Cuộc tranh cử tổng thống giữa Trump và Biden khơi lại vết thương xưa trong khối cử tri Mỹ gốc Việt
Nina Shapiro | DCVOnline
Họ bị gọi là những kẻ phản bội, bọn cộng sản và, theo cách nhục mạ người Việt Nam thường dùng là đồ chó…
Đó là phản ứng của một số trong cộng đồng dân trên Internet khi tài liệu về người Mỹ gốc Việt ủng hộ cho Biden được lưu truyền trên mạng xã hội vào tháng trước. Chữ X lớn, màu đỏ gạch chéo trên khuôn mặt của những người trong hình, gồm cả dân biểu đảng Dân chủ tiểu bang Washington, My-Linh Thai.
một người trên Facebook viết bằng tiếng Việt, “Joe Biden là một người tôn thờ Trung Cộng.” Một phản đối khác, gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng nghiêng nhiều về phía Tổng thống Donald Trump, người trên Facebook viết, “Biden phản đối việc tiếp nhận người tị nạn sau Chiến tranh Việt Nam.”
Những tuyên bố này được một trang web, do VietFactCheck khởi xướng, phản biện. Trang web này khẳng định chính Trump là người đã làm cho Trung Hoa mạnh hơn và Biden dù đã có những quan điểm phức tạp nhưng cuối cùng đã chỉ trích quốc gia cộng sản đó. Theo VietFactCheck, Biden lên tiếng cảnh giác với việc viện trợ quân sự thêm vào cuối Chiến tranh Việt Nam, nhưng hoan nghênh việc đón những người tị nạn vào Hoa Kỳ.
Đó là những trận chiến giữa những người Mỹ gốc Việt trước thềm cuộc bầu cử tháng 11, chìm trong vết thương lịch sử chiến tranh, bị chế độ cộng sản đàn áp, và mối thù truyền kiếp đối với Trung Hoa, nước từng xâm chiếm Việt Nam. Vết thương lòng tái hiện vì một số người vẫn nhớ lại một cách sống động cuộc vượt thoát cộng sản đầy gian khổ của họ khỏi Việt Nam.
Jefferey Vu, 30 tuổi, một kỹ sư làm việc cho Boeing và giám đốc khu vực Tây Bắc của người Mỹ gốc Việt ủng hộ Biden, cho biết: “Cuộc bầu cử này có vẻ như lặp lại cuộc chiến đấu Việt Nam một lần nữa.”
Để chắc chắn, những người ủng hộ Trump và Biden đều trang trí những cuộc biểu tình riêng của họ vào ngày 10 tháng 10 bằng lá cờ cũ của Việt Nam Cộng hòa, hiện được gọi là “lá cờ di sản và tự do”, hay màu vàng và 3 sọc đỏ của lá cờ đó.
Nhưng đang có một sự gay gắt căng thẳng giữa bạn bè và gia đình, thường là giữa những thế hệ, khiến người môi giới bất động sản ở Bellevue, Michelle Le nhớ lại khi quê hương của cô bị chia đôi, miền bắc miền nam chống đối nhau.
Trong khi những người Mỹ gốc Việt được cho là sẽ không có tác động quyết định đến cuộc bầu cử, sự đối kháng giữa họ là một phần của sự chia rẽ chính trị lớn hơn trên toàn quốc. Le, 50 tuổi, người đã giúp thành lập một nhóm ủng hộ tổng thống và đảng viên đảng Cộng hòa ở địa phương gọi là Washingtonians for Change nói,
“Theo nghĩa đen, ngay bây giờ, tôi thậm chí không thể có bất kỳ hình thức ủng hộ Trump hoặc bất kỳ loại công cụ chính trị nào trong nhà của mình — vì có quá nhiều căng thẳng.”
Michelle Le
Hai người con của bà, 15 và 16 tuổi, kịch liệt phản đối Trump.
Theo một cuộc thăm dò hồi tháng 9 của tổ chức phi lợi nhuận AAPI Data, APIAVote và Asian American Advancing Justice với khoảng 1.600 cử tri đã ghi danh, phe ủng hộ Trump đang giành chiến thắng. Nó cho thấy 48% ủng hộ tổng thống và 36% ủng hộ Biden.
