Chính Khách Sài Gòn: Phân Tích Bốn Nội Các
David Wurfel | Trần Giao Thủy dịch
Tóm lại, nội các niền Nam Việt Nam và có lẽ hầu hết các thành phần còn lại của giới tinh hoa chính trị đều được cấu thành bằng giới trí thức bị Tây hóa. Mặc dù người dân miền Nam Việt Nam có vẻ hừng hực khí thế cách mạng, nhưng tầng lớp ưu tú này hầu như không làm cách mạng.
Đặc tính của giới tinh hoa chính trị hiện nay ở miền Nam Việt Nam rất quan trọng đối với sự thành công của chính sách của Mỹ ở đó và sẽ là yếu tố quyết định chính đến cách áp dụng hiến pháp mới. Do đó, một nghiên cứu về giới tinh hoa này là đúng lúc. Nó cũng phù hợp với sự quan tâm ngày càng tăng của giới khoa học chính trị về nghiên cứu đó như một phương tiện để hiểu rõ hơn về tiến trình phát triển [của miền Nam Việt Nam].
Thành phần của giới tinh hoa Sài Gòn sẽ được xét đến tại đây với sự tham khảo đặc biệt về bốn nội các, do Tổng thống Diệm lãnh đạo và các Thủ tướng Thơ, Hương và Kỳ. Một số dữ liệu về các thành viên của các nội các khác trong giai đoạn 1962-65 cũng sẽ được đưa vào thảo luận. Chủ đề của luận văn này sẽ là, cho đến nay khi những người dân sự giữ chức vụ hàng đầu là đại diện của nhóm, tầng lớp ưu tú này về cơ bản đã không thay đổi đặc tính trong vài năm qua. Đúng ra kể từ năm 1962, ít nhất có hai nhóm quan trọng mới đã bước vào tầng lớp quyền lực: quân đội và Phật tử. Các đảng phái chính trị và các giáo phái miền Nam hoạt động vào giữa những năm 1950 cũng đã xuất hiện trở lại và có được cơ sở thể chế trong cuộc bầu cử Quốc hội Lập hiến năm 1966. Nhưng hầu hết các dấu hiệu đều đưa đến kết luận rằng giới lãnh đạo của họ xuất thân từ nền tảng giáo dục và xã hội rất giống với các thành viên trong nội các. Điều này đúng đến mức độ nào đối với giới Phật tử và quân nhân cần được nghiên cứu thêm. Trong mọi trường hợp, không thể khẳng định ở đây rằng nội các cung cấp một mặt cắt của toàn bộ giới tinh hoa chính trị miền Nam.
Giới tinh hoa Sài Gòn là sản phẩm của chủ nghĩa thực dân, chiến tranh và cách mạng. Nó gồm các phe phái đã đấu tranh trên cơ sở vùng miền, tôn giáo và những mục đích khác ít rõ ràng hơn. Nhưng những phe phái này cũng có những điểm chung. Sự nổi trội của nền giáo dục Pháp, ở Việt Nam hay ở Pháp, là điều dễ nhận thấy. Tách biệt khỏi cuộc sống nông thôn là hệ quả của các mô hình nghề nghiệp thường thấy nhất. Robert Shaplen đã nhấn mạnh sự cô lập tâm lý của tầng lớp ưu tú khỏi giai cấp nông dân.[1]
Sự xuất hiện của giới tinh hoa Việt Nam từ truyền thống Nho giáo đã mang lại cho nó một số đặc điểm chung cũng như riêng biệt.[2] Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á bị một bộ máy quan lại cai trị trước khi người phương Tây đến. Mô hình chính phủ này [bộ máy quan lại] vay mượn từ Trung Hoa dường như đã đáp ứng được nhu cầu của một xã hội truyền thống. Sự độc lập và một trật tự nội bộ đã được duy trì trong nhiều thế kỷ cho đến khi phương Tây hiện đại xâm nhập. Các tư tưởng và thể chế của Nho giáo cũng không bị gạt ra ngoài ngay lập tức khi người Pháp đến. Các kỳ thi vào quan trường vẫn chưa bị bãi bỏ cho đến năm 1922; chế độ quan liêu truyền thống dần dần được thay thế bằng hệ thống hành chính của Pháp. Vào những năm 1950, Ngô Đình Diệm cố gắng khôi phục sự tuân phục của công chúng đối với nhà hiền triết.
Có những dấu hiệu cho thấy rõ ràng rằng ở Trung Hoa, có một mức độ cao về việc tự bảo tồn trong các chính thể quan liêu. Khoảng 80% những người đỗ đạt được bằng cấp trong triều đại cuối cùng của Trung Hoa là con của những người khoa bảng, dù với lý tưởng mở cửa trường thi cho mọi tầng lớp dân chúng.[3] Mặc dù chưa có nghiên cứu so sánh nào được thực hiện tại Việt Nam, nhưng việc tuyển dụng giới ưu tú ưu tiên dành những cho con trai của quan lại cũng đã được ghi nhận.[4] Sẽ là điều tự nhiên nếu giả định rằng địa vị và cơ hội giáo dục cũng là yếu tố tương liên cao trong suốt thời kỳ bị Pháp đô hộ.
Không có nhiều những cơ sở giáo dục dưới chế độ thực dân. Vào đầu những năm 1930, có chưa đến 1.000 sinh viên theo học ở đại học. Gần hai phần ba số sinh viên này học tại một trường đại học Đông Dương tại Hà Nội, và phần lớn còn lại đi học ở Pháp.[5] Tính đến cuối năm 1939, chỉ có khoảng 6.000 người Việt Nam theo học các trường trung học, tức là cao hơn lớp 10. Nói chung, tỷ lệ biết đọc biết viết được ước tính khác nhau vào khoảng từ 5 đến 20 phần trăm, do đó, sự khác biệt giữa tầng lớp tinh hoa có trình độ học vấn tốt so với công dân bình thường thậm chí còn rõ hơn nữa.[6] Robequain đã chỉ ra rằng vào những năm 1930, một số thanh niên có hoàn cảnh khiêm tốn đã được tiếp cận với tầng lớp trí thức qua giáo dục bậc đại học, nhưng nhấn mạnh rằng đó là ngoại lệ chứ không phải là quy luật.[7] Gần hai mươi năm sau, Scigliano nhắc lại: “Giáo dục trung học và đại học đã là đặc quyền của giới nhà giàu.”[8]
Tất nhiên, trong những năm gần đây, khoảng cách về trình độ học vấn giữa giới tinh hoa và quần chúng đã thu hẹp lại. Gần 2/3 dân số hiện nay biết chữ. Tính đến năm 1964, số học sinh trung học (từ lớp 10 đến lớp 12) ở miền Nam Việt Nam đã lên đến 62.000 người và có hơn 20.000 người theo học ở các trường đại học và cao đẳng kỹ thuật.[9] Do đó, với dân số chỉ ít hơn một chút so với toàn Việt Nam vào những năm 1930, nhờ cơ hội giáo dục ở miền Nam Việt Nam, số người có trình độ trên lớp 10 đã nhiều gấp 10 lần so với người ở thế hệ trước.
