Myanmar vs. nhóm tướng lĩnh
Jonathan Tepperman | Trà Mi
Sử gia, cựu thành viên giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, cựu thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế Quốc gia và Xã hội của Myanmar Thant Myint-U bàn về tương lai của các cuộc biểu tình, Bắc Kinh muốn gì và Washington có thể làm gì để giúp Myanmar
Vào ngày 1 tháng 2, quân đội Myanmar mở cuộc đảo chính, lật ngược kết quả của cuộc bầu cử tháng 11 năm 2020 và tống các nhà lãnh đạo dân sự hàng đầu của đất nước vào tù nằng những cáo buộc giả mạo. Từ đó, các cuộc biểu tình và bạo lực của chính phủ ngày càng leo thang. Để hiểu những gì có thể xẩy ra trong tương lai, động lực nào đẫ đưa đến xung đột và các quốc gia khác có thể làm gì để bảo vệ nền dân chủ của Myanmar, qua email, phóng viên Jonathan Tepperman của Foreign Policy hôm thứ Tư đã phỏng vấn Thant Myint-U, sử gia, cựu thành viên giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, cựu thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế Quốc gia và Xã hội của Myanmar, và tác giả, gần đây nhất, cuốn Lịch sử bị che đậy của Miến Điện (The Hidden History of Burma). Cuộc trò chuyện của họ đã được chỉnh sửa cho dài và rõ ràng.
Jonathan Tepperman (JT): Ông dự đoán các cuộc biểu tình sẽ diễn ra ở đâu? Liệu chính phủ có đàn áp mạnh mẽ hơn nữa không — cho đến nay, số người bị bắt giữ và bị thương khá thấp — và liệu các cuộc biểu tình có chấm dứt không nếu chính phủ đàn áp thẳng tay?
Thant Myint-U (TM): Các cuộc biểu tình cho thấy rõ sức mạnh của dư luận chống lại sự cai trị của quân đội. Họ đã thành công một cách phi thường trong việc chứng minh cho thế giới thấy cảm xúc của hàng triệu người dân bình thường. Các cuộc đình công của nhân viên khu vực công đã làm tê liệt chính phủ. Nhà chức trách quân sự dường như đã phải sửng sốt, không chỉ vì phạm vi của các cuộc biểu tình mà còn vì cách thức tổ chức chúng — không phải do đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi, mà docác mạng lưới của những người trẻ thường ẩn danh. Những người hoạt động sử dụng công nghệ mới như Bridgefy, một ứng dụng nhắn tin qua Bluetooth[1] thay vì Internet
Quân đội, đã cố gắng miêu tả việc tiếp quản [đảo chính] của họ là hợp hiến và tạm thời, có thể muốn tránh một cuộc đàn áp nằng bạo lực nhưng có thể không biết làm cách nào khác để đối phó với cái được gọi là Phong trào Bất tuân dân sự (CDM). Về phía CDM, bất kỳ cuộc rút lui nào vào thời điểm này chỉ là chiến thuật. Sẽ rất khó để chính quyền mới sớm củng cố quyền lực của họ.
JT: Chiến lược của Tatmadaw là gì? Liệu các tướng lĩnh có lợi dụng sự chia rẽ sắc tộc để cố gắng bóc tách đi sự ủng hộ của bà Aung San Suu Kyi và NLD?
TM: Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu quân đội có một chiến lược rõ ràng. Tôi không nghĩ cuộc đảo chính là không thể tránh khỏi hay là một sự kiện xảy ra sau nhiều tháng lên kế hoạch. Về phía các tướng lĩnh với bà Aung San Suu Kyi và NLD có một chút bất đồng với nhau, Tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân dội, cho rằng cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái có thể đi theo ý ông. Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên minh ủng hộ quân đội (USDP) chỉ cần giành được hơn 25% số ghế được bầu, vì quân đội đã tự động có được 25% số ghế theo hiến pháp hiện hành. Nhưng điều này đã không xảy ra. Vì vậy, vào giữa tháng 12, ông ta đã nhất định nói theo những cáo buộc của đảng USDP là có gian lận bầu cử lớn. Đã có yêu cầu mở một cuộc điều tra, và khi NLD hoàn toàn bác bỏ ý yêu cầu này, căng thẳng tăng dần, dẫn đến một tối hậu thư, một cuộc thương lượng thất bại, và sau đó là cuộc đảo chính.
