Xét lại nạn đói kinh hoàng 1944-1945 tại Việt Nam
Gunn Geoffrey | Trần Giao Thủy dịch
Những cái chết vì nạn đói kinh hoàng năm 1944-45 (Nạn đói năm Ất Dậu), lên đến đỉnh điểm vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 năm 1945 ở miền Bắc Việt Nam đang bị Nhật Bản chiếm đóng, đã làm lu mờ tất cả những bi kịch của con người cho đến thời điểm đó trong thời hiện đại ở nước Việt Nam. Con số người chết thay đổi theo ước tính của Pháp là 600.000-700.000 người chết, hay con số chính thức của Việt Nam là 1.000.000 đến 2.000.000 nạn nhân
Nạn đói năm Ất Dậu (1944-1945)
Những cái chết vì nạn đói kinh hoàng năm 1944-45, lên đến đỉnh điểm vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 năm 1945 ở miền Bắc Việt Nam đang bị Nhật Bản chiếm đóng, đã làm lu mờ tất cả những bi kịch của con người cho đến thời điểm đó trong thời hiện đại ở nước Việt Nam. Con số người chết thay đổi theo ước tính của Pháp là 600.000-700.000 người chết, hay con số chính thức của Việt Nam là 1.000.000 đến 2.000.000 nạn nhân[1]. An ninh lương thực là một vấn đề muôn thuở, và chết chóc, đói kém và bệnh tật từ lâu đã trở thành tai họa của nhân loại trên khắp vùng đất rộng lớn ở Âu-Á và hơn thế nữa. Mặc dù những hiểu biết gần đây hơn[2] thừa nhận rằng nạn đói phần lớn là do con người tạo ra, nhưng cũng đúng là ở những vùng có nhược điểm về mặt sinh thái, cùng với thiên tai, chiến tranh và xung đột thường làm nghiêng sự cân bằng giữa tính bền vững và thảm họa do con người gây ra[3]. Cho phép nguyên nhân tự nhiên dự phòng như một yếu tố dễ dẫn đến nạn đói đồng loạt, tiểu luận này xét lại nạn đói ở Việt Nam năm 1944-45 dưới góc độ những sai sót của con người (cùng với sự cố ý hoặc ngay cả cố ý bỏ qua) cũng như sự bất ổn bắt nguồn từ chiến tranh và xung đột. Trong khi tôi tránh luận đến vấn đề về ảnh hưởng của nạn đói để tìm kiếm nguyên nhân – thì sự đau khổ của con người do nạn đói gây ra vẫn chưa bị xóa mờ theo thời gian. Nó đã được ghi lại trên những tờ báo Hà Nội lúc bấy giờ. Nó tồn tại trong ký ức địa phương và trong tiểu thuyết của các nhà văn Việt Nam[4].
Nạn đói kinh hoàng đó chưa bao giờ được Đồng minh coi là tội ác chiến tranh, nhưng vấn đề đổ lỗi, cùng với việc có động cơ hay không, là một vấn đề giữa Pháp và Việt Minh ngay sau khi Nhật Bản đầu hàng và bắt đầu tuyên truyền tố cáo. Thật vậy, như đã được viết trong bản tuyên ngôn độc lập của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH), cả Nhật Bản và Pháp đều bị quy trách nhiệm về thảm họa này. Việt Nam Cộng hòa (Nam Việt Nam) cũng nêu vấn đề nạn đói trong các cuộc đàm phán bồi thường sau chiến tranh với Nhật Bản. Trong khi các vấn đề bị buộc tội như Thảm sát Nam Kinh, phụ nữ hộ lý, lao động cưỡng bức và đơn vị 731 từ lâu đã trở thành chủ đề tranh luận gay gắt trong các ký ức về cuộc chiến lịch sử, trong các cuộc tranh cãi trong sách giáo khoa và triển lãm ở viện bảo tàng, nạn đói ở Việt Nam và vai trò của Nhật Bản trong việc gây ra nó, dường như đã biến mất khỏi ký ức chiến tranh và sự tưởng nhớ của Nhật Bản, dù trong sách giáo khoa hay trong viện bảo tàng.
Tuy nhiên, có thể đặt ra câu hỏi, tại sao bây giờ việc phân bổ lỗi của ai lại quan trọng? Tôi cho rằng nạn đói kinh hoàng ở Việt Nam năm 1944-45 ít nhất là một trong những bi kịch không được được viết đủ bắt nguồn từ Chiến tranh Thái Bình Dương. Bên ngoài Việt Nam, có rất ít bài báo hoặc nghiên cứu tìm cách đúc kết lại sự kiện này, cho dù từ khía cạnh lịch sử Việt Nam, hoặc từ quan điểm của Nhật Bản và/hoặc trách nhiệm của Pháp và Mỹ. Không còn nghi ngờ gì, một tòa án sẽ tìm cách phân biệt giữa chính sách có chủ ý, sự vô tâm thờ ơ và/hoặc hậu quả không lường trước được của động lực xã hội. Nhưng, thay vì đổ lỗi như với tòa án hay phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh, những gì tôi đi tìm ở đây gần với một cuộc điều tra theo kiểu ủy ban vì sự thật nhằm tìm cách khám phá một số sự thật được che đậy hớ hênh có thể đưa đến việc để có các nghiên cứu sâu hơn, không chỉ về chiến tranh và các vấn đề ký ức liên quan đến nạn đói đã xảy ra, mà còn về lĩnh vực ngăn chặn nạn đói.
Bối cảnh Nạn đói
Bối cảnh của nạn đói kinh hoàng ở miền Bắc Việt Nam là quy mô và tính chất ngày càng tăng của sự can thiệp quân sự của Nhật Bản vào Đông Dương từ năm 1940 đến khi đầu hàng vào tháng 9-10 năm 1945. Trong khi chế độ Vichy của Pháp ở Đông Dương và Nhật Bản cùng hiện hữu một cách căng thẳng mặc dù sự cộng sinh đó bất bình đẳng với quân đội Nhật Bản. Vấn đề đã thay đổi hoàn toàn vào ngày 9 tháng 3 năm 1945, khi Nhật tổ chức một cuộc tấn công quân sự và bắt giữ tất cả các quân nhân Pháp chưa trốn lên núi, và cô lập tất cả thường dân Pháp.
Quân đội Nhật Bản chiếm giữ tất cả trách nhiệm hành chính bên cạnh những chế độ bù nhìn địa phương như với nội các Trần Trọng Kim ở An Nam, dưới thời Hoàng đế Bảo Đại dễ bảo. Về mặt kinh tế, Nhật Bản đã sử dụng Đông Dương dưới thời chính quyền Vichy của Pháp làm nguồn thu mua lương thực và vật liệu cho kỹ nghệ, từ than đá đến cao su, nhiều loại cây trồng kỹ nghệ và đặc biệt là gạo từ vùng sản xuất dư thừa ở đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù chỉ là ảo tưởng dưới sự quản lý của Pháp, nhưng sự trưng dụng quân sự của Nhật Bản đã bóp méo sâu sắc nền kinh tế chính trị thuộc địa, phá vỡ hệ thống xuất nhập cảng và làm xói mòn nhiều mối liên kết giữa các cộng đồng và giai cấp gieo mầm cho những thảm họa sắp xảy ra. Ngay cả khi các dịch vụ hành chính của Pháp vẫn được phép tiếp tục, gồm việc sửa chữa đê điều, giám sát các hoạt động nông nghiệp và thu thuế, người dân nông thôn, ngày càng thiếu tiền mặt khi cơ chế thị trường sụp đổ, buộc phải đương đầu với tình trạng kinh tế ảo tự cung tự cấp khi Đông Dương trở thành phụ thuộc vào Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á[5] của Nhật Bản
Vào cuối chiến tranh, các cuộc ném bom của Hoa Kỳ, với oanh tạc cơ cất cánh từ Ấn Độ và Vân Nam ở Trung Hoa cũng như Philippines, và từ các máy bay trên hàng không mẫu hạm, cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến cơ sở hạ tầng, nhắm vào con đường sắt Xuyên Đông Dương, nối bắc và nam Việt Nam, cũng như khai thác các hải cảng và phát động các cuộc đột kích bằng tàu ngầm ở ven biển nhắm vào vận chuyển hàng hải của Nhật Bản và địa phương. Với tất cả, trừ một số ít công chức người Pháp, đã ở trong tù, các dịch vụ hành chính xuống cấp, ở cả cấp chính quyền trung ương (điều hành từ Hà Nội) và địa phương, cho dù điều hành từ Hà Nội, Sài Gòn hay Huế. Trong môi trường này, các cuộc điều tra thống kê nông thôn thông thường hiếm khi được thực hiện. Hơn nữa, nhà chức trách quân sự Nhật Bản ít chú ý đến nhu cầu địa phương trên khắp Việt Nam, chưa kể đến việc Lào có truyền thống thiếu hụt gạo, và thậm chí cả Campuchia dù thừa gạo, tài nguyên gạo cũng bị khai thác một cách tàn nhẫn. Ưu tiên hàng đầu là thực hiện các mệnh lệnh của Đế quốc nhằm nuôi sống quân Nhật Bản trên chiến trường và tại quê nhà.
Bảo vệ người dân tránh mối đe dọa của nạn đói ở Thuộc địa
Từ thời xa xưa, vùng duyên hải Việt Nam đã thường xuyên chịu hạn hán, ngập lụt và bão lụt, gây ra bao khốn khó và đau khổ. Theo biên niên sử triều Nguyễn do Ngô Vĩnh Long giải thích, ngập lụt tàn phá xảy ra trung bình ba năm một lần, thường vào khoảng tháng bảy hoặc tháng tám, nhưng cũng có khi vào tháng thứ tư và thứ năm. Hạn hán kéo dài càng gây tai hại hơn cho mùa màng. Thêm vào đó là mất mùa do cào cào và các loại côn trùng khác. Xem Ngô Vĩnh Long, Trước Cách mạng, tr. 32.
Trong diễn ngôn chính thức của Pháp, việc bảo vệ trước các mối đe dọa của nạn đói là mối bận tâm thường xuyên của chính quyền. Chính quyền thuộc địa đã không bỏ qua các trạm thông tin liên lạc mới, mở rộng và hiện đại để tái cung cấp các vùng bị nạn. Sự cần thiết phải đa dạng hóa sản xuất cây trồng đã không bị bỏ qua do hiểu biết về rủi ro của việc độc canh trong tình trạng khủng hoảng và thiếu lương thực, và việc giám sát chặt chẽ sản xuất nông nghiệp và nhu cầu của con người đã trở thành một thủ tục quan liêu đã được mài giũa ở cấp địa phương, khu vực và liên bang (Đông Dương). Tuy nhiên, nền kinh tế thuộc địa trên hết hướng đến xuất cảng gạo, đặc biệt là từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ ở miền Nam Việt Nam.
Viết nửa thế kỷ trước khi thảm họa lớn xảy ra, Toàn quyền Jean Baptiste Paul Beau (tháng 10 năm 1902 – tháng 2 năm 1908) đã phản ảnh rằng không có giải pháp duy nhất cho vấn đề đói kém. Ông cho rằng người ta coi các công trình thủy lợi như một giải pháp, nhưng Bắc Kỳ hay miền Bắc Việt Nam nói chung không bị hạn hán trong thời gian mười năm bắt đầu từ năm 1896. Ngược lại, nó đã dư thừa nước trong thời kỳ này, dù là do lượng mưa lớn hoặc ngập lụt. Ông lập luận, hệ thống thủy lợi không có giá trị không thể chỗi cãi được và chỉ có thể được xem như một giải pháp một phần cho vấn đề đói kém. Như đã hiểu, một số vùng ở An Nam, miền Trung Việt Nam với thủ đô ở Huế, đã nuôi một mật độ dân số quá cao. Dễ xảy ra nạn đói, nên không thể hỗ trợ những vùng xa xôi này bằng đường bộ hay đường biển. Vào thời điểm Beau viết, chỉ có miền bắc An Nam nằm ngoài lối vào của hệ thống đường sắt thuộc địa mới. Nhưng nhờ việc mở rộng đường sắt đến khu vực này, sự hỗ trợ gạo kịp thời của chính quyền Huế đã giúp cho người dân Thanh-Hóa khi đó đang bị đói kém. Tương tự như vậy, ở An Nam bất cứ nơi nào có nhà ga xe lửa, có thể nhanh chóng sắp xếp việc cứu trợ được. Cùng với các đường giao thông mới, hệ thống cửa hàng gạo cũ mà chính quyền triều đình đặt tại mỗi tỉnh được coi là một giải pháp kém thiết thực hơn, mặc dù một số cá nhân đã yêu cầu khôi phục chúng. Mật độ dân số cao ở các vùng của Bắc Kỳ cũng làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của nạn đói. Cùng với những thí nghiệm trong việc chuyển những người di cư từ Bắc Kỳ vào miền Tây Nam Kỳ (Cochinchina) – như người Pháp gọi là thuộc địa của họ ở miền Nam – chính quyền cũng đưa ra các biện pháp khuyến khích cho nông dân chuyển ra khỏi văn hóa độc canh cấy lúa[6].
