Hồ sơ Ngũ Giác Đài

Hồ sơ Ngũ Giác Đài
Minh họa của Joan Wong. Ảnh của Horst Faas / Associated Press.

Lien-Hang Nguyen | Trần Giao Thủy

Bài báo này là một phần của phúc trình đặc biệt kỷ niệm 50 năm Hồ sơ Ngũ Giác Đài.

Ở Việt Nam, Các bài báo về Ngũ Giác Đài được xem là Lịch sử do Kẻ bại trận Viết

Việt Nam không công bố một hồ sơ tương đương, nhưng phần lớn, họ đã dựa vào bản gốc của tài liệu của Mỹ.

Các bài báo về Hồ sơ Ngũ Giác Đài có thể đã xuất hiện trên khắp các trang nhất của các tờ báo Hoa Kỳ cách đây 50 năm, nhưng chúng hầu như không được người ở Hà Nội chú ý đến. Ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam quá bận rộn với cuộc chiến của họ trong lúc đó để nhìn lại lịch sử của nó.

Bên cạnh đó, nội dung của hồ sơ cũng khẳng định quan niệm lâu đời của họ.

Vào thời điểm “Thư khố Việt Nam: Nghiên cứu  Ngũ Giác Đài theo dấu ba mươi năm sự can dự của Hoa Kỳ vào Việt Nam tăng dần” xuất hiện trên trang nhất của Thời báo New York vào ngày 13 tháng 6 năm 1971, chính phủ Bắc Việt đã tuyên bố trong nhiều năm rằng sự can thiệp của quân đội Hoa Kỳ là bất hợp pháp.

Tiến sĩ Vũ Minh Hoàng, sử gia tại Đại học Fulbright Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Điều khiến người Mỹ bị sốc vào thời điểm đó không có gì mới đối với người Việt Nam.”

Mãi cho đến tháng 8 năm 1971 — và sau đó được Thông tấn xã Việt Nam chôn ở trang sáu – cơ quan truyền thông nhà nước cuối cùng mới thấy phù hợp để đưa tin.

Việc này sẽ thay đổi đáng kể trong những thập kỷ sau đó.

Phúc trình ít được chú ý này sẽ gây ra một tác động địa chấn ở Việt Nam — củng cố niềm tin  của quân đội và công chúng ở Việt Nam với bằng chứng cho thấy cuộc chiến của họ là chính đáng. Nó đưa ra một bản tính toán đầy đủ về việc Hoa Kỳ tiến hành cuộc chiến, đã giúp hình thành lịch sử và ý thức về bản sắc riêng của lịch sử Việt Nam trong nhiều thập kỷ.

Người ta nói rằng lịch sử do những người thắng cuộc viết, nhưng trong trường hợp Chiến tranh Việt Nam, bên thua cuộc đã gây ảnh hưởng lớn trong nhúng trang lịch sử. Và Hồ sơ của Ngũ Giác Đài — ngay cả khi chúng thuật lại thất bại của chính Hoa Kỳ gần như cùng lúc với sự kiên — đã trở thành một phần quan trọng của sức ảnh hưởng đó. Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định từ chối tiết lộ bản kết toán không tô son điểm phấn về cuộc chiến của mình, giới sử gia Việt Nam đã có rất ít tài liệu để viết sử của mình. Và cho đến nay, chưa có người nào của Việt Nam có thể sánh với Daniel Ellsberg trong việc tiết các tài liệu như vậy.

Khi Sài Gòn rơi vào tay các quân Bắc Việt ngày 29 tháng 4, lính Hoa Kỳ trên chiến hạm U.S.S. Blue Ridge đã đẩy một chiếc trực thăng xuống biển để có chỗ cho các chuyến bay tiếp theo di tản khỏi thành phố. Ảnh: Jacques Tonnaire/Associated Press

Do sự tiết lộ của Ellsberg, thay vì phải đợi hàng chục năm để được giải mật, các học giả ở cả hai bờ Thái Bình Dương có thể phân tích chính sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam trước khi tài liệu đóng bụi.

