Vụ xả súng ở Atlanta ăn khớp với di sản dùng bạo lực với người châu Á ở Mỹ
Cady Lang | Trà Mi
8 người bị giết có 6 phụ nữ châu Á, trong vụ xả súng tại 3 tiệm đấm bóp khu vực Atlanta
Đó là cảnh thật đau lòng và kinh hoàng — nhưng đối với nhiều người, đó không phải là một chuyện bất ngờ.
Tin tức về vụ tám người, sáu trong số đó là phụ nữ Mỹ gốc châu Á, đã bị bắn chết tại các cơ sở kinh doanh ở khu vực Atlanta vào ngày 16 tháng 3 được xẩy ra sau một năm chống phân biệt chủng tộc dữ dội ở Mỹ. Tin thảng thốt vào mạng xã hội hay trên mặt báo nơi cảm xúc của người đọc vẫn như những vết thương cháy bỏng chưa lành. Chuyên gia truyền thông xã hội Mark Kim viết trên Twitter,
“Trò bắn giết hàng loạt này nhắm vào phụ nữ châu Á và các doanh nghiệp của họ. Đây không phải là một sự kiện đặc biệt. Đã có hơn 500 tội ác vì hận thù người châu Á chỉ trong năm nay.”
Mark Kim
Nhà báo Elise Hu cho biết trên trang web,
“Thảm kịch Atlanta này nằm ở điểm giao thoa giữa chủng tộc, giới tính, giai cấp và di sản của lịch sử thuộc địa và bạo lực của Mỹ ở châu Á.”. Tôi không có từ ngữ. Tôi chỉ thoái chí. Bảo vệ phụ nữ Châu Á, đoàn kết với những người hành nghề mại dâm, #StopAsianHate.”
Elise Hu
Và khi các bài đăng lan truyền, với các bình luận, họ khẳng định lời kêu gọi thay đổi, tin tức liên tục đến. Cảnh sát cho biết:
“Nghi phạm xả súng ở Atlanta đã nói với nhà chức trách rằng những vụ giết phụ nữ châu Á không có động cơ chủng tộc.”
Một trích dẫn từ một bài báo trên tờ Daily Beast mô tả kẻ bắn súng bị cáo buộc – và bị buộc tội vào ngày 17 tháng 3 với tám tội giết người — là con trai của một mục sư “có vẻ rất vô tội.” Trong khi đó những nạn nhân vẫn được giấu tên. Sau đó trong ngày, bốn người đã được xác định là Delaina Ashley Yaun, 33 tuổi; Paul Andre Michels, 54 tuổi; Xiaojie Tan, 49 tuổi; và Daoyou Feng, 44 tuổi. Ngoài ra, Elcias R. Hernandez-Ortiz, 30 tuổi, bị thương trong vụ tấn công. (Giới chức sở cảnh sát Atlanta không nêu tên các nạn nhân khác cho đến khi gia đình của họ được thông báo.) Vào thời điểm tên của họ được công báo, nghi phạm đã được một thành viên của văn phòng cảnh sát trưởng Quận Cherokee xác nhận; chính người phát ngôn của văn phòng cảnh sát trưởng Quận Cherokee này, trong một video lưu hành rộng rãi, nói:
Trong sự nghịch tai là việc xác nhận điều mà nhiều người Mỹ gốc châu Á đã biết: bạo lực từ lâu nhắm vào cộng đồng của họ hiếm khi được nhìn nhận là kỳ thị chủng tộc. Kể từ khi bắt đầu đại dịch vào mùa xuân năm ngoái, người Mỹ gốc châu Á đã phải đối đầu với bạo lực vì phân biệt chủng tộc với tỷ lệ cao hơn nhiều so với những năm trước. Stop AAPI Hate, một cơ sở dữ liệu thông tin thành lập vào đầu đại dịch như một phản ứng đối với sự gia tăng bạo lực vì phân biệt chủng tộc, đã nhận được 3.795 báo cáo về sự phân biệt đối xử chống người châu Á từ ngày 19 tháng 3 năm 2020 đến tháng 2. Ngày 28, năm 2021; phụ nữ cho biết tỷ lệ bị thù hận cao gấp 2,3 lần tỷ lệ của nam giới.
