Cuộc đấu tranh cho sức sống của sông Mekong
Brian Eyler, Alan Basist, Courtney Weatherby and Claude Williams | Trà Mi
Thực tế là cuộc sống ở sông Mekong phụ thuộc vào mạch nước lũ. Những nỗ lực để hạn chế mạch nước lũ nhân danh việc “kiểm soát ngập lụt” đang đe dọa sinh kế của hàng chục triệu nông dân và ngư dân ở hạ nguồn. Những người hưởng lợi duy nhất của những hạn chế đó là các giới khai thác đập và thị trường điện ở thượng nguồn Trung Hoa.
Vào tháng 6 năm nay, báo cáo thường niên về Nghề cá và Nuôi Thủy sản Thế giới của FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc) đã xếp lưu vực sông Mekong là nơi có sản lượng thủy sản nước ngọt cao nhất thế giới, chiếm hơn 15% sản lượng cá nước ngọt hàng năm đánh được trên toàn cầu. Trong khi đó, giới nghiên cứu của WWF (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên) ước tính rằng khoản đóng góp thực sự chiếm 1/4 sản lượng thủy sản nước ngọt khai thác trên thế giới. Nguồn thủy sản nội địa khổng lồ này rất quan trọng đối với an ninh lương thực của hàng chục triệu người sống ở Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, và được chu kỳ dòng chảy tự nhiên của sông Mekong thúc đẩy. Thông thường, sông Mekong chuyển đổi đúng như kim đồng hồ vào khoảng thời gian này trong năm, từ giai đoạn mùa khô với lưu lượng tương đối thấp sang giai đoạn mùa mưa dầm mang theo dòng nước lũ nuôi dưỡng toàn bộ lưu vực.
Mỗi năm, dòng nước lũ này đẩy nước từ sông Mekong lên một phụ lưu ở Phnom Penh, mở rộng hồ Tonle Sap ở Campuchia lên gấp 5 lần diện tích vào mùa khô. Hồ Tonle Sap là đặc điểm độc đáo nhất của sông Mekong và là nền tảng của ngành đánh cá phong phú trên sông. Sự mở rộng hàng năm của hồ và sự rút lại vào mùa khô sau đó hoạt động giống như một trái tim đang đập, tạo ra sản lượng đánh cá hàng năm 500.000 tấn trong hồ và đưa cá di cư đi khắp toàn bộ lưu vực sông Mekong. Nước lũ mùa mưa của sông Mekong cũng rất cần thiết cho nông nghiệp ven sông, hỗ trợ sinh kế của hàng triệu người sống dọc theo bờ sông và các phụ lưu của sông. Ở quy mô lớn hơn, con nước lũ đắp phù sa mầu mỡ trên khắp vùng ngập nước trên sông Mekong kéo dài từ Tây Bắc Campuchia đến Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Tuy nhiên, dòng chảy tự nhiên của sông Mekong và nhịp đập của hồ Tonle Sap đang bị phá hoại do những hạn chế về nước vào mùa mưa từ các đập ở Trung Hoa và ở các quốc gia hạ lưu sông Mekong. Khi lượng mưa trong mùa mưa thấp như hiện tại, những hạn chế về nước ở thượng nguồn làm suy yếu mạch sông Mekong nhiều hơn. Năm nay, lũ lụt hàng năm của sông Mekong lại một lần nữa bị chậm lại so với kế hoạch.
Đầu tháng Bẩy 2020 này, các nhà nghiên cứu từ các tổ chức nghiên cứu và hàn lâm nổi tiếng của Trung Hoa, gồm cả Đại học Thanh Hoa, đã đưa ra một nghiên cứu (sau đây gọi là nghiên cứu Thanh Hoa) cho rằng trong mùa mưa, các hạn chế do đập ở thượng nguồn của Trung Hoa có tác động tích cực đến sông Mekong. Nghiên cứu này và những kết quả tìm được của nó đã đóng góp một cách có giá trị vào diễn ngôn trước công luận; tuy nhiên, các tác giả của nghiên cức đó đã bỏ qua tầm quan trọng của dòng chảy tự nhiên của sông Mekong và cơ sở tài nguyên do dòng chảy tự nhiên đó tạo ra.
