Người Thiên Chúa giáo và hai tổng thống
Trần Giao Thủy
Giáo dân Thiên chúa chiếm gần 22% dân số Hoa Kỳ nghĩa là khoảng 72 triệu người, tương đương với số phiếu phổ thông tổng thống Trump nhận được trong cuộc bỏ phiếu tháng 11, 2020, nhưng ông đã thất cử, và đã về Mar-a-Lago làm cựu tổng thống Mỹ.
Một thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Pew Research Center) thực hiện năm 2015 cho thấy cộng đồng 70 triệu người này tương đối khá thuận thảo về một quan điểm xã hội: cấu trúc của gia đình. Đa số dân Thiên Chúa đều coi gia đình một cha một mẹ có hôn thú là mẫu mực (94%); tuy nhiên những cấu trúc gia đình khác vẫn chấp nhận được: cha mẹ không hôn thú (84%), cha mẹ đồng tính (66%), cha mẹ đơn thân (87%), cha mẹ ly dị (83%). Những quan niệm xã hội khác, người Thiên Chúa giáo cũng không phân cực, được số đông chấp nhận: vợ chồng chọn không sinh con (88%), Một đôi gồm hai người khác giới tính ở chung với nhau (85%), một đôi gồm hai người đồng tính ở chúng với nhau (70%)
Sự phân cực trong cộng đồng dân Thiên Chúa Giáo
Sự thuận thảo đó chấm dứt rạch ròi ở phạm trù chính trị. Trong năm năm qua, cộng đồng dân Thiên Chúa Mỹ chia đôi: một nửa quyết liệt ủng hộ nay là cựu tổng thống Trump, nửa còn lại không chấp nhận Trump một cách triệt để. Có rất nhiều lý do để dân Mỹ ủng hộ hay phản đối ông Trump. Sau đây chỉ là một vài động cơ chính tác động lên khối người ủng hộ ông.
Về mặt tâm lý – không nói đến ứng xử thủy chung bất nhất hay những nét khác về tính khí của ông Trump – chỉ nhìn vào khối cử tri ủng hộ ông ta. Tiến sĩ Khoa học Thần kinh Bobby Azarian, trong một bài nhận định trên Tạp chí Tâm lý Ngày nay (Psychology Today), cho rằng ông Trump được ủng hộ vì những lý do tâm lý sau đây:
Một vì hiệu ứng Dunning-Kruger: do thiếu hiểu biết – về căn bản những người ủng hộ Trump không được thông tin đầy đủ hoặc thông tin sai về các vấn đề thực tế. Khi Trump nói dối với họ rằng Coronavirus cũng giống như bệnh cúm thường; tình hình dịch bệnh “hoàn toàn trong tầm kiểm soát”; virus đã “biến mất” – họ đã tin những lời dối trá của ông ấy vì thiếu hiểu biết. Ông Trump đã nói dối, lửa phỉnh 30.573 lần trong 4 năm ở Tòa Bạch Ốc.
Hai là người bảo thủ dễ sợ hãi hơn người có khuynh hướng tự do dựa trên hai nghiên cứu thần kinh (2008 đăng trên tạp chí Khoa học/Science) và công năng MRI, đăng trên tạp chí “Sinh học Hiện tại” (Curent Biology, số 24, 2693–2699, November 17, 2014.) Mỗi khi ông Trump đưa ra lời dọa nạt chẳng hạn như người Hồi giáo và người nhập cư phía Nam nước Mỹ là mối nguy hiểm sắp xảy ra, chúng ta phải chặn họ lại bằng cách xây tường ở biên giới và buộc Mexico phải trả tiền, v.v. Não bộ của khối người ủng họ ông tự động phản ứng thay vì suy nghĩ dựa trên lô gíc và đương nhiên, họ sẽ hậu thuẫn những chính sách nhập cư quá đáng của ông ta vì lo sợ cho an ninh của bản thân và gia đình của họ.
Ba là Lý thuyết quản lý khủng bố. Lý thuyết này dự đoán rằng khi mọi người được nhắc nhở về cái chết của chính họ, xảy ra vì liên tục bị (Trump) đe dọa, họ sẽ bảo vệ mạnh mẽ hơn những người có chung thế giới quan và bản sắc quốc gia hoặc dân tộc của họ, và hành động mạnh hơn để chống đối những người khác họ.
Liên tục nhắc nhở về cái chết, nhấn mạnh mối đe dọa hiện sinh đã kích động mạnh chủ nghĩa dân tộc cực đoan, Trump đã tạo ra điều kiện tâm lý khiến bộ não phản ứng tích cực hơn là tiêu cực với những tuyên bố cố chấp và những tu từ gây chia rẽ. Kết quả là cuộc biểu tình bạo loạn của đám da trắng thượng đẳng chống lại đối phương hai ngày 11-12 tháng 8, 2017 ở Charlottesville, Va và cuộc tấn công khủng bố vào Điện Capitol tại Washington DC ngày 6 tháng 1, 2021 của nhóm Proud Boys, QAnon, Oath Keepers. Hành động của Trump còn ảnh hưởng đến thói quen của khối cử tri này khiến họ bỏ phiếu đế ủng hộ các ứng cử viên tổng thống bảo thủ như chính ông.
Những ai còn thắc mắc tại sao Trump không bị mất đi số người ủng hộ sau những lời bình luận, xúi dục mang tính xúc phạm, phạm trọng tội khinh tội đến nỗi phải bị luận tội lần thứ hai thì không cần tìm hiểu ở đâu xa hơn Lý thuyết Quản lý Khủng bố và coi 6000 tấm hình những người có mặt ở Quốc hội trong cuộc bạo loạn, tuyệt đại đa số là người Mỹ da trắng.