Trong suốt thời là thuộc địa của Pháp, một số lớn các công trình thủy lợi đã được tạo ra ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam, đặc biệt, sử dụng lao động cưỡng bách và sử dụng ngân sách địa phương để kiểm soát ngập lụt và mở rộng canh tác là các mục tiêu[7].
Tuy nhiên, nạn đói đã xảy ra ở các tỉnh miền Trung như Nghệ An và Hà Tĩnh vào những năm 1930-1931. Kết hợp với giá gạo giảm và gánh nặng thuế liên tục, kết quả là gây ra cuộc biểu tình của nông dân hàng loạt cùng với các cuộc tấn công vào chính quyền do cộng sản kích động. Ví dụ, xem James Scott, Nền kinh tế đạo đức của nông dân: Sự tồn tại và nổi dậy ở Đông Nam Á, Nhà xuất bản Đại học Yale, New Haven, 1976; Ngô Vĩnh Long, “Đảng Cộng sản Đông Dương và cuộc nổi dậy của nông dân ở miền Trung Việt Nam, 1930-1931,” Bản tin của các học giả châu Á quan tâm, tập 10, số. 4, (1978), trang 15-35.
Đúng là người Pháp đã đưa vào Việt Nam một loạt các loại cây trồng xuất cảng hoặc đồn điền, như cao su, thuốc lá, cà phê, v.v., nhưng không phải, như minh họa dưới đây, giới quản lý kinh tế thuộc địa đã bỏ qua nhu cầu duy trì một rổ lương thực để phòng khi đói kém khẩn cấp, thích hợp với tập quán canh tác nông dân có từ lâu đời[8].
Nói chung, paix Français ở Đông Dương được đánh dấu bằng phản ứng của người cai trị đối với đói kém và nạn đói, ngay cả khi một số lớn người dân, đặc biệt là cư dân miền núi và những người ở những nơi xa xôi hơn, hầu như không sống nổi trong nền kinh tế tự nhiên.
Giải quyết Khủng hoảng Lương thực năm 1937
Phục hồi từ mức thấp 960.000 tấn gạo, thóc chưa xát vỏ và các sản phẩm gạo xuất cảng từ cảng Sài Gòn trong năm 1931, một năm suy thoái, số gạo năm 1934 đã tăng lên 1.505.493 tấn. Các thị trường xuất cảng chính, theo thứ tự, là vùng đô thị Pháp, các thuộc địa khác của Pháp, Hong Kong và Trung Hoa-Thượng Hải. Một lượng gạo nhất định cũng đến được Nhật Bản (60.000 tấn trong năm 1931-32), mặc dù vẫn là một thị trường mới và không thường xuyên. Nam Kỳ và Campuchia kết hợp cung cấp lượng gạo xuất cảng lớn từ Đông Dương và gạo chiếm 27% tổng trọng tải xuất cảng, đóng góp tới 36% tổng giá trị xuất cảng[9].
Đến năm 1937, gạo xuất cảng từ Đông Dương đã giảm, do hạn hán nói chung gây ra vì sự chậm trễ của các trận mưa gió mùa đã ảnh hưởng đến một vùng lãnh thổ rộng lớn từ nam Bắc Kỳ, đến bắc An Nam, bắc và trung Lào, và cả đông bắc của Xiêm (Thái Lan). Như một biện pháp khắc phục, chính quyền thuộc địa, hiện thuộc chính quyền Mặt trận Bình dân xã hội chủ nghĩa của Léon Blum, đã áp đặt lệnh cấm hoàn toàn việc xuất cảng gạo từ Lào (gồm cả lượng gạo dư thừa ở miền Nam Bassac), đồng thời tìm cách dự trữ tất cả số gạo để tiêu dùng tại chỗ. Với việc miền bắc An Nam bị thiếu mưa rõ rệt, đặc biệt là ở các tỉnh Vinh và Thanh Hóa, 50.000 đồng đã được dành ra để phân phát gạo cho nạn nhân. Để ngăn chặn tình trạng đầu cơ các kho dự trữ gạo hiện có, chính quyền đã mở một hạn mức tín dụng 40.000 đồng với tổ chức cho vay nhỏ chính thức, Credit Agricole Mutual, một biện pháp được coi là giúp điều chỉnh giá gạo. Trả lời với Bộ trưởng Bộ Thuộc địa tại Pháp, chính phủ Đông Dương báo cáo việc theo dõi tình hình với sự “hết sức thận trọng,”[10] và điều này thực tế đã chứng minh.
Vào đầu năm 1937, một số địa phương ở Thanh Hóa đã bị ảnh hưởng nặng nề do mùa màng kém dẫn đến một “tình trạng bất ổn” nhất định (nghĩa là có sự bất bình lớn) cho một khối người dân bị ảnh hưởng. Không còn nghi ngờ gì với những ký ức của năm 1931-32 trong tâm trí, nhà chức trách đã không đứng yên. Một loạt các dự án công trình công cộng, đặc biệt là đường giao thông, đã được tạo ra để cung cấp cho những người nông dân nghèo khó một khoản tiền để trang trải các nhu cầu của họ. Đây không phải là một khoản đầu tư nhỏ nhưng đã chuyển thành 192.000 ngày công được trả lương. Đường và cầu theo quan điểm của chính quyền sẽ mở ra thị trường mới, do đó đáp ứng nhu cầu của một phần trong dân chúng. Hơn thế nữa, thu nhập tăng thêm sẽ cho phép công nhân nông dân mua lúa giống để gieo trồng trong vụ mùa tới. Theo lời của một phúc trình viên chính thức, “Khốn khổ đã bị trục xuất nhờ sự hỗ trợ hào phóng của chính phủ và nhịp điệu nông nghiệp được tái lập trong điều kiện tốt nhất đồng thời cho phép ngay cả những người không có lợi nhất nhận được hỗ trợ.”[11]
Bị Paris và Toàn quyền thúc ép, Thống sứ của Pháp tại Hà Nội đã hối hả kiểm điểm lại số lương thực dự trữ ở Bắc Kỳ bằng cách tiến hành một cuộc điều tra cấp tỉnh. Như viên quan hàng đầu của Pháp đã kết luận, sự thiếu hụt hoặc chênh lệch giữa các vụ gặt xen kẽ không ở mức nghiêm trọng ở Bắc Kỳ. Cuộc điều tra của ông tiết lộ có 566.217 tấn gạo tồn kho, lên tới khoảng 56.000 tấn vượt quá nhu cầu tiêu thụ (hàng năm) là 510.310 tấn. Con số này đã được bổ túc với khoảng 22.500 tấn ngô, cùng với dự trữ các mặt hàng thứ cấp cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, gồm khoai tây, đậu nành, sắn và khoai môn, “cũng chiếm một phần đáng kể trong khẩu phần ăn của người dân bản xứ,” mặc dù là một số khó tính toán chính xác do hoạt động ở mức độ nhỏ hoặc do sản sản xuất của gia đình[12].
Tuy nhiên, từ tháng 10 năm 1938, gạo bắt đầu mất giá. Trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 12 năm 1938, giá gạo trên thị trường Sài Gòn đã giảm 30% trong đó thóc giảm 40%. Mặc dù việc giảm giá ít được chú ý hơn trên thị trường ở Hải Phòng, nhưng nó cũng đã giảm 15%. Những lý do được đưa ra cho tình trạng đáng báo động này, nghịch lý là, sự xuất hiện của một mùa gặt thành công mới ở Sài Gòn-Chợ Lớn vào thời điểm mà Pháp và các nhà sản xuất ngũ cốc lớn trên toàn cầu cũng đang có một vụ mùa bội thu, kết hợp với sự sụt giảm nhu cầu ở Trung Hoa do chiến tranh. Đồng thời, chỉ số giá sinh hoạt tiếp tục tăng trong quý 4 năm 1938, ảnh hưởng đến người dân châu Âu và tầng lớp trung lưu, và ảnh hưởng mạnh hơn đến tầng lớp lao động. Cùng với sự mất giá lớn của đồng bạc vào tháng 9 năm 1936, chi phí sinh hoạt trung bình ở Hà Nội trong thời kỳ này đã tăng vọt 44% với mức tăng đáng báo động hơn 60% đối với tầng lớp lao động[13].
Nhưng với sự tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng năm 1937 đã qua, tổng sản lượng gạo ở Đông Dương (gồm cả xuất cảng, dự trữ và gạo để tiêu dùng tại địa phương) đã tăng lên 1.650.000 tấn vào năm 1939, giảm xuống 1.500.000 tấn vào năm 1940. Năm 1940 cũng đánh dấu một sự gián đoạn rõ ràng của thị trường truyền thống. Do các cuộc chiến tranh ở Trung Hoa và châu Âu, thị trường Trung Hoa-Thượng Hải và Hong Kong đã mất. Việc vận chuyển nối liền Pháp và các thuộc địa của nước này với Việt Nam cũng biến mất. Năm 1940, Nhật Bản nghênh ngang bước vào thị trường này, vận chuyển 500.000 tấn gạo bằng tàu của họ về Nhật hoặc các vùng lãnh thổ do Nhật Bản kiểm soát[14]. Nhật Bản cũng được hưởng lợi do việc Thái Lan sáp nhập tỉnh Battambang của Cambodia giàu có về sản xuất gạo vào tháng 3 năm 1941, tước đoạt khoảng 500.000 tấn thóc của Đông Dương trong giai đoạn 1941-46, chưa kể gạo bị tiêu thụ hoặc trưng dụng khi quân Nhật đến chiếm đóng[15]. Hơn nữa, vào ngày 6 tháng 5 năm 1941, sau khi ký một thỏa thuận thương mại với chính quyền Vichy, Nhật Bản đã ký hợp đồng giao một triệu tấn gạo Đông Dương mỗi năm[16]. Con số này sẽ tăng lên theo mực độ chiến tranh, cũng như gạo được khai thác dưới sự ép buộc, gồm cả việc giao hàng cưỡng bức hoặc bắt buộc ngoài điều kiện thị trường hoặc xét đến nhu cầu địa phương.
Theo Thống đốc Vichy đầu tiên của Nam Kỳ, René Veber (1940-42) (viết từ Vichy ở Pháp và tự ký tên là Thống đốc Thuộc địa), đã có nhiều nỗ lực đáng kể trong việc thành lập các hợp tác xã sản xuất lúa gạo, đặc biệt là việc thu mua tập thể các hạt giống của cùng một giống nhằm tạo ra mức độ đồng nhất trong sản xuất, đồng thời tăng thêm giá trị cho vụ mùa. Theo lời của Veber, “các tá điền sản xuất, chủ nhân và thương nhân sẽ được hưởng lợi bằng nhiều gạo đồng nhất hơn với những giống được đánh giá cao hơn.” Trong khi đó Veber cũng thừa nhận rằng những biện pháp như vậy có tác dụng “tát vào măt” nông dân Việt Nam (nghĩa là phản đối sự hợp tác), ông cũng tin rằng, một cách tế nhị, chúng có thể thuyết phục được[17]. Với việc Nhật Bản lúc đó đang chiếm lĩnh thị phần lớn trong xuất cảng gạo Đông Dương, chúng ta chỉ có thể suy đoán xem ai đã quyết định trồng loại lúa nào, nhưng có vẻ như thị trường Nhật Bản đã đẩy chính phủ Vichy của Pháp theo hướng tiêu chuẩn hóa. Chúng ta cũng không thể coi nhẹ tầm quan trọng của các chiến lược tránh rủi ro thường được các nông dân sản xuất áp dụng trong việc tránh những điều chưa biết, chẳng hạn như dùng các giống lúa chưa được kiểm nghiệm có thể khiến vụ thu hoạch bịt thất thoát do sâu bệnh.
