40 năm nhìn lại những ngày mất Sài Gòn (II)
Nguyễn Văn Lục
Vậy mà tại Sài Gòn, tướng Tham mưu trưởng Frederick Weyand khi viếng thăm Việt Nam đã bảo đảm với các nhà lãnh đạo đương quyền ở Việt Nam là Tổng thống Ford vẫn ủng hộ mạnh mẽ chính phủ Nam Việt Nam. Chữ dùng là ‘strong support’ trong khi tình trạng miền Nam đang rơi vào sự tuyệt vọng.
(Tiếp theo phần I)
Chúng tôi muốn Thiệu phải từ chức
“Ông ta đã bán miền Nam cho cộng sản. Thiệu đã không cho biết trước có cuộc rút quân này. Chúng tôi đã bốn lần thoát chết.” Một người phụ nữ khác đã nói như thế. Một vị sĩ quan cho biết trong ba ngày đầu, những nạn nhân bị cộng quân phục kích còn được chôn cất hẳn hoi, nhưng sau đó thì những người bị giết hoặc bị thương bị đẩy sang lề đường và cứ thế đôi khi xe cộ cán qua người họ. Khi mà đoàn người bị ứ đọng bởi xe cộ, kẹt cứng trên một đoạn đường dài hơn 10 dặm, bị pháo kích của cộng quân, bị mìn, bị xô đẩy, chen chúc đến không nhúc nhích được thì bùng phát ra các vụ cướp bóc, hôi của cũa những người lính.
Xe cộ, tủ lạnh, tivi, quạt máy, giường ngủ, dàn máy hát và đồ đạc tùy thân lúc này trở thành miếng mồi ngon cho sự cướp bóc? Anh hùng hay hèn nhát? Nào ai có thể nói được trong hoàn cảnh những người chạy loạn khốn khổ và cay đắng ấy?
Cầu cống chưa sửa kịp tạo ra sự dồn cục, tắc nghẽn như thể chui vào trong một cái rọ cho cộng quân đuổi theo, pháo kích.
Nó còn khốn khổ, tồi tệ hơn hoàn cảnh của liên quân Anh Pháp ở Dunkerque. Cái cảnh ấy không bao giờ có thể quên được. Và cứ thế các tỉnh Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột rơi vào tay cộng quân.
Miền Nam đã để mất vào tay cộng sản 11.000 dặm vuông và con số hơn một triệu dân.
Mặc dầu vậy, hàng ngàn xe cộ, xe gắn máy cũng đã tới được Tuy Hòa. Đến Tuy Hòa, phần lớn đàn bà, trẻ con như lạc mất thần. Họ lặng lẽ lau nước mắt.
Tổng thống Park Chung Hee của Nam Hàn
Trong khi đó, cũng theo tin AP, nơi xứ người, Tổng thống Park Chung Hee của Nam Hàn quyết tâm xiết chặt các thành phần đối lập. Trước đó đã có cuộc trưng cầu dân ý đưa đến kết quả dễ dàng one-man rule vào tháng hai vừa qua. Hoàn cảnh Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm giống nhau. Nhưng số phận hai nước lại rẽ theo những hướng khác nhau, một nước mỗi ngày một phát triển, một nước thì lận đận với chiến tranh và rồi mỗi ngày một thêm tụt hậu.
Câu hỏi thắc mắc của tôi là ta và Nam Hàn cùng một hoàn cảnh, vậy mà ông Thiệu không sang Đại Hàn một chuyến học hỏi người ta nhỉ?
Ngày Đà Nẵng mất cũng là ngày Lon Nol của Cao Mên chuồn mất.
Vào đúng ngày Đà Nẵng mất. Thủ tướng Lon Nol dẫn đầu một phái đoàn viếng thăm thiện chí Indonesia và Hoa Kỳ. Trước khi đến Indonesia, Lon Nol quá cảnh ở phi trường Thái Lan Utapao, nhưng bốn ngày sau, ông biến mất. Và kể từ ngày đó, ông không bao giờ quay trở vể nữa. Ông Lon Nol xem ra cũng quá khôn ngoan, giống lãnh đạo của ta không kém gì!
Việc ra đi của tướng Lon Nol cũng báo hiệu cho biết con bài tẩy của Kissinger cách đây hơn 4 năm cũng chấm dứt theo. Kissinger là người đầu tư vào lá bài Lon nol. Vậy mà sau đó Kissinger phủi tay.
Ngày 25 tháng Ba. Âm mưu ám sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
Nguồn tin của hãng Reuters trích lại một bài báo đăng trên báo ở Nhật, tờ Mainichi cho hay Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vừa thoát một cách an lành vụ ám sát ông vào ngày chủ nhật vừa qua.
Trong ngày thứ hai, người ta cũng nghe được dư luận về vụ ám sát ông Thiệu là do âm mưu của một sĩ quan cao cấp tìm cách tấn công ông Thiệu. Nhưng các cận vệ của ông Thiệu đã phòng ngừa và ngăn cản được vụ tấn công. Và ngay lập tức, viên sĩ quan ấy bị bắt giữ.
Nguyên do của vụ mưu sát ông Thiệu liên quan đến việc ông quyết định cho rút khỏi Tây Nguyên vừa qua.
Có thể nói, trong thời gian này, ông Nguyễn Văn Thiệu là một người cô độc. Nhiều tin đồn đảo chánh đòi lật đổ. Ông Nguyễn Cao Kỳ được coi là mối nguy hiểm nhất, vốn là một địch thủ, tìm cách móc nối với tướng Lê Minh Đảo, tướng Cao Văn Viên để có thể có thêm vây cánh.
Nhưng kết quả là cả tướng Lê Minh Đảo cũng như Cao Văn Viên đều không muốn tham dự.
South Viet generals, Plots are all in vain
Phóng viên Mark Gayn có viết một bài diễn tả đủ cái tình trạng miền Nam lúc bấy giờ nhan đề: South Viet generals, Plots are all in vain.
Theo Mark Gayn, ít lắm cũng có hai nhóm tính lật đổ ông Nguyễn Văn Thiệu.
Thứ nhất, nhóm cựu tướng Dương Văn Minh mà dưới mắt người Mỹ được coi như hết thời. Ngoài thú chơi lan còn đánh Tennis mà người Mỹ đánh giá ông rất thấp. Một thứ Hamlet của chính trị Viêt Nam, tính tình không dứt khoát đi đến chỗ bất lực chẳng giải quyết được gì. Lúc nào cũng là thứ bung xung. Bề ngoài đóng vai trò trung lập. Chỉ không ngờ con bài tẩy ấy nay lại có chỗ để dùng như một con chiên tế thần mà người Mỹ gọi là a Bluff professionnal soldier, nửa mùa theo Tây. Ra vào nhà Dương Văn Minh, có một số đối lập, bất mãn với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu được Minh che chở như trường hợp cựu dân biểu đối lập Dương Văn Ba. Ông này ăn ở ngay trong dinh Hoa Lan và trốn lính. Cộng thêm vào đó là một vài tướng lãnh còn mong muốn Minh trở lại nắm chính quyền và có cơ may thương thảo hòa bình với cộng sản. Nhưng Minh là người rất ngại Nguyễn Văn Thiệu. Minh có mời Trần Thiện Khiêm lại nhà nói chuyện và thú nhận có liên lạc với phía Mặt trận. Minh cũng khoe là qua tướng Đôn vừa về từ Paris, có liên lạc với Jacques Chirac và Pháp đã công khai cho rằng Minh là người có thể có vai trò hòa giải. Đại sứ Pháp Jean-Marie Merrillon đã đến gặp Minh để tiếp xúc.
Người thứ hai là thủ tướng Trần Thiện Khiêm, một người khá nhất trong đám tướng lãnh, một tay chuyên nghiệp trong những âm mưu và khuynh đảo và cũng có thể là người có khả năng nhất để điều hành chính phủ. Vừa qua, nhân danh ông Thiệu, ông Khiêm là người thay đổi ba tướng quân đoàn, 20 đại tá và 200 cấp tá. Ông biết dùng người, ngay cả loại trừ người này, người kia, rồi cài đặt vào vị trí khác khiền ai cũng mắc một món nợ với ông. Tuy nhiên, tình hình quá khẩn trương và thay đổi gấp rút nên việc sắp đặt các chức vụ chỉ huy chưa đem lại kết quả gì khi cộng quân sắp sửa vào đến cửa ngõ trong nhà. Mọi cố gắng thay đổi đề trở nên vô ích. (Xem phần di tản của ông Thiệu để thấy Ông Thiệu và Khiêm là cặp bài trùng)
Lần đầu tiên, Đà Nẵng bị pháo kích. Ở phía Nam Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Chu Lai thất thủ giúp cho cộng quân rảnh tay. Nói thất thủ là không đúng, cộng quân chưa tới nơi thì quân dân cán chính đã tự rút lui có chiến thuật, mạnh ai người nấy bỏ chạy.
