Chính trị, Đạo đức và Ứng xử lễ độ
Vaclav Havel | Hồ Như Ý dịch
Đây là một cuộc chiến vĩnh cửu, không có kết thúc, không chỉ là người tốt (hoặc ít thì tôi tự đem bản thân vào trong số này) phản đối người xấu, trên thực tế nó diễn ra ở ngay trong mỗi con người. Nó khiến cho một người biến thành một người, khiến cho cuộc sống trở thành cuộc sống.
Trong những ngày gần đây, có những lời tuyên bố nghe rất hoang đường và tràn đầy mộng tưởng xung quanh chúng ta, trong đó có một sự việc liên quan đến tôi, tức là tôi có trách nhiệm một lần nữa nhấn mạnh căn nguyên đạo đức thật sự của chính trị, khẳng định lại tầm quan trọng và tiêu chuẩn của giá trị đạo đức trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, gồm cả hoạt động kinh tế; hơn nữa, tôi muốn trình bày rõ rằng nếu chúng ta không tự thực hiện đối với bản thân, đi tìm hoặc tìm lại và hơn nữa nuôi dưỡng cái mà tôi gọi là “trách nhiệm cao hơn”, thì chuyện ở đất nước chúng ta thực sự sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Khi tự do quay trở lại một xã hội với đạo đức hỗn loạn, chắc chắn sẽ sinh ra những thứ cần được sinh ra. Trong đó gồm một số mà chúng ta dự đoán trước, nhưng ngoài ra thì cũng sẽ sinh ra những loại nguy hại hơn nhiều so với dự liệu của bất kỳ ai: Những thói tật xấu xí không thể tưởng tượng của nhân loại bùng phát một cách làm cho người ta ngạc nhiên tới tròn mắt. Có rất nhiều thứ trở thành vấn đề, ít nhất là những vấn đề không rõ ràng về mặt đạo đức của con người đã được khích lệ một cách thầm lặng trong nhiều năm qua; đồng thời dưới áp lực thì chúng cũng phục vụ một cách tinh vi cho những hoạt động thường ngày của chế độ toàn trị; đột nhiên chúng được giải phóng khỏi những trói buộc, nhận được cơ hội phát huy theo cách mà bản thân nó mong muốn. Chính quyền độc tài đã thiết lập những trật tự nhất định đối với những tệ nạn này – nếu như cách biểu đạt này là chính xác (theo một nghĩa nào đó thì chính là hợp pháp hóa chúng), thì trật tự này nay đã sụp đổ, nhưng trật tự mới để hạn chế và khiến cho những tệ nạn này tự nguyện chịu trách nhiệm trước toàn xã hội lại chưa hoàn toàn được xây dựng xong; đương nhiên là chúng không thể nào được xây dựng một cách nhanh chóng, một trật tự như vậy. Cần phải mất một số năm thì mới có thể tu bổ và phát triển được.
Thế là, chúng ta có thể tận mắt nhìn thấy một hiện tượng quái lạ: Đích xác, xã hội đã tự giải phóng chính bản thân nó, nhưng ở một số mặt thì nó càng tồi tệ hơn khi nằm dưới xiềng xích trước đây. Tội phạm đang tăng mạnh; khi lịch sử chuyển mình, thứ nước thải cống rãnh mà người ta vốn quen thuộc luôn được sinh sôi từ lĩnh vực lẩn khuất của tâm lý tập thể; trước mắt thì nó đã ăn mòn tới truyền thông đại chúng, nhất là ở những tờ báo có khẩu vị cấp thấp. Tuy vậy, có những triệu chứng khác càng nghiêm trọng hơn, nguy hiểm hơn: Dấu hiệu thù hận, nghi ngờ, chủ nghĩa chủng tộc, thậm chí là chủ nghĩa phát xít giữa các dân tộc; sự xuất hiện của những cuộc vận động phiếu bầu thuần túy được tiến hành thuần túy là vì những lợi ích nào đó, những cuộc đấu tranh vô độ, không kiểm soát cùng sự hời hợt, khinh suất, tràn ngập dã tâm, đủ loại cuồng nhiệt có thể nghĩ ra được, những cuộc cướp bóc mới, chưa từng có với đủ hình thức, cũng như sự thiếu khoan dung, thông cảm, lý thú, tiết chế và lý tính một cách phổ biến. Ngoài ra, không phải chỉ có một ý thức hệ có được sức hút mới, có vẻ như chủ nghĩa Marx đã để lại một khoảng trống to lớn, làm cho người ta bất an, và cần không tiếc giá nào để lấp đầy nó lại.
Chỉ cần nhìn xung quanh đối với tình hình chính trị của chúng ta là đã đầy đủ (tình trạng thiếu giáo dục chỉ là một sự phản ánh của cuộc khủng hoảng giáo dục ở mức rộng lớn hơn). Chỉ còn vài tháng nữa là đến cuộc bầu cử tháng 6 năm 1992, gần như tất cả mọi hoạt động chính trị, gồm cả hoạt động biện luận lập pháp tại quốc hội đều diễn ra dưới bóng đen của cuộc bầu cử; một số người đã theo đuổi quyền lực một cách trắng trợn không kiêng dè, tất cả vì mục đích làm mê hoặc cử tri do vậy đã đưa ra những hứa hẹn đầy màu sắc, đẹp đẽ những không hề có bất kỳ ý nghĩa nào. Những đối thủ chính trị chỉ trích lẫn nhau, sự đe dọa và phỉ báng là không có giới hạn. Chỉ vì có sự khác biệt về trận doanh chính trị; một chính khách có thể âm thầm phá hoại công việc của đối phương. Những cân nhắc vì đảng phái rõ ràng là quan trọng hơn việc tìm kiếm phương pháp giải quyết vấn đề một cách cầu thị. Những bài viết phân tích trên báo chí đã sớm bị những scandal thay thế. Việc ủng hộ chính phủ xuất phát từ thiện ý ban đầu thực sự là điều đáng sỉ nhục; còn việc dẫm đạp ông ta dựa trên suy nghĩ ác ý lại trở thành việc được hoan nghênh. Cười nhạo những chính khách tuyên bố ủng hộ những nhân vật của các chính đảng khác được xem là một việc đương nhiên. Bất kỳ ai cũng có thể tìm được lý do buộc tội người khác có hoạt động về thuyết âm mưu, không có năng lực, có quá khứ không đẹp đẽ hoặc có ý đồ bất lương.
