Chúa và bầu cử
Trà Mi
Chúa không bao giờ xía vào chuyện của thế quyền. Quyền lực của ngài ở một phạm trù khác, thanh cao hơn và lớn hơn chuyện ở Washington, D.C., Ottawa, Paris, Brussels, Berlin, Bejing hay Moscow và ngay cả ở Vatican.
Thần quyền với thế quyền
Vừa nói chuyện đời thường với một anh bạn vong niên, cũng là một tín hữu ki-tô giáo thuần thành; về Chúa trong cuộc bầu cử 2020 ở Mỹ, anh nói,
– Chúa ban phước lành cho con chiên nhưng có điều kiện.
– Anh lại tếu táo rồi!
– Ơ hay, bạn hẳn đã nghe câu “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm” chứ? Đấy, Chúa chỉ đem bình an đến những người thiện tâm dưới trần thế.
– Thôi, nhờ anh tí! Có lẽ anh chỉ mượn lời chúc và thánh ca mùa Giáng sinh hay nghe ông MC tán phét trên Thúy Nga Paris.
Không phải là tín đồ của một tôn giáo nào nhưng tôi không tin vào cách giải thích của anh bạn vong niên và lời tán phét của ông MC .
Chẳng lẽ Chúa lại bắt khó bà con cô bác, phải có thiện tâm trước rồi ngài mới ban cho sự bằng an hay sao? Vẫn phải đi học vì còn cả một trời chưa biết!
Loay hoay, lôi sách ra đọc và tìm được một câu của thánh Luke trong cuốn số ba của Kinh Tân ước có vẻ giống như lời cầu chúc trong mùa Giáng sinh Việt Nam.
Nhưng Luke 2.14 (Lu-ca 2,14) được diễn giải hai cách không hoàn toàn giống nhau.
Theo bản King James thì đó là “Glory to God in the highest, and on earth peace, goodwill toward men. Luke 2.14” [Vinh danh Thiên Chúa trên trời, và bình an dưới thế, thiện chí (ý/tâm) với cả nhân loại, Lu-ca 2,14].
Nhưng theo bản Quốc tế mới (New International ) thì Luke 2.14 lại là “Glory to God in the highest heaven, and on earth peace to those on whom his favor rests.” [Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho những ai mà Chúa ưu ái. Lu-ca 2,14].
Rõ ràng có sự khác biệt so với lời chúc và cầu nguyện rất phổ thông trong mùa Giáng sinh. Theo bản King James thì Luke 2.14 là một câu vinh danh Chúa và chúc mừng cho cả loài người dưới thế, nội dung tích cực và phi điều kiện. Nhưng sang bản New International thì Luke 2.14 lại trở thành vinh danh Chúa và chúc lành cho người trần thế, nhưng không phải cho tất cả nhân loại, mà chỉ bằng an dưới thế cho những người chúa yêu mến, ưu ái.
Tiếp tục đi học, tôi đã tìm được một câu rất sát nghĩa với Lu-ca 2,14 bản King James ““Glory to God in the highest, and on earth peace, goodwill toward men.” [Vinh danh Thiên Chúa trên trời, và bình an dưới thế, thiện tâm với cả nhân loại.] Đó là hai câu đầu trong Kinh Vinh danh (Gloria in excelsis Deo) hay bài thánh ca Vinh danh bắt đầu bằng những lời mà các thiên sứ đã hát khi thông báo sự ra đời của Đấng Ki-tô cho những người chăn cừu, trong Lu-ca 2,14
“Gloria in excelsis Deo
et in terra pax hominibus bonae voluntatis”
hay
“Glory to God in the highest
and on earth peace, goodwill toward men.”
Gloria in excelsis Deo
Nhưng trong bản Việt ngữ vẫn dịch là “[chủ tế]|Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, [cộng đoàn] và bình an dưới thế cho người thiện tâm.”
Rõ ràng có vấn đề dịch thuật Việt ngữ ở đây. Trong bản tiếng Latin và tiếng Anh không có giới từ “cho” trước túc từ “người thiện tâm” mà chỉ có danh từ kép “thiện tâm” đi trước giới từ “đối với” và túc từ “nhân loại”.
Vậy tình yêu của Chúa là vô điều kiện hay có điều kiện?
Tình yêu có điều kiện hoặc tình yêu vô điều kiện là một thuật ngữ tâm lý nhân bản và không thực sự có trong Kinh thánh. Tình yêu của Chúa diễn đạt trong Kinh Thánh, là vĩnh cửu (Thi thiên/Psalm 136), hoàn hảo (1 Giăng/1 John 4: 16-18), không bao giờ phai nhạt (Thi thiên/ Psalm 33: 5, 143: 8, Exodus 15:13) và vô hạn (Ê-phê-sô/ Ephesians 3: 16-19). Tuy nhiên, tình yêu của Chúa thường được mô tả là vô điều kiện vì sâu thẳm trong tâm hồn, nhân loại khao khát được yêu thương và chấp nhận mà không có điều kiện hoặc có sự dè dặt nào cả. Tình yêu và sự chấp nhận như vậy chỉ có thể được Chúa ban cho.
Tuy nhiên, theo một cách diễn giải lời thánh Luke (bản King James) lặp lại ở Kinh Vinh danh, rõ ràng là Chúa không buộc ai phải thiện tâm trước khi ban bằng an cho người dưới thế.
Như thế, với Luke 2.14 bản Quốc tế mới, ai là người được chúa ưu ái?
Chắc chắn người Chúa yêu mến không thể là cái ngữ đi bóp l_ _ phụ nữ, độc đoán, mị dân, bất trung với vợ bất tín với người cộng sự, tham phú phụ bần, khinh đàn bà, tách trời trẻ thơ với cha mẹ, kỳ thị người thiểu số, hiếp đáp đồng minh, đâm cha, chém chú, hiếp chị dâu, v.v.
Trung ngôn thường nghịch nhĩ; các bác trong Diễn Đàn Giáo Dân và VietCatholic, ở Bolsa, ở Belaire thông cảm cho. Những loại người vừa kể ở trên ắt rất khó có thể là người được Chúa ưu ái và mà ban bình an cho được. Có tập hợp đọc kinh râm ran cầu xin Chúa từ đây cho đến ngày 6/1/2020 cũng không thay đổi được kết quả bầu cử. Cử tri Mỹ đã lựa chọn, và họ đã chọn một cách dứt khoát.
Tôi tin chắc rằng Chúa không bao giờ xía vào chuyện của thế quyền. Quyền lực của ngài ở một phạm trù khác, thanh cao hơn và lớn hơn chuyện ở Washington, D.C., Ottawa, Paris, Brussels, Berlin, Beijing hay Moscow và ngay cả ở Vatican.
12 tháng 11, 2020
Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế, thương người trần gian
© 2020 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: DCVOnline minh họa