Sau khi chiến tranh kết thúc, những trang lịch sử đầu tiên được Đảng Cộng sản chấp nhận về cuộc chiến xuất bản ở Hà Nội đã trích dẫn rất nhiều từ những tài liệu trong hồ sơ Ngũ Giác Đài trong phần chú thích của họ. Từ những trang lịch sử viết lúc ban đầu này đến các phiên bản hiện tại, lập luận trước sau như một: Theo nghiên cứu nội bộ của chính phủ Hoa Kỳ, Hoa Kỳ không có quyền can dự và không có cách nào để giành chiến thắng một khi đã tham gia trong cuộc chiến. Bản gần đây nhất của “Lịch sử đấu tranh chống Mỹ cứu nước, 1954-1975”, xuất bản năm 2015 có đoạn viết,

“Chiến thắng của chúng ta phản ảnh những thành tích phi thường của một dân tộc nhỏ bé, nghèo khó, đã biết chiến đấu và đánh bại cuộc xâm lăng của Mỹ.”

Luận điệu này đặc biệt phù hợp với chính quyền Việt Nam trong những năm sau chiến tranh. Khi giới lãnh đạo Cộng sản gặp khó khăn trong việc điều hành đất nước đã thống nhất, đảng cần phải tập hợp người dân đứng sau lá cờ. Vào cuối những năm 1970, Hà Nội đã áp dụng các chính sách gây tranh cãi, gồm cả việc vội vàng chuyển đổi nền kinh tế miền Nam sang chủ nghĩa xã hội; gây chiến với Campuchia và Trung Hoa; và kế  hoạch nhà nước nói chung là kém. Sau đó, tôn vinh quá khứ để phục vụ nhưng nhân vật lãnh đạo Cộng sản hiện tại, những người đã dùng lịch sử để biện minh cho sự cai trị độc đảng trong thời kỳ tuyệt vọng. Hiện tại và tương lai trông thật ảm đạm trong khi quá khứ lại huy hoàng — ít nhất là phiên bản quá khứ được nhà nước chấp nhận.

Chính phủ cộng sản Việt Nam không chỉ theo dõi cách các sử gia viết về nỗ lực chiến tranh của Mỹ, mà quan trọng hơn, còn theo dõi cách họ viết về nỗ lực chiến tranh của đất nước họ. Cũng như việc phản chiến bị bóp nghẹt vào thời điểm đó, những lời chỉ trích trong sử sách bị cấm chỉ.

Hồ sơ Ngũ Giác Đài nhấn mạnh sự mất cân bằng về tài liệu này. Trong khi giới sử gia có thể truy cập tại liệu của Washington, thì tài liệu tương đương của Việt Nam trong sử liệu vẫn bị khóa chặt cho đến ngày hôm nay. Đảng Cộng sản, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao không duyệt lại và lưu giữ tài liệu của họ một cách có hệ thống vào đưa vào Thư khố Quốc gia Việt Nam như các cơ quan chính phủ khác. Thay vào đó, bộ ba đó điều hành những hệ thống thư khố khép kín của riêng họ, nơi mà chỉ các viên chức của họ mới được quyền truy cập và thậm chí họ cũng được giám sát chặt chẽ. Nhưng cánh cửa của các thư khố đó vẫn khép chặt đối với giới hàn lâm, học giả và sinh viên Việt Nam hay nói một cách rõ ràng hơn, người dân Việt Nam không được quyền biết đến những tài liệu đó.

Một chiếc xe tăng của Bắc Việt trên đường Tự Do ở Sài Gòn, khi thành phố đó thất thủ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Yves Billy/Associated Press

Vì vậy, trong một hoàn cảnh lịch sử trớ trêu,  chính quyền Hà Nội không giải mật chuyện của chính họ về cuộc chiến, cùng lúc lời kể chính thức của Mỹ được biết đến nhiều hơn.

Là một sĩ quan đã nghỉ hưu trong Quân đội Việt Nam và là học giả chính về các cuộc chiến tranh của Việt Nam trong thời kỳ sau năm 1945, Đại tá Nguyễn Mạnh Hà nhớ lại ông đã đọc bản tin tiếng Việt một phần của Hồ sơ Ngũ Giác Đài ở năm cuối trung học, đầu năm 1972. Đại tá Hà nhớ lại, những tài liệu đó càng củng cố thêm niềm tin của những thanh niên Bắc Việt như chính ông, lên đường nhập ngũ và phục vụ đất nước. Ông nói,

“Đọc nó khiến tôi hiểu tại sao Hoa Kỳ đã sai khi tham chiến và tại sao phe chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu.”

