Trung Hoa và Nga củng cố mối quan hệ của họ khi Tập và Putin có lập trường chống lại sự thống trị của Mỹ
Danil Bochkov | DCVOnline
Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh gần đây của Tập và Putin, hai nhân vật lãnh đạo đã vạch ra các thỏa thuận năng lượng và không gian mới và hứa ủng hộ lẫn nhau trong các tranh chấp khu vực.
Đặc biệt, họ thống nhất trong việc chỉ trích Mỹ và các đồng minh, đồng thời tiết lộ những lợi ích an ninh phối hợp ở châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương.
Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình và người đồng cấp Nga Vladimir Putin vừa tổ chức cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên sau vài năm. Trước cuộc đàm phán, tôi gợi ý rằng hai người này có thể sẽ “cùng chỉnh lại đồng hồ của họ” và hợp tác chặt chẽ hơn trong chính trị, kinh tế và an ninh toàn cầu, tìm cách xây dựng một liên minh năng lượng sâu sắc hơn và khởi động làn sóng chỉ trích chống lại Mỹ.
Cho đến nay, nhiều dự đoán đã trở thành sự thật trong tuyên bố chung mở rộng công bố sau hội nghị thượng đỉnh, phác thảo quan hệ đối tác Nga-Trung trong vài thập kỷ tới.
Quan trọng nhất, Moskva và Bắc Kinh đã chính thức củng cố lập trường chính thức của họ về một loạt các vấn đề toàn cầu, mà trước đây chỉ được nêu bằng miệng hoặc rải rác trên nhiều văn bản. Đến nay, họ trình bày một cách diễn giải gắn kết về tình trạng mới của quan hệ quốc tế, trong đó hai nước tuyên bố một cuộc nổi dậy công khai chống lại trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo.
Họ đang nổi dậy chống lại “thiểu số [các quốc gia]… ủng hộ các cách giải quyết đơn phương đối với… các vấn đề quốc tế”, can thiệp vào các mối quan tâm trong nước của các quốc gia khác “chống lại sự phản đối của cộng đồng quốc tế”.
Tập gặp Putin trước lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh
Bằng cách cho rằng có một thiểu số (nghĩa là ám chỉ Mỹ và các đồng minh của họ) thách thức phần còn lại của cộng đồng quốc tế, Nga và Trung Hoa đang chia cục diện toàn cầu thành hai phe đối địch.
Tuyên bố đó dành nhiều sự chú ý đến quan điểm chung của Moscow và Bắc Kinh về dân chủ và nhân quyền, dựa trên những chỉ trích trước đó của họ về những khái niệm này. Vì cả hai đã nhiều lần bị “thiểu số” do Mỹ dẫn đầu chỉ trích vì hồ sơ nhân quyền kém và chế độ chuyên quyền, Nga và Trung Hoa nhắc lại rằng các thuật ngữ này không phổ biến và phụ thuộc vào nền tảng văn hóa và lịch sử của mỗi quốc gia.
Tuyên bố Nga-Trung nói rằng sự phân bổ lại quyền lực đang diễn ra trên toàn thế giới đã tạo ra nhu cầu ngày càng tăng đối với vai trò lãnh đạo toàn cầu mới.
Trước đó, Putin nhấn mạnh rằng việc tạo điều kiện thuận lợi cho “dân chủ hóa… quan hệ giữa các quốc gia” tùy thuộc vào Nga và Trung Hoa, có nghĩa là họ dự định những thay đổi trong tương lai trong cấu trúc quyền lực toàn cầu sẽ được hình thành bên ngoài Washington — tốt nhất là ở đâu đó giữa Điện Kremlin và Trung Nam Hải.
Moscow và Bắc Kinh tìm cách “cải thiện quản trị toàn cầu” bằng cách bảo vệ các lợi ích chung, cũng khác với lợi ích của các quốc gia “thiểu số”.
Trong một điểm nổi bật khác của hội nghị thượng đỉnh, Putin và Tập đã trấn an nhau về những vấn đề thu hút nhiều sự chú ý của họ. Về an ninh toàn cầu, Nga nhận được sự ủng hộ được nhiều người hy vọng của Trung Hoa về “các đảm bảo an ninh ràng buộc pháp lý ở châu Âu”, trong khi Bắc Kinh yên tâm về lập trường của Nga đối với Đài Loan là “một phần không thể xâm phạm của Trung Hoa”.
Trung Hoa không chỉ tán thành các tuyên bố an ninh của Nga mà còn tham gia với Moscow trong việc đưa ra các tuyên bố bổ túc, bao gồm cả việc phản đối sự mở rộng toàn cầu của NATO mà không có tham chiếu cụ thể đến châu Âu. Mỹ phần lớn bị ảnh hưởng do việc xây dựng liên minh, chiến lược Ấn Độ Dương — Thái Bình Dương và quan hệ đối tác Aukus.
