Đối với Trung Hoa, ‘Virus Mỹ’ là một đòn địa chính trị

Renée DiResta | Trà Mi

Trong một kỷ nguyên mới của ngoại giao hoang tưởng, các nguồn chính thức đang hợp pháp hóa những thuyết âm mưu trên mạng internet.

Một bảng tuyên truyền sau lưng một đám đông dân chúng Trung Hoa viết chữ “VIRU.S.”. Nguồn: MAX-O-MATIC

Coronavirus đã trở thành đại dịch toàn cầu lần đầu tiên xuất hiện vào cuối năm ngoái tại Vũ Hán, Trung Hoa. Nhưng theo một luận điệu phổ biến trên khắp mọi ứng dụng nhắn tin của Trung Hoa, thì  một người lính Mỹ là bệnh nhân zero. “Dân mạng và chuyên gia” của Trung Hoa đang thúc giục Hoa Kỳ công bố thông tin y tế về một phái đoàn đại diện cho Hoa Kỳ tham dự Thế vận hội quân sự ở Vũ Hán, ngày 22 tháng 2 khẳng định luận điệu này trên tờ Global Times (Hoàn cầu Thời báo). Thời báo này, một chi nhánh của Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Hoa, đã nói xa gần rằng một lực sĩ đua xe đạp quân đội Hoa Kỳ có thể đã mang bệnh từ Fort Detrick ở Maryland đến Hoa lục. Đồn thổi về nguồn gốc của cơn dịch từ Mỹ đã bắt đầu một tháng trước, trong các dịch vụ trò chuyện của Trung Hoa và trên các kênh YouTube nhỏ. Chỉ riêng điều đó thôi thì đã không gây ra nhiều chuyện; thuyết âm mưu là một hiện tượng phổ biến trên mạng truyền thông xã hội như đàn kiến ​đi picnic, và một vài các tài khoản nhỏ suy đoán về các loại ‘vũ khí sinh vật học’ và các ‘virus của Mỹ’ đã thu hút được dân trên mạng ngay từ đầu.

Nhưng lần này, truyền thông nhà nước Trung Hoa đã sử dụng luận điệu của dân trên mạng và biến nó thành một hiện tượng quốc tế không chỉ liên quan đến các kênh truyền thông chính thức mà cả trong giới ngoại giao có ảnh hưởng. Báo đài của nhà nước Trung Hoa với lượng người theo dõi khổng lồ trên Facebook đã phủ nhận tuyên bố trước đó rằng virus xuất phát từ Vũ Hán, cho rằng quan điểm này chỉ là một lý thuyết mà thôi –  chỉ là một trong nhiều điều chưa biết. Zhao Lijian (Triệu Lập Kiên), phát ngôn viên và phó tổng giám đốc của Nha Thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Hoa, đã suy đoán với nửa triệu người theo ông trên mạng Twitter rằng Hoa Kỳ đang bí mật che giấu cái những chết hồi đầu năm 2020 vì COVID-19 trong số người chết vì cúm hàng năm. Trong một hành động thái quá về ngoại giao hoang tưởng, ông đã chia sẻ một bài viết từ trang web khùng điên chống Mỹ khét tiếng GlobalResearch. Tựa đề là, “COVID-19: Thêm bằng chứng về việc Virus bắt nguồn từ Hoa Kỳ.”

Trong khi truyền bá các thuyết âm mưu – các luận điệu liên quan đến những tuyên bố của các nhóm lợi ích, quyền lực mờ ám đã bí mật tạo ra các sự kiện làm lợi cho chính họ – một đòn lợi hại cũ mà các quốc gia thường dùng để làm mất uy tín đối thủ của họ, đại dịch toàn cầu đầu tiên của thời đại truyền thông xã hội cho thấy lý thuyết điên cuồng có thể truyền đi rất xa và rất hiệu quả. Và như tài khoản Twitter của họ Triệu cho thấy, tuyên truyền do nhà nước tài trợ đã  đan xen chắc nịch với đám con buôn thuyết âm mưu dấu mặt. Giới chức có thẩm quyền hiện đang hợp pháp hóa các phép chuyển nghĩa từ hang hốc của Internet và bảo đảm quần chúng biết đến những ý tưởng [điên rồ] đó.

