Chiến thuật ‘trường chinh’ của Putin ở Ukraine
Alina Polyakova và Daniel Fried | Trà Mi
Phương Tây làm thế nào để vẫn có thể bảo vệ Kyiv
Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đã sẵn sàng mở cuộc xâm lăng vũ bão vào Ukraine. Ông đã tập trung quân đội gần biên giới, từ chối những cố gắng và đề nghị của phương Tây nhằm đi đến một giải pháp ngoại giao, và gần đây nhất là công nhận nền độc lập của cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Luhansk và Donetsk, và đưa quân đội với vũ khí của Nga vào khu vực ngay sau đó. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã gọi việc Nga tiến vào Donbas là một “cuộc xâm lược không thể phủ nhận được”, đồng thời công bố một loạt những biện pháp trừng phạt đối với những tổ chức tài chính, nợ công và những cá nhân người Nga. Đây là những bước tạm thời; Biden cảnh cáo rằng sẽ có thêm những biện pháp trừng phạt khác nếu Nga tiếp tục leo thang khủng hoảng. Berlin cũng đã tạm dừng chứng nhận đường dẫn khí đốt Nord Stream 2 giữa Nga với Đức, đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách của nước này đối với Nga và lên tiếng cảnh cáo Putin rằng sự hung hăng của ông đang khiến Nga bị Đức cùng với những nước khác ở châu Âu xa lánh.
Điện Kremlin chắc chắn đang theo dõi sát những phản ứng của Hoa Kỳ và châu Âu, và Putin có thể đang tính đến một loạt những kịch bản có thể diễn ra. Nga có thể vẫn tiến hành cuộc xâm lăng vào Ukraine, như chính quyền Biden dự kiến. Tuy nhiên, do Hoa Kỳ và châu Âu hiện đã công bố những lệnh trừng phạt mới và đang đe dọa nhiều hơn, nên Putin có thể chọn một chiến lược khác: đó là chiến thuật đường dài. Trong kịch bản này, ông sẽ tìm cách củng cố quyền kiểm soát đối với Ukraine mà không gây ra sự trừng phạt nghiêm khắc hơn từ Hoa Kỳ và châu Âu. Ông ta sẽ xoay sở để làm suy yếu chủ quyền của Ukraine bằng cách siết chặt nền kinh tế của nước này, mở những cuộc tấn công mạng làm tê liệt và kích động những cuộc đảo chính nhằm phá hoại hệ thống chính trị của Ukraine.
Putin có thể thấy kế sách này hấp dẫn bởi vì ông tin rằng thời gian đang ở phía của Nga. Ông có thể đoán trước rằng Washington cuối cùng sẽ mệt mỏi với việc đối đầu, chấp nhận hiện trạng và chuyển trọng tâm sang be bờ Trung Hoa. Ông cũng có thể cho rằng sự ủng hộ dành cho Ukraine ở châu Âu sẽ suy sụp khi giá khí đốt tăng và người tị nạn Ukraine tràn sang biên giới châu Âu. Theo suy nghĩ của ông, nỗi đau kinh tế kết hợp với nỗi sợ chiến tranh — đặc biệt đã ăn sâu vào quần chúng Đức — cuối cùng sẽ khiến Berlin phải nhượng bộ. Tại Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky đang chịu áp lực rất lớn và phải chuẩn bị tái tranh cử vào năm 2024. Nếu nền kinh tế Ukraine đang gặp khó khăn và công chúng ngày càng mệt mỏi vì mối đe dọa chiến tranh liên tục, nó có thể tạo ra sân diễn cho một nhân vật lãnh đạo dễ uốn nắn, thân thiện hơn với lợi ích của người Nga.
