Tượng đài và lịch sử

Trần Giao Thủy

Câu trả lời cho vấn đề này cần đến nhiều đóng góp quan trọng trong ôn hòa và hiểu biết của tất cả mọi thành phần trong xã hội kể cả giới nghiên cứu lịch sử – đặc biệt là tiếng nói của khối người đã bị thua thiệt nhiều nhát và lâu nhất – và của chính quyền từ địa phương đến trung ương.

Đây là những gì bạn có thể làm để hỗ trợ các cuộc biểu tình chống lại sự tàn bạo của cảnh sát. Ảnh: Stephen Maturen / Getty Images

Cái chết ngày 25 tháng 5 của George Floyd, một người Mỹ da đen, trong lúc bị bốn nhân viên cảnh sát thành phố Minneapolis bắt giữ vì tình nghi xài bạc giả đã dấy lên một phong trào –  đòi công bằng, chống kỳ thị chủng tộc – không những chỉ ở tiểu bang Minnesota hay cả nước Mỹ mà còn lan rộng ra khắp thế giới phương Tây, từ Canada sang Úc và nhiều nước khác ở châu Âu.

Hệ luận trực tiếp của phong trào đòi bình quyền, chống kỳ thị, phân biệt đối xử đã đưa quần chúng khắp nơi vào một phong trào nhỏ hơn, nhưng có liên hệ đến những bất công xã hội, nói chung, hay vấn đề của chế độ nô lệ ở thế kỷ thứ 17, 18 và đạo luật Jim Crow vẫn chưa được xã hội ở Mỹ đồng nhất giải quyết rốt ráo. Đó là phong trào đòi phá bỏ những tượng đài kỷ niệm những nhân vật lịch sử ít nhiều dính dáng đến chế độ buôn nô lệ hay việc thảm sát người da đen đã từng xảy ra trước đây.

Lần này, đầu tiên bị phá hủy là những tượng đài kỷ niệm những nhân vật lịch sử của Nam quân (Confederate) trong cuộc nội chiến ở Mỹ như Tổng thống các tiểu bang phía Nam (Confederate states) Jefferson Finis Davis (Richmond, Va.); ở một thành phố khác, 4 tượng của Nam quân bị phá mất đầu hoặc đã bị kéo đổ (Portsmouth, Va.). Những hình tượng này được dựng lên trong thời đại của Đạo luật Jim Crow – những đạo luật của tiểu bang hay địa phương áp dụng (cả trăm năm, từ sau cuộc nội chiến cho cuối đến 1968) chính sách phân biệt đối xử dựa trên màu da đen hay da trắng của người Mỹ ở những tiểu bang miền Nam. Người Mỹ da đen thua thiệt ở đủ mọi mặt, từ cơ hội có việc làm, quyền đầu phiếu, giáo dục và những cơ hội tiến thân khác[1].

Tượng của Jefferson Finis Davis (Richmond, Va.) bị đổ sơn trước khi bị người biểu tình kéo xuống.Nguồn: newsjatt.com

Bên cạnh các nhân vật của Nam quân, những tượng đài khác cũng đang bị phá hủy hay kêu gọi hạ bệ, như tượng của Christopher Columbus và Juan Ponce de Leon ở Miami. Columbus là một nhân vật lịch sử gây tranh cãi khá nhiều ở Mỹ thường bị bôi bẩn, sơn, phá hỏng vào ngày Columbus hàng năm vì đã thúc đẩy phong trào diệt chủng thổ dân ở Mỹ hàng thế kỷ. Nhiều năm qua thổ dân Hoa Kỳ đã vận động để đổi tên ngày Columbus thành Ngày Thổ dân.

