Trò chuyện với Minh Võ (Kết)
Mộc Lan
Theo ý kiến của tôi, chỉ khi nào chúng ta tự xét mình và tìm ra khuyết điểm của phe quốc gia trong quá khứ thì mới mong lớp trẻ tìm ra đúng phương lược thích hợp để dành lại phần thắng trong tương lai, khi cơ hội tới. Còn nếu tự mình không có thực lực, không thống nhất được tổ chức, thì những tổ chức phi quốc gia, hay các đại cường có giúp chúng ta cũng chỉ là tạm bợ và không mang lại kết quả thực tiễn.
Minh Võ, 2010
ML: Trong khi anh ở bên Anh thì ở nhà xảy ra nhiều biến cố. Thế khi về, chỗ anh làm có gì xáo trộn không?
MV: Cũng như nhiều cơ sở khác, trưởng cớ quan đều bị thanh trừng. Anh Hà Thượng Nhân là người đưa tôi về đài không còn ở đó nữa. Mặc dù anh không phải Cần Lao, Thiên chúa giáo hay người miền Trung. Anh chỉ có tội phục vụ chế độ một cách đắc lực và rất được lòng văn nghệ sĩ. Hơn nưa anh từng là đồng chí của nguyên bộ trưởng Quốc Phòng Lê Ngọc Chấn (VNQDĐ). Vì thế tôi cũng sợ khi về sẽ không còn được làm việc ở đài nữa.
Nhưng lúc ấy 4 tướng lãnh chính trong đảo chính đã bị giam ở Đà Lạt rồi. Hơn nữa ông giám đốc mới, nhà văn Thái Văn Kiểm, thấy tôi trình lên bản báo cáo thành tích học tập năm chục trang, trong đó tôi ghi lại tất cả những gì tôi quan sát được tại đài BBC, không những chỉ liên quan đến phạm vi tu nghiệp của tôi về phần biên tập, sản xuất, thuộc ban Việt ngữ của đài, mà còn về các mặt quản trị, hành chánh, kỹ thuật, và cả về truyền hình, v.v…Vì khi tôi tới Luân Đôn thì chính giám đốc Á châu Sự vụ có mời tôi ăn trưa, rồi dẫn tôi tới ra mắt Tổng Giám đốc.
Ông này nghe tội trình bày nguyện vọng được học tập và quan sát càng nhiều càng tôt các cơ sở của đại công ty BBC rải rác trên khắp nước Anh, gồm khoảng 26 ngàn nhân viên, thì ông đã cho tôi tự thảo ra một chương trình để các huấn luyện viên theo đó mà thoả mãn yêu cầu của tôi, được chừng nào hay chừng đó. Những bản báo cáo của tôi kéo sự chú ý và quan tâm của tân giám đốc Thái Văn Kiểm. Không biết có phải vì thế không mà tôi vẫn được ở lại đài phát thanh, không bị trả về bộ Quốc phòng như anh Hà Thượng Nhân và mấy quân nhân biệt phái khác.
ML: Một cuốn sách vạch trần âm mưu thủ đoạn của cộng sản như cuốn Sách Lược mà lại do chính người bản xứ viết chẳng lẽ người Mỹ không để ý hay sao?
MV: Tôi thật sự không biết toà Đại sứ Mỹ có quan tâm tới cuốn sách hay không. Nhưng sau 7 tháng tu nghiệp trở về, anh Lam Giang Nguyễn Quang Trứ, nhân viên phòng Bình Luận, (nay hãy còn sống ở VN, đã trên 90 rồi) “mách” với tôi rằng “Thời gian anh đi vắng, đài VOA của Mỹ đã lấy sách anh ra đọc cả tháng. Anh sang phòng Thông Tin Mỹ đòi tiền tác quyền đi.”
Tôi đang cần tiền nên đi liền. Tôi sang gặp anh Từ Ngọc Bích hỏi rõ thực hư. Anh Bích dẫn tôi vào găp ông Thomas, đặc trách đại diện của VOA. Ông này phân bua:
“Chúng tôi không có ý vi phạm tác quyền đâu. Vì tìm không được tác giả, nên chúng tôi đã tìm gặp nhà xuất bản, thì người ta dẫn đến giám đốc nhà in đã in sách của ông. Ông ầy bảo, các ông cứ tùy nghi khai thác, tác giả là học trò cũ của tôi, không phản đối đâu. Vì vậy tôi xin lỗi là mọi sự đã lỡ như thế. Nhưng nếu ông đồng ý thì tôi xin đề nghị có một giải pháp bù đắp cho ông là chúng tôi mời ông cộng tác dài hạn như các ông Vương Hồng Sển, Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Đức Quỳnh. Tôi sẽ mở một mục mới mời ông viết. Tuần sau mời ông trở lại, chúng ta sẽ quyết định về chi tiết.”
