Hoàng đế Vạn Lịch Nhà Minh rất tham lam và keo kiệt
Wee Kek Koon | DCVOnline
Hoàng đế Vạn Lịch thích để bạc của mình đen rỉ hơn là chi trả cho các cuộc chiến tranh hoặc cứu trợ thiên tai, đã góp phần hạ bệ nhà Minh.
Các sử gia và giới phân tích tâm lý tài tử cho rằng tính tham lam của ông là hậu quả của sự giáo dục nghiêm khắc
Cựu quốc vương Tây Ban Nha, Juan Carlos: nhà vua keo kiệt
Hai tuần trước, cựu quốc vương của Tây Ban Nha, Juan Carlos, đã tuyên bố ông sẽ sống lưu vong. Vị cựu quốc vương 82 tuổi, đã thoái vị nhường ngôi cho con trai, Vua Felipe VI, vào tháng 6 năm 2014, đang bị điều tra trong và ngoài nước vì cáo buộc tham nhũng lên tới ít nhất 100 triệu USD.
Juan Carlos nổi tiếng với người dân Tây Ban Nha trong nhiều chục năm, đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình dân chủ hóa của Tây Ban Nha từ giữa những năm 1970, nhưng di sản của ông đã nhem nhuốc vì những cáo buộc tham nhũng này.
Nếu những cáo buộc này trở thành sự thật, hầu hết mọi người sẽ thấy lòng tham của ông ta là điều không thể lường được.
Những hoàng thân trong thể chế quân chủ lập hiến của các nền dân chủ ổn định đã ở tột đỉnh của hệ thống giai cấp của loài người. Mặc dù họ không phải là những nhà cai trị toàn năng có thể làm theo ý họ, và nhà nước không còn là tài sản riêng của họ, hầu như họ không bao giờ sống trong cảnh thiếu thốn.
Đồ đạc trong văn phòng của họ và những tiện nghi vật chất mà họ được hưởng, thường là do nhà nước và người dân chi trả, là điều mà chúng ta thậm chí không thể tưởng tượng được.
Hầu hết các vị vua, hoàng hậu, quốc vương và những hoàng thân khác đã là những người giàu có từ đầu, tài sản gia đình riêng của họ đã tích lũy qua nhiều thế hệ. Trừ khi họ lo lắng về việc bị truất phế và phải bươn chải mưu sinh như những cựu hoàng thân, không có lý do gì để họ hủy hoại hình ảnh trong quần chúng và hình ảnh của chế độ quân chủ bằng cách tham lam như vậy.
Hoàng đế Vạn Lịch
Một trong những nhân vật cai trị khét tiếng nhất của Trung Hoa là Hoàng đế Vạn Lịch (Minh Thần Tông), người trị vì Trung Hoa từ năm 1572 cho đến khi ông qua đời vào năm 1620 đã góp phần vào sự sụp đổ của nhà Minh 20 năm sau đó. Nổi tiếng với lòng tham, để thỏa mãn sự hung hãn của mình, ông đã nghĩ ra nhiều cách để bòn rút của cải của thần dân, gồm cả việc yêu cầu các quan chức cấp tỉnh phải “cống nạp” cho ngai vàng ngoài tiền thuế nộp cho chính quyền trung ương. Biết rằng sự nghiệp của các quan viên phụ thuộc vào số tiền họ nộp cho nhà vua, Minh Thần Tông đã tích lũy được một lượng bạc khổng lồ.
Tất cả các loại thuế đã được áp dụng, đặc biệt là đối với việc khai thác mỏ, ngay cả ở những nơi không có mỏ. Phần lớn số tiền được trả cuối cùng được chuyển vào túi riêng của hoàng đế, tách biệt với kho bạc nhà nước.
Vạn Lịch cũng rất keo kiệt, thường gây thiệt hại cho hạnh phúc của đất nước và người dân. Bất chấp số của cải đã tích lũy được, Vạn Lịch không tiêu dùng đến chúng. Bất cứ khi nào các thượng thư cầu xin ông ta cho tay vào hầu bao của hoàng gia để cứu giúp dân gặp thiên tai hoặc tài trợ cho chiến tranh, chẳng hạn như đẩy lùi cuộc xâm lược của Nhật Bản ra khỏi Đại Hàn, một nước chư hầu của Trung Quốc, thì chẳng khác nào rút máu từ đá.
Cuối cùng khi ông ta chấp thuận những yêu cầu của họ, số tiền ông ta đưa ra sẽ rất ít. Có quá nhiều bạc được cất giữ trong những kho riêng của anh ta đến nỗi bạc chuyển sang màu đen rỉ xấu xí.
Các sử gia và giới phân tích tâm lý nghiệp dư đã cố gắng giải thích hành vi của Vạn Lịch bằng cách truy tìm lại thời thơ ấu của ông. Ngay cả sau khi ông trở thành hoàng đế, lúc 10 tuổi, mẹ ông, Hiếu Định thái hậu, vẫn tiếp tục rất nghiêm khắc trong việc nuôi dạy ông.
Phụ chính đại thần của ông là Trương Cư Chính, vị quan cao nhất trong triều, đặc biệt nghiêm khắc, đặc biệt là về vấn đề tiết kiệm, thường la mắng vị hoàng đế trẻ tuổi vì thói ngông cuồng. Sau khi Trương Cư Chính chết, sự căm phẫn của Vạn Lịch đối với ông ta thể hiện bằng sự tham lam đồi bại và những tội ác khác góp phần làm triều đại nhà Minh sụp đổ sau đó.
© 2020 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Like the ex-king of Spain, China’s Wanli Emperor was greedy – and stingy with it | Wee Kek Koon | SMCP | Aug 13, 2020.