“Người da trắng thiểu số ở Mỹ”
Đặng Ngữ
Mâu thuẫn giữa các cộng đồng trong lòng nước Mỹ đã lộ diện và lên tiếng yêu cầu giải quyết. Người gốc châu Phi, người gốc châu Á, người nói tiếng Tây Ban Nha muốn tiếng nói của mình có trọng lượng hơn. Nhưng liệu người da trắng nói tiếng Anh có chấp nhận điều này?
Bấy giờ, không nhiều người nhắc đến Donald Trump và bức tường mà ông ra lệnh xây dựng để ngăn cách Mexico và Mỹ nữa. Có lẽ, người ta đang chú tâm vào những “bức tường” khổng lồ đang được xây dựng mỗi ngày ngay giữa lòng nước Mỹ ngăn cách cộng đồng dân da trắng và dân da đen, da trắng và da màu, dân gốc châu Á và dân gốc châu Âu, dân nói tiếng Anh và dân nói tiếng Tây Ban Nha… Có vô số những bức tường như thế mà nước Mỹ cần phải đập bỏ trước khi làm “Nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Mr. Trump đã hứa hẹn xây những bức tường và ông đã làm việc đó để ngăn dân nhập cư. Mr. Trump đã kiếm được kha khá phiếu bầu vì lời hứa xây dựng những bức tường. Trong thực tế, những bức tường được xây dựng không mấy hiệu quả để ngăn cản dân nhập cư trái phép. Nhưng đó, một hứa hẹn chính trị, một kiểu biểu tượng khiến cho cử tri ủng hộ Mr. Trump an lòng kiểu như “có ai đó làm gì để ngăn dân nhập cư đi chứ”. Dù muốn dù không, Mr. Trump cũng đã làm cho dân Mỹ yên lòng rằng dân Mexico hay dân Nam Mỹ không tràn ngập nước Mỹ và dân Mỹ không trở thành thiểu số ngay trên đất Mỹ.
Tuy nhiên, có một thực tế rằng, người da trắng nói tiếng Anh đang dần dần trở thành cộng đồng thiểu số hoặc đang trên đường suy giảm sức ảnh hưởng trong rất nhiều lĩnh vực từ văn hoá, kinh tế và chính trị ngay trên đất Mỹ. Theo một thống kê vào năm 2015 của US Census Bureau, Texas có 27.5 triệu dân; cộng đồng dân Hispanic (dân nói tiếng Tây Ban Nha) chiếm 38.8%; chỉ riêng năm 2014, Texas đón 4.5 triệu người nhập cư trong đó phần lớn dân đến từ khu vực nói tiếng Tây Ban Nha. Khuynh hướng này có thể quan sát được ở rất nhiều bang khác. Tương tự như Texas là Arizona. Cứ theo đà như thế này, chẳng mấy chốc nước Mỹ sẽ phải công nhận tiếng Tây Ban Nha làm ngôn ngữ chính thức.
Dù thừa nhận hay không, đi bất cứ nơi nào trên đất Mỹ hiện nay, người ta sẽ dễ dàng nhận thấy một lượng đông đảo các cộng đồng dân da đen, dân gốc châu Á đang có khuynh hướng lấn áp cộng đồng dân da trắng nói tiếng Anh nhập cư trước đó. Có thể, tình trạng này gây nên sự lo sợ từ trong tâm khảm đối với dân da trắng nói tiếng Anh. Nước Mỹ, dù có dân chủ đến thế nào, dù có ưu việt đến thế nào thì vẫn luôn còn các mâu thuẫn ngôn ngữ và cả sắc tộc. Khi các mối đe doạ từ dân gốc châu Phi, dân gốc châu Á, dân nói tiếng Tây Ban Nha tăng lên thì người da trắng tất yếu tìm đến nhau. Người ta sẽ dễ dàng nhận thấy hội KKK nổi dậy, phong trào “white supremacy” phục hưng, “white power” lên tiếng… vì những phong trào này được nuôi dưỡng bởi dòng chảy ngầm mâu thuẫn trong lòng xã hội Mỹ.
Dân gốc châu Phi, dân gốc châu Á, dân nói tiếng Tây Ban Nha đã từng hợp lại để bầu nên một Mr. Obama làm tổng thống trong 02 nhiệm kỳ. Ta cũng có thể phát biểu tương tự, Mr. Trump đại diện cho sự phản kháng của dân da trắng nói tiếng Anh về nỗi lo sự trở thành thiểu số ngay trên đất Mỹ. “Make America Great Again” về bản chất “Make White Great Again”.
Mâu thuẫn giữa các cộng đồng trong lòng nước Mỹ đã lộ diện và lên tiếng yêu cầu giải quyết. Người gốc châu Phi, người gốc châu Á, người nói tiếng Tây Ban Nha muốn tiếng nói của mình có trọng lượng hơn. Nhưng liệu người da trắng nói tiếng Anh có chấp nhận điều này?
Cứ phải chờ xem nước Mỹ tái định hình như thế nào trong mươi mười năm đến.
Sài gòn, thứ Ba
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Đặng Ngữ, “Người da trắng thiểu số ở Mỹ”, Facebook, June 29, 2020