớ tới cảnh ngày nào những xe ngựa song mã, hay tứ mã chạy lóc cóc uy nghiêm trên đường phố đưa một ai đó ra nghĩa địa.

Vậy mà lúc này đây, chắc là có nhiều người chết trên đường phố mà xe đòn đám ma lại trở thành một vật thừa thải.

Những cái chết ấy nay dùng xe bò chở đi mà những đôi chân thừa ra vắt vẻo như đùa nghịch khi xe gặp ổ gà! Xe đòn đám ma không thể dùng trong chiến tranh được. Ông Đức Bảo vẫn không quên khăn áo chỉnh tề, trong bộ vét trắng, mũ phớt. Cái oai vệ một thời sắp sửa đi vào dĩ vãng.

Phía đối diện nhà xứ, phía bên kia đường là Sở Hành Chánh Tài Chánh của Tây, nằm chéo góc giữa Phố Cửa Bắc và Con đường Đôi. Hằng ngày, đứng bên này đường, tôi vẫn nhìn thấy một lỗ hổng tường gạch đào một lỗ to bằng cái nia. Đây là dấu tích cuộc tấn công của thực dân Pháp bắn phá bức tường thành do Tổng Đốc Hoàng Diệu tử thủ và chết tại đây. Di tích ấy nay do người Pháp chiếm giữ và từ lúc nào đã có hai xe thiết giáp đứng chặn trước cửa. Cuộc chiến nay đã đổi chiều. Kẻ ở trong không phải Hoàng Diệu, kẻ ở ngoài không phải quân Pháp.

Đối diện bên kia đường, tôi nhìn thấy mấy khẩu súng bằng gỗ vứt vương vãi trên bãi cỏ. Làm sao súng gỗ có thể bắn lại đại liên 30 trên tháp xe thiết giáp? Tôi suy nghĩ vớ vẩn hết chuyện này sang chuyện khác.

Những điều tôi không hiểu được thì như thể người lớn cũng không hiểu được.

Nếu họ hiểu được như tôi thì đã không có cuộc chiến này.

Sáng hôm sau, tôi leo lên, đứng trên gác chuông nhà thờ Cửa Bắc nhìn ra bờ đê sông Hồng, cách chừng 10 con phố, in trên nền trời mùa đông là từng đoàn người lũ lượt quang gánh ra khỏi Hà Nội như đi trảy Hội. Có lẽ không có vị trí nào để nhìn khung cảnh chiến tranh rõ nét hơn? Nó như quang cảnh một cái đèn cù nhìn vào ban đêm. Dòng người in trên nền trời xậm từ bờ đê sông Hồng như một bức tranh sống động nhất. Nó tiêu biểu nhất cho chính sách “ Tiêu thổ kháng chiến” chỉ một ngày sau khi cuộc chiến bắt đầu.

Gác chuông Nhà thờ Cửa Bắc (Nhà thờ các thánh tử đạo) trên phố Phan Đình Phùng (Hà Nội). Nguồn: OntheNet

Căn Gác chuông nhà thờ sau này trên chỗ cửa nhìn được ra ngoài là nơi tôi lui tới nhiều lần để đi bắt các ổ chim sẻ, vặt lông rồi chụm lửa nướng..Không biết nó ngon cỡ nào? Không bắt được chim thì đành bắt cào cào, châu chấu nướng ăn tạm. Còn một ngón khoái khẩu khác là đi câu cá bên bờ  Hồ Tây hoặc hồ Trúc Bạch với con đường Cổ Ngư xưa.

Phần tôi như thể không thuộc về thế giới cuộc chiến nhố nhăng ấy. Nếu cho chọn thì tôi sẽ đứng về phía những người lính Tây. Vì ít ra tôi không có cảm giác sợ họ như sợ Việt Minh, vì trước đó, tôi thường gặp họ đi lễ nhà thờ cùng với vợ con họ với những đứa trẻ con Tây cùng lứa tuổi. Chỉ dần sau đó, tôi mới cảm thức được tôi là ai, ai là Việt Minh, ai là kẻ thù? Ai tốt? Ai xấu?

(Còn tiếp)

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: DCVOnline biên tập, minh họa và phụ chú.

[1] Việt Nam Độc lập Đồng minh (tên chính thức trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương) còn gọi là Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội, gọi tắt là Việt Minh, là liên minh chính trị do Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập ngày 19 tháng 5 năm 1941.