Tuy nhiên, nhìn chung, công bằng mà kết luận từ việc giải quyết cuộc khủng hoảng năm 1937 là người Pháp đã áp dụng một cách quản lý chặt chẽ để cung cấp đủ lương thực trên toàn Đông Dương, được hỗ trợ bằng sự thu góp thường xuyên số liệu thống kê cấp tỉnh. Người Pháp không chỉ lưu giữ và tính toán dự trữ gạo mà họ còn lập một bức tranh chi tiết về nhu cầu lương thực trên toàn lãnh thổ rộng lớn. Các chương trình cứu trợ lương thực và công việc được trả công kịp thời là một đặc điểm khác của chính sách thuộc địa dưới chính phủ Mặt trận Bình dân. Có nhược điểm trước các yếu tố ngoại cảnh hoặc quốc tế, người Pháp cũng tìm cách quản lý vi mô nền kinh tế vĩ mô một cách vô ích. Rõ ràng, đối với người Pháp, các sự kiện đe dọa năm 1930-32 phải tránh bằng mọi giá, cũng như họ muốn bôi trơn nền kinh tế xuất cảng mà gạo chiếm một phần quan trọng. Tuy nhiên, ngay cả khi có hòa bình, chi phí sinh hoạt vẫn tăng vọt và lợi nhuận từ sản xuất lúa gạo đang giảm dần. Sẽ chỉ cần thêm một vài cú sốc nữa, tự nhiên và nhân tạo, để làm đảo lộn trạng thái cân bằng này, ít nhất là cho đến thời kỳ Nhật Bản, đã nâng đỡ dân số nông thôn và ngăn chặn những ảnh hưởng tồi tệ nhất của nạn đói đồng loạt. Nhưng sự biến mất của các thị trường truyền thống liên quan đến việc thu mua gạo mạnh mẽ của Nhật Bản bên ngoài cơ chế thị trường tự do quốc tế đã là một dấu hiệu đáng ngại đối với giới sản xuất, chủ nhân và người trung gian gạo.
Nguồn gốc của Nạn đói năm 1944-45
Theo Phạm Cao Dương[18], cách giải thích tiêu chuẩn là nguồn gốc của nạn đói năm 1945 vì vụ mất mùa 1943-45; thêm vào đó do thiếu công trình xây dựng đê điều sau khi Mỹ ném bom miền Bắc và trận mưa thảm khốc từ tháng 8 đến tháng 9 năm 1944 gây gập lụt và mất mùa. Cách giải thích nạn đói đa nguyên nhân như trên là có lý. Trong vài đoạn sau, tôi đánh giá lại một số lập luận chính.
Đối với Nguyễn Khắc Viện, một nguồn tin nói chung là đáng tin cậy từ phía Hà Nội[19], gánh nặng nhất đối với người dân dưới sự cai trị của Nhật Bản là việc bắt buộc phải bán gạo cho chính phủ. Ngay cả Bắc Kỳ, nơi khan hiếm lương thực một cách thảm hại, đã phải cung cấp 130.305 tấn vào năm 1943; và 186.130 tấn vào năm 1944. Cho dù vụ mùa tốt hay xấu, mỗi vùng phải cung cấp một lượng gạo tương ứng với diện tích canh tác với giá làm trò cười là 19 đồng/tạ, bằng một phần rất nhỏ so với giá thị trường. Trong những năm đói kém, người dân phải mua gạo trên thị trường với giá 54 đồng để làm tròn nhiệm vụ đó. Để cung cấp các bị đay cho nền kinh tế Nhật Bản, người dân bắt buộc phải nhổ lúa và trồng đay. Năm 1944, khi Mỹ ném bom cắt đứt nguồn cung cấp than của miền Bắc cho Sài Gòn, người Pháp và người Nhật đã sử dụng gạo và ngô làm nhiên liệu cho các nhà máy điện. Họ tranh nhau tích trữ gạo. Trong thời gian đó, các đập và đê đã bị bỏ bê. Thiên tai nhẹ nhất gây ra tình trạng thiếu lương thực. Bắt đầu từ năm 1943, nạn đói bắt đầu. Nó trở nên nghiêm trọng hơn từ năm 1944 trở đi.
Sử gia chuyên về Việt Nam, David Marr[20], cho rằng viễn cảnh về tình trạng khan hiếm ở Bắc Kỳ đã xuất hiện từ vài năm trước khi đến đỉnh điểm. Ông khẳng định rằng sản lượng lúa đã giảm trong hai mươi năm do diện tích canh tác giảm dần và không đưa ra được các phương pháp canh tác mới. Ngoài ra, vẫn còn một tỷ lệ nhỏ đất được giao cho sản xuất cây kỹ nghệ. Trong khi đó, dân số miền Bắc đã tăng 36%, buộc phải gia tăng sự phụ thuộc vào nhập cảng gạo của Nam Kỳ. Hạn hán và côn trùng đã làm giảm 19% vụ gặt năm 1944 so với năm trước, với các trận bão làm hỏng vụ mùa thu. Đến tháng 10, nông dân trên khắp miền Bắc Việt Nam nhận ra rằng họ không thể đóng đủ thuế, gồm cả việc bắt buộc giao nộp cho chính phủ và nuôi sống gia đình. Trong khi nông dân bắt đầu có hành động trốn tránh theo thông lệ, và trong khi những người tích trữ và buôn bán chợ đen phát triển mạnh trong môi trường này, thì người Pháp và Nhật Bản tiếp tục dự trữ gạo, với Tướng Tsuchibashi Yuichi, Tổng tư lệnh quân đội chiếm đóng ở Đông Dương và chuẩn toàn quyền sau tháng Ba. Năm 1945, lên kế hoạch dự trữ 6 tháng (hoặc 3 năm) trước một cuộc xâm lược của Đồng minh được dự đoán trước.
Không trích dẫn nguồn, mặc dù đưa ra số liệu thống kê, ông Phạm Cao Dương[21] cho rằng việc giảm năng suất vụ mùa trong những năm khủng hoảng này là không quá nghiêm trọng và vẫn có đủ gạo để tránh nạn đói. Thay vào đó, ông cho rằng nguyên nhân của sự thiếu hụt là xuất phát từ tập quán chuyển đổi gạo sang rượu để thay thế xăng; xuất cảng gạo trái phép của các thương nhân Trung Hoa và thương nhân ven biển; và sự ngăn chặn của Hoa Kỳ đối với các trục liên lạc bắc nam cắt đứt miền bắc khỏi gạo nhập cảng từ Nam Kỳ (ước tính khoảng 100.000 tấn một năm). Thêm vào đó, Toàn quyền Pháp Vichy Jean Decoux đã ra lệnh dự trữ gạo (500.000 thùng), một biện pháp cần thiết trong tình trạng này, trong khi người Nhật thu gom gạo. Nhưng chính yếu tố con người, ông khẳng định, cụ thể là đầu cơ gia tăng, lạm phát và khan hiếm, đã khiến giá gạo tăng. “Giá gạo càng lên cao, thóc gạo càng khan hiếm vì tích trữ.” Năm 1944, các cơ chế truyền thống có đi có lại liên kết giữa đại điền chủ với tá điền bị phá vỡ. Như Phạm Cao Dương khẳng định, vào năm 1944, tất cả các đại điền chủ có nhiệm vụ giao một lượng lớn thóc lúa của họ cho chính quyền Pháp, trong khi tất cả thóc trên thị trường đều do các thương nhân Việt Nam và Trung Hoa độc quyền.
Theo Ngô Vĩnh Long, “bắt đầu từ cuối năm 1942, phần lớn vì nhu cầu gạo của người Nhật, chính quyền thực dân Pháp đã áp đặt lên dân chúng “việc buộc phải bán số gạo đã định, tùy thuộc vào diện tích đất canh tác.” Vào năm 1943, số tiền này đã lên tới ¾ thu nhập của nhiều người, thậm chí vượt quá số tiền mà một số nông dân có thể thu được, buộc phải mua trên thị trường để bán lại cho chính quyền. Trong khi giá thu mua ở mức tối thiểu, giá chợ đen lại tăng theo chiều xoắn ốc. Long khẳng định rằng đã có tàu chạy ven biển nhưng người Pháp hoặc không khuyến khích phương tiện vận tải này hoặc đánh thuế nặng như một hành vi không khuyến khích các nhà buôn. Với Phạm Cao Dương, ông cho rằng việc sử dụng gạo nấu rượu để chạy máy là “một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cái chết vì đói.”
Một nguyên nhân khác là việc Pháp dự trữ gạo và xuất cảng sang Nhật Bản (gồm cả việc xuất cảng 300.000 tấn ngô từ năm 1942 đến đầu năm 1945), cùng với nhu cầu của Nhật Bản để trồng cây kỹ nghệ[22].
Đối với Brocheux và Hémery[23], hai người nghiên cứu hiểu rõ bối cảnh xã hội và chính trị Việt Nam, bối cảnh của cuộc khủng hoảng về cơ bản là nhân khẩu học (họ khẳng định rằng kẻ làm lỗi là người Nhật). Các chương trình y tế cộng đồng và các chiến dịch tiêm chủng đã kiểm soát được tỷ lệ chết người vì dịch tả khủng khiếp và sau năm 1927, không còn bất kỳ vụ vỡ đê thảm khốc nào ở Bắc Kỳ, ít nhất là cho đến trận lụt kinh hoàng tháng 8 năm 1945 khi 230.000 mẫu tây (ha) chìm trong biển nước, trận lũ lụt lớn nhất thế kỷ. Tuy nhiên, trong một thế kỷ tiếp xúc với Pháp, dân số Việt Nam đã tăng lên gấp sáu và diện tích canh tác tăng gấp hai. Do đó, sự cân bằng giữa dân số và sản lượng ngũ cốc trở nên cực kỳ bấp bênh và nông dân thường xuyên bị bao trùm do khủng hoảng sinh thái nông nghiệp. Bắt đầu từ trước năm 1930, những vùng nông thôn nghèo khổ rộng lớn đã mở rộng ở những vùng có tỷ lệ dân số trên sản lượng ngũ cốc căng thẳng nhất, đó là sông Hồng, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Ngãi. Năm 1937, có từ 2-3 triệu người làm việc nông nghiệp và hơn một triệu người thất nghiệp ở Đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra còn có sự phân hóa đất đai cực đoan, và một tầng lớp địa chủ lớn kiểu Trung Hoa đang gia tăng. Tổng hợp lại, họ lập luận, tình hình xấp xỉ với tình trạng “thoái hóa nông nghiệp” như Clifford Geertz đã mô tả trong nghiên cứu của ông về vùng nông thôn Java cuối thời thuộc địa-đầu thời hậu chiến.
Sự Thất bại
Việc gì đã sai? Mỹ bỏ bom và các hoạt động kháng chiến trên núi của quân du kích Pháp và Việt Minh, vùng đồng bằng sông Hồng và bắc An Nam không phải là vùng xung đột lớn. David Marr[24] cho rằng cách duy nhất có thể ngăn chặn nạn đói đồng loạt là việc thu xếp để có 60.000 tấn gạo cứu trợ từ Nam Kỳ vào tháng 10 năm 1944. Trích dẫn một nguồn tin của Pháp, ông chứng minh rằng, nhờ các hoạt động tàu ngầm, tuần tra trên không và đặt mình ở cảng của Mỹ, lượng gạo được vận chuyển từ nam ra bắc giảm từ 126, 670 tấn năm 1942 xuống 29.700 tấn năm 1943, xuống còn 6.830 tấn năm 1944. Do vận chuyển nguy hiểm bằng thuyền và nhu cầu khuân vác giữa các đoạn đường sắt không đứt đoạn, là những thách thức rất lớn. Kiến thức và năng lực đã có nhưng ông khẳng định rằng cả người Pháp và người Nhật đều không có ý chí để đạt được mục tiêu này. Cả hai vẫn bận tâm về hậu cần quân sự. Sau cuộc tiếp quản ngày 9 tháng 3 năm 1945, người Nhật đã phớt lờ những báo động về nạn đói trong ít nhất hai tuần. Đến Tết Ất Dậu (tháng 3) năm 1945, hàng ngàn người, đặc biệt là dân quê Việt Nam đã chết. Người Nhật đã phân phối một số ngũ cốc từ các kho chứa tịch thu của Pháp cho người dân thành thị, một phần để làm mất uy tín của người Pháp. Sau nhiều lần đắn đo và phản đối, cho thấy có sự trục trặc về mặt hành chính, việc cứu trợ mới bắt đầu được tổ chức. Cuối cùng, vào cuối tháng 6, những đoàn thuyền từ Nam Kỳ chở gạo đã đến Bắc Kỳ, nhưng đến lúc này cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất đã qua.
