Đại dịch Coronavirus: Mọi chuyện khởi đầu ra sao

Nhóm phóng viên của tuần báo Die Zeit | Phạm Hồng-Lam dịch

Bài tường thuật những diễn tiến trong giai đoạn ban đầu của cơn đại dịch trong bốn quốc gia: Trung Hoa, Iran, Đức và Mỹ. Vì quá dài, người dịch chỉ giữ lại phần của Trung Hoa và Mỹ. Phần trình bày về hai quốc gia này được các phóng viên trực tiếp tìm hiểu tại chỗ, ở Vũ Hán và ở Mỹ.

Tháng 3 năm 2020: Tại Bắc Kinh, các tình nguyện viên khử trùng một khu chung cư. Tại Berlin, Thủ tướng kêu gọi người Đức “cùng nhau đoàn kết hành động” bằng bài phát biểu trên truyền hình. © Kevin Frayer / Getty Hình ảnh; Steffen Kugler / Chính phủ liên bang / ddp

Ngày 30.12.2019 bà bác sĩ Ai Fen (Ái Phương) của Bệnh Viện Trung Ương Vũ Hán cầm trong tay một mảnh giấy, mà bà hy vọng rằng, nó sẽ giải mã cho căn bệnh phổi kỳ lạ mình đang phải đối diện. Từ hai tuần nay số người bệnh với triệu chứng cảm sốt và ho được chở tới càng ngày càng nhiều. Chữa trị bằng trụ sinh và các thứ thuốc khác đều vô hiệu. Đa số bệnh nhân là người buôn bán và làm việc trong khu chợ bán thú rừng của Vũ Hán. Họ bị tấn công bởi một thứ gì đó, mà mọi thứ thuốc hiện có đều vô tác dụng.

Ái Phương, 46 tuổi, một bác sĩ giàu kinh nghiệm, từ mười năm nay làm việc ở khoa cấp cứu và hiện là trưởng khoa của bệnh viện này. Bà đã cho làm một loạt xét nghiệm. Và hôm nay, ngày 30 tháng 12, bà có trong tay bản phúc trình của phòng nghiệm. Đó là một bản văn với nhiều số liệu và từ ngữ chuyên môn. Ái Phương bắt đầu đọc. Bà chú ý tới một từ ngữ quan trọng: “Sars-Coronavirus”.

Bác sĩ Ai Fen. Nguồn: RSF (Ký giả Không Biên giới)

Bà sao bản văn trên máy vi tính và chuyển cho một nam đồng nghiệp khác ở Vũ Hán. Và bác sĩ này lại chuyển đi tiếp. Bản tin về một loại virus mới được chia sẻ trong giới bác sĩ của thành phố 11 triệu dân Vũ Hán và tiếp tục tán phát cùng với những tin tức và tài liệu y tế liên quan. Bản tin rời thành phố, rời nước Tàu, rồi tới Đài-loan, tới New York và tới tay chuyên gia dịch tễ Marjorie Pollack.

Pollack là phó giám đốc của ProMED-mail, một tổ chức chuyển tin về các bệnh lây nhiễm cho thế giới, với 80 ngàn địa chỉ đặt tin trên khắp địa cầu. ProMED-mail có mức độ tin cậy cao. Năm 2003 nó là định chế đầu tiên bên ngoài Trung Hoa đã thông báo sự khởi phát của dịch bệnh phổi Sars ở Trung Hoa. Thời đó Pollack cũng đã có mặt. Bà nói về cái ngày 30.12.2019 đó: “Tôi hiểu ngay, đó là sự lặp lại của chuyện đã xẩy ra trước đây.”

Tối hôm đó bà nhận được một thông tin từ Đài-loan. Bà nhớ lại, “người đó viết cho tôi biết, trong thành phố Vũ Hán xuất hiện những người bị viêm phổi không rõ nguồn phát.”  Pollack và các đồng nghiệp nỗ lực tìm kiếm nguồn tin thứ hai, và họ đã gặp: một phóng viên của trang tin China Business News đã có được sự xác nhận của các cơ quan nhà nước Trung Hoa về những người bệnh đó.