Trong tương lai, ngoài việc đối phó với các cuộc biểu tình, các tướng lĩnh có thể tập trung vào ba điều: mở rộng những cáo buộc chống lại NLD ngoài việc gian lận bầu cử còn có tham nhũng cấp cao và thông đồng với nước ngoài; các biện pháp tức thì để thúc đẩy nền kinh tế, gồm một chương trình kích thích hàng tỷ đô la; và các thỏa thuận ngừng bắn mới với ít nhất một số tổ chức vũ trang phi chính phủ. Có thể có một nỗ lực để vận dộng với những cộng đồng dân thiểu số, nhưng thật khó để biết làm thế nào việc này có thể thành công. Dễ hình dung hơn sẽ là một nỗ lực nhằm huy động tinh thần chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong đa số Phật tử nói tiếng Miến Điện. Tuy nhiên, thật khó để nói việc này có hiệu quả hay không: xã hội Miến Điện cực kỳ bảo thủ và các quan điểm theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan chắc chắn có một số ảnh hưởng, nhưng vị thế của quân đội không cao ngay cả trong số những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chẳng hạn như một số người đổ lỗi cho giới cựu lãnh đạo quân đội tham nhũng vì đã không bảo vệ “người bản xứ” trước sự nhập cư bất hợp pháp của người Hồi giáo và người Hoa.
JT: Các cuộc biểu tình chỉ có khuynh hướng thành công khi binh lính và cảnh sát đổi phe và cùng tham gia với những người biểu tình. Điều đó có thể xảy ra ở đây hay không? Nếu không, tai sao không?
TM: Không có gì trong lịch sử hiện đại của Myanmar cho thấy quân đội sẽ bỏ ngũ theo bất kỳ cách nào đáng kể. Đây là đội quân đã chiến đấu không ngừng nghỉ trong hơn 75 năm, trong một số hoạt động chống nổi dậy tàn bạo nhất ở bất kỳ đâu trên thế giới. Đó là một đội quân đã không ngần ngại sử dụng vũ lực sát thương một lần nữa những người thường dân biểu tình trước đây, gồm cả các nhà sư Phật giáo. Quân đội, có cả lính mới chỉ 17 tuổi, đã được nói rằng quân đội là lực lượng bảo vệ thực sự duy nhất của quốc gia. Quân đội đôi khi phải đối phó với sự bất đồng nội bộ, nhưng chưa lần nào dẫn đến chia rẽ công khai. Một số cảnh sát có thể đổi phe, nhưng quân đội đã bảo đảm rằng cảnh sát không quan trọng lắm.
JT: Cuộc đảo chính này có cho thấy cuộc thí nghiệm dân chủ của Myanmar đã thất bại hay không? Hay dân chủ sẽ khó bị đàn áp hơn bây giờ khi đất nước đã nếm mùi dân chủ.
TM: Năm 2010, một thế hệ tướng Myanmar nghỉ hưu. Họ quyết định bỏ lại một hệ thống chính phủ hỗn hợp, trong đó quân đội chia ghế quyền lực với các chính trị gia được dân cử như một phần của kế hoạch nghỉ hưu. Đây không phải là điều họ nghĩ ra trong một đêm; đó là thứ mà họ đã hướng tới trong gần 20 năm. Chính phủ Thein Sein, cầm quyền từ năm 2011 đến năm 2015, sau đó đã thúc đẩy quá trình tự do hóa chính trị chưa từng có, do đó dẫn đến việc phương Tây rút lại các lệnh trừng phạt. Bắt đầu từ năm 2016, bà Aung San Suu Kyi chia quyền lực với một thế hệ tướng mới, và đã có những căng thẳng ngay từ đầu. Đó không phải là một nền dân chủ. Tuy nhiên, một cách tổ chức chính trị mới, cùng với sự tăng trưởng kinh tế đáng kể, đang bắt đầu định hình lại xã hội Myanmar. Liệu xã hội phát triển nhanh chóng này hiện có thể chống lại sự cai trị của những kẻ chuyên quyền hay không, chỉ có thời gian mới trả lời được.