Ở châu Âu, bên Anh, ngoài tượng của Christopher Columbus đang bị phá hủy, còn có tượng đài của Vua Leopold II, đang nằm trong tầm ngắm. Vua Leopold II của người Bỉ (1865-1909), một người được coi là anh hùng của Ái Nhĩ Lan, còn là người nắm quyền lực tột đỉnh của Congo (1885-1908) – dù chưa khi nào đặt chân đến vùng đất ở châu Phi đó; dưới triều đại của Leopold II, có từ 10 đến 15 triệu người châu Phi đã bị thảm sát. Nhóm chữ “tội ác đối với nhân loại” (“crime against humanity”) bắt nguồn từ sự kiện này.

Tượng Vua Leopold II của người Bỉ (1865-1909) bị phá hủy trước khi bị hạ bệ. Nguồn: TNYT

Thứ ba, nhóm người biểu tình ở vùng Bristol bên Anh, hôm Chủ nhật đã kéo đổ và quẳng xuống biển hình tượng của Edward Colston (1636 – 1721), một Dân biểu Quốc hội Anh, một thương nhân buôn nô lệ đồng thời là một nhà hảo tâm đối với những nhóm ủng hộ quan điểm chính trị và tôn giáo của ông.

Tất cả những tượng đài của các nhân vật lịch sử đang bị phong trào chống kỳ thị chủng tộc, tranh đấu cho công lý và nhân quyền phá hủy hay muốn hạ bệ đều có ít nhiều hệ lụy đến chế độ nô lệ, đối xử bất công hay thảm sát người châu Phi. Việc phá hủy và muốn hạ bệ những nhân vật lịch sử kể trên dù có thể hợp lý với tập thể người da đen đã bị đối xử bất công suốt một thời gian quá dài vẫn còn nhiều điểm cần phải thảo luận, suy xét về giá trị và vị trí lịch sử và có thể sẽ dẫn đến một đạo luật rõ ràng để giải quyết một vấn đề nhạy cảm đã tồn đọng quá lâu ở xã hội phương Tây.

Ở Ukraine, việc giải quyết những tượng đài lịch sử không còn thích hợp tương đối nhanh và ít phức tạp hơn các nước phương Tây. Ukraine vất bỏ 1,320  tượng đài Lenin[2]. Hai năm trước, Ukraine đã thông qua một đạo luật loại bỏ tất cả các nhãn hiệu, biểu tượng và tượng đài dưới thời Đảng Cộng sản cai trị. Dù vậy Lenin vẫn đứng sừng sững ở nhiều quốc gia khác, đặc biệt là tại nhiều thành phố lớn ở Hoa Kỳ, từ Las Vegas, New York, Seattle – Fremont đến Hutchinson, Kansas hay được giấu ở một bãi sắt vụn ở Willimantic, Connecticut.

Tượng Baden-Powell ở Dorset, Anh quốc, có thể phải dời đi để tránh bị phá hoại

Tượng Baden-Powell ngồi ở Bến cảng Poole, Dorset nhìn ra đảo Browbsea. Nguồn: Finnbarr Webster / Getty Images

Sáng thứ năm 11 tháng 6, hãng thông tấn Reuters[3] và báo giới bên Anh đồng loạt đưa tin Hội đồng thị trấn Poole dự định dời tượng Baden-Powell hiện đặt ở gần cầu tàu tại hải cảng Poole nhìn ra đảo Brownsea ở Eo biển Anh vì e rằng hình tượng lịch sử đó có thể bị – người biểu tình chống kỳ thị chủng tộc và vì cuộc tranh luận dai dẳng về nhưng nhân vật lịch sự có liên hệ đến thời đại Anh còn là một đế quốc – phá hoại hay quăng xuống biển. Chính phủ đã đem một số tượng cất vào kho; một số khác như tượng của Thủ tướng Winston Churchill, người lãnh đạo nước Anh trong Đệ nhị Thế chiến, ở trước Quốc hội cũng đã bị bôi sơn trét trấu.

Tượng Baden-Powell do Hướng đạo sinh thị trấn Poole và tỉnh Dorset và một số nhà hảo tâm yểm trợ tài chánh, được điêu khắc gia David Annand thực hiện, mới đặt ở vị trì này từ tháng Tám, 2008.