Có những lý do nào để người Mỹ không ưa Trump?
Khối cử tri không ưa ông Trump có thể có rất nhiều lý do khác nhau nhưng một tập hợp nhỏ những lý do tại sao có thể là họ căm ghét cá nhân Trump – sự thô tục (tuyên bố bóp l – – phụ nữ), nói láo (hơn 30000 lần trong 4 năm), không quan tâm đến người khác chỉ yêu mình, sự vô tâm và thậm chí dùng chủ nghĩa vô chính phủ, độc tài, trong cách quản trị và lãnh đạo của ông ấy.
Không phải vì bất đồng ý thức hệ, có rất nhiều người trong số những tiếng nói bảo thủ nổi bật như David Brooks, Peggy Noonan, Ross Douthat, William Kristol, Michael Gerson, Jennifer Rubin, Max Boot, Charles Krauthammer, Kathleen Parker, George Will, Bret Stephens, David Frum, v.v. đã phải tuyên bố Trump là một mối đe dọa cho công chúng và/hoặc đã tán thành Joe Biden hoặc bày tỏ quan điểm gần với mục đích của ông ấy hơn là của Trump.
Đặc biệt còn một lý do quan trọng khác khiến của tri của hai khối đã chọn chỗ đứng đối cực cho họ. Đó là suy giảm lòng tin đối với các thể chế của Mỹ – không chỉ trong chính phủ mà còn ở các trường đại học, trong giới truyền thông, giáo hội và những doanh nghiệp – đã là một khuynh hướng kéo dài hàng chục năm qua.
Những lý do khác có thể vì Trump trốn thuế (chỉ đóng 750 đô la cho 2016, 2017), trốn quân dịch (5 lần), vô thần (cầm kinh thánh ngược chỉ để chụp hình), bất trung, bất tín (trốn vợ thứ ba mới sinh con đi mua dâm), v.v..
Theo VoteCast, một cuộc khảo sát với hơn 110.000 cử tri trên toàn quốc do NORC tại Đại học Chicago thực hiện cho Associated Press thì có ½ dân thiên Chúa giáo người Mỹ ủng hộ ông Trump. Cạnh đó là một tập hợp nhỏ hơn nhiều, đó là đa số người Mỹ gốc Việt – họ tách rời khỏi khối người Mỹ gốc châu Á về mức ủng hộ ông Trump. Thăm dò năm 2020 của APIA cho thấy người Mỹ gốc Việt ủng hộ Trump (48%) nhiều hơn ủng hộ Biden (36%) và nhiều hơn tất cả các sắc dân Mỹ gốc châu Á khác. 38% coi họ thuộc đảng Cộng Hòa, 24% là cử tri độc lập, và 27% xem họ thuộc đảng Dân chủ. 45% bầu cho ứng viên đảng Cộng hòa ở Hạ viện, 32% bầu cho ứng viên đảng Dân chủ. 56% bầu cho ứng viên đảng Cộng hòa ở Thượng viện, 23% bầu cho ứng viên đảng Dân chủ ở Thượng viện.
Những vấn đề hàng đầu trong cuộc bầu cử 2020 đối với cử tri gốc Việt: Việc làm và nền kinh tế (70%); Y tế (63%), Giáo dục (68%). Với cả ba vấn đề này, cử tri gốc Việt đều đứng đầu bảng khối dân Mỹ gốc châu Á và cử tri gốc Việt cho rằng đảng Cộng hòa sẽ thực hiện những chính sách đó tốt hơn đảng Dân chủ: 48% vs 17% (Việc làm và nền kinh tế); 30% vs 27% (Y tế); 34% vs 21% (Giáo dục); Hơn nữa, cử tri gốc Việt cho rằng đảng Cộng hòa sẽ làm tốt hơn đảng Dân chủ ở hai mặt khác: 27% vs 23% (Kỳ thị và phân biệt đối xử); 35% vs 25% (Di dân/nhập cư)
Hội đồng Giám mục TCG Hoa Kỳ (USCCB) và tổng thống thứ 46 của Mỹ
Ngày 20 tháng 1 năm 2021, Joe Biden trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ và là tổng thống thứ nhì là người Thiên Chúa giáo sau John F. Kennedy (1961-1963).
Cũng vào ngày 20 tháng 1, 2021, Giáo hoàng Francis đã gửi thư chúc mừng tân tổng thống Mỹ. Giáo hoàng viết,
“Tôi cầu xin Chúa, nguồn của tất cả sự khôn ngoan và chân lý, hướng dẫn những cố gắng của ông nhằm cô vũ cho sự cảm thông, hòa giải và hòa bình tại Hoa Kỳ và giữa các quốc gia trên thế giới nhằm tiến tới lợi ích chung hoàn vũ.”
Giáo hoàng Francis
Thông điệp nồng nhiệt của GH Phanxicô trái ngược với tuyên bố chúc mừng tổng thống Mỹ do TGM José Horacio Gómez Chủ tịch Hội đồng Giám mục TCG Hoa Kỳ (USCCB) viết. Dù tuyên bố của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ có nhiều điểm mà Giáo hoàng đồng ý, tuy nhiên nó vẫn thể hiện một giọng điệu đối đầu, cảnh cáo cho rằng chính sách của chính quyền Biden sẽ gây ra
“tệ nạn đạo đức ở nhiều phương diện, đặc biệt là vấn đề phá thai, cũng như các biện pháp tránh thai, hôn nhân và giới tính. Điều đáng quan tâm sâu sắc là quyền tự do của Giáo hội và quyền tự do của các tín đồ để sống theo lương tâm của họ.”