Tầng lớp chính trị thu hút sự chú ý của chúng ta, cũng như ở hầu hết các nước phát triển muộn, là một phần tử của tầng lớp thượng lưu rất nhỏ. Hiện nay, không có khảo sát đáng tin cậy nào về cấu trúc của xã hội miền Nam Việt Nam nói chung, mặc dù chúng tôi may mắn có được một số dữ liệu từ một mẫu gần đây rút ra từ tài liệu của Công ty Nghiên cứu Ý kiến của Princeton.[10] Mẫu dữ liệu này được thừa nhận là thiên lệch về khu vực thành thị, nhưng chỉ có 1% dân số được phân loại là “chuyên nghiệp” và chỉ có 8% là “nhân viên cổ trắng” (tri thức), một loại chắc chắn gồm một tỷ lệ lớn, theo tiêu chuẩn thu nhập, thậm chí không đủ tiêu chuẩn là tầng lớp trung lưu. Giới thượng lưu kinh tế, ít nhất là cho đến gần đây, do người Pháp và người Hoa thống trị, trong khi tầng lớp tinh hoa chính trị chỉ giới hạn trong các sắc dân Việt Nam. Trước đây, chỉ trong số các đại địa chủ mới có những người nắm giữ quyền lực cả về chính trị và kinh tế; tham nhũng lớn có thể đã cho phép những người khác đạt đến giai cấp đó trong những năm gần đây.
Với sự dẫn nhập không đầy đủ về xã hội Việt Nam và vị trí của tầng lớp chính trị trong đó, chúng ta hãy tập trung trực tiếp hơn vào những nội các. Vì đây là phúc trình tạm thời của một nghiên cứu dài hạn nên dữ liệu vẫn chưa đầy đủ và các số liệu chỉ có thể gợi ý về các đặc điểm. Quyết định tập trung vào bốn nội các chính phủ là kết quả của những hạn chế về dữ liệu. Tác giả phân lớn phải dựa vào sự đối chiếu các dữ liệu đã xuất bản: sách, báo và Việt Nam Thông Tấn Xã. Một số thông tin cũng đã được thu thập được từ các cuộc phỏng vấn.
Trong lịch sử gần đây, nội các không phải là cơ quan độc quyền thậm chí là cơ quan quyền lực chính trong hệ thống chính trị Việt Nam. Nội các ông Diệm không có ông Nhu, nội các ông Hương không có Tướng Khánh, và nội các ông Quát không có Tướng Kỳ chỉ là ba trong số những trường hợp quyền lực chính trị tối cao nằm ngoài nội các. Nguyễn Thái đã mô tả cách Tổng thống Diệm thường đối xử với các thành viên nội các của ông như những người sai vặt. Giáo sư Fishel đã chọn những từ có vẻ mô tả hoàn cảnh đó tốt nhất khi ông nói rằng nội các Quát “phụ trách chính quyền dân sự.”[11] Tuy nhiên, trong khi nội các dưới quền của gia đình họ Ngô cho đến năm 1963 rồi chịu sự chỉ đạo của quân đội kể từ đó, chưa đề cập đến ảnh hưởng ngày càng tăng của Mỹ, nó vẫn là thể chế chính trị dân sự quan trọng nhất trong chính phủ miền Nam Việt Nam và do đó đáng được chúng ta chú ý theo dõi. Không một quyết định chính sách nào có thể được thực hiện nếu không có sự hợp tác đầy đủ của các thành viên trong nội các.
Nội các đầu tiên trong số bốn nội các mà chúng tôi sẽ tập trung là nội các Ngô Đình Diệm, được thành lập vào năm 1962. Đây là thời điểm sau khi Diệm vượt qua hai cuộc đảo chính bất thành, vụ đảo chánh hụt thứ hai dẫn đến việc thả bom dinh Độc lập, và một số người đã bỏ hàng ngũ một số những thanh niên xuất sắc trong chính quyền của ông, nổi bật nhất là Vũ Văn Thái, Giám đốc Ngân sách và Ngoại viện.
Nội các thứ hai do Nguyễn Ngọc Thơ, trước đây là phó tổng thống của Diệm, đứng đầu, người được chỉ định thực hiện mệnh lệnh của quân đội do Tướng Dương Văn Minh đứng đầu từ tháng 11 năm 1963 đến tháng 1 năm 1964.
Sau đó là nội các của Tướng Khánh. Dữ liệu không đầy đủ đã ngăn cản việc đưa nó vào các bảng chi tiết; tuy nhiên, bốn thành viên trong chính phủ của Khánh giúp tạo nên tổng số khoảng năm mươi thành viên nội các và có đủ thông tin về họ để đưa ra một số nhận định khái quát nhất định.
Nội các Trần Văn Hương, được thành lập vào tháng 11 năm 1964, đánh dấu một nỗ lực không thành công trong việc khôi phục chính quyền dân sự trong khi phớt lờ các Phật tử.
Tiếp theo là nội các Phan Huy Quát thành lập vào tháng 2 năm 1965, trong khi nhạy cảm hơn với các trào lưu tôn giáo, đã bị suy yếu vì những cuộc cãi vã bè phái và bị lật đổ vào tháng 6 do áp lực từ quân đội. (Một lần nữa, dữ liệu về nội các này rất không đầy đủ.)
Nội các được thành lập sau đó do Tướng Nguyễn Cao Kỳ đứng đầu, vẫn là Thủ tướng cho đến ngày nay [1967] sau ít nhất ba lần cải tổ chính phủ.