Cũng giống như những người tị nạn Cuba chống cộng có khuynh hướng bảo thủ hơn người châu Mỹ Latinh nói chung, người Mỹ gốc Việt là nhóm người Mỹ gốc châu Á duy nhất thể hiện sự ủng hộ nhiều hơn đối với Trump trong những cuộc thăm dò.
Washington có một cộng đồng người Mỹ gốc Việt đông đảo, 67.000 người, theo cuộc điều tra dân số năm 2010. Chỉ có hai tiểu bang, California và Texas, có nhiều người Mỹ gốc Việt hơn.
Khi người tị nạn Việt Nam bắt đầu tràn vào Hoa Kỳ sau khi quân Bắc Việt chiếm Sài Gòn năm 1975, thống đốc Đảng Dân chủ của California vào thời điểm đó, Jerry Brown, đã phản đối, cho rằng tiểu bang không thể lo cho họ được. Nhưng Thống đốc tiểu bang Washington, Gov. Dan Evans, một đảng viên đảng Cộng hòa, đã mời họ đến đó, để lại di sản thiện chí của người tị nạn ở địa phương đối với người của đảng Cộng hòa.
Chính trị đảng phái so với những người tị nạn ngày nay không thể khác hơn và Evans đã nói rằng ông ấy sẽ không bỏ phiếu cho Trump. Nhưng điều đó đã không làm nản lòng những người ủng hộ tổng thống Mỹ.
Do Nguyen, một người môi giới Medicare 52 tuổi ở Tacoma, cho biết hai lý do hàng đầu của ông ấy là Trump phản đối Chương trình Kế hoạch hóa Gia đình và việc phá thai. Ông nói,
“Tôi là người Thiên Chúa giáo thuần thành.”
Do Nguyen
Cũng như nhiều người Mỹ gốc Việt – và thái độ cứng rắn của tổng thống đối với Trung Hoa. Trump đã đổ lỗi cho nước Trung Cộng về thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ và đại dịch, mặc dù ban đầu ông ca ngợi Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình vì đã giải quyết được sự bùng phát ban đầu của loại coronavirus mới. Ông Nguyễn nói,
“Chỉ có Tổng thống Trump nói ‘đã đủ rồi’.”
Do Nguyen
Ông Nguyễn, người đã bỏ phiếu cho cựu Tổng thống Barack Obama, cho biết các cuộc biểu tình năm nay về sự tàn bạo của cảnh sát và nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống cũng là một yếu tố. Ông nói, “Tôi biết có sự bất công.”
Là một người Mỹ gốc châu Á, ông cho biết mình đã bị cảnh sát gọi vào cho giấy phạt khi chỉ lái xe vượt quá tốc độ cho phép một chút. Ông gọi vụ cảnh sát bắn những người không có vũ khí là “thật lố bịch”. Ông nói về các cuộc biểu tình.
“Nhưng đó không phải là cách bạn phản ứng.”
Do Nguyễn
Ông nói rằng ông có những người dì và chú bác đến đây hai bàn tay trắng, làm việc chăm chỉ để mở các cơ sở kinh doanh nhỏ và sau đó chứng kiến chúng bị đốt phá hoặc phá hoại khi tình hình bất ổn. Nguyễn mô tả cuộc trốn thoát của gia đình anh khỏi Việt Nam khi anh khoảng 12 tuổi,
“Chúng tôi chạy trốn cộng sản và chúng tôi đi tìm tự do.”
Do Nguyễn
Họ đã lênh đên trên biển sáu ngày trên một chiếc thuyền gỗ nhỏ, không có đủ thức ăn nước uống, mọi người đều nôn mửa.
Một tàu đánh cá Nhật Bản đã cứu họ; nhưng trước đó là một cảnh tượng hỗn loạn khi chiếc thuyền nhỏ va vào chiếc thuyền lớn, thuyền thủng và nước tràn vào quanh những người tị nạn. Những người đàn ông bắt đầu ném những đứa trẻ lên cho ngư dân và một số rơi xuống đại dương. Theo hồi ức tốt nhất của Nguyễn, tất cả họ đều sống sót.
Những người ủng hộ Trump nói rằng họ thấy những gì họ phải chịu đựng rất nhiều để có được hiện nay đang bị tấn công. Giống như tổng thống, Michelle Le coi các đối thủ chính trị là những người theo chủ nghĩa xã hội đòi “đại học miễn phí, y tế miễn phí, các chương trình xã hội miễn phí.”