HĐGMTCGHK/USCCB
Vatican chỉ biết về bản tuyên bố của USCCB. vài giờ trước khi nó được phát hành. Một viên chức cao cấp của Vatican nói với Tạp chí Dòng Tên “America” rằng “có lý khi nói” rằng Vatican đã can thiệp nhưng không xác nhận hoặc phủ nhận là bản tuyên bố của USCCB “bị trì hoãn vài giờ” như The Pillar, trang mạng truyền thông TCG, đã đưa tin đầu tiên. Khi liên lạc với Vatican, Tạp chí “America” nhận thấy có phản ứng tiêu cực trong hàng giáo phẩm đối với tuyên bố của Tổng Giám mục Gómez nhân danh USCCB, một viên chức cao cấp, không muốn nêu tên vì vị trí của ông tại Vatican, nói, “Đó là điều đáng tiếc nhất và có thể tạo ra sự chia rẽ thậm chí còn lớn hơn trong giáo hội ở Hoa Kỳ.”
Trong cuộc bầu cử năm 2020, ½ dân thiên Chúa giáo người Mỹ ủng hộ ông Trump, ½ kia ủng hộ ông Biden thì sau cuộc bầu cử, hàng giáo phẩm của Thiên Chúa giáo Hoa kỳ cũng đang tranh cãi và chia rẽ vì tuyên bố của Hội đồng Giám mục.
Đa số đã ủng hộ TGM Gómez như Hồng y Daniel Dinardo ở Galveston-Houston, về bản tuyên bố của USCCB, ông viết:
“TGM Gómez trình bày rõ ràng và tuyệt vời học thuyết xã hội và giáo lý của Giáo hội về phẩm giá con người như một lộ trình để lưu ý chính quyền mới.”
TGM Samuel Aquila của Denver viết,
“TGM Gómez đã lưu ý một cách đúng đắn rằng niềm tin và giáo lý của Giáo hội TCG không hoàn toàn phù hợp với bất kỳ đảng phái chính trị nào, nhưng hy vọng của tôi là Tổng thống Biden sẽ chấp nhận lời mời đối thoại thực sự với Giáo hội về mọi vấn đề, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quyền được sống và phẩm giá do Thiên Chúa ban cho con người.”
TGM Salvatore Cordileone của San Francisco viết,
“Tôi biết ơn TGM Gómez vì đã nói rõ một lần nữa rằng phản đối sự bất công trong việc phá thai vẫn là ‘ưu tiên hàng đầu’ của chúng ta, trong khi thừa nhận rằng ‘hàng đầu’ không có nghĩa là ‘duy nhất’. Người TCG phải và thực sự lên tiếng về nhiều vấn đề ảnh hưởng đến phẩm giá bình đẳng của tất cả chúng ta, nhưng nếu sự bắt đầu dễ bị tổn thương nhất không được bảo vệ, thì không ai trong chúng ta được an toàn. Khẳng định phẩm giá bình đẳng của con người ở mọi giai đoạn và mọi điều kiện là con đường dẫn đến sự hàn gắn và hiệp nhất.”
TGM của Portland ở Oregon Alexander Sample viết trên Twitter:
“Dù rằng chúng ta cầu nguyện cho tân Tổng thống, tôi mạnh mẽ ủng hộ toàn diện tuyên bố của TGM Gómez, Chủ tịch USCCB phát hành hôm nay.” @ArchbishpSample
Trên Twitter nhiều người khác cũng đã lên tiếng ủng hộ tuyên bố của HĐGM Hoa Kỳ như TGM Allen Vigneron của Detroit, GM James Conley của Lincoln, GM Donald Hying của Madison, GM Thomas Paprocki của Springfield, Illinois, GM Steven Raica của Birmingham, GM Kevin Rhoades của Fort Wayne-South Bend, GM Thomas Tobin của Providence, James Wall của Gallup
Tuy nhiên, một tiếng nói trái chiều với bản tuyên bố của HĐGM Hoa kỳ là Hồng Y Blase Cupich của Chicago; trong một tuyên bố gửi đến các nhà báo bằng điện thư vào chiều thứ Tư, 20/1/2021, ông viết,
“Hôm nay, Hội đồng Giám mục TCG Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố thiếu cân nhắc vào ngày nhậm chức của Tổng thống Biden. Ngoài thực tế là dường như không có tiền lệ để làm như vậy, tuyên bố chỉ trích Tổng thống Biden đã gây bất ngờ cho nhiều giám mục, chỉ nhận được bản tuyên bố vài giờ trước khi nó được phát hành.
Bản tuyên bố đó được soạn thảo mà không có sự tham gia của Ủy ban Hành chính, một cuộc tham vấn tập thể là điều bình thường đối với những tuyên bố đại diện cho và nhận được sự tán thành của các giám mục Hoa Kỳ. Những thất bại về tổ chức trong nội bộ liên quan phải được giải quyết, và tôi mong được đóng góp vào tất cả các nỗ lực cho mục đích đó, với cảm hứng từ Phúc âm, chúng ta có thể xây dựng sự hiệp nhất của Giáo hội, và cùng nhau thực hiện công việc chữa lành đất nước của chúng ta trong thời điểm khủng hoảng này.”