Khi đã khẳng định vai trò kép của người Pháp và người Nhật trong việc dự trữ gạo, Marr không cố gắng gỡ rối động cơ của người Pháp và người Nhật. Trái ngược với động cơ của Nhật Bản là chuẩn bị cho các trận chiến trong tương lai và bảo đảm nguồn thực phẩm cho các lực lượng vũ trang của họ, việc dự trữ của Pháp không thể có mục đích phần lớn là quân sự. Chắc chắn người Nhật sẽ không cho phép quân đội Pháp dự trữ khi họ là kẻ nắm quyền. Một trường hợp tương tự cũng có thể xảy ra rằng việc dự trữ gạo của Pháp, ít nhất là trong thời gian họ nắm quyền, là một phản ứng hành chính đối với một cuộc khủng hoảng đang rình rập và thực sự là một sự đảo ngược với tập quán truyền thống. (Như đã lưu ý, người Pháp, vào những thập niên đầu của thế kỷ 20, đã loại bỏ tập quán truyền thống của chính quyền Việt Nam trong việc tổ chức các cửa hàng gạo ở tất cả các tỉnh, điều này cho thấy sự phục hưng của người Pháp thời Vichy có một số logic.) Cũng phải nói rằng tổ chức nông nghiệp của Pháp đã xuất sắc trong việc giám sát thâm hụt và thặng dư trên toàn Đông Dương bằng các cuộc điều tra thống kê thường xuyên và chuyên sâu, kiểm soát đê điều, và phát triển thông tin liên lạc nhanh chóng. Không gian ngăn cản việc phân tích, nhưng sức mạnh hành chính của thực dân Pháp trong lĩnh vực này không kém gì người Anh ở Malaysia hay thực tế là của người Nhật ở Đài Loan.
Trên thực tế, động cơ và hành động của Pháp và Nhật hoàn toàn khác nhau. Theo một báo cáo của Tình báo Pháp Tự do vào tháng 9 năm 1944 (lấy từ một người cung cấp thông tin giấu tên của Mỹ), bên cạnh một thỏa thuận kinh tế với một hợp đồng 1.200.000 tấn gạo, người Nhật yêu cầu thêm 400.000 tấn cho lương thực danh cho quân đội. Không còn nghi ngờ gì nữa, chính quyền Vichy dưới thời Đô đốc Decoux tỏ ra khó chịu với những áp lực không thể chịu đựng được mà điều này sẽ gây áp lực cho các nhà sản xuất Việt Nam. Người Nhật trả lời bằng một tối hậu thư. Trong một màn thể hiện quyền tự chủ rất đặc biệt, chính quyền Vichy đã trả lời một cách gỡ rối rằng, nếu người Nhật muốn có gạo thì họ sẽ phải nhận và chịu hoàn toàn trách nhiệm về hậu quả[25].
Tất cả các yếu tố trong lập luận của Phạm Cao Dương đều có sức thuyết phục và chặt chẽ, vì nghịch lý về lương thực sẵn có và không có khả năng chi trả vẫn ám ảnh các cơ quan cứu trợ quốc tế đối mặt với các tình trạng tương tự cho đến ngày nay. (Ví dụ, sản xuất quá nhiều ngũ cốc có thể dẫn đến nạn đói như ở Ethiopia năm 2003.) Tuy nhiên, Dương không muốn quy nguyên nhân chính gây ra nạn đói là do các chính sách của Nhật Bản, đã phá vỡ cơ chế thị trường mà người Pháp đã áp dụng lên các tập quán truyền thống, mặc dù những điều này đã được thực hiện hiệu quả hơn nhờ việc kiểm kê, dự trữ và vận chuyển hiện đại trên toàn Đông Dương. Đằng sau Decoux tất nhiên là quân đội Nhật đã bòn rút lượng gạo dư thừa và chính lệnh của Nhật buộc nông dân Việt Nam phải trồng cây kỹ nghệ và chuyển đổi lúa thành nhiên liệu sinh học. Nói chung, Decoux buộc phải tuân theo mệnh lệnh của Nhật Bản về việc trưng dụng gạo, bất kể hậu quả là gì, mặc dù người Nhật cho rằng người Pháp Vichy cuối cùng cũng tuân theo lệnh của họ.
Việc tính toán đầy đủ cũng sẽ phải xem xét các giai đoạn cụ thể trong sự phát triển của nạn đói ở miền Bắc Việt Nam, từ mất mùa đầu tiên năm 1943-44 đến sự chuyển đổi đột ngột từ chính quyền Vichy của Pháp sang sự cai trị của quân đội Nhật Bản vào tháng 3 năm 1945, đến giai đoạn sự suy thoái xã hội (tháng 8 đến tháng 10 năm 1945), đến sự chuyển đổi phức tạp sang chế độ Việt Minh, cũng như hành chính của Pháp chịu một phần trách nhiệm (tháng 3 đến tháng 11 năm 1946), trùng với việc quân Pháp tái nhập khu vực đồng bằng sông Hồng sau thất bại của Nhật. Vấn đề ai kiểm soát chìa khóa của các kho dự trữ gạo cũng rất quan trọng. Như Brocheux và Hémery[26] khẳng định, nếu sau năm 1943, người Nhật thiếu khả năng vận chuyển để gửi gạo lên phía bắc vì bị tổn thất do các cuộc không kích và tấn công của tàu ngầm của Mỹ, thì có vẻ như dự trữ gạo đang tích lũy ở phía nam chứ không phải số gạo giảm. Mặc dù vậy, Nhật Bản vẫn đưa lương thực ra khỏi Đông Dương, bằng đường bộ qua Campuchia hoặc qua đường biển, bất chấp nguy cơ do tàu ngầm Mỹ.
Mỹ bỏ bom
Mặc dù cuộc ném bom vào các mục tiêu chiến lược của Nhật Bản ở miền Bắc Việt Nam bắt đầu từ năm 1942, lần đầu tiên do Nhóm tình nguyện Mỹ (AVG), hay còn được gọi là Toán “Phi hổ”, nhưng mực độ tăng lên với Lực lượng Đặc nhiệm Không quân Trung Hoa (CATF) có trụ sở tại Vân Nam của Đội Đệ thập Hàng không, và sau đó là Đội Đệ thập tứ Hàng không, cũng như trận ném bom vào khu vực Hà Nội-Hải Phòng vào tháng 4 năm 1944. Các cuộc tấn công sau đó đã do những máy bay B-29 của Đội oanh tạc XX bay từ Ấn Độ và do những biệt toán Liberators, Mitchells, and Lightnings thuộc Đội Đệ ngũ và Đệ thập tam Hàng không bay lên từ các căn cứ ở Philippines thực hiện. Bắt đầu từ tháng 12 năm 1944, các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Nhật Bản ở miền nam Việt Nam do những máy bay Catalina, B-24 và Privateers của Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ cũng như bằng máy bay tác chiến từ Hạm đội 3 của Đô đốc William Halsey phụ trách[27].
Bắt đầu từ tháng 4 năm 1944, chiếc B-29 của Mỹ từ căn cứ tại Ấn Độ đã nhắm mục tiêu vào Hải quân công xưởng và Kho vũ khí Sài Gòn. Cap St. Jacques (Vũng Tàu) cũng trở thành mục tiêu oanh tạc với 5 đến 7 tàu Nhật bị đánh chìm trong trận oanh kích ngày 15/4/1944, ngay khi tàu ngầm Mỹ bắt đầu tấn công cả tàu hàng của Nhật và Pháp (do Decoux giao cho Nhật , bất chấp sự kháng cự của thủy thủ đoàn Pháp). Ví dụ, vào ngày 29 tháng 4 năm 1944, hai tàu của Pháp đang đi về phía Bắc bị tàu ngầm đánh chìm ngoài khơi Việt Nam, một tàu khu trục của Pháp bị bắn chìm với cả thủy thủ đoàn, chiếc còn lại là một tàu buôn mà theo tình báo Đồng minh thì “đang chở gạo rất cần thiết. đến Bắc Kỳ và An Nam.” Đây là một tiết lộ quan trọng – hay sự thừa nhận – vì Đồng minh có thể đã biết điều gì đó về cái giá người do hành động của họ ngoài việc chỉ đánh chìm tàu. Đáng chú ý, ngày 12 tháng 1 năm 1945, máy bay T-38 của Mỹ đã tấn công 4 đoàn tàu vận tải lớn của địch ngoài khơi bờ biển Việt Nam, đánh chìm 25 tàu và làm hư hại nặng 13 chiếc khác. Trong số thiệt hại có tàu tuần dương hạng nhẹ của Pháp, Lamotte-Picquet. Tổn thất về hàng hóa vận chuyển dọc theo bờ biển được báo cáo là nặng nề, cũng như lượng hàng đến cảng Sài Gòn-Vũng Tàu bắt đầu có khuynh hướng giảm đi. Người Pháp thông báo tổn thất trong khi người Nhật im lặng[28].
Những điều nêu trên dẫn đến câu hỏi những loại tàu biển chở hàng loại nào đã vào các cảng Đông Dương với mục đích gì và đến đích nào? Sài Gòn và hải cảng viễn dương St. Jacques/Vũng Tàu là quan trọng nhất đối với đường hàng hải Nhật Bản giữa Đài Loan và Singapore với các chuyến vận chuyển hàng hải trong năm 1943-44 trung bình từ 5 (Sài Gòn) đến 13 chuyến tàu (Cap St. Jacques) mỗi ngày. Là điểm tập trung của các đoàn tàu vận tải Nhật Bản qua lại giữa Biển Nam và Nhật Bản, trong cùng khoảng thời gian ước tính có tới 33 tàu mỗi ngày đôi khi neo đậu ngoài khơi Cap St. Jacques. Tình báo của Đồng minh cung cấp các bản tóm tắt hàng tuần rất chi tiết về các hoạt động vận chuyển hàng hải ra vào các cảng này. Vào tháng 4 đến tháng 6 năm 1944, một số lớn các tàu chở quân của Nhật Bản được cho là đã đến sông Sài Gòn và ngay lập tức chất đầy gạo từ các sà lan trôi xuống từ những cánh đồng lúa thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Tóm tắt một hoạt động hàng hải trong ngày ra khỏi Sài Gòn vào đầu tháng 8 năm 1944, tình báo của Đồng minh cho biết rằng quân Nhật đang vận chuyển một lượng gạo đáng kể từ Sài Gòn đến Java, Singapore, Hong Kong, Thượng Hải cũng như Nhật Bản. Vào tháng 8 năm 1944, Thống đốc Ma Cao Gabriel Teixeira đã được sự đồng ý của Nhật Bản gửi một con tàu (tàu SS Portugal) đến miền bắc Việt Nam để chở than và đậu đến Ma Cao vào lúc quân Nhật bóp nghẹt Ma Cao do Bồ Đào Nha kiểm soát đến độ một số dân cư ở đó đã phải ăn thịt đồng loại[29]. Tình hình từ năm 1944 đến đầu năm 1945, bên cạnh những hoạt động hải quân dữ dội của Nhật Bản trong và xung quanh hải cảng Sài Gòn, gần như đã hoàn toàn kiểm soát tổng sản lượng gạo sản xuất ở đồng bằng Nam Kỳ và Campuchia dư thừa gạo và việc xuất cảng gạo dưới sự bảo vệ của quân đội Nhật Bản đến hầu hết các vùng đất thuộc đế quốc Nhật Bản[30].
Nhưng với việc Hoa Kỳ ngăn chặn đoàn tàu vận tải của Nhật Bản khiến việc chuyên chở trên đường biển cũng gây thêm vấn đề quanh những hoạt động thương mại ven biển. Ngày 19 tháng 7 (1944), một nguồn tin tình báo không đáng tin cậy của Đồng minh cho biết tại Sài Gòn,
“Có 300.000 tấn gạo đang chờ vận chuyển, một phần đang mục nát trong thời gian chờ đợi. Ngay cả khi con số đó gồm tất cả gạo do Nhật Bản nắm giữ ở Sài Gòn kể cả số dành cho tiêu dùng ở địa phương của Nhật Bản và để sản xuất rượu. Lượng gạo tích lũy trong sáu tháng đầu năm 1944 lên tới hơn một phần tư tổng số trọng tải dự định vận chuyển trong năm nay.”[31]
Với lượng lớn gạo đang mục nát ở bến tàu, chúng ta có thể đặt câu hỏi, tại sao ngay cả một phần lương thực thặng dư này cũng không được vận chuyển ra bắc để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt gạo rõ ràng lúc bấy giờ ở bắc An Nam và đồng bằng Bắc Kỳ?
Một biện pháp khác được thực hiện để giảm bớt tình trạng thiếu tàu chở hàng là nỗ lực phối hợp của chính quyền Nhật Bản tại Sài Gòn để đóng khoảng 200 tàu gỗ trọng tải 500 tấn, một doanh nghiệp có hơn 1.000 thợ thủ công địa phương của Trung Hoa và Việt Nam.