Cho đến nay, chính sách ngoại giao khôn ngoan của Washington đã dẫn đến một mặt trận thống nhất đáng nể giữa Hoa Kỳ và đồng minh, và chiến lược chung gồm những biện pháp trừng phạt phối hợp và leo thang có thể vẫn ngăn cản sự tiến chiếm toàn diện của quân Nga đối ở Ukraine. Nếu cách đối phó này thành công, Hoa Kỳ và đồng minh sẽ được đền đáp bằng một cuộc đấu tranh lâu dài, mờ mịt, cả vì tự do của Ukraine và chống lại sự xâm lược của Putin nói chung. Đến giờ, rõ ràng là chỉ cần Putin còn nắm quyền, sẽ không có chuyện quay trở lại một nước Nga hay trật tự quốc tế ổn định và có thể đoán trước được. Nếu những đồng minh xuyên Đại Tây Dương không muốn bị sa lầy như năm 2014, họ cần phải chuẩn bị cho một chặng đường dài.
BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Trước tiên, Hoa Kỳ và những đồng minh nên hướng tới việc xây dựng một chính sách lâu dài đối với Nga, rõ ràng về nguyện vọng của Putin. Muốn được như vậy, họ phải xét kỹ lại những bài học kinh nghiệm kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Trái với luận điệu than phiền của Điện Kremlin, Hoa Kỳ đã không có sự trừng phạt hoặc báo thù như công lý của kẻ thắng đối với nước Nga thời hậu Xô Viết. Phương Tây không yêu cầu nhà nước Nga bồi thường như đã đòi Đức bồi thường sau Thế chiến I. Ngược lại, phương Tây viện trợ khẩn cấp cho Nga và đề nghị hỗ trợ lâu dài hơn cho việc cải cách nói chung. Phương Tây đã cho Nga một vị trí trong cộng đồng Châu Âu-Đại Tây Dương và một sự “liên minh với liên minh NATO”, như chính quyền Clinton đã nói.
Tổng thống George W. Bush tiếp tục đường lối đó và tìm cách tăng cường quan hệ đối tác chiến lược của Washington với Nga, đặc biệt là sau vụ khủng bố 11/9. Nhưng cả Clinton và Bush đều không cố gắng mua lại quan hệ đối tác đó bằng cách cho phép Putin áp đặt kiểm soát chiến lược đối với đế chế Liên Xô cũ ở châu Âu, đặc biệt là sau khi những nạn nhân của đế chế đó đã tự mình lật đổ chủ nghĩa cộng sản và đạp đổ Bức màn Sắt. Đúng ra, họ từ chối giữ ranh giới ở châu Âu mà Stalin đã vạch ra vào năm 1945. Khi những nền dân chủ mới ở Trung và Đông Âu tiến tới hội nhập châu Âu-Đại Tây Dương, sự mở rộng của cả NATO và EU là lời hứa rằng một châu Âu bị chia cắt là chuyện của quá khứ.
Putin tin rằng thời gian là đang ở phía của ông ta.
Chính quyền Bush duy trì chính sách này ngay cả khi Putin phá hủy những gì đã có của một nền dân chủ Nga non trẻ, chỉ thay đổi hướng đi sau khi Nga xâm lược Gruzia vào năm 2008, đánh dấu điều mà nhiều người vào thời điểm đó coi là sự kết thúc của kỷ nguyên hợp tác Nga hậu Xô Viết với phương Tây. Ngay cả sau cuộc xung đột mang tính bước ngoặt này, chính quyền Obama đã cố gắng thiết lập lại quan hệ với Nga, nhưng chỉ để thấy rằng sự đàn áp của Putin ở trong nước và sự gây hấn ở nước ngoài khiến điều đó là không thể giải quyết được. Việc bắt đầu lại của Obama kết thúc với cuộc chiến của Nga ở Ukraine vào năm 2014.