Vì chỉ có sự chuyển đổi từ nội các Quát sang nội các Kỳ không được đánh dấu bằng một sự thay đổi cơ bản và đôi khi bạo lực trong tầng lớp quyền lực hàng đầu, nên người ta có thể mong đợi những khác biệt quan trọng trong hàng bộ trưởng. Tuy nhiên, về trình độ học vấn, có rất ít thay đổi. Kể từ chính phủ Diệm, tất cả thành viên nội các dân sự mà chúng tôi có dữ liệu đều đã học đại học và gần ¼ trong mỗi nội các đã có bằng tiến sĩ loại nào đó (Bảng I). Điều này trái ngược với chỉ có 1,5% nhân viên bộ máy công chức có trình độ đại học vào năm 1961.[12]
Cũng như không có sự thay đổi những nơi họ theo học bậc đại học. Hai nội các mà dữ liệu có thể so sánh được nhiều nhất là nội các đầu tiên và nội các cuối cùng, dường như rất giống nhau về thành phần, với tỷ lệ tương đương giữa các trường Hoa Kỳ ở Châu Âu và Việt Nam (Bảng II). Một phân tích về bốn mươi bộ trưởng trong sáu nội các kể từ năm 1962 cho thấy rằng ít hơn một phần ba đã được đào tạo cấp cao ở Việt Nam, trong khi 40% đi học một phần hay toàn bộ học trình của họ tại đại học ở Pháp và 60% được xếp vào một loại rộng hơn gồm những người được giáo dục ở Châu Âu và Châu Mỹ.
Tác động tương đối của việc được đào tạo đại học trong và ngoài nước là một ảnh hưởng đáng kể đến mô hình phát triển chính trị và ngày càng nhận được sự quan tâm của các học giả.[13] Người ta đã chỉ ra một cách chính xác rằng dưới chế độ thuộc địa, một trường đại học hiện đại thường là một tổ chức xa lạ, ngay cả khi nằm trong thuộc địa. Chắc chắn rằng Đại học Hà Nội, phần lớn là giáo sư người Pháp, đã được xây dựng theo mô hình Gallic. Tuy nhiên, những kinh nghiệm văn hóa đi kèm với thời gian dài sống ở nước ngoài khi theo học đại học không thể không ảnh hưởng đến giá trị của một người nhiều hơn là việc theo học tại một cơ sở giáo dục gần như giống hệt nhau trong mội trường văn hóa mẹ đẻ. Đa số các thành viên nội các từng theo học các trường đại học của Pháp ở Pháp có thể bị Tây hóa hơn các đồng nghiệp của họ, những người không theo học ở Pháp. (Họ cũng có vẻ coi thường văn hóa Mỹ hơn.)
Trên thực tế, nội các chính phủ Việt Nam có vẻ là một trong những loại nội các được phương Tây hóa nhiều nhất ở châu Á. So sánh với Nam Hàn về vấn đề này là điểm đáng chú ý: một nghiên cứu về lãnh đạo chính trị ở đó cho thấy chỉ có khoảng 25% sinh viên tốt nghiệp đại học đã theo học các trường ở Nam Hàn, trong khi 35% đã đi học ở Nhật Bản và 20% đi học ở Châu Âu và Mỹ.[14] Nhưng các trường đại học Nhật Bản, trong khi trường ở nước ngoài, nhưng không phải là phương Tây. Trong nội các năm 1956 của Nehru, chỉ có 7 trong số 26 người có bằng cấp của Châu Âu.[15] Một tỷ lệ nhỏ hơn nhiều số thành viên nội các Philippines đã học ở nước ngoài.
Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam (MTDTGPMN) tạo thành một lực lượng tinh hoa đối lập với tập đoàn lãnh đạo của Sài Gòn. Mặc dù dữ liệu không đầy đủ và hoàn toàn đáng tin cậy, rõ ràng những người được giáo dục ở Pháp là rất hiếm trong số các thành viên Ban Chấp hành Trung ương MTDTGPMN; chỉ có 3 trong số 27 người cho biết đã theo học tại Pháp.[16] Ngược lại, trong một bối cảnh tương tự, một tỷ lệ lớn hơn trong ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Hoa trong những năm 1930 có kinh nghiệm giáo dục ở châu Âu và Mỹ cao hơn so với Ban Chấp hành Trung ương của Quốc dân đảng.[17] Có vẻ như sự giáo dục nước ngoài không phải là một trợ giúp quyết định cũng không phải là trở ngại đối với các nhân vật lãnh đạo đang cố gắng xây dựng một cơ sở chính trị quần chúng. Các loại kinh nghiệm khác phải quan trọng hơn.
Tuổi trung bình của các thành viên nội các Sài Gòn trong khoảng từ năm 1962 đến năm 1964 vào khoảng 47 tuổi; sau đó, với sự tiến bộ tương đối của nội các Quát, nó giảm xuống gần 41 trong nội các Kỳ, người mà tuổi trẻ chắc chắn là một yếu tố làm giảm tuổi trung bình (Bảng III). Ở Nam Hàn, một mô hình tương tự cũng rõ ràng: độ tuổi trung bình của các thành viên nội các dân sự là trên 50; trong chính phủ sau đó của Tướng Phác Chính Hy là dưới 42 tuổi. Khi đó, ở cả Nam Hàn và Việt Nam, độ tuổi đều dưới mức trung bình 57,7 tuổi ở Ấn Độ của nội các Nehru và có lẽ phản ảnh lịch sử lâu dài của phong trào quốc gia dân tộc ở đó từ trước độc lập. Trong sự ổn định hơn nữa của xã hội và chính trị Nhật Bản, tuổi trung bình của các thành viên nội các gần 60 tuổi.[18]
Trong khi sự tập trung về độ tuổi trung bình cho thấy sự ổn định đáng kể từ thời ông Diệm cho đến khi ông Kỳ xuất hiện, thì sự cách biệt về độ tuổi trong mỗi nội các cũng rất quan trọng. Tất cả bốn nội các được nghiên cứu đều gồm có một hoặc nhiều thành viên sinh trước năm 1909 và một hoặc nhiều hơn sinh ở thập niên 1930. Điều này tạo nên một khoảng thời gian trải dài khoảng 25 năm, hoặc sự khác biệt tuổi tác cả một thế hệ. Sự cách biệt giữ thành viên già nhất đến người trẻ nhất trong khoảng 3 năm là 35 năm. Con số này có thể so sánh với mức chênh lệch tuổi trong của nội các Nhật Bản từ năm 1954 đến năm 1961, theo báo cáo của Ward[19] là 39 năm, nhưng nhiều hơn đáng kể so với nội các của Ấn Độ năm 1956, chỉ 23 năm.[20] Trong bất kỳ trường hợp nào, dựa trên truyền thống tôn trọng người có tuổi trong xã hội Việt Nam và sự khác biệt lớn về kinh nghiệm sống giữa những người sinh ra trong Chiến tranh Nga-Nhật và những người sinh ra sau cuộc Đại suy thoái, sự cách biệt lớn về tuổi tác này hẳn là một rào cản quan trọng trong việc dễ dàng trao đổi thông tin đó là chưa kể đến sự đồng thuận thực sự trong nội các. Và chắc chắn sự thiếu chặt chẽ trong giới tinh hoa có quyền quyết định của Việt Nam là một hiện tượng quan trọng cần giải thích.