Sau khi bắt được thủ phạm, cảnh sát cho biết kẻ xả súng nói rằng anh ta đang tìm cách giải quyết “chứng nghiện tình dục” và “không có động cơ chủng tộc”. Nhưng đối với phụ nữ châu Á, nạn phân biệt chủng tộc và thói khinh miệt phụ nữ lại đan xen sâu sắc. Một phúc trình năm 2018 của Hội Tâm lý Hoa Kỳ đã nêu ra những cách mà phụ nữ Mỹ gốc châu Á bị ngoại lai hóa và bị vật thể hóa trên các phương tiện truyền thông và văn hóa đại chúng, được mô tả là “không có khuôn mặt, im lặng và vô hình, hoặc như những đối tượng tình dục.” Cuộc khảo sát cho biết những định kiến này “góp phần vào kinh nghiệm là bị gạt ra ngoài lề, vô hình và bị áp bức” đối với phụ nữ Mỹ gốc châu Á. Vào ngày 16 tháng 3, nước Mỹ đã chứng kiến sự thực đó hiển hiện một cách tàn bạo nhất.
Kể từ khi làn sóng người di cư Trung Hoa đầu tiên đến Mỹ làm việc vào những năm 1850, người Mỹ gốc châu Á luôn phải chịu bạo lực vì phân biệt chủng tộc. Là một nguồn cung cấp lao động giá rẻ để xây những con đường sắt, những người di cư châu Á bị coi là mối đe dọa đối với việc làm của người da trắng và bị coi là vật tế thần bẩn thỉu và đầy bệnh tật.
[Lịch sử Mỹ đã ghi nhận cuộc tàn sát di dân người Trung Hoa năm 1871 là một cuộc bạo loạn vì kỳ thị chủng tộc diễn ra vào ngày 24 tháng 10 năm 1871 tại Los Angeles, California.
Một đám khoảng 500 người da trắng tấn công vào Phố Tàu, cướp và giết người Trung Hoa tại đây. Vụ thảm sát diễn ra trên phố Calle de los Negros, còn gọi là Nigger Alley, nơi sau này trở thành một phần của Los Angeles Street. Khoảng 17 đến 20 người di cư Trung Hoa — 10% dân Trung Hoa tại đây — bị đám đông tra tấn , bắn chết rồi treo cổ; đây là vụ thảm sát lớn nhất lịch sử nước Mỹ.
Một nguyên nhân khác, nhưng gần hơn liên quan đến việc một chủ trang trại địa phương, Robert Thompson, đã bị giết chết trong vụ xung đột giữa hai phe (Đường) Nin Yung và Hong Chown. – TM]
Cuối cùng “hiểm họa da vàng” đã đưa đến Đạo luật Loại trừ người Trung Hoa năm 1882, lần đầu tiên Hoa Kỳ cấm một nhóm sắc tộc cụ thể ra không được đến Mỹ.
Sự tàn bạo kéo dài hơn hai thế kỷ lịch sử Hoa Kỳ, từ các trại giam giữ trong Thế chiến thứ hai, khi hơn 100.000 người Mỹ gốc Nhật bị vây bắt và bỏ tù vì nỗi sợ bài ngoại, đến vụ sát hại Vincent Chin năm 1982, người đã chết sau khi bị những người đàn ông da trắng hành hung trong một cuộc tấn công có động cơ chủng tộc ở Detroit.
Tuy nhiên, mặc dù bạo lực vì phân biệt chủng tộc đã là một phần không thể phủ nhận trong lịch sử của người Mỹ gốc châu Á ở Hoa Kỳ, nhưng huyền thoại “thiểu số kiểu mẫu” phổ biến đã giúp làm mờ đi điều đó. Ý tưởng sai lầm đó, được xây dựng trong thời kỳ dân quyền đối với các phong trào công bằng chủng tộc, cho thấy rằng người Mỹ gốc châu Á thành công hơn các dân tộc thiểu số khác vì làm việc chăm chỉ, học hành và bản tính tuân thủ luật pháp vốn có. Nhà giáo dục công lý về chủng tộc Bianca Mabute-Louie nhấn mạnh mối liên hệ giữa định kiến “thiểu số kiểu mẫu” tai hại này và bạo lực mà chúng ta đã thấy trên bản tin — những video có những người lớn tuổi người Mỹ gốc châu Á đã bị xô ngã xuống đất. Bà nói,
“Điều này góp phần xóa bỏ bạo lực giữa những con người rất thực mà chúng ta thấy xảy ra trong những video này và những người Mỹ gốc châu Á trải qua hàng ngày, những thứ không được lên mặt báo và những thứ không được quay phim.”
Bianca Mabute-Louie
Bởi vì huyền thoại cho thấy sự thăng tiến, nó tạo ra một ngụy biện rằng người Mỹ gốc châu Á không phải đấu tranh hoặc bị phân biệt chủng tộc. Trên thực tế, cộng đồng này đang bị phân chia về kinh tế nhiều nhất ở Mỹ: một nghiên cứu năm 2018 của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy người Mỹ gốc châu Á có chênh lệch thu nhập-bất bình đẳng lớn nhất với như một nhóm sắc tộc và chủng tộc ở Mỹ.
