Tản mạn chuyện anh Ba(rack) đi Hà Nội, tới Sài Gòn

Trà Mi

obama++

Chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong ba ngày cuối tháng 5, 2016 đã chấm dứt và xem như thành công về nhiều mặt.

Hình Boing minh hoạ 737 của Vietjet Air.
Hình Boeing minh hoạ 737 của Vietjet Air.

Đối với tư bản Mỹ thì ông Obama ít nhất cũng đem về cho Boeing 11,3 tỉ USD tiền bán 100 chiếc Boeing 737 cho Vietjet Air. Boeing sẽ giao máy bay từ 2019 đến 2023. Ngoài ra Vietjet Air đã ký hợp đồng, trị giá 3,04 tỉ USD, mua động cơ phản lực của Pratt & Whitney (UTC) cho 63 chiếc Airbus. Đương nhiên, hãng Boeing, Pratt & Whitney (UTC) còn những hợp đồng bảo trì trị giá nhiều trăm triệu hay hàng tỉ USD chưa công bố.

Về mặt chính trị, Obama đã đi một bước rẽ ngoặt, bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Quyết định này, bề mặt đã làm các tổ chức nhân quyền bất bình vì Mỹ đã đặt nặng việc Trung Quốc đang bành trướng, phô trương bắp thịt ở Biển Đông hơn việc chính quyền độc đảng ở Việt Nam vẫn đàn áp người hoạt động nhân quyền và lề mề trong việc đổi mới. Coi vậy mà không phải vậy. Thứ nhất, Obama nói Việt Nam muốn mua vũ khí giết người thì Mỹ sẽ bán; nhưng Mỹ sẽ cứu xét từng trường hợp chứ không phải “tiền trao thì cháo múc”.

Nói như vậy có nghĩa là Mỹ vẫn có thể kèm các điều kiện liên hệ xa gần đến hồ sơ nhân quyền và những cải cách về mặt pháp trị của Việt Nam trong chuyện mua bán vũ khí. Ngoài chuyện đem Mỹ làm con ma hù doạ các nhà cung cấp vũ khí hiện nay cho Việt Nam thì việc mua vũ khí của Mỹ không phải là chuyện dễ dàng đối với chính quyền CSVN hiện nay vì nhiều lẽ. Một là hoả tiễn của Mỹ không thể gắn trên dàn phóng của Nga. Nói cách khác thích ứng vũ khí của Mỹ vào hệ thống vũ khí đang sử dụng tại Việt Nam không phải là việc dễ dàng; thứ hai giá vũ khí Mỹ rất đắt; thứ ba, Việt Nam có thể chỉ muốn mua những loại vũ khí Nga hay những nước khác không có hay không bán. Thí dụ máy bay trinh sát Orion P-3 (hay đời cũ hơn, rẻ hơn), hệ thống radar viễn thông và tình báo của Mỹ. Quyết định này cuả Mỹ làm đảng cộng sản Việt Nam rất hài lòng vì đây “một thắng lợi tầm cao”, đồng thời cũng làm đảng CS Trung Hoa phải lên tiếng, “Đừng xía vào chuyện ở Biển Đông” của các quốc gia ven Thái Bình Dương.

Nổi tiếng với những bài diễn văn truyền cảm, thúc dục lòng người, ông Obama đã không phụ lòng hơn 2000 thính giả ở Trung tâm Hội Nghị Mỹ Đình và dân đen Việt Nam với một bài đọc hơn 30 phút đầy những dẫn dụ bùi tai. Nào là “Nam quốc sơn hà nam đế cư / Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” để nhắc ai đó đừng có bắt nạt nước nhỏ Việt Nam. Nhưng ở điểm này Obama đã mắc hội chứng Hà Nội ngay tại Hà Nội. Ông Tổng thống đại cường Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã không gọi đích danh thằng bắt nạt là nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa hay như Hà Nội chỉ dám gọi là “nước lạ”. Người ta gọi đó là khôn ngoan chính trị; dân đen như người viết gọi đó là “quá nhũn nhặn”. Báo chí trong nước hân hoan trích dẫn lại hai câu thơ trong bài “Nam quốc sơn hà”, nhưng óc bài Trung Hoa và mị độc giả đến đến độ chỉ dẫn hai câu thơ đó bằng tiếng Nôm (Sông núi nước Nam, vua Nam ở / Rành rành định phận tại sách trời) của bài thơ nguyên bản là Hán văn.