Quyết định dời tượng Baden-Powell được tạm đình chỉ 24 giờ với sự bảo vệ thường trực của nhân viên an ninh chính quyền địa phương tiếp tục thảo luận và chờ xem cuộc biểu tình chống đối có xuống thang hay không.

Baden-Powell là ai?

Baden-Powell là ai[4], tại sao lại lọt vào tầm ngắm của phong trào chống kỳ thị và cuộc tranh luận về những nhân vật của thời đại Đế quốc Anh đang hồi sinh?

Ông sinh tại Paddington, London vào năm 1857. Huân tước Baden-Powell nhập ngũ năm 19 tuổi (1876) với cấp bậc Thiếu úy thuộc Trung đoàn Kỵ binh Hussars thứ 13 tại Ấn Độ, chuyên về dò đường, vẽ địa đồ, và trinh sát.

1899 Đại tá Robert Baden-Powell trở thành anh hùng của Anh sau khi giữ được Thị trấn Mafeking sau 217 ngày bị vây chặt trong Chiến tranh Boer ở Nam Phi (tháng 10, 1899 đến tháng 5, 1900). Nữ hoàng Vitoria đã thăng cấp cho Đại tá Baden-Powell lên Thiếu tướng.

Baden-Powell và 20 thiếu niên trong kỳ trại thí nghiệm đầu tiên trên đảo Brownsea ở ngoài khơi bến Cảng Poole (Dorset, Anh Quốc). Nguồn: scout.org

1907, Baden-Powell đã tổ chức một kỳ trại thí nghiệm với 20 thiếu niên trên đảo Brownsea ở Dorset. Sau đó ông thành lập phong trào, rồi Hội Hướng đạo tại Anh. Năm 1920 ông giải ngũ với cấp bậc Trung tướng để chú tâm gầy dựng Phong trào Hướng đạo, lúc bấy giờ đã bắt đầu lan rộng trên thế giới.

Baden-Powel thường được Hướng đạo sinh khắp thế giới thân mật gọi là B.-P. Vị sáng lập phong trào Hướng đạo thế giới qua đời năm 1941. B.-P. đã sống từ 1939 đến cuối đời với vợ, bà Olave Baden-Powel (1889-1977), tại Nyeri, Kenya. Mộ hai vợ chồng đều ở nghĩa trang St-Peter, Nyeri.

Trước bản tin bức tượng của B.-P. có thể bị dời đi, một người phát ngôn cho Hội Hướng đạo Anh nói,

“Baden-Powell là người sáng lập Phong trào Hướng đạo. Hiện nay có trên 54 triệu hướng đạo sinh trên thế giới và chúng tôi sinh hoạt gần như tại tất cả các quốc gia trên quả địa cầu, cổ xúy tinh thần khoan dung và đoàn kết thế giới.”

Như vậy, tại sao B.-P. lại lọt vào tầm ngắm của phong trào chống kỳ thị, đòi công lý cho người da đen?

Giới chỉ trích Baden-Powell đã cáo buộc ông là người kỳ thị chủng tộc, chống người đồng tính – vì ông lên án việc thủ dâm và đồng tính luyến ái – cũng như đã ủng hộ Adolf Hitler.

Hãy tìm hiểu từng điểm một.

“Lên án thủ dâm và người đồng tính”

Trong một cuốn sách viết cho Tráng sinh (hướng đạo sinh lớn tuổi, 18-25) tựa đề “Rovering to Success” (hay Đường Thành Công dịch từ bản tiếng Pháp “La route du succès”) xuất bản lần đầu tiên vào năm 1922, Baden-Powell khuyến cáo trưởng Hướng đạo phải hướng dẫn thanh niên mới lớn không nên phí phạm “hạt giống” bằng cách thủ dâm vì đó là hành động tự hủy hoại (self abuse) khiến thanh niên có thể trở thành điên cuồng, hủy hoại cơ thể. Ngắn gọn, B.-P. không cho việc thủ dâm là điều tốt vì lý do sức khỏe, đạo đức và xã hội[5].