Sự gia tăng tội phạm vì hận thù chống người châu Á hiện nay càng trở nên trầm trọng hơn do luận điệu bài ngoại của cựu Tổng thống Donald Trump, người tiếp tục gọi COVID-19 là “virus Trung Hoa”, đổ lỗi cho quốc gia này gây ra đại dịch. Sự lựa chọn từ ngữ của Trump đi theo lịch sử lâu dài của người Mỹ về việc sử dụng các căn bệnh để biện minh cho chủ nghĩa bài ngoại chống người châu Á — một điều đã giúp hình thành nhận thức về người Mỹ gốc châu Á là “người nước ngoài vĩnh viễn”.
Một số không nhỏ người gốc Việt cũng vô tình rất đồng ý với khái niệm kỳ thị chủng tộc này của người Mỹ khi luôn tuyên bố họ vẫn đang sống ở “xứ tạm dung” dù đã ở đó quá nửa cuộc đời với đầy đủ phúc lợi xã hội.
TM
Russell Jeung, người đồng sáng lập của Stop AAPI Hate, và là giáo sư nghiên cứu về người Mỹ gốc châu Á tại Đại học Tiểu Bang California tại San Francisco cho biết:
“Có mối tương quan rõ ràng giữa những nhận định mang tính kích động của Tổng thống Trump, việc ông ấy khăng khăng sử dụng thuật ngữ virus Trung Hoa, và bài phát biểu căm thù sau đó lan truyền trên mạng xã hội và bạo lực thù hận hướng về chúng tôi.”
Russell Jeung
Phân biệt chủng tộc chống người châu Á cũng tăng lên trong đại dịch ở Anh và Úc, với các vụ việc phân biệt đối xử và bài ngoại được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ở Ý, Nga và Brazil phúc trình vào mùa hè năm ngoái. Tin tức từ Atlanta đã đổ úp vào các cộng đồng châu Á vốn đã cảm thấy rất dễ bị thua thiệt. Mai-Anh Peterson, đồng sáng lập của besea.n (Mạng lưới Đông Á và Đông Nam Á của Anh) cho biết:
“Tất cả chúng tôi đều đang cảm thấy bị chấn thương tập thể vào lúc này. Chúng tôi biết rằng đây không chỉ là vấn đề ở Bắc Mỹ.”
Mai-Anh Peterson
Tổng thống Joe Biden đã tìm cách khắc phục thiệt hại do người tiền nhiệm gây ra. Ngay sau khi nhậm chức vào tháng Giêng, ông đã ký Sắc lệnh Hành pháp lên án sự phân biệt đối xử đối với người châu Á. Trong bài phát biểu ngày 11 tháng 3 nhân kỷ niệm một năm đại dịch COVID-19, ông nói rằng tội ác căm thù đối với người Mỹ gốc châu Á là “không phải là người Mỹ” và chúng “phải dừng lại.”
Năm ngày sau, kẻ sát nhân bắt đầu nổ súng.
Tổng thống không đơn độc. Một ngày trước khi xảy ra vụ xả súng, Bác sĩ Michelle Au, thượng nghị sĩ tiểu bang người gốc Đông Á ở Georgia, đã lên tiếng về mối nguy hiểm sắp xảy ra mà cộng đồng châu Á phải đối phó trong đại dịch. Bà nói
“Người Mỹ gốc châu Á là một phần của sự đa dạng của đất nước chúng ta. Hãy nhận rằng chúng ta cần giúp đỡ, chúng ta cần được bảo vệ và chúng ta cần những người có quyền lực đứng lên bảo vệ chúng ta chống lại sự thù ghét.”
Bs Michelle Au
Hình thức bảo vệ đó như thế nào là một phần của cuộc tranh luận sôi nổi giữa những người Mỹ gốc châu Á, đặc biệt là sau khi một quốc gia đang phải tính lại về nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống và sự tàn bạo của cảnh sát sau vụ giết chết George Floyd vào tháng Năm năm ngoái. Trong đợt dùng vũ lực gia tăng gần đây trước Tết Nguyên đán, hai diễn viên Daniel Dae Kim và Daniel Wu đã đăng trên Twitter đoạn video quay cảnh một cụ ông 91 tuổi bị đẩy ngã ở Phố tàu tại Oakland, California. Họ treo phần thưởng 25.000 đô la cho bất kỳ ai có thể cung cấp thông tin về kẻ tấn công, cũng là thủ phạm đã đẩy ngã một người đàn ông 60 tuổi và một phụ nữ 55 tuổi, và bà đã bị bỏ nằm bất tỉnh sau vụ tấn công.