Mặc dù chính Tổng thống Donald Trump dường như thích Putin và chế độ chuyên quyền của ông ta hơn những đồng minh dân chủ của Washington ở châu Âu, nhưng chính quyền của ông đã không, và đầu tư vào việc bảo đảm sườn phía đông của NATO, gửi viện trợ quân sự cho Ukraine và ban hành những lệnh trừng phạt mới. Kết quả là sự không nhất quán về chính sách của chính quyền Trump có thể khiến Putin kết luận rằng Hoa Kỳ đang rút khỏi những liên minh của mình, giúp ông ta được tự do hơn. Sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, chính quyền Mỹ đã coi Trung Hoa là thách thức lớn nhất của Hoa Kỳ và hy vọng sẽ “đưa Nga” vào một mối quan hệ “ổn định và có thể đoán trước được.” Nhưng như một viên chức cao cấp trong chính phủ thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia đã nói riêng về vấn đề này, hãy nhìn vào nơi đã dẫn dắt thế giới ngày nay.
Nói tóm lại, những chính quyền liên tiếp của Hoa Kỳ đã tìm đến Nga với hy vọng thúc đẩy quan hệ nhưng liên tục vấp phải sự thất vọng vì Putin không quan tâm đến việc có mối quan hệ hữu ích với phương Tây — ngoại trừ những điều khoản của riêng ông ta, với việc rảnh tay để đàn áp ở trong nước và gây hấn với những nước mà ông ta coi là lãnh thổ của Nga. Phương Tây phải đối phó với Putin như ông ta là: một bạo chúa giết đối thủ ngay tại nhà, gây chiến tranh chinh phục và không có hứng thú thực sự với chính sách ngoại giao kiểu phương Tây. Chừng nào Putin còn cai trị nước Nga, nước này vẫn là kẻ thù.
ĐẦU TƯ VÀO TƯƠNG LAI
Phương Tây không được trao quyền thống trị cho Putin ở châu Âu. Điều đó bắt đầu với việc ủng hộ chủ quyền của Ukraine về lâu dài chứ không chỉ đơn thuần là khi Putin đe dọa mở cuộc chiến tranh toàn diện. Phạm vi ảnh hưởng của Nga đối với Ukraine, ngay cả khi không có sự chiếm đóng quân sự trên cả nước, sẽ gây bất ổn cho Ukraine và khu vực: như Putin hiểu, nó sẽ buộc người dân Ukraine chấp nhận chế độ chuyên quyền vĩnh viễn, không có quyền tự quyết và nạn tham nhũng tràn lan ở quê nhà.
Nếu giai đoạn tiếp theo của Putin nhằm gây áp lực lên Ukraine gồm cả cưỡng bức kinh tế, thì Hoa Kỳ và châu Âu phải giúp nhà nước Liên Xô cũ tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của họ. Xã hội Ukraine đương đại gợi nhớ đến thế hệ trước của xã hội Ba Lan hoặc những quốc gia vùng Baltic: một lớp công dân háo hức với cuộc sống tốt đẹp hơn mà nhà nước pháp trị và tiến trình Âu hóa có thể mang lại. Để đạt được mục tiêu đó, Hoa Kỳ và châu Âu nên khuyến khích những người lãnh đạo Ukraine tiến hành những biện pháp thúc đẩy thị trường tự do và thực hiện nền pháp trị, gồm cả nỗ lực loại bỏ tham nhũng ở tất cả những cấp chính quyền, thể chế hóa việc đổi mới tư pháp và thực thi minh bạch trong những quy trình mua sắm công.
Chừng nào Putin còn cai trị nước Nga, nước này vẫn là kẻ thù.