Mitsubishi thậm chí đã thiết lập một nhà máy chế động cơ trong khi các động cơ khác được vận chuyển từ Hong Kong đến. Nhưng thay vì sử dụng những chuyến tàu này trong đường thương mại ven biển, bốn chiếc đầu tiên đã được điều động đến Singapore để chở tổng cộng 900 tấn gạo. Một chiếc đã chìm và hai chiếc khác quay trở lại cảng bị nhiều nước ngập vào hầm tàu. Các tàu gỗ chạy bằng động cơ khác đã hướng tới Thái Lan và eo đất Khra. Ngày 2 tháng 9 năm 1944, người Nhật đưa bốn tàu hơi nước do Trung Hoa làm chủ để chở quân nhân và tiếp liệu giữa Phnom Penh và Sài Gòn. Mặc dù chúng tôi thiếu dữ liệu tương đương cho hải cảng Hải Phòng, điểm mấu chốt là hầu như tất cả các hoạt động hàng hải này đều nhằm đáp ứng nhu cầu chiến lược lớn hơn của Nhật Bản, trong khi tàu chạy ven biển nối miền Nam, miền Trung và miền Bắc của Việt Nam, dường như vẫn do người Pháp phụ trách, đã bị bỏ quên, đến chết người như nó đã trở thành[32].
Tuy nhiên, đường vận chuyển chính để vận chuyển gạo trong nước là hệ thống đường sắt. Vận tải đường sắt là trục nối liền Bắc-Nam đáng tin cậy hơn, đặc biệt là trong mùa bão (tháng 7-10), khi mọi hoạt động hàng hải đều nguy hiểm. Con đường nối liền Sài Gòn-Hà Nội xuyên Đông Dương là đường đơn, rộng 1 mét, với đường đôi ở tất cả các ga. Độ dốc lớn nhất là 1:100. Thông thường – hoặc trước khi những vụ bỏ bom bắt đầu làm gián đoạn lịch trình – hành trình từ Sài Gòn đến Hà Nội mất 42 giờ, trung bình 42 km một giờ với tốc độ thấp hơn một chút trên đường mới mở giữa Nha Trang và Quảng Ngãi. Công suất của tuyến là sáu chuyến tàu mỗi hướng trong 24 giờ. Theo một phúc trình tình báo của Đồng minh năm 1944, các chuyến tàu tốc hành chạy hàng ngày giữa hai trung tâm[33].
Rõ ràng là với một hệ thống giao thông hiệu quả như vậy, không có trở ngại kỹ thuật nào trong việc chuyển lương thực từ vùng thừa sang vùng thiếu. Tuy nhiên, các quyết định về việc sử dụng đường sắt cũng cần được xem lại. Theo một báo cáo chưa được xác nhận của tình báo Trung Hoa vào cuối năm 1944, do cuộc di chuyển lên phía bắc của 50.000 quân Nhật từ Sài Gòn đến Hà Nội, tất cả giao thông dân sự trên con đường này đã bị đình chỉ đến ngày 7 tháng 9 năm 1944[34]. Cho dù tính xác thực của báo cáo đó là gì đi nữa, nó cũng phù hợp với các luận cứ tổng quát cho rằng quân đội Nhật Bản đã lệ thuộc vào việc sử dụng đường sắt cho các nhu cầu quân sự, cả trước và sau cuộc đảo chính ngày 9 tháng 3 năm 1945. Không còn nghi ngờ gì nữa, Đồng minh cũng đang hành động theo kiểu đánh giá này, nhằm vào con đường Xuyên Đông Dương.
Cũng có một số xung đột trong phúc trình tình báo của Đồng minh. Một báo cáo từ tháng 9 năm 1944 cho thấy các cuộc tấn công ném bom và đánh phá của Mỹ đã phá hủy hoặc làm hư hỏng một số cây cầu trên con đường Sài Gòn-Hà Nội, khiến dịch vụ vận tải bị gián đoạn. Giá trị của nguồn tin này được xác nhận bằng một báo cáo ngày 10 tháng 10 năm 1944 với lý do “tình trạng tồi tệ” của đường sắt, nó chỉ có thể vận chuyển tối đa 4.000 tấn hàng tháng với khả năng sửa chữa “không đáng kể”. Nhưng, chúng tôi biết rằng các đoạn khác nhau của đường sắt xuyên Việt không bị thiệt hại đến nỗi không thể khắc phục được (Sài Gòn-Đà Nẵng-Ninh Bình), và việc sửa chữa và khuân vác cũng là cách để giảm thiểu vấn đề. Theo một đánh giá tình báo vào tháng 1 năm 1945, quân đội Nhật đã yêu cầu người Pháp (vẫn đang nắm quyền về mặt kỹ thuật đường sắt), cho 6 đôi tàu mỗi tuần phải chạy đường Sài Gòn và Tourane (Đà Nẵng), một con tàu mỗi ngày, chạy cả hai hướng từ Việt Trì (tây bắc Hà Nội) đến Laokay (Ở trạm sau cùng của đoạn Hải Phòng-Côn Minh)[35]. Đánh giá này cho thấy rằng không có trở ngại trong hệ thống giao thông đường sắt ở giai đoạn này, và không có lý do gì mà không thể vận chuyển gạo đi được nếu muốn.
Tuy nhiên, đến ngày 29 tháng 11 năm 1944, giao thông qua cầu đường sắt tại Ninh Bình (thuộc vùng Tây Nam đồng bằng sông Hồng) đã bị ngừng lại do bị bỏ bom, hai toa tàu bị phá hủy. Ngày 30 tháng 11 năm 1944, tuyến đường sắt cũng bị phá hỏng tại Phủ Lý (giữa Ninh Bình và Hà Nội ở vùng trung nam đồng bằng sông Hồng). Nếu hai đoạn đường này không được nhanh chóng sửa chữa, giao thông ra vào vùng Nam đồng bằng sông Hồng sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng. Tất nhiên, phần lớn cũng sẽ phụ thuộc vào vận tải không dùng đường sắt từ Phi Lư đến các chợ địa phương và việc quản lý và phân phối gạo trong các vùng thiếu thốn. Tóm lại, chúng ta có thể nêu rõ rệt, với nạn đói bắt đầu hoành hành, giao thông đường sắt vẫn đến Ninh Bình từ Đà Nẵng qua Huế, Vinh, Đồng Hới và Thanh Hóa, không bị gián đoạn nghiêm trọng[36].
Vào giữa tháng 4 năm 1945, đúng vào đỉnh điểm của nạn đói, các toán biệt kích Úc do tàu ngầm Mỹ đổ bộ vào vịnh Đà Nẵng đã phá hoại một đoàn tàu hoặc ít nhất là một đầu máy (một trong hai đoàn tàu được biết đang đi về hướng Bắc). Nhiệm vụ của họ là nhắm vào các chuyến tàu đi về hướng bắc. Theo sự quan sát, hai toa đầu tiên của đoàn tàu 10-18 toa này chứa hành khách – như phỏng đoán – những toa có mái che còn lại dành cho quân đội. Trong khi lính biệt kích Úc cho rằng họ chỉ chận con tàu lại trong 24 giờ, bức tranh mà họ nói về Đà Nẵng (ánh đèn rực sáng) và hoạt động đường sắt ở mức tối đa là một trong những cảnh gần như bình thường. Họ cũng quan sát thấy một đường rầy được bảo trì rất tốt. Quang cảnh từ kính tiềm vọng của tàu ngầm là một trong những hoạt động đánh cá ban đêm xa bờ sôi nổi và có tổ chức của các tàu nhiều buồm dọc theo bờ biển từ Sài Gòn đến Vịnh Đà Nẵng (200-300 tàu đánh cá, tất cả được đánh số như một phần của cuộc diễn tập của một hợp tác xã đánh cá). Điều này cho thấy mức độ tự cung tự cấp lương thực dọc theo vùng duyên hải của Việt Nam, nhưng điều đó cũng sẽ phụ thuộc vào mạng lưới phân phối, thị trường và nhiều yếu tố khác[37].
Việc Mỹ ném bom vào đường sắt có thể không phải là yếu tố quan trọng khiến miền Bắc đói kém không nhận được gạo miền Nam, đặc biệt vì dường như đường liên lạc Bắc-Nam không bị đứt đoạn hoàn toàn trong thời gian kéo dài đến tháng 3, tháng 4, đỉnh điểm của nạn đói miền Bắc. Tuy nhiên, kết hợp với các cuộc tấn công vào vận chuyển hàng hải ven biển, nó đã cản trở chính quyền Nhật Bản và Pháp trong nỗ lực đối phó với các vấn đề vận tải và lương thực. Như Mickelson giải thích trong một nghiên cứu hiếm thấy về việc Đồng minh ném bom Việt Nam trong Chiến tranh Thái Bình Dương, người Mỹ đã không kiểm soát bầu trời Việt Nam. Đối phó với nguyên cả đội phòng không Vichy và chiến đấu cơ Nhật Bản, 414 người Mỹ đã tử thương trong khi thực hiện các nhiệm vụ này, cùng với một loạt phi cơ bị bắn rơi. Ví dụ, vào cuối năm 1943, ba chiếc B-24 Liberator đã bị bắn hạ trong một cuộc đột kích vào Hải Phòng do 35 hay nhiều hơn chiến đấu cơ Nhật Bản. Đã có lúc Mickelson cũng lập luận rằng, người Mỹ đã chệch hướng của sứ mệnh chính vì đã có hành động “trả thù” những người Pháp Vichy đã phản bội phi công Mỹ bị bắn rơi, giống như thái độ quay lưng của Đô đốc Decoux là một trong những lý do hàng đầu đằng sau quyết định của Nhật Bản thực hiện cuộc đảo chính tháng 3 năm 1945 và nắm quyền thống trị quân sự trực tiếp ở Đông Dương[38].
Một Quan điểm Đối lập
Ngược với quan điểm cho rằng người Pháp và người Nhật, và có lẽ cả người Mỹ, đều chịu chung trách nhiệm về thảm kịch này như đã thấy trong một số tác phẩm chính thống của Việt Nam và các tác phẩm khác, một quan điểm trái ngược cho thấy người Nhật có trách nhiệm lớn. Bùi Minh Dũng[39] lập luận – và tôi đồng ý – rằng người Nhật bán gạo không chỉ để sử dụng tại chỗ hoặc xuất cảng sang Nhật Bản, mà còn cho các vùng khác của đế quốc Nhật, ngay cả khi đang ở đỉnh cao của nạn đói. Trọng tâm trong phân tích của Dũng là bác bỏ một số cách giải thích đã có từ lâu về nạn đói.
Đầu tiên, ông bác bỏ lập luận cho rằng Bắc Kỳ (trái ngược với An Nam) bị khủng hoảng tự cung tự cấp (sản lượng gạo của Bắc Kỳ vượt quá mức sản xuất ở An Nam, trong khi dân số ở An Nam tăng cao hơn Bắc Kỳ).
Thứ hai, ông bác bỏ lập luận của một số người Nhật Bản (gồm cả Tướng Tsuchibashi Yuichi), những người khẳng định rằng thời tiết xấu hoặc bão là yếu tố quyết định: ngập lụt lớn thực sự xảy ra vào tháng 8 sau đó chứ không phải trước nạn đói.
Thứ ba, ông lập luận, lạm phát ảnh hưởng nặng nề hơn đến người dân thành thị chứ không phải nông thôn.
Thứ tư, trong phạm vi mà người Pháp đang hoạt động dưới sự cưỡng ép của Nhật Bản, tất nhiên điều đó đã chấm dứt đột ngột sau ngày 9 tháng 3 với việc Nhật Bản nắm quyền trực tiếp. Ông Dũng cũng không thấy người Pháp đồng lõa trong việc gây ra nạn đói. Trong phạm vi người Pháp thực hiện các thay đổi chính sách, họ được lệnh đáp ứng các yêu cầu của người Nhật chứ không phải nhu cầu của người bản xứ.
Thứ năm, mặc dù bị Mỹ ném bom, hệ thống giao thông không hoàn toàn sụp đổ. Nó chỉ đơn giản là được định hướng lại cho việc sử dụng quân sự của Nhật Bản (vận chuyển gạo chiếm khối lượng ít hơn các mặt hàng khác).
Thứ sáu, Nhật Bản cưỡng bức dân Việt Nam không chỉ trồng đay mà còn trông cả cây gòn, cây lấy dầu thực vật và các cây kỹ nghệ khác ở miền Bắc Việt Nam cùng với ngô, lúa và các cây lương thực khác. Ngô cũng bắt đầu thay thế gạo xuất cảng sang Nhật Bản và Philippines vào năm 1945, mặc dù gạo cũng được xuất cảng sang những nơi khác trong năm này.
Thứ bảy, quân Nhật dự trữ gạo ở Lào cho đến thời điểm họ đầu hàng.