Nguyễn Mạnh Hà

Sau chiến tranh, ông thăng tiến trong hàng ngũ cán bộ của Đảng và trở thành một trong những sử gia quân sự hàng đầu của Việt Nam. Với tư cách là Phó giám đốc Viện Lịch sử Quân sự, Đại tá Hà và nhóm biên tập của ông sẽ xem lại Hồ sơ Ngũ Giác Đài khi họ biên soạn lịch sử quân sự chính thức của Bộ Quốc phòng về cuộc chiến.

Bộ Sử chín tập năm 2015 cho thấy tầm quan trọng của những tài liệu của Ngũ Giác Đài trong chính sử của Việt Nam về cuộc chiến. Nghiên cứu xuất hiện trên khắp các tập đầu dành cho nguồn gốc cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam, cũng như tập cuối cùng, mang lại những bài học lịch sử cho độc giả Việt Nam.

Đại tá Hà nói:

“Cũng giống như việc đọc Hồ sơ Ngũ Giác Đài năm 1971 cho phép giới lãnh đạo và quân nhân Việt Nam nắm được các chính sách và hành động của chính phủ Hoa Kỳ, việc phát hành không chính thống của tài liệu đó cho thấy mức độ phản chiến trong giới chính khách, những người hoạt động và quần chúng.”

Nguyễn Mạnh Hà

Giáo sư Phạm Quang Minh mới 9 tuổi khi Hồ sơ Ngũ Giác Đài lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam và, không được đọc hồ sơ của Đảng Cộng sản, ông chỉ có thể suy đoán rằng nghiên cứu này có “ảnh hưởng gián tiếp” đến việc giới lãnh đạo Bắc Việt bận tâm đến các cuộc đàm phán hòa bình. Ông nói,

“Tuy nhiên, Hồ sơ của Ngũ Giác Đài phải tiết lộ cho họ thấy những điểm yếu của Mỹ và cách họ có thể tận dụng những điểm yếu đó.”

Phạm Quang Minh

Giáo sư Minh nói với nhiều uy tín hơn về tầm quan trọng của nghiên cứu của Ngũ Giác Đài bị tiết lộ đối với giới hàn lâm Việt Nam hiện nay.

Từng là hiệu trưởng và trưởng khoa một thời của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Giáo sư Minh tin tưởng các tài liệu của Ngũ Giác Đài hơn bất kỳ tài liệu nào khác về việc giáo dục ông và các đồng nghiệp về cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam. Không có nguồn tài liệu gốc nào khác có thể sánh được. Ông nói,

“Việc Ngũ Giác Đài biên soạn một nghiên cứu ‘tuyệt mật’ trong thời kỳ chiến tranh và nó đã được tiết lộ làm náo động dư luận và được tờ báo quan trọng nhất của Hoa Kỳ đăng tải đã có một ảnh hưởng đáng kể đối với giới sử gia Việt Nam. Nó đã giúp chúng tôi viết lịch sử của mình, giải phóng chúng khỏi chỉ là những cuộc luận chiến.”

Phạm Quang Minh
Sau khi thất thủ, một khu chợ ở Sài Gòn bày bán cờ Bắc Việt, sau này trở thành cờ của nước Việt Nam thống nhất. The Asahi Shimbun, via Getty Images

Giáo sư Minh đặc biệt ngạc nhiên khi thấy rằng giới hoạch định chính sách của Hoa Kỳ phần lớn không biết hoặc rất ít quan tâm đến những căng thẳng trong quan hệ của Việt Nam với Trung Hoa và Liên Xô. Tài liệu của Ngũ Giác Đài cho ông thấy rằng các nhà lãnh đạo Mỹ chỉ nhìn thấy một mối đe dọa màu đỏ nguyên khối ở Việt Nam. Điều này khiến họ không thấy sự khác biệt giữa những người Cộng sản Việt Nam, Trung Hoa và Liên Xô trong Chiến tranh Việt Nam — và có có thể khai thác chúng.

Mặc dù các tài liệu của Ngũ Giác Đài là vô giá đối với các thế hệ sử gia đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu về thời kỳ chiến tranh, nhưng chúng có thể không còn như vậy cho những thế hệ tiếp theo. Một ngôi sao đang lên trong làng sử Việt Nam. Vũ Minh Hoàng, vừa gia nhập Đại học Fulbright Việt Nam sau khi tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Cornell. Ông nói,

“Các tài liệu của Ngũ Giác Đài không được đề cập trong sách giáo khoa của trường học.”