Bác sĩ, chuyên gia dịch tễ Marjorie Pollack, Phó Chủ biên ProMED-mail. Nguồn: https://www.oliverwymanforum.com

ProMED-mail tức tốc phát đi cho thế giới biết bản tin cảnh báo về căn bệnh phổi kỳ lạ ở Vũ Hán. Lúc đó là 23 giờ 59 phút ngày 30.12.19 ở New York; ở Berlin là 5.59 giờ sáng ngày 31.12.19; và tại Beijing đã là 12.59 giờ trưa.

Các chính phủ, các chủ công ti và công luận lúc đó chưa hiểu chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng trong thế giới chuyên gia y tế người ta đã hiểu rằng, chắc chắn sẽ có chuyện rất khó dự đoán xẩy tới.

Khủng hoảng hoàn vũ về dịch Corona khởi đầu.

Trung Hoa, 30.12.2019 tới 20.01.2020

Ông Vương Cao Sinh (Wen Shaoxing), 56 tuổi, chủ của một quầy bán cá tươi trong chợ bán thú rừng của Vũ Hán, đã được chở vào bệnh viện. Ngày 30.12, khi bác sĩ Ái Phương đang đọc phúc trình về “Sars-Coronavirus” của phòng thí nghiệm, thì tình trạng của Cao Sinh trở nên tồi tệ, biểu đồ nhịp thở gần hết sóng, ông gần như bất tỉnh. Người ta chuyển ông tới Bệnh Viện Diên Tân (Jinyintan), một bệnh viện chuyên về các bệnh truyền nhiễm. Ông mang số bệnh nhân 229425 và nằm trên lầu 7 là nơi dành cho những ca đặc biệt. Cao Sinh nhớ lại và cho hay, các bác sĩ nói, họ không có thứ thuốc chữa nào cho tôi cả. “Tôi phải phó thác vào hệ miễn nhiễm của mình, bằng cách phải cố gắng ăn uống đều đặn. Tôi đã không bỏ một bữa ăn nào hết. Dù vậy vẫn sụt mất 12 ký.” Cao Sinh đã sống sót. Sau hai tuần nằm viện, ông rời bệnh viện về nhà ngày 12.01.20.

Hồ sơ bệnh lý của ông ghi: Viêm phổi do virus, Viêm phổi nặng, Giảm protein huyết, Rối loạn điện giải, Tổn thương cơ tim, Bất thường về chức năng đông máu, Bệnh đường?

Khi Cao Sinh về nhà, con dịch đã toả ra khắp thành phố, không còn kiểm soát được nữa. Đã có hàng trăm, hàng ngàn, rồi hàng chục ngàn và sau vài tuần trên 500.000 ca nhiễm bệnh. Điều đã xẩy ra ở Vũ Hán, về sau được lặp lại ở nhiều nơi trên khắp thế giới. Bệnh viện quá tải. Bác sĩ kiệt sức. Thiếu máy trợ thở.

Ở nhiều quốc gia, số liệu những người bệnh được các cơ quan chính phủ thông báo theo diễn tiến từng ngày. Nhưng ở Vũ Hán thì khác lạ. Tình trạng dịch bệnh trong thành phố đã vượt vòng kiểm soát. Nhưng số bệnh nhân vẫn không thay đổi. Ngày 5 tháng Giêng, lúc Cao Sinh còn nằm trong bệnh viện, số ca nhiễm theo thông tin chính thức của chính quyền là 59 người. Ngày 11.01. chỉ còn 41; ngày 12 cũng thế; ngày 16 vẫn 41 ca. Có một ai đó đã buộc phải giữ nguyên số lượng người bệnh. Trong những ngày đó có lẽ các chính quyền địa phương “đã cố tình giữ kín những thông tin về số ca nhiễm và đã không thông báo lên trên”, như trong một bản phân tích mật của EU đã nói.

Không chỉ chuyện về số liệu. Mà tất cả những người dân nào lúc đó (trong tháng Giêng, 2020) xì xầm về căn bệnh nguy hiểm này đều có cơ nguy bị trừng phạt.