Cuối cùng, tổng kết lai tất cả, việc xuất cảng gạo Đông Dương sang Nhật Bản và đế quốc dường như là một chính sách xuyên suốt của Nhật Bản.
Chia phần trách nhiệm
Theo Marr[40], ngay sau thảm kịch, những người sống sót sau nạn đói hầu hết đều đổ lỗi cho người Pháp, những người vẫn nắm quyền cho đến tháng 3 năm 1945, và ít có khuynh hướng đổ lỗi cho người Nhật. Theo Marr, không có lỗi nào được quy cho lực lượng Đồng minh trong việc phá hủy cơ sở hạ tầng hoặc Việt Minh đã yểm trợ các hành động của Đồng minh. Ngoài ra, như đã đề cập trong Tuyên ngôn Độc lập của VNDCCH ngày 2 tháng 9 năm 1945, cả người Pháp và người Nhật đều bị quy trách nhiệm. Từ năm 1940, Tuyên ngôn Độc lập của VNDCCH khẳng định,
“Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.”[41]
Tuyên ngôn Độc lập của VNDCCH ngày 2 tháng 9 năm 1945
Trong khi trách nhiệm ai gây ra nạn đói vẫn còn gây tranh cãi, không còn nghi ngờ gì Việt Minh đã thủ được lợi thế tuyên truyền tối đa dựa vào thảm kịch. Trong một bản ghi nhớ không ghi ngày tháng đề cập đến một cáo buộc của Việt Minh rằng chính người Pháp là nguyên nhân gây ra nạn đói năm 1944-45, tình báo Pháp đã trả lời rằng, ngược lại, do vụ mùa tháng 10 năm 1944 đã dẫn đến sự thiếu hụt, chính quyền Pháp đã tích trữ kho gạo ở mỗi tỉnh. Tuy nhiên, người Nhật đã phân phối hầu hết các số gạo này. Hơn nữa, người Nhật đã giảm sản lượng lúa và diện tích canh tác vì chuyển sang trồng cây kỹ nghệ để phục vụ nhu cầu của họ. Theo tin tình báo của Pháp, khi bại trận, quân Nhật đã lấy gạo dự trữ ném xuống sông Mekong tại Thakek và Paksane ở Nam Lào. Sự phá hoại này khiến hàng ngàn người Đông Dương chết vì nạn đói. Vụ gặt tháng 10 năm 1945 cho thấy một yếu tố khác là ngập lụt đã tàn phá những cánh đồng lúa trên đồng bằng sông Hồng gây thiệt hại lớn về nhân mạng. Trong khi chính quyền Pháp thời hậu chiến ở miền Trung và miền Nam Việt Nam thực hiện các biện pháp bảo vệ, bằng cách kích động hoặc khuyến khích “gây rối và cướp bóc”, thì “chính phủ lâm thời”, cụ thể là chính quyền Hà Nội, “cũng cản trở sự hỗ trợ của chính phủ Pháp ở những vùng này. Chính họ là những người phải chịu trách nhiệm về việc gây ra nạn đói cũng như đã khiến cho nạn đói trở nên trầm trọng hơn và sự tiếp tục rối loạn[42].
Sau Cuộc Cách Mạng
Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 của Việt Minh ở miền Bắc, dẫn đến sự tuyên bố thành lập VNDCCH vào tháng sau, không hoàn toàn mang tính khởi xướng từ quan điểm an ninh lương thực và chúng tôi tự hỏi Việt Minh đã đối phó với tình hình như thế nào. King C. Chen[43] xác nhận rằng tình hình lương thực đang ở trên bờ vực thảm họa. Theo ước tính của Việt Minh, vụ gặt năm 1945 kém và hầu như không đủ để nuôi tám triệu người trong ba tháng. Để tránh nạn đói trên toàn quốc, chính phủ Việt Minh đã phát động Cuộc chiến chống “giặc đói”. Việc 152.000 quân nhân Trung Hoa Quốc dân Đảng tiên vào miền bắc Đông Dương chấp nhận sự đầu hàng của quân Nhật càng làm tăng thêm khó khăn về mặt cung cấp lương thực. Tuy nhiên, vấn đề chỉ dần dần giảm bớt khi được tiếp tế từ Sài Gòn, như Chen cho rằng, người Pháp cũng cố gắng trì hoãn các chuyến gởi gạo ra miền bắc.
Gabriel Kolko[44] là người đã đánh giá cao tầm quan trọng chính trị của nạn đói trong việc chuẩn bị cơ sở cho cuộc cách mạng sau đó. Ông lưu ý rằng những người cộng sản đã mở cửa các cửa hàng gạo để ngăn chặn nạn đói. Nguyễn Khắc Viện[45] khẳng định rằng chính Việt Minh đã đi đầu trong việc kêu gọi nông dân chống lệnh trồng đay và phản đối việc cưỡng bức bán lúa gạo, coi đây là sự áp bức chung giữa Pháp và Nhật. Quan điểm này không bị Trưởng phái đoàn OSS của Mỹ tại Hà Nội phủ nhận; Archimedes Patti cho rằng những ảnh hưởng không định trước của việc Việt Minh thu giữ kho thóc có tác dụng cứu trợ nạn đói do giá gạo giảm; xác định người Nhật và người Pháp là kẻ thù chung; khuyến khích mọi người tổ chức tự vệ; nêu bật tầm quan trọng của cuộc kháng chiến có tổ chức, và tuyển mộ cho Việt Minh[46] Nhưng, như Brocheux và Hémery rào đón, nạn đói ở miền Bắc đã tạo cơ sở lý tưởng để tố cáo những khiếm khuyết của chế độ thuộc địa, và thậm chí là sự thông đồng giữa Pháp-Nhật để thanh toán dân Việt Nam. Việt Minh không những chỉ sử dụng nạn đói làm vũ khí tuyên truyền, mà còn vận động quần chúng chiếm giữ kho lương thực do người Pháp cất giữ và nằm trong tay quân Nhật sau tháng 3 năm 1945[47].
Tưởng niệm
Ít nhất là cho đến năm 1975, VNDCCH không độc quyền về việc chính thức tưởng niệm nạn đói Việt Nam. Thật vậy, vấn đề bồi thường chiến tranh của Nhật Bản đã được miền bắc và miền nam tranh cãi. Một phiên bản khác của nạn đói đã được Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Ngô Đình Diệm (10/1955 – 11/1963), lặp lại sau chiến tranh, trong cuộc thảo luận với Đại sứ Nhật Bản tại Sài Gòn, Konogaya Yutaka. Đại sứ Konogaya thông báo với giới ngoại giao Úc vào ngày 15 tháng 2 năm 1957 rằng, khi yêu cầu bồi thường chiến tranh, Diệm đã lập luận rằng, vào cuối chiến tranh, quân đội Nhật đã trưng dụng một lượng lớn gạo ở miền bắc và miền nam, dường như với ý định tích lũy trữ lượng lớn trên núi để có thể tiếp tục chiến tranh. Sự trưng dụng lúa gạo này đã dẫn đến nạn đói thảm khốc ở miền Bắc và cái chết của hơn một triệu người Việt Nam. Konogaya khẳng định một cách thô bạo, ngoài con số một triệu người chết, người Việt Nam không cung cấp bất kỳ số liệu thống kê nào để hỗ trợ cho các tuyên bố của mình về số tiền bồi thường quá lớn và trên thực tế, “không có thống kê nào hiện hữu.” Bỏ qua câu hỏi về các yêu sách bồi thường (cuối cùng được trả cho Việt Nam Cộng hòa sau các cuộc đàm phán kéo dài và những tố cáo lẫn nhau), ông Diệm nói lên một nhận thức phổ biến trong giới tinh hoa miền Nam Việt Nam, ít nhất, về nguyên nhân của nạn đói[48].
Như Bùi Minh Dũng[49] trong “Vai trò của Nhật Bản trong nạn đói ở Việt Nam giai đoạn 1944-45”, tr. 618 đã nhận xét, người Nhật ít nhớ đến hoặc ít suy ngẫm về thảm kịch ở Việt Nam. Thay vào đó, người Nhật thường lập luận rằng “nạn đói của người Việt Nam là kết quả của ‘điều kiện thời chiến’ rối ren.” Không còn nghi ngờ gì nữa, giới vận động kinh doanh ủng hộ Sài Gòn, háo hức bắt đầu lại giai đoạn họ đã phải bỏ rơi vào năm 1945, và Đại sứ Konogaya dường như là đại diện, đã giúp củng cố quan điểm này. Đứng đầu nhóm này là Hội Hữu nghị Nhật-Việt, được thành lập tại một cuộc họp ở Nihonbashi vào năm 1955, mặc dù, đã 55 năm trôi qua, hiện nay nó đã trở nên thân thiện với Hà Nội một cách thích đáng. Có mặt là Tsukamoto Takeshi, cựu tổng lãnh sự Nhật Bản tại Hà Nội, và Shigemitsu Mamoru (1887-1957), ngoại trưởng Nhật Bản khi kết thúc chiến tranh và sau khi mãn hạn tù Sugamo vì tội ác chiến tranh, ngoại trưởng thời hậu chiến (1954-56).
Kết Luận
Mặc dù Hà Nội, cùng với một số chuyên gia nghiên cứu độc lập, vẫn lập lờ trong việc quy trách nhiệm cho cả người Pháp và Nhật Bản, nhưng cần lưu ý rằng về cơ bản, động cơ dự trữ gạo của Pháp và Nhật Bản khác nhau. Cũng cần phải nói thêm rằng, ngay cả khi Bắc Kỳ ngày càng phụ thuộc vào việc nhập cảng gạo của Nam Kỳ trong hai thập kỷ trước, thì Pháp cũng khó có thể bị đổ lỗi cho sự gia tăng nhân khẩu ở miền Bắc. Việc đánh giá trách nhiệm đối với nạn đói còn phức tạp hơn do việc ném bom của Mỹ ở Đông Dương mà thường không phân biệt mục tiêu dân sự và quân sự. Trên thực tế, người Mỹ đã được người Pháp báo trước về hậu quả của việc phá hủy các con đê ở phía bắc[50]. Cuối cùng, vẫn còn khó khăn trong việc giải thích việc quân đội Nhật Bản cố ý phá hủy kho dự trữ gạo khi chiến tranh kết thúc.
Tuy nhiên, rõ ràng là việc tiếp tục trưng dụng nhiều gạo do người Nhật yêu cầu và được chính phủ Vichy của Pháp thực hiện trong tình trạng khủng hoảng hành chính và thậm chí là bán vô chính phủ sau cuộc đảo chính của Nhật, đã làm tăng thêm ảnh hưởng của thảm họa. Sự thất bại của con người và cơ quan đã kết hợp để phản bội nhân dân miền Bắc và Bắc Trung Phần Việt Nam. Khẳng định có lẽ là lực đẩy tổng quát hơn trong các lập luận của Amartya Sen về nguyên nhân của nạn đói, cơ chế phân phối lương thực bị phá vỡ không phải trong tình trạng khan hiếm tuyệt đối như trong một số hoàn cảnh xung đột mà là trong một môi trường mà mọi dấu hiệu đều chỉ ra nhu cầu cấp bách là vận chuyển gạo thặng từ đồng bằng sông Cửu Long ra bắc. Hơn thế nữa, các chính sách hợp lý và nhân bản hơn đối với miền Bắc Việt Nam sẽ làm cho có nhiều đất trồng lúa hơn, ít lúa chuyển đi làm cồn kỹ nghệ, v.v., ngô và các cây trồng khác được trồng như ngũ cốc dự phòng, giảm xuất cảng gạo trong điều kiện thiếu hụt, ít giao hàng cưỡng bức hơn, có nhiều lương thực hơn trên thị trường nhiều hơn, và việc sử dụng gạo dự trữ hợp lý và nhân đạo.
Cuối cùng, tôi đồng ý với Bùi Minh Dũng; ông đã lập luận rằng
“Việc Nhật Bản chiếm đóng Việt Nam, trong phân tích cuối cùng, là nguyên nhân trực tiếp của một số yếu tố khác, ảnh hưởng đến nạn đói, nhưng nỗ lực quân sự cùng với chính sách kinh tế của họ đối với Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á dường như đã đóng một vai trò lớn hơn một cách hệ thống đáng kể so với bất kỳ yếu tố nào khác đối với nạn đói của Việt Nam.”
Bùi Minh Dũng
Ngay cả khi các số liệu thống kê muốn có như Đại sứ Konogaya nhấn mạnh – đặc biệt là khi chúng tôi thiếu kiến thức về các động lực cấp tỉnh và quận trong những tháng quan trọng của năm 1945 – thì những sự thật căn bản xung quanh nạn đói kinh hoàng năm 1944-45 vẫn thuyết phục những sự thật chung mà chúng tôi đã vạch ra đây.