[Cố một sự cố tình hiểu lầm (và gán ghép) chủ nghĩa xã hội với những chương trình an sinh xã hội cho toàn dân ở những nước không theo “xã hội chủ nghĩa” như các nước Bắc Âu, Đức, Pháp, Canada. Úc, v.v.. Trong khi đó những nước tên gọi là xã hội chủ nghĩa như CHXHCN Việt Nam không thể có những chương trình an sinh xã hội cho toàn dân như những quốc gia kể trên. — DCVOnline].
Những người tị nạn Việt Nam đã nghi ngờ về những người cánh tả cấp tiến có thể có trong cộng đồng của họ từ lâu, trước thời đại của Trump. Thái, dân biểu tiểu bang, nhớ lại việc biên tập một tạp chí tiếng Việt khi còn là sinh viên của Đại học Washington vào những năm 1980. Bà đã đăng một truyện ngắn của một tác giả giấu tên, kể về một chàng trai trẻ mơ ước được trở về Việt Nam bất chấp chính quyền hiện tại là cộng sản.
Trong một cuộc họp đông người tại Hội trường Kane của trường đại học, thành viên cộng đồng đã yêu cầu công bố tên của tác giả. Thái nói,
“Họ đã nổi giận. Và tôi rất sợ hãi.”
My-Linh Thai
Nhưng dù sao thì Thái đã từ chối lời yêu cầu đó.
Gần đây hơn, khi tinh thần phe đảng nổi lên khắp nơi ở Mỹ dưới thời Trump, Thượng nghị sĩ tiểu bang Joe Nguyễn bị chụp mũ là cộng sản khi tranh cử vào năm 2018 với tư cách là đảng viên Đảng Dân chủ. Vị giám đốc chương trình của Microsoft, 37 tuổi, nhớ lại một cuộc họp với cộng đồng, ông đã bị áp lực phải bước lên phía trước và bị mắng mỏ trước mặt mẹ mình. Ông nói,
“Toàn những lời xấu xa, độc ác.”
Joe Nguyen
Joe Nguyen nói ông ấy cố gắng đồng cảm với những kinh nghiệm đau buồn sinh ra quan điểm của họ, nhưng không đồng ý với điều mà ông ấy coi đặc tính phân biệt chủng tộc đói với người da đen trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt đang thêm sức cho chủ nghĩa Trump.
Tuy nhiên, lời cáo buộc phân biệt chủng tộc củng cố sự ủng hộ của Dũng Nguyễn dành cho Trump và niềm tin của ông rằng một cuộc đàn áp ác độc đang diễn ra. Viên kỹ sư Boeing 62 tuổi đã nghỉ hưu cho biết ông ngại bày tỏ quan điểm của mình.
“Tôi cảm thấy rằng sự tự do của tôi đã bị lấy đi.”
Dũng Nguyễn
Ông ấy đã cố gắng để tự thoát bằng cách tham dự các cuộc biểu tình ủng hộ cảnh sát và hiện đang treo cờ Trump trên xe của mình. Vợ ông, bà Hương Nguyễn, cho biết vì sự ủng hộ tổng thống, bà đã mất đi một người bạn chân tình và không còn nói chuyện với một người em gái nữa.
“Bạn có thể bắt đầu nhìn thấy các điểm tương đồng chưa?”
Thai, Dân biểu tiểu bang và đồng chủ tịch quốc gia của ủy ban người Mỹ gốc Việt ủng hộ Biden, cũng dựa trên lịch sử nhưng xác định mối đe dọa đàn áp khác nhau. Là một đứa trẻ khi cha bà bị đưa đi trại cải tạo (nhà tù trong rừng) ở Việt Nam, nay đã 52 tuổi nói về những gì đã xảy ra khi một chế độ chính trị mới, xuất hiện sau chiến tranh.
“Thay vì dùng cơ hội đó để xoa dịu lo âu trong lòng mọi người, để cho mọi người có cơ hội sống trong hòa bình, chế độ mới đã chọn cách gây ra sợ hãi, gây ra sự không ổn định và tạo ra một môi trường mà người đối lập bị coi là kẻ thù của nhân dân.”
My-Linh Thai
Bà hỏi,
“Bạn có thể bắt đầu nhìn thấy các điểm tương đồng chưa?”
My-Linh Thai
Đó là cách Thái ám chỉ Trump, người đã gọi giới truyền thông là “kẻ thù của nhân dân.”
