Một tháng Tư, hai cái giỗ

Thu Hương

Đã 44 năm mà cứ ngỡ như hôm qua. Nước mắt thương anh vẫn tuôn trào như ngày nào.

Buổi sáng tôi nhận được cú phone, ở đầu bên kia với giọng nói rất lạ, người gọi tự xưng: “Mình là Hương B, gọi cho Hương A đây.”

Tôi reo lên, “Trời ơi, gần 47 năm rồi.”

Người bạn tiếp, “Ừ, ngày cuối cùng mình gặp nhau là ngày bố của Hương A hy sinh, tháng 4 năm 1972.”

Buổi sáng có ông lính vào lớp xin phép cho Hương A nghỉ học đi về nhà. Như thường lệ, mỗi buổi sáng, chiếc xe jeep chở chị em chúng tôi đến trường tiểu học tỉnh lỵ Hậu Nghĩa sau một đêm không êm đềm. Cuộc sống tại đây với tiếng súng đạn, bom nổ là chuyện thường tình mặc dầu có phần yên ổn hơn nhiều từ lúc bố tôi về nhận nhiệm sở tại tỉnh này. Bất cứ lúc nào, anh chị em chúng tôi cũng sẵn sàng chui vào hầm tạm trú xây bằng những bao cát khi cường độ đánh nhau lên cao với tiếng đạn bay gần bên tai.

Không hiểu được tình hình chính trị vì còn quá bé, tôi chỉ biết là mình đang sống trong đe dọa hiểm nguy của chiến tranh. Bố tôi nhập ngũ, đánh giặc suốt cuộc đời quân ngũ của ông. Chúng tôi lớn lên trong gia đình giữa những màu áo trận, giầy bốt đờ sô, và súng, và đạn. Cho đến một ngày ngồi trong lớp học, buổi sáng còn sớm, một chú lính đi vào xin phép cho tôi về. Chú chở tôi về bằng xe đạp. Rất ngạc nhiên, tôi hỏi chú tại sao. Chú mếu máo ôm mặt nói trong nước mắt: “bố cháu tử trận sáng hôm nay rồi!” Không tin, “Chú nói chuyện đùa phải không?

Khi về đến nhà, xe đậu trước nhà nhiều quá. Đông người tụ tập, ai cũng khóc bên cạnh thi hài của bố. Bố nằm yên trong phòng khách, như ngủ trong bộ quân phục màu xanh. Một giấc ngủ thiên thu. Tôi đau đớn chịu tang cha, cái mất mát lớn lao nhất trong đời của tôi. Người ta nói con mất cha như nhà mất nóc. Bố tôi mất, chúng tôi mất tất cả. Gia đình chúng tôi rày đây mai đó theo đời chiến binh của bố nên không có nhà để mà mất nóc. Chúng tôi phải dọn ra khỏi ngôi nhà ở Hậu Nghĩa vì đó là nơi cư ngụ của vị tỉnh trưởng mới. Bố được chôn trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, còn gia đình chúng tôi thì lênh đênh trong cuộc sống không có bố, không có nhà để ở.

Lễ an táng Đại Tá Nguyễn Văn Thành – Tỉnh Trưởng kiêm TKT Hậu Nghĩa (Tháng 4, 1972). Nguồn: HAHPTVK Úc châu

Ba năm sau, tháng Tư 75, gia đình tôi 12 người có đủ trong danh sách được di tản của tòa đại sứ Mỹ. Theo lệnh di chuyển, chúng tôi vào tạm trú trong một ngôi biệt thự lớn sát phi trường Tân Sơn Nhất. Nơi ấy, mỗi gia đình được giữ một phòng, ăn mì gói chờ xe đến đón ra sân bay. Bên ngoài, tiếng súng đạn, tiếng pháo kích vang rền.

Một người anh của tôi, anh Tiến, vẻ mặt nghiêm trọng lo âu nhưng bên trong anh đang nuôi một niềm hy vọng lớn. Anh tốt nghiệp trường Petrus Ký, dự tính đi du học vì đã có nhiều trường đại học của Mỹ nhận nhưng tình hình xáo trộn khiến chương trình ra đi của anh phải trì hoản. Trước đây, dự tính của anh là khi qua đến Mỹ, anh sẽ học hai bằng y khoa và luật khoa. Phải có hai cái bằng đó trước khi anh trở về phục vụ đất nước. Anh nghĩ niềm mơ ước của anh sắp thành sự thật mặc dù chẳng biết rồi đây chuyện gì sẽ xảy đến cho quê hương.

Chúng tôi chờ đợi trong hồi hộp và lo âu. Một tuần lễ qua đi, xe vẫn chưa tới đón. Đến sáng ngày 29 tháng 4, chúng tôi được tin là mọi người phải giải tán, tự tìm đường ra đi. Niềm hy vọng của anh Tiến bỗng tan như mây khói. Anh trở nên im lặng, lầm lì. Gia đình tôi chạy về Biên Hòa. Anh chị em chúng tôi thu dọn bàn thờ của bố nằm giữa nhà, cất đi cái di ảnh trong bộ quân phục. Bố từng trải qua nhiều năm trong các đơn vị tác chiến nên huy chương đầy một gói lớn, bây giờ chúng tôi phải đem đi chôn sau hè. Cả lá cờ từng đắp trên quan tài của bố và bộ quân phục bố mặc lần cuối cùng trong ngày tử trận. Khẩu súng lục của bố để trên bàn thờ bị thất lạc; trong lúc bối rối chúng tôi cũng chẳng quan tâm. Mọi dấu tích liên quan đến quân đội Cộng hòa đều cần phải được tẩu tán. Cả nhà khóc như mưa.