Truyền thông do nhà nước tài trợ từ lâu đã giữ một vai trò quan trọng trong các trò chơi quyền lực địa chính trị. Kể từ Thế chiến II, các kênh truyền hình, đài phát thanh và báo chí của nhiều chính phủ đã tạo ra một thứ mà một số chuyên gia gọi là “tuyên truyền trắng”: tin mà nguồn chính thức là tác giả. (Trong tuyên truyền xám và đen thì nguồn gốc được che giấu một phần hoặc toàn bộ.) Trong thời đại hiện nay, tuyên truyền trắng đã mở rộng ra, gồm cả các kênh chính thức có mặt trên mạng xã hội, cũng như các tài khoản cá nhân của các công chức và chính khách hàng đầu. Đôi khi, những thông điệp mà mạng xã hội loại này chuyển đi là để dành riêng cho công dân của chế độ; lúc khác, nó lại nhắm vào cả thế giới bên ngoài.

Tin nhắn từ phương tiện truyền thông nhà nước cũng có một tên khác, thân thiện hơn gọi là ngoại giao quần chúng. Trong khi các học giả tranh luận về ranh giới giữa tuyên truyền và ngoại giao quần chúng, trong một thế giới kết nối, có khả năng định hình các luận điệu quang sự việc là một điều bắt buộc. Mục tiêu dài hạn là làm cho mọi người nghĩ thuận lợi về đất nước và những người cai trị nó. Nói cách khác, nó là một bài tập xây dựng thương hiệu. Nhưng trong ngắn hạn, các kênh truyền thông nhà nước cũng được sử dụng cho các chiến dịch vận động trực tiếp hơn, truyền tải một cách thuyết phục quan điểm chính thức về các vấn đề cụ thể cho những người bên ngoài biên giới. Trong thời gian sôi bỏng hơn, điều này có thể mở rộng để bôi nhọ một chính phủ, tổ chức hoặc chính sách đối nghịch. Nhưng các thao tác tường thuật xung quanh COVID-19 trên các kênh nhà nước chính thức của Trung Hoa đã leo thang vượt xa khỏi vòng tuyên truyên bình thường để hoàn toàn trở thành thuyết âm mưu.

Ngay từ đầu, Đảng Cộng sản Trung Hoa đã phải vật lộn để quản lý nhận thức cả trong và ngoài đối với việc giái quyết sự bùng phát của cơn dịch hiện được gọi là COVID-19. Coronavirus mới lan rộng nhanh chóng ở Trung Hoa, và số lớn người dã chết, gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin trong nước đối với sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình. Mặc dù những người bất đồng quan điểm thường nhanh chóng bị kiểm duyệt, các diễn đàn trên mạng xã hội Trung Hoa tràn ngập những bình luận về việc ông Xi không phải là người gan dạ vì không dám đến Vũ Hán, là một trong số những lời chỉ trích. Tình hình không có gì tốt hơn trên toàn thế giới: Sự tiết lộ rằng chính phủ Trung Hoa đã biết về sự bùng phát từ hai tuần trước khi có hành động để ngăn chặn nó đã gây phẫn nộ cho mọi người trên toàn thế giới và đi đến những các cáo buộc che đậy.

Khi cuộc khủng hoảng bắt đầu giảm dần ở Trung Hoa, Vũ Hán đang dần thoát khỏi tình trạng giới nghiêm toàn bộ và các số bệnh nhân mới bị nhiễm trùng mới chi còn là cón số nhỏ, nỗ lực ngoại giao quần chúng của Đảng Cộng sản Trung Hoa đã đi quá đà: Tại Đài quan sát Internet Stanford, nơi tôi làm việc, chúng tôi đã tập hợp nhiều tháng những bài đăng trên Facebook của nhà nước Trung Hoa bằng tiếng Anh – xác định các chủ đề chính được lặp đi lặp lại: những luận điệu về sự sống còn hơn là cái chết, đưa tin huy hoàng về phép lạ của việc xây dựng của các bệnh viện dã chiến (mà sự xuất hiện đột ngột được lên khung là kết quả của sự khéo léo của kỹ thuật vì lòng  yêu nước, thay vì như một bằng chứng về sự cần thiết phải củng cố một hệ thống y tế đang bị áp đảo) và tuyên bố rằng Trung Hoa đã mua thời gian cho cả thế giới bằng những biện pháp ngăn chặn tích cực. Một bài báo đáng chú ý của Trung Hoa Nhật báo đăng ngày 20 tháng 2 đã khoe khoang, “Nếu không vì những lợi thế thể chế độc nhất của hệ thống Trung Hoa, thế giới có thể đang phải chiến đấu với một đại dịch tàn khốc.” Bài viết bày cũng tấn công sự phê bình quốc tế là kết quả của “thành kiến đã ăn sâu đối với Trung Hoa”. Những luận điệu khác trình bày một loại lịch sử xét lại màu hồng. Truyền thông nhà nước đưa tin về cái chết của bác sĩ nhãn khoa, người thổi còi báo động, Lý Văn Lượng, và thương tiếc ông ta như một anh hùng, và hoàn toàn lờ đi không đề cập đến việc ông đã bị công an giam giữ [và ký giấy tụ thú đã phao đồn tin gây bấn ổn cho xã hội] sau khi ông thảo luận về virus mới xuất hiện với một nhóm bạn bè thân thiết. Như Louisa Lim đã viết trong Chính sách Đối ngoại (FP), “Trung Hoa đang cố gắng viết lại hiện tại.”