Dòng tweet của Kim đã gây ra nhiều cảm xúc lẫn lộn trong cộng đồng AAPI: nỗ lực nâng cao nhận thức của ông ấy đã chạm vào mối bất bình lâu năm của nhiều người Mỹ gốc châu Á — rằng bạo lực đối với họ thường bị coi thường hoặc bỏ qua. Đồng thời, việc đưa ra phần thưởng — đặc biệt trong hoàn cảnh kẻ tấn công bị cáo buộc là người Da đen — nhấn mạnh sự khó khăn trong việc giải quyết bạo lực chống người châu Á mà không cần dựa vào các cơ quan thực thi pháp luật đã từng nhắm vào các cộng đồng Da đen và da nâu. (Cảnh sát Oakland buộc tội người Hồi giáo Yahya 28 tuổi về tội hành hung, dùng súng bắn và hành hạ người già.)
Người cầm bút kiêm chuyên viên tư vấn Kim Trần viết,
“Trông nó giống như một món tiền thưởng dành cho người bắt được người da đen được những người Mỹ gốc châu Á nổi tiếng tài trợ. Tôi có những nghi ngại lớn, nghi ngại lớn.”
Kim Trần, Ph.D.
Thay vì chuyển sang áp dụng chính sách tuần tiễu thêm, các nhà lãnh đạo cộng đồng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức cơ sở tại thời điểm này, cũng như sự cần thiết của sự đoàn kết giữa các cộng đồng. Jeung, người đồng sáng lập Stop AAPI Hate cho biết:
“Chúng tôi biết rằng đây là một vấn đề ảnh hưởng đến tất cả cộng đồng của chúng tôi và chúng tôi phải phá vỡ chu kỳ của bạo lực.”
Russell Jeung
Chính sách tuần tiễu bổ túc không gây ra mối đe dọa chỉ đối với các cộng đồng Da đen và da nâu; những người gốc châu Á cũng phải chịu đựng những đối xử bất bình đẳng dưới bàn tay của cơ quan công lực. Hậu quả của vụ giết người ngày 16 tháng 3 làm nhiều người nhớ lại cái chết năm 2017 của Yang Song, một nhân viên tiệm đấm bóp, đã rơi xuống đất chết trong khi cố chạy thoát khỏi một cuộc càn quét của cảnh sát ở Flushing, Queens; nhà văn Mia Sato đã tweet,
Đối với giới vận động, những câu chuyện như của Song là một lời nhắc nhở về sự cần thiết phải xây dựng tình đoàn kết giữa các chủng tộc, giai tầng kinh tế và xã hội. Nhà văn và người vận động Roslyn Talusan nói trên Twitter,
“Những người châu Á có quyền lực và tên tuổi phải thấy kinh hoàng khi đàn ông da trắng đang nhắm vào nhóm người yếu đuối nhất của chúng ta — phụ nữ di cư nghèo. Bảo vệ và vận động cho những người hành nghề mại dâm gốc châu Á nên là trụ cột nền tảng của bất kỳ phong trào đấu tranh vì công bằng chủng tộc nào trong các cộng đồng châu Á.”
Roslyn Talusan
Thông tin chi tiết về tội ác ở Atlanta vẫn đang được thu thập. Nhưng ở mức thấp nhất, tác động là ngay lập tức. Grace Wang, quản lý của một spa địa phương ở Atlanta, cho biết,
“Hôm nay chúng tôi đóng cửa vì mọi người đều lo sợ. Tất cả nhân viên đều lo lắng khi đến làm việc, và cả khách hàng nữa và chúng tôi quyết định đóng cửa cho đến khi chúng tôi biết được chuyện gì đã xảy ra.”
Grace Wang
Không có giải pháp nhanh chóng nào giải quyết vấn đề bạo lực vì phân biệt chủng tộc. Điều mà Biden gọi là “không phải người Mỹ”, xét cho cùng, đã ăn sâu vào lịch sử nước Mỹ. Chấm dứt chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chống người châu Á ở Hoa Kỳ có nghĩa là đối mặt với sự phân biệt đối xử, bạo lực và áp bức hàng thế kỷ, đồng thời nhận ra nó biểu hiện như thế nào trong thời đại ngày nay. Như Au đã lưu ý trong các phát biểu của bà trong tuần này,
“Đây là một chương mới trong một câu chuyện rất cũ.”
Dr. Michelle Au
Để viết một câu chuyện mới, chúng ta phải công nhận quá khứ xấu xa đã đưa chúng ta đến đây.
© 2021 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: The Atlanta Shootings Fit Into a Long Legacy of Anti-Asian Violence in America | Cady Lang | TIME | Mar. 19, 2021. Suyin Haynes/London và Paulina Cachero, Andrew R. Chow, Leslie Dickstein, Sanya Mansoor, Kat Moon, Simmone Shah và Francesca Trianni/New York viết tin.