Truyền hình Trung Hoa cho hay, tám người bị trừng phạt vì đã tán phát “những đồn đãi về căn bệnh phổi hiểm nghèo ở Vũ Hán”.

Bác sĩ Ái Phương đã bị cấp trên của bà cảnh cáo, cấm không được tiếp tục nói về căn bệnh. Họ cho biết, bà đã gây “hoảng hốt” cho dân và vì thế đã “tạo bất ổn cho thành phố”.

Bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), một đồng nghiệp của bà Ái Phương trong Bệnh Viện Trung Ương, cũng bị hăm doạ như thế. Một ngày sau bà Ái Phương, ông bị công an bắt mang đi vì tội: tán phát tin đồn thất thiệt. Họ bắt ông ký vào một biên bản từ nay không được có những hành vi chống lại luật pháp nữa. Sau đó bác sĩ Lượng bị nhiễm virus và đã từ trần vì Coronavirus.

Một góc tưởng niệm tạm thời cho bác sĩ Li Wenliang bên ngoài Bệnh viện Trung ương Vũ Hán vào ngày 7 tháng 2. Nguồn: Agence France-Presse – Getty Images

Lúc này có hai sự thật ở Trung Hoa. Một sự thật y tế và một sự thật chính trị. Và cái khoảng cách giữa hai sự thật đó càng ngày càng ngoác lớn ra.

Nguyên do của cái khoảng cách mở rộng đó là nỗi sợ hãi bao trùm trên đời sống chính trị ở Trung Hoa. Các quan chức của một tỉnh, như tỉnh Hồ Bắc (Hubei) với thủ phủ Vũ Hán, luôn phải sống trong sự lo sợ dai dẳng: các ông chủ ở Peking sẽ sa thải họ hay tống họ vào tù bất cứ lúc nào. “Mày chết, tao sống” — đó là câu châm ngôn mà bất cứ chính trị gia nào ở Trung Hoa cũng phải thuộc nằm lòng. Ai cũng hiểu, kẻ quyền thế hơn luôn sẵn sàng sát phạt những kẻ ở dưới, để bảo vệ cho cái ghế của họ. Dù về mặt tăng trưởng kinh tế hay về việc chống tham những, các báo của cấp địa phương lên trung ương luôn luôn phải là những con số đẹp. Trong một hệ thống vận hành bởi sự sợ hãi chẳng ai muốn hay dám đưa ra những thông tin xấu. Chẳng ai muốn chết. Ai ai cũng muốn sống.

Đó là một trong những yếu điểm lớn nhất của mọi chế độ độc tài.

Từ mùng 6 tới 17 tháng Giêng ở Vũ Hán có họp đại hội đảng, một màn diễn để bầu ra những cán bộ đảng viên quan trọng nhất của toàn tỉnh. 2369 đại biểu kéo về tụ họp ngày đầu tiên trong một kịch trường chỉ cách chợ thú hoang vài cây số, vốn là nơi được cho là điểm khởi phát của dịch bệnh. Nếu đi theo sự thật y tế thì các ông bà này phải bãi bỏ cuộc đại hội dự trù. Nhưng không có đại hội, thì con đường công danh sẽ về đâu, và trung ương sẽ nghĩ gì về Hồ Bắc? Vì thế, đại hội vẫn được tổ chức như đã dự trù.

Thị trưởng Vũ Hán, 周先旺, Chu Tiên Vượng thừa nhận chĩnh phủ phạm lỗi không thông tin kịp thời về dịch Viêm phổi (27/1/2020). Nguồn: The Guardian

Điều không được thực hành ở Vũ Hán là người ta đã không quan tâm tới việc gặp gỡ của người bị nhiễm bệnh, đã không yêu cầu bà con, bạn hữu của đương sự phải cách ly. Cả bà vợ của Cao Sinh cũng chẳng được nghe những người có trách nhiệm cho biết phải làm gì.