Hết Quảng Ngãi, Chu Lai đến Nha Trang và cứ thế tháo chạy. Cảnh tượng đó bắt nguồn từ cuộc rút quân ngày 16 tháng 3 tại Pleiku, Kontum và như vết dầu loang. Chưa đánh đã bỏ chạy.
Thực sự sau trận tấn công dễ dàng vào Ban Mê Thuột ngày 10-3 mở đầu cho chiến dịch, cộng quân chưa hề có trận đụng độ chính thức nào với quân đội miền Nam Việt Nam.
Đó là nỗi nhục chung cho quân đội miền Nam.
Ngày 27 tháng ba. Mất Bình Định
Tỉnh Bình Định đã rơi vào tay cộng quân. Trong khi đó ở Sài Gòn, Tổng thống Thiệu đã ra lệnh bắt một số khoảng hơn 10 người được coi là có âm mưu lật đổ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Danh sách 10 người này là những ai hiện nay chưa được biết chính xác. Nguyên thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ họp báo phủ nhận ông không có dính dáng trong những âm mưu tính lật đổ này. Ông cũng kêu gọi thành lập một chính phủ mới ‘được dân chúng và quân đội tin tưởng’. Tuy nhiên ông nói với các thông tín viên báo chí là ông mong muốn có sự thay đổi bằng những phương tiện hòa bình.
Ngày 27 tháng 3. Quảng Trị mất
Người ta còn nhớ trước đây, cộng quân đã chiếm Quảng Trị vào năm 1972. Trận đánh kéo dài đến tám tháng. Và quân đội VNCH phải mất 2 tháng để chiếm lại Cổ Thành với trợ giúp của gần 5000 chuyến bay B-52 và và gần một triệu viên đạn pháo. Cuộc chiến đấu tái chiếm Quảng Trị là một quyết tâm của quân đội VNCH, đổ ra nhiều xương máu.
Trong cuộc tái chiếm của Quảng Trị, người ta cho là trận đánh kinh hoàng nhất. Số thương vong cả hai bên, nhất là phía cộng quân thiệt hại không đếm xuể. Xác người không kịp chôn. Họ đã vùi thây ở đây như một thứ mồ chôn tập thể mà Hà Nội đã đẩy họ vào. B-52 là hung thần của họ.
Vậy mà nay đến lượt quân đội miền Nam phải bỏ chạy.
Nay thì nhiều đoàn người dân chúng hốt hoảng bỏ chạy. Thừa Thiên có mật độ dân số là 750.000 ngàn người, trong đó thành phố Huế với 200.000. Huế với những cảnh sôi nổi, biểu tình xuống đường trước đây, nay Huế chỉ còn là cảnh vườn không nhà trống. Thông tín viên AP đã phải gọi Huế là vùng no-man’s land. Thành phố Huế vắng hoe. Người ra đi thì đã đi rồi. Người ở lại thì đành chấp nhận cho số phận buông xuôi. Người ta ước lượng con số hơn nửa triệu người đã bỏ chạy.
10 giờ đêm 28 tháng ba
Có lệnh bỏ Đà Nẵng. Tướng Truởng đã họp các sĩ quan tham mưu và thông báo cho họ tin triệt thoái khỏi Đà Nẵng. Triệt thoái như thế nào, phương cách làm sao? Từ tướng Trưởng trở xuống, không một ai có lòng dạ nào lo cho cuộc triệt thoái có trật tự, có lớp lang. Ai đi trước, ai đi sau ngăn chặn cộng sản. Kinh nghiệm triệt thoái Cao Nguyên đáng lẽ là một kinh nghiệm đắt giá.
Vậy mà bài học Tây nguyên đã không rút tỉa được kinh nghiệm gì cho cuộc triệt thoái này. Cuối cuối cùng đây là cuộc bỏ chạy thê thảm thứ hai sau Ban Mê Thuột.
Trách nhiệm này chắc hẳn tướng Trưởng phải chịu một phần!
Cách đây 2 tuần lễ, tại đường số 7, đó là một Dunkerque Việt Nam.
Ngày hôm nay, cuộc triệt thoái khỏi Đà Nẵng là một nỗi kinh hoàng mà trách nhiệm phần lớn nằm trong tay quân đội, tướng lãnh, sĩ quan cao cấp.
Ngày 29 tháng Ba. Đà Nẵng những ngày hấp hối. Miracle Flight from Hell
Đà Nẵng sau này trở thành tiêu biểu cho cuộc tháo chạy của quân đội và dân chúng miền Nam lánh nạn cộng sản. Một sự tháo chạy trong hoảng loạng, chà đạp, xô đẩy ngay cả giết chóc để kiếm một chỗ trên máy bay hay trên các tàu thủy.
Thảm cảnh ấy chỉ sau này ở hải ngoại Cao Xuân Huy mới viết “Tháng ba gẫy súng”. Đó là một địa ngục trần gian mà những chuyến bay rời khỏi Đà Nẵng những ngày cuối cùng được phóng viên Paul Vogle là nhân chứng diễn tả lại.
Câu chuyện về ông Edward Daly
Cũng trong cái tinh thần hy sinh và trách nhiệm mà Edward Daly đã nhất quyết cho chiếc máy bay phản lực 727s cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất quay trở lại Đà Nẵng thêm 17 lần để cứu vớt những người tỵ nạn mặc sự ngăn cản và chấm dứt hợp đồng của tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn sau 3 chuyến di tản.
Tất cả chi phí chuyến bay cũng như trách nhiệm là do tự ý Daly quyết định với hy vọng vớt thêm người tỵ nạn. Ông là chủ công ty World Airways từ năm 1950.
Cái gương can đảm của Daly thật đáng để kể lại.
Phóng viên của hãng UPI, Paul Vogle là một trong những người đi chuyến bay chót từ Đà Nẵng vào Sài Gòn. Ông cho là một phép lạ chuyến bay có thể cất cánh và an toàn ra khỏi không phận Đà Nẵng vào ngày thứ bẩy. Nhiều người đã giành giật lên máy bay và sẵn sàng giết người khác để giành một chỗ trên chuyến bay.
Ông Daly đã bắn một loạt đạn lên trời nhằm cảnh cáo. Nhưng xem ra tất cả đều vô hiệu. Theo Paul Vogle, những người lính VNCH đã xả hàng tràng đạn M16 để ngăn cản những người dân tỵ nạn đổ xô lên máy bay. Trong khi đó cộng quân tiếp tục pháo kích vào phi trường càng làm cho dân chúng hoảng sợ. Paul Vogle đã trông thấy một người lính của quân đội miền Nam đã đạp vào mặt một người đàn bà lớn tuổi để dành chỗ lên máy bay. Người đàn bà lộn nhào xuống ở phi đạo và một tay vẫn cố bám vào phi cơ đã sắp sửa lăn bánh. Một binh sĩ dùng súng đã bắn một tràng súng liên thanh. Trên máy bay, chỉ có các binh sĩ trong quân phục của họ. Phần đông họ thuộc Đại đội Hắc Báo, Sư đoàn 1 Bộ binh (1st Division’s Black Panther Unit). Sàn máy bay đầy những vết máu. Có hai thường dân duy nhất là đàn bà và một đứa trẻ trong chuyến bay phản lực 727. Có vài người bám vào khoang bánh phi cơ và may mắn như một phép lạ nếu họ còn sống sót. Một số người khác không có may mắn như thế khi phi cơ đã lượn ra xa và họ rớt xuống biển. Khi đến phi trường Tân Sơn Nhất, người ta còn thấy thây một người lính với khẩu M16 còn dính vào vai, thây người còn dính lủng lẳng vào bộ bánh hạ cánh của chiếc phi cơ.
Theo Frank Snepp sau này cho biết, khi chiếc máy bay World Airways 727 vừa đáp xuống phi đạo thì xe chở quân đội cộng hòa tiến lại gần máy bay và binh lính ào xuống. Khoảng 5000 dân chúng đứng sau một hàng rào nôn nóng chờ đợi đã chạy ào về phía máy bay.
Viên phi công vội cho rồ máy và vội vã cất cánh kéo theo một số người còn đang bám dính vào máy bay.(7)
Theo Nhiếp ảnh gia Liên Hương của hãng UPI đã có mặt trong chuyến bay thứ nhì từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, nhiếp ảnh gia đã nhìn thấy một số người bám vào chiếc phản lực thứ nhất khi nó cất cánh và một người đã bị rớt xuống biển.