Thomas, đặc trách đại diện của VOA
Thế là tôi bắt đầu viết cho đài VOA với tư cách là chủ biên của một chương trình mới được lập ra vì tôi mang tên là Viễn Ảnh Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Mỗi tuần tôi viết một bài 10 phút, tiền nhuận bút mỗi bài một ngàn. Tôi viết trong 7 năm tổng cộng 360 bài. Như vậy VOA đã trả cho tôi 360.000 Đồng VN, vào khoảng 6.000 MK lúc ấy. Mấy con số này tôi không còn nhớ chắc lắm.
ML: Anh có lưu lại mấy bài đã viết cho chương trình đó không?
MV: Có. Tôi cũng dự tính sẽ xuất bản nếu có phương tiện. Nhưng chưa có thì giờ san định lại và nhuận sắc theo ý muốn thì 30 tháng 4 ập tới. Mọi thứ tiêu tùng! Chẳng những thế, những giấc mơ đẹp thời niên thiếu đã biến thành ác mộng.
ML: Nhưng may sao vẫn còn cuốn SLXLCCS?
MV: Không còn đâu ML ơi. Sau 10 năm tù cải tạo, tôi cố tìm lại nó trong các tiệm sách cũ nhưng chẳng được. Nhưng may thay, khi ra đến hải ngoại cuối năm 1991 thì được biết nó hãy còn nằm ở mấy thư viện lớn như Thư Viện Quốc Hội, thư viện đại học Cornell ở New York,…
ML: Bây giờ đọc cuốn sách đó ML vẫn thấy rất hay. Nhưng hấp dẫn nhất là chương cuối cùng: “Khuyết điểm nằm trong ưu điểm” – Để ML tóm tắt nhé.
Ưu điểm của Cộng Sản:
– Biết lợi dụng chủ nghĩa Mác xít làm nền tảng cho một cuộc đấu tranh chính tri.
– Chịu khó nghiên cứu tâm lý quần chúng.
– Quyết tâm trong mục đích cuối cùng đi đôi với sách lược mềm dẽo, tùy cơ ứng biến, hư hư thực thực.
– Biết đặt vấn đề thành một nguyên tắc chỉ đạo, bắt mọi nơi, mọi cấp học tập và áp dụng đến nơi đến chốn, khiến cho sự chỉ huy được thống nhất.
– Cố gắng học tập lý thuyết và rút kinh nghiệm trong thực tế.
Nhưng Cộng Sản cũng có những khuyết điểm:
– Chối bỏ các yếu tố tinh thần, linh thiêng; chỉ lợi dụng những yếu tố tinh thần trên đây một cách nhất thời để vụ lợi mà thôi. Chính vì vậy mà không bao giờ thoả mãn được những khát vọng chính đáng của con người, không bao giờ giữ vững được niềm tin.
– Chỉ nhìn thấy trong muôn vật cũng như trong xã hội yếu tố mâu thuẩn mà không nhìn thấy yếu tố tương liên, kết hợp, gắn bó với nhau.
– Trong lý thuyết cũng như thực hành Cộng Sản không tin ở một nguyên lý nào vĩnh cửu. Tuy nhiên con người vẫn có khát vọng vào sự trường cửu.
– Sự kiểm soát một cách máy móc và quá gắt gao làm cho con người càng ngày càng hèn đi, không còn ý thức được nhiệm vụ, mất hẳn lương tâm. Thế nhưng con người không thể tiến hoá theo chiều hướng thấp hèn đó được. Và những yếu tố căn bản tự nhiên trong con người sẽ luôn luôn cố gắng vùng lên để vươn tới một thứ gì cao đẹp hơn.
– Chính sách mị dân, che giấu sự thật và bóp méo sự thật. Nhưng dân chúng vẫn thường nhớ dai để kiểm điểm xem những lời hứa có được thực hiện không, và nếu họ nhận ra rằng họ bị lừa, thì sự tín nhiệm ở các lần sau sẽ suy giảm.
Sau 35 năm, những khuyết điểm của Cộng Sản đã bộc lộ ra hết cả. Nhưng vào lúc viết những dòng chữ đó, khi chủ nghĩa Cộng Sản vẫn còn sung mãn lắm, anh Minh có e ngại mình “chê” cộng sản không đúng?