Các cán bộ thuộc chính quyền địa phương đã hành xử như thế, để mong giữ được cái ghế của họ. Nhưng kết quả trái ngược đã diễn ra, vì những Lý do khác. Chính quyền trung ương đã cáo buộc họ, không phải vì tội đã họp đại hội, mà là tội đã sao nhãng trong việc chống virus. Tất cả các ghế lãnh đạo trong toàn tỉnh đã bị thay thế. Đối với những nhà cầm quyền trong chế độ độc tài thì sai phạm của các cấp dưới đều có lợi cho chọ. Nhờ đó mà họ có thể đẩy trách nhiệm cho kẻ khác.

Quả thật Uỷ Ban Y tế Quốc Gia, một cơ quan tương đương với Bộ Y tế, ngày 31.12.2019 đã gởi một nhóm chuyên gia tới Vũ Hán. Ngày 01.01.2021 chợ bán thú rừng bị đóng cửa. Và ngày 3 tháng Giêng Trung Hoa đã thông tin cho Cơ Quan Y tế Thế Giới (WHO) biết về sự việc xẩy ra (Về điểm này, xem thêm: Tổ chức y tế thế giới có toa rập với Trung Hoa không? — Chú của người dịch). Và những thông tin xấu từ Vũ Hán đã tới được trung ương ở Beijing, nhưng trung ương vẫn im lặng cho địa phương làm những gì địa phương muốn. Không chỉ làm những gì liên quan tới 2369 đại biểu đảng, mà liên quan cả tới mọi người trên toàn quốc.

Đêm 24 tháng Giêng là lễ giao thừa của 1,4 tỉ người Trung Hoa. Đó là ngày lễ gia đình quan trọng nhất của người dân nước này, được sánh với ngày lễ Giáng Sinh ở Đức. Nên tạo hoảng loạn cho dân trong những ngày trước lễ, bằng cách báo cho họ biết về cơn dịch, bằng cách cấm họ không được du hành, không được thăm viếng bà con? Đối với chính quyền trung ương, đó cũng có thể là một tai họa ghê gớm, vì họ cũng lo sợ cho quyền lực của họ. Từ nhiều năm nay chủ tịch Tập Cận Bình vẫn nhắc nhở các đồng chí của ông về mối nguy của một cơn khủng hoảng đột xuất, về nguy cơ của một biến cố khó lường nào đó sẽ khiến cho mọi thứ đảo lộn. Các nhà lãnh đạo Trung Hoa, bề ngoài xem ra uy quyền tuyệt đối, vẫn luôn sợ phản ứng của người dân. Nếu trách nhiệm là do đảng, thì dân sẽ phản ứng ra sao? Nếu không chận được cơn giận của dân, thì tình thế sẽ ra sao? Nếu không phải chỉ có vài tên đối lập, mà hàng trăm triệu người không còn tuân lệnh, thì đảng sẽ ra sao?

Ngày 15 tháng Giêng. Giám đốc trung tâm xử lý khủng hoảng của Cơ Quan Quốc Gia Ngăn Ngừa Dịch Bệnh thông báo: “Qua sự quan sát và nhận định cẩn trọng chúng tôi đi tới kết luận: khả năng lây lan từ người sang người là rất thấp.”

Lúc đó thời gian nghỉ tết đã bắt đầu. Nơi nơi người ta lên đường. Riêng Vũ Hán đã có hàng triệu cuộc di chuyển, bằng xe buýt, xe hơi, tàu điện, máy bay, xuyên thành phố, xuyên quốc gia, để về đón tết. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, bình thường có tới ba tỉ chuyến di hành trong dịp nghỉ này.

Việc mất khả năng kiểm soát, việc đổ vỡ của hệ thống y tế của cả quốc gia mênh mông này   lúc đó đã cận kề hơn điều mà chúng ta hôm nay có thể hình dung nổi. Nhưng rồi hai sự thật, sự thật y tế và sự thật chính trị, bắt đầu chồng lên ăn khớp với nhau. Giới lãnh đạo đã kịp thời nhận ra, là tình hình sẽ nguy hiểm hơn, nếu không làm gì cả. Ngày 20 tháng Giêng chủ tịch Tập lần đầu tiên công khai nói về chuyện Coronavirus: Ông nói về tình trạng khẩn trương của quốc gia và phải có những biện pháp đáp ứng thích hợp. Cũng trong ngày đó truyền hình nói tới khả năng lây lan giữa người và người.