Vậy mà tại Sài Gòn, tướng Tham mưu trưởng Frederick Weyand khi viếng thăm Việt Nam đã bảo đảm với các nhà lãnh đạo đương quyền ở Việt Nam là Tổng thống Ford vẫn ủng hộ mạnh mẽ chính phủ Nam Việt Nam. Chữ dùng là ‘strong support’ trong khi tình trạng miền Nam đang rơi vào sự tuyệt vọng.
Còn hàng trăm ngàn binh sĩ và thường dân kẹt lại ở Đà Nẵng trong tình trạng rối loạn và vô trật tự. Mất Đà Nẵng, coi như một thiệt hại lớn lao nhất kể từ năm 1946. Một triệu rưởi ngưởi bị vây hãm ba phía. Và trông ra biển là một lối thoát tuyệt vọng. Có 8 chuyến bay định hạ cánh xuống Đà Nẵng để cứu vớt một số dân tỵ nạn. Nhưng đành bỏ cuộc. Cũng chỉ còn chút may mắn là khoảng từ 35 ngàn đến 50.000 ngàn người đã chạy thoát bằng đường biển,
Đà Nẵng ngày 31-3. Babies fall overboard in scramble for ships
Vào ngày 29, tướng Trưởng còn ở Đà Nẵng. Nhưng thay vì ở trên bờ thì ông đã leo lên một chiếc canoe tuần tra để ra tầu lớn. Nơi đây, ông còn nán lại thêm hai ngày nữa để chứng kiến cảnh hấp hối của Đà Nẵng, thành phố lớn thứ hai sau Sài Gòn.
Sau này, nhiều sĩ quan đã phê bình ông vì ông đã không ở lại Đà Nẵng cho đến ngày chót để giữ tinh thần binh đội của mình.Thảm cảnh giành giật lên máy bay chỉ là một sự thu nhỏ thảm kịch tháo chạy. Tại bãi biễn Đà Nẵng, hàng ngàn con người chờ đợi, lội bì bõm với hy vọng ra được tàu thủy bị sóng vùi lấp, hoặc chen chúc nhau trên các sà lan cả mấy ngày nhịn đó, nhịn khát.
Trên chiếc tàu buôn dân sự chở hàng khô SS Pionner Contender(7a), theo lời một nhân chứng thuật lại, một số binh sĩ đã nhốt các chỉ huy chiến hạm này vào một cabin, rồi thay nhau hãm hiếp các phụ nữ, sát hại cũng như trấn lột nữ trang, tiền bạc gây hoảng sợ trong số dân chúng ở trên tầu.
Đây là tình trạng phẫn nộ của một số binh sĩ về sự sụp đổ cay đắng đang diễn ra. Anh hùng hay hèn nhát?
Những thủy thủ người Mỹ trên tầu cho hay có ít nhất 25 người đã bị giết chết khi tranh giành lên tầu. Những người lính thủy quân lục chiến này cho rằng, họ đã giết những người đó vì tình nghi họ là Việt Cộng. SS Pioneer Contender là chiếc tầu cuối cùng rời bến cảng Đà Nẵng. Riêng phóng viên Peter O’Loughlin đã nhìn thấy khoảng 15 xác chết và hàng trăm xác chết khác trên những chiếc xà lan khác.
Theo một nguồn tin khác của AP, trên những chiếc xà lan chất đống hàng mấy ngàn người vừa binh sĩ, vừa thường dân với trẻ con sống chen chúc nhau từ 4 ngày nay không có nước uống. Họ trở thành như điên loạn và đôi khi nhảy xuống biển tự vận. Lính thủy người Mỹ trên tầu SS Pioneer Contender làm thành hành rào người để đỡ những đàn bà trẻ em lên tàu. Phải mất tám giờ đồng hồ để đưa họ lên tàu.
Nhiều người bám vào dây neo của tàu để trèo lên. Chiếc SS Pionner Contender thứ nhất đã vớt được 5000 người và đã nhổ neo. Chiếc SS Pioneer Contender đã có thể áp sát tàu vào sà lan giúp cho người ta có thể lên tàu dễ dàng hơn. Khi chiếc Contender, nhổ neo thì không còn sà lan nào khác và tàu trực chỉ phía Nam, rất có thể là sẽ ghé Cam Ranh. Trên tàu thiếu nước uống, chỉ còn vài thùng nước uống không đủ phân phát cho mọi người. Thủy thủ đoàn đã phải biến Cabin trên tàu thành một nhà thương, vì có người đàn bà hạ sinh một đứa trẻ. bác sĩ cho biết đứa trẻ ở trong tình trạng nguy kịch.
Tàu trực chỉ hướng Nam và người ta còn nhìn thấy xa xa trên bãi biển như một đống rác với xe gắn máy, valise, dày giép, quần áo vứt hỗn độn cũng như xác một đứa trẻ nằm chết trên bãi. Người ta còn nhớ cảnh tượng hãi hùng khi một vài đứa trẻ bị rớt xuống biển và mẹ chúng nhảy xuống theo với một cố gắng vô ích cuối cùng mong cứu được con của họ.
Đó là bài tường thuật của phóng viên AP, tại Đà Nẵng, vào ngày 31 tháng ba với nhan đề: Babies fall overboard in scramble for ships.
Chẳng hiểu những ông Thiệu, ông Khiêm, ông Trần Văn Đôn, ông Dương Văn Minh có cơ hội được xem những thảm cảnh này trên truyền hình hay không?
Phần tôi, sau này có dịp nghĩ rằng các các cấp lãnh đạo miền Nam và các vị chỉ huy từ cấp đại tá trở lên đang có trách nhiệm ở vùng một đã không làm hết bổn phận của một quân nhân. Hầu hết đã dùng những phương tiện dành cho họ và rút khỏi miền Trung bỏ lại đằng sau các sĩ quan cấp thấp như thiếu tá, đại úy và binh lính của họ.
Vì thế, đã có nhiều thành phố buông xuôi, bỏ chạy mà cộng quân đã không phải tốn một phát súng nào. Chẳng hạn như tại Quảng Trị, Bình Định, Tuy Hòa.
Người ta có cảm tưởng mạnh ai tìm phương tiện tháo thân và bất kể số phận dân chúng ra sao. Ông Thị trưởng Đà Nẳng đã tỏ ra bất lực và buông xuôi. Một trong những nhân viên CIA làm việc tại Đà Nẵng Francis Gasped đã hét lên khi không cách nào liên lạc được với vị thị trưởng, “Get me the Mayor.”
Đã có bao nhiêu ông thị trưởng trốn trách nhiệm vào giờ phút thứ 25 như thế?
Và khi đã gặp được viên thị trưởng thì Gaspel nói, “Hãy giúp chúng tôi một tay ở đây. Họ dù sao cũng là dân của các ông.”(8)
Người ta ít để ý và ghi nhận là ngoài khơi bãi biển Đà Nẵng có chiếc tầu thủy dành riêng cho nhóm CIA để quan sát tình hình. Tên chiếc tầu là Oseola có nhiệm vụ quan sát, nếu cần tiếp trợ theo khả năng của họ.
Trên bong tầu Oseola, người ta có thể quan sát cảnh chen chúc nhau lên chiếc Pioneer Contender, cảnh những xà lan tới tấp đưa người lên chiếc SS Pioneer Contender đã quá tải. Xa xa là chiếc HQ-5 của Hải quân, một tầu tuần duyên.
Vài giờ sau, vào lúc nửa đêm, trên chiếc Oseola, người ta có nhận thấy đèn pha trên chiếc SS Pioneer Contender trực chỉ hướng Nam về phía Cam Ranh.
Sứ mệnh một con tàu coi như đã hoàn tất. Phần còn lại, để cho số phận quyết định!
Có một điều như một tấm gương cho các tướng lãnh, sĩ quan cao cấp soi gương là người ở lại cuối cùng trước khi rời Đà Nẵng lại là một người Mỹ. Mặc dầu có lệnh của trùm mật vụ Polgar yêu cầu ông phải di tản ngay khỏi Đà Nẵng bằng máy bay. Ông Philip Custer [bí danh của Trưởng Cơ sở CIA tại Đà Nẵng – có thể là Thomas J. Flores] coi như tai điếc vẫn tiếp tục ở lại, coi như không nhận được lệnh. Ông ở lại với hy vọng là cứu vớt được nhiều người khác lên tầu thủy, thêm được tin tức.
Nhưng đối với Polgar thì việc trì hoãn di tản là tự chuốc lấy một sự liều lĩnh không cần thiết.
Cũng trong cái tinh thần hy sinh và trách nhiệm mà Edward Daly đã nhất quyết cho chiếc máy bay phản lực 727s cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất quay trở lại Đà Nẵng để cứu vớt thêm những người tỵ nạn mặc dầu sự ngăn cản của tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn.
Nhưng nếu tất cả cấp chỉ huy của chúng ta làm công việc như ông Custer hay ông Daly ở trên thì sự thể sẽ như thế nào?
