Tại sao Coronavirus lọt khỏi sự theo dõi của khoa học gia
Charles Schmidt | DCVOnline
Những nhóm khoa học gia được giao nhiệm vụ xác định những vi khuẩn dễ gây ra đại dịch đã bị trải quá mỏng
Vào năm 2009, chính phủ Hoa Kỳ đã mở một chương trình đi tìm các loại virus chưa biết có thể truyền từ động vật sang người và gây ra đại dịch. Dự án đó tên là PREDICT, được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAIS) tài trợ và nó đã làm việc với những nhóm ở 31 quốc gia, gồm cả Trung Hoa. Dụ án đó chỉ là một phần của mạng lưới toàn cầu mới hình thành để theo dõi bệnh truyền nhiễm.
Bất chấp mạng lưới này và những nỗ lực của hàng nghìn khoa học gia đang làm việc để ngăn chặn những đợt bùng phát dịch bệnh mới nguy hiểm, coronavirus gây ra đại dịch COVID-19 vẫn chưa được xác định khi nó đột nhiên xuất hiện trong một thế giới không được chuẩn bị vào cuối năm 2019. Tại sao loại virus này lại có thể thoát khỏi tầm quan sát của giới thám tử dịch bệnh luôn theo dõi đúng mối đe dọa này?
Các chuyên gia cho rằng giống như lưới đánh cá có nhiều lỗ, mạng lưới giám sát cũng có nhiều lỗ hổng, với quá ít tiền và nhân lực để có thể thực sự có hiệu quả. Michael Buchmeier, một chuyên gia virus học và là phó giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Virus tại Đại học California, Irvine, cho biết:
“Chúng ta đã ngừng giám sát quá lâu. Và như vậy, chúng ta đang tạo ra những điểm mù trong khả năng xác định và ngăn chặn các mối đe dọa về bệnh truyền nhiễm trên thế giới.”
Michael Buchmeier
Thật vậy, vào tháng 9 năm 2019, chỉ vài tháng trước khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, USAID tuyên bố sẽ ngừng tài trợ cho PREDICT. Cơ quan này tuyên bố họ có kế hoạch cho dự án tiếp theo, nhưng không cho biết thêm bất kỳ chi tiết bổ túc nào và nhiều người e ngại rằng như vậy sẽ làm mất động lượng quan trọng.
Ước tính có khoảng 600.000 loại virus chưa biết, và có thể nhiều hơn nữa, có khả năng truyền từ động vật sang người. Để tìm ra những vi khuẩn “lan ngoại giống” như vậy, giới nghiên cứu đi tìm kiếm những điểm nóng về dịch bệnh, nơi động vật hoang dã và con người sống chung đụng, chẳng hạn như khu rừng bị san bằng để phát triển hoặc ở khu nông nghiệp hoặc các chợ bán thịt rừng. Việc lấy mẫu có khuynh hướng tập trung vào các loài sinh vật có tải lượng virus cao, chẳng hạn như dơi, chuột và khỉ. Và giới khoa học thực nghiệm những cuộc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm để tìm xem liệu virus mới được phát giác có thể lây nhiễm sang tế bào của người hay không. Giới nghiên cứu cũng cố gắng xem xét các động lực sinh thái và xã hội khác nhau có thể khiến động vật hoang dã mang bệnh và con người xích lại gần nhau.
Giới nghiên cứu đã nhận thức rõ rằng một trong những coronavirus gây ra hội chứng hô hấp cấp tính (SARS) nghiêm trọng, có thể là mối đe dọa tái diễn. Tác nhân gây bệnh đó, SARS-CoV, lần đầu tiên xuất hiện ở Trung Hoa vào năm 2002 và lây lan sang gần 30 quốc gia trước khi dịch bệnh bùng phát vào năm sau đó. Vào năm 2007, các nhà nghiên cứu từ Đại học Hong Kong đã đăng tải một bài báo cho biết rằng sự hiện diện của nhiều loại virus giống SARS-CoV khác ở dơi đã khiến loại mầm bệnh này trở thành một “quả bom hẹn giờ”. Họ lưu ý rằng ở miền nam Trung Hoa có một nền văn hóa ăn thịt động vật lạ có thể lây nhiễm virus như vậy từ dơi, và tập quán đó giúp chúng dễ dàng nhảy sang người hơn. Một số nhóm nhà khoa học khác sau đó đã lặp lại nỗi sợ hãi của họ, và virus gây ra COVID-19 hóa ra rất giống với loại SARS năm 2002–2003 đến nỗi nó được đặt tên là SARS-CoV-2.
Kevin Olival là khoa học gia sinh thái về bệnh tại EcoHealth Alliance, một nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận ở Thành phố New York, là một phần của PREDICT. Ông nói rằng các nhà nghiên cứu EcoHealth và các đối tác của họ, gồm cả một nhóm tại Viện Virus học Vũ Hán ở Trung Hoa, đã xác định được nhiều coronavirus liên quan đến SARS ở dơi và đang theo dõi các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm trên một số loài trong số đó. Tuy nhiên, ông cho biết thêm, hiện chưa rõ việc SARS-CoV-2 lan tràn sang người xảy ra như thế nào và ở đâu. Ban đầu đã có nghi ngờ rằng đợt bùng phát ban đầu có thể bắt đầu tại Chợ Hải sản Huanan ở Vũ Hán, đã đóng cửa vào ngày 1 tháng 1. Olival nói, nhưng
“chúng tôi không biết liệu sự bùng phát có xảy ra bên ngoài chợ và sau đó bắt đầu lan rộng sau khi nó được đưa tới ở đó hay không.”