Cuốn Đường Thành Công (Rovering to Success) của Baden-Powell (xuất bản lần đầu năm 1922). Nguồn: Hebert Jenkins Ltd.

Tưởng cũng cần lưu ý, đây là quan điểm của một người đàn ông ở nước Anh với những giá trị đạo đức thời  Victoria, cách đây cả thế kỷ. Thứ đến trong lần in thứ 18[6], Baden-Powell dù vẫn gọi việc phí phạm “hạt giống” là “tự hủy hoại” nhưng ông đã loại bỏ chữ “thủ dâm” (masturbation).

Câu chuyện Judah buộc con trai thứ là Onan ngủ với chị dâu Tamar trong Sách Sáng Thế (Genesis 38:8-10) hoàn toàn ngược với đạo lý xã hội thế quyền ngày nay. Nhưng trong sách thánh thì Onan đã làm điều ác (phí phạm “hạt giống” để Tamar khỏi mang thai) nên Chúa phạt Onan phải chết.

Không có phong trào nào đòi dẹp tượng của Mosses, người được cho là đã viết Genesis.

Cho đến hôm nay Thiên Chúa giáo La Mã (gồm cả Thiên Chúa giáo Đông phương), Chính thống giáo Đông phương, Chính thống giáo Á Đông và nhiều Kitô hữu Tin lành coi thủ dâm là một tội lỗi.

Cũng thế, không có phong trào nào đòi dẹp Thiên Chúa giáo, hay đi đập phá nhà thờ và cáo buộc Thiên Chúa giáo là chống người đồng tính.

Chưa có bất kỳ một văn bản hay tài liệu nào của B.-P. hay của những học giả sau này cho rằng ông chống người đồng tính. Một số người viết tiểu sử còn nghi ngờ chính Baden-Powell là một người đồng tính không lộ diện[7] nhưng nhận xét đó đã bị xem là một loại “phân tâm học nghiệp dư” (amateur psychoanalysis)[8]

“Người kỳ thị chủng tộc”

Cũng chính một trong những người viết tiểu sử ngờ B.-P. là người đồng tính không lộ diện đã xác định quan điểm của ông không khác gì với tập thể đàn ông người Anh cùng thời đại về mặt kỳ thị chủng tộc hay chống người Do Thái[9].

“Ủng hộ Adolf Hitler”

Năm 2010, hồ sơ đã giải mật của MI5 – cơ quan tình báo, phản gián và bảo đảm an ninh của Anh Quốc và Bắc Ái Nhĩ Lan – đã tiết lộ việc Huân tước Baden-Powell đã được mời gặp Adolf Hitler sau khi có cuộc nói chuyện thân mật về việc hình thành mối quan hệ gần gũi hơn với đoàn Thanh niên Hitler.

Câu chuyện bắt đầu bằng buổi chuyện trò giữa Baden-Powell và Chánh Văn Phòng đoàn Thanh niên Hitler, Hartmann Lauterbacher tại tòa Đại sứ Đức ở London vào tháng 11, 1937.

Trong một buổi tiếp tân ngay sau đó, Joachim von Ribbentrop, đương kim đại sứ Đức tại London đã cùng Baden-Powell thảo luận về vấn đề thắt chặt liên hệ giữa Hướng đạo tại Anh với đoàn Thanh niên Hitler. Trong buổi tiếp tân, đại sứ Ribbentrop đã mời Baden-Powell sang Đức gặp Hitler.

Sau đó, trong một thư riêng gởi cho trưởng Hướng đạo Anh, Baden-Powell cho biết ông đại sứ Đức “là một người thu hút, dễ nói chuyện, có nhiều mối quan hệ ở Anh. Tôi biết ông chú của ông ấy ở Ấn Độ.”

Nhận xét này được một phần xã hội Anh thời đó cho là thân Đức Quốc xã.  Một trưởng Hướng đạo đã chuyển thư của B.-P. cho MI5 vì ông “nghi  ngờ về sự chân thành của người Đức.”