Vào lúc này, tại tòa đại sứ Hoa Kỳ loan báo sẽ có những chuyến bay đặc biệt chở sang Sài gòn các phương tiện thuốc men và cả đồ viện trợ quân sự nữa.
Quyết định của sinh viên ở Canada
Trước tình hình miền Nam trở thành một sự tuyệt vọng. Anh em sinh viên bên này đã tụ họp lại và đi đến quyết định lên gặp đại diện chính quyền Canada bảo lãnh cho gia đình sang tỵ nạn bên Canda. Hạ tuần tháng 3, 1975 sinh viên Việt Nam đã đến văn phòng Bộ trưởng Bộ Lao động và Di trú Robert Andras yêu cầu chính phủ Canada đưa thân nhân của họ rời khỏi Việt Nam. Mặc dù chỉ có một số nhỏ, sinh viên Việt Nam (khoảng 1500 người ở Ontario và Quebec) khi tình hình xấu đi, trụ sở chính của Bộ Bộ Lao động và Di trú tại Ottawa đã tràn ngập với hàng ngàn đơn xin bảo lãnh cho thân nhân và gia đình ở Việt Nam.
Các toán công tác của Bộ Lao động và Di trú ở châu Á-Thái Bình Dương không kịp đối phó, và toàn bộ đội ngũ ngoại giao đoàn đã chuyển sang gởi thư và chiếu khán nhập cảnh. Đơn xin bảo lãnh được cứu xét cấp tốc, và telex danh sách người được bảo lãnh được gửi đến đại sứ quán Canada tại Sài Gòn ở tốc độ nhanh nhất. Nhân viên ngoại giao đã làm việc từ 14 đến 16 giờ một ngày. Hai nhân viên đã ngủ tại Trung tâm Thông tin liên lạc của Bộ Ngoại giao để bảo đảm bảo các tin nhắn vào và ra đã được chuyển kịp thời. Và tất cả các trung tâm di trú ở Canada đã mở cửa một ngày cuối tuần để nhận đơn bảo lãnh.
Cố gắng của nhân viên Bộ Di trú ở Canada đã đem lại kết quả: mỗi buổi sáng tháng Tư, tòa đại sứ Canada tại Sài Gòn đã nhận được những tờ telex dài từ 7 đến 10 thước với tên và địa chỉ, thường không đầy đủ, của thân nhân của sinh viên và người Việt tại Canada.(9)
Chỉ trong tháng Tư 1975, văn phòng visa Canada ở Hồng Kông đã gửi thư hứa cấp chiếu khán nhập cảnh đến 3.500 gia đình (khoảng 15.000 người) ở Việt Nam được người thân ở Canada bảo lãnh.(9a)
Nay nhìn lại, người ta thắc mắc không biết có bao nhiêu sinh viên phản chiến ở Canada nộp đơn xin đoàn tụ gia đình?
Câu trả lời có thể là từ một người dại diệm nhóm sinh viên thiên tả trong tổ chức UGCV (Union générale des Vietnamiens au Canada. Hội Việt kiều Yêu Nước Tại Canada) – ông Thục Bình nói như sau:
Chúng tôi chào đón cuộc chinh phục toàn Đông Dương của người cộng sản. Ông nói tiếp:
“Cuộc chiến thắng vào tháng tư 1975 đã làm rung chuyển huyền thoại sức mạnh siêu cường của nước Mỹ. Nó đem đến sự giải phóng cho nhiều quốc gia. Nhờ đó, nó đem lại sự chiến thắng của các lực lượng tiến bộ của lào và Cambodia, sự chấm dứt chế độ thộc địa của Bồ Đào Nha tại Angola, Guinea-Bissau và Mozambique và sự sụp đổ của các nhóm độc tài cựa tả tại Thổ Nhĩ Kỳ và Bồ Đào Nha.”(10)
Phần chính quyền Canada như Bộ trưởng Di trú Robert Andras nhấn mạnh trong buổi họp nội các rằng: “Canada có truyền thống nhân đạo ‘humanitarian considerations ought to be regarded as paramount’ (Sự cứu xét về mặt nhân đạo phải được coi là điều tối quan trọng).”
Cứu trợ nhân đạo cũng là để đáp ứng lời kêu gọi của Mỹ muốn các nước đồng minh cùng nhau hợp tác trong một chương trình đa phương nhằm định cư những người Việt.
Chẳng những chính phủ Canada chấp nhận cho các sinh viên đang du học tại đây, các người có quyền công dân hay thường trú, khoảng 1500 người được bảo lãnh thân nhân từ Việt Nam sang. Chính quyền còn thỏa thuận nhận khoảng 2000 người không có thân nhân bảo lãnh ở các trại tỵ nạn và 1000 người khác Đông Nam Á.(11)
Chúng tôi nghĩ rằng, việc bảo trợ những người Việt Nam tỵ nạn đến Canada ngay sau ngày 30 tháng Tư, 1975 là một việc làm nhân đạo. Nếu có ưu tiên nào, lúc đó, thì ưu tiên duy nhất là có thân nhân hiện ở Canada. Cũng vì tính cách nhân đạo đó, sau này chính phủ Canada đã cho nhập cảnh Canada đủ mọi thành phần, có học cũng như không có học, biết tiếng Pháp cũng như không biết tiếng Pháp. Tài liệu “Indochinese Designated Class Regulations”, S.O.R./78- 931 nêu rõ nhiều chi tiết về tiến trình bảo lãnh/nhập cư vào Canada của người tị nạn Việt, Miên, Lào đã bỏ nước ra đi sau ngày 30 tháng Tư 1975.
Một số thành phần thuộc giới có ăn học ở Việt Nam, được bảo lãnh vào Québec chủ quan cho rằng, Québec thường dễ chấp nhận những người có bằng cấp và nói được tiếng Pháp! Đó là một lối suy nghĩ chủ quan không đúng chỗ. Hiện nay di dân người Việt ở Canada đã lên đến con số 250.000 người, vậy thì ai là người có học và ai là người nói tiếng Pháp trong số đó?
Trong tập hồ sơ kỷ niệm 40 năm di cư của Hội Sử học Di Dân Canada (The Indochinese Movement: Fortieth Anniversary), ông Bộ trưởng Di trú Robert Andras đã nêu bật tính cách ‘phi chính trị’ trong việc tiếp nhận người tỵ nạn. Vì thế, Canada cùng lúc cho nhập những người Việt Nam tránh nạn cộng sản cũng như cho nhập những người dân Chí Lợi thuộc cánh tả của Tổng thống Allende bị chính quyền độc tài quân phiệt Pinochet săn đuổi và truy lùng.
Ngày mồng một, tháng Tư, 1975 | Cong will talk, if Thieu out
Trước một nguy cơ miền Nam sụp đổ không tránh được, cộng sản Hà Nội càng tỏ ra quyết liệt. Tin của thông tín viên AP, từ Nhật Bản cho hay, cộng sản Hà Nội tuyên bố miền Nam Việt Nam đang ở một khúc quanh mới (New turning point) về một chiến thắng áp đảo và tràn ngập về quân sự.
Nhưng Hà Nội chỉ chịu nói chuyện với một chính quyền mới trong đó không có Nguyễn Văn Thiệu và phe đảng của ông ta. Và rằng trở ngại cuối cùng để đưa đến một cuộc đàm phán chính là Nguyễn Văn Thiệu. và Người Mỹ thì vẫn ngoan cố không chịu chấm dứt sự can thiệp bằng quân sự vào cuộc chiến tranh.
Kissinger thất bại trong cuộc đàm phán Do Thái-Ai Cập
Những cố gắng ngoại giao trong những ngày gần đây xem ra đã tan ra mây khói. Chính sách ngoại giao con thoi (Shuttle diplomacy) của Kissinger đã chấm dứt bằng sự thất bại vì không đưa được Do Thái-Ai Cập xích lại gần nhau để bàn thảo về tương lai giữa hai nước về việc giải trừ binh bị. Mặc dù gặp thất bại, Kissinger vẫn không ngừng gặp gỡ đôi bên. Ông vẫn hy vọng hai bên đạt được một thỏa hiệp!
Refugees plight hopeless
Hoàn cảnh của hơn một triệu người hiện nay còn bị kẹt lại Đà Nẵng coi như hết hy vọng. Ít lắm trong số đó có khoảng 120.000 người tỵ nạn có hy vọng được vớt ngoài biển. Đạn trọng pháo của cộng quân vẫn tiếp tục nã vào Đà Nẵng.