Châu Âu phải dẫn đầu trong việc đầu tư vào nền kinh tế Ukraine. Đức đã đình chỉ tiến độ xây dựng đường ống Nord Stream 2 và đề nghị giúp Ukraine đạt được sự độc lập và hội nhập năng lượng nhiều hơn với châu Âu. Là cường quốc kinh tế của châu Âu và là nước cấp viện trợ lớn nhất cho Ukraine, Đức nên tập hợp những đồng minh châu Âu đầu tư vào sự phát triển bền vững của những lĩnh vực kinh tế chủ chốt của Ukraine, chẳng hạn như nông nghiệp. Ukraine cũng có một lĩnh vực kỹ thuật đang phát triển với những công ty sáng tạo trong thương mại điện tử, giao hàng và tài chính. Châu Âu, đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với Hoa Kỳ và Trung Hoa trong việc đổi mới kỹ thuật, nên tận dụng cơ hội ở Ukraine bằng cách thành lập quỹ đầu tư kỹ thuật để hỗ trợ quan hệ đối tác giữa những công ty châu Âu và Ukraine với những khoản tài trợ của chính phủ.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, tư cách thành viên NATO thường được coi là con đường dẫn tới sự hội nhập vào EU của những nền dân chủ mới ở Trung và Đông Âu. Nhưng vì tư cách thành viên NATO dường như không còn thấy trong tương lai gần đối với Kyiv, nên mô hình sẽ được đảo ngược: EU nên khám phá việc mở rộng cánh cửa trở thành thành viên của Ukraine. Những nước châu Âu hoài nghi về triển vọng sẽ rất tốt khi nhớ rằng những cuộc biểu tình chống chính phủ tại Kyiv’s Maidan Nezalezhnosti (“Công trường Độc lập”) vào năm 2013 đã bắt đầu dưới cờ của EU. Kể từ đó, hàng nghìn người Ukraine đã phải trả giá bằng mạng sống của họ cho mong muốn trở thành một phần của cộng đồng châu Âu. Vào thời điểm mà sự chia rẽ của châu Âu có nguy cơ làm suy yếu an ninh của lục địa, người châu Âu nên chấp nhận cam kết của người Ukraine đối với những giá trị và nguyên tắc của châu Âu cũng như tầm nhìn của họ về một lục địa thống nhất hơn.
NÓI NGÔN NGỮ CỦA PUTIN
Đầu tư vào khả năng phục hồi kinh tế và xã hội của Ukraine sẽ giảm bớt áp lực kinh tế của Putin, nhưng nó sẽ không ngăn cản những mối đe dọa quân sự của ông. Như nhà báo và sử gia Anne Applebaum đã nhắc, Putin chỉ hiểu ngôn ngữ của sức mạnh. Hoa Kỳ và những đồng minh, khi tán thành cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vào năm 2014, đã đánh mất cơ hội bảo đảm khả năng tự vệ của Ukraine. Mặc dù Washington đã viện trợ hơn 2,7 tỷ USD yểm trợ an ninh cho Ukraine và đã tăng cường viện trợ trong năm qua, nhưng như thế vẫn chưa đủ để răn đe Nga. Hoa Kỳ và những đồng minh NATO nên tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine bằng cách tiếp tục cung cấp vũ khí và huấn luyện trong khi vẫn còn một nhà nước Ukraina độc lập, gồm cả Biển Đen, nơi Nga đã quân sự hóa Crimea và hiện đang khẳng định quyền kiểm soát nhiều hơn nữa. Những đồng minh khác của NATO ở khu vực Biển Đen, đáng chú ý nhất là Romania và Thổ Nhĩ Kỳ, phải chia sẻ trách nhiệm để Hoa Kỳ không phải lãnh tất cả gánh nặng bảo đảm sự ổn định trong khu vực.
Phản kháng cũng có nghĩa là thách đố mọi hình thức gây hấn của Putin, cho dù ở châu Âu hay ở những nơi khác. Điều đó có nghĩa là không chỉ chống lại những hành động khiêu khích của Putin đối với sườn phía đông của NATO mà còn làm giảm sức đòn bẩy của Moscow đối với phương Tây. Nghĩa là những nước phương Tây được yêu cầu giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên và nguyên liệu của Nga như titan. Hoa Kỳ và châu Âu cũng sẽ cần phải ngăn chặn Putin và cộng đồng của ông ta không để những khoản tiền bất chính của họ vào hệ thống tài chính của phương Tây. Chính quyền Biden đã đưa ra một biện pháp chống tham nhũng chi tiết trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh vì Dân chủ: họ nên áp dụng những chính sách đó một cách toàn diện, nhưng đặc biệt là đối với Nga.