Trang China Daily trên Facebook., 90 triệu người theo dõi Nguồn: Facebook

Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTH) đã đặt ưu tiên việc “thuyết phục và quản lý thông tin” trên mạng từ nhiều năm nay. Nó đã xây dựng một bộ máy tuyên truyền trắng rộng lớn từ năm 2000, thiết lập và mua các đài phát thanh, phát hình và báo chí bản giấy, tối ưu hóa nội dung ở địa phương và dưa tin bằng nhiều ngôn ngữ. Kể từ năm 2015, ĐCSTH đã đầu tư xây dựng sự có mặt bằng tiếng Anh cho các cơ sở truyền thông của họ trên chính các mạng xã hội mà họ đã cấm hoạt động ở nội địa Hoa lục. Các trang Facebook tiếng Anh cho tờ báo nhà nước Trung Hoa Nhật báo và Tân Hoa Xã đều có hơn 75 triệu người theo đọc; và Mạng lưới truyền hình toàn cầu Trung Hoa có 99 triệu người xem; ngược lại, CNN có 32 triệu và Fox News có 18 triệu khán giả. Một phần của sự tăng trưởng này nhờ vào việc trả tiền quảng cáo trên các mạng truyền thông xã hội mà công dân của Trung Hoa bị chặn, không cho  sử dụng. Nhóm của tôi đã nghiên cứu hàng trăm quảng cáo của truyền thông nhà nước cộng sản Trung Hoa từ kho lưu trữ quảng cáo chính trị mà Facebook mới tung ra gần đây. Những quảng cáo [tuyên truyền] chính trị đó nhằm vào khối người nói tiếng Anh trên toàn thế giới. Trong suốt năm 2019, quảng cáo thường có những hình ảnh thân thiện của gấu trúc và mèo con, làm nổi bật nghệ thuật và văn hóa Trung Hoa, và khuếch đại những luận điệu chính trị tình cảm nhẹ nhàng.

Vào tháng 2 năm 2020, họ đã rẽ sang một hướng khác. Các quảng cáo bắt đầu tăng cường độ phủ sóng truyền thông của nhà nước về coronavirus, với hàng chục quảng cáo ca ngợi Xi vì sự lãnh đạo của ông ta và nhấn mạnh khả năng Trung Hoa để ngăn chặn dịch bệnh này. Họ đã kết hợp các hashtag như #ĐoànkếttlàSứcmạnh (#UnityIsSturdy) và #ChiếnđấuCoronavirus (#CombatCoronavirus), dự đoán về sự phục hồi kinh tế nhanh chóng và những luận điệu mà các nhà lãnh đạo thế giới ở Ý, Serbia và những nơi khác bày tỏ lòng biết ơn đối với Trung Hoa. Đến tháng 3 năm 2020, các quảng cáo tức giận xuất hiện xen lẫn vào những quảng cáo khác, cổ xúy việc lên tiếng chống lại việc Tổng thống Donald Trump đã sử dụng thuật ngữ virus Trung Hoa.