Hiện nay có khoảng 20 tầu biển đang đậu ngoài khơi hải phận quốc tế để cố gắng tìm cách đưa những người tỵ nạn còn bị kẹt trong đất liền. Nhưng xem ra khó có hy vọng làm được điều gì. Làm thế nào người tỵ nạn có phương tiện để ra gặp tầu biển đậu ngoài khơi? Xem ra mọi chuyện đã quá trễ và hết hy vọng? Họ phải có những tầu đổ bộ (Landing ship transport) chở ra tàu lớn.
Chính quyền miền Nam đã nhờ Mỹ can thiệp với Hà Nội để cho những người tỵ nạn ở Đà Nẵng được ra đi thong thả. Hà Nội trả lời là không thể nào có cuộc ngưng bắn đi kèm với việc để những ngươi tỵ nạn ấy ra đi! Chấm hết.
Ngày 2 tháng tư, 1975
Theo tin của đài Hà Nội, một chính quyền mới nay đang có trách nhiệm ổn định lại trật tự ở Huế. Một số viên chức cao cấp như cảnh sát và nhân viên chính phủ bị kẹt ở lại được biết đã bị đem ra xử bắn ngay tức khắc.
Và như một màn kịch cùng ngày, tướng Thiệu ra lệnh tướng Trưởng phải tái thiết lập Quân đoàn 1 dể phản công lấy lại toàn vùng.
Tường Trưởng nghe được lệnh này chắc phải vừa cười, vừa khóc.
Đã ít nhất hai lần, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra những lệnh trái ngược nhau liên quan đến Quân khu I.
Cuộc triệt thoái khỏi vùng I đã phải trả giá đắt. Với 3 triệu dân chỉ có hơn 70 chục ngàn thoát chạy khỏi vùng I mà phần lớn thoát chạy bằng đường biển.
Nay đến lượt thành phố Nha Trang phải di tản. Hôm nay là ngày thứ ba, 2 tháng Tư. Thành phố nhốn nháo với dân tỵ nạn và họ tìm cách chạy ra khỏi thành phố bằng đủ phương tiện. Phần đông họ dùng đường bộ để chạy ra Cam Ranh, cách Nha Trang 40 dặm về phía Nam.
Trong số những người tỵ nạn, một số không nhỏ chạy về từ Cao Nguyên và một số chạy vào từ Đà Nẵng mới được vài ngày nay lại một lần nữa chạy khỏi Nha Trang.
Tuy nhiên các chức sắc trong thành phố cũng như những người có tiền của, có phương tiện do kinh nghiệm từ Đà Nẵng, họ đã tìm cách đi vào Sài gòn trước khi tình trạng rối loạn ở Nha Trang xảy ra. Tuy vậy, những cảnh tượng hỗn loạn xảy ra ở Đà Nẵng nay tái diễn ở đây ở mức độ nhỏ hơn. Nhà tù được mở cửa tạo thêm sự hỗn loạn với nạn cướp hóc vốn đã có sẵn.
Chương trình Orphan Airlift bị bãi bỏ
Theo tin của hãng AP từ Sài Gòn đánh đi cho hay dự định cho 500 trẻ em mồ côi được phép đi sang Mỹ dã bị bãi bõ. Chương trình này do tổ chức có tên là Friend of all Children được 4 bác sĩ và 17 nữ trợ tá gồm các quốc tịch như Mỹ, Úc và Anh trợ giúp.
Theo dự định, các trẻ em sẽ được chở đi trên các chuyến bay World Airways DC8 Cargo jet đến Chicago, ghé qua Tokyo và Hawaii.
Sau đó chẳng bao lâu lại có lệnh cho phép các trẻ em mồ côi được phép ra đi.
Ngày 3 tháng tư, 1975
Người dân Đà Nẵng lo trốn chạy cộng sản như thế, nhưng theo phóng viên John Burns của tờ The Globe and Mail cho hay, tại Bắc Kinh, tờ People’s Daily (Nhân dân nhật báo), trích dẫn một nguồn tin của báo chí cộng sản Hà Nội viết hàng trăm ngàn thường dân ‘Who had been forced to retreat with the ennemy from Danang, firmly frustrasted the vicious ennemy scheme and return to city, where they gave the liberation armed forces a rousing welcome’. (Bị áp lực rút theo bọn kẻ thù xấu xa, đã quay trở về thành phố Huế và hoan hô chúc mừng quân đội giải phóng).
Bài báo còn cho biết thêm, chính ‘ngụy quyền’ miền Nam đã vi phạm Hiệp Định Ba Lê chứ không phải người cộng sản.
Bà Betty Ford, phu nhân Tổng thống Ford
Theo tin hãng AP, tại Los Angeles, bà Betty Ford, phu nhân Tổng thống Ford, bà rất lấy làm xúc động khi thấy hoàn cảnh một số trẻ em Việt Nam và bà mong muốn nhận chúng làm con nuôi. Bà Ford đã nói trong một buổi họp báo trong lúc đang đi nghỉ hè tại Palm Springs, bà nói bà ủng hộ chương trình cứu một số trẻ em của Tổng thống Ford, Orphans Airlifts. Bà nói thêm, “Tôi thấy rằng những trẻ em cũng là những đứa trẻ và chúng cũng cần có những cơ hội lớn lên như các con em của chúng ta.”
Where is Thi My Kieu?
Cũng theo tin AP, tại Pompano beach, Florida, trong một căn phòng mới được trang hoàng dán giấy mầu hồng và mọi sự đã được chuẩn bị sẵn sàng. Vợ chồng luật sư Ed Oddo đã sốt ruột trông chờ đứa trẻ Việt Nam được nhận làm con nuôi được sang Hoa Kỳ. Đó là bé gái Kiều Thị Mỹ.
Vào hôm thứ tư, ông Ed Oddo nói, “It’s frustrating. We’ve waited so long. You Know, We’ve got her picture. We’ve planned and dreamed, like a family would for any new baby.”
Phần bà vợ ông Oddo, Christine, 25 tuổi hy vọng rằng đứa con nuôi ba tháng rưỡi tuổi sẽ đến đây cùng với cùng với các trẻ mồ côi khác trong chuyến bay sắp tới.
Ông nói thêm, chúng tôi đã làm tất cả những điều có thể làm để hy vọng Thi My Kieu có thể đến đây.
Tin tiếp tục ngày 3-4 | Horror of war behind for 52 Viet orphans
Theo tin của hãng UPI, tại San Francisco, 52 trẻ em Việt Nam mồ côi hiện đã đặt chân đến đất Mỹ tuổi từ 3 tháng đến 8 tuổi vào tối thứ tư tại phi trường Oakland International Airport trên chuyến bay World Airways cargo jet.
Các trẻ em dã để lại đằng sau hình ảnh một cuộc chiến tranh ghê sợ mà các em chưa nhận thức hết được. Một cuộc sống mới đang mở ra.
Chắc chúng còn mệt sau 16 giờ 53 phút bay từ Việt Nam sang đây. Sau đó chúng được chở bằng xe buýt đến Tổng hành dinh của quân đoàn thứ sáu để khám bệnh và làm thủ tục nhận con nuôi.
Sở dĩ chúng có thể đến được đây trong ngày hôm nay là do lòng can đảm và tận tụy của Đại úy Ken Healy đã bất chấp lệnh từ Sài Gòn do trạm không lưu ngăn chặn không cho cất cánh bằng những chiếc phi cơ DC8. Đại úy William Keating cũng có mặt trong chuyến bay cắt nghĩa thêm: we were instructed to hold our position by ground control. We ignore that. We taxied down the runway and took off’.
Các trẻ em mồ côi này đã vượt được đoạn đường dài 6.993 dặm từ Sài gòn đến San Francisco.
Họ còn chuẩn bị một căn phòng cạnh cây cầu Golden Gate để cho các em mới tới vui chơi. Cứ hai em thì có một tấm nệm và căn phòng được trang hoàng đẹp mắt. Cứ mỗi một em thì do một người lớn chăm sóc mọi thứ.
Ngày 4 tháng Tư, 1975: Vietnamese cabinet ousted!
Theo nguồn tin UPI, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố ngày hôm nay chấp nhận chính phủ của ông sẽ từ chức và được thay thế bằng ông Nguyễn Bá Cẩn, chủ tịch Hạ viện. Vẫn có dư luận đồn thổi trong dân chúng là ông Nguyễn Cao Kỳ sẽ làm đảo chánh. Ông Kỳ phủ nhận tin này.
Sự thay đổi này chỉ là một sự chút trách nhiệm cho người khác. Nó không phải là giải pháp giải quyết của tình thế. Trong những ngày gần đây, Ông Thiệu đẩy trách nhiệm rút khỏi Tây Nguyên cho tướng Phú, trách nhiệm rút Huế Đà Nẵng cho tướng Trưởng. Tất cả chỉ là những màn chạy tội.
Miền Nam chắc sẽ mất vào tay cộng sản vì Mỹ bỏ viện trợ. Quân đội miền Nam VNCH đã từng chiến đấu ròng rã trong suốt 21 năm không lẽ thua trong vài tuần?