EU nên lưu ý điều này khi thực hiện các sáng kiến mới được công bố về Ấn Độ Dương — Thái Bình Dương của mình. Nga và Trung Hoa quan tâm đến an ninh toàn cầu ngoài phạm vi lợi ích địa lý của họ; Việc đưa khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào tuyên bố như một đấu trường cạnh tranh mới nổi với Washington chỉ nhằm củng cố vị thế đó.
Danh sách trao đổi thiện chí lẫn nhau của Moskva và Bắc Kinh vẫn tiếp diễn. Nga đã cùng Trung Hoa chỉ trích Nhật Bản về vụ xả nước nhiễm độc hạch tâm từ nhà máy Fukushima, một vấn đề mà Bắc Kinh quan tâm từ lâu.
Sau khi có được sự hậu thuẫn của Nga, Trung Hoa có thể lớn tiếng hơn khi đối phó với Nhật Bản về các vấn đề khu vực khác, trong đó nhiều vấn đề đang ngày càng trở nên phức tạp hơn khi hợp tác giữa Tokyo, Washington và Canberra ngày càng gia tăng.
Có vẻ như Moscow đã gián tiếp hậu thuẫn Bắc Kinh trong các cuộc tranh cãi thương mại với Mỹ và một số quốc gia châu Âu bằng cách phản đối các chính sách thương mại đơn phương và ủng hộ các cải cách đối với Tổ chức Thương mại Thế giới.
Moscow cũng nhận được sự ủng hộ không nhỏ từ Bắc Kinh khi cả hai đều tố cáo việc chính trị hóa Tổ chức Cấm vũ khí hóa học, mà các thành viên của họ phần lớn đổ lỗi cho Nga về vụ đầu độc một cựu điệp viên Nga và con gái ông ta ở Anh vào tháng 3/2018.
Khái niệm “an ninh không thể chia cắt”, được Moskva quảng bá rộng rãi, cũng được đưa vào thông cáo chung, trong khi việc tán thành tuyên bố “P5” về ngăn chặn chiến tranh hạch tâm có thể được coi là một điểm khác được Putin ghi nhận, kể từ khi sáng kiến này bắt đầu ở Moscow.
Trong khi đó, các dự án dầu khí mới đóng vai trò là minh chứng cho liên minh năng lượng Nga — Trung đang phát triển, vì chúng được kỳ vọng sẽ đưa Nga trở thành nước cung cấp khí đốt lớn nhất cho Trung Hoa, trong khi 25% tổng lượng dầu do công tynăng lượng khổng lồ Rosnef thuộc nhà nước Nga sản xuất sẽ đến Trung Hoa.
Sự kéo dài nhiều năm của các thỏa thuận cho phép cả hai quốc gia phòng ngừa trước loại bất ổn thị trường toàn cầu hiện đang bao trùm châu Âu và châu Á.
Về hợp tác trong không gian, Moskva và Bắc Kinh đã tiến xa hơn khi đồng ý phối hợp hệ thống định vị vệ tinh của họ, điều này sẽ thách thức hệ thống GPS của Washington và mạng Galileo của châu Âu.
Hợp tác Nga — Trung ở Bắc Cực cũng được đề cập trong tuyên bố, ám chỉ các kế hoạch ưu tiên của hai bên về lâu dài.
Nhà thầu vũ trụ Trung Hoa lên kế hoạch cho năm ‘gian nan’ khi cuộc chạy đua vũ trụ giữa Trung Hoa và Mỹ tăng ltốc độ.
Tuyên bố hết sức toàn diện, bao gồm tất cả các lĩnh vực hợp tác quốc tế Nga-Trung kể cả an ninh toàn cầu, kinh tế thế giới, địa chính trị, phân phối lại quyền lực, hệ tư tưởng và giá trị, cũng như quản lý internet và trí tuệ nhân tạo.
Tất cả điều này cho thấy rằng tương lai của nền chính trị toàn cầu sẽ được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh ý thức hệ giành vai trò kiến trúc sư chính của một trật tự thế giới mới, với việc Moscow và Bắc Kinh đã sẵn sàng đồng sản xuất các bản vẽ mới.
Mặc dù mối quan hệ đối tác như vậy không được tạc thành đá và các lợi ích của Nga — Trung có thể dao động hoặc ngay cả có thể thay đổi trong thời gian dài, nhưng các khuynh hướng địa chính trị toàn cầu hiện nay dường như đang tuân theo các khuôn mẫu của hội nghị thượng đỉnh giữa Putin và Tập.
Tác giả | Danil Bochkov là chuyên gia tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga
© 2022 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: China and Russia cement their bond as Xi and Putin take a stance against US dominance | Danil Bochkov | SCMP | 9 Feb, 2022