Covid-19: 9 tháng nhìn lại
Hồn Việt
Cơn đại dịch lớn nhất của thế giới trong 100 năm qua nay đã kéo dài 9 tháng và vừa vượt qua mốc 1-triệu người chết, theo dữ kiện do Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ công bố. Tuy nhiên tổ chức Y tế thế giới cho rằng đó chỉ là con số được báo cáo – và chưa đầy đủ, chứ trong thực tế số người thiệt mạng vì Covid-19 phải cao hơn thế nhiều.
Tính đến hôm qua, 30/9, Đại học John Hopkins loan báo tổng số trường hợp nhiễm coronavirus trên toàn thế giới là 33,719,865 và 1,009,349 người chết vì Covid-19.
Hồi giữa tháng Tư khi dịch Covid-19 hoành hành tại Âu châu, số người chết ghi nhận là 100-ngàn, nhưng chỉ hơn 2 tháng sau, đến cuối tháng Sáu thì số người chết vì COVID-19 đã lên tới 500-ngàn người.
Đa số người chết vì coronavirus là người già, 1 bản nghiên cứu cho biết, số người chết, theo lứa tuổi, bắt đầu tăng sau 50 và nhiều nhất là từ 60 tuổi trở lên. Bên cạnh vấn đề tuổi tác, về giới tính thì nam giới có nguy cơ qua đời cao hơn nữ giới nhiều.
***
Trung tâm hoành hành của Covid-19 cũng di chuyển nhiều lần.
Từ nơi phát xuất là Trung Cộng, dịch bắt đầu lan xuống vùng Đông Nam Á, sau đó theo đường hàng không tới Âu châu và vượt Đại Tây Dương đổ bộ lên Hoa Kỳ.
Hiện nay thì tâm dịch đang ở vùng Nam Á, với Ấn Độ đang sắp sửa vượt Hoa Kỳ về số người nhiễm dịch, và dịch đang hoành hành ở vùng Châu Mỹ La Tinh. Trung bình lúc này, mỗi ngày có tới 5-ngàn người bỏ mạng vì Covid-19.
Người chết vì COVID-19 đầu tiên bên ngoài Trung Cộng là 1 người đàn ông ở Phi Luật Tân hôm 2/2, lúc đó thì số người chết tại Hoa lục do nhà cầm quyền Trung Cộng loan báo là 336.
Từ đó, số người thiệt mạng vì Covid-19 trên thế giới bắt đầu tăng vọt, cao điểm là giữa tháng Tư với 6994 người chết trong vòng 1 tuần. Và ngày có số người chết cao nhất là 14/8 có cả thảy 10,135 người trên toàn cầu thiệt mạng vì coronavirus!
Theo bản dữ kiện của Đại học John Hopkins công bố thì 70% số người chết vì Covid-19 thuộc về 10 quốc gia, và những nước có số người chết cao nhất lại là những nước có nền kinh tế phát triển ở Tây phương, chỉ có Ấn Độ là nước Á châu duy nhất đứng trong số 10 nước này.
Hoa Kỳ hiện đứng đầu thế giới về số người nhiễm dịch là 7,194,922 còn 4,170,939 người đang trong tình trạng phát bệnh và 206,252 người chết vì Covid-19.
Ấn Độ có cả thảy 6,225,763 người nhiễm coronavirus, còn 947,576 ca đang phát bệnh và 96,318 người chết.
***
Vào tháng Giêng 2020, siêu vi corona lan ra toàn Hoa Lục và hoành hành trên 31 tỉnh của Trung Cộng. Bằng biện pháp phong tỏa cứng rắn và xét nghiệm rộng rãi, Trung Cộng đã kiểm soát được đà lây lan của coronavirus. Theo báo cáo chính thức của Bắc Kinh thì Trung Cộng có cả thảy gần 91-ngàn người nhiễm dịch và chỉ có 4,739 người chết.
Từ Trung Cộng, được ghi nhận đầu tiên tại Thái Lan ngày 15/1, sau đó lan sang Nhật, Nam Hàn và Đài Loan. Nam Hàn bị nặng nhất vào hồi cuối tháng Hai với đợt bộc phát thứ nhất, sau đó tình hình đi vào vòng kiểm soát với số ca thêm mỗi ngày trên dưới 100, và đến giữa tháng Tám thì đợt tái phát thứ nhì nổ ra và kéo dài sang cả tháng Chín.
