Phúc trình “Giới hạn của Phát triển” đã đúng. Nghiên cứu mới cho thấy chúng ta sắp sụp đổ
Graham Turner và Cathy Alexander | Trà Mi
“Nếu những khuynh hướng tăng trưởng dân số thế giới hiện nay, kỹ nghệ hóa, ô nhiễm, sản xuất lương thực và cạn kiệt tài nguyên tiếp tục không thay đổi, thì giới hạn của pPhát triển trên hành tinh này sẽ đạt đến ở một lúc nào đó trong vòng một trăm năm tới. Kết quả có thể xảy ra nhất sẽ là sự sụt giảm khá đột ngột và không thể kiểm soát được cả về dân số và khả năng của kỹ nghệ.” — Limits to Growth (1972)
Bốn mươi năm sau khi cuốn sách xuất bản, các dự báo của “Giới hạn của Phát triển” đã được chứng minh bằng nghiên cứu mới của Úc. Giai đoạn đầu của sự sụp đổ toàn cầu sẽ sớm xuất hiện
Cuốn sách “Giới hạn của Phát triển” phát hành năm 1972, dự đoán nền văn minh của chúng ta có thể sẽ sụp đổ trong thế kỷ này, đã bị chỉ trích là tưởng tượng về ngày tận thế kể từ khi xuất bản. Trở lại năm 2002, chuyên gia môi trường tự phong Bjorn Lomborg đã ký gửi nó vào “thùng rác lịch sử”.
Nó không nằm trong thùng rác. Nghiên cứu của Đại học Melbourne đã cho thấy các dự báo của cuốn sách, sau 40 năm, là chính xác. Nếu chúng ta tiếp tục theo dõi theo kịch bản của cuốn sách, sẽ thấy giai đoạn đầu của sự sụp đổ toàn cầu sớm xuất hiện.
“Giới hạn của Phát triển” là một phúc trình viết cho một tổ chức tư vấn tên là Câu lạc bộ Rome. Giới nghiên cứu làm việc tại Viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT), gồm cả hai vợ chồng Donella và Dennis Meadows, đã xây dựng một mô hình máy tính để theo dõi nền kinh tế và môi trường của thế giới. Mô hình máy tính đó tên là World3, rất tiên tiến.
Nhiệm vụ của World3 đầy tham vọng. Nhóm nghiên cứu ở MIT đã theo dõi quá trình kỹ nghệ hóa, dân số, lương thực, sử dụng tài nguyên và ô nhiễm. Họ đã lập mô hình dữ liệu cho đến năm 1970, sau đó đưa ra một loạt các kịch bản cho đến năm 2100, tùy thuộc vào việc nhân loại có hành động nghiêm túc đối với các vấn đề tài nguyên và môi trường hay không. Nếu điều đó không xảy ra, mô hình đã dự đoán “vượt quá mức và sụp đổ” — về kinh tế, môi trường và dân số — trước năm 2070. Đây được gọi là kịch bản “làm ăn như thường”.
Điểm trung tâm của cuốn sách, từ đó đã bị chỉ trích nhiều vì cho rằng “trái đất là hữu hạn” và việc truy tìm sự gia tăng không giới hạn về dân số, của cải vật chất, v.v. cuối cùng sẽ dẫn đến sự sụp đổ.
Như vậy, có phải họ đã đúng hay không? Chúng tôi quyết định xét lại các kịch bản đó sau 40 năm. Tiến sĩ Graham Turner đã thu thập dữ liệu của LHQ (bộ phận kinh tế và xã hội, Unesco, tổ chức nông nghiệp và thực phẩm, và niên giám thống kê của LHQ). Ông cũng đã kiểm tra với cơ quan quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Hoa Kỳ, cơ quan đánh giá thống kê BP, và những nơi khác. Dữ liệu đó được vẽ cùng với các kịch bản “Giới hạn của Phát triển”.
Kết quả cho thấy thế giới đang đi theo khá chặt chẽ kịch bản “làm ăn như thường” của báo cáo “Giới hạn của Phát triển”. Dữ liệu không thích hợp với các hoàn cảnh khác.
Các biểu đồ sau đây biểu thị dữ liệu trong thế giới thực (trước tiên là từ nghiên cứu của MIT, sau đó là từ nghiên cứu của chúng tôi), vẽ bằng đường liền nét. Đường chấm chấm biểu thị kịch bản “làm ăn như thường” trong phúc trình “Giới hạn của Phát triển” tính đến năm 2100. Tính đến năm 2010, dữ liệu này rất giống với dự báo của cuốn sách.
Như các nhà nghiên cứu của MIT đã giải thích vào năm 1972, theo kịch bản đó, dân số ngày càng tăng và nhu cầu về của cải vật chất sẽ dẫn đến sản lượng kỹ nghệ và ô nhiễm nhiều hơn. Các biểu đồ trên cho thấy điều này thực sự đang xảy ra. Tài nguyên đang được sử dụng với tốc độ nhanh chóng, ô nhiễm đang gia tăng, sản lượng kỹ nghệ và lương thực bình quân đầu người đều tăng. Dân số đang tăng lên nhanh chóng.
Cho đến nay, “Giới hạn của Phát triển” đã chứng minh mô hình đúng với thực tế. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra tiếp?