Ngay cả trường hợp miền Nam bị thua và rơi vào tay cộng quân, chúng ta vẫn có thể chọn lựa cho mình một cách thua khác.
Không phải cách thua nhục nhã như thế này!
Tướng Weyand, một đặc sứ của Tổng thống Ford gửi sang Việt Nam xem xét tình hình Việt Nam vẫn có thể tuyên bố như sau, “The North Vietnamese army… can be defeated.”
Chiến dịch ‘Operation Babylift’
Trong lúc cuộc chiến tranh ở miền Nam sắp sửa đi đến chỗ kết thúc. Một trong những người tích cực nhất trong việc di tản một số người Việt ra khỏi đất nước họ là ông Bộ trưởng bộ di trú Canada, ông, Robert Andras. Ông đã cho đặt thêm một emergency desk ngay trong văn phòng làm việc của ông để giải quyết vấn đề người tỵ nạn Đông Dương.
Việc làm ấy nằm trong cái tinh thần mà Peter Duschinsky, trong CIHS Bulletin, nhân dịp kỷ niệm 40 Năm sau 1975 với nhan dề bài viết The Human Side of the fall of Saigon.(12)
Cuộc chiến ấy nhiều mặt là một bi kịch chiến tranh, nhưng cũng là một thảm họa của nhân loại xét vế mặt con người.
Và sự cứu vớt người tỵ nạn ra khỏi cuộc chiến ấy, mặc dầu chỉ là như muối bỏ biển, cũng vẫn mang tính con người. Trong đó người ta nghĩ đến hàng triệu số phận trẻ em mồ côi của miền Nam mà con số may mắn được cứu vớt chỉ khoảng vài ngàn trẻ em.
Tuy nhiên, ngay chuyến bay đầu tiên, chiến dịch ấy đã tự nó mang một thảm họa vô cùng thảm khốc.
Ngày 4 tháng Tư. Thảm hoạ trên không
Hôm này có thể nói cũng là ngày tang thương cho số phận một số trẻ mồ côi trên chiếc máy bay khổng lồ của quân đội Mỹ, chiếc C-5A Galaxy đã cất cánh sau một thời gian ngắn với 305 trẻ em mồ côi để đi Mỹ. Tất cả những em ngồi ở phần đuôi máy bay thì không có hy vọng sống sót. Ít nhất có 178 trẻ em và người lớn bị chết. Cánh cửa phi cơ nổ tung do một số ổ khóa cửa hỏng gây ra, cánh cửa ở phần đuôi máy bay (cargo door) bị bung ra, phi cơ mất cao độ và viên phi công cố gắng quay trở về Tân Sơn Nhất, nhưng đã không thành công.
Trường hợp này cũng giống như trường hợp chiếc DC 10 cũng đã nổ tung ra khi gần tới Paris năm 1974 làm chết 345 người.
Theo nguồn tin của AP thì tòa đại sứ Hoa Kỳ cho rằng có khoảng 100 em mồ côi còn sống sót cộng với 10 đến 15 người lớn. Số người sống sót bao gồm cả viên phi công. Trực thăng đã đến hiện trường và chở 63 em còn sống sót đến nhà thương Seventh-day Adventish hospital.(13)
Các em còn sống, mắt mở to ngơ ngác, không khóc và im lặng. They did not speak. They did not cry. Người ta đã chứng kiến và viết lại cái cảnh tượng đó như thế.
Việc phi cơ chở trẻ em mồ côi bị rớt trở thành một thảm kịch của những ngày tàn cuộc chiến.(14)
Ông Phan Quang Đán là một trong số những người phản đối chương trình này. Và theo tin của UPI vào ngày 7 tháng tư, chương trình mới lại được chính phủ Sài Gòn cho tiếp tục trở lại. Trong khi đó thực sự đã có chuyến bay chở trẻ em côi đến Mỹ và đến Canada.
Tại thủ đô Ottawa, ông bộ trưởng di trú Robert Andras cho hay có 300 gia đình ở tỉnh bang Ontario và 100 gia đình ở Nova Scotia bày tỏ ý muốn nhận các trẻ mồ côi đến từ Việt Nam chỉ sau ít giờ sau khi nhận được thông báo.
Hiện nay thì có hai chuyến bay sẽ đến Sài Gòn và mỗi chuyến bay sẽ chuyên chở 250 em mồ côi. Chính phủ Liên bang đã chấp thuận một quỹ là 76.000 đô la cho việc chuyên chở này.
Một vị ân nhân ẩn danh là một phụ nữ cho biết, “Tất cả điều chúng tôi mong muốn hiện nay là giúp các trẻ em mồ côi đó ra khỏi Việt Nam.” Cũng sẽ có 30 người tình nguyện đáp máy bay đi Sài Gòn để giúp đưa các trẻ mồ côi trong chuyến đi này.
Ngày 4 tháng tư, ông bà Tổng thống Ford có chương trình đón tiếp các trẻ em mồ côi trong chuyến bay đầu tiên đến Mỹ.
Đây là chuyến bay đầu tiên đến Mỹ nếu không kể chuyến bị rớt trước đó. Chuyến bay này chở 243 em mồ côi sang Mỹ. Chuyến bay sẽ dừng lại ở căn cứ không quân Clark Air Force bên Phi luật Tân, sau đó tiếp tục bay sang California. Chính ở nơi đây, ông bà Ford sẽ đón tiếp các em mồ côi.
Nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là một màn kịch dở. Tổng thống Ford đã từng quay lưng trong việc không hỗ trợ Việt Nam trong cơn nguy khốn. Việc đón tiếp này vì thế có thể đặt dấu hỏi?
Cũng chính vì thế mà có những nhà báo như W.A.Wilson viết bài với nhan đề, “Trẻ em Việt Nam không nên bị bốc ra khỏi quê hương xử sở của chúng”. (Vietnamse children should not be taken from homeland).
Việc đưa các trẻ em sang Mỹ cho thấy sự ích kỷ và tính toán của họ.
Trên đây chỉ là một quan điểm nhìn của một số người không nhất thiết được mọi người đồng ý.
Ngày 7 tháng Tư
Hôm nay đã là mồng 7 tháng Tư, coi như vừa đúng một tháng sau cuộc tấn công của cộng quân vào Ban Mê Thuột. Có dư luận cho rằng tướng Phú bị cộng sản lừa. Chúng làm nghi binh như thể đánh Pleiku và tướng Phú tin chắc như thế nên đã nhất định để nguyên sư đoàn 23 bộ binh đóng chung quanh Pleiku. Sau này, nhiều vị chỉ huy tại chỗ đã trách tướng Phú, trong đó có đại tướng Cao Văn Viên.
Nhưng quyết định rút quân của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là một quyết định sinh tử, như vận mệnh cho số phận quân dân vùng II chiến thuật. Quyết định tái phối trí, rút quân là một quyết định xem ra quá trễ. Cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên là một thất bại quân sự. Trong số 20 ngàn quân rút lui vào ngày 16-3, đến ngày kéo về được đến Tuy Hòa chỉ còn sót lại có 5.000 người. Số còn lại hoặc bị giết hoặc rã ngũ trên đường rút lui.
Cộng sản tiếp tục đòi hỏi Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức và thành lập một chính phủ mới để có thể thương thuyết với họ.
Chính quyền Sài Gòn ra lệnh ai gây rối sẽ bị xử bắn tại chỗ và lệnh giới nghiêm được nới rộng từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng.
Chuyến bay đẩu tiên trở 61 các em mồ côi người Việt Nam và Cambodia đến Vancouver, Canada theo nguồn tin CP là ngày 7 tháng tư, 1975.
Vì thế, sau này trong CIHS Bulletin, tại Canada, số ra kỷ niệm tháng Tư 1975 đã cho rằng việc mất Sài Gòn để lại ba dấu ấn nổi bật và ấn tượng nhất:
- Thứ nhất là cảnh trốn chạy khỏi Đà Nẵng trên các bãi biển.
- Thứ hai là quang cảnh chiếc C-5A, 6 ngày sau đó bị rớt với 135 trẻ mồ côi bị tử nạn.
- Thứ ba là cảnh những người chạy vào tòa đại sứ Mỹ, đứng trên nóc nhà khi chiếc trực thăng cuối cùng rời khỏi nơi đây và bỏ rơi họ.
Đó là những sad endings!
Cũng ngày 7 tháng tư, 1975
Theo nguồn tin UPI, có khoảng 60 trái đạn pháo kích vào khu ngoại ô Sài Gòn, như vùng Nhà Bè, cách Sài Gòn 6 dậm. Điều đó cho thấy cộng quân đã tiến sát quanh Thủ Đô Sài Gòn, chỉ còn cách 8 dặm. Đây là những trái đạn pháo mở màn cho một cuộc tấn công sắp tới.