Hội Hướng đạo Anh, với đề nghị của MI5, đã liên lạc với thứ trưởng Ngoại giao lúc đó là Huân tước Cranbourne về lá thư của Baden-Powell. Ngay tối hôm sau Huân tước Cranbourne đã gọi Huân tước Somers, người lãnh đạo Hướng đạo Anh Quốc thay B.-P. lúc đó, và cho biết “hoàn toàn không tán thành quan hệ mật thiết” với đoàn Thanh niên Hitler[10].

MI5 không có bất kỳ bằng chứng nào[11] cho thấy Baden-Powell đã nhận lời mời của Joachim von Ribbentrop và đã đi gặp Hitler.

Cũng trong giai đoạn đó, có lẽ người ta còn nhớ Hòa ước giữa Vatican và Đức Quốc Xã gọi là Concordat 1933 do Ngoại trưởng Vatican, Hồng y Eugenio Pacelli (sau là Giáo hoàng Pius XII), ký kết với Franz von Papen, Phó Thủ tướng Đức vào này 20 tháng 7, 1933. GH Pius XI và Hitler đều không có mặt trong lễ ký kết; cả hai đã chấp thuận nội dung bản Concordat từ trước.

Concordat 1933 xác định mối quan hệ giữa Giáo hội và Đức Quốc Xã trong các vấn đề liên quan đến cả hai, tức là sự công nhận và đặc quyền của Giáo hội ở Đức và với các vấn đề thế tục ảnh hưởng đến lợi ích của Giáo hội.

GH Pius XI và HY Ngoại trưởng Pacelli cho rằng lý do đầu tiên và duy nhất để Giáo hội ký kết Hòa ước 1933 là để bảo vệ đời sống tâm linh của 20 triệu Kitô hữu ở Đức. Nó có nghĩa, một là Vatican đồng ý với Đức Quốc xã hay hai là chấp nhận sự hủy diệt giáo hội Thiên Chúa giáo tại Đức.

Về phía Đức Quốc xã, Hitler giải thích Hòa ước đó có nghĩa là ông đã giành được sự chấp thuận của giáo hội, do đó chế độ Đức quốc xã được quốc tế công nhận. Ít nhất một số người Thiên Chúa giáo Đức đã coi việc  ký kết Hòa ước như một dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo giáo hội đã bớt phản đối Chủ nghĩa Quốc Xã của Đức.

Một số trong giới bình luận chính trị, nhà báo và sử gia thời đó và bây giờ đã xem sự kiện này như là một biểu hiện của động cơ chính của Giáo hoàng Pius XI và Hồng y Pacelli, được cho là gồm sự lựa chọn những chế độ độc tài thay vì những chế độ dân chủ, sẵn sàng sử dụng Đức Quốc Xã như bức tường thành ngăn sự bành trướng vào châu Âu của chủ nghĩa Cộng sản của Stalin và việc họ coi thường người Đức gốc Do Thái[12].

Gần 90 năm, chưa có phong trào nào đòi hạ bệ hay đập tượng 2 Giáo hoàng Pius XI và Pius XII.

Phản ứng ở Anh Quốc

Hiện nay tại bờ biển ở thị trấn Poole một số cựu hướng đạo sinh đang đứng vây quanh để bảo vệ tượng Baden-Powell trên phủ lá cờ Thánh George và cờ của tỉnh Dorset. Một người khác cầm một bảng hiệu ghi dòng chữ “Lịch sử Anh Quốc là quan trọng”

POOLE, ANH – THÁNG 12: Tổng quan bức tượng Huân tước Baden-Powell vào ngày 12 tháng 6 năm 2020 tại Poole, Vương quốc Anh. Bức tượng của Robert Baden-Powell Bến cảng Poole Quay sẽ được cất giữ an toàn sau khi ông bị cáo buộc đã phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử với người đồng tính và ủng hộ Adolf Hitler. Ảnh của Finnbarr Webster /Getty Images