Tất nhiên, dùng các trang Facebook làm  phương tiện truyền thông phát sóng không phải là công cụ nhắn tin duy nhất của Đảng Cộng sản. Nhiều năm qua, ĐCSTH cũng đã thực hiện các chiến lược thuyết phục từng người một bằng những nhân vật có ảnh hưởng, troll, bot và quân đoàn dư luận viên. Những quân đoàn dư luận viên này – được gọi là Ngũ mao, hay Đội quân Năm hào – đã là một sự hiện diện mờ ám trên hệ sinh thái internet và mạng nhắn tin của Trung Hoa từ hơn một chục năm. Đảng CSTH cũng đã thử sử dụng các bot Twitter và con rối sock của Facebook, gồm cả những người bị lột mặt nạ trong các cuộc biểu tình ở Hong Kong năm 2019. ProPublica và các nhóm báo chí điều tra khác đã báo cáo rằng những phá rối tương tự cũng đang xảy ra trong cuộc trò chuyện coronavirus, mặc dù sự quy kết chính phạm vẫn là một thách thức; kết nối hoạt động siêu dân tộc chủ nghĩa trở lại theo lệnh trực tiếp từ đảng CSTH là việc khó thực hiện.

Việc điều hướng luận điệu là ưu tiên hàng đầu của Đảng Cộng sản đã rất rõ ràng. Trong số chín thành viên của toán đặc nhiệm Trung Hoa để ứng phó với COVID-19, có cả trưởng khối tuyên truyền và ý thức hệ của đảng và giám đốc của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Các thuyết âm mưu chính trị xuất hiện ngay cả trong  nhữngtuyên truyền tương tự của nhiều thập kỷ trước. Mark Fenster, tác giả của Thuyết âm mưu: Bí mật và quyền lực trong văn hóa Mỹ (Conspiracy Theories: Secrecy and Power in American Culture), mô tả chúng như một ‘lý thuyết dân túy về quyền lực’ giữ một vai trò truyền thông quan trọng: giúp đoàn kết khán giả (nhân dân) chống lại một giai cấp ưu tú quyền lực, bí mật tưởng tượng. Vì vậy, ví dụ khi truyền thông nhà nước ở Trung Hoa, tạo ra hoặc truyền bá những lý thuyết này, người điều khiển con rối ưu tú là Hoa Kỳ, một đối thủ địa chính trị. Bằng cách vạch trần tội ác của kẻ thù của mình, Đảng Cộng sản Trung Hoa chứng minh họ là người bảo vệ nhân dân.

Ngụ ý nói về “vũ khí sinh học” đặc biệt hữu ích vì nó có thể dễ dàng áp dụng cho bất kỳ dịch bệnh nào.Trong Chiến tranh Lạnh, bộ phận điều hành thông tin KGB, là một khối khét tiếng dùng thuyết âm mưu như vũ khí chính của nhà nước. Có lẽ tác động lớn nhất của nó là lời tuyên bố được nhiều người tin rằng một phòng thí nghiệm bí mật của chính phủ Hoa Kỳ đã tạo ra AIDS. Một bức điện tín của Liên Xô giải thích chiến dịch đó nghe có vẻ quen thuộc với những người theo dõi tin tức COVID-19 hôm nay:

Mục tiêu của các biện pháp này là tạo ra một luồng ý kiến ​​có lợi cho ĐCSTH ở nước ngoài rằng căn bệnh này là kết quả của các thí nghiệm bí mật với một loại vũ khí sinh học mới của tình báo Hoa Kỳ và Ngũ Giác Đài đã để vượt khỏi tầm kiểm soát.

Luận điệu tuyên truyền đó ban đầu được đăng trong một tờ báo Ấn Độ thân Liên Xô qua một lá thư nặc danh kiểu người thổi còi báo động với ban biên tập năm 1983. Nó lan truyền qua các tờ báo ở 80 quốc gia trong thời gian bốn năm; Liên Xô thỉnh thoảng hồi sinh nó bằng những thay đổi nhỏ có liên quan cho bất kỳ môi trường truyền thông địa phương nào họ cho là mối quan tâm chiến lược. Nhưng trong kỷ nguyên của Facebook và WeChat, những luận điệu này trở thành một loại virus thông tin có tốc độ cao và nguồn gốc mờ ám của tuyên bố ban đầu biến mất khi các tin nhắn đã lan truyền trên các nhóm thảo luận.