Vũ Minh Hoàng

Có lẽ điều tiết lộ rõ nhất đối với Tiến sĩ Hoàng, một người trẻ tuổi lớn lên ở Hà Nội rất lâu sau khi chiến tranh kết thúc, là không có bản dịch tiếng Việt hoàn chỉnh nào của Hồ sơ Ngũ Giác Đài. Ngay cả sau năm 2011, khi chính phủ Hoa Kỳ công bố toàn bộ 7.000 trang của công trình nghiên cứu đó, các nhà xuất bản ở Việt Nam vẫn chưa xuất bản bất kỳ một phiên bản nào. Thay vào đó, họ đã dịch và xuất bản cuốn “Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers” của Daniel Ellsberg vào năm 2006, và sau đó tái bản vào năm 2018 — mặc dù các nhà xuất bản “Những bí mật” ở Việt Nam coi cuốn sách là một tác phẩm tham khảo. Tiến sĩ Hoàng nói,

“Trong khi lịch sử là môn học bắt buộc trong giáo dục Việt Nam, thế hệ trẻ dường như không quan tâm nhiều đến quá khứ. Nếu bạn hỏi họ về Hồ sơ Ngũ Giác Đài và tầm quan trọng của chúng trong chiến tranh, họ sẽ không biết.”

Vũ Minh Hoàng

Nếu Đại tá Hà và Giáo sư Minh có thể là những người của quá khứ và hiện tại của giới sử gia viết về chiến tranh và nếu Tiến sĩ Hoàng có thể củng cố tương lai của nó, thì việc cạo xóa Hồ sơ Ngũ Giác Đài trong việc viết sử Việt Nam có thể tiết lộ.

Sự lãng quên lịch sử này một phần là do thế hệ và là dấu hiệu cho thấy giới hữu trách trong chính quyền đã thành công trong việc quảng bá một lối kể chuyện duy nhất, không ngờ vực. Những tài liệu của Ngũ Giác Đài, và lịch sử cuộc chiến nói chung, có thể chỉ là một tin cũ đối với người Việt Nam.

Hoặc nhìn một cách khác, nó có thể chỉ ra một sự thay đổi căn bản trong cách viết lịch sử ở Việt Nam.

Năm mươi năm sau khi công bố Hồ sơ Ngũ Giác Đài, Việt Nam đang ở một vị trí tốt hơn nhiều, với nền kinh tế quốc gia đang phát triển mạnh, vị thế ngày càng tăng trong khu vực và được thế giới công nhận đã giải quyết đại dịch Covid-19 có hiệu quả. Với những yếu tố đó, và mối quan hệ đối tác bền chặt giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ngày nay, giới lãnh đạo Cộng sản có thể cởi mở hơn trong việc nới lỏng sự kìm kẹp của họ đối với lịch sử.

Thật vậy, chúng ta có thể thấy những dấu hiệu của sự nới lỏng đó hiện nay. Nhờ những lịch sử cận đại về cuộc chiến của Hà Nội, giờ đây chúng ta biết rằng đã có những cuộc tranh giành quyền lực trong Bộ Chính trị, cuộc tranh luận nội bộ căng thẳng diễn ra về mối quan hệ của Hà Nội với Bắc Kinh và Moscow, và một cuộc thanh trừng lớn đối với một số cán bộ trong chính phủ và chuyên gia ở đô thị (tất cả đều được coi là kẻ phá hoại) đã xảy ra tại Hà Nội vào năm 1967. Tất cả những điều này đã được giữ như những bí mật với công chúng Bắc Việt vào thời điểm đó.

Một ngày nào đó một sự kiện minh bạch gây ấn tượng tương tự như Hồ sơ Ngũ Giác Đài có thể xảy ra ở Việt Nam có là một hy vọng quá đáng hay không? Hãy coi lại lần nữa khi Hồ sơ Ngũ Giác Đài được một trăm năm.

Hồ sơ Ngũ Giác Đài. Beacon Press

Tác giả | Lien-Hang T. Nguyen là Phó Giáo sư Dorothy Borg về Lịch sử Hoa Kỳ và Đông Á tại Đại học Columbia và là tác giả của cuốn “Hanoi’s War: An International History of the War for Peace in Vietnam.”

Một phiên bản của bài báo này đăng ngày 13 tháng 6 năm 2021, Phần F, Trang 16 của ấn bản ở New York với tựa đề: “Owning a Shared History”.

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: THE PENTAGON PAPERS | Lien-Hang Nguyen | The New York Times | June 9, 2021.