Các cấm cán và che đậy bị phá vỡ.

Đột nhiên các con số chính thức về lượng người nhiễm tăng vọt. Các thành phố khắp nước thông báo những con số do họ đưa ra. Một cuộc chiến chống lại virus, do Beijing lèo lái, được tung ra khắp nước, sau ba tuần con dịch hoành hành. Một cuộc chiến thật hung hãn. Công an toả ra, rào mọi ngã, phong tỏa Vũ Hán với thế giới bên ngoài, Người ta gia hạn thêm thời gian nghỉ tết, để khoá lại mọi phương tiện di chuyển, không cho dân đi đâu cả. Đóng cửa trường học, đại học, công sở, nhà máy. Người ta vận dụng số quân đội và “dân phòng” lên tới 450.000 người mỗi ngày. Khắp nơi giờ đây người người được đo nhiệt, người người bị cách ly trong nhà của mình, những đứa con nhiễm bệnh được tách ra khỏi cha mẹ còn khoẻ của chúng.

Chỉ trong vòng vài ngày Trung Hoa từ thái độ cố tình coi thường virus chuyển sang tình trạng đóng cửa tuyệt đối. Những bất lợi của hệ thống cai trị độc tài trở thành những lợi thế. Vì lãnh đạo trung ương muốn, nên gần như nơi nơi phải tuân phục đâu vào đó. Bộ máy tuyên truyền nói tới một thứ “chiến tranh nhân dân”, như kiểu cuộc chiến của cộng sản do Mao phát động trước đây, và mọi người cùng tuân theo. Nhờ đó, cái đất nước vốn là nơi xuất phát ổ dịch đã chận đứng được cơn dịch ngay trong những tháng ngày đầu năm.

Nhưng lúc này virus đã tung ra khắp thế giới.

USA, từ ngày 11 tới 31 tháng Ba 2020

Trước hết, một câu hỏi được đặt ra: Quốc gia nào trên thế giới, về mặt lý thuyết, có khả năng chống lại dịch bệnh hữu hiệu nhất? Hơn một trăm nhà khoa học đã cố gắng trả lời cho câu hỏi này. Họ gom góp dữ liệu, phỏng vấn các chuyên gia trong các nước giàu lẫn nước nghèo, tìm hiểu khả năng của các trung tâm thí nghiệm, số lượng chuyên gia, sức chứa các bệnh viện, khả năng tài chánh trong các nước đó. Cuối cùng họ đưa ra một hệ thống quy chuẩn, gọi là Global Health Security Index (Chỉ số An ninh Y tế Toàn cầu). Bảng chỉ số này hình thành do sự đề xướng nghiên cứu của Đại Học Johns-Hopkins và tổ chức Nuclear Threat Initiative và được phổ biến vào năm 2019.

Trong 195 quốc gia, nước có chỉ số thấp nhất trong bảng là Bắc Hàn, Somalia và Equatorial Guinea. Đứng đầu bảng và vượt xa mọi nước khác là Mỹ. Đây là quốc gia có khả năng vượt trội trong việc chống dịch Corona 19. Mỹ là nước có nhiều kế hoạch khẩn cấp, nhiều chuyên gia dịch tễ nhất và một hạ tầng thông tin không quốc gia nào sánh bằng. Dĩ nhiên Mỹ cũng có một cơ quan đặc trách bảo vệ người dân trước các bệnh truyền nhiễm, mang tên Disease Control and Prevention (CDC), với 21.000 nhân viên, nổi tiếng hoàn vũ.

Nhưng cái Mỹ thiếu, là một vị tổng thống có khả năng chống chọi lại được cơn dịch toàn cầu.

Ba năm trước cơn khủng hoảng Coronavirus, khi chính quyền Obama sắp mãn nhiệm để trao quyền lại cho chính quyền mới của tổng thống Trump, uỷ ban chuyển tiếp của tân chính quyền đã được các chuyên gia của chính quyền Obama thuyết trình về cơ nguy phát khởi của một cơn dịch trong tiềm năng và những biện pháp cũng như những bước cần làm trong trường hợp đó. Một tài liệu tóm tắt 6 trang trình bày bằng Power-Point đã được chuyển giao, để chính quyền mới có thể dùng khi gặp trường hợp khẩn cấp.