Các phương tiện truyền thông nhà nước hiếm khi truyền tải thuyết âm mưu dưới hình thức tuyên bố trực tiếp, táo bạo. Họ thường làm điều đó bằng sự kết hợp của những ẩn ý: Thực ra chúng tôi chỉ đặt câu hỏi. Điều này đôi khi xảy ra qua các cuộc phỏng vấn với những vị khách theo thuyết âm mưu, những người tuyên bố họ đã bị chính phủ của họ bị miệng, hoặc cho chạy tít giật gân, khiêu khích. Nga đã nâng kỹ thuật này thành một nghệ thuật, với các mạng RT (Russia Today) và Sputnik bằng tiếng Anh thường xuyên có đăng những bài báo cho là đã bị truyền thông Mỹ kiểm duyệt.

RT trên Facebook, 5.6 triệu người xem. Nguồn: Facebook

Mặc dù dễ chế giễu, ngoại giao hoang tưởng phục vụ một mục đích của Trung Hoa. Ở trong nước, nó đã cho phép Đảng Cộng sản không chịu trách nhiệm về những thất bại của chính nó bằng cách đổ thừa việc quản lý kém cuộc khủng hoảng như một điều gì đó do người nước ngoái đã gây ra cho người dân Trung Hoa. Và các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Hoa không phải là nguồn duy nhất “chỉ đặt câu hỏi” về vấn đề này trong đại dịch COVID-19. RT đang tổ chức, trên mạng xã hội, cho các dư luận viên người Mỹ cáo buộc rằng virus này là một phần của chiến dịch chủng ngừa hàng loạt do Bill Gates chủ mưu, trong khi nhân vật lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, đang nhắc đến tuyên bố rằng virus này “được chế tạo đặc biệt để tấn công Iran, sử dụng dữ liệu gen của người Iran.” Người Mỹ cũng không vô tội, cũng có người đồn thổi loại này. Thượng nghị sĩ Tom Cotton ở Arkansas đã cho rằng có một “phòng thí nghiệm siêu đẳng Sinh học An toàn cấp bốn” ở Vũ Hán, trong các bình luận trên Twitter và với giới truyền thông, võ đoán rằng COVID-19 là một vũ khí sinh học của Trung Hoa. Nhưng cả hai, giới truyền thông chính thống của Mỹ lẫn các cơ quan do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ như Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đều không quảng bá các thuyết âm mưu như một chiến lược ngoại giao quần chúng. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Hoa Kỳ yêu cầu cần có sự chú ý ngày càng tăng đối với cuộc chiến thông tin: Thượng nghị sĩ Mitt Romney, Marco Rubio và Cory Gardner đang kêu gọi một lực lượng đặc nhiệm chống lại chiến dịch tuyên truyền của Trung Hoa và hướng dẫn cho các đại sứ quán Hoa Kỳ cách chống lại những tường thuật sai lệch tại địa phương.

Sự căng thẳng từ cuộc chiến thông tin giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa về nguồn gốc của COVID-19 đã dẫn đến viện nâng cao chính sách “bên miệng hố chiến tranh”; Chính quyền Trump, đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có một tuyên bố xác minh rằng virus có nguồn gốc từ Trung Hoa trong nghị quyết COVID-19. Giới ngoại giao đã được triệu tập. Các phóng viên Hoa Kỳ đã mất giấy phép hoạt động báo chí ở Trung Hoa. Đây không phải là một trạng thái quan hệ ngoại giao lý tưởng bất cứ lúc nào, nói gì đến trong tình trạng một đại dịch đòi hỏi sự hợp tác quốc tế.

Nhưng để những luận điệu tuyên truyền này lan truyền không bị cản trở cũng không phải là một lựa chọn. Các công ty truyền thông xã hội nên chú ý nhiều hơn đến những luận điệu mà họ cho phép các bộ máy tuyên truyền của nhà nước trả tiền để quảng bá. Cho phép các luận điệu tuyên truyền gây hiểu lầm bắt rễ trong một đại dịch có thể gây ra tác hại khôn lường và có nguy cơ biến các mạng kỹ thuật lớn thành đồng phạm trong sự dối trá có chủ ý. Chúng ta phải tập trung vào việc tìm cách chữa trị, không gây chiến vì thuyết âm mưu.

Tác giả Renée Diresta là giám đốc nghiên cứu kỹ thuật tại Đài quan sát Internet Stanford.

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: For China, the ‘USA Virus’ Is a Geopolitical Ploy | Renée DiResta | The Atlantic | Apr 11, 2020.