Giới thiệu cuốn sách “Trắng Trên Đen”

Vũ Thư Hiên

Chuyện cũ rồi.

Nhưng trong cuộc đời có biết bao nhiêu tam giác đồng dạng chỉ khác nhau bởi kích cỡ. Hoặc bởi sự sắp đặt ngược xuôi để đánh lừa con mắt.

Vì thế, với bạn, nó hoàn toàn có thể là chuyện cũ người mới ta.

Giới thiệu cuốn sách không nên bỏ qua:
TRẮNG TRÊN ĐEN

Tôi dịch “Trắng Trên Đen” hoàn toàn tình cờ. Đã nhiều năm tôi không làm việc ấy. Đùng một cái, tôi nhận được cuốn “Trắng Trên Đen” do Anatoli Sokolov từ Moskva gửi cho, gửi tay chứ không gửi bưu điện, vì gửi bưu điện rất dễ mất. Kẹp vào trang đầu của cuốn sách mỏng là một lời nhắn: “Một cuốn sách rất tốt cho những người cho đến nay vẫn còn chưa biết mình ở đâu. Tại sao anh không dịch cho đồng bào anh đọc nhỉ?”

“Trắng Trên Đen” Của tác giả Rubén David González Gallego (sinh năm 1968) sinh ra tại Moscow, Liên Xô, mắc chứng bại não nặng. Nguồn: https://alchetron.com/

Sokolov là một học giả quen thuộc với giới nghiên cứu lịch sử và văn học ở Việt Nam. Anh học tiếng Việt từ khi còn trẻ, để rồi mắc bệnh yêu Việt Nam, bệnh kinh niên, chữa không được. Anh nghiên cứu văn học Việt Nam, lịch sử cận đại Việt Nam đến mức nhiều người Việt Nam phải xin tài liệu của anh. Anh ca ngợi Việt Nam, anh bênh vực Việt Nam bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Thấy anh như vậy những người hào hứng gắn mình và cái ghế của mình tưởng anh yêu cả cái thể chế của họ. Nhưng thích “Trắng Trên Đen” đến mức khuyến dụ tôi dịch nó cho độc giả Việt Nam được đọc, Sokolov không phải là người như họ tưởng.

Tôi nghe lời Sokolov. Tôi đọc “Trắng Trên Đen”. Đọc một mạch. Nếu một cuốn sách bắt ta đọc nó không ngừng, cho đến trang cuối, thì thường là sách hay, kinh nghiệm mách bảo tôi thế. “Trắng Trên Đen” là một cuốn sách hay thật. Nó không phải là một áng văn chương hiện đại, được hiểu như một sự õng ẹo trong bút pháp, mà là sự chia sẻ những suy ngẫm về sự đời của tác giả với người đọc. Cả cuốn sách là một câu chuyện buồn, hoặc hơi buồn, hoặc quá buồn, tuỳ theo cách đánh giá, tuỳ tâm trạng người đọc. Nó là chuyện về số phận những con dân nhỏ bé, vì nhỏ bé mà bất hạnh, trong một quốc gia vĩ đại. Những chuyện xảy ra ở quốc gia vĩ đại ấy, và ở những quốc gia giống nó, theo mô hình của nó, cái quốc gia một thời hùng mạnh, một thời bại vong ấy nhiều người đã biết nó là thế nào. Sách viết về những gì xảy ra ở các quốc gia đã chết trước kia gợi trí tò mò của độc giả giờ nằm trong các kho chứa hàng ế, thỉnh thoảng mới được lôi ra phơi, bán hạ giá. Nhân loại coi mấy thứ đó là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Cho dù cho đến nay thỉnh thoảng trên tivi của vài  nước lẻ tẻ vẫn còn chiếu hình những “lãnh tụ vĩ đại” hoặc “muôn vàn kính yêu”, bét ra cũng là “anh minh rất mực” may mắn sống sót. Xem những cảnh đó khán giả ngáp dài, tựa hồ gặp lại những bóng ma ngớ ngẩn không còn doạ nạt được ai .

“Trắng Trên Đen” là truyện tự sự. Không phải tiểu thuyết. Không phải ký. Nó là chuyện phiêu lưu của một đứa bé ra đời năm 1968 tại một bệnh viện sang nhất Liên Xô nằm trong khuôn viên điện Kremlin. Bệnh viện này lớn, với trang bị tối tân, đặc biệt dành cho những lãnh tụ lớn, hoặc chưa được lớn cho lắm, hoặc đang xếp hàng chờ  được trở thành lớn, và chư vị khách quý của họ từ bốn phương trời.

