Lãnh đạo thế giới Tự do không còn tự do nữa
James Traub | DCVOnline
Khi phẩm chất nền dân chủ Hoa Kỳ bị xói mòn, không còn nhiều lý do để bất cứ nước nào lấy đó làm gương
Hầu như mọi thứ tốt, và mọi thứ xấu, mà giới lãnh đạo Mỹ đã làm trên thế giới trong thế kỷ qua, kể cả việc thiết lập trật tự tự do sau Thế chiến II và tham dự vào những cuộc chiến đổ nát ở Việt Nam và Iraq đã được tiến hành dưới danh nghĩa vì một sứ mệnh cổ xúy những giá trị tự do và dân chủ của nước Mỹ. “Chủ nghĩa ngoại hạng của người Mỹ”, và lòng tin đó đã từng được biết đến như thể chỉ có nước Mỹ mới có những giá trị đó.
Giới phê bình cánh tả luôn coi tuyên bố đó là bằng chứng của sự ngạo mạn quốc gia. Tuy nhiên, cách đây 20 năm vẫn có thể nói, như Ngoại trưởng Madeleine Albright đã tuyên bố, “chúng tôi đứng cao và chúng tôi nhìn về tương lai xa hơn các quốc gia khác.”
Tuy nhiên, sau các sự kiện trong bốn tháng qua, tiền đề đó đã trở thành trò cười. Mỹ rõ ràng không nhìn xa. Phản ứng của Mỹ đối với đại dịch coronavirus là thiển cận và không mạch lạc; khi đối phó với khủng hoảng, nước Mỹ đã trở nên phân cực nhiều hơn thay vì đoàn kết. Và bây giờ cái chết của George Floyd và phản ứng bằng bạo lực đối với những cuộc biểu tình sau đó đã cho thấy chính sách của Mỹ bị sự phân biệt chủng tộc và sự tàn bạo bắn thủng. Tổng thống Donald Trump quyết tâm đổ muối vào từng vết thương mới. Nước Mỹ ngoại hạng bây giờ dường như hoàn toàn mang một ý nghĩa miệt thị.
Tất nhiên sự phân cực và tê liệt, sự phân biệt chủng tộc trong cơ chế và sự khinh thường các quy tắc dân chủ có trước khi Donald Trump đắc cử. Người ta có thể tranh luận về việc quỹ đạo đi xuống bắt đầu lúc nào; trong How Democracies Die, Steven Levitsky và Daniel Ziblatt lần theo dấu vết mục rữa đến cuộc cách mạng Cộng hòa do Newt Gingrich châm ngòi vào những năm 1980. (Tôi đã tuyên bố tương tự trong What Was Liberalism? Chủ nghĩa tự do là gì?) Một cách hữu ích để biến câu hỏi thành con số là nghiên cứu sự suy giảm tương đối và tuyệt đối của Hoa Kỳ trong Chỉ số Tự do của Thế giới của Freedom House.
Mặc dù chỉ số này đã hiện hữu từ năm 1972, nhưng chỉ bắt đầu từ năm 2003, Freedom House mới đặt thang thứ bậc từ 1đến 100 để có thể xếp hạng các quốc gia. Hoa Kỳ ban đầu ở mức điểm 94, và vẫn duy trì ở bậc đó đến năm 2009, khi nó đứng thứ 22 trong danh sách. Sau đó, Mỹ bắt đầu tuột dốc, mặc dù ít hơn trong nhiệm kỳ tổng thống của Barack Obama, so với những sáng kiến chính sách và phán quyết của Tối cao Pháp viện được khối bảo thủ ủng hộ đã tăng cường sức mạnh của đồng tiền trong chính trị, vẽ lại các khu vực bầu cử được hoan nghênh, và áp đặt những hạn chế trong việc ghi danh và bỏ phiếu. Vào năm 2016, Hoa Kỳ đã tuột xuống vị trí thứ 28, với số điểm 89.
Trong ba năm của nhiệm kỳ Trump, Hoa Kỳ hiện đã tụt xuống hạng thứ 33 và mất thêm ba điểm; Sarah Repucci, phó chủ tịch nghiên cứu và phân tích của Freedom House, nói với tôi, đó là một điều rất bất thường đối với một nền dân chủ ổn định. Repucci cũng lưu ý rằng Hoa Kỳ được hai điểm trên bốn điểm tối đa, về câu hỏi đối xử công bằng cho các nhóm khác nhau là điều gần như chưa từng thấy trong các nước dân chủ. Phân tích của Freedom House, về chủ đề này nhấn mạnh các vấn đề lâu dài về bất bình đẳng về cấu trúc nhưng cũng là chiến dịch bền vững của Trump chống lại người di cư và người tị nạn.
Repucci không sẵn sàng đưa ra bất kỳ dự đoán nào cho báo cáo năm 2021, nhưng bà lưu ý rằng sự xói mòn đều đặn các tiêu chuẩn mà Hoa Kỳ đã trải qua trong những năm gần đây thường dẫn đến việc giảm số điểm, ví dụ như với Hungary. Repucci nói,
“Nhiều người nghĩ rằng có thể có vấn đề ở đây đó nhưng những nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ của chúng ta không ở trong vùng nguy hiểm và tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải thấy rằng chúng đang có nguy cơ.”