Ngoài Lý Thường Kiệt, Obama còn trích Văn cao, Trịnh Công Sơn, Thích Nhất Hạnh và dĩ nhiên ban cố vấn Toà Bạch Ốc làm sao mà quên được Nguyễn Du.

Văn Cao được Obama dùng để bày tỏ hy vọng tương lai về quan hệ của hai nước bằng “Từ đây người biết quê người / Từ đây người biết thương người / Từ đây người biết yêu người” trong bài Mùa xuân đầu tiên

Hai ông phản chiến, thiên tả có lẽ đúng hơn, Trịnh Công Sơn và Thích Nhất Hạnh cũng được trích dẫn.

Obama dẫn Trịnh Công Sơn với ý của bài Nối vòng tay lớn, “mở lòng để thấy tình người trong con tim nhau” hay Giòng máu nối con tim đồng loại / Dựng tình người trong ngày mới.

Anh Ba(rack), mình gọi Barack cho nó thân mật nhé. Cho mình xin tí đi anh Ba. Trịnh Công Sơn đã nhẩy lên đài phát thanh Sài Gòn hát bài này ngay từ ngày 30 tháng 4, 41 năm trước, rồi nghị quyết 36, rồi lời kêu gọi khúc ruột ngàn dặm, v.v. tới nay mấy thứ đó chả có nghĩa lý con khỉ tiều gì ráo. Toàn là những lời đãi bôi, giả trá, đĩ miệng của bọn buôn người, hốt đô-la thôi anh Barack!

Đối với nước Mỹ, người Mỹ, lính Mỹ, chính phủ Mỹ thì Việt Cộng nay đã xem là bạn, là cựu thù, cùng chia sẻ quan tâm (về thằng bắt nạt nước bé ấy) và lợi ích thương mại. Nhưng đối với người miền nam Việt Nam, người tị nạn cộng sản, người di tản buồn, người vượt biên, vượt biển thì Việt Cộng vẫn xem là bọn “thua cuộc”, bọn “nguỵ”. Không tin mình thì anh Ba cứ nhờ ban cố vấn đọc báo nghe đài, đọc sách tuyên truyền của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đi.

Anh Ba nói

“Tại đài tưởng niệm chiến tranh của các bạn cách đây không xa, và với bàn thờ gia đình trên khắp đất nước này, các bạn đã đang thương nhớ khoảng 3 triệu người Việt Nam, những người lính và thường dân, cả hai bên, đã chết. Tại bức tường tưởng niệm của chúng tôi ở Washington, chúng tôi có thể sờ tay vào tên của 58.315 người Mỹ đã hy sinh trong cuộc chiến. Trong cả hai nước chúng ta, các cựu chiến binh và gia đình của những tử sĩ vẫn còn đau đáu nhớ thương những người bạn và những người thân yêu đã mất. Cũng như chúng tôi đã học được ở Mỹ rằng, ngay cả khi không đồng ý với nhau về một cuộc chiến, chúng tôi vẫn phải luôn luôn trân trọng những người lính chiến, đã phục vụ quê hương và chào đón họ trở về với sự tôn trọng xứng đáng với họ; chúng ta, người Việt Nam và người Mỹ, hôm nay có thể cùng nhau nắm tay và nhìn nhận nỗi đau và sự hy sinh của cả hai bên.”

Tiếc quá, anh Ba đã ghé điện Ngọc Hoàng  mà không qúa bộ đến thăm nghĩa trang Bình An, tên cũ là Nghĩa trang Quân đội Biên Hoà, hay được nghe những mẩu chuyện của những người lính chiến Việt Nam Cộng Hoà trong những ngày bị dập vùi trong trại tù cải tạo, hoặc được xem hình ảnh của những cuộc bốc xương cốt những người tù cộng sản đã bỏ xác ở nơi rừng thiêng nước độc để thấy rằng những tình cảm chân thành của anh chỉ là muối bỏ biển với cái đám độc đảng độc tài, liệt thần kinh cảm xúc, đang cai trị ở Việt Nam.