Lãnh đạo của đảng cộng sản Tây Ban Nha  (PCE), Ignacio Gallego, trong một cuộc biểu tình ở Don Benito, ngay sau khi lưu vong trở về nước năm 1976. Nguồn:  cachos de vida

Không phải ai cũng có hân hạnh được ra đời ở bệnh viện ấy. Được ra đời ở đó đứa bé thế là có phúc. Nó được hưởng phúc lớn ấy bởi nó là cháu ngoại của tổng bí thư đảng cộng sản Tây Ban Nha Ignacio Gallego. Chẳng những có phúc được ra đời ở bệnh viện sang trọng, nó lại có thêm một phúc nữa là trong hai đứa sinh đôi, nó là đứa sống sót. Nhưng nó lại là đứa vô phúc, bởi khi ra đời nó đã mang dị tật não.

Người ta nói với mẹ nó là nó đã chết.

Nhưng đứa bé không chết. Nó được bí mật mang đến những bệnh viện đặc biệt, những nhà trẻ đặc biệt, được nuôi dưỡng và chữa chạy, được đi học ở trường dành cho trẻ tật nguyền, theo đúng Hiến pháp của quốc gia xã hội chủ nghĩa nhân bản. Người mẹ chỉ được biết con mình còn sống sau 30 năm, nhờ một ngẫu nhiên của số phận. Người ông thì hoàn toàn không biết đến sự tồn tại của cháu. Tác giả không nhắc đến người cha – một người Venezuela gốc Ấn. Ông này dường như đã rời khỏi Liên Xô khi đứa con bất hạnh được báo là đã chết, nếu tin ở một bài viết về cuộc đời tác giả.

Như vậy, đứa bé sống như một sinh vật từ trên trời rơi xuống, từ dưới đất chui lên. Nó thậm chí không được sống như một sinh vật bị bỏ quên. Để có thể quên nó, người ta phải biết đến sự tồn tại của nó trước đã. Nó sống. tứ cố vô thân, trên không chằng dưới không rễ, không ai biết, chẳng ai dính dáng, cứ thế phiêu lãng trong cuộc đời vô định. Nó sống, không quá khứ, không tương lai, trong cảnh bèo dạt mây trôi. Điều duy nhất mà nó biết chắc là đến khi nó trưởng thành thì vào một ngày nào đó nó sẽ được đưa đến “nhà già”, được đặt vào một phòng không người chăm sóc, để sống thêm có thể một tháng, một tuần, mà cũng có thể vài ngày. Rồi chết.

Mọi cái đều có kế hoạch, đều đúng đắn. Một bộ máy được thiết kế hoàn hảo, vận hành tốt.

Đứa bé ấy ghi lại tất cả những gì nó nếm trải. Chẳng hạn, như thế này:

“Thầy hiệu trưởng bực bội rít thuốc, tiếp tục câu chuyện bỏ dở bằng giọng công việc.

– Dù sao thì đồng chí cũng nhận chứ? Này, cần lắm đấy.

– Đừng có vật nài. Đồng chí phải hiểu cho chúng tôi chứ. Nó năm nay mới mười sáu. Phải không nào?

– Mười lăm – tôi máy móc chữa lại.

– Ừ thì mười lăm – người đàn ông đồng ý – Một tháng nữa nó mới chết, chậm lắm là hai. Tôi chỉ có quyền chôn người không dưới mười tám tuổi. Đây là nhà già, đồng chí hiểu chửa? Thử hỏi tôi sẽ bỏ nó vào đâu trong hai năm ấy? Tất cả tủ lạnh đều hỏng hết rồi. Hỏng, đồng chí hiểu không? Đồng chí hãy nhớ lại, hãy nhớ lại đi, năm ngoái đồng chí đã trả lời tôi thế nào khi tôi nhờ đồng chí giúp đỡ về vụ tủ lạnh? Nhớ ra rồi hử? Thế thì đừng xin xỏ nữa, vô ích. Cứ đưa nó đến nhà trẻ thiểu năng não, ở đấy người ta có quyền chôn cả trẻ sơ sinh.”

Tức là, nó đã bước qua cái huyệt được đào sẵn cho nó. Nó cũng không phải kẻ bất hạnh, chiếu theo chân lý: “Đào đâu ra những kẻ bất hạnh trong một đất nước hạnh phúc nhất thế giới cơ chứ?” Vậy nó là người hạnh phúc chăng? Nó chỉ là người ngẫu nhiên ra đời một cách không đúng đắn trên mảnh đất đúng đắn. Nó nhìn thấy cái đó rất rõ.

“Tôi nghe những động từ không đúng đắn của cái tiếng Anh không đúng đắn. Người đọc chúng là một phát thanh viên không đúng đắn của nước Mỹ không đúng đắn. Là một con người không đúng đắn trong một thế giới đúng đắn từ trong ra ngoài, tôi cần mẫn học tiếng Anh. Tôi học là học thế thôi, học chỉ cốt để khỏi phát điên, để khỏi trở thành đúng đắn”.