Với dữ liệu trên dưới bốn mươi người, mối liên hệ giữa nhóm tuổi và nơi đi học đại học không được xác lập một cách rõ ràng, nhưng khuynh hướng thì đã rõ ràng. Tỷ lệ thành viên nội các được đào tạo ở nước ngoài tăng trong những người có độ tuổi trẻ hơn. Với những điều kiện sẵn có ở Việt Nam từ năm 1941, rõ ràng là có nhiều thuận lợi cho việc du học. Và đúng như dự đoán, du học nước ngoài nhưng không phải ở Pháp là một hiện tượng gần đây. Những khác biệt này củng cố khoảng cách thế hệ.
Tuổi trung bình của nội các Kỳ thấp hơn có thể có ý nghĩa về thái độ cơ bản đối với các vấn đề quốc gia. Nhưng chúng ta không thể tự tin rằng tuổi trẻ tạo ra một tinh thần cách mạng hơn. Chính phủ Kỳ dường như không gần với việc dẹp bỏ tham nhũng hoặc giao đất cho người không có đất hơn những người tiền nhiệm cao tuổi hơn họ. Mặt khác, các thành viên Ban Chấp hành Trung ương MTDTGPMNVN có độ tuổi trung bình là 49 vào năm 1965; 59% trong số họ sinh trước năm 1920, so với 13% trong nội các đầu tiên của Kỳ.
Liên kết vùng miền ở Việt Nam là một cấp độ căn cước quan trọng đã được chủ nghĩa dân tộc phủ lên nhưng không bị thay thế. Nguồn gốc vùng miền của một người ngay lập tức được thể hiện rõ ràng trong cách nói tiếng Việt. Đề cập đến sự khác biệt [kỳ thị] vùng miền là một phần của cuộc trò chuyện hàng ngày; mỗi miền lại có ấn tượng [không đúng] về miền khác.[21] Chủ nghĩa vùng miền đã là một vấn đề ngay cả ở triều Nguyễn ở thứ kỷ thứ 19, thời kỳ đoàn kết dân tộc mạnh nhất Việt Nam. Sự khác biệt về vùng miền càng thêm rõ nét do tác động khác nhau của chủ nghĩa thực dân Pháp trong mỗi kỳ. Sự cạnh tranh giữa các giới tinh hoa từ khắp ba miền trên chính trường Sài Gòn ngày nay khiến vấn đề trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.
Kể từ năm 1966, sự khác biệt vùng miền trong chính trị Việt Nam đã được báo chí và nhiều người trong giới chức chính phủ Mỹ chú ý, đặc biệt là với cuộc khủng hoảng nội các trước hội nghị Manila năm 1966 và vụ ám sát ông Trần Văn Văn sau đó. Giới học giả đã nhận thức được sức mạnh của sự phan biệt vùng miền từ trước.[22] Scigliano kiểm tra 186 công chức cao cấp vào năm 1961 cho thấy sự thống trị tổng hợp của người miền Bắc (57) và người miền Trung (62) lớn số người ở miền Nam (67), dù 2/3 dân số là người miền Nam, tức là Nam Kỳ trước đây. Ở cấp nội các, ban đầu ông Diệm không có thành viên nào người miền Nam, nhưng vào năm 1962 có 40% là người miền Nam. Các nội các sau đó có phần khác nhau về thành phần vùng miền (Bảng IV). Những người kế nhiệm ông Diệm không ai trao nhiều chức vụ trong nội các cho những người miền Trung, vùng ông Diệm xuất thân. Thành phần nội các của Thủ tướng Thơ áp đảo là người miền Nam, như một phản ứng đối với ông Diệm. Và ông Kỳ, bản thân là một người miền Bắc, đã có nhiều thành viên nội các người miền Bắc nhiều hơn so với bất kỳ nội các nào khác. Người miền Bắc cũng chiếm ưu thế trong giới lãnh đạo hàng đầu trong quân đội. Nếu sự phẫn nộ đối với người miền Bắc quá lớn đến mức nó đã giúp hạ bệ chính quyền Diệm vào năm 1963, thì không có hứa hẹn nó đã biến mất vào năm 1965, vì dân miền Nam vẫn tiếp tục thiếu người đại diện ở các cấp có quyền quyết định cao nhất. Ba phần tư Ban Chấp hành Trung ương MTDTGPMNVN gồm những người miền Nam dường như được dàn dựng để khai thác sự bất mãn này, mặc dù Ban Chấp hành Trung ương có thể không mạnh trong chính phủ của họ hơn nội các ở Sài Gòn.
Sự khác biệt về vùng miền trong nội các là quan trọng, đặc biệt là trong phạm vi chúng trùng với mô hình của các sự phân chia khác. Người ta đã viết nhiều về những đối chọi tôn giáo. Việc phân tích chính xác tôn giáo của những thành viên trong nội các trong nghiên cứu này không thể thực hiện được nếu không có thêm dữ liệu. (Tôn giáo thường không nằm trong tiểu sử đã xuất bản.) Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy một số mối tương quan giữa vùng miền và giáo dục (Bảng V). Hơn một nửa số người miền Nam mà chúng tôi có dữ liệu đã du học ở Pháp, trong khi chưa đến 15% người miền Bắc là sinh viên du học bên Pháp. Trên thực tế, chưa đến một nửa số người miền Bắc trong nội các đã đi du học bất kỳ ở nước ngoài nào, và hai trong số bốn trong số những người đã ra nước ngoài đã đến Hoa Kỳ. Không có thành viên nội các người miền Nam nào báo cáo đã du học ở Mỹ. Điều này bắt đầu tạo ra một số đặc điểm về hình ảnh của người miền Nam là quá Tây đối với người miền Bắc và người miền Nam phàn nàn rằng người miền Bắc đã đồng nhất quá chặt chẽ với người Mỹ.