Merde! Cho mình xổ tiếng Tây một cái. Trích ai không trích anh lại đem ông sư Nhất Hạnh ra làm cái gì cho mất thì giờ cán bộ. Anh Ba dẫn lời của ông sư nói, “khi thực lòng đối thoại, cả hai bên đều sẵn sàng thay đổi.”

Sau lần về thăm năm 2005 thành công và cú mặc hoàng bào, ông sư đi dưới lọng về Việt Nam cả 3 tháng (tháng 2-tháng 5, 2007) cùng tăng đoàn Làng Mai thực lòng lập trai đàn cầu siêu giải oan thì đã có gì thay đổi hay chưa? Hay đó chỉ cơ hội và công cụ cho nhà nước CSVN sử dụng để đánh bóng chế độ mà vẫn không tạo điều kiện dễ dàng cho phật tử tu thân, hành hoạt. Ông sư cũng hay dậy dỗ thiên hạ “lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương”. Thế thì bản kiến nghị thực lòng (hay yêu cầu 10 điểm ngày 5 tháng 5, 2008) ông sư trao tận tay cho Nguyễn Minh Triết, “Xin chính phủ thực hiện việc tách rời tôn giáo khỏi chính trị và chính trị khỏi tôn giáo…” (Điểm số 10) và thư Làng Mai số 31 (4/2/2008) đến nay đã ảnh hưởng thế nào hay có thay đổi được gì cho sinh hoạt của Phật giáo ở Việt Nam? Để hiểu, để thương? Biến động ở tu viện Bát Nhã từ tháng 6, 2008 đến tháng 9, 2009 là tiền mất (gần một triệu đô-la Mỹ) tật mang (Thượng thoạ Thích Đức Nghi, chủ tu viện, muốn tăng thân tu học theo pháp môn Làng Mai phải rời Bát Nhã – nói nôm na là đuổi đệ tử của ông sư Nhất Hạnh). Nó là cái gương tày mẹt đó anh Ba.

Tóm lại, sư ông nói thế là nói lý thuyết suông, nói cho thơm miệng và hoàn toàn vô hiệu, nhất là với cái đám vô thần yêu đô-la.

Bài diễn văn của Obama được hoan hô hết mình, được trích dẫn rổn rảng trên báo chí Việt Nam không có gì lạ vì đó là một bài đọc của một chính khách hoạt bát, đa năng đang lãnh đạo quốc gia giàu mạnh nhất thế giới.

Tuy nhiên, nếu bịt tai để khỏi bị những tràng pháo tay rầm rộ làm mất tập trung, người nghe/đọc vẫn có thể thấy được một vài ý quan trọng Tổng thống Mỹ muốn nhắn gởi đến thế hệ trẻ của Việt Nam. Ông nói,

“Vận mệnh của các bạn đang nằm trong tay các bạn, đây là thời điểm của các bạn. Và khi các bạn mưu cầu tương lai, tôi muốn các bạn biết rằng Hoa Kỳ luôn ở bên cạnh các bạn như một đồng minh, như một người bạn.”

Chỉ 5 năm nữa thôi, cả cái Bộ Chính Trị Đảng CSVN (nếu còn) sẽ khó còn có ai là bộ đội đã đi chiến trường B, đuổi Mỹ, diệt Nguỵ trước năm 1975. Obama vừa nhắc vừa đặt hy vọng vào thế hệ trẻ Việt Nam.

Đến cái nước mà hễ mưa to thì thủ đô biến thành biển hồ, ông Tổng thống Mỹ vẫn nhắc đến tầm quan trọng của môi sinh, môi trường và những thách đố toàn cầu về sự thay đổi khí hậu. Obama nói đến việc phải gìn giữ vịnh Hạ Long, việc phải bảo vệ động Sơn Đoòng, phải bảo vệ sức khoẻ của người dân, phải giúp nông dân và ngư dân thích ứng, phải có năng lượng sạch để đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục là vựa lúa nuôi dân của những thế hệ tương lai, muốn thế tất cả phát triển phải là phát triển bền vững.