Hôm nay cũng là ngày chính quyền Cambodia thương thảo chấp nhận một cuộc đầu hàng vô điều kiện.
Năm năm trước, vào tháng Ba, năm 1970, tướng Lon Nol đã làm đảo chánh. Ông bỏ chính sách trung lập và tuyên bố sẽ chống trả lại Việt Nam cộng sản. Kissinger và Nixon nhảy vào, dùng B-52 bỏ bom quân đội cộng sản Bắc Việt. Trong vòng 5 năm, người Mỹ đã rót vào Cambodia 2 tỉ đô la.
Và một lần nữa, Người Mỹ bỏ cuộc để mặc cho số phận Cambodia rơi vào tay bọn Khmer đỏ và nạn diệt chủng đã xảy ra ngay sau đó.
Ngày 8 tháng tư, 1975
Theo tin AP, một phản lực cơ của quân đội VNCH đã dội bom và bắn rocket xuống dinh Độc Lập. Nhưng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã tránh thoát và không bị thương.
Tổng thống Thiệu đã lên vô tuyến truyền hình và nói rằng, có một số cá nhân muốn ám hại ông với ý đồ muốn thay đổi chính phủ.
Tướng Trần Văn Minh, tư lệnh không quân đã lên tiếng là quân đội vẫn trung thành với Tổng thống Thiệu. Và đây chỉ là một hành vi của một cá nhân.
Tướng Kỳ lên tiếng và cho rằng ông không dính líu gì đến việc này. Nhưng yêu cầu ông Thiệu từ chức.
Ông Thiệu đã lên truyền hình và tuyên bố, “Tôi quyết định tiếp tục lãnh đạo xứ sở này.”
Cái câu nói nổi tiếng của Tổng thống Thiệu, “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy xem những gì cộng sản làm cũng có thể ứng vào trưởng hợp của chính ông Nguyễn Văn Thiệu.”
Sau này thì người ta được biết chiếc phản lực cơ ném bom dinh Độc Lập do Nguyễn Thành Trung lái từ Đà Nẵng. Sau đó Trung lái máy bay ở cao độ thấp, đáp xuống một phi đạo dài khoảng 915 m do Việt Cộng lập ở Phước Long, cách Sài Gòn 200 km về hướng Bắc.
Cuộc ném bom đã làm cho hai người chết và vài người bị thương.
Sài Gòn, ngày 8 tháng Tư, năm 1975: Tiếng súng tại mặt trận An Lộc bắt đầu
Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu quân đội VNCH có giữ được phòng tuyến này không?
Chiếm được Xuân Lộc, đó là mục tiêu chiến lược của cộng quân. Nhưng họ cũng mong rằng qua thương lượng, political means, qua một cuộc đầu hàng có giàn xếp với một chế độ không phải Thiệu. Nguyễn Thị Bình, ở Paris, Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Lâm thời Miền Nam mong muốn đạt được mục tiêu, nếu có thể, mà không phải dùng đến những phương tiện quân sự. Nói với phóng viên tờ Le Monde, bà Bình mô tả hoàn cảnh ở miền Nam hiện nay là không thể đảo ngược được tình thế. Nhưng việc xử dụng quân lực hay sức mạnh quân sự hay không là tùy thuộc vào phía đối phương.
Ngày 9 tháng Tư: Secret US-Viet pact claimed. Tiết lộ những trao đổi thư từ bí mật giữa Mỹ và Việt Nam
Trong giai đoạn trước khi ký Hòa đàm Ba Lê, Tổng thống Nixon đã thuyết phục Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký vào bản Hiệp Định với những lời hứa hẹn bảo đảm sẽ can thiệp vào Việt Nam. Nói chung có tất cả 27 lá thư trao đổi của Tổng thống Nixon gửi cho ông Thiệu. Sau đó tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng đã gửi cho ông Tổng trưởng Quốc Phòng là James R. Schlesinger một số trong những lá thư đó. Ông này bèn thông báo cho nghị sĩ Henry Jackson biết và ông Jackson đã tìm cách đăt vấn đề với tòa Bạch Ốc.
Cuộc họp báo của ông thượng ngị sĩ được diễn ra ngay từ 30 tháng Tư. Trong đó ông cho rằng Kissinger đã che dấu những lá thư này đến ngay Tổng thống Gérald Ford cũng như bộ trưởng Quốc Phòng Schlesinger cũng không hề biết.
Thượng nghĩ sĩ Henry Jackson nói tiếp: Đây là lần đầu tiên, Tổng thống Ford biết được những lá thư mật trao đổi giữa Nixon và ông Thiệu. Phía Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng nói còn giữ đuợc tất cả 27 thư trong khi phía Mỹ không biết tại sao chỉ còn giữ được có 10 bức thư.(15)
Theo bản tin của AP tại Hoa Thịnh Đốn, thượng nghị sĩ Hackson chính phủ Hoa Kỳ có bổn phận tinh thần tôn trọng những thỏa thuận ngầm này. Về phần dân chúng hoa Kỳ, họ có quyền được biết về những thỏa thuận giữa hai bên mà đáng lẽ họ phải được thông báo đầy đủ.
Nếu cứ đúng như những nội dung mà Nixon đã cam kết với ông Thiệu là Hoa Kỳ sẽ ‘react vigorously’, can thiệp một cách mạnh mẽ nếu Bắc Việt xâm lăng miền Nam bằng quân sự.
Và nếu tôn trọng những lời cam kết như trên thì Quốc Hội Hoa Kỳ phải chuẩn chi viện trợ khẩn cấp mà Tổng thống Ford đòi hỏi.
Thế nhưng, theo tin của AP, Tổng thống Ford đã nói chuyện với các lãnh tụ Thượng viện Hoa kỳ rằng: “Ông không tìm bất cứ thấy bằng chứng gọi là bí mật trong những thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.”
Nói trắng ra Tổng thống Ford muốn phủi tay không muốn bằng bất cứ giá nào can thiệp vào Việt Nam nữa.
Rockefeller, Phó tổng thống, theo thông tấn UPI tại New Orleans trong một lởi tuyên bố: U.S. must decide, ông cho rằng nay là lúc Hoa Kỳ phải quyết định nay là lúc chúng ta phải đứng một bên, bởi vì chúng ta đã đảm nhận vai trò trách nhiệm thế giới trong mấy thập niên rồi. và hãy để cho Liên Xô nắm trách nhiệm trọng tài thế giới.
Cũng ngày 9 tháng Tư
Người ta nói đến một cuộc thanh trừng ở Nam Việt Nam nếu cộng sản Hà Nội nắm chính quyền.
Theo các tài liệu báo chí từ Nga thì nếu nắm được chính quyền miền Nam, họ sẽ thực thi chính sách 10 điểm. Tờ Pravda, cơ quan ngôn luận chính thức của Liên Xô nói tới:
Việc gấp rút để đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường và thanh trừng những thành phần tay sai ngụy quyền. Trước hết thanh lọc hết các tổ chức hành chánh, lực lượng quân đội và các tổ chức bù nhìn của chế độ. Và trong một thời gian ngắn nhất thiết lập các cơ chế chính quyền cách mạng ở mọi tầng lớp dân chúng.
Tất cả tùy thuộc vào hai chữ thanh trừng (Liquidation).
Nhiều người Việt Nam chắc đã không quên khi chiếm được miền Bắc, cộng sản đã áp đặt chính sách cải cách ruộng đất (Land reform) và chính sách tập thể hóa (Collectivization) nhằm loại bỏ các chủ đất. Theo tác giả Bernard Fall, các đợt thanh trừng này đã giết hại 50.000 nông dân và bắt 100.000 người bị tù đầy.
Tất cả chúng ta chờ xem mức độ thanh trừng sẽ được diễn ra như thế nào?
Ngày 11 tháng Tư, sinh viên Việt Nam du hoc tại Montreal biểu tình
Có một nhóm khoảng 50 sinh viên Việt Nam cầm các biểu ngữ đi diễn hành ở trước tiền đình Quốc Hội Canada. Và họ kêu gọi có một chính quyền mạnh hơn chính quyền hiện nay để có thể đương đầu với sự tấn công của cộng sản Hà Nội vào miền Nam.
Lê [Nguyên] Khanh, một trong những phát ngôn viên của Hội Sinh Viên Việt Nam tại Montreal cho hay hầu hết những người tham dự cuộc biểu tình này đều là giới sinh viên Việt Nam du học mong muốn có một chính quyền mới đủ mạnh để đương đầu với sự xâm lăng của cộng sản Hà Nội.