Các hoạt động mê hoặc nhân tâm đang thịnh hành, thậm chí là một yêu cầu rất tự nhiên như khao khát đối với quyền tự chủ cũng được đưa vào trong trò chơi quyền lực và cạnh tranh dối trá trước công chúng. Có rất nhiều thành phần được gọi là “cán bộ quản lý trung ương” cho đến tận gần đây thì vẫn còn giả vờ quan tâm đến chủ nghĩa xã hội và giai cấp công nhân, nhưng chỉ sau một đêm thì tấm mặt nạ của họ đã bị lột xuống, công nhiên trở thành những kẻ đầu cơ và trộm cắp. Có rất nhiều những người theo chủ nghĩa cộng sản vốn được người ta kính trọng thì hiện tại đã biến thành những nhà tư bản không gì không làm, vô sỉ một cách công khai chế nhạo những người công nhân mà trước đó họ đã từng hứa sẽ giúp bảo vệ quyền lợi. Công chúng ngày càng ghét bỏ tất cả những điều này. Có thể hiểu rằng, sự căm gét của họ là nhằm vào chính phủ dân chủ mà họ đã bầu ra, một số người có vấn đề về đạo đức đã lợi dụng cục diện này, và họ muốn lấy lòng công chúng bằng cách tung ra một loạt chiêu bài như đem toàn bộ viên chức chính phủ ném vào dòng sông Vltava.
Tuy vậy hết lần này đến lần khác tôi tin rằng, trong xã hội chúng ta vẫn còn có thiện chí to lớn đang ngủ yên. Hiện tại chúng đang ở vào trạng thái rời rạc, bị áp bức, bị xáo trộn, tan vỡ và nghi hoặc, phảng phất như là không biết rằng chúng dựa dẫm vào cái gì, bắt đầu từ đâu, ở vị trí nào hoặc làm thế nào để tìm được lối ra có ý nghĩa.
Trong trường hợp này, chính khách có trách nhiệm đánh thức những tiềm lực đang ngủ yên này, cung cấp phương hướng, mở ra lối đi, khích lệ và cung cấp không gian, hoặc cho nó hy vọng. Người ta nói rằng dân tộc như thế nào thì sẽ có tần lớp chính khách như vậy. Ở một khía cạnh nào đó, điều này là chính xác; chính trị xác thực sự là một tấm gương phản chiếu xã hội của họ, một biểu hiện cụ thể cho những tiềm lực của họ. Điều hết sức mâu thuẫn là, câu nói này cũng đúng ở chiều ngược lại, xã hội là một mặt gương phản chiếu của những chính khách. Nói một cách khái quát, chính khách là người lựa chọn phóng thích hay áp chế, kiểm soát một sức mạnh, lực lượng nào đến từ xã hội. Họ là người lựa chọn việc dựa vào tính thiện lượng của mỗi công dân hay sự tà ác của bản thân họ. Chính quyền trước (của chúng ta) đã lựa chọn cách huy động một cách có hệ thống những phẩm chất xấu xa nhất của con người như tư lợi, đố kỵ và hận thù. Một chính quyền như vậy thì có khoảng cách quá xa so với những gì chúng ta đáng được hưởng; đây cũng chính là trách nhiệm mà chúng ta phải đối phó trong tình hình mới. Vì vậy, những người làm chính trị càng phải có trách nhiệm cao hơn, gánh vác lớn hơn về tình hình đạo đức xã hội, họ có trách nhiệm tìm ra những thứ tốt đẹp nhất trong xã hội, phát triển và củng cố chúng.
Nhân tiện, kể cả một số nhân vật chính trị thường khiến tôi bực mình vì sự thiển cận và sự oán hận của họ, thì đa phần họ không phải là những người ác độc. Nói một cách chính xác hơn, họ thiếu kinh nghiệm, dễ bị ảnh hưởng vì những cơ hội trong một thời điểm nào đó, phụ thuộc vào sự sắp đặt của những khuynh hướng tiềm ẩn và làn sóng thịnh hành; họ bị cuốn vào vòng xoáy chính trị một cách vô thức, và thấy rằng bản thân mình không có khả năng tự thoát ra ngoài, bởi vì bọn họ sợ những rủi ro mà họ phải gánh chịu.
Có người nói tôi là một người mơ mộng khờ khạo, luôn cố gắng kết hợp hai thứ không thể nào kết hợp cùng nhau: Chính trị và đạo đức. Tôi đã nghe rất nhiều về điều này, tôi đã nghe về điều này trong suốt cuộc đời. Thập niên 1980, một triết gia người Czech sống ở California đã đăng một loạt bài viết, phê bình “chính trị phản chính trị” trong “Hiến chương 77”, đặc biệt là phần diễn giải điều này trong bài viết của tôi. Bị mắc kẹt trong những điều hoang tưởng của ông ta đối với chủ nghĩa Marx, ông ta tin rằng với tư cách là một học giả, ông ta đã giải thích toàn bộ lịch sử thế giới theo cách rất khoa học. Ông coi nó là lịch sử của cách mạng bạo lực và đấu tranh chống các thế lực tà ác. Và nếu không dựa vào vũ lực, không dựa vào âm mưu chính trị cùng dục vọng đối với quyền lực, chỉ dựa vào sức mạnh của chân lý, sức mạnh của sự thật, tinh thần tự do, lương tâm, ý thứ trách nhiệm để thay đổi hiện trạng lịch sử là những thứ vượt quá xa so với phạm vi mà ông ta hiểu biết. Đương nhiên, nếu có người đem lực lượng chính thống xem là “thượng tầng kiến trúc” cho lực lượng sản xuất, ông ta vĩnh viễn không thể nào hiểu được chính trị theo ý nghĩa của lực lượng chính thống.
Bởi vì giáo điều của ông ta nói giai cấp tư sản tuyệt sẽ không bao giờ tự động rời bỏ địa vị chủ đạo của họ, vì vậy cần phải dùng cách mạng vũ trang để ném bọn họ vào thùng rác. Vị triết gia này giả định rằng không có con đường nào khác để loại bỏ chính phủ cũ của chúng ta. Nhưng kết quả được chứng minh là có thể. Đặc biệt là những thực tế chứng minh đây là con đường duy nhất có ý nghĩa, bởi vì chúng ta biết rằng, bạo lực sẽ sinh ra càng nhiều bạo lực hơn. Đây cũng chính là lý do tại sao hầu hết những cuộc cách mạng đều sa đọa trở thành những nền thống trị độc tài nuốt trửng chính những con dân của mình; chúng tạo ra một nhóm những người làm cách mạng mới đầy bạo lực, mà không biết rằng chính họ đang tự đào mồ để chôn mình và đẩy xã hội quay trở lại sự tuần hoàn chết chóc “Cách mạng – Phản cách mạng” giống như đèn kéo quân.