Nhưng trên thực tế của năm 2020 Mỹ đã có nhiều tháng, chứ không chỉ có ba tuần lễ như bên Trung Hoa, để chính quyền Trump cuối cùng nhận ra mức độ xem ra khẩn cấp của vấn đề. Song thật khó khăn, để Trump có được lời lẽ thích hợp.

Ngáy 11 tháng Ba, lúc 9 giờ tối, Donald Trump ngồi trước bàn làm việc, hai tay mở ra trên bàn, mắt nghiêm trang nhìn vào ống kính. Ông nói với quốc dân, 10 phút. Tổng Thống thông báo lệnh tạm dừng mọi chuyến bay từ Âu Châu tới Mỹ, sẽ hỗ trợ CDC và các cơ quan khác nhiều tỉ đô-la; ông nói về lợi ích của việc giãn cách xã hội và của việc đeo tấm che miệng mũi (mặt nạ).

Chúng ta phải đẩy chuyện chính trị sang một bên, phải chấm dứt chuyện đảng phái. Chúng ta sẽ chiến thắng con virus này.”

Donald J. Trump, 11 tháng 3, 2020

Lúc đó con virus đã có mặt từ lâu ở Mỹ. Nó theo các chuyến bay từ Trung Hoa và sau đó từ Âu Châu sang các vùng duyên hải đông dân phía đông và phía tây, vốn là những vùng có mối liên hệ chặt chẽ với thế giới hơn là những vùng nội địa thưa dân. Nó đã từ hàng ngàn người Mỹ này truyền sang hàng ngàn người Mỹ khác. Như vậy, về mặt dịch bệnh học, thống báo của Trump còn trễ hơn hai tuần sau thông báo của bộ trưởng y tế Jens Spahn của nước Đức. Dù sao đó cũng là một sự bắt đầu.

Bộ Trưởng Y tế của Mỹ lần đầu tiên nói chuyện về con Corona với Tổng Thống ngày 18 tháng Giêng. Ông muốn cảnh giác Tổng Thống về cơ nguy dịch bệnh. Đó là một trong nhiều cơ hội, để Trump nhấn còi khẩn cấp và giải quyết khủng hoảng. Nhưng Trump đã gạt chuyện đó qua một bên. Trump coi chuyện nguy hại do việc hút thuốc lá điếu điện quan trọng hơn.

Ngày 23 tháng Giêng 2020 một nhân viên CIA, với 30 năm thâm niên, cũng đã cảnh giác Tổng Thống về dịch bệnh. Về sau, Trump cho hay, ông chưa bao giờ được thông báo một cách khẩn trương về một nạn dịch có thể xẩy ra, “mọi chuyện chẳng rõ ràng gì cả”. Nhưng một nhân viên của toà Bạch Ốc đã nói với Die Zeit: Tổng Thống đã được thông báo rạch ròi mọi chuyện, nhưng Trump hầu như chỉ mải xem truyền hình liên lục suốt nhiều giờ, chỉ lo chuyện viết tuýt (tweet), chuyện các buổi vận động tranh cử và chuyện về Florida chơi golf vào dịp cuối tuần.

Ngày 24 tháng Giêng Trump nói:

Trung Hoa đang làm việc cật lực để hạn chế con virus. Rồi mọi chuyện sẽ lại rất tốt đẹp.”


D.J.T., 24 tháng 1, 2020

Ngày 29 tháng Giêng Trump cho hay: “Chúng ta có những chuyên viên giỏi nhất thế giới. Họ nắm vững mọi tình hình.” Tình hình ở đây là tình trạng dịch bệnh.

Ngày 6 tháng Hai, một bà tại San José, 57 tuổi, bỗng nhiên quỵ xuống và chết trong nhà bếp. Tới giữa tháng Ba người ta mới xét nghiệm các phẫu mô của bà, vì một bác sĩ tỏ ra nghi ngờ về cái chết này. Theo tất cả những gì mà chúng ta biết hôm nay, Patricia Dowd là nạn nhân chết đầu tiên vì Covid-19 tại Mỹ.