Kevin Olival
Họ cũng không rõ liệu có vật chủ trung gian giữa dơi mang bệnh và người hay không.
Nắm bắt rõ hơn về trao đổi giữa động vật và con người là việc rất quan trọng để dự đoán những tác động lan tỏa này. Theo Olival, điều cần thiết là kiến thức chi tiết về sinh thái địa phương, bản đồ phân bố các loài, hiểu biết về hành vi tương tác của con người với các loài khác và nhận thức về “các động lực kinh tế và văn hóa của việc buôn bán động vật”. Nếu những phân tích này nghe có vẻ phức tạp vì chúng thực sự như thế. Olival nói rằng những đánh giá như vậy cần rất nhiều nhà khoa học và cơ sở vật chất, cũng như việc huấn luyện và tiền bạc. Do đó, chúng chỉ được thực hiện tại một vài nơi trên khắp thế giới. Tuy nhiên, thông tin họ cung cấp rất cần thiết để bảo vệ cộng đồng địa phương. Ví dụ, các thị trường rủi ro cao nơi động vật hoang dã bị chặt và bán làm thực phẩm có thể bị đóng cửa. Hoặc mọi người có thể được cảnh cáo khi dơi mang virus sinh hoạt mạnh hơn xung quanh các nguồn thức ăn của con người, chẳng hạn như cây ăn quả, như vậy mỗi cá nhân có thể giảm thiểu việc tiếp xúc với động vật.
Rohit Chitale, một chuyên gia dịch tễ học tại Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng, cho biết sự bùng nổ của COVID-19 phản ảnh sự thất bại toàn cầu khi không đầu tư thích đáng cho công tác phòng ngừa. Chitale, người quản lý chương trình nỗ lực giám sát của DARPA, có tên là Ngăn chặn các mối đe dọa gây bệnh mới nổi (PREEMPT), cho rằng
“Có quá nhiều chú trọng vào việc điều trị các bệnh truyền nhiễm sau khi dịch bệnh xảy ra. Ngược lại, các nỗ lực phát giác sớm “được tài trợ rất ít.”
Rohit Chitale
Olival cho biết rằng PREDICT đã nhận được khoảng 200 triệu đô la trong vòng mười năm của dự án — một phần nhỏ trong số 2 nghìn tỷ đô la chi tiêu cứu trợ khẩn cấp được Quốc hội cho phép như một phản ứng đối với COVID-19 vào tuần trước.
Ông nói rằng USAID có thể khởi động một chương trình phát giác và ngăn chặn mới có tên là Stop Spillovers. Người phát ngôn của cơ quan, khi được yêu cầu bình luận, cho biết một dự án mới sẽ bắt đầu vào tháng 8, nhưng không đưa ra chi tiết về quy mô của dự án hoặc mức hỗ trợ tài chính. Olival nói, tuy nhiên, ngay cả khi một nỗ lực mới tiếp tục hoàn thành công việc của PREDICT, thì những khoảng trống về kinh phí đã dẫn đến “sự gián đoạn đáng tiếc trong tính liên tục” và làm gián đoạn công việc ở thực địa. Trong một bức thư cuối tháng 1 gửi USAID, các thượng nghị sĩ Angus King of Maine và Elizabeth Warren của Massachusetts yêu cầu được biết lý do tại sao PREDICT bị đóng cửa và bày tỏ lo ngại rằng ngay cả khi COVID-19 “đe dọa sức khỏe cộng đồng ở Hoa Kỳ và nước ngoài, các chương trình như PREDICT đang bị cắt giảm chứ không phải tăng cường”. King và Warren đã yêu cầu USAID có câu trả lời cho các câu hỏi của họ “không muộn hơn ngày 13 tháng 2”, nhưng kể từ ngày 1 tháng 4, USAID đã không trả lời. (Đại học California, Davis, một đối tác của PREDICT, cho biết vào cuối tháng 3 rằng chương trình đã được gia hạn khẩn cấp sáu tháng.)
Thomas Inglesby, gián đốc Trung tâm An ninh Y tế tại Trường Y tế Công cộng Bloomberg tại Johns Hopkins, nói rằng trong tương lai, những nỗ lực giám sát này cần được tích hợp tốt hơn với các nghiên cứu về bệnh nhân nhiễm bệnh tại các bệnh viện địa phương. Ông nói có quá nhiều người ở các điểm nóng về dịch bệnh được chẩn đoán mơ hồ và điều trị bằng kháng sinh băng rộng cho các bệnh nhiễm trùng
“có thể thực sự là các dạng hội chứng virus mới. Đồng thời với việc chúng tôi đang thu thập dữ liệu từ động vật, chúng tôi cần thêm dữ liệu về những gì thực sự khiến mọi người bị bệnh.”
Thomas Inglesby
Tuy nhiên, Inglesby lạc quan rằng vài năm tới sẽ mang đến một dòng tài nguyên mới, vì sự tàn phá đang diễn ra trước mắt chúng ta ngày nay. Ông nói:
“Chúng ta đang trải qua một cơn địa chấn. Các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học và các nhà tài trợ , tất cả sẽ nói về cách chúng ta có thể ngăn chặn điều này xảy ra lần nữa.”
Thomas Inglesby
Tác giả | Charles Schmidt là một nhà báo tự do ở Portland, Me., viết về sức khỏe và môi trường. Ông đã viết cho tờ Scientific American về các loại virus có thể lây nhiễm, vi khuẩn có hại và về các chất ô nhiễm nguy hiểm trong nước uống.
© 2020 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Why the Coronavirus Slipped Past Disease Detectives | Charles Schmidt | Scientific American Health & Medicine| Volume 2, Issue 2, April 3, 2020