Khái niệm Phát triển Bền vững dù chưa quen thuộc với đại đa số người dân Việt Nam, nhưng nếu hỏi bất cứ ai ở Sài Gòn, Hà Nội và nhất là dân ở các tỉnh miền Trung thì chắc chắn họ sẽ nói Formosa không thể, không là một cơ sở giúp phát triển bền vững vì một nhân viên cao cấp của công ty này bắt dân chúng chỉ được chọn một giữa thép hoặc cá tươi. Ngư dân ở Vũng Áng và bờ biển chung quanh đang đói vì không lẽ đi đánh bắt cá đã chết. Có lẽ vì là một người vẫn còn làm chính trị đang đi ngoại giao nên Obama phải nói trệch sang đồng bằng sông Cửu Long, vịnh Hạ Long, động Sơn Đoòng thay vì hỏi huỵch tẹc, “Tại sao cá chết?”

A woman holds up a Vietnamese hat with Obama written on it as US President Barack Obama (not pictured) speaks at a Young Southeast Asian Leaders Initiative town hall event in Ho Chi Minh City on May 25, 2016. Obama fielded questions on May 25 on everything from rap and weed smoking to leadership and his good looks at a lively town hall-style meeting with young Vietnamese, who say the US leader is a far cry from their staid Communist rulers. / AFP / CHRISTOPHE ARCHAMBAULT (Photo credit should read CHRISTOPHE ARCHAMBAULT/AFP/Getty Images)
Dơ nón gây chú ý với Tổng thống Mỹ trong cuội hội thoại YSEALI tại Tp Hồ Chí Minh ngày 25/5/2016. Nguồn: CHRISTOPHE ARCHAMBAULT/AFP/Getty Images

Người theo dõi cũng thấy Obama bay tỏ quan điểm khá rõ ràng trong những phiên họp không đông người. Thí dụ như ở buổi nói chuyện với các thành viên xã hội dân sự ở Hà Nội, ông nói, “Vẫn còn những khu vực đáng quan tâm về tự do ngôn luận, tự do hội họp, trách nhiệm của chính phủ.” Tôn trọng nhân quyền không phải là một mối đe dọa cho sự ổn định.

Đặc biệt, khi Obama đề cập đến nhân quyền trong bài diễn văn ở Mỹ Đình thì cả hội trường im lặng hẳn đi.

Ở phiên họp sau cùng với khoảng 850 người trẻ do tổ chức Sáng kiến Giới Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á (YSEALI, một tổ chức do chính Tổng thống Mỹ Obama đề xướng 3 năm trước) thực hiện ở Saigon hôm 25 tháng 5. Báo chí phương Tây gọi đó là một cuộc họp “nhiều màu sắc”. Trả lời quan tâm của khán giả về cuộc tranh cử đang“xáo trộn” ở Hoa Kỳ, Obama nói, trong chế độ dân chủ, cử tri sẽ nhanh chóng điều chỉnh lại những sai lầm nếu có. Và ông hứa mọi việc (trong cuộc bầu cử sắp tới) sẽ đâu vào đó.

Bắt nhịp cho Soboi, một ca sĩ hát nhạc rap Việt Nam, và nghe Soboi giải thích ý nghĩa lời ca về cái giàu tiền, nhà to, cửa rộng và đặt vấn đề đó có phải là giàu thực sự hay không. Obama mượn cơ hội đó nói đến quyền tự do phát biểu, tự do sáng tạo trong nghệ thuật. Ông nói rằng nhạc rap bắt nguồn từ những người Mỹ gốc Phi châu nghèo khó, lời nhạc rất nhạy cảm, nhiều đoạn nghe dễ mất lòng, nếu chính phủ Mỹ cấm hát nhạc rap thì nó đã không thể trở thành một hiện tượng toàn cầu, một trường phái nghệ thuật của giới trẻ như hôm nay.

“Vì thế hãy để mọi người bầy tỏ. Đó là một phần của nền văn hoá ở thế kỷ thứ 21.”

Câu đầu tiên đặt ra với Tổng thống Mỹ trong buổi hội thoại thực không phải là một câu hỏi mà là một yêu cầu. Bà Chelsea Nguyễn đại diện cho một công ty (100% của Việt Nam) sản xuất sản phẩm và thiết bị nhựa cao cấp cho sản phẩm trong các ngành công nghệ điện tử tiêu dùng, kỹ nghệ xe hơi, và kỹ nghệ hàng không. Cầm giấy đọc, bà Chelsea Nguyễn muốn được Tổng thống Mỹ cơ cấu cho công ty của bà có cơ hội tiếp cận và trở thành nhà cung cấp vật liệu cho những công ty thuộc các ngành công nghệ vừa kể!