Chính quyền trước đây của chúng ta đã bị lật đổ bởi sinh mệnh, tư tưởng và phẩm giá của con người. Lịch sử gần đây của chúng ta đã chứng thực rằng vị giáo sư người Czech ở California kia đã sai. Tương tự như vậy, những người vẫn cho rằng chính trị phần chính là để thao túng dư luận, và đạo đức không cách nào dung hợp được với nó thực sự đang sai lầm rất lớn. Âm mưu chính trị không phải là chính trị thực sự, mặc dù trong một quãng thời gian nhìn bề ngoài nó có thể được biện hộ cho qua, nhưng nó là không thể nào mang lại thành công và hy vọng cuối cùng. Bằng âm mưu, một người có thể trở thành thủ tướng, nhưng đây cũng chính là đỉnh cao thành công của ông ta, vì ông ta không thể nào dùng âm mưu để thúc đẩy cải tiến xã hội.
Tôi rất vui mừng khi bản thân tránh xa khỏi những âm mưu chính trị của người khác. Tôi sẽ không cạnh tranh với những người này, đương nhiên cũng không sử dụng vũ khí của họ. Chính trị thực sự – xứng với tên gọi chính trị, cũng là nền chính trị duy nhất mà tôi nguyện ý ra sức vì nó – chính là để phục vụ những người xung quanh, phục vụ xã hội, phục vụ những con người tương lai. Cội rễ sâu xa nhất của chính trị là đạo đức, bởi vì nó là một loại trách nhiệm, đó là trách nhiệm được thể hiện bằng những hành động với toàn thể người dân và phục vụ cho toàn thể người dân. Đây là thứ có thể được xưng là có trách nhiệm “càng cao hơn”, nó có một điểm xuất phát mang tính siêu hình:
Nó là niềm tin được sinh từ ý thức hoặc tiềm thức, rằng cái chết của chúng ta không hề mang ý nghĩa kết thúc, bởi vì mỗi sự việc đều được ghi lại một cách vĩnh viễn ở một nơi nào đó, vĩnh viễn được đánh giá, đây là một nơi nào đó “cao hơn chúng ta” (above us), tôi gọi nó là “ký ức của Chúa” – nó là một bộ phận quan trọng tạo nên trật tự bí ẩn của vũ trụ, tự nhiên và sinh mệnh. Tín đó gọi đó là Chúa, tất cả mọi việc đều sẽ phải tiếp nhận phán xét từ Người.
Nói cho cùng, lương tâm và ý thức trách nhiệm chân chính chỉ là giả thiết được giải thích là một sự trầm mặc; giả thiết rằng từ trên (from above) có người đang nhìn chúng ta, không có thứ gì bị bỏ sót. Do đó năm tháng cõi trần thế không thể nào xóa bỏ được nỗi đau khổ do những thất bại của nhân gian: linh hồn của chúng ta biết rằng không phải chỉ có bản thân ý thức được những thất bại này.
Với tư cách là tổng thống, những gì tôi làm, lẽ nào không phải là vẫn giữ vững niềm tin vào lý tưởng chính trị này, hơn nữa ít nhất đã hiện thực hóa nó một phần.
(Nói cho cùng, không có cái sau, cái trước là thứ không thể tưởng tượng được. Khi không đem một phần những lý tưởng của tôi hiện thực hóa thì chỉ có hai kết quả: Hoặc giả tôi bị đuổi ra khỏi phủ Tổng thống, hoặc giả tôi trở thành một kẻ bụng dạ khó lường, khoe khoang chích chòe trước những quần chúng thờ ơ. Điều này không chỉ là mất thể diện, cũng là không trung thực, bởi vì điều này có nghĩa là một hình thức khác của việc từ bỏ, là sự phản bội đối với chính bản thân cũng như lý tưởng của tôi.)
Giống như trong mọi việc khác, tôi cần phải bắt đầu với chính mình: Có nghĩa là trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ra sức tìm lấy sự đứng đắn, chính trực, khoan dung và hiểu biết, đồng thời cố gắng chống lại hủ bại và lừa dối. Nói cách khác, tôi cần phải cố gắng hết sức để giữ được sự đồng ý với lương tâm. Trên thực tế, tôi thường xuyên nghe được những lời khuyên chân thành, nói rằng tôi cần nên “sách lược” thêm một chút, đừng nên ngay lập tức bày tỏ thái độ trước mọi việc; tôi cần học cách che giấu bản thân một cách khéo léo, không nên ngại ngần khi đi cầu xin một ai đó, ngay cả khi nó đi ngược lại với nội tâm, cũng như giữ khoảng cách đối với những người phản đối tôi. Để củng cố lợi ích của bản thân, tôi đã nhiều lần được khuyên nhìn nhận và tán thành dã tâm theo đuổi quyền lực của một ai đó, cần đi lấy lòng ai đó bởi vì như vậy sẽ khiến ông ta vui lòng, hoặc giả đi bài xích một ai đó bất chấp sự thực, bởi vì người khác không thích ông ta.
Tôi còn được nghe một lời khuyên khác, tôi phải trở nên cứng rắn hơn, quyết đoán hơn, quyền uy hơn một chút. Xuất phát từ động cơ tốt đẹp, tôi không cần phải sợ hãi việc ngẫu nhiên đập bàn, hét to với người khác, cũng như làm cho người khác hơi cảm thấy sợ hãi và run rẩy. Nhưng nếu tôi muốn giữ được sự trung thành đối với bản thân và với khái niệm chính trị của mình, tôi cần phải lắng nghe một số lời khuyên như thế này: không chỉ xuất phát từ những cân nhắc về sức khỏe tinh thần của cá nhân tôi (nó hoàn toàn có thể được xem là một suy xét cá nhân, tư lợi), mà quan trọng hơn là nó xuất phát từ những cân nhắc đối với những đối tượng mà tôi quan tâm nhất: một sự thật đơn giản là, sự thẳng thắn không thể nào được xây dựng dựa trên sự không thẳng thắn. Sự thật không thể được xây dựng dựa trên dối trá. Tinh thần dân chủ không thể nào được xây dựng bằng những mệnh lệnh quyền uy. Đương nhiên, tôi không thể khẳng định được rằng sự thẳng thắn, chân thực và tinh thần dân chủ có giành được thành công hay không, nhưng tôi biết làm thế nào không đạt được thành công, tức là áp dụng một con đường trái ngược với kết quả mong đợi. Giống như những gì chúng ta được biết từ lịch sử, đây là phương pháp tốt nhất để loại trừ kết cục mà chúng ta tìm kiếm ngay từ khi bắt đầu.
Nói cách khác, nếu có cơ hội thành công tối thiểu, con đường duy nhất chính là theo đuổi cách làm với sự đứng đắn, lý tính, trách nhiệm, thành khẩn, ứng xử lễ độ. Tôi ý thức được rằng trong chính trị thường nhật, điều này được nhìn nhận không phải là phương thức có hiệu quả nhất. Nhưng là tôi có một điều kiện ưu việt: Trong số rất nhiều phẩm chất xấu của tôi, tôi lại thiếu đi một đức tính, đó là dục vọng và sự đam mê quyền lực. Bởi vì tôi không bị ràng buộc bởi điều này, khi so sánh với những người nắm chặt không buông quyền lực và địa vị của mình, căn bản là tôi tự do hơn nhiều so với họ, hơn nữa điều này khiến cho tôi say mê vào sự xa xỉ của việc không sử dụng mánh khóe, thủ đoạn.