Thái đã không chọn một phe chính trị cho đến lúc gần đây; bà đã bỏ phiếu trong các cuộc tranh cử tổng thống cho cả đảng Cộng hòa (George H.W. Bush và George W. Bush) và đảng Dân chủ (Obama và Hillary Clinton).
Một bước ngoặt là cuộc tranh luận trong thời chính quyền Obama về những người trong chương trình DACA, đến Hoa Kỳ bất hợp pháp khi còn nhỏ và được tổng thống khi đó cấp cho tình trạng tạm trú, gần như hợp pháp. Trước đó, phe đối lập của Đảng Cộng hòa đã đánh bại một dự luật quốc hội nhằm cấp cho những người được gọi là “Những kẻ mộng mơ” một con đường dẫn đến thường trú nhân. Đã cố gắng học tiếng Anh để có thể vào đại học, vị dược sĩ ở Bellevue nói,
“Việc đó đã kéo tôi trở lại cái tuổi 15, lần đầu tiên tôi đến đất nước này. Tôi đã có một ước mơ cho mình.”
My-Linh Thai
Thái cho biết mối quan tâm của bà về những người trẻ như vậy đã khiến bà tranh cử, ban đầu, vào Hội đồng học chính ở Bellevue và sau đó là Quốc hội. Hiện đang tranh cử nhiệm kỳ thứ hai và bà ấy nói rằng đảng viên Đảng Dân chủ, hiện tại, phù hợp hơn với các giá trị của mình
Giống như Thái, Uyên Nguyễn, 45 tuổi, đồng chủ nhân một nhà hàng ở Seattle, Nue, nhận định vấn đề di cư trên phương diện cá nhân. Bà nói,
“Mẹ tôi thực sự đã chết trên biển, các anh chị em của tôi cũng vậy, họ chỉ muốn chúng tôi đến được đây.”
Uyên Nguyễn
Lúc đó mới 10 tuổi, cô nhìn thấy người thân chết sau khi hết thức ăn và tình trạng mất nước diễn ra. Uyên đã mất hai em, 8 tuổi và 1 tuổi rưỡi và đến Hoa Kỳ như một trẻ mồ côi cùng với một người anh trai. Cô chủ nhà hàng nói,
“Đất nước này là hiện thân của rất nhiều hy vọng và cơ hội. Và đột nhiên thấy rằng việc bị Tổng thống của chúng tôi chủ động trù dập thật là điều kinh khủng.”
Uyên Nguyễn
Vào tháng 10 năm ngoái, cô chỉ ra rằng, chính quyền Trump thực sự không nhận bất cứ người tị nạn nào vào Hoa Kỳ. Nỗ lực của tổng thống nhằm hạn chế người di cư hợp pháp và bất hợp pháp là một khía cạnh định hình thời gian tại vị của ông.
Uyên Nguyễn trở nên tích cực trong sinh hoạt chính trị khi ủng hộ Hillary Clinton trong cuộc vận động tranh cử tổng thống (2016) vừa qua. Bà cho biết, sau khi Trump đắc cử, Bác sĩ Tung Nguyen – anh của tác giả đoạt giải Pulitzer, Viet Thanh Nguyen – đã đề nghị bà tham gia một tổ chức mà ông đang thành lập để góp tiếng nói cho những người Mỹ gốc Việt tiến bộ. Bà đang phục vụ trong hội đồng quản trị của PIVOT, tổ chức đã sinh ra VietFactCheck.
Những người Mỹ gốc Việt ủng hộ Trump có khuynh hướng thấy sự khác biệt giữa họ và những người di cư đến đây bất hợp pháp. Nhưng tổng thống Mỹ cũng đang hạn chế việc nhận người tị nạn hợp pháp, Đỗ Nguyễn nói, à, “điều đó là không công bằng,” nhưng đó là điều mà ông nói rằng ông không thể kiểm soát được. Ông nói thêm,
“Có lẽ một cách ích kỷ, vì tôi không có mẹ, bố, anh, chị, em, bất kỳ người nào mà tôi cần có trong danh sách đó.”
Đỗ Nguyễn
Nhưng ông ấy nói ông ấy cảm thấy một Hoa Kỳ đang bị tổn thương cần phải chú ý vào những người “ngay tại đây, ngay bây giờ.”
© 2020 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Among Vietnamese American voters, the Trump-Biden presidential race inflames old wounds | Nina Shapiro | Seattle Times | 10/17/2020