Khai phá ‘Danh sách Xanh’ cho Quan hệ Kinh tế EU-Trung Hoa

Agatha Kratz, Matthew Mingey và Daniel H. Rosen | DCVOnline

“Danh sách xanh” của EU cũng cần được so sánh với cách tiếp cận của các nước OECD khác để đạt được mức độ thích hợp cao nhất có thể có trong vấn đề này.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Trung Hoa không đồng quy với các nguyên tắc kinh tế thị trường tự do của châu Âu và các nước OECD khác đã gây ra một loạt các phản ứng về mặt chính sách và một cuộc tranh luận lớn hơn, được khuếch đại do cuộc khủng hoảng COVID-19, về mức độ tương tác kinh tế với Trung Hoa thế nào là cần có và an toàn. Nghiên cứu này của Tập đoàn Rhodium cho Bertelsmann Stiftung nhằm mục đích loại bỏ cảm xúc địa chính trị ra khỏi cuộc tranh luận này và trình bày một khuôn khổ minh bạch, dựa trên thực tế để đánh giá các lĩnh vực thương mại, đầu tư và mối quan hệ kinh tế rộng hơn của EU với Trung Hoa là lành tính (vô hại). Chúng tôi gọi đây là “danh sách xanh.”

Nghiên cứu cũng cho thấy cách EU có thể mở rộng danh sách xanh này, duy trì các phần quan trọng của mối quan hệ kinh tế với Trung Hoa, bằng một loạt các biện pháp giảm thiểu có mục tiêu.

Hàng hóa trong danh sách xanh EU xuât cảng sang Trung Hoa năm 2019
Hàng hóa trong danh sách xanh EU nhập cảng từ Trung Hoa năm 2019

Trong số các kết luận của chúng tôi, dựa trên dữ liệu năm 2019, phần lớn mối quan hệ thương mại giữa EU và Trung Hoa có thể được duy trì mà không cần phải giảm nhẹ lại. Khoảng 56% hàng hóa xuất cảng của EU sang Trung Hoa là hoàn toàn lành tính, trong khi 83% hàng hóa xuất cảng của Trung Hoa sang EU hội đủ điều kiện để xem là “xanh”. Trong danh sách này là các lĩnh vực trọng tâm trong quan hệ thương mại của EU với Trung Hoa, chẳng hạn như phụ tùng xe hơi, thực phẩm và đồ uống, hàng xa xỉ và một phần không nhỏ máy móc và hàng kỹ nghệ.

FDI của Trung Hoa vào EU năm 2019 trong danh sách xanh
FDI của EU vào Trung Hoanăm 2019 trong danh sách xanh

Chúng tôi thấy rằng các lỗ hổng do ảnh hưởng của Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là nghiêm trọng hơn. Trong trường hợp không có các biện pháp giảm thiểu, khoảng 46% FDI của Trung Hoa vào EU và 32% FDI của EU vào Trung Hoa trong năm 2019 không lọt vào danh sách xanh. Các khoản đầu tư có ảnh hưởng tiềm đến an ninh có thể thấy trong các lĩnh vực dữ liệu cá nhân nhạy cảm, cơ sở hạ tầng quan trọng và các kỹ thuật máy tính mới phát minh.

Những kết quả này là một nỗ lực đầu tiên và mang tính khai phá nhằm đưa danh sách xanh vào các tương tác kinh tế giữa EU và Trung Hoa. Những điều chúng tôi tìm thấy không có nghĩa là dứt khoát, cũng không nên được coi là chuẩn mực. Bên cạnh đó, chúng tôi cho thấy rằng bằng các biện pháp giảm thiểu đáng tin cậy, danh sách xanh có thể được mở rộng hơn để bao gồm nhiều hơn nền thương mại và quan hệ của EU với Trung Hoa.

Nghiên cứu của chúng tôi đưa ra ba đề nghị cho giới hoạch định chính sách của EU.

  • Đầu tiên, EU cần tuyên bố rõ ràng rằng một số khía cạnh trong mối quan hệ kinh tế với Trung Hoa tiềm ẩn rủi ro an ninh, trong khi những khía cạnh khác thì không. Chỉ bằng cách thừa nhận sự phân đôi này, nó mới có thể mở ra cánh cửa một cách đáng tin cậy cho sự tham gia kinh tế lành mạnh và giảm thiểu rủi ro trong các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều vấn đề.
  • Thứ hai, EU cần có một cuộc tranh luận thẳng thắn và cởi mở về những lĩnh vực nào của nền kinh tế có liên quan đến an ninh quốc gia của mình. Hiện tại, không có sự đồng thuận nào của châu Âu về vấn đề này. Nếu không có các định nghĩa rõ ràng, châu Âu sẽ phải vật lộn để bảo vệ quan điểm của mình trong các cuộc đàm phán với các quốc gia khác và có thể thấy mình ở vị trí bị áp đặt với các định nghĩa của nước ngoài về an ninh quốc gia.
  • Thứ ba và cuối cùng, EU cần đưa ra phản ảnh về các biện pháp giảm thiểu đáng tin cậy, để đảm bảo rằng phạm vi của các tương tác kinh tế cùng có lợi với Trung Hoa vẫn càng rộng càng tốt.

Nghiên cứu này trình bày một khuôn khổ để hiểu các lĩnh vực trong mối quan hệ kinh tế của EU với Trung Hoa mà không gây ra rủi ro an ninh. Phân tích chi tiết hơn cần phải đưa ra kết luận cuối cùng về việc liệu một số kỹ thuật lưỡng dụng, mới phát minh hoặc “hàng hóa thiết yếu” có không rủi ro hay không. Do tốc độ phát triển nhanh chóng của tiến bộ kỹ thuật trong một số lĩnh vực và sự phát triển nhanh chóng của các cuộc tranh luận liên quan, phép tính chi phí-lợi ích có thể sẽ phát triển nhanh chóng, đòi hỏi một cách tiếp cận linh hoạt, năng động. “Danh sách xanh” của EU cũng cần được so sánh với cách tiếp cận của các nước OECD khác để đạt được mức độ thích hợp cao nhất có thể có trong vấn đề này.

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Exploring a ‘Green List’ for EU-China Economic Relations | Agatha Kratz, Matthew Mingey, and Daniel H. Rosen | Rhodium Group | September 29, 2020