Hồng Y Blase Cupich của Chicago.
David Gibson, giám đốc Trung tâm Tôn giáo và Văn hóa của Đại học Fordham cho biết:
“Đơn giản là ban lãnh đạo USCCB không thể ủng hộ quan điểm về sự cam kết và thiện chí mà Giáo hoàng Francis đã yêu cầu ở họ. Việc Giáo hoàng gọi điện để chúc mừng Biden và thảo luận làm việc cùng nhau trong khi các giám mục Mỹ đúc kết cuộc họp của họ bằng một kế hoạch đấu đá với tân tổng thống đã nói lên tất cả.”
David Gibson
Natalia Imperatori-Lee, giáo sư nghiên cứu tôn giáo tại trường Cao đẳng Manhattan, cũng thất vọng với USCCB. Bà viết trong điện thư cho AP,
“Có vẻ như họ muốn bắt đầu một mối quan hệ đối kháng với vị tổng thống người Thiên Chúa giáo thứ hai của đất nước này. Đây là điều thật kinh khủng.”
Natalia Imperatori-Lee
TGM Gómez đã hoan nghênh nhiều quan điểm của Biden, gồm cả vấn đề nhập cư, công bằng chủng tộc và biến đổi khí hậu. Nhưng một số giám mục bảo thủ, với lý do giáo hội phản đối việc phá thai, đã thẳng thắn chỉ trích sau khi Gomez chúc mừng Biden đắc cử.
Tóm lại, như TGM Salvatore Cordileone của San Francisco viết, phản đối sự bất công trong việc phá thai vẫn là ‘ưu tiên hàng đầu’ dù không phải là vấn đề ‘duy nhất’ của người Thiên Chúa giáo và nó là động lực chính giáo hội và giáo dân Hoa Kỳ đang dùng để chỉ trích chính quyền Biden-Harris.
Trở lại với giáo dân Thiên Chúa người Việt Nam và người gốc Việt Nam. Như đã trình bầy ở trên, người gốc Việt ở Mỹ đa số ủng hộ cựu tổng thống Trump đã và vẫn uất ức từ khi ông Biden thắng cử và trở thành tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Những bài viết, ý kiến hay video của họ trên những mạng xã hội như YouTube và nhất là Facebook đã cho thấy rõ điểm này. Dường như số người Thiên chúa giáo ủng hộ ứng cử viên, nay là tổng thống Biden, ngoài việc thuộc về nhóm thiểu số theo phép tính đơn giản dựa vào kết quả thăm dò của APIA nêu trên, họ có vẻ ít ồn ào, ít to tiếng và ít quyết liệt hơn. Đây cũng là một điểm lý thú cần tìm hiểu thêm.
Một điểm đáng lưu ý, tuyệt đại đa số những người Việt ủng hộ cựu tổng thống Trump trong cuộc bầu cử 2020 đang triệt để công kích chính quyền Biden-Harris dường như hoàn toàn làm ngơ đối với chính quyền độc tài độc đảng ở Việt Nam. Họ hiện đang chuẩn bị chọn ban lãnh đạo mới để cai trị 90 triệu người dân trong nước. Trong đại hội lần thứ XIII này, đảng CSVN định leo lên đỉnh điểm độc tài bằng độc tài cá nhân để củng cố cho chế độ độc tài đảng trị: Nguyễn Phú Trọng, 76 tuổi, có thể sẽ ngồi lại ghế Tổng bí thư đảng CSVN lần thứ ba. Ban văn công cộng sản vừa tung ra một “quảng cáo” cho Nguyễn Phú Trọng dưới dạng một video tốp ca bài “Bác ơi, xin Bác đừng về”, lời lẽ rất nặng mùi “Bác ơi, xin Bác đừng về / Bác làm khóa nữa phất cờ cho đất nước mình bay lên.”
Trên mạng xã hội Facebook của một tu sĩ TCG không giáo phận, không nhà thờ, không dài dòng giải thích, ông treo tấm ảnh 3 người Biden-Harris-Pelosi (đương kim tổng thống, phó tổng tống và chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ) với hàng chữ tiếng Anh, “Biden, Harris, Pelosi! Say “Freedom of Abortion” to your mothers!!”. Ở phần tiếng Việt ông Phan Văn Lợi cũng ngắn gọn viết,
“Hỡi Biden, Harris, Pelosi, hãy nói “Tự do phá thai” với mẹ của các người!”
Phan Văn Lợi, Facebook, Jan 24, 2021.
Tính đến hôm 30/1/2021, tuyên bố này của Phan Văn Lợi có 667 người xem, 442 nhận xét và 216 lượt phát tán đi nơi khác. Sau đây có lẽ lời góp ý lạc lõng nhất:
“Cha ơi đảng Dân chủ ủng hộ quyền tự quyết của người phụ nữ – họ có quyền giữ thai hay bỏ. Điều này khác với việc ủng hộ phá thai.”
Vũ Quốc Ngữ
Rõ ràng, ông Vũ Quốc Ngữ cố ném cái phao cứu để ông Phan Văn Lợi khỏi bị chìm và ngạt thở vì hiệu ứng Dunning-Kruger (thiếu hiểu biết vì không được thông tin đầy đủ hoặc thông tin sai về các vấn đề thực tế). Cố gắng của ông Ngữ chừng như viên sỏi ném xuống sông, không thay đổi được dòng nước trôi đi trong cuồng loạn. Hai ngày sau, 26/4, ông Phan Văn Lợi lại tiếp tục; lần này ông đăng hình rất kinh dị, không đúng sự thật với những dòng chữ “… giết thai nhi vô tội”. Tấm hình bị ban điều hành mạng Facebook che lại và dán nhãn nội dung ghê rợn.
