Rulet Nga: Đời và Thời của Graham Greene: Điểm sách
Blake Morrison | DCVOnline
Một cuốn tiểu sử mới của Richard Greene khẳng định Graham Green có nhiều chuyện hơn chỉ là “tình dục, sách và trầm cảm”
Khi Gabriel García Márquez, trước sự chứng kiến của Fidel Castro, hỏi Graham Greene rằng có đúng là ông ta đã chơi trò rulet Nga bằng một khẩu súng lục đã nạp đạn hay không, Greene cam đoan rằng ông ta đã có vài lần làm như thế. Castro, một trong số những nhân vật lãnh đạo thế giới mà Greene đã hội kiến trong nhiều năm (Gorbachev, Hồ Chí Minh và Giáo hoàng Paul VI là những người khác), đã tính toán xác suất và nói rằng Graham đúng ra đã chết rồi. Greene cũng nghĩ như vậy. Ông nghĩ mình sẽ chết trẻ (“Tôi thà chết vì một viên đạn vào đầu còn hơn vì ung thư tuyến tiền liệt tuyến”) nhưng đã sống đến 86 tuổi.
Không phải ai cũng tin câu chuyện chơi rulet Nga; Greene có thể đã chơi trò điên rồ đó với đạn mã tử hoặc súng không có đạn. Nhưng Richard Greene (không có liên hệ họ hàng) lấy nó làm tiền đề chính cho cuốn tiểu sử đời Graham Green: tiểu thuyết gia là người chấp nhận rủi ro và người mạo hiểm, có tiền sử tự làm hại bản thân và ưa trò nguy hiểm. Một chuyến đi đến Liberia, để điều tra chế độ nô lệ hiện đại, điển hình cuộc đời của Graham Green. Ông biết có những rủi ro – có thể bị binh lính bắn, bị rắn cắn hoặc bị nhiễm bệnh lassa hoặc sốt vàng da – nhưng chúng vẫn thôi thúc ông mạo hiểm. Ông đã đi cùng với người em họ Dorothy; bad ấy thấy ông ta đáng sợ: “Nếu bạn ở một nơi nhớp nháp, ông ta sẽ quan tâm đến phản ứng của bạn đến nỗi có thể sẽ quên giải cứu bạn.”
Nhiều cuộc hành trình tiếp theo: đến Mexico, Cuba, Malaya, Việt Nam, Chile, Trung Quốc, Haiti, Belize, Nicaragua, Congo, v.v. Ông đi để viết bài, gửi thông điệp, đại diện ngoại giao và thu thập tài liệu để viết sách, đôi khi là tất cả những việc đó cùng một lúc. Trọng tâm của ông luôn là về các linh mục Công giáo trong hoàn cảnh bị áp bức, hoặc vào “các nhân vật người Anh trong bối cảnh họ không được bảo vệ”. Graham Green bị nghi ngờ là làm gián điệp: đúng như vậy, nếu chỉ với tư cách là một người viết tiểu thuyết. Trong chiến tranh, ông đã làm việc cho MI6, cùng với Kim Philby. Mặc dù chỉ là một đảng viên của Đảng Cộng sản trong một thời gian ngắn, ông ta hiểu được sức hấp dẫn của nó và biện hộ cho sự phản bội của Philby đối với đất nước của ông : “Ông ta đang phục vụ một lý tưởng chứ không phải bản thân.” Đối với Greene, Công giáo phục vụ cùng một mục đích – niềm tin vào một lý tưởng. Ông tự nhận mình là một người Công giáo theo thuyết bất khả tri, nhưng là một người có đủ “sự nghi ngờ trong sự không tin của tôi” để nghĩ rằng có thể có cuộc sống sau khi chết hơn là không có.