Có những cái đúng đắn đáng sợ đến thế đấy.

Đứa bé ấy sau này trở thành nhà văn, tác giả cuốn sách bạn đang cầm trong tay – Ruben David Gonzalez-Gallego.

Ruben David Gonzalez-Gallego bên ngoài nhà của ông. Ảnh: Ilan Assayag.

Vượt qua số phận nghiệt ngã, bằng ý chí kháng cự không thể bẻ gãy, nó đã sống, trở thành nhà văn, để có lúc tặng lại cho đời một kinh nghiệm sống, có thể chỉ của riêng nó, mà cũng có thể, biết đâu đấy, là cái đáng để cho nhiều người suy ngẫm.

Ruben viết về mình và các bạn cùng thế hệ và cảnh ngộ ở trong cái đất nước hạnh phúc nhất thế giới:

“Là những đứa trẻ vui tươi, tốt bụng, thông minh, chúng tôi muốn sống, chúng tôi rất muốn sống. Trong chúng tôi có những nhà vật lý, hoá học, sinh vật học, và có thể cả những nhà thơ tương lai. Chúng tôi đã không bị giết sạch. Người ta đã không giết tôi đến cùng.”

Là một đứa bé, Ruben không có lựa chọn. Những đứa bé không có quyền lựa chọn. Chỉ những người lớn, và là những người may mắn lắm, hoặc quả cảm lắm, mới có quyền đó. Nó chỉ đơn giản sống, chịu đựng hoặc hưởng cái mà cuộc đời cho nó. Nó quyết định tặng lại cho cuộc đời cái mà nó có thể tặng.

Ruben viết bằng một ngón tay gõ trên bàn phím máy tính, chẳng bao giờ ngờ rằng tối ngày 4 tháng 12 năm 2003, tại khách sạn Moscow Golden Ring Hotel, Giải thưởng Booker–Open Russia hàng năm cho tác phẩm viết bằng tiếng Nga hay nhất trong năm đã được long trọng trao cho mình. Sách viết bằng tiếng Nga, vì một lẽ đơn giản: Ruben David Gonzalez–Gallego mang cái tên Tây Ban Nha nhưng lại không biết tiếng Tây Ban Nha.

Cuốn sách viết về một chuyện cũ mà trong thời hiện tại người ta không còn muốn đọc bỗng trở thành best-seller (sách bán chạy nhất) không phải chỉ ở Nga. Nó được dịch ra nhiều thứ tiếng, và cũng là best–seller ở nơi nào nó được phát hành.

Những nhà văn đã đọc “Trắng Trên Đen” đều nhất trí về nguyên nhân thành công của cuốn sách. Ấy là trải qua tất cả những đau khổ không thể tưởng tượng nổi trong cuộc đời, tác giả vẫn giữ được nguyên vẹn tình thương yêu đối với con người. Là nhà văn, anh ta còn có cách nào khác? Không thương yêu con người, không ca ngợi lòng tốt, sự chân thành trong tình thương giữa con người với con người thì anh còn làm nhà văn được chăng? Với Ruben David Gonzalez–Gallego, hoặc với bất cứ nhà văn nào, cái đó vừa là điểm son, vừa là nghiệp chướng, không chạy đâu cho thoát.

Tôi tặng bản dịch này cho những ai còn khả năng thông cảm với nỗi đau của đồng loại. Và cho cả những người hạnh phúc đến tê liệt cảm giác, không còn biết nỗi đau của chính mình.

Tôi dịch nhanh để bạn đọc. Nếu có sai chắc không sai bao nhiêu. Nếu có lỗi chắc không phải là lỗi nặng. Mục đích của tôi là chuyển đến bạn những điều Ruben muốn nói với bạn. Trong chừng mực ấy, tôi nghĩ tôi làm được cái tôi muốn làm.

Chuyện cũ rồi.

Nhưng trong cuộc đời có biết bao nhiêu tam giác đồng dạng chỉ khác nhau bởi kích cỡ. Hoặc bởi sự sắp đặt ngược xuôi để đánh lừa con mắt.

Vì thế, với bạn, nó hoàn toàn có thể là chuyện cũ người mới ta.

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Vũ Thư Hiên,  “Giới thiệu cuốn sách không nên bỏ qua: TRẮNG TRÊN ĐEN”, Facebook, 16 November, 2020. DCVOnline minh họa, đề tựa ngoài.

PDF Trang Trên Đen – Ruben David Gonzalez Gallego (1.17 MB)