Chính quyền Biden và giới lãnh đạo châu Âu đã chuẩn bị những biện pháp trừng phạt tài chính cứng rắn và kiểm soát xuất cảng trong trường hợp Putin mở cuộc tấn công quân sự vào Ukraine. Nếu Putin lùi bước không mở cuộc xâm lược toàn diện bằng quân sự nhưng vẫn tiếp tục gây hấn theo những cách khác, Hoa Kỳ và châu Âu nên quyết định dùng biện pháp nào trong số những hành động này họ đang dự phòng và họ sẽ sử dụng biện pháp nào để đáp trả sự hung hăng của Nga dưới bậc thềm qua cửa chiến tranh.
NGHĨ LẠI VỀ NGA
Như Hoa Kỳ đã học trong Chiến tranh Lạnh, họ có thể đàm phán về mối quan hệ đối địch với một quốc gia khác. Ngay cả khi chống lại sự hung hăng của Putin, Washington nên đưa ra những biện pháp kiểm soát vũ khí quy ước và chiến lược, minh bạch quân sự, giảm thiểu rủi ro và những biện pháp khác để ổn định mối quan hệ. Kiểm soát vũ khí có thể giúp chuyển một cuộc cạnh tranh chiến lược từ những khu vực có nguy cơ lớn nhất đối với Hoa Kỳ và châu Âu, chẳng hạn như những khu vực quân sự quy ước hoặc hạch tâm, sang những lĩnh vực có cơ hội lớn hơn như ràng buộc lâu dài với xã hội Nga.
Hành động của Putin không nhất thiết phản ảnh đỉnh cao tất yếu của lịch sử Nga. Hoa Kỳ và châu Âu nên bổ túc một chính sách đối phó với đối thủ hiện tại của họ ở Điện Kremlin bằng cách đầu tư vào mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga. Điều đó có nghĩa là cho người Nga có được thông tin để phá vỡ bộ máy tuyên truyền của Điện Kremlin; hậu thuẫn những nhà báo điều tra Nga tìm cách vạch trần sự dối trá và tham nhũng trong hệ thống của chính họ; và cổ vũ cho những thành viên can đảm của xã hội Nga đang bị bao vây — gồm cả những người sống lưu vong ở nước ngoài — những người đang đi tìm một tương lai tốt đẹp cho bản thân và đất nước của họ hơn tương lai mà Putin đưa ra. Sự yểm trợ như vậy đã có. Nhưng nó cần phải được tăng cường, đặc biệt là khi sự đàn áp của Putin ngày càng gia tăng.
Đã quá hạn để Hoa Kỳ suy nghĩ lại chiến lược về Nga của mình. Những nỗ lực liên tiếp để điều chỉnh lại những mối quan hệ đã thử và thấy là cần. Sự hiếu chiến của Putin đã gây ra tình trạng hôm nay. Nhiệm vụ của Washington là làm cho Putin thất bại và giải pháp dân chủ của phương Tây — dựa trên một trật tự thế giới tự do, dựa trên luật pháp — sẽ thắng thế.
Tác giả | Alina Polyakova là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu (CEPA) và là Trợ Giáo về Nghiên cứu Châu Âu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins.
Daniel Fried là thành viên ưu tú tại Hội đồng Đại Tây Dương. Ông là Cán bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 1977 đến năm 2017, đảm nhiệm những chức vụ Phụ tá Ngoại trưởng phụ trách những vấn đề châu Âu và Đại sứ Mỹ tại Ba Lan.
© 2022 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Putin’s Long Game in Ukraine | Alina Polyakova and Daniel Fried | Foreign Affairs | February 23, 2022