MV: Tôi tin vào cái óc suy luận vừa toán học vừa biện chứng của tôi. Trong sách tôi cũng đã trưng dẫn lời của một người đi trước, tiên đoán rằng khi CS tràn lan ra khắp nơi thì nó sẽ biến tan đi. Điều này đã đúng khi Đông Âu sụp đổ và Liên Xô tan rã. Ngày nay chủ nghĩa Cộng Sản cũng chỉ vỏn vẹn trong vài nước còn lại và tất cả coi như đã đầu hàng khi cho áp dụng kinh tế thị trường của các nước tư bản
ML: Một chế độ cực kỳ vô lý như thế làm sao có thể tồn tại mãi, nhất là trong thời đại ngày nay? ML nghĩ anh nên viết tiếp cho cuốn Sách Lược này đi. Giống như nhà văn Alexandre Dumas ấy. Dumas có “Hai mươi năm sau”, thì Minh Võ cũng có “Ba mươi lăm năm sau”.
MV: ML không nên khuyên tôi bắt chước Dumas cha, tác giả kiệt tác “Ba người ngự lâm pháo thủ”. Dumas cha viết tác phẩm trứ danh này lúc 42 tuổi, và cuốn “Hai Mươi Năm” sau ở tuổi 62, Tôi viết SLXLCCS lúc 33 tuổi và nay đã gần 83 tuổi rồi. Trước khi bị giải phẫu động mạch cổ đầu tháng 10-2008, tôi đã đề tặng anh Trần Phong Vũ cuốn “Ngô Đình Diệm và Chính Nghĩa Dân Tộc” với hàng chữ “cuốn sách cuối cùng của Minh Võ.” Vì lúc ấy tôi đã cảm thấy mình không còn sức viết thêm nữa. Vả lại tôi làm sao dám sánh với nhà văn trứ danh của Pháp.
ML: Càng nói chuyện, ML càng muốn hỏi thêm nữa, nhất là về 6 tác phẩm mà MV đã viết từ khi sang Mỹ. Nhưng ML xin tạm dừng ở đây. Khi khác, anh Minh cho phép ML được làm phiền thêm nha?
Câu hỏi chót: Như một tác giả thường xuyên có mặt trên DCOnline, được bạn đọc chiếu cố rất nhiều – có khi còn… “chiếu tướng” nữa, anh Minh có điều gì muốn chia xẻ với mọi người không?
MV: Xin cám ơn Mộc Lan đã gián tiếp giúp tôi giới thiệu một cuốn sách cũ của tôi. Và cám ơn bạn đọc đã theo rõi câu chuyện của chúng tôi, nhất là các bạn trẻ, lớp tuổi của Mộc Lan, hay trẻ hơn nữa.
Tôi ước mong rằng giới trẻ, không nếm mùi chiến tranh hay không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến sẽ có đủ bình tĩnh để tìm ra (qua lịch sử và những tài liệu xác thực, khách quan) lý do thực sự về sự mất nước năm 1975. Có phải cha ông chúng ta trong những thập niên 20, 30 thế kỷ trước đã vì không hiểu rõ Cộng Sản, và không biết rõ về con người Hồ Chí Minh lúc ấy còn mang tên Nguyễn Ái Quốc, cho nên đã bằng cách này hay cách khác giúp ông ta tự tạo được cái hào quang chiến thắng trong cách mạng tháng 8 (1945), để rồi được các nhà báo, sử gia thế giới nhận định (dù rất sai lầm và bất công), rằng phe CS mới có chính nghĩa, còn phe quốc gia chỉ là Việt gian, tay sai của các đế quốc Pháp, Mỹ. Và còn nhiều câu hỏi khác loại đó chưa được trả lời một cách chính xác. Ví dụ, có phải cha ông và đàn anh của các bạn đã không biết mình, biết địch, hay quá khinh định hay sợ địch, v.v…
Theo ý kiến của tôi, chỉ khi nào chúng ta tự xét mình và tìm ra khuyết điểm của phe quốc gia trong quá khứ thì mới mong lớp trẻ tìm ra đúng phương lược thích hợp để dành lại phần thắng trong tương lai, khi cơ hội tới. Còn nếu tự mình không có thực lực, không thống nhất được tổ chức, thì những tổ chức phi quốc gia, hay các đại cường có giúp chúng ta cũng chỉ là tạm bợ và không mang lại kết quả thực tiễn.