Ông Vũ Quốc Ngữ là một người hoạt động, giám đốc điều hành của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) từ năm 2015 và đã sống ở nước ngoài từ tháng 10/2017 vì bị nhiều áp lực.
Trường hợp khác. Một người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ, có tên đứng đầu ban biên tập của Nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân, vừa đăng một bài tựa đề “Đã đến lúc ông Jos Biden không thể né tránh” trên trang mạng Chính Nghĩa Việt Nam Cộng Hòa, ngày 29 tháng 1, 2021. Cuối bài tác giả Trần Phong Vũ ghi “Miền Nam California ngày Thứ Năm 28-01-2021”.
Trang mạng Chính Nghĩa Việt Nam Cộng Hòa cắt và dán nguyên văn kể cả lỗi typo của tác giả viết sai tên của tổng thống Hoa Kỳ là “Jos Biden” thay vì Joe Biden.
Bài viết gần 3500 con chữ, tác giả trình bầy về nội dung quan điểm của bản tuyên bố HĐGM và những phản ứng khác. Ở đây người viết chỉ nhận định về một số ý kiến của cá nhân tác giả.
Phán quyết vụ án Roe kiện Wade (RvW)
Về phán quyết vụ RvW, tác gỉa Trần Phong Vũ viết, tô đậm và gạch dưới để nhấn mạnh,
“…nhân kỷ niệm phán quyết Roe kiện Wade, TT tân cử Joseph Biden đã hết lời ca ngợi sự ra đời của phán quyết phi nhân bản này và còn cam kết sẽ luật pháp hóa nó với mục tiêu cột buộc tất cả mọi tiểu bang, mọi thành phố phải cho phép phá thai thả giàn, chống lại niềm tin căn bản của Giáo Hội Chúa Kitô.”
Trần Phong Vũ
Sau đây là trích dịch một phần nguyên văn bản “Tuyên bố của Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris về Lễ kỷ niệm 48 năm Roe v. Wade” đăng ngày 22, tháng 1, 2021 trên trang chính thức của Tòa Bạch Ốc.
“Hôm nay đánh dấu 48 năm phán quyết mang tính bước ngoặt của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ trong vụ RvW.
Trong bốn năm qua, sức khỏe sinh sản, gồm cả quyền được lựa chọn, đã bị tấn công cực độ và không ngừng. Chúng tôi cam kết hết sức để mọi người đều được có cơ hội được chăm sóc – kể cả chăm sóc sức khỏe sinh sản – bất kể thu nhập, chủng tộc, mã vùng, tình trạng bảo hiểm y tế hoặc tình trạng nhập cư.
Chính quyền Biden-Harris cam kết hệ thống hóa vụ RvW và bổ nhiệm các thẩm phán tôn trọng các tiền lệ căn bản như vụ RvW. Chúng tôi cũng cam kết bảo đảm sẽ nỗ lực để xóa bỏ sự chênh lệch về sức khỏe giữa mẹ và trẻ sơ sinh, tăng cơ hội [cho phu nữ] tiếp cận các biện pháp tránh thai và hỗ trợ kinh tế cho gia đình để tất cả các bậc cha mẹ đều có thể xây dựng gia đình họ một cách đàng hoàng…”
Tòa Bạch Ốc
Nhìn chung, nhận xét và diễn giải của tác giả Trần Phong Vũ về “Tuyên bố của Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris về Lễ kỷ niệm 48 năm Roe v. Wade” có nhiều sai lệch nếu không nói là bóp méo, xuyên tạc sự thật.
Thứ nhất, TT Biden không hề “hết lời ca ngợi sự ra đời của phán quyết” RvW, Tổng thống và Phó tổng thống gọi phán quyết RvW mang tính “bước ngoặt”. Nói cách khác phán quyết RvW là một sự thay đổi quan trọng, căn bản, đặc biệt trong đời sống văn hóa, xã hội và chính trị Hoa Kỳ.
Thứ hai, TT Biden cũng không hề “cam kết sẽ luật pháp hóa nó” mà “Chính quyền Biden-Harris cam kết hệ thống hóa vụ RvW”. Tác giả TPV đã vô tình hay cố ý dịch sai nghĩa từ “codifying” là “luật pháp hóa” trong khi nghĩa của codifying “là sắp xếp thông tin theo một thứ tự hợp lý mà người khác có thể làm theo”.
Thứ ba, đoạn cuối cùng, “với mục tiêu cột buộc tất cả mọi tiểu bang, mọi thành phố phải cho phép phá thai thả giàn, chống lại niềm tin căn bản của Giáo Hội Chúa Kitô”, tác giả Trần Phong Vũ cường điệu, trắng trợn bóp méo sự thật, vu khống tổng thống Biden.
Một số chi tiết giải thích rõ hơn về phán quyết vụ RvW
Đầu tiên, phán quyết về vụ RvW là một phán quyết quan trọng trong lịch sử tư pháp Hoa Kỳ. Đây là một phán quyết của Tối cao Pháp Viện (7 thuận – 2 chống) – cơ quan tư pháp cao nhất của nền dân chủ pháp trị, tam quyền phân lập của Hoa Kỳ – ban hành ngày 22 tháng 1, năm 1973. Trước khi có phán quyết về vụ RvW, phá thai là bất hợp pháp trên khắp nước Mỹ kể từ cuối thế kỷ 19. Tác giả Trần Phong Vũ không hề đề cập đến “Tối cao Pháp viện” hay “tòa án tối cao” trong đoạn cáo buộc tổng thống Biden nói trên.