Tất nhiên, nghiên cứu về nguồn gốc nghề nghiệp là một trong những cách tìm hiểu quan trọng nhất để phân tích thành phần của tầng lớp ưu tú. Lịch sử sự nghiệp của hơn năm mươi bộ trưởng cho thấy một số khuôn mẫu rõ ràng. Công chức chính phủ dân cự và quân sự, sự nghiệp và chính trị là nghề nghiệp chính của 47,1% bộ trưởng trong giai đoạn 1949-54 và 52,9% trong chính phủ Diệm (Bảng VI). Điều đặc biệt thú vị là bất chấp sự trở về từ nước ngoài của hơn 20% thành viên nội các tương lai, phần lớn vào các năm 1954 và 1955, chỉ có ¼ những người này được đưa vào những người phục vụ chính phủ sau năm 1955. Điều này khẳng định ấn tượng rằng nhiều Người Việt Nam từ hải ngoại trở về khi ông Diệm lên nắm quyền, thường với ý định phục vụ quốc gia của họ trong chính quyền, nhưng sau đó cảnh giác và không tham gia vào chính phủ gia đình họ Ngô. Nhưng người tốt nghiệp ngành giáo dục, luật và y học ở nước ngoài dường như đã đạt được nhiều nhất. Sự nghiệp tiền nội các trong tất cả các loại kinh doanh và nghề nghiệp đã tăng từ 25,5% trước năm 1954 lên 43,4% sau đó. Trong nhóm đó, chuyên gia giáo dục đạt mức tăng tuyệt đối lớn nhất từ giai đoạn này sang giai đoạn khác. Trong khi hầu hết các chuyên gia giáo dục đều ở trong các cơ quan chính phủ, nhận lương của chính phủ, thì các giá trị và thái độ chính trị của họ có lẽ gần với các chuyên gia ngành nghề tự do hơn là các công chức. Một thước đo về mức độ mà nhà giáo Việt Nam đồng nhất với chính quyền Sài Gòn có thể thấy được là nghề nghiệp của họ hiện hữu nhiều hơn hơn bất kỳ nghề nào khác trong tư cách thành viên của Ban Chấp hành Trung ương MTDTGPMNVN.
Ở Ấn Độ thời Nehru, việc tuyển chọn người vào nội các diễn ra theo nhiều kênh khác nhau; sự nghiệp với đảng và ngành lập pháp quan trọng hơn cả dịch vụ dân sự, kinh doanh hay chuyên ngành. Ở Philippines, kinh doanh và các ngành nghề, cùng với chính trị chuyên nghiệp, là những con đường chính dẫn đến nội các. Ở cả hai quốc gia, lãnh đạo chính trị được lựa chọn bằng những cuộc bầu cử. Tuy nhiên, mặc dù thực tế là Nhật Bản cũng có chính phủ dân cử, nội các của Nhật Bản có phần giống với các chính phủ ở Việt Nam hơn. Năm 1954, 35% thành viên nội các ở Tokyo đã vươn lên qua bộ máy hành chính và chỉ 34% đi qua ngả kinh doanh và nghề nghiệp, phần còn lại qua các hoạt động chính đảng.
Không có gì ngạc nhiên khi điểm tương đồng lớn nhất với Nam Việt Nam được tìm thấy ở quốc gia giống Việt Nam nhất về lịch sử và văn hóa lâu đời, kinh nghiệm thuộc địa, và những phát triển chính trị gần đây; đó là Nam Hàn. Vai trò của quân đội trong nội các Việt Nam có phần ít hơn so với Nam Hàn trong giai đoạn 1952-1962, vì quân đội Việt Nam thường ưu tiên cai trị từ bên ngoài nội các. Hơn một phần tư trong số 119 thành viên nội các Nam Hàn có sự nghiệp quân sự, so với ít hơn 15% ở Sài Gòn là 53 người.[23] Công chức chuyên nghiệp, ngược lại, ít chiếm ưu thế hơn ở Nam Hàn; chỉ có 18,6% thành viên nội các Nam Hàn trong nghiên cứu này là công chức chuyên nghiệp, so với một phần ba ở Việt Nam. Tuy nhiên, một tỷ lệ gần như giống hệt nhau (65%) các thành viên nội các Nam Hàn và sau năm 1965 ở Sài Gòn xuất thân là quân nhân chuyên nghiệp, công chức và chuyên viên giáo dục.
Điều quan trọng cần lưu ý là các quân nhân trong những nội các thời hậu Ngô Đình Diệm đều phục vụ dưới quyền chỉ huy của Pháp trước năm 1954. Mặc dù Tướng Phác Chính Hy và các sĩ quan Nam Hàn khác phục vụ trong lực lượng Nhật Bản, nhưng họ đã giải ngũ không còn trong quân đội Nhật Bản hơn gần mười năm so với người Việt Nam tương đương, và nó cũng không phải là phần lớn nhằm vào việc đàn áp những người theo chủ nghĩa dân tộc Triều Tiên. Khối sĩ quan Việt Nam cũng không thể so sánh được với nhóm tướng lãnh ở Indonesia, những người được huy chương chiến đấu chống lại thực dân châu Âu.
Khi so sánh lịch sử sự nghiệp của thành viên của các nội các khác nhau, sự có mặt (dưới thời các ông Thơ, Quát hoặc Kỳ) hay vắng mặt (dưới thời các ông Diệm hoặc Hương) của quân nhân là sự tương phản quan trọng duy nhất và trong trường hợp nội các của ông Hương, thậm chí sự khác biệt này còn rõ ràng hơn thực tế (Bảng VII). Điều ấn tượng hơn là bốn hoặc nhiều thành viên của mỗi nội các phục vụ dưới thời Bảo Đại và người Pháp với tư cách dân sự hoặc quân sự. Trong nội các Thơ, hơn 2/3 thành viên thuộc thành phần đó đó. Dữ liệu tiểu sử chỉ có một người được liệt kê đã làm việc với Việt Minh, mặc dù có lẽ còn nhiều hơn thế. Ít nhất hai người trong tất cả các nội các ngoại trừ nội các Thơ đã dành toàn bộ hoặc một phần thời Bảo Đại ở nước ngoài. Do đó, thật dễ hiểu, làm thế nào mà một người Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc triệt để lại có thể coi nhiều thành viên của những nội các gần đây như những người cộng tác cũ hoặc ít nhất là những người chờ thời cũ.
Một trong những phát giác quan trọng nhất mà chúng tôi có thể rút ra từ dữ liệu này là mức độ giống nhau giữa bốn nội các. Đây một phần là kết quả của sự chồng chéo thành viên, chỉ liên quan đến hai người từ nội các Diệm đến nội các Thơ, nhưng năm người từ Thơ đến Khánh và từ Quát đến Kỳ. (“Nội các quản nhiệm” của Oánh năm 1964 đã bị loại ra khỏi cuộc nghiên cứu chính xác vì nó trùng lặp phần lớn với nội các của Khánh trước đó và chỉ hiện hữu trong một thời quá gian ngắn.) Những bộ trưởng trong cả 3 nội các Khánh, Hương và Kỳ liên quan đến hơn 25% tổng số chức vụ (Bảng VIII).