JT: Những người biểu tình ngày nay có khác với các thế hệ trước không? Họ chỉ đấu tranh để trở lại nền dân chủ, hay chống lại bất bình đẳng kinh tế và kỳ thị sắc tộc? Chiến thuật của họ có tốt hơn chiến thuật trong quá khứ không?
TM: Hàng triệu người đang biểu tình vì họ đã bỏ phiếu cho bà Aung San Suu Kyi. Họ tin rằng bà là người lãnh đạo hợp pháp duy nhất của đất nước. Những người khác không phải vì lòng trung thành với bà ấy hoặc NLD hơn là vì lòng căm thù sâu sắc đối với sự thống trị của quân đội và nỗi sợ rằng cuộc sống của họ, giống như cha mẹ của họ, sẽ bị phá hủy do một chu kỳ mới của chế độ quân phiệt tàn bạo và độc tài. Một thế hệ phản đối mới đã xuất hiện, họ tự tin hơn, thoải mái hơn với các kỹ thuật mới và có thể mất tất cả khi phải trở lại quá khứ độc tài quân phiệt. Các chiến thuật của họ chắc chắn đang có kết quả tốt, nhưng liệu họ có một chiến lược thực sự để thay đổi hay không thì vẫn chưa rõ ràng. Điều còn thiếu là một chương trình nghị sự tiến bộ gồm tất cả các sắc dân, tập trung vào việc giải quyết nạn phân biệt đối xử, kém phát triển và bất bình đẳng, đồng thời đoàn kết một xã hội rất chia rẽ.
JT: Ông có nghĩ rằng quân đội định cho phép mở cuộc bầu cử mới trong vòng một năm, như đã hứa không? Liệu một cuộc bỏ phiếu như vậy có dẫn đến kết quả tương tự như lần cuối cùng: chiến thắng cho Aung San Suu Kyi và NLD hay không?
TM: Kế hoạch mặc định có thể là có cuộc bầu cử, có thể trong một năm, nhưng các cuộc bầu cử sẽ không có bà Aung San Suu Kyi hoặc NLD. Theo một cách nào đó, nó có thể lặp lại như năm 2010, khi cuộc bầu cử đầu tiên theo hiến pháp được tổ chức, bà Aung San Suu Kyi đang bị quản thúc tại gia, và NLD không thể tham gia. Những cuộc bầu cử đó đã bị nhiều người chế nhạo là không tự do không công bằng, nhưng đáng ngạc nhiên là, đã dẫn đến một chính phủ gồm các cựu tướng lĩnh đổi mới. Điều khác biệt là năm 2010 là chiến lược rút lui của Tổng tư lệnh khi đó là Than Shwe, đã bước sang tuổi 80. Tổng tư lệnh hiện tại mới 64 và có thể muốn tiếp tục nắm quyền nhưng trong y phục dân sự.
JT: Chính quyền Biden đã trả lời với cuộc đảo chính bằng cách công bố các biện pháp trừng phạt mới. Việc này sẽ tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào không? Trung Hoa và Nga đã vào cuộc để đỡ lưng các tướng lĩnh chưa?
TM: Các tướng lãnh của Myanmar là một trong những giới tinh hoa chính trị bị cô lập nhất ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Tất cả bạn bè và kẻ thù của họ, những giấc mơ và cơn ác mộng, đều chỉ ở Myanmar. Hầu hết họ chưa bao giờ ra nước ngoài, không nói ngoại ngữ và không có tài sản ở nước ngoài. Họ bị cô lập hơn những người nghèo trong nước, hàng triệu người đã làm việc ở nước ngoài. Các biện pháp trừng phạt có mục tiêu sẽ không thay đổi các tính toán chính trị cốt lõi của nhóm tướng lĩnh. Các biện pháp trừng phạt rộng rãi có thể gây ra thiệt hại kinh tế to lớn và sẽ tàn phá cuộc sống của hàng chục triệu người dân thường.