Trong phán quyết đó, Tối cao Pháp Viện Hoa Kỳ cho rằng
- Quyền phá thai của phụ nữ mặc nhiên là quyền riêng tư được Tu chính án thứ 14 (Mệnh đề Thủ tục tố tụng, Due Process of Law) của Hiến pháp bảo vệ.
- Nhưng quyền phá thai không phải là tuyệt đối. Nó phải được cân bằng với lợi ích của chính phủ trong việc bảo vệ sức khỏe phụ nữ và cuộc sống trước khi sinh.
Như vậy, phán quyết của Tối cao Pháp viện về vụ RvW đã là luật pháp quốc gia từ năm 1973 khẳng định quyền và giới hạn quyền này của phụ nữ tùy theo tuổi của bào thai. Phá thai là quyền hợp pháp có giới hạn ở tất cả các tiểu bang của Hoa Kỳ và mỗi tiểu bang đều có ít nhất một phòng khám phá thai.
Tu chính án thứ 14 bảo vệ quyền riêng tư của công dân tương tự như Tu chính án thứ nhất đều có giới hạn của nó.
“Tu chính án thứ nhất quy định rằng Quốc hội không làm bất cứ luật nào về việc thành lập tôn giáo hoặc cấm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng. Nó bảo vệ quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp và quyền đòi Chính phủ giải quyết khiếu nại.”
Tu chính án thứ nhât, HP Hoa Kỳ
Giới hạn điển hình của tu chính án này là tự do ngôn luận không có nghĩa là tự do phát tán tin vịt, tuyên truyền sai lệch trên mạng xã hội hay kích động bạo loạn. Ngay cả đang ở vị trí tổng thống ông Trump đã bị nhiều mạng xã hội (không phải chính quyền Mỹ) xóa trương mục theo luật lệ riêng của những công ty đó. Và dù là tổng thống ông Trump đã bị Hạ viện luận tội vì kích động quần chúng nổi loạn, tấn công và khủng bố ở Điện Capitol hôm 6 tháng 1, 2021.
Dân chúng được quyền tự do tụ tập hoan hô, đả đảo, cổ vũ, chống đối trong ôn hòa; nhưng khi họ dùng bạo lực tấn công vào Quốc hội khủng bố nghị viên và nhân viên ở đó thì rất nhiều người đang bị nhân viên công lực truy bắt và đang bị truy tố theo luật liên bang của Hoa Kỳ.
Do đó, nếu có đủ thông tin và hiểu được phán quyết về vụ RvW của Tối Cao Pháp Viện không ai có thể viết “luật pháp hóa” những điều đã là luật. Hơn nữa làm luật là trách nhiệm của lưỡng viện lập pháp Hoa Kỳ chứ không thuộc quyền hành pháp của tổng thống.
Nếu là người lương thiện có và hiểu được vấn đề RvW thì cũng không ai có thể trơ trẽn cáo buộc Biden “cột buộc tất cả mọi tiểu bang, mọi thành phố phải cho phép phá thai thả giàn” vì mỗi tiểu bang đều đã có phòng khám phá thai cho phụ nữ, nhưng không thể có chuyện “phá thai thả giàn” vì những giới hạn đã ghi trong phán quyết của Tối cao Pháp viện ngày 22/2/1973.
Biden “chống lại niềm tin căn bản của Giáo Hội Chúa Kitô”?
Người viết thú nhận không biết nhiều về đời sống riêng tư của người công dân Mỹ tên là Joseph Biden Jr. Ngay cả cái tên đệm Robinette cũng là điều mới biết khi nghe ông tuyên thệ nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ. Biden Jr. là con cả trong một gia người Mỹ theo Thiên Chúa giáo. Khi vừa 30 tuổi Biden đã trở thành gà trống nuôi hai con trai mới 2 và 3 tuổi vì mất vợ và cô con út trong một tại nạn giao thông. Trong suốt 36 năm làm việc ở thủ đô, Biden vẫn đi và về mỗi ngày từ nhà ở Wilmington, Delaware đến thủ đô Washington DC và trở lại, 90 phút mỗi lần. Năm năm sau khi mất vợ với con, Biden tái giá với cô giáo Jill Tracy Jacobs vào năm 1977. Trong cuốn “Promises to Keep” xuất bản năm 2007, vì bi kịch gia đình, ông rơi vào khủng hoảng niềm tin tôn giáo và Biden đã “cảm thấy Chúa đã bắt ông chịu nỗi đoạn trường khủng khiếp”. Biden và vợ đã chung sống đến nay gần 44 năm và đã có thêm được một người con gái. Ông không phải là người đổi vợ hai lần hay trốn vợ mới sanh đi mua dâm và bị kiện đến nỗi phải trả đến 130.000 đô-la cho một cô gái làng chơi. Biden đã cố vượt qua những bi kịch gia đình, mất vợ mất con rồi lại mất con, sống đời bình thường như đa số những người Thiên Chúa giáo khác. Khó có thể cho rằng một người Thiên Chúa giáo Mỹ với cuộc sống đời thường như Biden “chống lại niềm tin căn bản của Giáo Hội Chúa Kitô”.