Tuy nhiên, thành viên nội các chồng chéo không mở rộng ra ngoài các nội các liền kề. Không có thành viên nào trong nội các Diệm hoặc Thơ xuất hiện dưới quyền của Quát hay Kỳ. Nội các đầu tiên của Kỳ cũng không có ai là thành viên trong nội các của Khánh và chỉ có một người của Hương. Những điểm tương đồng về đặc điểm kéo dài từ năm 1962 đến năm 1965 cần được giải thích bằng sự hiện diện liên tục trong nội các của những người ưu tú với những đặc điểm chung thay vì chỉ đơn giản là sự liên tục của tư cách thành viên.
Bộ phận quan trọng của tầng lớp quyền lực miền Nam Việt Nam có mặt trong nội rõ ràng là thanh phần trí thức. Họ là những trí thức rất Tây hóa được Giáo sư Benda xếp vào loại “trí thức mới”.[24] Nhưng điều này không có nghĩa là, bất chấp khuynh hướng mà Benda nghi nhận, rằng tầng lớp ưu tú Sài Gòn này gồm những nhà cách mạng xã hội. Trên thực tế, những quan lại đời sau này đã kết hợp địa vị quan liêu và trí thức theo một phong cách bảo thủ độc nhất ở Đông Nam Á. Đúng là một số lãnh đạo cách mạng ở Việt Nam đã xuất thân từ tầng lớp ưu tú này, nhưng chính sự đào tẩu của họ dường như đã làm những người còn lại gắn chặt với hiện trạng. Mặc dù một phần ban lãnh đạo quân đội đến từ các tầng lớp xã hội khác nhau, có vẻ như mặc dù có một số đổi mới bằng lời nói để nhanh chóng thích ứng với phần lớn hệ thống giá trị của tầng lớp tinh hoa lớn tuổi, hy vọng có thể vượt qua sự oán giận đối với những người mới nổi lên.
Benda giải thích chủ nghĩa cấp tiến của giới trí thức ở quốc gia mới về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. Đây chắc chắn là một phần quan trọng trong bức tranh lịch sử ở nhiều nơi. Tuy nhiên, đó chắc chắn là một trong những yếu tố thúc đẩy phong trào cách mạng dân tộc chủ nghĩa ở Việt Nam trong những năm 1930. Thế chiến thứ hai và Chiến tranh Đông Dương, sau đó đã thay đổi tình hình trên hai khía cạnh quan trọng. Ngay từ đầu, kết quả đo được của hệ thống giáo dục ở Việt Nam đã bị hạn chế, ít nhất là ở cấp đại học. Thứ hai, mặc dù số sinh viên Việt Nam ở Pháp và Mỹ tăng nhanh vào cuối những năm 1940 và 1950, điều này không có nghĩa là nguồn cung sinh viên tốt nghiệp ở Việt Nam tăng lên. Điều kiện ở Việt Nam tồi tệ đến nỗi hầu như tất cả những người có thể ở lại nước ngoài. Những người theo chủ nghĩa dân tộc nhiệt thành, những người không làm việc cho Pháp cũng thường không thích chiến tranh du kích. Vì vậy, mặc dù tốc độ như sên bò mà người Pháp quốc hữu hóa bộ máy hành chính thuộc địa, số người Việt Nam nộp đơn không tăng nhanh hơn. Và những người cảm thấy thoải mái nhất khi vào ngạch công chức là những người có gia đình đã thuộc tầng lớp trí thức quan liêu. Vào đầu những năm 1950, họ coi chủ nghĩa cấp tiến, dưới hình thức Việt Minh, là một mối đe dọa đối với vị trí của họ. Giới tinh hoa chính trị hiện nay là di sản của những phát triển đó. (Tuy nhiên, sự phát triển rộng lớn của giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam trong thập niên vừa qua mà không có sự gia tăng tương ứng về số việc làm phù hợp có thể sẽ thay đổi mô hình trong tương lai gần.)
Tóm lại, nội các niền Nam Việt Nam và có lẽ hầu hết các thành phần còn lại của giới tinh hoa chính trị đều được cấu thành bằng giới trí thức bị Tây hóa. Mặc dù người dân miền Nam Việt Nam có vẻ hừng hực khí thế cách mạng, nhưng tầng lớp ưu tú này hầu như không làm cách mạng. Trong khi chính phủ Indonesia qua nhiều năm phải chịu đựng tình trạng dư thừa “những kẻ kích động” và “những kẻ thao túng biểu tượng” trong giới tinh hoa của mình,[25] Saigon ngày nay đang chứng kiến những bất lợi vốn có dưới sự cai trị của giới quản trị hậu Nho giáo. Như một thành viên nội các đã nói, có vẻ như giải pháp cho các vấn đề của Việt Nam không đơn giản là “cai trị tốt hơn”.
© 2021 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: The Saigon Political Elite: Focus on Four Cabinets, By David Wurfel, University of Missouri, in Asian Survey, August 1967.
[1] Robert Shaplen, The Lost Revolution (New York: Harper & Row, 1965), 253ff.
[2] Nguyen Thai, Is South Vietnam Viable? (Manila: Carmelo and Bauermann, 1962), 31ff.
[3] Xem Robert Marsh, The Mandarins (Glencoe: Free Press, 1961), 82ff.
[4] Xem Roy Jumper and Nguyen Thi Hue, Notes on the Political and Administrative History of Vietnam (Saigon: Michigan State University, 1962, mimeo).
[5] Xem Vu Tam Ich, “A Historical Survey of Educational Developments in Vietnam,” Bullen of the Bureau of School Service (Lexington, Kentucky), XXXII (Dec. 1959), 69ff.; also Virginia Thompson, French Indo-China (New York: Macmillan, 1937), pp. 284-307.
[6] Great Britain, Naval Intelligence Division, Indo-China (London: HMSO, 1943), 250ff. It must be remembered that French lycees in Vietnam, though here included in the category “secondary” schools, provided up to the equivalent of American junior college education.
[7] Charles Robequain, The Economic Development of French Indo-China (London: Oxford University Press, 1944) , p. 87.
[8] Robert Scigliano, South Vietnam: Nation Under Stress (Boston: Houghton Mifflin, 1963), p. 50.
[9] Republique du Viet-Nam, Secretariat d’Etat a L’Education Nationale, Annuaire Statistique de L’Enseignment (Saigon, 1965) , pp. 80-81.