Từ lời răn dạy quen thuộc và cổ xưa: “Hãy sống trong sự chân thực”, tôi nhìn thấy con đường duy nhất ở phía trước. Nhưng là, khi một người trở thành tổng thống, ông ta sẽ làm như thế nào, làm thế nào để đưa nó vào thực tiễn? Tôi nhìn thấy ba trường hợp văn bản có thể xảy ra.
Thứ nhất, tôi cần phải nhắc đi nhắc lại về một số việc nào đó. Tôi không muốn lặp lại bản thân mình, nhưng ở trong hoàn cảnh này thì không thể tránh khỏi. Trong số nhiều tuyên bố công khai của tôi, tôi cảm thấy rằng bản thân cần phải lặp lại việc phân tích và giải thích các chuẩn mực đạo đức trong đời sống xã hội. Hơn nữa điều này cũng là sự thật, trong công việc của tôi, khi gặp một vấn đề và muốn đi sâu vào phân tích, tôi luôn nhận thấy có những vấn đề nhất định về mặt đạo đức; ví dụ như sự thờ ơ, không ý thức được sai lầm của cá nhân, không biết hổ thẹn, không sẵn lòng từ bỏ một số lợi ích và địa vị cá nhân, đố kỵ, sự tự ngạo vô độ.
Tôi cảm thấy rằng sự thiện lương đang ngủ say bên trong con người cần được đánh thức. Mọi người cần được nghe rằng hành vi đứng đắn, giúp đỡ người khác và đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân, tôn trọng con người và chung sống hòa bình là những điều có ý nghĩa. Họ hy vọng những điều này được nói ra với một âm thanh lớn. Họ muốn được biết những “lãnh đạo cao nhất” đang đứng về phía họ; họ cần cảm thấy nhận được sự ủng hộ và xác nhận, là có hy vọng. Thiện ý khát vọng được thừa nhận và được tu bổ. Sự phát triển lớn mạnh của thiện chí phụ thuộc vào việc nó cần phải được nghe rằng toàn thế giới không chế nhạo nó. Những thính giả bình thường nghe những phát biểu của tôi trên đài phát thanh toàn quốc thường yêu cầu được nghe những suy nghĩ và kiến giải về thứ có thể gọi là “triết học” và “luân lý”. Bởi vì lo sợ lặp lại quá nhiều nên thỉnh thoảng tôi lược bỏ đi những nội dung này, nhưng mọi người luôn nhiều lần yêu cầu nghe thấy chúng. Tôi chưa bao giờ cố gắng đưa ra những đề nghị cụ thể liên quan tới việc đối phó với những tệ nạn xung quanh họ, ngay cả khi tôi muốn làm điều đó thì đây cũng là việc không thể. Nhưng mọi người muốn biết rằng sự đứng đắn và can đảm không phải là thứ vô nghĩa, và đôi khi chúng ta cần phải mạo hiểm để chống lại những quỷ kế bẩn thỉu. Họ muốn biết rằng chính họ không cô độc, không bị lãng quên và bị xóa sổ.
Thứ hai, trong một thế giới được xưng là chính trị cấp cao, tôi có thể cố gắng tạo ra một bầu không khí tích cực xung quanh tôi, một bầu không khí khảng khái, bao dung, cởi mở, độ lượng, tạo ra một tình bạn mang tính căn bản và sự tín nhiệm lẫn nhau. Trong lĩnh vực này, tôi còn cách rất xa mới là nhân tố mang tính quyết định đó, nhưng tôi có thể đưa tới một sự ảnh hưởng về mặt tâm lý.
Thứ ba, với cương vị là tổng thống, tôi có ảnh hưởng chính trị một cách trực tiếp. Tôi cần phải đưa ra những quyết định chính trị. Trong đó, hơn nữa, tôi có thể cần phải mang theo lý niệm chính trị của bản thân mình, đưa vào đó những lý tưởng chính trị của tôi, những quyết định liên đến chính nghĩa, sự đứng đắn, kiềm chế cũng như mục tiêu ngắn hạn mà tôi gọi là “quốc gia đạo đức”. Tất nhiên, tôi có thành công hay không là do sự đánh giá từ những người khác, kết quả cũng không luôn giống nhau; cũng giống như bất kỳ ai khác, tôi cũng là thành viên của nhân loại với những sai lầm khó có thể tránh được.
Các phóng viên đặc biệt là phóng viên nước ngoài thường hỏi tôi “Sống trong sự chân thực” và “Chính trị phản chính trị” có nghĩa là gì, hoặc làm thế nào để chính trị xuất phát từ lương tâm, làm thế nào để đưa nó vào thực tiễn. Họ rất muốn biêt, khi tôi ở vị trí quyền cao chức trọng, liệu tôi cần phải có sự thay đổi lớn đối với sự kỳ vọng về chính trị so với trước đây khi bản thân còn là “một người bất đồng chính kiến” hay không, nói cách khác, ý của họ muốn nói là, những tiêu chuẩn mà tôi đưa ra với tư cách là “người bất đồng chính kiến”, thì có còn phù hợp nữa hay không.
Có thể sẽ có người không tin, trong hai năm làm tổng thống của tôi vừa rồi, ở mảnh đất này đầy rẫy những vấn đề mà tổng thống của các quốc gia ổn định có nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ tới. Tôi hoàn toàn có thể nói, tôi chưa bao giờ bị buộc phải xóa bỏ bất kỳ thứ gì mà tôi đã viết trước đây, hoặc thay đổi bất cứ điều gì. Điều này có vẻ khó tin, nhưng xác thực là như vậy. Không những tôi không thay đổi cách nghĩ của mình, hơn nữa chúng còn được củng cố thêm. Cho dù hàng ngày tôi vẫn cần phải đối phó với những phiền não chính trị, tôi vẫn có niềm tin vững chắc rằng chính trị về bản chất không phải là thứ không tốt đẹp, vinh dự; ngay cả khi nói về mặt không tốt đẹp của nó, chỉ có những người không đứng đắn mới khiến cho chính trị không được vẻ vang. Tôi phải thừa nhận rằng, so sánh với những lĩnh vực hoạt động khác của con người, chính trị càng có sức cám dỗ khiến cho người ta thực hiện những việc không vinh quang gì, vì vậy nó đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với con người. Tuy vậy, nếu nói một chính khách cần phải nói dối hoặc có những âm mưu, thì đó là điều không thực tế, đó thực sự là điều dối trá. Xuất phát từ một nguyên nhân nào đó, luôn có người truyền bá những cách nói này, từ đó đả kích sự hào hứng của người khác khi muốn tham dự vào những sự vụ công cộng.
