Từ Kathy Jenkins đến Hoàng Lan Chi

Tiến C. Nguyễn

Nhiều người Việt cũng nghĩ như vậy nên mạng xã hội Việt ngữ mới nhiều những cá nhân và ý kiến như bà Hoàng Lan Chi kêu gọi tàn sát người da đen. Nên dịch và chuyển những ý kiến như thế cho truyền thông Mỹ, cho mạng xã hội bằng tiếng Anh của cộng đồng bản xứ, cho FBI, cho cảnh sát để chẳng riêng bà Hoàng Lan Chi, những cá nhân giống bà có cơ hội học được những bài học đích đáng mà đồng bào khuyên nhủ vẫn dứt khoát không thèm nghe.

Đa nguyên, đa văn hóa: Cùng đọc sách. Nguồn: https://www.epl.ca/

Chuyện người Mỹ

Kathy Jenkins một phụ nữ da trắng ở Branson, tiểu bang Missouri đã bị mất việc sau khi cuồng nhiệt phất cao lá cờ của Nam quân (Confederate Flag) trong cuộc chiến Giải Phóng Nô Lệ (1861-1865), ca ngợi tổ chức KKK (Ku-Klux-Klan – một tổ chức tội phạm da trắng kỳ thị người da đen ở Mỹ) và thề rằng sẽ dậy dỗ cháu mình căm thù khi đối diện với một cuộc biểu tình của phong trào Sinh Mạng Người Da Đen Có Giá Trị – Black Lives Matter.

Bà Jenkins nói với Ozarks First – một đài truyền hình ở Springfield Missouri – rằng bà rất ân hận về chuyện này sau khi đoạn video quay lại cảnh bà phất cờ, la hét loan truyền rộng rãi trên mạng. Bà nói:

“Tôi vô cùng xin lỗi! Ý tôi là nếu giúp được gì cho phong trào Black Lives Matter, chắc chắn tôi sẽ làm. Tôi bị mất định hướng, choáng váng đầu óc, không nhớ rõ mình đã làm gì, nói gì trong lúc hỗn loạn khi người biểu tình chống phân biệt chủng tộc tập trung trước một cửa tiệm bán những hàng hóa mang biểu tượng của Nam Quân.”

Kathy Jenkins

Chủ tiệm này là Anna và Nathan Robb. Theo tờ Kansas City Star, Nathan Robb là con trai của Thomas Robb, một lãnh đạo của KKK. Cửa tiệm vì thế trở thành tâm điểm của người biểu tình BLM.

https://twitter.com/i/status/1274903974114721793

Tuy nhiên, đoạn video quay lại được phát tán rộng rãi trên mạng cho thấy hoàn toàn ngược lại. Bà Jenkins đã hiện diện với một cái nón màu đỏ có hàng chữ MAGA – Làm Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại (Khẩu hiệu tranh cử của ông Donald Trump) với một lá cờ Liên Quân Miền Nam. Jenkins nói với những người biểu tình: “Tôi sẽ dậy các cháu tôi thù ghét tất cả những người ở đây”. Sau đó bà Jenkins dơ cao nắm đấm và hô lớn: ‘KKK- Niềm tin tưởng’.”

Bà Jenkins đã bị mất việc làm và đã rời khỏi Branson. Bà Jenkins nói với Ozarks First và bào chữa rằng bà đã rủa sả người biểu tình vì không muốn bị gọi là người kỳ thị chủng tộc cũng như không hiểu rõ lịch sử cuộc chiến Giải Phóng Nô Lệ, nhưng bà đang học thêm. Bà cũng hứa rằng không bao giờ phất lại lá cờ Nam quân nữa.

Thị trưởng của thành phố Branson Edd Akers nói trên Facebook rằng:

“Thành phố chúng tôi không dung thứ cho bất cứ phát biểu nào mang nặng hận thù như thế.”

Thị trưởng Branson, Edd Akers

Nhiều người cũng bày tỏ nghi ngờ về sự ân hận, xin lỗi của Kathy Jenkins. Kenidra Woods một người làm thiện nguyện cho bệnh nhân tâm thần viết trên Twitter:

“Tôi có mặt lúc BLM biểu tình ở Branson, lời phát biểu của Kathy Jenkins làm tôi bị thương tổn nặng nề. Lời xin lỗi của bà ta như một cái tát vào mặt tôi. Lòng tôi luôn rộng mở để tha thứ lỗi lầm cho những người biết phục thiện nhưng lời xin lỗi của Jenkins thật là giả dối. Bà ấy xin lỗi vì hành động của mình bị phát tán rộng trên mạng xã hội.”

Kenidra Woods

Người tổ chức biểu tình cho BLM, Faith Pittser nói với Ozarks First:

“Jenkins biết chính xác những gì bà ấy nói. Bà ấy có mặt ngay từ lúc đầu khi cuộc phản biểu tình xẩy ra, bà ấy hét lên những lời tục tĩu, thù ghét vào mặt chúng tôi.”