[10] Opinion Research Corporaon, The People of South Vietnam: How They Feel About the War (Princeton: Opinion Research Corporaon, March 1967), p. 46.
[11] Wesley R. Fishel, “Vietnam: The Broadening War,” Asian Survey (Jan. 1966), p. 51.
[12] Scigliano, op. cit., p. 48.
[13] Xem M. Brewster Smith, “Foreign vs. Indigenous Education,” in Post-Primary Education and Polical and Economic Development, Piper and Cole, eds. (Durham: Duke University Press, 1964), pp. 48-74.
[14] Bae-ho Hahn and Kyo-taik Kim, “Korean Polical Leaders (1952-1962) : Their Social Origins and Skills,” Asian Survey (July 1963), pp. 305-323. In this sample, which covered many leaders in addion to cabinet members, only 74% had college or university educaon; 14% aended military academy.
[15] Robert North, “The Indian Council of Ministers: A Study of Origins,” in Leadership and Polical Instuons in India, Richard Park and Irene Tinker, eds. (Princeton: Princeton University Press, 1959), p. 110. Among the pro-Western elite of Nigeria, only one-third had been educated in Europe or America and only half had aended university at all. See Hugh H. Smythe and Mabel M. Smythe, The New Nigerian Elite (Stanford: Stanford University Press, 1960) , p. 76.
[16] Xem Douglas Pike, Viet Cong (Cambridge: MIT Press, 1966), pp. 422-435. Harold Lasswell and Daniel Lerner, World Revolutionary Elites (Cambridge: MIT Press, 1965) , p. 382.
[17] Robert Ward, “Japan,” in Modern Polical Systems: Asia, Ward and Macridis, eds. (Englewood Cliffs: Prence Hall, 1963), P. 85.
[18] Ibid.
[19] North, op. cit., p. 113.
[20] Xem George Tanham, “Nationalism and Revolution,” in Asia, No. 4 (Winter 1966), pp. 35-36.
[21] Scigliano, op. cit., 51ff.
[22] Harry Benda, “Non-Western Intelligentsias as Polical Elites,” in John Kautsky, Polical Change in Underdeveloped Countries (New York: Wiley, 1962), 234ff.
[23] Ibid.
[24] Joseph Buttinger, Vietnam: A Dragon Embattled (New York: Praeger, 1967) , pp. 198-99.
[25] Xem Herbert Feith, The Decline of Constitutional Democracy in Indonesia (Ithaca: Cornell University Press, 1962).
Bảng I: Trình độ học vấn của thành viên Nội các
Nội các | Diệm | Thơ | Hương | Kỳ | Cả 4 Nội các(*) | % |
Trình độ học vấn cao nhất | ||||||
Giao dục Hán Nôm | 1 | 0 | 0 | 0 | 1 | 19 |
Trường Kỹ thuật | 7 | 5 | 9 | 10 | 30 | 56.6 |
M.D. Ph.D, hay LL.D. | 4 | 3 | 4 | 4 | 17 | 32.1 |
Tổng cộng | 12 | 11 | 13 | 16 | 53 | 100.1(**) |
Không đủ dữ liệu | 3 | 4 | 2 | 1 | 26 | |
Tổng số thành viên Nội các | 15 | 15 | 15 | 17 | 79 |
(*) Cột này không phải là tổng số của bốn cột trước, vì có một số người của nội các Khánh và nội các Quát và có một số nhân sự trùng lặp giữa bốn nội các như đã nêu ở trong bài.
(**) Tổng số có thể hơn 100%, do làm tròn.
Bảng II: Nơi theo học Đại học của thành viên Nội các
Nơi theo học Đại học | Diệm | Thơ | Hương | Kỳ | Tất cả Nội các(*) | % |
Việt Nam | 3 | 3 | 3 | 3 | 15 | 37.5 |
Pháp, hay Việt Nam và Pháp | 4 | 5 | 5 | 4 | 16 | 40.0 |
Một phần ở Hoa Kỳ | 2 | 2 | 1 | 2 | 7 | 17.5 |
Nhật Bản, Anh Quốc | 0 | 0 | 1 | 1 | 2 | 5.0 |
Tổng cộng | 9 | 10 | 10 | 10 | 40 | 100.0 |
Không đủ dữ liệu | 6 | 5 | 5 | 7 | 39 | |
Tổng số thành viên Nội các | 15 | 15 | 15 | 17 | 79 |
(*) Những người trong Nội các Diệm, Thơ, Khánh, Hương, Quát hay Nội các đầu tiên của Kỳ.
Bảng III: Phân bố tuổi tác và tuổi và tuổi trung bình của thành viên theo Nội các
Nội Các | |||||
Năm sinh | Diệm | Thơ | Hương | Kỳ | Tất cả Nội các(*) |
1900-1904 | 2 | 0 | 1 | 0 | 3 |
1905-1909 | 1 | 1 | 2 | 1 | 4 |
1910-1914 | 3 | 5 | 3 | 1 | 13 |
1915-1919 | 4 | 4 | 3 | 0 | 8 |
1920-1924 | 1 | 0 | 3 | 6 | 12 |
1925-1929 | 0 | 3 | 1 | 5 | 10 |
1930-1934 | 1 | 1 | 1 | 1 | 3 |
1935-1940 | 0 | 0 | 0 | 1 | 1 |
Tổng cộng | 12 | 14 | 14 | 15 | 54 |
Không đủ dữ liệu | 3 | 1 | 1 | 2 | 25 |
Tổng số thành viên Nội các | 15 | 15 | 15 | 17 | 79 |
Tuổi trung bình khi nhậm chức | 47.9 | 45.2 | 47.6 | 41,4 |
(*) Những người trong Nội các Diệm, Thơ, Khánh, Hương, Quát hay Nội các đầu tiên của Kỳ.
Bảng IV: Nơi sinh của thành viên Nội các
Nội Các | ||||||
Nơi sinh | Diệm | Thơ | Hương | Kỳ | Tất cả Nội các(*) | % |
Nam | 6 | 11 | 8 | 6 | 28 | 50.0 |
Trung/Nam | 3 | 2 | 1 | 2 | 9 | 16.0 |
Trung/Bắc | 1 | 0 | 0 | 0 | 2 | 3.6 |
Bắc | 3 | 1 | 4 | 6 | 16 | 28.6 |
Nơi khác (Lào) | 0 | 0 | 0 | 1 | 1 | 1.8 |
Tổng cộng | 13 | 14 | 13 | 15 | 56 | 100.0 |
Không có dữ liệu | 2 | 1 | 2 | 2 | 23 | |
Tổng số thành viên Nội các | 15 | 15 | 15 | 17 | 79 |
(*) Những người trong Nội các Diệm, Thơ, Khánh, Hương, Quát hay Nội các đầu tiên của Kỳ.