Nghiên cứu của Tsinghua được thực hiện để trả lời nghiên cứu Eyes on Earth (EoE) được công bố vào tháng 4 năm 2020, đã được Đối tác Cơ sở hạ tầng Bền vững (Sustainable Infrastructure Partnership) hỗ trợ, được thực hiện như một phần của Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Nghiên cứu EoE đã so sánh các phép đo thực tế của máy đo sông Mekong River Commission ở Chiang Saen, Thái Lan (máy đo gần Trung Hoa nhất) với mô hình dòng chảy tự nhiên của dòng sông lấy từ chỉ số độ ẩm dùng dữ liệu viễn thám để đo tất cả các dạng ẩm ướt gồm cả lượng mưa, tuyết tan, nước ngầm, bốc hơi và ngay cả sương. Nghiên cứu EoE cho thấy quy định về đập ở thượng nguồn của Trung Hoa đã làm thay đổi nghiêm trọng dòng chảy tự nhiên của sông và dẫn đến sự hạn chế nước rất lớn trong mùa mưa năm 2019 vào thời điểm các quốc gia ở hạ nguồn đang bị hạn hán do thời tiết. Trong điều kiện dòng chảy tự nhiên, có thể quan sát thấy nhịp nước lũ sông Mekong tại Chiang Saen, tuy nhiên, những hạn chế từ các đập ở thượng nguồn đã làm giảm nhịp nước đó. Nghiên cứu kết luận rằng hoạt động của 11 đập thượng nguồn của Trung Hoa đã làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán ở lưu vực hạ lưu bằng cách hạn chế dòng chảy tự nhiên từ Trung Hoa trong mùa mưa. Cuộc điều tra tiếp theo của chúng tôi đã xác định rằng hai đập lớn nhất ở Trung Hoa, Xiaowan và Nuozhadu, đã hạn chế khoảng 20 tỷ mét khối nước trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 11 năm 2019. Hình ảnh vệ tinh cho thấy các đập này ngày nay đã sẵn sàng lặp lại những hạn chế của năm ngoái .
Nghiên cứu của Tsinghua đã đưa ra các kết quả và kết luận phù hợp với nghiên cứu EoE. Cả hai nghiên cứu đều mô hình hóa dòng chảy của sông trong khoảng thời gian 10 năm từ 2010 đến 2019, cho thấy lượng nước xả ra từ các đập của Trung Hoa trong mùa khô và những hạn chế lớn về nước (so với dòng chảy tự nhiên) trong mùa mưa. Nghiên cứu của Tsinghua cũng xác định rằng các phép đo lượng mưa bằng viễn thám là một cách đáng tin cậy để xác định dòng chảy của sông, đặc biệt là trong trường hợp các tác giả gọi là mạng lưới quan sát bề mặt không thoả đáng bên trong Trung Hoa để theo dõi các điều kiện thượng nguồn trong mười năm qua. Bất chấp những bất cập được công nhận này, các tác giả đã sử dụng mạng lưới dữ liệu bề mặt bị giới hạn này để xác định rằng khu vực này đã bị hạn hán từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2019. Ngược lại, nghiên cứu EoE xác định có đủ nước ở phần thượng lưu sông Mekong của Trung Hoa từ tháng 6 đến cuối năm 2019 để tạo ra một mạch nước sông Mekong tại Chiang Saen.
Những phát giác này đã được chứng thực bằng dữ liệu viễn thám có sẵn từ Hệ thống Google’s Earth. (Hình của Google Earth Engine theo sau cho thấy thay đổi ở khu vực hồ Tonle Sap ở Campuchia và sông Cửu Long ở Việt Nam.)
Nghiên cứu của Tsinghua kết luận rằng lưu vực sông Mekong đang “trải qua tần suất hạn hán cao và tỷ lệ hạn hán xảy ra vào mùa khô cao hơn đáng kể so với trong mùa mưa”. Giả thiết chính của nó là “việc điều tiết các hồ chứa ở lưu vực sông Mekong có thể đóng một vai trò tích cực trong việc đối phó với hạn hán” và nó nhấn mạnh vai trò tích cực của các đập ở thượng nguồn của Trung Hoa bằng cách hạn chế hơn nữa lượng nước lớn trong mùa mưa và xả thêm nước. trong mùa khô.