12 tháng 5 năm 2011
Nguyên văn Anh ngữ của bài này viết cho và đăng trên Tạp chí Châu Á-Thái Bình Dương (http://www.japanfocus.org) trước nhất và được tái bản ở đây với sự cho phép của tác giả và các biên tập viên của “The Asia-Pacific Journal”.
Geoffrey Gunn là tác giả của Từ điển Lịch sử Đông Timor, Singapore và các cuộc Cách mạng Châu Á, và Toàn cầu hóa lần đầu: Sàn giao dịch Eurasion, 1500-1800, (Historical Dictionary of East Timor, Singapore and the Asian Revolutions, and First Globalization: The Eurasion Exchange, 1500-1800) và là Điều hợp viên Tạp chí Châu Á-Thái Bình Dương. Ông cũng là tác giả của Cuộc chiến lúa gạo ở Việt Nam thuộc địa: Nạn đói kinh hoàng và Con đường giành chính quyền của Việt Minh. (Rice Wars in Colonial Vietnam: The Great Famine and the Viet Minh Road to Power.)
Tác giả cảm ơn Mark Selden và Martin Murray đã cho ý kiến về bài viết này.
© 2020 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Gunn Geoffrey, The Great Vietnamese Famine of 1944-45 Revisited, Online Encyclopedia of Mass Violence, [online], published on: 12 May, 2011, accessed 27/04/2020, http://bo-k2s.sciences-po.fr/mass-violence-war-massacre-resistance/en/document/great-vietnamese-famine-1944-45-revisited, ISSN 1961-9898
[1] Từ nhiều nguồn chính thức và các nguồn khác, David Marr kết luận rằng số người chết trong nạn đói có thể lên tới một triệu hoặc mười phần trăm dân số của khu vực bị ảnh hưởng đã chết trong khoảng thời gian năm tháng. Xem David Marr, Vietnam 1945: The Quest for Power, University of California Press, Berkeley, 1997, tr. 104. Ngô Vĩnh Long khẳng định rằng chỉ riêng ở Bắc Kỳ đã có hai triệu người chết trong vài tháng từ cuối năm 1944 đến đầu năm 1945. Xem Trước Cách mạng: Những người nông dân Việt Nam dưới thời Pháp, Nhà xuất bản Đại học Columbia, 1991, tr. 129. (Before the Revolution: The Vietnamese Peasants under the French, Columbia University Press, 1991, p.129). Bùi Minh Dũng, người đã tham khảo một loạt các nguồn, cũng ước tính từ một đến hai triệu nạn nhân. Bùi Minh Dũng, “Vai trò của Nhật Bản trong nạn đói ở Việt Nam giai đoạn 1944-45,” Nghiên cứu châu Á hiện đại, tập. 29, số 3, tháng 7, 1995, tr.575-76. (“Japan’s Role in the Vietnamese Starvation of 1944-45,” Modern Asian Studies, vol. 29, no.3, July, 1995, pp.575-76.)
[2] Amartya Sen, Nghèo đói và Nạn đói: Một bài luận về Quyền lợi và Tước tích, Nhà xuất bản Đại học Oxford, Oxford, 1981. (Poverty and Famines: An Essay on Entitlement and Deprivation, Oxford University Press, Oxford, 1981.) Trong luận văn cụ thể về an ninh lương thực này, Sen chứng minh tổng quát rằng nạn đói xảy ra không chỉ hoặc phần lớn do thiếu lương thực mà còn do bất bình đẳng đã xây dựng trong cơ chế phân phối lương thực. Xem thêm, Sugata Bose, “Starvation amidst Plenty: The Making of Famine in Bengal, Honan, and Tonkin, 1942-44” (Modern Asian Studies, 24, no.4, 1990: 699-727), “một nghiên cứu đưa vào sự cứu trợ táo bạo, vai trò của nhà nước, những biến động trong các hệ thống kinh tế rộng lớn hơn, và các cấu trúc xã hội khác nhau trong việc biến nạn đói kinh niên thành nạn đói nghiêm trọng và sự phân bổ chi phí xã hội không đồng đều. Nó cũng nhấn mạnh vai trò của nạn đói trong việc làm suy yếu tính hợp pháp của nhà nước và các cấu trúc xã hội đã có từ trước.” (trang 726-27).
[3] Hiểu biết trực quan của tôi về mối liên hệ này cũng bắt nguồn từ sự làm việc với các nhà thống kê tìm cách xác định số người chết do xung đột ở Đông Timor so với tỷ lệ người chết vì nạn đói liên quan đến việc buộc phải di cư và thao túng chính trị đối với hàng hóa cứu trợ.
[4] Những tường thuật của cá nhân về nạn đói đã được thu thập như trong Văn Tạo và Furuta Mota (eds), Nan doi Nam 1945 o Viet Nam: Nhung Chung tich lich su (Hanoi, 1995). Ngo Ving Long, Before the Revolution; Phạm Cao Dương, Nông dân Việt Nam dưới sự thống trị của Pháp, 1861-1945, Trung tâm Nghiên cứu Nam và Đông Nam Á, Chuyên khảo 25, Đại học California, Berkeley, Ca, 1985; và David Marr, Vietnam 1945, p.104, đã cung cấp các bản dịch một phần hoặc các hình ảnh từ ngữ về phạm vi của nạn đói. Theo Marr, các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất là Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Dương và Kiến An, với một số huyện còn bị ảnh hưởng nhiều hơn. Hà Nội cũng không thoát khỏi nạn đói, mặc dù rõ ràng là một số giai cấp bị ảnh hưởng khác nhau. Bất chấp những tường thuật của cá nhân và nghiên cứu này, tôi thấy rằng ảnh hưởng thực tế của nạn đói và ảnh hưởng địa lý của nó là khía cạnh ít được nghiên cứu kỹ nhất.
[5] Chắc chắn bản tính toán chi tiết đầu tiên bằng tiếng Anh của các sự kiện này là do John R. Andrus và Katrine R.C. Greene, “Những phát triển gần đây ở Đông Dương: 1939-43,” trong Charles Robequain, Sự phát triển kinh tế của Đông Dương thuộc Pháp (Nhà xuất bản Đại học Oxford, London, 1944), tr.351-89. (“Recent Developments in Indo-China: 1939-43,” in Charles Robequain, The Economic Development of French Indochina (Oxford University Press, London, 1944), pp.351-89.)
[6] Centre des Archives d’Outre-Mer (AOM) Indo / NF / Situation de l’Indochine française durée 1902-1907, Rapport par Beau, Gouverneur General.
[7] Về thủy lợi, xây dựng đê và cải thiện nông nghiệp ở Bắc Kỳ và An Nam, xem Robequain, Sự phát triển kinh tế của Đông Dương thuộc Pháp, (trang 222-25), bản tường thuật cổ điển thời thuộc địa bằng tiếng Anh về các hoạt động nông nghiệp của Pháp ở Đông Dương.( The Economic Development of French Indochina, (pp.222-25), the classic colonial-era account in English of French agriculture practices in Indochina.)
[8] Xem Robequain, Sự phát triển kinh tế của Đông Dương thuộc Pháp, tr. 238, người cũng ghi nhận sự cần thiết hoặc khôn ngoan của việc nhấn mạnh đa dạng hóa nông nghiệp khỏi các loại cây trồng khác ngoài lúa.
[9] AOM Indo/NF/104/1004 Thống đốc Nam Kỳ Toàn quyền Đông Dương, Sài Gòn, số 744, ngày 25 tháng 12 năm 1934 (AOM Indo/NF/104/1004 Gouverneur de la Cochinchine Gouverneur Général de l’Indochine, Saigon, no.734, 25 Dec. 1934); Bulletin Economique de l’Indochine, tháng 12 năm 1938. Để phân tích thống kê về sự chuyển dịch mạnh mẽ trong thương mại từ các thị trường truyền thống (Pháp, v.v.) sang Nhật Bản, hãy xem Andrus và Greene, “Những phát triển gần đây ở Đông Dương: 1939-43,” (“Recent Developments in Indo-China: 1939-43,”) trong Robequain, trang 363-64. Như họ lưu ý, phần lớn gạo được vận chuyển đến Hong Kong và các cảng khác của Trung Hoa có thể được chuyển đến Nhật Bản hoặc được sử dụng để nuôi quân Nhật ở Trung Hoa.
[10] AOM Indo/NF/48/578-583, Toàn quyền Đông Dương, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, Paris (Gouverneur Général de l’Indochine M. le Ministre des Colonies, Paris).
[11] AOM Indo/NF/104/1004 Indochine et Pacifique, p.7, 17 Mai 1939.
[12] AOM Thống sứ, Toàn quyền Bắc Kỳ Đông Dương, Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 1937. (AOM Résident Supérieur, Tonkin Gouverneur Général de l’Indochine, Hanoi, 10 Avril 1937.)
[13] Bản tin Kinh tế Đông Dương, tháng 12-1938. (Bulletin Économique de l’Indochine, Décembre 1938.)
[14] AOM Indo NF/330/2664, “Rapport Gouverneur Veber,” Vichy, ngày 23 tháng 4 năm 1941. Theo Robequain, Sự phát triển kinh tế của Đông Dương thuộc Pháp, (tr.329) (“Rapport Gouverneur Veber,” Vichy, 23 Avril 1941. According to Robequain, The Economic Development of French Indochina, (p.329)), xuất cảng gạo sang Nhật Bản chưa bao giờ quan trọng và đang bị thu hẹp. Trung bình 109.000 tấn hàng năm trong năm 1913-1928, giảm xuống còn 36 tấn vào năm 1929-32 và chỉ còn 2 tấn vào năm 1933-37.
[15] Pierre Brocheux and Daniel Hémery, Indochina: An Ambiguous Colonization, 1858-1954, University of California Press, Berkeley, 2010, p.439 note 33.
[16] Xem, Bản ghi nhớ của Quyền Ngoại trưởng (Welles) Về Cuộc trò chuyện với Đại sứ Nhật Bản (Nomura), ngày 23 tháng 7 năm 1941, người nói rằng Nhật Bản hiện đang nhập khẩu một triệu tấn gạo mỗi năm từ Đông Dương. Như Wells trả lời, “bất kỳ thỏa thuận nào mà Nhật Bản có thể đạt được với Chính phủ Vichy chỉ có thể đạt được do áp lực của Berlin đối với Chính phủ Vichy.” Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao, Hòa bình và Chiến tranh: Chính sách Đối ngoại Hoa Kỳ, 1931-1941 (Washington, D.C .: Hoa Kỳ, Nhà In Chính phủ, 1943), 1983, pp. 692-96. (U.S., Department of State, Peace and War: United States Foreign Policy, 1931-1941 (Washington, D.C.: U.S., Government Printing Office, 1943), 1983, pp. 692-96.)
[17] AOM Indo NF/330/2664, “Rapport Gouverneur Veber,” Vichy, ngày 23 tháng 4 năm 1941. Robequain, The Economic Development of French Indochina, (p. 238), cũng cho rằng khiếm khuyết lớn nhất của gạo Đông Dương (so với Miến Điện) có ở thị trường là đặc điểm không đồng nhất của nó; màu sắc, kích thước và độ cứng khác nhau được trộn lẫn từ các đồng ruộng khác nhau mà không có dấu hiệu xuất xứ. Sau đó đã có hơn 2.000 giống lúa được trồng ở Đông Dương, thích nghi tốt với điều kiện địa phương nhưng “quá nhiều” và cần phải chọn lọc.
[18] Phạm Cao Dương, Nông dân Việt Nam dưới sự thống trị của Pháp, 1861-1945, Trung tâm Nghiên cứu Nam và Đông Nam Á, Chuyên khảo 25, Đại học California, Berkeley, Ca, 1985, pp. 181-82. (Vietnamese Peasants under French Domination, 1861-1945, Center for South and Southeast Asia Studies, Monograph 25, University of California, Berkeley, Ca, 1985, pp. 181-82.)
[19] Nguyễn Khắc Viện, Cuộc kháng chiến trường kỳ (1858-1975), NXB Ngoại ngữ, Hà Nội, 1975, tr 92-95. (The Long Resistance (1858-1975), Foreign Languages Publishing House, Hanoi, 1975, pp.92-95.)
[20] Marr, Vietnam 1945, tr.99.
[21] Phạm Cao Dương, Nông dân Việt Nam dưới thời Pháp thống trị, 1861-1945, tr.181-82.
[22] Ngo Vĩnh Long, Trước Cách mạng: Những người nông dân Việt Nam dưới thời Pháp, Nhà xuất bản Đại học Columbia, 1991, tr.129-31.