Bảng V: Tương liên giữa nơi sinh và nơi đi học
Nơi sinh | |||
Nơi theo học Đại học | Nam (28) | Bắc (16) | Tổng cộng |
Việt Nam | 4 | 7 | 11 |
Tất cả hay một phần ở ngoại quốc | 15 | 4 | 19 |
Tổng cộng | 19 | 11 | 28 |
Không có dữ liệu | 9 | 5 | – |
Bảng VI: Lịch sử nghề nghiệp của thành viên Nội các [a]
1949-1954 | Diệm | |
Thành viên Nội các | 3 | 0 |
Quốc hội | 0 | 2 |
Tổng phụ: Văn phòng Chính trị | 3 (5.9%) | 2 (3.8%) |
Nhà giáo | 4 | 8 |
Thẩm phán, luật sư | 3 | 6 |
Tổng phụ:Chuyên gia (kể cả công chức chính phủ) | 7 (13.7%) | 14 (26.4%) |
Nhà báo | 4 | 8 |
Bác sĩ và Nha sĩ | 2 | 5 |
Nhân viên ngân hàng và doanh nhân | 3 | 4 |
Tổng phụ: Doanh nhân và người hành nghề tự do | 6 (11.8%) | 14 (26.4%) |
Lưu vong, hay du học | 13 (25.5%) | 2 (3.8%) |
Hoạt động với Việt Minh | 3 (2%) | 0 (0.0%) |
Tổng cộng | 51 (100%) | 53 (100.1%)* |
Không có dữ liệu | 28 | 26 |
[a] Đối với các thành viên trong nội các Diệm, cột này cho thấy nghề nghiệp trước năm 1960.
(*) Tổng số có thể hơn 100%, do làm tròn.
BẢNG VII: Lịch sử sự nghiệp trước thời ông Diệm của các thành viên Nội các, theo Nội các
DIỆM | THƠ | HƯƠNG | KỲ | |
Tổng Thư ký, Tổng Giám Đốc, v.v. | 1 | 3 | 1 | 1 |
Công chức cấp thấp | 3 | 3 | 3 | 1 |
Sĩ quan quân đội | 0 | 3 | 0 | 3 |
Nhà giáo | 1 | 0 | 2 | 1 |
Thẩm phán, luật sư | 0 | 1 | 1 | 1 |
Nhà báo | 0 | 1 | 0 | 0 |
Bác sĩ, Nha sĩ, Dược sĩ | 0 | 1 | 0 | 1 |
Nhân viên ngân hàng, doanh nhân | 0 | 1 | 1 | 1 |
Lưu vong, hay du học | 4 | 2 | 2 | 2 |
Hoạt động với Việt Minh | 0 | 0 | 1 | 0 |
TỔNG SỐ trong Nội các | 15 | 15 | 15 | 17 |
Không có dữ liệu | 5 | 1 | 4 | 6 |
BẢNG VIII: Thành viên của năm nội các từ các nội các trước
DIỆM | THƠ | KHÁNH | HƯƠNG | QUÁT | KỲ | Tất cả |
|
DIỆM | – | 2 | 0 | 0 | 0 | 0 | |
THƠ | – | 5 | 2 | 0 | 0 | ||
KHÁNH | – | 2 | 1 | 1 | |||
HƯƠNG | – | 1 | 1 | ||||
QUÁT | – | 5 | |||||
Tổng số thành viên | 15 | 15 | 18 | 15 | 19 | 17 | 99 |
Số thành viên ở 2 nội các | – | 2 | 5 | 4 | 2 | 6 | |
Tỉ số thành viên ở 2 nội các | 13.3% | 27.8% | 26.7% | 10.5% | 35.3% |
Về Tác giả DAVID WURFEL (Công dân Canada và Hoa Kỳ)
Sinh tại Seattle, Washington, USA; 22 tháng 5 năm 1929
Qua đời ở Seattle, Washington, Hoa Kỳ; Ngày 12 tháng 11 năm 2012
Học vấn
- Đại học Philippines, 1947-48
- San Diego State College, 1946-47, 1949-50; Cử nhân Khoa học Chính trị, 1950
- Đại học California tại Berkeley, 1950-51; Thạc sĩ Khoa học Chính trị, 1953
- Đại học Cornell, 1951-53, 1957-59; Tiến sĩ về Chính phủ và Nghiên cứu Châu Á, 1960
Kinh nghiệm giảng dạy
- Đại học Ki-Tô giáo quốc tế, Tokyo. Giảng viên, Phụ tá Giáo sư khoa Khoa học Chính trị, tháng 9 năm 1959 – tháng 7 năm 1962; PGS thỉnh giảng, tháng 4 – tháng 6 năm 1965; Giáo sư, 1993 – 95.
- Đại học Missouri, Columbia. Phó Giáo sư khoa Khoa học Chính trị, 1962 – 1964; PGS, 1964 – 1968.
- Đại học Singapore. Giảng viên thỉnh giảng khoa Khoa học Chính trị của Fulbright, tháng 6 năm 1964 – tháng 3 năm 1965.
- Đại học Michigan, Ann Arbor. PGS thỉnh giảng. Giáo sư khoa Khoa học Chính trị, 1966 – 67.
- Đại học Quốc tế Nhật Bản. PGS thỉnh giảng, tháng 9 – tháng 12 năm 1984.
- Đại học Windsor. PGS khoa Nghiên cứu Châu Á, 1968-69; PGS khoa Khoa học Chính trị, 1969-72; Giáo sư Nghiên cứu Đại học, 1990; Giáo sư, 1972-93; Giáo sư danh dự, 1994 -.
- Học viện Quan hệ Quốc tế, Hà Nội. Giảng viên thỉnh giảng, Jan. – Tháng 4 năm 1997 (dưới sự bảo trợ của Chương trình Nghiên cứu Quốc tế ở Châu Á, do Quỹ Ford bảo trợ.)
- Đại học Philippines, Diliman, Quezon City. Giảng viên thỉnh giảng khoa Khoa học Chính trị, Jan. – Tháng 4 năm 1998.
- Đại học Hawaii tại Manoa. GS thỉnh giảng Andrews khoa Nghiên cứu Châu Á, Jan. – Tháng 5 năm 2002.