Còn chính khách Biden, tổng thống Biden thì sao? Rõ ràng khi tuyên thệ nhậm chức dù là ở vai trò Thượng Nghị sĩ, Phó tổng thống hay khi nhận trách nhiệm Tổng thống Hoa Kỳ ngày 6 tháng 1, 2021, Biden đã công khai tuyên thệ trước quốc dân đồng bào của ông Lời Thề như đã ghi rõ trong Điều II, Mục I, Khoản 8 của Hiến pháp Hoa Kỳ:
“Tôi long trọng tuyên thệ (hoặc khẳng định) rằng tôi sẽ trung thực làm tròn trách nhiệm Tổng thống Hoa Kỳ, và sẽ bằng hết khả năng của mình, giữ gìn, bảo vệ và chống giữ Hiến pháp Hoa Kỳ.”
Lời tuyên thệ của tổng thống Hoa Kỳ
Vì là một quốc gia thế tục với nền dân chủ đa nguyên, không còn nghi ngờ gì, cơ sở pháp lý của nền Cộng hòa Hoa Kỳ dựa trên một tổng hợp các nguyên tắc căn bản hoặc các tiền lệ gọi là Hiến Pháp chứ không phải “niềm tin căn bản của Giáo Hội Chúa Kitô” hay của bất kỳ một tôn giáo nào khác.
Khái niệm tách biệt thần quyền và thế quyền trong một quốc gia thế tục (secular state) đã có từ ngày Hoa Kỳ lập quốc. Nghĩa là quyền lực của quốc gia là chính thức trung lập về các vấn đề tôn giáo, không hỗ trợ cũng không phản đối bất kỳ tôn giáo nào. Một quốc gia thế tục đối xử bình đẳng với tất cả công dân của mình bất kể tôn giáo và không phân biệt đối xử với công dân dựa trên niềm tin tôn giáo của họ, hay vì họ thuộc về hay không thuộc về một tôn giáo nào so với những người có lý lịch khác. Các quốc gia thế tục không có quốc giáo.
Trong nền dân chủ Hoa Kỳ, “Tu chính án thứ nhất quy định rằng Quốc hội không làm bất cứ luật nào về việc thành lập tôn giáo hoặc cấm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng” đồng thời không có giáo hội nào có thể làm áp lực với những người lãnh đạo quốc gia phải lấy“niềm tin căn bản” của bất kỳ giáo hội của họ làm cương lĩnh lãnh đạo quốc gia.
Người dân TCG Hoa Kỳ được Hiến pháp bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng; họ có quyền dựa vào niềm tin cốt lõi của giáo hội, lấy việc chống phá thai là ‘ưu tiên hàng đầu’ trong tất cả mọi sinh hoạt văn hóa xã hội hay chính trị của riêng họ.
Những câu hỏi, cũng là một hệ luận của thực tế: hơn 35 triệu người dân TCG đã bầu cho Biden-Harris (không chọn Trump-Pence) không có niềm tin sâu sắc vào giáo lý của Thiên Chúa giáo? Họ không phải là tín hữu thuần thành chăng? Ai có quyền leo lên bục giảng để đánh giá những con chiên đó của Chúa Ki-tô?
Chỉ có những chính quyền độc tài, kỳ thị tôn giáo, sắc tộc mới đàn áp những nhóm người không cùng với tôn giáo, văn hóa của sắc dân đa số như Miến Điện đang đàn áp người Hồi giáo Rohingya ở Rakhine hay Trung Hoa cộng sản đang đàn áp người Hồi giáo Uighurs ở Tân Cương.
Mở đầu tiểu mục “Phản ứng của công luận khắp nơi”, tác giả Trần Phong Vũ” viết.
“Ngay sau khi ông Biden và bà Harris lên tiếng ca ngợi và cam kết sẽ luật hóa phán quyết Roe kiện wade, mở đường cho tệ nạn truy sát hàng loạt những bào thai vô tội còn trong lòng mẹ, một cao trào đối kháng đã bùng ra khắp nơi.”
Trần Phong Vũ
Trên đây là một câu tuyên truyền trơ trẽn, một bịa đặt trắng trợn để cáo buộc và quy chụp, một thuyết âm mưu rẻ tiền không thể chứng minh được; nó tệ hơn cả những văn bài vớ vẩn của ban tuyên giáo đảng cộng sản Việt Nam, nhưng có thể xếp tương đương với thuyết âm mưu của Rudy Giuliani và Sidney Powell về việc máy Dominion đánh tráo phiếu của Donald Trump thành phiếu của Biden.
Biden và Harris mở con đường nào, ở đâu, và làm thế nào để họ “truy sát hàng loạt những bào thai vô tội còn trong lòng mẹ”? Đúng là điên cuồng và hoảng loạn vì chỉ có phụ nữ mới có quyền quyết định mang thai và có quyền quyết định (trong giới hạn) bỏ thai họ đang mang.
“Một cao trào đối kháng đã bùng ra khắp nơi” của tác giả là một cuộc tuần hành chống phá thai tổ chức thường niên tại San Francisco vào ngày thứ Bẩy gần ngày phán quyết vụ RvW, 22 tháng 1, mỗi năm. Năm nay có hàng ngàn người tham dự cuộc tuần hành bất chấp đại dịch COVID-19. Thường những sự kiện có tổ chức và lại được tổ chức hàng năm thì không thể gọi là “cao trào đối kháng đã bùng ra”.
Để cho hai chữ “khắp nơi” có chút ý nghĩa tác giả trích dẫn nhận xét của một Hồng y người Đức tên là Gerhard Ludwig Müller chỉ trích chính quyền Biden và cá nhân tổng thống Mỹ mới 20 ngày sau khi nhậm chức.