Ngày 10 tháng Hai, Trump cho biết: “Tôi tin rằng, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp.”

Ngày 24 tháng Hai, Trump thông báo: “Chúng ta đã kiểm soát được con virus Corona. Dàn chứng khoán xem ra rất tốt đẹp.”

Ngày 25 tháng Hai một chuyên gia dịch tễ học của CDC cho hay trong một cuộc nói chuyện điện thoại với các ký giả, virus Corona sẽ tấn công ào ạt nước Mỹ. “Đây không còn là chuyện có thể hay không, mà là chuyện lúc nào nó sẽ tới.” Bà nói tới việc có thể phải đóng cửa các trường học. Sau cuộc nói chuyện, Dow-Jones tuột mất 900 điểm. Trump lúc đó vừa ở Ấn Độ về, liền gọi Bộ Trưởng Y tế la toáng lên khiển trách: CDC đã làm cho thị trường chứng khoán khiếp sợ. Ông muốn mình được tái đắc cử vào mùa thu, kinh tế mạnh là lá bài chắc chắn cho ông trước mắt cử tri.

Ngày 27 tháng Hai Trump tiên đoán: “Cũng như một phép lạ, con virus rồi sẽ biến mất vào một ngày nào đó.”

Giờ đây, ngày 11 tháng Ba, khi Trump đang nói với quốc dân qua truyền hình, uỷ ban đặc nhiệm phòng chống Coronavirus, trong đó có vị giám đốc CDC và nhiều chuyên gia y tế, họp phiên họp thường lệ. Nhưng cuộc họp uỷ ban này lại được do phó tổng thống Mike Pence điều khiển. Mà không chỉ có ông này là đại diện duy nhất của chính phủ trong uỷ ban. Uỷ ban đặc nhiệm là một bức ảnh phản chiếu tình hình chính quyền dưới thời Trump, vốn luôn trong tình trạng xâu xé nhau vì tranh giành quyền lực, rối loạn chức năng, bất lực trong suy tư chiến lược. Các chuyên gia chìm nghỉm vào trong những tranh luận hoặc chẳng có cách nào gặp được Tổng Thống; và đấy là điều đáng kể dưới thời Trump. Cái rắc rối hơn nữa, là hai ngày sau buổi nói chuyện với quốc dân, Trump lập thêm một cơ quan phòng chống tai ương khác với tên FEMA (Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang). Cơ quan này có nhiệm vụ hỗ trợ những nhu cầu khẩn cấp cho các bang.

Và FEMA lại nằm dưới quyền của một uỷ ban đặc nhiệm khác, do con rể của Trump là Jared Kushner lãnh đạo. Kushner lập ra một nhóm gồm hơn hai chục cựu tư vấn các công ty và chuyên viên ngân hàng đầu tư, nghĩa là gồm những chuyên gia kinh tế, chứ không phải chuyên gia y tế. Một nhân viên của toà Bạch Ốc nói với Die Zeit:

Anh ta (Kushner) thật sự tin là anh ta hiểu về đại dịch rõ hơn các nhà dịch tễ học.”

Mỹ là nền dân chủ cổ xưa nhất thế giới. Nhưng trong cơn khủng hoảng dịch COVID-19 nó đã được một tổng thống chuyên quyền lãnh đạo. Một người vốn đưa thân nhân người nhà mình vào những vị trí chính trị quan trọng và coi các định chế dân chủ hàng trăm năm nay là đối thủ, là kẻ hạn chế quyền lực của mình.