Sarah Repucci
Hoa Kỳ đã bị đánh giá là ít tự do hơn không chỉ đối với hầu hết các nước Tây Âu mà còn ít tự do hơn hầu hết các đảo quốc nhỏ bé ở vùng Caribbean. Gần như chắc chắn vào năm tới Hoa Kỳ sẽ tụt xuống dưới Belize, đang đứng đồng hạng.
Khó có thể buộc tội Freedom House thiên vị chống Mỹ. Thành lập với sự hậu thuẫn của Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt vào năm 1941, tổ chức này và sau đó là hệ thống xếp hạng của nó, đã phát triển thành một công cụ trong Chiến tranh Lạnh, thiết lập để đánh dấu sự khác biệt về phạm vi ảnh hưởng của Mỹ và Liên Xô. Chủ tịch hiện tại của Freedom Hou là Michael Chertoff, người từng là người đứng đầu Bộ Nội An dưới thời George W. Bush và được cho là người có tư cách là đồng tác giả của Đạo luật Yêu nước Hoa Kỳ (Patriot Act).
Hơn nữa, thứ bậc, chỉ số tự do theo Freedom House tương đương với những đánh giá của các nhóm khác. Hoa Kỳ đứng thứ 25, về Chỉ số Dân chủ của Tổ chức Tình báo Kinh tế, ngay trước Malta, nơi được coi là một “nền dân chủ thiếu sót”. Với Civicus Monitor, tổ chức đánh giá các điều kiện cho “không gian dân sự”, thì Hoa Kỳ được coi là một nước “hẹp hòi”, thay vì là một xã hội “mở”. Về chỉ số tự do báo chí của Tổ chức Phóng viên không biên giới, Hoa Kỳ xếp hạng 45, chỉ hơn Senegal.
Người Mỹ có thể có công trong sự phát triển của những quốc gia dân chủ trong thế hệ sau Thế chiến II, và một lần nữa sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Do đó, việc Hoa Kỳ không còn đứng đầu bảng xếp hạng có thể được tính là thành công chứ không phải thất bại. Nhưng điểm kém trong phiếu điểm quốc gia là một dấu hiệu của sự xấu hổ và là lời hiệu triệu phải biết nhún nhường. Hoa Kỳ không còn có thể lên lớp bất cứ ai khi đang ở nấc thang này.
Tôi không viết điều này như một người thực tế đi tìm chứng minh cho một chính sách trung lập về mặt đạo đức. Chính những can thiệp nhân đạo của những năm 1990 đã khiến tôi chuyển từ chính sách đối nội sang đối ngoại. Tôi không nghĩ Albright đã sai vào năm 1998 khi bà ấy gọi “Hoa Kỳ là quốc gia không thể thiếu”. Tôi đã viết một cuốn sách (The Freedom Agenda, Nghị trình Tự do) tán thành học thuyết cổ xúy dân chủ, mặc dù không phải là phiên bản chính thức cho nhiệm kỳ Tổng thống Bush. Tôi sẽ không vui nếu một Tổng thống Joe Biden vứt bỏ tiếng nói cho nhân quyền nhân danh cái gọi là lợi ích quốc gia.
Tuy nhiên, tôi không tưởng tượng rằng nó sẽ làm được nhiều điều tốt. Bạo chúa sẽ nhún vai rũ bỏ những lời chỉ trích của Mỹ, bởi vì nó sẽ chẳng còn kí lô nào đối với người khác. Giới hoạt động nhân quyền ở nước ngoài vẫn có thể tìm đến các tổ chức tư nhân của Mỹ như Cơ sở Xã hội Mở (Open Society Foundations) hoặc Viện Dân chủ Quốc gia (National Democratic Institute), nhưng không tìm đến các cơ quan chính thức của chính phủ Hoa Kỳ. Nếu được bầu làm tổng thống, Biden có thể gia nhập Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhưng ông không thể mong đợi sẽ thực hiện kiểu lãnh đạo mà Hoa Kỳ thậm chí đã có bốn năm trước đó, [và nay đã mất].
Nếu Trump bằng cách nào đó tái đắc cử, Hoa Kỳ sẽ rơi vào một cuộc đấm đá man rợ mà các quốc gia khác sẽ nhìn vào một cách kinh hoàng. Lý tưởng thì một chiến thắng của Biden sẽ đưa đến một kỷ nguyên đau khổ tự phê bình, giống như một người nào đó thức dậy sau một cuộc nhậu nhẹt thâu đêm để thấy mình bị phá sản nhưng tỉnh táo. Mỹ sẽ phải mất nhiều năm chỉ để quét đống rác tan hoang. Trong khi đó, giới lãnh đạo chính trị Mỹ sẽ cần phải tự hành xử với một sự thận trọng rất không-như-Mỹ. Hoa Kỳ vẫn là quốc gia không thể thiếu được vì đây là lực lượng quân sự lớn nhất thế giới – nhưng không phải vì các quốc gia khác trông chờ được Mỹ dẫn đường.
James Traub là tác giả viết thường xuyên cho Foreign Policy, một viện sĩ không thường trực của Trung tâm Hợp tác Quốc tế của Đại học New York, đồng thời là tác giả của cuốn sách Chủ nghĩa tự do là gì? Quá khứ, hiện tại và lời hứa của một ý tưởng cao quý (What Was Liberalism? The Past, Present and Promise of A Noble Idea).
© 2020 DCVOnline
Nếu đăng lại, in ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: The Free World’s Leader Isn’t Free Anymore | James Traub | Foreign Policy| Jun 18, 2020.