Theo cuốn sách, để thúc đẩy sản lượng kỹ nghệ tiếp tục tăng trưởng,con người cần phải sử dụng ngày càng nhiều các nguồn tài nguyên. Nhưng những nguồn tài nguyên ngày càng trở nên đắt hơn khi chúng đã được sử dụng gần hết. Khi ngày càng có nhiều vốn đầu tư vào việc khai thác tài nguyên, sản lượng kỹ nghệ trên đầu người bắt đầu giảm — theo cuốn sách, từ khoảng năm 2015.
Khi ô nhiễm tăng lên và đầu tư của kỹ nghệ vào nông nghiệp giảm, sản lượng lương thực trên đầu người giảm. Các dịch vụ y tế và giáo dục bị cắt giảm, và kết hợp lại những yếu tố đó làm tỷ lệ người chết tăng lên từ khoảng năm 2020. Dân số toàn cầu sẽ bắt đầu giảm từ khoảng năm 2030, tức khoảng nửa tỷ người mỗi mười. Điều kiện sống giảm xuống mức tương tự như đầu những năm 1900 – đâu thế kỷ 20.
Về cơ bản, theo cuốn sách, những hạn chế về tài nguyên dẫn đến sự sụp đổ toàn cầu. Tuy nhiên, những “Giới hạn của Phát triển” là yếu tố dẫn đến hậu quả do ô nhiễm ngày càng tăng, gồm cả hiện tượng biến đổi khí hậu. Cuốn sách cảnh báo lượng khí thải, carbon dioxide, sẽ có “tác động khí hậu” bằng cách “làm ấm bầu khí quyển”.
Như các biểu đồ cho thấy, nghiên cứu của Đại học Melbourne đã không tìm thấy bằng chứng về sự sụp đổ tish đến năm 2010 (mặc dù tăng trưởng đã bị đình trệ ở một số khu vực). Nhưng trong “Giới hạn của Phát triển”, những tác động đó chỉ bắt đầu xảy ra vào khoảng năm 2015-2030.
Những giai đoạn suy giảm đầu tiên có thể đã bắt đầu. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-08 và tình trạng kinh tế bất ổn đang diễn ra có thể là dấu hiệu báo trước sự thất bại do hạn chế về nguồn lực. Việc theo đuổi của cải vật chất góp phần vào mức nợ không bền vững, với giá thực phẩm và giá dầu tăng cao đột ngột góp phần vào các vụ vỡ nợ — và Khủng hoàng Tài chính Toàn Cầu (GFC).
Vấn đề về đỉnh khai thác dầu là rất quan trọng. Nhiều nhà nghiên cứu độc lập kết luận rằng sản lượng dầu thông dụng “dễ dàng” có được đã đạt đến đỉnh điểm. Ngay cả Cơ quan Năng lượng Quốc tế bảo thủ cũng đã cảnh cáo về đỉnh khai thác dầu.
Đỉnh khai thác dầu có thể là chất xúc tác cho sự sụp đổ toàn cầu. Một số người coi các nguồn nhiên liệu hóa thạch mới như dầu đá phiến, dầu cát và khí vỉa than là những vị cứu tinh, nhưng vấn đề là các nguồn này có thể được khai thác nhanh như thế nào, trong bao lâu và với giá bao nhiêu. Nếu họ bỏ ra quá nhiều vốn để khai thác thì sự sụp đổ sẽ lan rộng.
Nghiên cứu của chúng tôi không chỉ ra rằng sự sụp đổ của nền kinh tế, môi trường và dân số thế giới là điều chắc chắn. Chúng tôi cũng không khẳng định tương lai sẽ mở ra đúng như những gì các nhà nghiên cứu của MIT đã dự đoán vào năm 1972. Chiến tranh có thể nổ ra; và có thể ló lãnh đạo về môi trường toàn cầu thực sự. Cả hai đều có thể ảnh hưởng đáng kể đến quỹ đạo tương lai.
Nhưng kết quả chúng tôi tìm thấy đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Có vẻ như không thể có việc truy tìm tăng trưởng không ngừng có thể tiếp tục đến năm 2100 mà không gây ra tác động tiêu cực nghiêm trọng — và những tác động đó có thể đến sớm hơn chúng ta nghĩ.
Có thể đã quá muộn để thuyết phục chính khách và giới tinh hoa giàu có trên thế giới vẽ một lộ trình khác cho nhân loại. Vì vậy, chúng ta, có lẽ đã đến lúc phải nghĩ về cách tự bảo vệ mình khi bước vào một tương lai không chắc chắn.
Như “Giới hạn của Phát triển” kết luận vào năm 1972:
“Nếu các khuynh hướng tăng trưởng dân số thế giới hiện nay, kỹ nghệ hóa, ô nhiễm, sản xuất lương thực và cạn kiệt tài nguyên tiếp tục không thay đổi, thì giới hạn của pPhát triển trên hành tinh này sẽ đạt đến ở một lúc nào đó trong vòng một trăm năm tới. Kết quả có thể xảy ra nhất sẽ là sự sụt giảm khá đột ngột và không thể kiểm soát được cả về dân số và khả năng của kỹ nghệ.”
The Limits to Growth (1972)
Cho đến nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy họ đã sai.
© 2021 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net“
Nguồn: Limits to Growth was right. New research shows we’re nearing collapse | Graham Turner and Cathy Alexander | The Guardian | 2 Sep 2014.