Rất mong các bạn sẽ thành công. Lớp già cỡ tuổi chúng tôi đã cố gắng suốt 35 năm qua, nhưng xem ra chưa có hy vọng gì, vì mỗi người một ý, mỗi đoàn thể đảng phái một chiến lược không sao tập họp được một tổ chức thống nhất hầu có thể đối phó với vấn đề đất nước càng ngày càng trở nên nguy cấp.
Nếu bạn đọc cho là tôi quá bi quan, thì xin hãy tha thứ cho tôi.
***
Cuộc trò chuyện của Minh Võ kéo dài nhiều tuần lễ vì mỗi tuần ông chỉ có thể nói trong khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Có nhiều ngày tôi đã không thể viết nổi một chữ vì đầu óc nghẹn ứ những hình ảnh tàn khốc của một thời máu lửa. Biết bao người tuổi trẻ như Vũ Đức Minh, cả miền Nam lẫn miền Bắc, đã miệt mài cố gắng không phải 35 năm mà 65 năm qua để được gì hôm nay?
Rồi bây giờ, tít ở một vùng trời xa Việt Nam, tôi dường như đang bước vào một trận chiến khác, tập tễnh học những điều cha anh trao lại, nhưng vẫn mơ hồ, không biết rồi mình sẽ làm gì với những kiến thức đó.
Những người như Minh Võ, cố công làm sáng tỏ một thời u tối với tất cả thành tâm và trí tuệ, xin nhận nơi đây lời cảm ơn chân thật của kẻ sinh sau nhưng sẽ vẫn đi cùng hướng.
Sơ lược về Minh Võ
Tên thật Vũ Đức Minh. Sinh tại Nam Định năm 1931 (theo lý lịch chính thức). Bị động viên khoá 3 phụ, trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Mãn khoá, ông ở lại trường làm huấn luyện viên (1954-1955). Nguyên trưởng phòng 5 liên trường Võ Khoa Thủ Đức (1955-1956). Nguyên tổng thư ký nguyệt san Tinh Thần, nha tuyên úy Công Giáo Quân lực VNCH (1956-1957). Nguyên trưởng phòng Phát Thanh Quân Đội, Bộ Quốc phòng (1958-1959). Nguyên phụ tá tổng giám đốc kiêm giám đốc chương trình hệ thống Truyền Thanh VN (1975).
Từng phụ trách trong bảy năm mục “Viễn Ảnh Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà” (phát thanh hàng tuần) của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) theo lời mời của Ban Việt Ngữ đài này từ 1964 đến 1971.
Dịch giả của nhiều tác phẩm Anh, Pháp về giáo dục và chính trị. (Trong số đó có “Rèn Chí” Sài Gòn, 1956 – “Óc Tưởng Tượng”, 1957 – “Hitler và tuớng lãnh của ông”, NXB Sông Kiên, 1973 – “Hitler trước (thời đại) Hitler”, Sông Kiên, 1974….)
Giải ngũ 1975. Ngồi tù cộng sản từ giữa 1975 đến đầu 1985. Định cư tại San Diego, California, Hoa Kỳ từ cuối 1991. Hiện trạng gia đình: Goá vợ từ 1991; 8 con, 2 gái 6 trai trong đó có 1 gia đình còn ở Việt Nam.
Tác giả 6 cuốn sách về chính trị:
1. “Sách Lược Xâm Lăng Của Cộng Sản” – Tác giả tự xuất bản 1963 và tái bản 1970 tại Saigon – Tái bản lần thứ 3 tại Hoa Kỳ năm 2007.
2. “Ngô Đình Diệm Lời Khen Tiếng Chê” – Thông Vũ xuất bản tháng 5/1998 và tái bản tháng 10 cùng năm.
3. “Phản tỉnh Phản Kháng – Thực hay Hư” – Thông Vũ xuất bản năm 1999.
4. “Tâm Sự Nước Non: Ai Giết Hồ Chí Minh?” – Tủ Sách Quê Hương xuất bản năm 2002.
5.“Hồ Chí Minh – Nhận Định Tổng Hợp” – Tủ Sách Quê Hương xuất bản năm 2006.
6. “Ngô Đình Diệm và Chính Nghĩa Dân Tộc” – Hồng Đức xuất bản năm 2008, Diễn Đàn Giáo Dân tái bản năm 2009.
Và một cuốn loại tạp văn: “Cầu Nguyện Và Nước Trời” – Tác giả tự xuất bản 2007.
©2010-2021 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài đăng lần đầu 11-12/06/2010