Trong gần 8 năm ở vai trò nguyên thủ quốc gia có lẽ đây là lần đầu tiên ông Obama được yêu cầu một cách công khai dùng quyền lực tổng thống can thiệp trực tiếp vào hoạt động doanh nghiệp tư nhân của Mỹ! Rất tiếc cho bà Chelsea, Obama không phải là Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng hay Nguyễn Xuân Phúc. Sau gần hai phút lễ phép nói loanh quanh về lợi ích của TPP, nhờ ơn phúc tổ, Barack Obama đã trả lời bà Chelsea,

“… vai trò của tôi trong phạm trù này, không phải là người mối lái, hay ký hợp đồng. Đó là việc của người khác…”

chứ ông không nói, “Có ba trăm lạng việc này mới xong.”

Một câu hỏi và trả lời lý thú khác là, “Làm thế nào doanh nghiệp và chính phủ Việt Nam có chính sách để gìn giữ tài nguyên trí tuệ của Việt Nam?” Nói cách khác làm thế nào để giữ được nhân tài cho công ty và quốc gia? Tổng thống Mỹ đã ôm ngay cơ hội để nói đến những giá trị của một xã hội dân chủ, mà không hề dùng đến hai chữ dân chủ. Ông nói.

“Cách tốt nhất để giữ nhân tài ở bất kỳ quốc gia nào là phải đãi ngộ họ xứng đáng. Muốn đãi ngộ nhân tài người ta phải có một chế độ pháp trị vững chắc, có một hệ thống giáo dục tốt, có khả năng gây dựng doanh nghiệp tương đối dễ dàng, phải có những chính sách nhà nước tốt về mặt thuế quan, xây dựng hạ tầng cơ sở, được thế người tài sẽ cảm thấy hữu dụng, cảm thấy đây là đất hứa, để đi đến thành công. Thường thường người ta không muốn rời bỏ quê hương nếu họ cảm thấy họ có cơ hội thành công ngay trên đất nước của mình. Họ thường bỏ đi khi họ cảm thấy họ bị kẹt, không phát triển được trên đất nước của họ. Vì thế một trong nhưng lợi ích của TPP là chính phủ sẽ có những loạt cải cách về mặt luật pháp để tạo thành những mội trường kinh doanh tốt hơn cho những doanh nhân trẻ như các bạn. […]

Những nơi để mất nhân tài là chỗ có nhiều tham nhũng, vì dù cố gắng làm việc thế nào đi nữa bạn vẫn phải hối lộ hay bạn phải mướn em họ ông này bà kia để có giấy phép cho một hoạt động kinh doanh nào đó. Những việc đó sẽ làm nản lòng những người có khả năng. Người ta nản lòng vì không có một nền giáo dục tốt; không những chính họ cần một nền giáo dục tốt cho mình và khi mở doanh nghiệp người ta cũng muốn thâu dụng người có trình độ giáo dục tốt. Người ta cần hạ tầng cơ sở tốt, đường xá tốt, vô tuyến truyền thông để kinh doanh trong thế kỷ thứ 21. Môi sinh ngày càng là yếu tố quan trọng. Có những quốc gia gặp khó khăn trong việc thâu dụng nhân tài vì ở đó khó thở (vì ô nhiễm không khí)…”

Tạ tình anh Ba đã nói

“Rằng: Trăm năm cũng từ đây,
Của tin, gọi một chút này làm ghi.”

Và để kết thúc xin gởi tặng lại anh hai câu,

“Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”

Lòng mình đau đớn nhất là lúc nghe bà Chelsea Nguyễn cầm giấy đọc tiếng Anh nhờ anh Ba cơ cấu!

Montréal, mùa Xuân 2016.

