Loạn Thế Độc Thư
Trịnh Bình An
Hồi nhỏ, tôi nghe được câu “Loạn Thế Độc Thư”. Lúc ấy, chỉ biết lõm bõm nghĩa câu này là: “Thời loạn tốt nhất nên đọc sách” .
Với những ai thích đọc sách, có lẽ sẽ đồng cảm với tôi; “đọc sách” tức là “được trò chuyện với người mình thích.”
Theo suy diễn riêng, thời loạn lạc nhiễu nhương, lòng người tráo trở khó lường, tin được ai đây? Riêng chỉ có người trong sách là không thay đổi, được “nói chuyện” với người ấy an tâm lắm chứ.
Thế nhưng, tới khi sống lâu ở Mỹ, tôi chợt nhận ra một điều não lòng: Chẳng có lúc nào là không “Loạn Thế”!
Khoan nói tới những cuộc chiến không ngừng diễn ra trên khắp trái đất này, chỉ riêng Hoa Kỳ cũng đầy tai ương. Tính riêng kinh tế, cứ 10 năm một lần lại có một cuộc khủng hoảng.
Năm 2008, bong bóng nhà đất bị “nổ” đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Là một chuyên viên ngành công trình, tôi cũng bị ảnh hưởng theo, việc làm không còn nhiều như trước, tuy nhiên, cũng nhờ đó mới có thì giờ bắt đầu viết.
Sau đó, nền kinh tế cũng dần dần hồi phục. Tới 2019 được coi là vạm vỡ lắm rồi. Riêng tôi, do kinh nghiệm hai cuộc khủng hoảng 1998 và 2008 lại thấy hồi hộp, tự hỏi “nó” sẽ lại tới lúc nào và như thế nào?
Thật không ngờ, “nó” lại tới qua một “con” virus nhỏ bé!
Thời loạn 2020 này nên được diễn tả ra sao?
Loạn đến mức người ta nháo nhào đi kiếm giấy vệ sinh!
Cái thứ được coi là “bèo” nhất xứ Huê Kỳ nay bỗng dưng trở thành nỗi ám ảnh của mọi nhà. Điều ấy chợt làm tôi thật buồn. Nhiều đề tài muốn viết lướt qua trong óc, nhưng chỉ vài dòng rồi thôi.
Thời này, ai nấy đều chăm chăm vào người chết, người thoát chết, người lao đao công việc,… chẳng ai cần đọc những suy nghĩ cá nhân vụn vặt. Ngay chính tôi, nếu nhận được lời khen cho bài viết chắc không mừng rỡ bằng nhận được một cuộn giấy… vệ sinh.
“J’ai vu des enfants mourir de faim. En face d’un enfant qui meurt, La Nausée ne fait pas le poids.”[1] (“Tôi đã thấy những đứa bé chết đói. Trước một đứa trẻ sắp chết, cuốn “Buồn Nôn” thì có đáng gì.”)
Cảm thán của Jean-Paul Sartre sao mà đúng với tôi lúc này, khi chẳng ai còn tâm trí cho những thứ bay bổng, cao xa. Cái người ta nghĩ đến lúc này hết sức tầm thường. Nhưng, đó là những thứ tầm thường xứng đáng.
Một lần tôi có dịp trò chuyện với thi sĩ Cung Trầm Tưởng.
Do nghĩ nhà thơ vốn là một kỹ sư nên tôi đưa ra so sánh về thơ và… bãi đậu xe. Theo tôi, được thoải mái de xe vào một chỗ đậu rộng rãi cũng tạo ra cảm giác khoan khoái không kém như khi đọc một câu thơ hay.
Nhà thơ phản đối ngay: Thơ dĩ nhiên phải cao hơn nhiều, cái thứ cảm giác “biểu bì” làm sao sánh bằng.
Có lẽ vì tôi không biết làm thơ, chỉ biết thiết kế bãi đậu xe, nên đành xin lỗi các nhà thơ về so sánh có phần “hạ giá” ấy.
Nhưng đưa ra câu chuyện chỉ để làm sáng tỏ một điều: Con người ngày nay được ban cho quá nhiều “món ăn tinh thần” , bạn có thể thích thú với nhiều thứ hấp dẫn hơn trên YouTube chứ không chỉ qua những cuốn sách. Đọc sách không còn giữ vị trí quan trọng như tổ tiên ta lúc trước nữa.
Thế nhưng, nếu tôi đã chẳng đọc sách, thì làm sao biết tới câu nói của Sartre? Lời triết gia khiến tôi ngậm ngùi chua xót, nhưng cùng lúc, cảm thấy an ủi vô cùng vì biết có người chia sớt nỗi cay đắng với mình.
Cuối cùng, tôi rút ra kết luận: Lúc nào đọc sách được thì ráng đọc. Lúc yên ổn, đọc nhiều một chút. Lúc loạn lạc, rút cái mình đọc ra làm “gậy chống” , nếu không giúp đi được quãng đường xa thì bước chân gần ít nhiều cũng bớt lênh đênh.
Vào thời đại dịch Corona Virus, “đóng cửa đọc sách” là điều thích hợp nhất. Những ai tập được thói quen đọc sách, viết lách là những người cảm thấy thoải mái nhất với sự “tự cách ly”, self-quarantine.
[…]
Nguyễn Trãi bài ‘Dạy Học Trò Ở Cho Phải Đạo’, Gia Huấn Ca
Bây giờ đèn sách sớm khuya thế nào?
Chữ rằng “loạn độc thư cao”
Khi nên cũng thế, khác nào người xưa.
[…]
Con người thế kỷ 21 được nhiều cái “nên” hơn thời Ức Trai tiên sinh. Chúng ta “nên nhà, nên cửa” , nhất là “nên computer” . Nhờ computer, chúng ta được “nghe, nhìn, đọc” hào hứng hơn nhiều so với đọc sách, để rồi mất dần thói quen một-mình-tĩnh-lặng, một-mình-suy-tư, một- mình-chiêm-nghiệm.
Trớ trêu thay, trong thời đại dịch này, con người mới thấm thía với những cái chết rất đỗi… một-mình-trơ-trọi.
Hy vọng, nếu chẳng may cái “lúc đó” xảy ra cho bạn hay tôi, chúng ta còn đủ khả năng nhớ tới một vài câu nói của “người bạn sách” nào đó để trái tim mình bớt nỗi cô đơn.
Mùa Đại Dịch, Tháng Năm, 2020
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài tác giả gửi. DCVOnline biên tập, phụ chú và minh họa.
[1] DCVOnline: Giới cầm bút đã và đang phải đương đầu với những bất hạnh của thế giới, văn học làm được gì? Trước câu hỏi dai dẳng đó, năm 1964, Sartre buồn bã trả lời: “Tôi học được điều thực tế một cách từ từ. Tôi đã từng chứng kiến những đứa trẻ chết đói. Đứng trước một đứa trẻ sắp chết, cuốn La Nausée không đáng gì cả.” (18 tháng 4, 1964 Sartre trả lời câu hỏi của Jacqueline Piatier trên tờ Le Monde — Tout ceci vous amène-t-il à dénoncer votre œuvre antérieur? | Tất cả những điều này có khiến ông lên án tác phẩm trước đây của mình không?)