Nhân dịp này, anh Lê [Nguyên] Khanh cũng cám ơn chính phủ Canda cũng như dân chúng Canada đã giúp đỡ một cách nhân đạo cho miền Nam Việt Nam như thực phẩm, thuốc men.
Trong các biểu ngữ, người ta đọc được một biểu ngữ với hàng chữ, “Stop Red”.
Cũng theo phát ngôn viên của tổ chức sinh viên ở Montréal, họ không thấy thích thú gì việc quảng cáo tuyên truyền cho Operation Babylifts. Nhưng anh nói thêm, nếu những trẻ con này tìm được những cha mẹ nuôi tốt thì cũng tốt cho các trẻ em.(16)
12 tháng tư, 1975
So chính quyền ở Pnom Penh và chính quyền của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vào giờ phút này thì xem ra các lãnh đạo nước láng giềng tỏ ra cương quyết ở tại chỗ để đương đầu với cộng sản.
Tướng Sak Suthsakhan, tướng chỉ huy quân độin Cambodia tuyên bố: việc chống đối lại quân Khmer rouge vẫn được tiếp tục.
Mặc dầu quân đội Khmer rouge hiện nay, có khoảng 10 ngàn người, đã đến làng Samrong chỉ còn cách phi trường Phnom Penh có một dặm. Có khoảng 1000 quân lính chính phủ hiện đang trấn đóng dọc theo đường xe lửa, song song với đường số 3 dẫn đến phi trường.
Dân chúng bằng đủ phương tiện đang ùn ùn kéo về thành phố. Cảnh sát đã bất lực không ngăn cản được dòng người kéo vào thành phố.
Thủ tướng Long Boret vẫn còn có thể nói, “We will never surrender.” Nhưng rõ ràng là chẳng bao lâu nữa, quân phiến loạn sẽ tràn ngập thủ đô.
Long Boret cùng với bảy nhân vật chính trị và quân sự nhận lãnh trách nhiệm sau khi đại tướng Suthskhan đã bỏ ra đi vào ngày thứ bảy.
Người Mỹ đã mở chiến dịch di tản ‘Eagle Pull’ và đã chở được 270 người Mỹ và người Cao Mên ra đi một cách êm ả. Người ta cũng đã không nghe một tiếng súng cũng như không một ai bị thương trong cuộc di tản này!
Phúc trình cuối cùng của Mỹ cho hay hoàn cảnh quân sự chung quanh thủ đô hầu như tuyệt vọng và xấu đi từng giờ. Và việc mất Phnom Penh là điều không còn gỉ để nói nữa.
Adieu Phnom Penh! Con đường dẫn đến Sài Gòn nay đã được mở rộng thêm!
Ngày 12 tháng tư. Việc chuyên chở 16 tấn vàng sang Thụy Sĩ. Vàng đó là của chung giữa Việt Nam Và Cam Bốt?
Theo tin UPI từ Nữu Ước cho hay chính quyền VNCH đã cố gắng một cách tuyệt vọng để thuyết phục hãng Hàng Không Swiss Charter Airline để chuyên chở 16 tấn vàng từ Sài Gòn sang Thụy Sỹ.
Hãng Balair, đại diện cho hãng hàng không Thụy Sỹ từ chối việc chở 16 tấn vàng vì quá nặng và vấn đề cân bằng cho phi cơ. Theo tin từ Time cho rằng việc chuyên chở vàng này có dính dáng đến một hai nhân vật cao cấp như Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và tổng thống Cam Bốt Lon Nol.
Ở một đoạn văn khác được trích dẫn cũng nói rõ thêm như sau, “The airline also was concerned that the bullion might be part of the official reserves of the two countries. The gold apparently still in Saigon. Time said.”
Phải chăng số vàng đó có một phần là tài sản của Cambodia?
Tài liệu cho thấy số vàng 16 tấn không phải là của Viêt Nam mà có phần của Cao Mên. Phần là bao nhiêu thì không rõ. Thực sự chưa có tài liệu để nói rõ thêm về việc này.
Điều rõ ràng nhất là số vàng ấy sau này trở ra Bắc, rồi từ Bắc trở sang Liên Xô trả nợ.
Trẻ em mồ côi giả?
Trong số 56 trẻ em mồ côi đến Toronto để giao cho các cha mẹ nuôi, người ta phát hiện ra bé gái Phan Lợi không phải trẻ em mồ côi mà là con gái của một nhân viên làm việc cho lãnh sự Mỹ.
Bà Helen Allen, một phát ngôn viên của bộ di trú cho biết họ sẽ phân loại và hỏi xem đứa bé cảm nghĩ gì và điều gì đã thực sự xảy ra.
Người thông dịch viên ở San Fran Francisco tuần vừa qua cũng cho biết nhiều cha mẹ việt Nam lo sợ cho tương lai con cái họ nên đã tìm mọi cách để chúng có thể ra đi nước ngoài.
Điều này sau này xảy ra những vụ kiện pháp lý gay go. Cha mẹ ruột đứa trẻ tìm đủ mọi cách để đòi lại con mình.
Thật là không biết phải nói thế nào. Ai là kẻ được con và mất con?
Phần các trẻ em mồ côi khác thì được các cha mẹ nuôi đón tiếp với nước mắt và nỗi vui mừng.
Theo tin của AP, San Francisco, bà Jane Barton, thông dịch viên cho hay, bà có nói chuyện với 4 trẻ em và ba em cho biết họ là con của một đại tá và người thứ tư là cháu của vị đại tá ấy. Rõ ràng là có sự giàn xếp để cho cái một số người có tiền của, các viên chức cao cấp muốn cho con em của họ được đi ra ngoại quốc một cách an toàn.
(Còn phần Kết)
© 2015-2021 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: DCVOnline biên tập và minh họa. Bài đăng lần đâu ngày 29 tháng 4, 2015
(7) Frank Snepp, Ibid, trang 247
(7a) SS Pioneer Contender là tàu buôn dân sự chở hàng khô dài 333 bộ. Thuyền trưởng là Edward Flink do hải quân Mỹ (MSC) thuê làm theo khế ước. Con tàu bắt đầu nhiệm vụ tại Việt Nam trong tháng Ba, năm 1975, cung cấp dịch vụ vận chuyển phi quân sự và giao thông nội bộ cho quân đội VNCH và dân Việt Nam đang di tản, và những người lính Nam Việt có vũ trang. Điển hình của sự tàn ác của quân đội miền Nam Việt với những kẻ bi tình nghi là cảm tình viên của Cộng quân Bắc Việt, là những vụ xử án, ám sát, và giết người khủng khiếp trên con tàu. Rời Đà Nẵng là lúc tồi tệ nhất. Không có mặt của an ninh hàng hải trên tàu lúc đó. (Nguồn: Personal Account – PFC Matthew Phair, Hq. Co., 9th Marines/Detachment Victor)
(8) Frank Snepp, Ibid, trang 241
(9) Peter Duschinsky, “The Human Side of the Fall of Saigon”, CIHS Bulletin, Issue #73, April 2015, Canadian Immigration Historical Society. Trang 2-3
(9a) Employment and Immigration Canada, “The Indochinese Refugees: the Canadian Response, 1979 and 1980” (1981, Department of Supply and Services)
(10) Gilbert Gendron, B.A, “The Viet cong Front in Quebec”, trang 9-10
(11) Peter Duschinsky, Ibid, trang 2.
(12) Peter Duschinsky, Ibid, trang 1-5.
(13) Trong một cuốn sách Giá Tự Do mới xuất bản và được giải thưởng Văn Học, do Hội Quốc Tế Y sĩ Việt Nam Tự Do trao tặng giải thưởng Văn Học 2014, không biết dựa trên tài liệu nào, tác giả Lâm Vĩnh Bình đã viết rằng: ‘Tuy nhiên, chuyến bay đầu tiên đã gặp một tai nạn thảm khốc khi chiếc phi cơ trở 300 người gồm trẻ em và người lớn đi theo để săn sóc, vừa cất cánh phi trường Tân Sơn Nhất đã rơi vì phi cơ quá tải, 136 người đã tử nạn. Nguồn: Lâm Vĩnh Bình, Giá Tự Do, trang 2.
(14) Xem thêm Simon Parry, “Vẫn không nguồn cội” do Trà Mi dịch, DCVOnline.net, 13 -04-2015 đã trích lời các nhân chứng còn sống sót, cho hay có 313 người trên máy bay. Phi công lái máy bay là Dennis ‘Bud’ đả can đảm cứu được 175 người sống sót. Simon Parry, Still rootless: the child refugees of Vietnam war’s chaotic final days, Red Door News Hong Kong, April 2015.
(15) Nguyễn Tiến Hưng, “Khi đồng minh tháo chạy”, trang 460-461.
(16) CP, “Vietnamese thank Canadians”, The Brandon Sun – Brandon, Manitoba – Apr 12 1975