Tương lai đen tối của quan hệ Canada-Nga: Putin thắng cuộc trưng cầu dân ý
Marcus Kolga | DCVOnline
Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp của Nga vào tuần đầu tháng 7 là một chuyện đã rồi, chính phủ Trudeau phải chuẩn bị cho tương lai đen tối bằng cách chú ý đến các cảnh cáo của giới chuyên gia tình báo và làm việc với các đồng minh NATO của chúng ta để bảo vệ chủ quyền chung.
Đầu tháng 7, cử tri Nga đã được thông báo rằng họ đã “chọn” chấp nhận sửa đổi hiến pháp cho phép Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục nắm quyền cho đến năm 2036. Đến năm đó, ông sẽ 83 tuổi. Canada phải chuẩn bị cho kết quả đó.
Đã mất cơ hội để Putin ra khỏi chính trường Nga một cách dân chủ và không đổ máu vào năm 2012. Sau khi tạm lùi lại bốn năm sau hai nhiệm kỳ đầu tiên, Putin đã tranh cử nhiệm kỳ tổng thống nhiệm kỳ thứ ba.
Từ đó, các lực lượng vũ trang và mật vụ tình báo của nhà cầm quyền Nga đã xâm lăng và chiếm Crimea và Đông Ukraine, bắn hạ một máy bay dân sự, yểm trợ vụ bỏ bom thường dân ở Syria, tham gia vào các vụ ám sát ngoài lãnh thổ và can thiệp vào hàng chục cuộc bầu cử trong các nỗ lực phá hoại trật tự thế giới dựa trên nền pháp trị phương tây. Ngoài ra, người lãnh đạo phe đối lập dân chủ, Vladimir Nemtsov đã bị bắn chết ngay gần điện Kremlin năm 2015, trong khi người đồng đảng và được Nemtsov che chở, Vladimir Kara-Murza, may mắn sống sót sau hai vụ đầu độc.
Putin nhận thức rất rõ về sự hủy diệt và hỗn loạn mà ông và các đồng chí ăn cắp của mình đã gieo rắc và khối tài sản và sức mạnh vô biên mà họ đã tích lũy khi leo những nấc thang quyền lực. Đối với ông, những lộ trình khác để duy trì quyền lực có thể dẫn đến các phiên tòa hình sự và tội ác chiến tranh, hoặc một chuyến đi thẳng lên đài treo cổ.
Đây là lý do tại sao vào tháng 3 năm ngoái, Putin miễn cưỡng đồng ý hậu thuẫn đồng minh trong quốc hội khi họ năn nỉ ông xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống, cho phép ông Putin tiếp tục nắm quyền 12 năm sau khi hết nhiệm kỳ hiện tại, kết thúc vào năm 2024.
Không bao giờ có bất kỳ nghi ngờ nào về kết quả của những cuộc bầu cử ở Nga khi Putin lãnh đạo sẽ ra sao và cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp ngày 1 tháng 7 cũng không khác.
Chưa hết, tỉ lệ quần chúng ủng hộ Putin tuột hạng, việc giải quyết sai cuộc khủng hoảng COVID-19 và sự sụp đổ của giá dầu rõ ràng đang làm cho Kremlin phải lo lắng.
Ngày càng có nhiều người Nga trẻ tuổi bị tước quyền, họ chờ đợi có quyền tự do kiểu phương Tây và mức sống của người châu Âu. Những người Nga này đang đi tìm những nhân vật có thể thay thế Putin.
Trong số những người dân chủ và chống tham nhũng được biết đến nhiều nhất là Alexei Navalny, đang bị chính quyền Nga buộc tội vu khống tuần trước — một hành động rõ ràng để bịt miệng ông trước cuộc trưng cầu dân ý. Petr Verzilov, một công dân Canada và là thành viên của nhóm hoạt động punk Pussy Riot ở Nga, đã bị bắt giam vào Chủ nhật (28/6), như một cách cảnh cáo không cần che đậy để răn đe những người hoạt động khác tại Nga.
Vào thứ Tư, mặc dù đang ở giữa đại dịch, Điện Kremlin đã tổ chức một cuộc diễn binh rầm rộ phô trương sức mạnh quân sự để kỷ niệm 75 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai. Ngoài việc tưởng niệm các cựu chiến binh Nga, sự kiện tuyên truyền này đã tôn vinh cuộc chinh phạt và chiếm đóng của Liên Xô ở Trung và Đông Âu, qua đó, Putin đánh lạc hướng sự chú ý của cử tri Nga ra khỏi những phiền nhiễu đeo đuổi như dân chủ, nhân quyền và tiêu chuẩn cuộc sống kiểu phương Tây. Mục tiêu tôn vinh Liên Xô Stalinist của hai thế hệ trước là để gợi ý rằng Nga có thể đạt được vinh quang tương tự, miễn là Vladimir Putin vẫn ở vị trí lãnh đạo.
Các nước láng giềng của Nga cũng rất cảnh giác với số phiếu thăm dò ý kiến về Putin đang xuống dốc. Vào cuối năm 2013, mức độ được ưa chuộng của Putin đã ở mức thấp nhất kể từ khi ông trở thành Tổng thống năm 2000 nhưng đến mùa hè năm 2014, sau khi xâm lăng Ukraine và sáp nhập Crimea, ông đã đạt mức cao nhất.
Ngoài sự lo lắng đang tăng của những đồng minh Đông Âu trong khối NATO của chúng ta, còn có những hệ quả tiềm tàng khác đối với Canada; Việc Nga quân sự hóa nhanh chóng khu vực Bắc Cực là một trong những vấn đề đó. Trong mười năm qua, Nga đã xây dựng hoặc tân trang lại ít nhất 30 căn cứ quân sự ở Bắc Cực như một phần của Kế hoạch Tổng thể Bắc cực Nga 2035, để đòi khuếch trương những tuyên bố chủ quyền về tài nguyên ở Bắc Cực.
Trong một báo cáo mới, sau một nghiên cứu gần đây của Ủy ban Quốc hội và An ninh Quốc gia Canada đã cảnh cáo rằng “Điện Kremlin tham gia vào các hoạt động can thiệp nước ngoài trên toàn hệ thống chính trị của Canada”, và “bản chất và mức độ của mối đe dọa can thiệp nước ngoài của Nga là đáng kể.” Đáng lo ngại hơn nữa là chính phủ Canada thất bại trong việc giải quyết mối đe dọa đã được chứng minh rõ rệt này kể từ cuộc bầu cử liên bang vừa qua.
Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp của Nga vào tuần đầu tháng 7 là một chuyện đã rồi, chính phủ Trudeau phải chuẩn bị cho tương lai đen tối bằng cách chú ý đến các cảnh cáo của giới chuyên gia tình báo và làm việc với các đồng minh NATO của chúng ta để bảo vệ chủ quyền chung.
Marcus Kolga là một viện sĩ hàng đầu tại Viện Macdonald-Laurier.
© 2020 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Dark days ahead for Canada-Russia relations as Putin certain to win referendum | Marcus Kolga | Macdonald-Laurier Institute | June 30, 2020