© 2016-2021 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline hiệu đính và minh họa. Bài đăng lần đầu ngày 26 tháng 5, 2016.
Tham khảo
(1) Remarks by President Obama in Address to the People of Vietnam. National Convention Center. Hanoi, Vietnam. May 24, 2016. The WHITE HOUSE | Office of the Press Secretary
(2) President Obama Holds a YSEALI Town Hall. The WHITE HOUSE | PRESIDENT BARACK OBAMA. Ho Chi Minh City, Vietnam, May 25, 2016

2 Comments on “Tản mạn chuyện anh Ba(rack) đi Hà Nội, tới Sài Gòn

  1. Còn có một thằng tự cho mình là thủ lỉnh trẻ đã hỏi một câu cực kỳ ngu xuẩn khiến anh Ba phải kêu trời là:” Làm thế nào để anh Ba được như vậy”
    Hình như thằng đó là con của một thằng quan to đang chờ cơ cấu hay sao ấy

  2. CHÍNH TRỊ VÀ KINH TẾ

    Điều mà xã hội và mỗi người mong muốn trước tiên, đó là ý nghĩa kinh tế mà không hẳn là ý nghĩa chính trị. Thế nhưng khốn nỗi, chính chính trị làm ảnh hưởng kinh tế, nên thực tế mọi người trở thành đâm ra quan tâm tới chính trị trước nhất, chính là điều như thế.

    Bởi thực chất, chính trị không tạo ra đồng tiền bát gạo nào cho người dân mà chỉ kinh tế mới làm được điều ấy. Chính trị theo nghĩa cầm quyền chính, chỉ thuần lấy thuế đóng của dân, tức sử dụng ngân sách đất nước để làm những việc có khi tự mình thấy bổ ích cho đất nước, cho nhân dân mà thật tình chỉ có hại cho đất nước và xã hội.

    Như vậy điều quan trọng của chính trị là ý nghĩa, giá trị, hay mục đích của nó, nhưng không phải chỉ chính trị là chính trị thuần túy. Có nghĩa chính trị phải luôn gắn với kinh tế và văn hóa, xã hội. Tính hiệu quả hay giá trị của chính trị cũng chỉ là ở đây mà không ở đâu khác. Tức nếu ngược lại, đó không phải chính trị lành mạnh hay chính trị cần có, mà chỉ là điều phi lý, cần sửa đổi, hay cần loại bỏ.

    Tất nhiên khi Tổng Thống Obama sang thăm Việt Nam, tuyên bố sự bình thường hóa giữa hai bên, điều trước tiên thấy rõ ràng đó là cái lợi của tập đoàn tư bản Mỹ cũng như là tập đoàn tư sản
    việt Nam mà cụ thể là Boeing bán được hàng trăm máy bay và Vietjet cũng có thể mua để sử dụng. Các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội khác thì khỏi cần phải nói.

    Có nghĩa trên cương vị Tổng Thống Mỹ, ông Obama không thể không nghĩ đến quyền lợi của nước Mỹ về mọi mặt trước nhất. Thế nhưng biết mình biết người cũng là điều khôn ngoan đầu tiên hết, và nước Mỹ cũng như mọi Tổng Thống của họ không bao giờ không biết điều đó. Đó là điều khiến nước Mỹ hay được cảm tình nhiều với thế giới, mà trong đó mỹ cảm của nhiều người Việt Nam đối với riêng ông Obama chỉ là cách thể hiện. Nó khác với tính cách vừa ăn cướp vừa la làng của một số nước lớn khác.

    Trở lại vấn đề, khi tập đàn tư bản Mỹ Boeing được lợi, cũng có nghĩa toàn thể nhân dân và xã hội Mỹ được lợi. Bởi vì không bất cứ lợi nhuận nào ở đâu chỉ ỳ lại một chỗ mà nó sẽ phải được trang trải ra cho toàn dân tất cả. Không thể bắt mọi tập đoàn tư nhân phải làm chính trị, vì nhiệm vụ và mục đích của họ chỉ là kinh tế. Chính trị luôn là phần của nhà nước. Mọi chính sách chung của nhà nước về phúc lợi xã hội, về phát triển kinh tế, về điều hòa thu nhập xã hội, nhà nước đó có làm được hay không, đó mới chính là ý nghĩa và giá trị của nhà nước đó mà không phải của ai khác.

    Nói rộng ra hơn, chính trị không phải chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn ảnh hưởng cả đến văn hóa, xã hội nói chung, trong đó có tự do dân chủ, nhân quyền, tôn giáo. Có điều nếu có tự do dân chủ thì có tất cả còn không thì ngược lại. Tự do dân chủ như vậy là chỗ đầu mối mà không là gì khác. Sở dĩ có người dị ứng, hay bài xích, tiêu diệt tự do dân chủ, vì người ta tin chắc vào một ý thức hệ tức lý thuyết chủ nghĩa vu vơ nào đó, hay tin tưởng rằng chỉ độc tài mới có khả năng giải quyết được nhiều vấn đề của những xã hội lạc hậu, thấp kém. Nhưng hiểu như thế là sai lầm.