Việc lập luận theo thần học và mối quan tâm đến việc làm thánh của ông nay trông cũng lỗi thời giống như sở thích của ông đối với các nhà thổ. Ông đã gặp nhiều thất bại, không ít lần với tư cách là một bậc cha mẹ – một người coi sự sống chung với những đứa nhỏ là để ăn năn hối lỗi và ít tiếp xúc với con trai và con gái của ông cho đến khi họ đã trưởng thành. Nhưng ông ta rất hào phóng với tiền bạc: bạn bè, họ hàng và người yêu cũ được tặng qùa bằng xe hơi, nhà ở, lương hưu và những món quà xa xỉ khác. Và, mặc dù thờ ơ với chính trị đảng phái ở Vương quốc Anh, ông là một nhà hoạt động nhiệt tình chống lại sự bất công toàn cầu. Cho dù đó là thúc giục các chế độ độc tài thả những người bất đồng chính kiến bị cầm tù hay tấn công Hoa Kỳ vì những can thiệp quân sự của họ, ông rất thích làm mình là kẻ phá quấy.
Richard Greene nhẹ nhàng chỉ trích những người viết tiểu sử trước đây về chủ đề của ông, Norman Sherry và Michael Sheldon: ông nói, những người điểm sách nhận thấy cách nhìn của họ “sơ sài và tầm thường”, và nhiều tài liệu mới đã được đưa ra ánh sáng. Thay vì một cuộc sống “ngập trong tình dục, sách và trầm cảm”, ông ấy có một cuộc sống phiêu lưu, hoạt động văn học dưới mọi hình thức (đóng kịch và viết kịch, cũng như tiểu thuyết, biên tập, xuất bản và báo chí) và mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Richard Green lần theo dấu vết những chấn thương của Greene thời còn đi học, khi ông bị bắt nạt, trở thành nạn nhân và bị canh giữ để không tự sát. Và ông coi chứng lưỡng cực là nguồn gốc của sự bất ổn của Graham Greene – nhu cầu được kích thích liên tục của ông ta, cho dù ở một đất nước mới hay với một người đàn bà mới. Chỉ khi sống với người cộng sự cuối cùng của, Yvonne Cloetta, đang sống lưu vong trốn thuế ở Antibes, ông ấy mới đạt được điều gì đó giống như sự ổn định. Cho đến lúc đó, mặc dù nổi tiếng và thành công, ông ấy hầu như không hạnh phúc – nghiện vào rượu và Benzedrine, cảm thấy tội lỗi về cuộc hôn nhân thất bại với Vivien, sợ rằng ông đã trở thành một nhà văn thất bại, thất vọng vì không được giải Nobel.
Đối với tất cả các tuyên bố của ông ấy là dựa trên chất liệu mới, Richard Greene không thể không xem lại nền tảng cũ, từ vụ phỉ báng Shirley Temple cho đến vụ lùm xùm với Anthony Burgess. Đó là một cuộc sống vô cùng bận rộn và việc kể về nó ở đây, trong 78 chương ngắn và 500 trang, có vẻ vội vã. Sự nhấn mạnh về Greene với tư cách là phóng viên và sứ giả nước ngoài chắc chắn là mới mẻ. Nhưng cái giá phải trả là thừa mứa thông tin về chính trị nội bộ của các quốc gia mà ông đã đến thăm, không phải lúc nào cũng phù hợp với tiểu thuyết. Ví dụ, dành nhiều thời gian hơn cho lịch sử của Panama trong những năm 1970, hơn là về mối tình lâu dài và phức tạp của Greene với Catherine Walston có thể là một sự điều chỉnh cho những cuốn tiểu sử trước đó. Nhưng nó chẳng giải thích được gì về người đàn ông và dồn sự chú ý nhiều hơn vào một cuốn sách hư cấu (Làm quen với ông Đại tướng) hơn Kết cục của cuộc tình, kiệt tác của ông.
© 2021 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net“
Nguồn: Russian Roulette: The Life and Times of Graham Greene review – addicted to danger | Blake Morrison | The Guardian | April 28 2021.