Vikki Slade, lãnh đạo Hội đồng thị trấn Poole nói,

“Tuy nổi tiếng vì ông  đã sáng lập ra Phong trào Hướng đạo, chúng tôi cũng biết rằng có một số khía cạnh trong cuộc đời của Robert Baden-Powell được coi là ít đáng để tưởng niệm. Vì vậy, chúng tôi muốn [tạm] dỡ bức tượng để có thể kêu gọi tất cả những cộng đồng và các nhóm có liên quan tham dự những cuộc thảo luận về tương lai của bức tượng, gồm cả việc trình bày mang nhiều tính giáo dục hơn về cuộc sống của Baden-Powell trong một bối cảnh khác có thể phù hợp hơn.”

Vikki Slade

Lý do Hội đồng thị trấn Poole đi đến quyết định dời bức tượng vì nó chỉ cách bờ biển có 3 mét và rất nguy hiểm, có thể dễ bị nhóm biểu tình phá hủy.

Sáng thứ Năm khi toán công nhân đã sẵn sàng dỡ bức tượng đã có hàng ngàn chữ ký trên mạng yêu cầu không dỡ tượng Baden-Powell và một số Dân biểu địa phương, Sir Robert Syms, đã lên tiếng trên twitter

“Để tránh sự nghi ngờ, tôi phản đối việc dỡ bỏ vĩnh viễn bức tượng của Baden-Powell khỏi Bến cảng Poole.” Jun 10, 2020

Sir Robert Syms

Một Dân biểu khác, Tobias Ellwood, viết

“Cần bắt đầu một cuộc tranh luận, đã bỏ qua quá lâu, rộng hơn trên cả nước về việc chúng ta đã là ai, chúng ta đang là ai và chúng ta nên đi đâu.

Có rất ít nhân vật lịch sử thích hợp với những các giá trị ở thế kỷ thứ 21. Dẹp bỏ những liên hệ với quá khứ ra khỏi tầm nhìn vẫn không thể sửa lại cho đúng những sai lầm hoặc giúp hiểu rõ hơn về quá khứ của chúng ta.”

Tobias Ellwood

Còn có những ý kiến khác của cư dân và cựu hướng đạo già cũng như trẻ trên mạng twitter, Conor Burns viết,

“Việc dỡ bỏ bức tượng của Huân tước Baden Powell ra khỏi Bến cảng Poole là một phán xét sai lầm rất lớn.”

Conor Burns

Matthew Trott, một thành viên ngành Tráng từ Cwmbran, south Wales đến Poole để bày tỏ về vấn đề dời tượng B.-P., ông nói,

“Có rất nhiều tin đồn ác ý về Baden-Powell nhưng không đúng sự thật. Ông đã thành lập một Phong trào mà tôi yêu mến. Tôi đã là một người Hướng đạo cả đời kể từ khi tôi lên sáu. Hướng đạo là cả cuộc đời tôi, vì vậy ông ấy là anh hùng của tôi.”

Matthew Trott

Một cựu nữ Hướng đạo, Viv Endecott, cho biết:

“Ông ấy đã cho thế giới làm tốt hơn bất kỳ cá nhân nào khác. Bất cứ ai phá hủy một bức tượng đều phải trả lời trước pháp luật.”

Viv Endecott

Một phát ngôn viên của Hội Hướng đạo Anh cho biết tổ chức này đã biết về quyết định tạm dỡ bức tượng Baden-Powell, cho biết,

“Chúng tôi mong muốn được thảo luận vấn đề này với hội đồng thị trấn Poole để đi đến một quyết định có căn cứ về những gì xảy ra sau đó.”

Scouts UK

Ý kiến của người Việt trên Facebook

Khi bắt đầu ghi lại suy nghĩ về vấn đề dỡ tượng, người viết nhận thấy, trong cộng đồng nói tiếng Việt trên Facebook, có một người đã viết một đoạn dịch vài hàng trong bản tin của hãng Reuters kèm với vài lời bình luận. Rất tiếc, người đưa tin không hiểu rõ về Baden-Powel cũng như về Phong trào Hướng đạo, Dang Ngoc Quang[13] viết,

“…Baden-Powell, người được coi là sáng lập phong trào Scout, hướng đạo sinh, từ 1907.”