Tôi không chắc về Nga, nhưng tôi không nghĩ Trung Hoa sẽ vội vàng ủng hộ chính phủ mới. Bắc Kinh có mối quan hệ rất tốt với bà Aung San Suu Kyi và đặt nhiều hy vọng vào nhiệm kỳ thứ hai của đảng NLD. Ngược lại, quan hệ của Bắc Kinh với quân đội rất khó khăn. Và quân đội có lẽ là thể chế chính trị mà Trung Hoa cảnh giác nhất, đặc biệt là vì nó coi Trung Hoa là nước hậu thuẫn chính cho các tổ chức vũ trang phi chính phủ mà họ đã phải đối phó trong vài năm qua. Tuy nhiên, có thể quân đội và Trung Hoa sẽ nhìn thấy những cơ hội mới cùng có lợi trong những tháng tới.
JT: Chẳng hạn như? Ông nghĩ Trung Quốc muốn gì xảy ra ở Myanmar bây giờ?
TM: Quan hệ Trung Hoa-Myanmar có một lịch sử vô cùng phức tạp. Vào đầu những năm 1950, quân đội còn sót lại của chính phủ dân Trung Hoa Quốc gia, Quốc dân đảng, đã xâm chiếm Myanmar từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc và chiếm phần lớn vùng cao nguyên phía đông, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Quân đội Myanmar phát triển phần lớn để đối phó với mối đe dọa này, mà phải mất một chục năm mới tiêu diệt được. Vào cuối những năm 1960, các lực lượng cộng sản được sự hậu thuẫn của Giải phóng Quân Nhân dân Trung Hoa đã xâm lược Myanmar, một lần nữa từ Vân Nam, để thiết lập một “vùng giải phóng” trên phần lớn khu vực. Năm 1989, cuộc nổi dậy của phe cộng sản này sụp đổ, để lại một số đội quân kế thừa mới, tất cả đều có liên kết chặt chẽ với Trung Hoa. Ban lãnh đạo của các đội quân này đều là những người nói tiếng Hoa và có nhiều người gốc Hoa trong cấp lãnh đạo cao nhất của họ. Đây cũng chính là khu vực có ngành ‘kỹ nghệ’ methamphetamine (dược phẩm kích thích thần kinh) trị giá 75 tỷ đô la một năm cũng như hàng trăm sòng bạc, phục vụ cho du khách Trung Hoa.
Dấu ấn kinh tế của Trung Hoa ở Myanmar cũng tăng trưởng đều đặn trong vài thập kỷ qua. Các dự án cơ sở hạ tầng Một Vành đai Một Con đường chậm khởi động, phàn lớn là do Myanmar dè dặt, nhưng các khoản đầu tư khác, của hàng nghìn công ty vừa và nhỏ của Trung Hoa, đã tăng lên rất nhiều, cũng như thương mại xuyên biên giới. Lợi ích của Trung Hoa vẫn như mọi khi: bảo đảm sự ổn định, đặc biệt là dọc theo biên giới; không để Myanmar tham gia vào một liên minh quân sự với các đối thủ; và làm những mối quan hệ kinh tế sâu sắc thêm. Đồng thời, Trung Hoa sẽ mong muốn không để dư luận lên án.
JT: Ông có nghĩ rằng Washington và Bắc Kinh có thể hợp tác làm việc để gây áp lực với nhóm tướng lĩnh để khôi phục nền dân chủ không?
TM: Không phải là không thể. Washington và Bắc Kinh đều vui vẻ hơn với tình hình trước cuộc đảo chính. Đặc biệt là Bắc Kinh, không ai muốn chứng kiến sự bất ổn ngày càng gia tăng. Điều tương tự cũng xảy ra với Ấn Độ và Nhật Bản. Và một nỗ lực ngoại giao phối hợp, lý tưởng nhất là với sự hỗ trợ của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, sẽ có cơ hội thành công lớn hơn nhiều. Đồng thời, khó có thể thấy Trung Hoa đồng ý làm việc với bất kỳ quốc gia nào khác về một quốc gia mà họ đã coi là một phần sân sau của chính mình.
JT: Vậy có điều gì các chính phủ nước ngoài có thể làm mà thực sự có ích?