[23] Brocheux và Hémery, Đông Dương: Sự chiếm làm thuộc địa mập mờ, (Indochina: An Ambiguous Colonization) trang: 262-65. Nghiên cứu kinh điển của Geertz về vấn đề này là Sự tham gia nông nghiệp: Các quá trình thay đổi sinh thái ở Indonesia (Nhà xuất bản Đại học California, 1970). Viết năm 1944, Andrus và Greene, “Những phát triển gần đây ở Đông Dương: 1939-43,” (“Recent Developments in Indo-China: 1939-43,”) trong Robequain, tr. 385, ghi nhận rằng đã có nhiều báo cáo về tình trạng thiếu lương thực ở Bắc Kỳ. Trích dẫn nghiên cứu của nhà nông học người Pháp Pierre Gourou, áp lực dân số là 3.500 người trên một dặm vuông. Họ cũng lưu ý rằng người Nhật dường như đã vận chuyển những người phương bắc xuống phía nam nhưng những cuộc di cư nội địa như vậy khó có thể theo kịp tỷ suất sinh.
[24] Marr, Vietnam 1945, pp.99-100.
[25] “Sự kiểm soát của Nhật Bản đối với hành chính của Pháp ở Đông Dương,” Bulletin de Rencontre, số 2323/BO, DGER, ngày 14 tháng 9 năm 1944. Để biết chi tiết về thỏa thuận gạo tháng 1 năm 1941 giữa chính quyền Vichy với Nhật Bản, xem Andrus và Greene , “Những phát triển gần đây ở Đông Dương: 1939-43,” trong Robequain, tr.367-78. Theo các tác giả này, “Ngoài gạo được đảm bảo cho Nhật Bản, quốc gia đó sẽ nhận được bất kỳ phần nào chưa sử dụng trong hạn ngạch 200.000 tấn được phân bổ cho Pháp và các thuộc địa khác, cộng với bất kỳ thặng dư xuất cảng gạo trắng nào vượt quá tổng số 1.020.000 tấn.” (tr.369).
[26] Brocheux và Hémery, Đông Dương: Sự chiếm thuộc địa mập mờ, tr.90 (Indochina: An Ambiguous Colonization). Cụ thể, khi một thỏa thuận năm 1945 về việc giao gạo cho Nhật Bản được ký kết vào tháng 3, người Nhật có hơn 100.000 tấn gạo dự trữ mà họ không thể vận chuyển (tr.346). Vào tháng 9 năm 1945, khi quân Anh đến kiểm kê nguồn cung cấp gạo ở Chợ Lớn, họ ước tính rằng 69.000 tấn còn lại trong kho của Công ty Mitsui, 66.000 tấn trong các kho của Comité des cereales (ngũ cốc) do chính phủ Vichy thiết lập, và dự trữ của Nhật Bản ở Nam Kỳ. Campuchia, và phía bắc An Nam lên tới 25.000 tấn (tr.348).
[27] Xem Martin L. Mickelsen, “Sứ mệnh báo thù: Vichy Pháp ở Đông Dương trong Thế chiến thứ hai,” Lịch sử Không Lực. (“A mission of vengeance: Vichy French in Indochina in World War II,” Air Power History.). FindArticles.com. Ngày 17 tháng 12 năm 2010.
[28] Lưu trữ Quốc gia Úc (NAA) A 3269 G5/4 [Biển Đông, Hoa Nam, Đông Dương thuộc Pháp và Bắc] SHARK. Trong cuộc hành quân này, Phó Đô Đốc John S. McCain hoạt động ở Biển Đông đã đánh trúng hàng hải, sân bay và các công trình trên bờ khác của Nhật Bản ở đông nam Đông Dương thuộc Pháp. Về nhật ký chi tiết này và các nhật ký chi tiết khác về tổn thất hàng hải của Nhật Bản Hải quân của Hoa Kỳ gây ra và ít chi tiết hơn, do Không quân Mỹ, hãy xem Robert J. Cressman, Niên đại chính thức của Hải quân Hoa Kỳ trong Thế chiến thứ hai (The Official Chronology of the U.S. Navy in World War II.)
[29] Xem Geoffrey C. Gunn, Gặp gỡ Ma Cao: Một thành phố của Bồ Đào Nha ở ngoại vi Trung Hoa, 1557-1999, (Encountering Macau: A Portuguese City State on the Periphery of China, 1557-1999, Westview Press, Boulder, CO, 1996, tr.126.
[30] NAA A 3269 G5/4 [South China Sea, South China, French Indochina and North] SHARK.
[31] Ibid.
[32] Đã dẫn. Về các con tàu gỗ của Nhật, cũng có thể xem Andrus và Greene, “Những phát triển gần đây ở Đông Dương: 1939-43,” trong Robequain, Sự phát triển kinh tế của Đông Dương thuộc Pháp. p. 385.
[33] Đây không phải là một báo cáo thiếu quan tâm, nhưng đưa ra bốn mục tiêu tối ưu cho các toán đổ bộ bằng tàu ngầm, ở điểm gần biển nhất, từ Thanh Hóa ở phía bắc đến Quảng Nam-Đà Nẵng ở phía nam. NAA A3269 E3/4 Lower South China Sea, Singapore OPTICIAN copy [South China Sea].
[34] NAA A 3269 G5/4 [South China Sea, South China, French Indochina and North] SHARK.
[35] Ibid
[36] Đã dẫn. Ngày 1 tháng 7, một cây cầu và đường sắt tại Phủ Lạng Thương (nay là Bắc Giang) bị sập. Mặc dù là con đường chiến lược nối với Lạng Sơn nhưng đây không phải là vùng đồng bằng.
[37] NAA A 3269 E7/A [Lower South China Sea, Singapore, POLITICIAN project copy [Tourane Bay, Indo-China] Được mệnh danh là dự án Chính khách, nỗ lực đầu tiên nhằm làm nổ tung đường rầy phía nam Đà Nẵng được khởi động vào ngày 5-6 Tháng 4 năm 1945 nhưng bị một nhóm bảo trì vũ trang phá hỏng. Một phần của chuỗi hoạt động ngoài Tây Úc có sự tham gia của tàu ngầm Mỹ và lính biệt kích Úc, các nhiệm vụ khác gồm các cuộc đột kích vào các con đường sắt ở Java, một cuộc đột kích thành công và nổi tiếng nhằm vào tàu hàng hải Nhật Bản ở Singapore, hoạt động ở Malaya, nỗ lực lập căn cứ ở Hoàng Sa và Quần đảo Natuna, và thậm chí là một cuộc đột kích đã được lên kế hoạch tấn công vào tàu hàng hải Nhật Bản ở Nagasaki và Sasebo.
[38] Theo Mickelsen, “Sứ mệnh báo thù”, Tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Việt Nam, Tướng Eugene Mordant, tin chắc rằng Đội Không quân Đệ Thập Tứ đã cố tình ném bom Hà Nội vào tháng 12 năm 1943, và một lần nữa vào tháng 4 năm 1944 tại trả đũa cho chính sách của Decoux trong việc giao nộp các phi công Mỹ bị bắn rơi cho người Nhật. Đáng chú ý, vào ngày 10 và 12 tháng 12 năm 1943, Hà Nội (chứ không phải mục tiêu thông thường của sân bay Nhật gần đó ở Gia Lâm) đã bị tấn công lần đầu tiên, khiến 1.232 người bị thương và 500 người chết. Ngày 8 tháng 4 năm 1944, Hà Nội lại hứng chịu trận bom của Đội Oanh tạc 308 (H) nhắm vào phức thể bệnh viện Yersin, khiến 46 dân thường thiệt mạng và 141 người bị thương trong các khu dân cư Việt Nam và Hoa kiều. Nỗi sợ hãi của Tướng Mordant được củng cố bằng lời cảnh báo từ Tư lệnh Đội Không quân Đệ Thập Tứ, Claire Chennault rằng tất cả các thị trấn lớn ở Bắc Kỳ sẽ bị ném bom nếu những vụ tương tự xảy ra trong tương lai.
[39] Bùi Minh Dũng, “Vai trò của Nhật Bản trong nạn đói của người Việt Nam năm 1944-45”, tr.573-618.
[40] Marr, Việt Nam 1945, tr.109.
[41] Xem King C. Chen, Việt Nam và Trung Hoa 1938-54 (Vietnam and China 1938-54), Nhà xuất bản Đại học Princeton, Princeton, New Jersey, 1969, Phụ lục II, tr.337.
[42] AOM Indo NF 134/1219 Direction d’Information, “Les Japonais et leurs collaborateurs sont responsable de la famine,” n.d.
[43] Chen, Việt Nam và Trung Hoa 1938-54, tr.133.
[44] Gabriel Kolko, Giải phẫu Chiến tranh: Việt Nam, Hoa Kỳ và Kinh nghiệm Lịch sử Hiện đại (Anatomy of War: Vietnam, the United States and Modern Historical Experience), Pantheon Books, New York, 1985, tr.36. Xem têm Stein Tönnesson, Vietnam 1946: How the War Began, University of California Press, Berkeley, 2010, p.201.
[45] Nguyễn Khắc Viện, Cuộc kháng chiến trường kỳ (1858-1975), tr. 92-95.
[46] Archimedes Patti, Why Vietnam? Prelude to America’s Albatross, University of California Press, Berkeley, 1982, p.133.
[47] Brocheux and Hémery, Indochina: An Ambiguous Colonization, p.34.
[48] NAA A1838 3014/11/89 Phần I, Quan hệ Chính sách Đối ngoại của Việt Nam với Nhật Bản, Quyền lực của Úc, Sài Gòn, với Bộ Ngoại giao, Canberra, ngày 11 tháng 2 năm 1957 (Vietnam Foreign Policy Relations with Japan, Australian Legation, Saigon, to External Affairs, Canberra, 11 Feb. 1957). Như các nguồn tin ngoại giao Úc tiết lộ, ông Diệm không cảm thấy gì ngoài sự khinh thường người Nhật nói chung, và chỉ đọc lại lịch sử theo khuynh hướng đó. Là nước cuối cùng trong số các nước Đông Nam Á nhận được sự bồi thường của Nhật Bản theo các điều khoản của Hiệp ước San Francisco năm 1951, vào tháng 5 năm 1969, Việt Nam Cộng hòa nhận 39 triệu Mỹ kim trong thời hạn 5 năm, một kết cuộc bị VNDCCH phản đối gay gắt. Campuchia và Lào chấp nhận “viện trợ kỹ thuật miễn phí” thay vì các khoản bồi thường chính thức.
[49] Bùi Minh Dũng, “Vai trò của Nhật Bản trong nạn đói ở Việt Nam năm 1944-45”, trang 576-77. Chúng tôi nhận thấy rằng một số bài viết học thuật của Nhật Bản đã thừa nhận các tuyên bố của VNDCCH về số nạn nhân và quy kết chung là nguyên nhân.
[50] Bùi Minh Dũng, “Vai trò của Nhật Bản đối với nạn đói ở Việt Nam giai đoạn 1944-45”, tr. 618. May mắn thay, những trí óc tỉnh táo hơn đã thắng thế khi xem xét việc Mỹ ném bom đồng bằng Bắc Việt. Vào ngày 6 tháng 8 năm 1945, Joseph C. Crew, Quyền Ngoại trưởng, thông báo với Ngoại trưởng rằng các hoạt động quân sự ở Bắc Kỳ và viễn cảnh bắn phá hàng loạt các con đê ở Đồng bằng sông Hồng – như giới hoạch định quân sự đã dự tính – sẽ gây ra “Nguy hiểm ghê gớm đối với dân cư của khu vực này.” Đây không phải là cách nói bớt đi. Nguy cơ là cuộc sống của tám triệu người ở vùng đất đông dân cư bị cắt ngang do những con đê được xây dựng trong nhiều thế kỷ. Tình hình nghiêm trọng ban đầu đã được Phái bộ Quân sự Pháp tại Côn Minh chuyển cho Tư lệnh Đội Đệ thập tứ Hàng không Hoa Kỳ. Xem Ủy ban Điều hợp Ngoại giao-Chiến tranh-Hải quân (SWNCC) 35 Phi hành đoàn cho Ngoại trưởng, ngày 6 tháng 8 năm 1945, SR. (See State-War-Navy Coordinating Committee (SWNCC) 35 Crew to Secretary of State, 6 August 1945, SR.) Câu hỏi về việc ném bom các con đê lại được các nhà hoạch định Lầu Năm Góc đưa ra vào những năm 1960, khi các lựa chọn hạt nhân đang được cân nhắc trong giới lập chính sách ở Washington.