Sự thực B.-P. đúng là người đã thành lập phong trào Hướng đạo Thế giới chứ không phải “được coi là”

Kế đến, ông viết,

“Nhiều cộng đồng tôn giáo ví dụ Tin lành, Quaker hay Mennonite không tham gia scout vì họ cho rằng phong trào này chuẩn bị thanh niên cho quân đội hay cảnh sát, những lực lượng có thể có quyền giết người.”

Nhận định rất sai lầm trên đây cho thấy người viết không hiểu rõ về Phong trào Hướng đạo trên thế giới.

Hoa Kỳ là một quốc gia với tuyệt đại đa số là người theo đạo Tin Lành (nhiều giáo phái) và là quốc gia có số thành viên Hướng đạo lớn hàng thứ ba thế giới sau Indonesia và Ấn Độ. Anh là nới khai sinh ra Phong trào Hướng đạo thế giới, và tôn giáo chính thức tại đây là Kitô giáo Tin lành.

Riêng Quakers, còn gọi là Friends (một giáo phái Kitô giáo),  có tổ chức trên thế giới[14] và thành viên và có liên hệ với những Hội Hướng đạo Quốc gia tại những nước như Hoa Kỳ, Canada, Anh.

Tóm lại trong số 54 triệu thành viên Phong trào Hướng đạo đang sinh hoạt tại hầu hết các quốc gia trên thế giới có giáo hữu của gần như hầu hết các tín ngưỡng toàn cầu từ Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Ấn độ giáo, Phật giáo, v.v. Giá trị tâm linh là một phần căn bản và là một điều kiện ắt có của Phương pháp giáo dục trong Phong trào Hướng đạo.

Trong phần bình luận, ông Quang còn những thông tin dường như không đáng kể, như việc Hồ Chí Minh từng nhận vai trò chủ tịch danh dự của Hướng đạo (1946) hay một số đảng viên cộng sản (thời còn gọi là Việt Minh) cũng tham gia tích cực trong Phong trào. Nó không đáng kể vì tất cả Hội Hướng đạo ở mọi quốc gia và cả Phong trào trên thế giới đều là những tổ chức giáo dục phi chính trị. Do đó đảng tịch của thành viên không phải là một vấn đề phải đặt ra hay cần thảo luận. Nó cũng không đáng kể vì sau 1954, sinh hoạt Hướng đạo ở miền Bắc hoàn toàn biến mất.

Ông còn viết thêm về việc Hướng đạo tại Việt Nam

“…không được phép hoạt động như một tổ chức chính thức. Có ý kiến cho rằng do nó có khả năng cạnh tranh với hai tổ chức là đoàn thanh niên cộng sản Hồ chí minh và đội thiếu niên Tiền Phong HCM.”

Về vấn đề Hướng đạo không được hoạt động như một tổ chức chính thức vì có thể cạnh tranh với những tổ chức thuộc đảng Cộng sản Việt Nam không phải là chuyện “có ý kiến” mà nó đã được ghi trong văn bản của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (sau đại hội lần thứ 6, năm 1996), của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN (Phan Diễn, văn bản Số 143-TB/TW, 2004 và Trương Tấn Sang, văn bản Số 157 TB/TW, 2008).

Tuy nhiên, ông Quang không biết hoặc không muốn đề cập đến một sự kiện gần đây rất quan trọng đối với sinh hoạt Hướng đạo tại Việt Nam. Đó là Tổ chức  Phong trào Hướng đạo Thế giới đã chào mừng Hướng đạo Việt Nam[15] (Pathfinder Scouts Vietnam) tái gia nhập WOSM như  thành viên Quốc gia thứ 170 (NSO) của tổ chức này từ ngày 10 tháng 1, 2019 sau hơn 43 năm gián đoạn tư cách thành viên.