TM: Đầu tiên, điều quan trọng là phải bày tỏ sự ủng hộ với những người phản đối việc trở lại chế độ quân phiệt. Đồng thời, với việc nhiều người biểu tình kêu gọi sự can thiệp quân sự quốc tế, điều quan trọng là không nên đưa ra những kỳ vọng không thực tế rằng thế giới bên ngoài sẽ khắc phục các vấn đề của Myanmar. Thứ hai, điều tối quan trọng là viện trợ cứu mạng sống (gồm cả các chương trình y tế liên quan đến COVID-19) phải được bảo vệ và mọi thứ được thực hiện để giữ nguyên sinh kế. Không có kịch bản nào mà nền kinh tế đang đi vào thế khó, hàng chục triệu người nghèo tuyệt vọng không còn tiền bạc và không có lựa chọn, và một nền dân chủ xuất hiện một cách thần kỳ vào ngày hôm sau.
JT: Ông có nghĩ hầu hết chúng ta đang theo dõi từ phương Tây đều thiếu sót gì về những gì đang xảy ra ở Myanmar? Điều gì chúng ta không hiểu mà chúng ta nên?
TM: Cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra trong bối cảnh của nhiều cuộc khủng hoảng khác. Đây là một xã hội đã bị tổn thương với hơn bảy thập kỷ xung đột bạo lực. Hơn hai chục tổ chức vũ trang phi chính phủ (tổ chức lớn nhất, liên kết chặt chẽ với Trung Hoa, có hơn 25.000 người), cùng với hàng trăm dân quân của những sắc dân thiểu số, bám trụ trên hầu hết các vùng cao nguyên. Một triệu người đang tị nạn, và hàng trăm nghìn người khác phải di cư ngay trong nước. Các tổ chức thuộc nhà nước ở mọi nơi đều cực kỳ yếu kém, không thể thu thuế hoặc cung cấp dịch vụ y tế hoặc các dịch vụ xã hội khác cho đại đa số. Sự phân biệt chủng tộc và tôn giáo tồn tại cùng với sự bùng nổ bất bình đẳng giàu nghèo. Và trong năm qua, COVID-19 đã dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế, với những người kiếm được ít hơn 1,90 đô la một ngày tăng vọt từ 16% lên 63% dân số từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2020. Nền kinh tế Myanmar ngày càng bị ràng buộc với kinh tế của Trung Hoa, như những nhà cung cấp các mặt hàng sơ chế.[2] Và đó là một nền kinh tế mà đỉnh cao không phải là quân đội mà là các mạng lưới kiếm tiền xuyên quốc gia mạnh hơn nhiều so với bất kỳ thể chế nào. Cần hiểu rõ hơn về nền kinh tế chính trị này để thực sự hiểu rõ các lựa chọn của Myanmar cho tương lai.
Phóng viên | Jonathan Tepperman là biên tập viên lưu động của Foreign Policy, ông đảm nhận vai trò này vào tháng 11 năm 2020 sau ba năm làm chue biên của tạp chí. Ông là tác giả của cuốn sách Khắc phục: Cách các quốc gia sử dụng khủng hoảng để giải quyết các vấn đề tồi tệ nhất của thế giới (The Fix: How Countries Use Crises to Solve the World’s Worst Problems). Twitter: @j_tepperman
© 2021 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Myanmar vs. Its Generals | Jonathan Tepperman | Foreign Policy | FEBRUARY 18, 2021. Chú thích của người dịch. DCVOnline biên tập và minh họa.
[1] Khoảng cách để Bluetooth® có thể kết nối là khoảng 30 feet (10 mét). Tuy nhiên, phạm vi liên lạc tối đa sẽ thay đổi tùy vào các chướng ngại vật (người, kim loại, tường, v.v.) hoặc môi trường điện từ.
[2] Thực phẩm và động vật sống, đồ uống và thuốc lá, trừ hàng hóa sản xuất; vật liệu thô, không ăn được, không gồm nhiên liệu, sợi tổng hợp, chất thải và phế liệu; nhiên liệu khoáng, chất bôi trơn và các vật liệu liên quan, trừ các sản phẩm dầu mỏ; dầu, mỡ và sáp động vật và thực vật.