Faith Pittser

Đó là chuyện Mỹ cách đây ít ngày.

Chuyện Người Mỹ gốc Việt

Một chuyện khác vừa xẩy ra trong cộng đồng người Việt hải ngoại trên mạng xã hội Facebook, có tính chất tương tự nhưng chất chứa hận thù, căm ghét và khát máu hơn.

Bà Hoàng Lan Chi đã viết một đoạn ngắn (status) trên Facebook như thế này:

“Tôi ủng hộ da trắng ra đường đem theo súng và bắn bỏ mẹ thằng da đen xấu xí nào dám tấn công. Nhớ bắn trước mặt nhen. Bọn khốn này nên chết bớt vì con cái của nó, chắc 9/10 cũng du đãng như nó. Vậy thì giúp làm sạch xã hội.”

LanChi Hoang

Có lẽ sau đó được ai đó nhắc nhở rằng sẽ phải trả giá đắt vì những lời lẽ kỳ thị, kích động dùng bạo lực để tàn sát người da đen, bà Hoàng Lan Chi đã xoá status này. Tuy nhiên làm sao có thể lấy lại viên đạn đã bắn đi. Đã có người chụp lại được status và chia sẻ cho những người Việt khác đang dùng Facebook, báo cáo với Facebook nhưng không biết đã có ai báo cho FBI và cảnh sát Houston, Texas hay chưa?

Hình chụp lại status của Lanchi Hoang, đã xóa. Nguồn: LanChi Hoang,

Đây là việc nên làm bởi khi FBI và cảnh sát mở cuộc điều tra và thực thi luật pháp. Nhiều người Việt trước nay thường xuyên bày tỏ công khai sự miệt thị, không tiếc lời thóa mạ người da đen, thậm chí kêu gọi tiêu diệt họ như bà Hoàng Lan Chi may ra mới học được những bài học về văn minh.

Bà Hoàng Lan Chi chỉ là đại diện cho một nhóm người căm ghét người da đen đến mức đáng ngạc nhiên. Chẳng rõ bà đã từng là nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp của người da đen chưa? Nếu bản thân hoặc thân nhân, bạn bè… của bà từng bị người da đen hãm hiếp, cướp bóc, đánh đập, sỉ nhục… như bà và một số người vẫn khái quát như thế về người da đen thì điều đó vẫn không thể thông cảm được vì những kẻ phạm các loại tội ác đó có đủ loại màu da, kể cả người Việt da vàng…

Status đóng khung. Nguồn: LanChi Hoang

Đằng này, dường như sự khinh bỉ, căm giận đó chỉ thuần túy là tại màu da và dẫn tới những ý kiến vô đạo đến mức đáng ghê sợ, kinh tởm vì ủng hộ diệt chủng như thế. Tiếc là mạng xã hội Việt ngữ càng ngày càng nhiều những cá nhân hãnh diện tự phơi bày, khoe mình thuộc loại này!

Trước Kathy Jenkins đã có khá nhiều người phải trả giá đắt vì lời nói, thái độ kỳ thị. Nói cách khác, sở dĩ nhiều người như Kathy Jenkins phải trả giá cho lời nói, thái độ kỳ thị chủng tộc vì họ tưởng rằng, thời có thể buông lời khinh miệt, hay bày tỏ thái độ xúc phạm những người da đen nói riêng và những người da không trắng nói chung đã quay trở lại giai đoạn hoàng kim.

Nhiều người Việt cũng nghĩ như vậy nên mạng xã hội Việt ngữ mới nhiều những cá nhân và ý kiến như bà Hoàng Lan Chi kêu gọi tàn sát người da đen. Nên dịch và chuyển những ý kiến như thế cho truyền thông Mỹ, cho mạng xã hội bằng tiếng Anh của cộng đồng bản xứ, cho FBI, cho cảnh sát để chẳng riêng bà Hoàng Lan Chi, những cá nhân giống bà có cơ hội học được những bài học đích đáng mà đồng bào khuyên nhủ vẫn dứt khoát không thèm nghe. Bài học mà Hoàng Đức Chân Như – Phóng viên của đài RFA – đã học (bị sa thải) rõ ràng chưa đủ sức làm số này thức tỉnh.

Cần phải có thêm nhiều bài học khác. Đó cũng là cách để chứng tỏ, không phải tất cả mọi người Việt đều thiển cận, tàn bạo như bà Hoàng Lan Chi và những người giống bà.

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Tien Cuong Nguyen, “Từ Kathy Jenkins đến Hoàng Lan Chi”, Facebook, June 26, 2020.
Tham khảo: Ed Mazza, “Woman Who Praised KKK Apologizes, Vows To Never Wave Confederate Flag Again”, HuffPost US, 06/25/2020.
DCVOnline hiệu đính và minh họa.