HY Gerhard Ludwig Müller là ai trong giáo hội? Hồng Y Müller từng giữ vị trí Tổng trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức Tin do GH Benedict XVI bổ nhiệm từ 2012. Ngày 1 tháng 7, 2017, GH Francis đã giải nhiệm thay vì tái bổ nhiệm HY Müller và bổ nhiệm TGM Luis Ladaria, 73 tuổi, nhà thần học Dòng Tên người Tây Ban Nha thay thế. Giáo hoàng Francis quyết định thay vị Hồng y bảo thủ, người đã công khai đặt vấn đề về những nỗ lực của Giáo hoàng nhằm tạo ra một giáo hội bao hàm và hòa nhập hơn, gồm cả những người TCG đã ly hôn. HY Müller coi những người ly hôn là “khuyết tật”. Theo tiêu chuẩn Müller thì cựu tổng thống Donald Trump “khuyết tật” đến hai lần.
Theo tin của Cơ quan Thông tấn Thiên Chúa giáo của Đức (KNA) vào đầu năm 2020, Hồng Y Mueller đã so sánh cuộc đối thoại cải tổ giáo hội đang diễn ra với những sự kiện thời Đức Quốc xã.
Giám mục Franz Jung của Wuerzburg nói rằng những nhận định này của Mueller “rất không đúng chỗ.”
HY Muller cho rằng Synodal Path (các hội nghị của Giáo hội Công giáo ở Đức) dựa trên các nghị quyết của Hội đồng Giám mục Đức (thời Hitler), “Vậy thì quý vị cũng phải đứng về phía họ [Nazi].”
Mueller đã vẽ ra sự tương đồng giữa tiến trình đi đến quyết định của Synodal Path ở Frankfurt với cái gọi là Đạo luật cho phép của quốc hội Đức Reichstag năm 1933. Mueller nói với cổng thông tin Canada LifeSiteNews, “Trong một quá trình tự sát, đa số quyết định rằng quyết định của họ có giá trị ngay cả khi chúng trái với giáo lý Công giáo.”
Trong khi đó, nhóm giáo dân TCG cao nhất ở Đức, Ủy ban Trung ương TCG Đức (ZdK), cũng chỉ trích các nhận định của Hồng y Mueller. Chủ tịch ZdK, Thomas Sternberg, nói với Hãng thông tấn TCG Đức (KNA), “Có những lời chỉ trích tự loại bỏ chính nó vì không đủ tư cách. Nó bị loại bỏ khỏi cuộc sống hàng ngày đến mức không ai có thể coi trọng nó.”
Sternberg nói tiếp, với nhận định đó, Mueller đã “chống lại thỏa thuận chính của các tín hữu TCG và tuyệt đại đa số anh em giám mục.”
Linh mục dòng Tên Bernd Hagenkord trước đây là người đứng đầu ban tiếng Đức của Vatican Radio cũng gay gắt chỉ trích sự so sánh khập khiễng của Mueller là độc hại và phá hoại, ông nói, “Đây không phải là tinh thần của giáo hội.”
Theo Dawn Eden Goldstein, một tác giả và nhà báo Hoa Kỳ chuyên viết về Thiên Chúa Giáo Mỹ thì Gloria, Công chúa của Thurn và Taxi, một doanh nhân người Đức, một người làm từ thiện, hoạt động TCG và một nghệ sĩ, trong một buổi nói chuyện của HY Müeller tại Washington DC, ngày 25 tháng 10, 2019, đã giới thiệu
“Người duy nhất hiện nay cho chúng ta nhìn thấy rõ là Donald Trump và Hồng y Ludwig Müeller! Tôi dám nói rằng Hồng y Müeller ngày nay là Donald Trump của Giáo hội Thiên Chúa giáo.”
Princess Gloria (TNT)
Như vậy tưởng đã quá đủ về “uy tín” của Hồng y Gerhard Ludwig Müller.
Kết luận
Tóm lại, tác giả Trần Phong Vũ, nói riêng cũng như tu sĩ Phan Văn Lợi và một số người triệt để phù Trump, đang cố gắng hết sức chỉ trích tổng thống Biden vì “niềm tin căn bản của Giáo Hội Chúa Kitô”, chống phá thai. Tuy nhiên lý luận của tác giả không vững và không thuyết phục vì những lý do sau đây.
Trước nhất, phần lớn bị nhiễm xạ của hiệu ứng Dunning-Kruger. Kế đến, là bịa chuyện, tuyên truyền bằng thuyết âm mưu; thứ ba là dựa vào lập trường đang bị chỉ trích của cánh bảo thủ cực hữu trong giáo hội TCG; thứ tư là cường điệu chém gió bằng “những tu từ trống rỗng”. Cuối cùng là không lắng nghe lời cầu nguyện của Giáo hoàng Francis, “Lạy Chúa, xin dạy chúng con vượt lên trên chính mình, và lên đường tìm sự thật… Xin ban cho chúng con ân sủng … và sự trung thực cần thiết để nói với người khác những gì chúng con đã thấy”.
Ở đây người viết chỉ “làm chứng cho sự thật bằng cách vạch trần ‘tin bịa đặt’” như dề nghị của Giáo hoàng Francis.
Một ngày mùa Đông trong đại dịch COVID-19, cuối tháng 1, 2021.
© 2021 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: DCVOnline biên tập và minh họa