Nhưng nhầm lẫn nêu trên cũng có thể dễ thông cảm được vì ông Quang là người ở Hà Nội, có lẽ chưa từng sinh hoạt Hướng đạo bao giờ, và không hiểu nhiều về 20 năm hoạt động của Hội Hướng đạo Việt Nam từ 1955-1975 tại miền Nam Việt Nam. Điểm đáng lưu ý là khẩu hiệu treo ở trang nhà của ông trên Facebook ghi,

“Life is beautiful, còn thông tin trên mạng xã hội cần kiểm chứng!”

Hy vọng vói đoạn ngắn trên đây, người viết đã phản ảnh trung thực đề nghị của ông Quang về việc “thông tin trên mạng xã hội cần kiểm chứng!”

Trở lại vấn đề chính, tượng đài và lịch sử. Không phải chỉ mới phát sinh sau cái chết của George Floyd, phong trào phản đối trên toàn cầu nhằm dỡ bỏ các đài tưởng niệm ở các đô thị – được cho là củng cố sự kỳ thị chủng tộc, phân biệt đối xử, bất công xã hội – đang viết lại lịch sử của nhiều thành phố trên thế giới.  Bạo động, đập đền, phá tượng không phải là biện pháp giải quyết được vấn đề phức tạp này một cách trọn vẹn. Câu trả lời cho vấn đề này cần đến nhiều đóng góp quan trọng trong ôn hòa và hiểu biết của tất cả mọi thành phần trong xã hội kể cả giới nghiên cứu lịch sử – đặc biệt là tiếng nói của khối người đã bị thua thiệt nhiều nhất và lâu  nhất – và của chính quyền từ địa phương đến trung ương.

12 tháng 6, 2020

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, in ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài và chú thích của tác giả. DCVOnline minh họa

[1] History.com Editors, “Jim Crow Laws”
[2] Greg Wilford, “Ukraine has removed all 1,320 statues of Lenin”, https://www.independent.co.uk/, 20 August, 2017.
[3] Peter Nicholls, “UK council stops plan to remove statue of scout founder Baden-Powell”, Reuters UK, June 11, 2020. https://uk.reuters.com/article/uk-minneapolis-police-protests-britain-s/british-statue-of-scout-founder-baden-powell-to-be-taken-down-idUKKBN23I0VE
[4] Charlie Duffield, “Was Robert Baden-Powell racist? Why a statue of the Scouts founder could be removed from Poole Quay”, https://inews.co.uk/ June 11, 2020; https://inews.co.uk/news/robert-baden-powell-racist-statue-poole-quay-scouts-removed-443387
[5] Baden-Powell, “Rovering to Success” APR in lại năm 2005, trang 104-106.
[6] Baden-Powell, “Rovering to Success”, Lần in thứ 18 do J.S Allen in lại năm 1982, trang 103-105.
[7] Tim Jeal (1989). “Baden-Powell”. London: Hutchinson. ISBN 0-09-170670-X.
[8] Nelson R. Block; Tammy M. Proctor, eds. (2009). “Scouting Frontiers: Youth and the Scout Movement’s First Century”. Newcastle upon Tyne: Cambridge Scholars Publishing. p. 6. ISBN 978-1-4438-0450-9.
[9] Tim Jeal (1989). “Baden-Powell”. London: Hutchinson. ISBN 0-09-170670-X.
[10] James Boxell, “Nazis wooed Scout chief, says MI5 paper”, Financial Times, March 7, 2010.
[11] “MI5 files reveal how Baden-Powell was invited to meet Hitler before the war”, Mirror.uk.com, Mar 8, 2010.
[12] Robert A. Krieg, “The Vatican Concordat With Hitler’s Reich: The Concordat of 1933 was ambiguous in its day and remains so”, America, The Jesuit Review, September 1, 2003 Issue.
[13] https://www.facebook.com/dnquang
[14] Friends Committee on Scouting (Quakers), https://quakerscouting.org/introduction/
[15] World Scouting, “Vietnam Rejoins Scout Movement, Growing Membership To 170 Strong”