Rồi vài ngày sau, có người bộ đội mặc đồng phục đến gõ cửa. Lúc ấy tôi đau xót, âm thầm nuốt sự tủi nhục của kẻ bị nước mất nhà tan. Anh Tiến càng ít nói và buồn bã hơn. Anh xin mẹ cho phép anh ra đi, dù bằng đường bộ hay đường biển. Anh chỉ xin mẹ cho phép, ngoài ra không xin gì cả. Mẹ nói không được, nhỡ con chết dọc đường, mẹ biết con đâu mà chôn. Để từ từ mẹ sẽ tính. Anh nài nỉ:

“Ngày xưa Bố đã nói, bố không chấp nhận sống với Cộng sản và bố sẽ tự sát trong tòa hành chánh nếu Cộng sản chiếm được miền Nam, mẹ nhớ không?”

Nguyễn Văn Tiến

Mẹ tôi thương con, không muốn anh mạo hiểm.

Thương anh Tiến, nhưng tôi không biết chia xẻ sự đau buồn của anh như thế nào ngoài việc nghe theo lời dạy bảo của anh. Từ ngày bố mất, niềm vui của anh là chở tôi ra mộ của bố, dựng chiếc xe Honda kề bên mộ. Hai anh em thường xuyên lau mộ cho bóng. Anh không thích mộ bố bị đóng bụi. Ngồi bên mộ, có hoa, nhang đèn, trái cây và ly cà phê sữa, anh hay kể chuyện cho tôi nghe. Anh kể chuyện chiến tranh đệ nhị thế chiến, chuyện Hitler tàn ác, chuyện Nhật Bản đầu hàng, chuyện thư viện quốc gia Việt Nam của mình vì chiến tranh không đủ sách vở, chuyện đời sống của anh nếu anh ở bên Mỹ Anh dạy tôi học, kể cả học luyện thi đệ thất. Tôi viết chữ xấu, anh buộc tôi phải tập viết chữ đẹp. Tôi học dở, anh đánh đòn. Anh dùng thước đánh trên tay tôi, đánh xong lại chở đi ăn phở. Anh bảo lớn lên em sẽ hiểu được tình thương và sự dạy dỗ của anh. Tôi thi vào đệ thất trường Mạc Đĩnh Chi; ngày có kết quả cuộc thi, chen vào xem tên trước cổng trường, anh mừng rỡ thấy tên tôi được đậu cao. Anh vui lắm, đi ăn khao, lại chở đi ăn phở. Anh Tiến là thần tượng của tôi.

Đã ba tuần lễ tính từ ngày 30 tháng 4. Mẹ tôi vẫn quyết liệt không cho phép anh Tiến ra đi. Anh giải thích anh đã nghiên cứu việc đi đường bộ và sẵn sàng lên đường. Mẹ vẫn lắc đầu bảo là anh phải chờ. Anh Tiến càng ít nói hơn. Một hôm anh nói muốn tôi nấu cho anh ăn. Anh muốn ăn chả giò và bánh xèo. Anh chở tôi đi chợ Biên Hòa, mua thực phẩm về nấu theo yêu cầu của anh. Anh ăn ngon lành. Chiều hôm đó, anh đề nghị lên nhà gần cầu Mương Sau. Buổi tối anh em quây quần vui vẻ. Sáng dậy, khi sửa soạn thức ăn sáng ở bếp đã xong, tôi bước qua phòng mời anh ra ăn sáng. Qua khung cửa song sắt, tôi thấy anh Tiến nằm trên giường với khẩu súng lục kề trên mang tai. Anh ngó tôi. Tôi la lớn: “Anh làm gì vậy?” Anh bóp cò…. Anh ra đi bằng khẩu súng của bố. Ngày tang anh Tiến buồn thê thảm. Đưa quan tài anh qua sông Đồng Nai đến một cái cù lao, với vài người trong gia đình, vắng ông anh lớn nhất trong nhà đã bị bắt vì tình nghi làm CIA.

Anh Nguyễn Văn Tiến, tay cầm Thành Tích Biểu, đứng cạnh thầy Nguyễn Bá Kim, GS môn Công dân lớp 12B5, niên khóa 73-74. Nguồn: HAHPTVK Úc châu

Nhiều người quen thân của gia đình thậm chí không dám công khai chia buồn vì sợ liên lụy. Buổi trưa mây xám giăng đầy. Rồi cơn mưa trút xuống thành phố Biên Hoà. Nước mưa cuốn đi lớp đất phủ hấp tấp trên quan tài, hấp tấp như sự ra đi của anh.

Đã 44 năm mà cứ ngỡ như hôm qua. Nước mắt thương anh vẫn tuôn trào như ngày nào.

Hằng năm gia đình tôi làm giỗ bố và giỗ anh Tiến theo lịch ta. Cả hai đều nằm trong tháng Tư. Xin kính dâng nén hương lòng đến linh hương của bố, Đại tá Nguyễn văn Thành, cố Tỉnh Trưởng tỉnh Hậu Nghĩa, anh Nguyễn văn Tiến và những người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh vì lý tưởng quốc gia.

Nếu đăng lại, in ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Thu Hương, “Một Tháng Tư, Hai Cái Giỗ”, Hội Ái Hữu Petrus Trương Vĩnh Ký Úc châu.