Tất nhiên, trong đời sống chính trị thì nó cũng giống như những phương diện khác của cuộc sống, không thể nào đem bất cứ người nào hay sự việc nào nói hết tới mức tận cùng, và điều đó cũng không có nghĩa gì cả. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn cần phải nói dối. Toàn bộ những gì bạn cần là sự khéo léo, thỏa đáng, là trực giác thích hợp và một gu thẩm mỹ tốt. Một trong những kinh nghiệm khi làm “chính trị cao cấp” khiến cho tôi ngạc nhiên, chính yếu đây là một vấn đề hình thức: biết được nói chuyện dài bao lâu, lúc nào thì nên bắt đầu và kết thúc; làm thế nào biểu đạt một cách lịch sự những điều mà đối thủ của bạn có thể không muốn nghe, vĩnh viễn biết được ở một thời khắc nào đó để nói ra những thứ quan trọng nhất, chứ không phải những điều không quan trọng hoặc không liên quan; biết rõ làm thế nào kiên định lập trường của chính mình mà không làm tổn thương người khác; biết cách tạo một bầu không khí thân thiện khiến cho cuộc đàm phán phức tạp trở nên nhẹ nhàng; làm thế nào để cuộc nói chuyện được tiếp tục mà không phải thăm dò đối phương hoặc khiến cho họ tỏ ra thờ ơ; làm thế nào để cân bằng một cách nghiêm túc những vấn đề chính trị quan trọng theo phương thức hòa hoãn và nhẹ nhàng hơn; làm thế nào để lên kế hoạch cho chuyến thăm viếng chính thức của bạn một cách cẩn thận; làm “chính trị cao cấp” cần biết rõ vào lúc nào nên đến một địa điểm thích hợp, cũng như vào lúc nào cần phải thẳng thắn, vào lúc nào nên im lặng không nói, cũng như chúng biểu đạt một mức độ ra sao. Và không chỉ dừng lại ở đó, điều này có nghĩa là cần phải có trực giác phù hợp về thời gian, bầu không khí của thời đại, cảm xúc của con người, thực chất của những điều họ quan tâm cũng như tình hình tư tưởng, những điều này có thể có ích hơn nhiều so với những cuộc điều tra xã hội học. Được đào tạo về chính trị học, luật học, kinh tế, lịch sử và văn hóa là những vốn quý báu của các chính khách, nhưng tôi ngày càng tin rằng, những điều này không phải là tài sản quan trọng nhất. Những tố chất như sự đồng cảm, năng lực chuyện trò, khả năng quan sát, không chỉ nhanh chóng nắm bắt vấn đề mà còn ở sự nhạy cảm trong việc quan sát nhân tính, một loại cảm giác thích hợp trong giao thiệp với con người; tất cả những điều này trong chính trị hết sức quan trọng. Tôi không nói rằng tôi có những tố chất này, Chúa trời tha thứ cho tôi, không có chuyện gì xảy ra cả. Đây chỉ là những quan sát của tôi.
Nói tóm lại, nếu như bạn là người có tâm hồn chính trực, có những hứng thú tốt đẹp, vậy thì bạn không chỉ có tư cách dấn thân vào chính trị, mà còn được chú định dấn thân vào nó, tuyệt đối thuộc về lĩnh vực này. Một chính khách không phải được quyết định nhờ khả năng nói dối, mà là cần có sự mẫn cảm, biết rõ lúc nào, nói với ai, và nói những gì cần phải nói. Sẽ là không thực tế khi cho rằng một người có nguyên tắc thì sẽ không phù hợp với chính trị; nếu ở phương diện nguyên tắc, cộng thêm sự kiên nhẫn, thận trọng, năng lực cảm nhận và hiểu biết đối với người khác, vậy thì đã đủ rồi. Cũng thật là sai lầm khi cho rằng chỉ có những kẻ lãnh khốc, khuyển Nho, hư vinh, vô lễ, thô lỗ mới có thể giành được thành công chính trị; dù những người như vậy dễ dàng bị chính trị thu hút, nhưng trên thực tế, sự đứng đắn, hứng thú tốt đẹp thì mới chiếm thế thượng phong. Kinh nghiệm và sự quan sát của tôi đã chứng minh rằng đem chính trị trở thành một bài học thực tiễn về đạo đức là điều hoàn toàn có thể. Tuy vậy, tôi không thể phủ nhận rằng bước chân vào con đường này không hề dễ dàng, và tôi chưa bao giờ nói rằng đây là một việc dễ dàng.
Bắt đầu từ lý tưởng chính trị của tôi, hiển nhiên là tôi sẽ nhấn mạnh văn hóa là một trong những con đường khả thi đối với thực tiễn chính trị của tôi. Theo nghĩa rộng nhất của từ “văn hóa”, nó cần phải bao gồm mọi phương diện của cái mà chúng ta gọi là “cuộc sống thường ngày”, hay còn gọi là “ứng xử lễ độ” – trái ngược với những gì gọi là văn hóa cao cấp như khoa học và nghệ thuật.
Tôi không hề nói rằng quốc gia nên trợ cấp nhiều hơn cho các hoạt động văn hóa như là một hoạt động thực tiễn của con người; tôi cũng không nói rằng tôi đồng ý với sự sợ hãi và căm giận của nhiều nghệ sĩ, khi cho rằng chúng ta đang tiến tới giai đoạn hủy hoại văn hóa và cuối cùng là hủy hoại chính nó. Hầu hết những nghệ sĩ của chúng ta đều quen với sự sôi sục, hào phóng không giới hạn của quốc gia xã hội chủ nghĩa một cách vô thức. Nó tài trợ cho một số lượng lớn bộ nghành và cơ quan văn hóa, nó không thèm để ý đến việc hao phí 1 triệu đồng hay 10 triệu đồng cho một bộ phim điện ảnh, thậm chí không quan tâm tới việc có ai xem nó hay không. Nó cũng không quan tâm tới việc có bao nhiêu diễn viên đang nhàn rỗi trong danh sách chờ lãnh lương; chính yếu là mọi người đều có tên trên đó, lấy tiền từ đó. Một quốc gia như vậy biết rõ hơn vị giáo sư triết học ở California rằng có một cuộc khủng hoảng to lớn đang chực chờ trong lĩnh vực tinh thần và trong giới trí thức, nó biết an ủi ai đầu tiên bằng sự dối trá và sôi sục. Sự thất bại của nhà nước đối với cách làm này lại là một chuyện khác, mặc dù đã vứt xuống nhiều khoản hối lộ, tiền thưởng và danh hiệu lớn, các nghệ sĩ vẫn là những người đầu tiên đứng lên tạo phản.