Trong thời gian đó, Ấn Độ vẫn yên tĩnh, mãi đến cuối tháng Ba cũng chỉ có dưới 1-ngàn người bị nhiễm coronavirus, nhưng bất ngờ Ấn Độ chìm trong cơn đại dịch và nếu tiếp tục đà gia tăng như hiện nay thì chẳng bao lâu Ấn sẽ qua mặt Mỹ về số trường hợp xác nhận bị nhiễm dịch.
Tại Âu châu, Ý là quốc gia đầu tiên phát dịch, ngày 28 /1, 2 bệnh nhân Covid-19 là du khách từ Vũ Hán bị cách ly tại thủ đô La Mã, đến 16/2 thì có người nhiễm dịch đầu tiên tại địa phương và chẳng mấy chốc chính phủ Ý phải ra lệnh phong tỏa nghiêm nhặt vì con số nhiễm coronavirus tăng hàng ngàn người mỗi ngày . Sang tháng Ba, Ý là trung tâm dịch đầu tiên của thế giới, các bệnh viện trên toàn nước Ý không còn chỗ cho bệnh nhân, phương tiện y tế -nhất là máy thở- khan hiếm tới mức các bệnh viện phải quyết định chọn bệnh nhân nào có nhiều cơ may sống sót để điều trị, còn lại đành phải để nằm đó chờ chết.
Đến giữa tháng Ba thì tình hình đại dịch tại Ý tới cao điểm và rồi từ từ giảm bớt. Tính đến nay Ý đã có khoảng 310-ngàn người nhiễm dịch, còn 50,630 người đang phát bệnh và có cả thảy 35,875 người chết.
Các nước Âu châu khác như Anh quốc tổng cộng đã có khoảng gần 440,000 người nhiễm dịch và hơn 42-ngàn người chết, Pháp hơn 550-ngàn người nhiễm dịch và hơn 31 ngàn người chết; Tây Ban Nha hơn 715-ngàn người nhiễm dịch và hơn 31-ngàn người thiệt mạng vì Covid-19.
Tại Anh, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson thoạt tiên chọn phương thức phản ứng là để mặc cho virus lây lan để chóng đạt được tình trạng miễn dịch tập thể, nhưng nửa chừng phải thay đổi chính sách vì mô hình này dự báo số người chết vì COVID-19 có thể lên tới hơn 250-ngàn người chết.
***
Sau Âu châu đến lượt vùng Trung Mỹ và Nam Mỹ bị Covid-19 tấn công.
Ba Tây hiện đứng thứ ba trên toàn cầu về số ca xác nhận nhiễm coronavirus là 4,777,522 và hơn 141,000 người chết.
Colombia và Peru cả 2 nước đều ghi nhận có hơn 800,000 người nhiễm coronavirus, Columbia có hơn 25.400 người chết và ở Peru là 32,100.
Còn Mễ Tây Cơ, giáp ranh Hoa Kỳ có cả thảy hơn 730,000 người nhiễm dịch và hơn 76,400 người chết.
Hiện tại quốc gia đang bị Covid-19 bộc phát mạnh là Á Căn Đình với số nhiễm dịch đã vượt quá 710 ngàn người và 15,700 người thiệt mạng, và cả 2 con số này vẫn tiếp tục tăng từng ngày.
***
Trong nước Mỹ, tiểu bang New York là trung tâm dịch hoành hành đầu tiên và nặng nề nhất.
Với dân số khoảng 19-triệu 400-ngàn, New York ghi nhận ít nhất đã có 31,300 người thiệt mạng vì Covid-19, so sánh với những nước có dân số cao hơn nhiều như Tây Ban Nha gần 47 triệu dân, Pháp gần 67 triệu, Peru gần 32 triệu nhưng cả 3 nước này cũng chỉ có số thiệt mạng ngang với New York!
Do đó, nếu là 1 quốc gia thì New York đứng hàng thứ 7 toàn cầu trong số những nước có nhiều người chết vì Covid-19 nhất!
Tiểu bang thứ nhì của Hoa Kỳ có số người chết vì COVID-19là New Jersey với dân số chưa tới 9 triệu có hơn 16,100 người chết; kế đến là Texas có 29 triệu dân và hơn 15,700 người chết. Còn California, tiểu bang đông dân nhất Hoa Kỳ, với 39 triệu rưỡi người đã có 15,608 người chết vì Covid-19, Florida với 21 triệu rưỡi dân đã có hơn 14,000 người thiệt mạng.