Trong bài nói chuyện ngày 11 tháng Ba, Trump cho biết, là sẽ bỏ chuyện chính trị, chuyện đảng phái sang một bên. Song mọi yêu cầu trợ giúp, mọi kêu cứu của các tiểu bang đều được đội quân của Kushner bình chọn trước. Một người trong cuộc thông báo cho Quốc Hội biết chuyện này và nói về “những nhóm hỗn loạn bàn giấy”. Người đó cho hay, chẳng có một quy chuẩn an ninh nào cả; những người của Kushner làm việc với hộp thư Gmail cá nhân riêng của họ. Tiểu bang nào được cấp máy trợ thở, tiểu bang nào không được cấp? Kushner quyết định theo tiêu chuẩn vận động bầu cử: Những thống đốc nào ca ngợi Trump, tên họ nằm ở hàng đầu trong bảng phân phối; các tiểu bang Trump có hy vọng thắng trong cuộc bầu ngày 3 thang 11 với số phiếu sít sao cũng được ưu tiên.

Thất bại của chính quyền là một chuyện. Điều nguy hiểm hơn là những thiệt hại do Trump tạo ra nơi đầu óc của những người theo ông ngay từ những tháng ngày đầu tiên, khi tai ương bắt đầu khởi phát tại Mỹ. “Virus ngoại quốc”, “virus Vũ Hán”, “virus Trung Hoa”, đó là những từ ngữ được Trump dùng. Ông bảo, việc phòng xa hay tự cách ly là điều không cần thiết. Ông nói, dân chúng cứ tự nhiên du lịch, tự nhiên đi lại, tới đâu họ muốn.

Tổrng thống Mỹ lý luận tại sao ông gọi Coronavirus (SARS-Cov-2) là “Virus Trung Hoa”. Nguồn: ABC News

Những người theo ông chẳng màng gì tới những điều mâu thuẫn từ miệng ông nói ra. Ông bảo, COVID-19 là “hoax” (lừa đảo); và những kênh truyền thông truyền hình bảo thủ và cực hữu a dua nói theo ông và gia tăng cường độ, khiến cho nửa nước thuộc phe bảo thủ coi thường chuyện Coronavirus. Hết diễn văn này tới điều trần khác. Mọi chuyện chỉ là Hoax; đó là từ ngữ của những người theo ông gọi cuộc khủng hoảng trước mắt. Đoàn kết và kỉ luật tập thể là điều chưa bao giờ có ở Mỹ. Những người cộng hoà coi việc giãn cách và mang khẩu trang là chuyện thiếu nam tính, mất tự do, chuyện của đám dân chủ. Vì thế, họ làm ngược lại, để chứng tỏ sự tự do, chất nam nhi và căn cước cộng hoà của họ.

Vì virus tấn công từ các vùng duyên hải phía đông và phía tây, nên nhiều người cộng hoà nội địa lại càng thêm tin rằng, con virus này, nếu có thật, là do đám tự do phóng túng, đám di dân, đám Mỹ gốc Phi tạo ra.

Cuối tháng Ba, thời điểm kết thúc của phần nhìn lại này, Mỹ vượt Trung Hoa: từ đây con số ca nhiễm của Mỹ trở thành cao nhất thế giới. New York, thành phố lớn nhất của nước, thành phố của tự do và tiền bạc, thủ đô của thế giới phương tây, nay trở thành “tâm dịch” của cơn khủng hoảng COVI-19 toàn cầu.  Thống đốc New York đã nói như thế vào ngày 21 tháng Ba. Bác sĩ trong các bệnh viện lúc đó đã nói với Die Zeit: họ chẳng biết phải làm gì để kiềm soát con dịch; họ không có máy trợ thở, thiếu mặt nạ và áo choàng bảo vệ; họ có quá nhiều bệnh nhân. Nhiều trường hợp các bác sĩ cũng chẳng biết tên của bệnh nhân, nên chẳng biết phải báo cho ai, khi có người chết. Vì thế mới có cảnh các đoàn xe chở đầy xác chết đậu trước các công ti mai táng.

Ở Mỹ vào cuối tháng Ba người ta nói: New York là Vũ Hán mới.

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Wie alles begann | Von Holger StarkMalte HenkFriederike OertelYassin MusharbashNataly BleuelXifan YangKerstin KohlenbergLuisa HommerichWolfgang UchatiusFritz ZimmermannUlrich BahnsenMariam Lau und Jiang Huihui | Die Zeit số 4, ngày 21.01.21.
DCVOnline biên tập và minh họa.