Những oán trách của các nghệ sĩ vẫn còn nhớ nhung đối với an sinh xã hội trước đây không thể làm tôi nao núng. Văn hóa cần phải – ít nhất là một phần trong đó phải biết cách làm thế nào để tìm đường đi cho bản thân. Nhiều trong số đó cần thông qua những con đường như miễn thuế, quỹ tài trợ, quỹ phát triển; nó cũng có nghĩa là, tìm kiếm những phương cách đa nguyên hóa và tự do phù hợp với bản thân họ. Nguồn tài trợ cho khoa học và nghệ thuật càng được đa dạng hóa, thì tính cạnh tranh trong lĩnh vực này càng được thể hiện rõ hơn. Nhà nước sẽ dùng những phương thức trợ giúp ở lĩnh vực văn hóa theo một nhịp độ phù hợp, được điều tra công khai và có sự cân nhắc kỹ càng, chẳng hạn như những thứ mang đặc trưng cho tính dân tộc, đại diện cho văn minh và truyền thống ở vùng đất này, và chúng không thể bảo tồn bằng bàn tay của thị trường. Tôi nghĩ tới những cơ sở vật chất như các di tích cũ (không thể bảo đảm duy trì và sửa chữa mọi lâu đài bằng việc biến nó thành một khách sạn, cũng không thể nào mong chờ những quý tộc cũ vì vinh quang của gia tộc mà quay trở về để tu sửa chúng), thư viện, bảo tàng, cơ sở lưu trữ công cộng, trên thực tế ngày nay chúng đang ở trạng thái không được tu sửa và hư hỏng đáng kinh ngạc (hơn nữa “chính quyền bị lãng quên” trước đây đã cố tính phá hoại những những chứng tích quan trọng liên quan tới chúng ta). Ngoài ra, có thể thấy là trong tương lai gần, khó có thể tưởng tượng được việc những nhà thờ lớn hay các nhà thờ nói chung có biện pháp để khôi phục tất cả các nhà nguyện, tu viện và các công trình giáo hội khác; trong 40 năm qua, chúng đã gặp phải sự hủy hoại, chúng là một phần của công cuộc bảo vệ văn hóa quốc gia, mà không chỉ là nóc của Thánh đường.
Tất cả những gì mà tôi đề cập ở đây chỉ là phần mở đầu, và luận điểm chính của tôi không nằm ở đây. Mối quan hệ giữa chúng ta và văn hóa mà tôi vốn rất coi trọng không chỉ là chỉ một trong số nhiều hoạt động của con người, mà còn bao gồm ý nghĩa trên phương diện rộng lớn nhất – “văn hóa của mọi thứ”, tức là độ phổ biến đối với cách ứng xử của con người. Tôi coi đó là phương thức liên hệ giữa con người với nhau, tức là cách đối xử với nhau, giữa kẻ mạnh và kẻ yếu, người khỏe mạnh và người bệnh, thanh niên và người già, người thành niên và trẻ em, thương nhân và người tiêu dùng, nam và nữ, giáo viên và học sinh, quan chức và binh sĩ, cảnh sát và công dân.
Ngoài ra, tôi còn nghĩ đến bản chất của những mối liên hệ như vậy. Giữa con người và tự nhiên, với động vật, với không khí, với phong cảnh, với thành phố nông thôn, với vườn tược, cùng ngôi nhà của họ – văn hóa giữa phòng ốc và kiến trúc, phương tiện giải trí công cộng, văn hóa giữa doanh nghiệp lớn và cửa hàng nhỏ, văn hóa giữa công việc và quảng cáo, cũng như văn hóa của thời trang, cách cư xử, giải trí.
Hơn nữa, tất cả những điều này là khó có thể tưởng tượng được nếu như tất cả chúng không có văn hóa ở phương diện luật pháp, chính trị và quản lý, không có văn hóa kết nối giữa nhà nước và công dân. Trước khi chiến tranh bùng nổ, khu vực này của chúng ta đã đạt tới trình độ dân chủ phồn vinh ngang bằng với các quốc gia phương Tây vào thời điểm đó, nếu không nói là càng cao hơn. Tôi biết sự suy thoái mang tính thảm họa về trình độ văn hóa nói chung cùng ý thức và thái độ công dân là có liên quan tới sự suy thoái kinh tế, trong một phạm vi lớn hơn, thậm chí có thể nói là một kết quả của suy thoái kinh tế. Tuy vậy, nó lại gây ra sự kinh ngạc đối với tôi lớn hơn cả suy thoái kinh tế có thể gây ra. Một cách rõ ràng, nó gây ra những ảnh hưởng đến một cá nhân nhiều hơn những gì mà vật chất có thể gây ra. Với tư cách là một công dân, tôi hoàn toàn có thể tưởng tượng, nếu như tôi đi vào trong một khách sạn nhỏ, khách hàng ở đây đang tranh cãi và nhân viên phục vụ cư xử thô lỗ với tôi, điều này khiến cho tôi khó chịu hơn là việc tôi không thể chi trả để đi tới đó mỗi ngày. Đồng thời, nỗi phiền muộn vì khắp nới không tìm được nhà ở đẹp cũng là một điều quấy nhiễu không kém gì so với việc không thể chi trả nổi tiền thuê nhà cho cả gia đình.
Có thể điều tôi muốn nói kỳ thực rất dễ thấy. Bất kể việc phục hồi nền kinh tế có quan trọng đối với chúng ta thế nào chăng nữa, thì điều đó không phải là nhiệm vụ duy nhất mà chúng ta phải đôi phó. Tất cả mọi việc được thực hiện nhằm nâng cao trình độ văn hóa chung trong cuộc sống hàng ngày đều quan trọng như nhau. Nó cần phải được triển khai ở tất cả mọi nơi đồng bộ với phát triển kinh tế. Chúng ta cần có một cương lĩnh với quy mô rộng khắp nhằm nâng cao trình độ văn hóa chung. Chúng ta không thể đợi tới khi giàu có thì mới làm việc này, chúng ta có thể ngay lập tức bắt tay thực hiện, kể cả khi không có một xu trong túi. Tôi không bao giờ tin rằng chỉ khi trả nhiều tiền hơn, một y tá mới chu đáo thêm với bệnh nhân; tôi không tin rằng chỉ có ở trong một ngôi nhà đắt đỏ thì mới làm cho người ta vui sướng; tôi không tin rằng chỉ có một doanh nhân giàu có mới sẽ đối đãi với khách hàng của ông ta càng thêm nhiệt tình và làm một tấm biển hiệu đẹp đẽ ở bên ngoài, tôi cũng không tin chỉ có một nông dân giàu có mới có thể đối đãi tốt đối với đàn gia súc của ông ta. Tôi sẽ nói xa hơn một chút, ở trên nhiều phương diện, ví dụ như văn hóa cung cầu, văn hóa thương mại và xí nghiệp, chúng hoàn toàn liên quan đến giá trị và lối sống.
Tôi sẵn sàng làm mọi việc có thể làm, cố gắng ra sức cho sự nghiệp nâng cao mức ứng xử lễ độ chung, hoặc ít nhất là cố gắng biểu đạt hứng thú của tôi đối với phương diện này, cho dù tôi với tư cách là tổng thống hay không. Tôi cảm thấy rằng đây là lý tưởng chính trị của tôi – như là một phần hợp thành cùng kết quả logic của thực tiễn đạo đức và trách nhiệm càng cao hơn. Nói cho cùng, đối với các công dân cũng như các chính khách cũng là công dân mà nói, còn điều gì đáng quan tâm hơn so với cố gắng làm cho cuộc sống thú vị hơn, đáng yêu hơn, càng thêm đa dạng hóa và đáng quan tâm hơn? Mặc dù tôi ở đây để nói về chính trị của bản thân – hoặc càng chuẩn xác hơn là văn minh của tôi – cương lĩnh, giá trị và lý tưởng cùng hy vọng mà tôi muốn đấu tranh; nhưng điều này không có nghĩa là tôi muốn thực hiện chúng trong vòng một ngày, muốn tạo ra một thiên đường trên trái đất, người người yêu thương lẫn nhau, mỗi người đều nỗ lực công việc, hành vi tốt đẹp, có thiện tâm, trên mảnh đất này quả ngọt khắp nơi nơi, mọi việc đều là tốt đẹp và tươi sáng, tất cả vận hành giống như được Thượng Đế ban cho hài hòa, như ý – hoàn toàn không phải là như vậy. Ngược lại, cái ác vẫn còn, không ai có thể xóa bỏ được đau khổ của nhân loại, cạnh tranh chính trị cũng chỉ thu hút những kẻ có dã tâm và vô trách nhiệm, những phần tử đầu cơ và những kẻ lừa đảo. Luôn là có người muốn đi phá hoại thế giới. Theo nghĩa này, tôi không hề ôm bất kỳ ý tưởng nào.
Bất kể là tôi hay là người nào khác, đều sẽ không chiến thắng một cách dứt khoát trong cuộc chiến này. Rất có thể chúng ta chỉ có thể thắng một hoặc hai chiến dịch. Nhưng tôi vẫn cho rằng tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh này là điều có ý nghĩa. Nó đã diễn ra trong nhiều thế kỷ, và vẫn còn tiếp tục. Chúng ta phải kiên trì làm tiếp việc này, bởi vì nó là việc thích hợp để làm. Hoặc, nếu bạn muốn, bạn có thể nói Thượng Đế muốn tôi làm như vậy. Đây là một cuộc chiến vĩnh cửu, không có kết thúc, không chỉ là người tốt (hoặc ít thì tôi tự đem bản thân vào trong số này) phản đối người xấu, trên thực tế nó diễn ra ở ngay trong mỗi con người. Nó khiến cho một người biến thành một người, khiến cho cuộc sống trở thành cuộc sống.
Vì vậy, bất cứ ai cho rằng tôi là một người mơ mộng, mong muốn đem địa ngục biến thành thiên đường đều là không xác đáng. Tôi rất hiếm khi tưởng tượng. Nhưng tôi cảm thấy có một loại trách nhiệm, làm tốt những công việc gì tôi cho là đúng đắn. Tôi không biết tôi có thể làm một số công việc cải thiện hay không. Cả hai kết cục này đều có thể xảy ra. Nhưng có một việc mà tôi không tin: Nỗ lực làm việc vì một sự nghiệp tốt là điều không có ý nghĩa.
Chúng ta đang xây dựng lại một quốc gia mới. Vận mệnh đặt tôi vào một vị trí, và ở một mức độ nhất định tôi có thể ảnh hưởng nhiều hơn đến tiến trình này hơn những người đồng bào khác của tôi. Vì vậy, hãy cho phép tôi bàn về hình ảnh tương lai của đất nước này, nói ra những triển vọng mà nó chỉ dẫn cho tôi, hoặc là nói, những triển vọng mà tôi hiểu được từ chính trị.
Có thể chúng ta đều đồng ý rằng chúng ta muốn có một quốc gia được xây dựng trên nền tảng pháp trị, dân chủ (đa nguyên hóa về chính trị), hòa bình, có nền kinh tế thị trường phồn vinh. Có người kiên trì cho rằng đất nước này nên là một xã hội công bằng. Ngoài ra có người phản đối nó khi họ nhìn từ góc độ hiểu biết của những tàn dư xã hội chủ nghĩa. Bọn họ phản đối khái niệm “công bằng xã hội”, nói rằng nó hàm hồ không rõ ràng, do vậy nó đồng nghĩa với việc không nói gì cả; hơn nữa một nền kinh tế thị trường đang vận hành thì vĩnh viễn không thể nào bảo đảm bất kỳ công bằng xã hội nào; họ chỉ ra rằng mức độ siêng năng của mọi người là không đồng đều nhau, thậm chí là sự may mắn cũng khác biệt (đây là yếu tố cuối cùng nhưng không phải là quan trọng nhất). Vì vậy, có thể thấy là công bằng xã hội theo nghĩa quân bình xã hội là thứ mà nền kinh tế thị trường không thể nào cung cấp được về bản chất. Một cách cụ thể hơn, việc cưỡng ép kinh tế thị trường làm như vậy là điều phi đạo đức, (kinh nghiệm trước đây của chúng ta đã đủ để cho chúng ta biết tại sao không thể làm như vậy.)
Tuy vậy, tôi không hiểu được tại sao một quốc gia dân chủ với cơ quan lập pháp, có thể chế định ngân sách lại không thể theo đuổi một loại xã hội công bằng nào đó; ví dụ như bằng chính sách cứu trợ, dưỡng lão, chính sách thuế vụ, cũng như trợ cấp cho người thất nghiệp, trợ cấp cho nhân viên trong lĩnh vực phục vụ công cộng, giúp đỡ và chăm sóc sức khỏe những người già sống neo đơn cũng như thành phần dưới đáy xã hội. Mọi quốc gia văn minh đều cố gắng đưa ra các chính sách hợp lý cũng như tiêu chuẩn thành công ở các mức độ khác nhau, thậm chí ngay ca những người ủng hộ nhiệt tình đối với kinh tế thị trường cũng không thể nào phản đối về nguyên tắc. Nói cho cùng, đây là một xung đột giữa các thuật ngữ mà không phải là xung đột về lý tưởng.
Xét về tổng thể, tôi lần lượt nhắc lại những điều thực tế, hiển nhiên, cơ bản và phổ thông này. Nhưng tôi càng muốn nói đến một số phương diện khác, những điều chưa được nói rõ ở một mức độ nào đó, bởi vì vậy càng ít được nói tới, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng kém quan trọng – bởi vì chúng mang tới tính chính danh và khả năng thực hiện của những thứ được xem là hiển nhiên.
Tôi tin rằng nếu chúng ta không đồng thời xây dựng một quốc gia nhân bản, có đạo đức, trí tuệ, tinh thần và văn hóa (tạm thời đừng quan tâm đến việc nói như vậy thì sẽ không khoa học như thế nào dưới con mắt của một nhà khoa học chính trị), vậy thì chúng ta cũng sẽ không thể xây dựng nên một quốc gia dân chủ dựa trên nền tảng pháp trị. Nếu như luật pháp tốt nhất và những cơ cấu dân chủ tốt nhất có thể tưởng tượng ra được không được hỗ trợ bằng tính nhân văn và giá trị xã hội nhất định, thì cũng không thể nào bảo đảm được tính chính danh, tự do và nhân quyền của tự thân nó. Vi dụ, nếu không có ai tôn trọng một bộ luật, bảo vệ nó và cố gắng thực thi nó một cách có trách nhiệm, thì nó có lợi ích gì? Nó chỉ là một đoạn văn tự trống rỗng mà thôi. Nếu như các cử tri đi bỏ phiếu chỉ có thể lựa chọn giữa một tên lưu manh lớn và một tên lưu manh nhỏ hơn, thì sự lựa chọn này có lợi ích gì? Nếu thực sự có một nền chính trị đa đảng phái trên diện rộng, nhưng không có một chính đảng nào có sức ảnh hưởng phổ biến, thì nó có ý nghĩa gì? Không có một quốc gia nào (một loại hình chế độ chính trị gồm hiến pháp, pháp luật) vượt ra ngoài thời gian và không gian xã hội của lịch sử. Đây không phải là phát minh kỹ thuật của một chuyên gia thông minh nào đó giống như máy tính và điện thoại. Ngược lại, mỗi quốc gia, đều sinh trưởng từ truyền thống văn hóa và tinh thần đặc thù, những thứ này truyền bá cho nhà nước ý nghĩa thực chất của nó.
Hiện tại chúng ta hãy quay trở lại với một điểm tương đồng. Không có sự sở hữu chung cũng như sự nêu gương về giá trị đạo đức và trách nhiệm, thì cũng sẽ không có luật pháp, chính quyền dân chủ, thậm chí nền kinh tế thị trường cũng không thể hoạt động đúng với chức năng của nó. Toàn bộ chúng đều là sản phẩm tinh thần của nhân loại, tất cả thể chế được giả định đảm nhận tinh thần của nhân loại cần phục vụ cho nó, những cơ thể chế này cần tôn trọng sản phẩm tinh thần của nhân loại, hiểu rõ, tin tưởng và bảo vệ nó, nếu cần thiết, có thể chiến đấu và hy sinh vì nó.
Một lần nữa tôi sẽ dùng pháp luật để làm ví dụ. Luật pháp chắc chắn là một công cụ của chính nghĩa nhưng là nếu không có ai sử dụng nó một cách có trách nhiệm, thì nó cũng sẽ hoàn toàn không có ý nghĩa. Từ những kinh nghiệm gần đây của bản thân chúng ta, chúng ta quá hiểu rõ điều gì sẽ xảy ra nếu như một điều luật đúng đắn rơi vào trong tay một kẻ vô đạo đức, cũng như kẻ vô đạo đức này có thể dễ dàng vận dụng cơ chế dân chủ để đưa tới chuyên chế và bạo lực như thế nào. Pháp luật và những hệ thống dân chủ khác nếu như không được những người đứng đắn và can đảm nhận trách nhiệm nhằm phản đối sự lạm dụng của một số khác, thì nó sẽ trở thành nguy hiểm và không tự bảo vệ được chính nó. Hiển nhiên những cơ chế này giúp chúng ta nhân bản hơn, đó là lý do tại sao chúng được tạo ra và chúng ta vẫn đang xây dựng chúng. Nhưng nếu chúng ta muốn chúng bảo vệ cho bản thân mình, thì trước tiên chúng ta cần bảo vệ chúng.
Theo một ý nghĩa nào đó, những hoạt động hỗn loạn tạm thời quanh phương diện mang tính kỹ thuật trong việc xây dựng quốc gia có thể giúp ích cho chúng ta khi nó khiến cho chúng ta đôi lúc nhớ lại ý nghĩa của quốc gia, tức là quốc gia cần phải bảo trì tính nhân bản thật sự, nói cách khác, quốc gia cần là thứ có tinh thần, có linh hồn và có đạo đức.
Chúng ta không hề có một bộ chỉ thị hoặc mệnh lệnh đơn giản. Nếu chỉ thông qua một chính thể hoặc pháp luật và chỉ lệnh thì không thể nào xây dựng nên một quốc gia có đạo đức, có tinh thần; điều này chỉ có thể thực hiện được bằng công việc lâu dài phức tạp, vĩnh viễn không bao giờ kết thúc, gồm cả giáo dục và tự học hỏi. Điều cần thiết là xem xét mọi bước đi và mọi quyết định chính trị một cách mạnh mẽ và có tinh thần trách nhiệm, liên tục nhấn mạnh lập trường đạo đức và lập trường phán đoán; là tiếp tục tự kiểm tra và tự phân tích; là liên tục xem xét lại những điều chúng ta ưu tiên suy xét. Đây không phải là điều chúng ta có thể tuyên bố và bày tỏ một cách đơn giản, mà chúng ta cần thực hiện nó một cách nghiêm túc; nó đòi hỏi chúng ta phải đưa những động cơ đạo đức và tinh thần vào trong mọi chuyện, tìm kiếm mức độ nhân bản trong mọi sự vật. Các kiến thức chuyên môn khác nhau về khoa học, kỹ thuật, chủ nghĩa chuyên môn đều không phải là tất cả. Có một số có giá trị cần thiết hơn. Nói một cách đơn giản, có thể gọi đó là tinh thần, hoặc tình cảm, hoặc lương tâm.
Năm 1991
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Người dịch gởi bản Viet ngữ dịch từ Bản Trung Văn do Thôi Vệ Bình dịch bài tiểu luận chính “Chính trị, Đạo đức và Ứng xử lễ độ” trong một loạt các bài tiểu luận đã in thành sách “Những suy ngẫm mùa hè” (Summer Meditations) mà Havel viết trong 10 ngày khi đi nghỉ hè vào năm 1991. DCVOnline biên tập và minh họa.