***
Khi so sánh với Hoa Kỳ, Úc là quốc gia đối phó với đại dịch Covid-19 tốt hơn nhiều.
Tính đến nay, trên toàn nước Úc đã có 27,078 trường hợp xác nhận bị nhiễm dịch và đã có cả thảy 886 người chết.
Giả sử Úc là 1 tiểu bang của Mỹ, với dân số 25-triệu, thì vẫn đứng hàng thứ 34 trong bảng tổng sắp hậu quả của Covid-19, thấp hơn Oklahoma với 4 triệu dân và 1,006 người chết và trên New Mexico với 2 triệu 100-ngàn dân và 870 người chết vì Covid-19.
Dân số 25 triệu của Úc tương đương với dân số 29 triệu của Texas nhưng tiểu bang này của Mỹ có tới 15.745 người chết vì coronavirus.
Tính trong nội bộ nước Úc thì đứng đầu là tiểu bang Victoria với cả thảy 20,169 ca xác nhận bị nhiễm coronavirus và 798 người chết, thứ đến là New South Wales với 4224 người nhiễm COVID-19 và 53 người chết, tiếp đó là Queensland với 1157 người nhiễm và 6 người chết, Tây Úc có 684 người nhiễm và 9 người chết, Lãnh địa Thủ đô ACT 113 người nhiễm dịch, 3 người chết, Nam Úc 468 ca 4 người chết, Tasmania 230 người nhiễm và 13 người chết, cuối cùng Lãnh địa Bắc Úc có 33 người nhiễm và không có ai thiệt mạng vì Covid-19.
***
Nhìn vào tình hình Covid-19 trên toàn thế giới, mức độ người chết vì COVID-19 của số bệnh nhân nhiễm coronavirus khác biệt đáng kể giữa các quốc gia vì nhiều yếu tố, quan trọng nhất là khả năng của hệ thống y tế đại chúng và khả năng xét nghiệm rộng rãi. Tới nay, theo các nhà chuyên môn về dịch tễ, trung bình đã có khoảng 3% số người bị nhiễm coronavirus đã thiệt mạng.
Và mức tử hiện đang sút giảm so với thời kỳ Covid-19 vừa bắt đầu bùng phát (thí dụ, tại Ý tử suất của những người nhiễm dịch từ tháng Sáu tới nay là 11,6% so với mức 14,5 % của thời kỳ trước đó).
Thế nhưng con số người chết vì COVID-19 không phải là hậu quả duy nhất của đại dịch Covid-19 mà nhân loại phải hứng chịu.
Dù 1 triệu sinh mạng trên toàn cầu đã mất, nhưng hàng tỷ người còn sống đang và sẽ còn phải chịu đựng hậu quả nghiêm trọng về mọi mặt một thời gian dài.
Các chuyên viên y khoa xác nhận rằng những người may mắn sống sót và bình phục có nguy cơ chịu đựng tình trạng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như nguy cơ bị đột quỵ gia tăng và những triệu chứng tồn đọng lâu dài của coronavirus. Một cuộc nghiên cứu lâm sàng tại Anh quốc đã cho kết quả là có tới gần 75% số bệnh nhân coronavirus sau khi hồi phục vẫn còn chịu nhiều triệu chứng như hụt hơi, mệt mỏi, đau nhức bắp thịt, mất ngủ triền miên và tức ngực.
Đó là chưa đến mức tổn thất khổng lồ về tài chính khi toàn bộ kinh tế thế giới gần như đình trệ, với hàng tỷ công ăn việc làm bị mất, nhiều kỹ nghệ bị tổn thương trầm trọng, và không khéo thế giới sẽ rơi vào một cuộc đại khủng hoảng kinh tế còn ghê gớm hơn những gì nhân loại đã trải qua thời thập niên 30 của thế kỷ trước.
Nguy cơ kinh tế suy trầm, khủng hoảng còn dẫn đến nguy cơ những cuộc xung đột vũ lực sẽ nổ ra ở nhiều vùng trên thế giới và không thể loại trừ mối đe dọa con người lại rơi vào một cuộc chiến lan rộng nữa, nhưng nguy hiểm hơn cuộc Thế chiến thứ hai, với kho vũ khí nguyên tử mà loài người đã điên cuồng chạy đua để thủ đắc trong 75 năm qua.
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài và tham khảo do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh họa bổ túc.
Tham khảo: