Cho phép Quebec thay đổi Hiến pháp, Trudeau đang gây ra nhiều vấn đề
Edward Goldenberg | DCVOnline
Thủ tướng có nhiệm vụ nghiêm túc xem xét những hậu quả đối với cả nước của bất kỳ ai ở đâu muốn mở lại vấn đề thay đổi Hiến pháp. Ông ấy phải đóng sập cánh cửa hiến pháp ngay bây giờ trước khi quá muộn.
Nhớ và hiểu biết về thể chế là điều kiện tiên quyết căn bản để có được một chính phủ tốt. Thiếu nó hầu như sẽ không tránh khỏi những hậu quả đáng tiếc và đôi khi nguy hiểm. Tuy nhiên, bộ nhớ về thể chế, đặc biệt là khi nói đến thay đổi hiến pháp, những ngày này ở Ottawa đang rất thiếu, khi Thủ tướng và nhân vật lãnh đạo phe đối lập cạnh tranh để xem ai có thể hậu thuẫn tốt nhất Thủ tướng Quebec François Legault trong việc đưa con ngựa thành Troy qua các cánh cổng của Hiến pháp Canada.
Tôi đã tham gia rất nhiều vào giai đoạn tranh luận và thay đổi hiến pháp vào những năm 1980 dẫn đến việc bảo vệ Hiến pháp, một công thức sửa đổi, ban hành Hiến chương về Nhân Quyền và việc bác bỏ cả hai hiệp định Meech Lake và Charlottetown. Giai đoạn đó, bắt đầu với những nỗ lực không thành công trong việc đổi mới hiến pháp trong những năm 1960 và 1970, đã dạy những bài học mà giới lãnh đạo chính trị ngày nay cần lưu ý.
Người Canada đã dạy chính phủ của họ rằng nỗ lực thay đổi Hiến pháp không nên bị xem thường hoặc thay đổi thường xuyên; rằng hậu quả của sự thất bại không nên được đánh giá quá cao hoặc phóng đại; và cải cách đó khó đạt được, mất nhiều thời gian, chi phối cuộc tranh luận quốc gia, khơi dậy những đam mê lớn và chỉ thành công khi có sự đồng thuận thực sự của quốc gia.
Vào tháng 9 năm 1980, thủ tướng khi đó là Pierre Trudeau đã cố gắng thông qua việc thay đổi hiến pháp mà không có cuộc tranh luận rốt ráo. Nghị viện và Tối cao Pháp viện đã ngăn cản ông ta, với kết quả là sau những cuộc tham vấn và thảo luận kéo dài, đã có sự đồng thuận rộng rãi với một tháy đổi tốt hơn nhiều đã được ban hành vào năm 1982. Brian Mulroney, từ năm 1987 đến năm 1990, đã cố gắng thúc đẩyđể thỏa thuận Meech Lake được chấp thuận. Ông đã thất bại và, bằng cách phóng đại hậu quả của thất bại, đẩy Canada vào một cuộc khủng hoảng đoàn kết quốc gia tưởng như không thể cứu vãn được. Ông đã không học được bài học rằng, mặc dù được các thủ tướng tỉnh bang đồng ý, nhưng làm vừa lòng giới ưu tú là không đủ; sự tham gia của công chúng và dư luận xã hội giữ một vai trò quan trọng.
Ngày nay, tất cả người dân Canada đều mong đợi các chính phủ của họ tập trung tầm ngắm vào đại dịch và nền kinh tế. Thay vào đó, không vì một lý do chính đáng nào, ông Legault đã quyết định rằng bây giờ là lúc để đề nghị thay đổi hiến pháp. Nếu lịch sử là một kim chỉ nam, thì ông ta đang mở đầu cho một cuộc tranh luận gây chia rẽ quốc gia. Thủ tướng Quebec đã đề nghị một sửa đổi hiến pháp mà ông cho rằng chỉ phản ảnh thực tế rằng Quebec là một quốc gia với tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức duy nhất. Theo Mục 43 của Hiến pháp, một sửa đổi như vậy sẽ đòi có sự chấp thuận của Hạ viện và Thượng viện nếu nó chỉ ảnh hưởng đến Quebec và tình trạng của ngôn ngữ Pháp ở tỉnh bang đó. Tuy nhiên, nó có thể ảnh hưởng nhiều hơn chỉ ở Quebec.
Không có gì đơn phương trong những gì Quebec đề nghị. Nếu, như ông Legault lập luận, sự thay đổi chỉ đơn thuần phản ảnh thực tế, thì không cần thiết phải có nó và ông Trudeau nên thúc giục Quốc hội tập trung vào kinh tế và để Hiến pháp yên. Tuy nhiên, có vẻ như từ những bình luận ban đầu của Thủ tướng rằng ông đang rơi vào bẫy của ông Legault; ông ta nên lùi lại trước khi bẫy sập.
Ông Trudeau nên hiểu rằng các tòa án luôn đưa ra những ý nghĩa, đôi khi theo những cách bất ngờ, về ngôn ngữ hiến pháp. Các tòa án có thể giải thích tốt đề nghị sửa đổi theo cách ảnh hưởng đến hoạt động của liên bang nói chung, điều này sẽ yêu cầu sự chấp thuận của Nghị viện cộng với bảy tỉnh đại diện cho 50% dân số. Do đó, Thủ tướng có trách nhiệm bảo đảm rằng một sửa đổi như vậy sẽ không được ban hành mà không có đủ sự tranh luận trong công chúng, sự hiểu biết và chấp nhận tất cả các hậu quả tiềm tàng, gồm cả những hậu quả đối với quyền ngôn ngữ thiểu số ở Quebec và phần còn lại của Canada.
Thủ tướng, nội các và dân biểu của đảng Tự do, vốn luôn có ảnh hưởng trong các vấn đề hiến pháp, cũng phải xem xét các tác động rộng hơn của việc thông qua đề nghị sửa đổi hiến pháp. Lịch sử đã dạy chúng ta rằng một khi một sửa đổi được đề nghị gây ra nhiều vấn đề chưa có về hiến pháp, những người khác chắc chắn sẽ bắt chước và cuộc tranh luận quốc gia ngày càng trở nên chia rẽ hơn.
Nếu Quebec có thể mở lại các cuộc đàm phán về hiến pháp, Thủ tướng sẽ phản ứng như thế nào khi các tỉnh khác cũng làm như vậy? Thật vậy, Thủ tướng Alberta Jason Kenney đã mất chưa đầy một tuần để hoan nghênh hành động của Thủ tướng Quebec và tuyên bố rằng ông có thể sử dụng tiền lệ để đưa ra các sửa đổi hiến pháp “đơn phương” nhằm tăng cường quyền tự trị của Alberta. Ông ta đã đe dọa sẽ đề nghị một sửa đổi hiến pháp để thay đổi công thức đóng góp thuế đã thu được với liên bang. Điều gì sẽ xảy ra nếu New Brunswick cùng có một thái độ đối với chính sách song ngữ chính thức ở đó, hoặc Manitoba sẽ tìm một sửa đổi hiến pháp để bãi bỏ luật song ngữ?
Thủ tướng có nhiệm vụ nghiêm túc xem xét những hậu quả đối với cả nước của bất kỳ ai ở đâu muốn mở lại vấn đề thay đổi Hiến pháp. Ông ấy phải đóng sập cánh cửa hiến pháp ngay bây giờ trước khi quá muộn.
Tác giả | Eddie Goldenberg là một chủ nhân trong công ty luật Bennett Jones và từng là chánh văn phòng của cựu thủ tướng Jean Chrétien.
© 2021 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net“
Nguồn: By allowing Quebec to change the Constitution, Trudeau is opening up a Pandora’s box | Edward Goldenberg | The G&M | May 31, 2021.