    Bởi tự do dân chủ không phải là thị hiếu suông, nhưng là nguyên lý khoa học khách quan của đời sống xã hội. Nên mọi cái gì ngược lại tự do dân chủ chân thực đều ngược lại khoa học khách quan. à ngược lại khoa học khách quan thì không bao giờ kết quả hay thành công mà còn tạo ra bao nhiêu hệ lụy đi kèm theo đó. Có nghĩa mọi độc tài ý thức hệ hay độc tài duy theo quan điểm cá nhân thuần túy đều là sai trái, đều nhân văn, phản xã hội, phản khoa học, phản thực tiển, không bao giờ là điều gì tốt đẹp để có thể tán thưởng hay chấp nhận được. Nó chỉ là những thứ ngụy biện, lừa bịp, ngu dốt, làm thiệt hại cho mọi xã hội thế thôi.

    Cuối cùng tôn giáo cũng thế. Tôn giáo là khát khao chân chính của một số người trong xã hội, đó là những khát khao siêu hình, những niềm tin siêu nhiên, những tâm thức sâu lắng nào đó mà mọi người khác đều không thể phủ nhận được. Phi bác tôn giáo cũng chỉ là sự độc tài độc đoán hạn hẹp, nó cũng chẳng khác gì sự cuồng si tôn giáo theo kiểu thấp kém và mê tín. Chính bởi thế không thể nhập nhòa giữa tôn giáo và chính trị, tức tôn giáo lợi dụng chính trị hay chính trị lợi dụng tôn giáo. Cả hai cái đó thực chất đều mị dân, đều chỉ muốn lợi dụng để mưu lợi cho riêng mình mà không hề vì chính trị chân chính hay vì tôn giáo chân chính nào đó cả.

    Như thế kết luận lại, kinh tế và chính trị luôn là ý nghĩa bao quát nhất. Mặc dầu cái bao quát của chính trị chỉ là một bộ phận của cái bao quát trong kinh tế, nhưng ngặt nỗi, chính trị luôn luôn là quyền lực, quyền lực của cá nhân và quyền lực của xã hội, nên khiến cho chính trị dường như lấn át, bao trùm lên kinh tế dầu thực chất ý nghĩa không bao giờ là vậy. Bởi thế chỉ nhìn vào chính trị thì biết kinh tế ở đó ra sao, ngược lại chỉ nhìn vào kinh tế cũng biết được chính trị ở đó như thế nào, đó chi là điều dễ hiểu nhất. Mà kinh tế phát triển luôn phải trên thị trường cạnh tranh tự do nhưng lành mạnh, đó cũng là nguyên tắc để xã hội phát triển, kinh tế phát triển, văn hóa phát triển, chính trị phát triển. Chính điển hình của xã hội Mỹ là như thế. Đó là nguyên lý, không phải những cái râu ria.

    Mọi nguyên tắc hay nguyên lý khoa học mới giải quyết được mọi cái râu ria theo thời gian lịch sử mà không bao giờ ngược lại. Theo nguyên lý khoa học cốt lõi, đó là sự sáng suốt, thông minh còn không thì ngược lại. Bởi suy nghĩ theo nguyên lý khoa học luôn là sự suy nghĩ lý tính còn suy nghĩ theo râu ria chỉ là những suy nghĩ theo cảm tính. Ngày nay mọi thực tế trên thế giới đều cho thấy con đường khoa học và lý tính là con đường khách quan và nhân văn, văn hóa, hay con đường nhân đạo. Ngược lại mọi con đường độc tài độc đoán phản tự do dân chủ theo kiểu mê tín ý thức hệ hay chuyên đoán cá nhân đều chỉ là những con đưởng lỗi phạm và tội ác vì chỉ biết nương theo những cảm tinh tầm thường thấp kém hay nương theo mọi mục tiêu thiển cận và giả đối đi ngược lại mọi thực chất xã hội nhân văn và nhân bản cũng như mọi ý nghĩa khách quan khoa học.

    THƯỢNG NGÀN
    (27/5/16)