Kinh nghiệm lịch sử của Trung Hoa với các dòng sông đã bi ảnh hưởng vì sự cần thiết phải khai thác và thuần hóa các dòng sông của Trung Hoa để ngăn chặn lũ lụt gây tai họa. Ví dụ, lũ lụt sông Dương Tử vào năm 1931 đã giết chết 3,7 triệu người và tài liệu cho thấy nhiều trường hợp lịch sử Trung Hoa, lũ lụt đã giết chết hơn một triệu người. Những thảm họa này đã thúc đẩy Trung Hoa xây dựng và kiểm soát gần như tất cả các con sông chảy tự do của họ. Trong suốt chiều dài lịch sử của Trung Hoa, những con sông được coi là hệ thống tự nhiên nguy hiểm và hoang dã cần được trấn áp hoặc thuần hóa để có thể mang lại hiệu quả cho nhân loại. Về cơ bản, Trung Hoa đang xuất cảng kinh nghiệm lịch sử này sang sông Mekong qua Cơ chế Hợp tác Mekong Lancang (LMC) và nghiên cứu giống như nghiên cứu của Tsinghua. Câu thần chú của LMC là đập và điều tiết sông là những gì cần thiết để kiểm soát nước lũ và giảm hạn hán một cách hiệu quả.
Đây là một diễn ngôn nguy hiểm cho một hệ thống sông trong đó chu trình dòng chảy tự nhiên làm cơ sở cho an ninh lương thực và kinh tế của Campuchia, Lào, Việt Nam và Thái Lan. Mekong là một hệ thống sông độc đáo khác biệt. Tài liệu lịch sử ở lưu vực sông Mekong cho thấy không có trường hợp lũ lụt nghiêm trọng nào giết chết hàng nghìn người, chứ chưa nói đến hàng triệu người. Một nghìn năm trước, Đế chế Khmer đã trỗi dậy theo chu kỳ lũ lụt hàng năm của sông Mekong và lượng lương thực mà nó sản xuất tại hồ Tonle Sap. Năng suất của Đồng bằng sông Cửu Long, một trong những vùng sản xuất lúa gạo và nông sản lớn của thế giới, phụ thuộc vào nước lũ sông Mekong. Lũ lụt khắc nghiệt như đã xảy ra vào tháng 8 năm 2019 ở đông bắc Thái Lan và nam Lào nhưng các cộng đồng lớn ở sông Mekong đã thích nghi được để hưởng lợi từ cơn lũ lụt này. Một nghiên cứu năm 2017 của Ủy ban sông Mekong ước tính rằng cơn lũ vào mùa mưa mang lại lợi ích kinh tế hàng năm từ 8 đến 10 tỷ USD trong khi gây ra thiệt hại ít hơn 70 triệu USD. Lợi ích của dòng chảy tự nhiên lớn hơn chi phí hơn 100 lần!
Kết luận của nghiên cứu Tsinghua, lập luận về việc chuyển đóng góp của Trung Hoa vào mùa mưa của dòng chảy Mekong sang mùa khô, dựa trên một tiền đề sai lầm (và vị kỷ). Thực tế là cuộc sống ở sông Mekong phụ thuộc vào mạch nước lũ. Những nỗ lực để hạn chế mạch nước lũ nhân danh việc “kiểm soát ngập lụt” đang đe dọa sinh kế của hàng chục triệu nông dân và ngư dân ở hạ nguồn. Những người hưởng lợi duy nhất của những hạn chế đó là các giới khai thác đập và thị trường điện ở thượng nguồn Trung Hoa.
Tác giả | Brian Eyler là giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson và Courtney Weatherby là Chuyên gia Phân tích Nghiên cứu của cùng chương trình. Alan Basist là Chủ tịch của Eyes on Earth. Claude Williams là Chủ tịch Ứng dụng Vệ tinh Môi trường Toàn cầu.
© 2020 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: The struggle for the soul of the Mekong River | Brian Eyler, Alan Basist, Courtney Weatherby and Claude Williams | The Bangkok Post | 31 JUL 2020